Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Mục tiêu của chính sách tiền tệ

Chúng tôi xin giới thiệu bài Mục tiêu của chính sách tiền tệ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết đầy đủ của môn Tài chính tiền tệ để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Trong nền kinh tế thị trường, nhiệm vụ chung của chính sách tiền tệ là một mặt cung ứng đủ tiền cho nền kinh tế, mặt khác đảm bảo sự ổn định giá trị đối nội và đối ngoại của đồng tiền, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là chính sách tiền tệ theo đuổi các mục tiêu sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Một nền kinh tế phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng ổn định là mục tiêu của bất kỳ chính sách kinh tế vĩ mô nào. Khi nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, sẽ nâng thu nhập của người lao động, đảm bảo các chính sách xã hội được thỏa mãn, trên cơ sở đó ổn định về chính trị và xã hội.

Thực hiện mục tiêu này, ngân hàng trung ương thường cung thêm một khối lượng tiền vào lưu thông. Khi khối tiền tăng lên, lãi suất tín dụng thường giảm xuống, kích thích đầu tư, tăng tổng sản phẩm quốc nội. Mặt khác, khi tăng khối lượng tiền làm tăng tổng cầu, kích thích gia tăng sản xuất.Ngược lại, khối lượng tiền giảm, đầu tư giảm, tổng sản phẩm quốc nội giảm.

2. Tạo công ăn việc làm

Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ cũng hướng vào mục tiêu tạo công ăn việc làm cho mỗi người, nhất là đối với các quốc gia chưa phát triển. Chính sách tiền tệ chỉ có thể hướng vào việc tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, thông qua các tác động để mở rộng đầu tư, mở rộng hoạt động kinh tế. Chống thất nghiệp, tạo công ăn việc làm chỉ có thể đạt tới mức nhân dụng cao nhất, khó có thể toàn dụng nhân công. Muốn đạt được mục tiêu về công ăn việc làm thì phải chống suy thoái, đạt được mức tăng trưởng ổn định.

Nếu chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương nhằm mở rộng cung ứng tiền tệ thì sẽ tạo điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp và nền kinh tế cần nhiều lao động hơn, công ăn việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Ngược lại, cung ứng tiền tệ giảm xuống sẽ thu hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và nhà nước cần ít lao động hơn, công ăn việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng.

3. Kiểm soát lạm phát

Trong điều kiện lưu thông tiền vàng hay tiền giấy tự do chuyển đổi ra vàng thì giá trị tiền tệ luôn luôn được ổn định do cơ chế tự phát của tiền vàng.

Trong điều kiện lưu thông tiền giấy không được tự do chuyển đổi ra vàng, lạm phát luôn là khả năng tiềm tàng, ngân hàng trung ương coi việc kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền là mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ. Kiểm soát lạm phát nhằm ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ là tiền đề cho việc phát triển kinh tế lâu dài, đảm bảo ổn định đời sống người lao động.

Thông qua chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương có thể góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát. Với chính sách tiền tệ mở rộng, lượng cung tiền trong nền kinh tế sẽ tăng, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên dẫn đến tình trạng lạm phát. Ngược lại, với chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế lượng cung tiền trong nền kinh tế, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm xuống, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm.

Kiểm soát lạm phát được biểu hiện trước hết ở chỗ ổn định giá trị đối nội của đồng tiền (sức mua của nó đối với hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước) và giá trị đối ngoại của đồng tiền (được đo bằng tỷ giá hối đoái thả nổi). Trong nền kinh tế mở, tỷ giá đồng tiền được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Bởi vì, một sự tăng lên trong giá trị đồng bản tệ so với ngoại tệ sẽ hạn chế xuất khẩu. Ngược lại, giá trị đồng bản tệ giảm xuống so với ngoại tệ sẽ khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Giá trị đối nội và đối ngoại của đồng tiền có quan hệ mật thiết với nhau. Muốn ổn định tiền tệ và phát triển kinh tế - xã hội, nhà nước phải có biện pháp ổn định giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước cũng như ổn định tỷ giá hối đoái.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Mục tiêu của chính sách tiền tệ về mặt cung ứng đủ tiền cho nền kinh tế, mặt khác đảm bảo sự ổn định giá trị đối nội và đối ngoại của đồng tiền, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Mục tiêu của chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 517
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm