Luật tố tụng hình sự

Chúng tôi xin giới thiệu bài Luật tố tụng hình sự được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Khái niệm luật tố tụng hình sự

Luật Tố tụng hình sự (TTHS) là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành nhằm quy định trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự gồm các giai đoạn: khởi tố vụ án, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm và thi hành án hình sự.

Luật TTHS có mối liên hệ mật thiết với Luật Hình sự. Đây là mối liên hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức. Luật Hình sự quy định thế nào là tội phạm, đặc điểm cấu thành của một tội phạm cụ thể, quy định mức hình phạt và chế tài hình sự. Trong khi đó, Luật TTHS quy định cách thức, trình tự giải quyết một vụ án nhằm xử lí nghiêm minh người phạm tội. chính vì vậy, khi cơ quan THTT, người tiến hành THTT giải quyết vụ án, việc chứng minh tội phạm không thể tách rời với các quy định của Luật Hình sự về các tội phạm cũng như chế tài hình sự. Đây là cơ sở để cơ quan THTT, người THTT ra các quyết định tố tụng về số phận pháp lí của người phạm tội. Theo đó, quá trình giải quyết vụ án hình sự (VAHS) bao gồm một bên là cơ quan có thẩm quyền THTT, người có thẩm quyền THTT; bên còn lại là người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác.

Cơ quan có thẩm quyền THTT và người có thẩm quyền THTT bao gồm:

Cơ quan THTT: cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.

Người THTT: là những người đại diện cho các cơ quan THTT được phân công giải quyết VAHS, bao gồm:

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra,

Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư kí Tòa án, Thẩm tra viên, Hội thẩm.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư.

Người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra: Đây là một số người làm việc trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Những người này được liệt kê tại khoản 2, Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) tương ứng với từng cơ quan như: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm họ được quy định tại các Điều 39, 40 BLTTHS.

Người tham gia tố tụng bao gồm:

Người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lí trong vụ án: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 57 BLTTHS); Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt (Điều 58 BLTTHS); Người bị tạm giữ (Điều 59 BLTTHS); Bị can (Điều 60 BLTTHS); BỊ cáo (Điều 61 BLTTHS); Bị hại (Điều 62 BLTTHS);

Nguyên đơn dân sự (Điều 63 BLTTHS); Bị đơn dân sự (Điều 64 BLTTHS); Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 65 BLTTHS).

Người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những chủ thể khác: Người bào chữa (Điều 72 - 82 BLTTHS); Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83 BLTTHS); Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84 BLTTHS).

Người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 56 BLTTHS); Người làm chứng (Điều 66 BLTTHS); Người chứng kiến (Điều 67 BLTTHS); người giám định (Điều 68 BLTTHS); Người định giá tài sản (Điều 69 BLTTHS); Người phiên dịch, người dịch thuật (Điều 70 BLTTHS).

Ví dụ: A đột nhập vào nhà B trộm cắp tài sản là chiếc xe máy. Khi đang thực hiện hành vi trộm cắp, A bị người dân phát hiện và đuổi bắt. Người dân giao nộp A cho cơ quan công an có thẩm quyền. Xét thấy hành vi của A là hành vi trái pháp luật hình sự (vi phạm Điều 173 BLHS năm 2015), gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền tài sản của người dân là quyền được nhà nước bảo vệ, cơ quan điều tra thuộc lực lượng Công an nhân dân ra quyết định khởi tố VAHS, khởi tố bị can đối với A.

Phân tích tình huống trên, ta thấy có những mối quan hệ pháp luật sau:

A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự.

A bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố VAHS, khởi tố bị can làm phát sinh mối quan hệ pháp luật TTHS. Trong mối quan hệ này, A là người bị buộc tội về hành vi trộm cắp tài sản theo BLHS năm 2015. Mối quan hộ giữa A và cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án là mối quan hệ giữa cơ quan THTT với người tham gia tố tụng.

B là người bị thiệt hại về tài sản do hành vi trộm cắp của A gây ra, do đó, B là bị hại trong vụ án. Mối quan hệ giữa B và cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án là mối quan hệ pháp luật TTHS giữa cơ quan THTT với người tham gia tố tụng.

2. Nhiệm vụ của luật tố tụng hình sự

Theo quy định tại Điều 2 BLTTHS, luật TTHS có những nhiệm vụ sau:

  • Bảo đảm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lí công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
  • Góp phần bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  • Giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
  • Để thực hiện các nhiệm vụ trên, BLTTHS quy định những vấn đề sau (phạm vi điều chỉnh):
  • Trình tự, thủ tục giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự.
  • Nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền THTT.
  • Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người có thẩm quyền THTT.
  • Quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

3. Thủ tục giải quyết vụ án hình sự

Việc giải quyết vụ án hình sự trải qua một quá trình và theo một trình tự luật định. Quá trình đó bao gồm các hoạt động qua các bước khác nhau (như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm) do các chủ thể khác nhau thực hiện ở những thời điểm khác nhau. Quá trình này có thể được phân chia thành những giai đoạn mang tính tuần tự, logic và nối tiếp nhau trong một chuỗi tố tụng thống nhất. Sự phân chia các giai đoạn tố tụng hình sự chỉ mang tính chất lí luận, bởi mỗi giai đoạn tố tụng tuy độc lập nhưng vẫn nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Kết quả của giai đoạn trước là cơ sở pháp lí cho giai đoạn tố tụng tiếp theo. Ngược lại, hoạt động của giai đoạn tố tụng sau sẽ phản ánh kết quả của giai đoạn tố tụng trước. Việc kết thúc một giai đoạn tố tụng phải được thể hiện bằng văn bản tố tụng.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan THTT được xây dựng theo các cấp khác nhau, dựa vào ba dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu về mặt lãnh thổ: căn cứ vào nơi trốn thực hiện hành vi phạm tội, xác định thẩm quyền cơ quan THTT trên địa bàn lãnh thổ nào có quyền tiến hành.
  • Dấu hiệu về đối tượng (người) phạm tội: căn cứ này nhằm phân định thẩm quyền giải quyết vụ án nào thuộc các cơ quan THTT trong quân đội tiến hành.
  • Dấu hiệu về mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội: căn cứ này nhằm phân định thẩm quyền tiến hành của cơ quan THTT các cấp (huyện, tỉnh hay khu vực và quân khu).

3.1. Khởi tố vụ án hình sự

Khái niệm: Khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn độc lập của quá trình chứng minh vụ án hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án. Giai đoạn khởi tố bắt đầu từ việc tiếp nhận thông tin về tội phạm hoặc phát hiện dấu hiệu tội phạm và kết thúc bằng một quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Nhiệm vụ: Xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm đế khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Chủ thể thực hiện: Vì là giai đoạn đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhằm ngăn chặn và xử lí kịp thời tội phạm nên việc khởi tổ vụ án được giao cho nhiều chủ thể có quyền thực hiện.

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra:

  • Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lí, giải quyết.
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 BLTTHS.

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Viện Kiểm sát: Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hình sự trong ba trường hợp sau:

  • Viện Kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
  • Viện Kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
  • Viện Kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử: Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ba cơ quan THTT, pháp luật còn trao thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cho các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra.

Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại: Trong một số trường hợp, đối với một số hành vi phạm tội ở mức độ ít nghiêm trọng, pháp luật cho phép cơ quan có thẩm quyền THTT chỉ khởi tố vụ án hình sự khi người bị hại yêu cầu. Đây là chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Theo quy định tại Điều 155 BLTTHS, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tùy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục THTT đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

3.2. Điều tra vụ án hình sự

Khái niệm: Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc truy tố của Viện Kiểm sát và xét xử của Tòa án.

Nhiệm vụ:

Thu thập chứng cứ để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc truy tố; góp phần đảm bảo cho việc xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Xác định chính xác tính chất, mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra tạo cơ sở cho Tòa án xét xử và quyết định mức bồi thường thiệt hại được chính xác.

Phát hiện những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm để từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Chủ thể thực hiện: Khác với hoạt động khởi tố vụ án, công tác điều tra chỉ do cơ quan điều tra tiến hành. Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, lai lịch người phạm tội rõ ràng. Với chức năng giám sát hoạt động điều tra, cơ quan Viện Kiểm sát cũng được thực hiện một số hoạt động điều tra trong những trường hợp trực tiếp phát hiện tội phạm hoặc những trường hợp luật định, cụ thể là: khởi tố vụ án; khởi tố bị can; tiến hành hỏi cung bị can; tiến hành trưng cầu giám định, thực nghiệm điều tra khi thấy cần thiết.

3.3. Truy tố vụ án hình sự

Khái niệm: Truy tố là giai đoạn của tố tụng hình sự do Viện Kiểm sát có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết nhằm buộc tội bị can trước Tòa án có thẩm quyền bằng bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố.

Chức năng và nhiệm vụ:

Giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án và cơ quan Tòa án. Đảm bảo việc điều tra tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Đảm bảo việc ra quyết định truy tố cũng như các quyết định tố tụng khác có căn cứ và hợp pháp, góp phần thực hiện tốt chức năng buộc tội nhân danh nhà nước một cách thuyết phục.

3.4. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Khái niệm: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là xét xử ở cấp thứ nhất do Tòa án có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở truy tố của Viện Kiểm sát theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Thẩm quyền: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của các Toà án được xác định dựa trên những dấu hiệu sau:

Dấu hiệu thể hiện tính nghiêm trọng, phức tạp của loại tội phạm (thẩm quyền theo vụ việc).

Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án Quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những trường hợp quy định tại điểm a, b, c, khoản 1, Điều 268 BLTTHS.

Tòa án nhân dân cấp Tỉnh và Tòa án Quân sự Quân khu có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hai loại vụ việc sau: 1) Những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án Quân sự khu vực. Đó là những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng và những vụ án về các tội được quy định tại điểm a, b, c, khoản 1, Điều 268 BLTTHS; 2) Những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.

Dấu hiệu thể hiện địa điểm tội phạm hay hành vi tố tụng (thẩm quyền theo lãnh thổ, Điều 269 BLTTHS). Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là sự phân định thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án cùng cấp với nhau căn cứ vào nơi tội phạm thực hiện hoặc nơi kết thúc điều tra.

Dấu hiệu liên quan đến người phạm tội (thẩm quyền theo đối tượng). Thẩm quyền xét xử theo đối tượng là sự phân định thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Toà án Quân sự căn cứ vào chủ thể tội phạm hay đối tượng bị tội phạm xâm hại (Điều 272 BLTTHS).

Bản án sơ thẩm của Tòa án không có hiệu lực thi hành ngay và có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

3.5. Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Khái niệm: Xét xử phúc thẩm là giai đoạn của tố tụng hình sự mà trong đó Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm vụ án chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Tính chất của xét xử phúc thẩm (Điều 330 BLTTHS)

Thủ tục phúc thẩm không phải là thủ tục đương nhiên, bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự mà chỉ phát sinh khi bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Chủ thể có quyền kháng cáo bao gồm: bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phạm vi kháng cáo là nội dung bản án hoặc quyết định sơ thẩm dành cho bị cáo có liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ. Trong trường hợp vụ án có người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho đương sự tham gia bảo vệ cho người chưa thành niên (ví dụ luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên, hoặc bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là người chưa thành niên) thì họ cũng có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm liên quan đến quyền lợi của thân chủ hoặc đương sự mà mình bảo vệ.

Chủ thể có quyền kháng nghị bản án và quyết định sơ thẩm là Viện Kiểm sát cùng cấp. Phạm vi kháng nghị là một phần hoặc toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã xét xử sơ thẩm sẽ có quyền xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay sau khi tuyên án; quyết định phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định theo quy định (Điều 343 BLTTHS).

3.6. Giám đốc thẩm và tái thẩm

Giám đốc thẩm: là thủ tục xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình xử lí vụ án.

Tái thẩm: là việc Tòa án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị vì phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà khi ra bản án và quyết định, thẩm phán không thể biết được.

3.7. Thủ tục tố tụng đặc biệt

Thủ tục đối với người dưới 18 tuổi: Người dưới 18 tuổi là người có đặc điểm đặc thù về nhân thân. Đây là lứa tuổi chưa hoàn thiện về nhân cách và năng lực hành vi như người trưởng thành. Chính vì vậy, khi họ tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật TTHS nói riêng, nhóm người này cần được đặc biệt quan tâm. Nhà nước đã có những chính sách pháp luật đặc thù để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi, cần lưu ý những nội dung sau:

Phạm vi áp dụng (Điều 413 BLTTHS):

Thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.

Nguyên tắc THTT (Điều 414 BLTTHS):

  • Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lí, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
  • Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
  • Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Đoàn Thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lí, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
  • Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
  • Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lí của người dưới 18 tuổi.
  • Bảo đảm các nguyên tắc xử lí của BLHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
  • Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Người THTT (Điều 415 BLTTHS): Người THTT đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết vẽ tâm lí học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Những vấn đề cần xác định khi THTT đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (Điều 416 BLTTHS):

  • Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi.
  • Điều kiện sinh sống và giáo dục.
  • Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục.
  • Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.

Thủ tục rút gọn: Là thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, không áp dụng phổ biến đối với tất cả các trường hợp phạm tội mà chỉ áp dụng đối với những vụ án hội đủ các điều kiện mà pháp luật quy định nhằm mục đích rút ngắn về mặt thời gian và giản gọn về thủ tục, chỉ áp dụng giới hạn trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp vụ án phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm sẽ áp dụng theo thủ tục chung.

Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:

  • Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú.
  • Sự việc phạm tội đơn giải, chứng cứ rõ ràng.
  • Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng.
  • Người phạm tội có nơi cư trú, lí lịch rõ ràng.

Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các Điều kiện:

  • Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
  • Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân: Hiện tại, BLTTHS năm 2015 đã dành hẳn Chương XXIX quy định về thủ tục truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Những quy định này bao gồm các quy định liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra, BLTTHS cũng đã xây dựng những điều khoản về các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân trong quá trình tố tụng, cũng như quyền và nghĩa vụ của người đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng. Theo đó, quy trình tố tụng trong vụ án truy cứu TNHS của pháp nhân có những đặc điểm sau:

  • Tuân thủ quy trình tố tụng chung về khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với cá nhân bị buộc tội thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
  • Không áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự đối với cá nhân bị buộc tội như: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm và bảo lãnh. Ngược lại, có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thông qua người đại diện của pháp nhân, bao gồm: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ hoạt động, nộp tiền đảm bảo thi hành án.
  • Hoạt động chứng minh cần đặc biệt tập trung phân biệt làm rõ giữa lỗi của pháp nhân và lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Luật tố tụng hình sự về khái niệm, đặc điểm và nhiệm vụ đặc điểm của luật tố tụng hình sự...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 242
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm