Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 25 CTST

VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết KHTN lớp 7 bài 25: Hô hấp tế bào được sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 7 sách Chân trời sáng tạo. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

1.1. Hô hấp tế bào

- Hô hấp tế bào là quá trình phân giải các chất hữu cơ (chủ yếu là đường glucose) diễn ra bên trong tế bào, đồng thời giải phóng năng lượng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể.

+ Chất hữu cơ bị phân giải thành sản phẩm cuối cùng là carbon dioxide và nước

+ Một phần năng lượng được giải phóng từ quá trình này được tích lũy trong các phần tử ATP để cung cấp cho hoạt động sống, phần còn lại được giải phóng dưới dạng nhiệt.

- Tùy vào nhu cầu năng lượng của cơ thể mà cường độ của quá trình hô hấp tế bào có thể diễn ra mạnh hay yếu.

- Ở sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp tế bào diễn ra trong ti thể

Hình 25.1. Hô hấp tế bào

- Phương trình hô hấp tế bào:

Glucose + Oxygen \to Nước + Carbon dioxide + Năng lượng (ATP + nhiệt)

1.2. Mối quan hệ hai chiều giữa tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào

- Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào là hai quá trình có biểu hiện trái ngược nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

+ Tổng hợp là quá trình các chất đơn giản được sử dụng làm nguyên liệu tổng hợp các chất hữu cơ phức tạp (protein, carbohydrate, lipid, ...), đồng thời tích lũy năng lượng dưới dạng hoá năng

+ Phân giải là quá trình biến đổi các chất hữu cơ thành những chất đơn giản, đồng thời giải phóng năng lượng.

=> Trong các phản ứng chuyển hoá của tế bào, sản phẩm của quá trình tổng hợp cung cấp nguyên liệu cho quá trình phân giải; quá trình phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.

Hình 25.2. Sơ đồ mối quan hệ hai chiều giữa tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào

1.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào

- Cường độ của quá trình hô hấp tế bào bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố chủ yếu như: nhiệt độ, hàm lượng nước, nồng độ oxygen, nồng độ carbon dioxide.

Bảng 25.1. Ảnh hướng của một số yếu tố đến hô hấp tế bào

1.4. Vận dụng hiểu biết về hô hấp tế bào trong thực tiễn

a. Mối quan hệ giữa hô hấp tế bào và bảo quản lương thực

- Hô hấp tế bào là quá trình phân giải các chất hữu cơ, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của lương thực, thực phẩm nếu điều kiện bảo quản không phù hợp hoặc bảo quản trong thời gian quá dài.

=> Trong quá trình bảo quản, phải có những biện pháp để làm giảm cường độ của quá trình hô hấp.

- Một số biện pháp phổ biến được dùng để bảo quản lương thực, thực phẩm hiện nay:

+ Bảo quản lạnh: biện pháp bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thấp trong các kho lạnh hay tủ lạnh. Biện pháp này được dùng để bảo quản các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả.

Ví dụ: các loại rau, củ được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh; các loại thịt tươi sống được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.

+ Bảo quản khô: Biện pháp này nhằm làm giảm hàm lượng nước có trong nông sản, được áp dụng chủ yếu trong bảo quản các loại hạt giống.

Ví dụ: Các loại hạt được phơi khô hoặc sấy khô trước khi đem bảo quản. Đối với các loại ngũ cốc, độ ẩm tối ưu khoảng 11 – 12%, độ ẩm giới hạn là 14 – 15%.

+ Bảo quản trong điều kiện nồng độ carbon dioxide cao: biện pháp bảo quản hiện đại và cho hiệu quả bảo quản cao. Nồng độ carbon dioxide thích hợp là điều kiện rất quan trọng đối với các đối tượng bảo quản và mục đích bảo quản.

Ví dụ: Nhiều loại trái cây thường được bảo quản trong các kho kín có nồng độ carbon dioxide cao hoặc đơn giản hơn là túi polyethylene

+ Bảo quản trong điều kiện nồng độ oxygen thấp: Việc làm giảm nồng độ oxygen có tác dụng làm giảm hô hấp, nhờ đó, tăng hiệu quả của quá trình bảo quản.

Ví dụ: Nhiều loại thực phẩm được bảo quản bằng cách hút chân không.

b. Mối quan hệ giữa hô hấp tế bào và bảo vệ sức khoẻ con người

- Hô hấp tế bào tạo nguồn năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể sinh vật.

- Ở người, cần có những biện pháp nhằm đảm bảo quá trình hô hấp tế bào diễn ra bình thường, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người.

- Một số biện pháp được đưa ra để bảo vệ sức khoẻ như: có chế độ lao động hoặc chơi thể thao vừa sức, tránh thiếu hụt oxygen; có chế độ dinh dưỡng hợp lí; trồng nhiều cây xanh; không sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất có tác dụng ức chế quá trình hô hấp; ...

1. Hô hấp tế bào là quá trình tế bào phân giải chất hữu cơ tạo thành carbon dioxide, nước, đồng thời giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.

Glucose + Oxygen →Nước + Carbon dioxide + Năng lượng (ATP + nhiệt)

2. Quá trình tổng hợp và phân giải các chất hữu cơ trong tế bào là hai quá trình trái ngược nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau đảm bảo duy trì các hoạt động sống của tế bào.

3. Cường độ của quá trình hô hấp tế bào bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố chủ yếu như: nhiệt độ, hàm lượng nước, nồng độ oxygen, nồng độ carbon dioxide.

4. Vận dụng hiểu biết về quá trình hô hấp tế bào, người ta có thể dùng các biện pháp để làm giảm cường độ của quá trình hô hấp nhằm tăng hiệu quả bảo quản lương thực, thực phẩm. Một số biện pháp được dùng để bảo quản lương thực, thực phẩm như: bảo quản lạnh, bảo quản khô, bảo quản trong điều kiện nồng độ carbon dioxide cao và nồng độ oxygen thấp. Các biện pháp đảm bảo điều kiện thuận lợi cho quá trình hô hấp tế bào cũng góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

B. Bài tập minh họa

Bài tập 1: Tại sao nói quá trình tổng hợp và phân giải các chất hữu cơ trong tế bào có mối quan hệ mật thiết với nhau?

Hướng dẫn giải:

Trong các phản ứng chuyển hoá của tế bào, sản phẩm của quá trình tổng hợp cung cấp nguyên liệu cho quá trình phân giải; ngược lại, quá trình phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.

Bài tập 2: Hãy giải thích vì sao khi đói, cơ thể người thường cử động chậm và không muốn hoạt động.

Hướng dẫn giải:

Khi đói, lượng đường glucose trong máu giảm, khi đó cơ thể sẽ thiếu nguyên liệu (glucose) cho hô hấp tế bào dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống, vì vậy cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, tay chân cử động chậm chạp.

Bài tập 3: Để bảo quản nhiều loại rau, củ, quả được lâu, chúng ta không nên rửa chúng trước khi cho vào tủ lạnh. Hãy giải thích tại sao.

Hướng dẫn giải:

Việc rửa rau, củ, quả trước khi cho vào tủ lạnh sẽ làm tăng độ ẩm dẫn đến kích thích quá trình hô hấp làm chúng bị hư hỏng nhanh hơn, đồng thời, độ ẩm tăng sẽ kích thích sự phát triển của nấm mốc gây hại. Chỉ nên rửa rau, củ, quả trước khi ăn.

C. Trắc nghiệm KHTN 7 bài 25

------------------------------------

Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 25: Hô hấp tế bào CTST trên đây các bạn có thể tham khảo Toán lớp 7 tập 1 Chân trời sáng tạoNgữ Văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo, Công Nghệ 7 CTST,...... theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành. VnDoc.com liên tục cập nhật Lời giải, đáp án các dạng bài tập Chương trình sách mới cho các bạn cùng tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 118
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Haraku Mio
    Haraku Mio

    🤗🤗🤗🤗🤗🤗

    Thích Phản hồi 10:23 15/07
    • Phô Mai
      Phô Mai

      💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 10:23 15/07
      • Tiểu Thái Giám
        Tiểu Thái Giám

        👌👌👌👌👌👌👌

        Thích Phản hồi 10:23 15/07

        KHTN 7 Chân trời sáng tạo

        Xem thêm