Nội dung và yêu cầu của kiểm tra

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài Nội dung và yêu cầu của kiểm tra được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Nội dung kiểm tra

Nhiệm vụ của kiểm tra trong quản trị là phải xác định, sửa chữa được những sai lệch trong hoạt động của tổ chức so với mục tiêu, kế hoạch và tìm kiếm các cơ hội, tiềm năng có thể khai thác để hoàn thiện, cải tiến, đổi mới không ngừng mọi yếu tố của hệ thống. Việc thiết lập hệ thống kiểm tra có khả năng cung cấp đầy đủ thông tin phản hồi về mọi hoạt động của hệ thống một cách nhanh chóng, kịp thời là công việc khó khăn. Các nhà quản trị luôn phải đối mặt với những câu hỏi: Cần kiểm tra cái gì? Các cuộc kiểm tra cần tiến hành thường xuyên với những mức độ thế nào? Trong hoạt động của hệ thống sai lệch có thể xảy ra ở đâu và có thể gây nên những thiệt hại gì?

Sai lầm có thể nảy sinh từ nhiều khâu, nhiều yếu tố, nhiều người trong hệ thống nên có những nhà quản trị luôn cố gắng kiểm tra mọi yếu tố và hoạt động của hệ thống một cách thường xuyên. Điều này có thể làm nản lòng những người liên quan, làm giảm uy tín của lãnh đạo, gây lãng phí không cần thiết. Vì kiểm tra rất phức tạp và tốn kém nên có những nhà quản trị chỉ quan tâm tới những yếu tố dễ đo lường mà bỏ qua những yếu tố khó đo lường. Đồng thời một số sai lệch chỉ ở mức độ nhỏ nhưng có những sai lệch lại ở mức độ lớn. Cùng một mức độ sai lệch với tổ chức này có thể coi là lớn nhưng ở tổ chức khác lại không lớn và không quá quan trọng.

Vì vậy, xét về nội dung, công tác kiểm tra cần tập trung nỗ lực vào những khu vực, những người có ảnh hưởng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của hệ thống. Đó chính là các khu vực hoạt động thiết yếu và những điểm kiểm tra thiết yếu. Khu vực thiết yếu là những lĩnh vực, khía cạnh, yếu tố của hệ thống cần phải hoạt động có hiệu quả cao để đảm bảo cho hệ thống vận hành thành công. Điểm kiểm tra thiết yếu rất rộng, bao gồm những vấn đề cơ bản như: Kiểm tra tài chính, kiểm tra hành vi nhân lực, kiểm tra thu mua, kiểm tra vận hành thiết bị, kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm tra đầu tư...

2. Kiểm tra hành vi

Hành vi là những cử chỉ, hành động của con người có thể quan sát được. Việc kiểm tra hành vi có liên quan chặt chẽ tới từng cá nhân người lao động. Do vậy việc kiểm tra hành vi không phải đơn giản, nó đòi hỏi phải có thời gian, có khả năng quan sát, theo dõi và sự nhanh nhạy, tinh ý của người kiểm tra.

Để tiến hành kiểm tra hành vi, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, do đó khi vận dụng phải có sự cân nhắc kỹ càng. Một số phương pháp có thể chọn lựa để kiểm tra hành vi đó là:

Chọn lọc người xin việc trên cơ sở tách biệt những người có khả năng và không có khả năng, có thích hợp hay không thích hợp với những yêu cầu về cá tính, tập quán làm việc và thái độ. Đây là phương pháp thông dụng nhất giúp nhà quản trị kiểm tra được hành vi của nhân viên

Văn hóa của tổ chức. Người quản trị có thể kiểm tra được hành vi của nhân viên bằng nếp văn hoá mà họ đã tạo ra và hỗ trợ. Những giá trị và tiêu chuẩn của nếp văn hóa này càng được chấp nhận thì càng được tuân theo, nó có tác dụng kiềm chế và kiểm tra hành vi của họ

Tiêu chuẩn hóa. Luật lệ, thể thức và chính sách cùng với sự mô tả công việc là các thông số của tiêu chuẩn hóa để hạn chế hành vi của nhân viên

Huấn luyện. Đây là hoạt động nhằm tạo cho họ những hành vi và thái độ làm việc tốt hơn, dễ thích nghi hơn với công việc mới mà họ được giao. Những lớp huấn luyện cũng đồng thời được coi là để kiểm tra hành vi của nhân viên

Đánh giá thái độ. Sự hài lòng của nhân viên luôn đi ngược với hành vi “vắng mặt” và “thôi việc”. Nếu nhà quản trị quan tâm và muốn kiểm soát những hành vi đó thì họ phải điều tra thường kỳ thái độ của nhân viên.

3. Kiểm tra tài chính

Kiểm tra tài chính là một tổ hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật và thủ tục được áp dụng để đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong tổ chức, từ đó đưa ra nhận định về tình trạng của tổ chức trong tương lai, đồng thời vạch ra phương hướng để khắc phục những tồn tại nhằm đảm bảo cho tổ chức phát triển một cách bền vững.

Để tiến hành kiểm tra tài chính người ta có thể sử dụng các phương pháp sau:

* Phương pháp hoạch định ngân sách:

Hoạch định ngân sách là quá trình phân chia các chỉ tiêu dự kiến và liên kết chúng với mục tiêu của doanh nghiệp. Hoạch định ngân sách nhằm:

- Hỗ trợ cho nhà quản trị trong việc nâng cao hiệu quả công việc

- Hỗ trợ cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực của doanh nghiệp

- Hỗ trợ cho kiểm soát và giám sát việc sử dụng hợp lý các yếu tố sản xuất trong suốt năm tài chính. Qua đó có thể cắt giảm kịp thời những khoản chi không hợp lý

Ngân sách thường được hoạch định cho từng năm và sau đó được phân bổ cho từng tháng. Trên cơ sở đó, các nhà quản trị có thể theo dõi quá trình thực hiện và có những điều chỉnh hợp lý kịp thời

Trên phương diện kiểm soát, hoạch định ngân sách có thể được sử dụng như một phương tiện kiểm soát phòng ngừa hoặc kiểm soát hiệu chỉnh. Khi hoạch định ngân sách được sử dụng để kiểm soát, hiệu chỉnh nó chú trọng nhận định những lệch lạc so với ngân sách dự kiến. Những lệch lạc này báo động cho các nhà quản trị thấy rõ sự cần thiết phải đi tìm nguyên nhân của hiện tượng để có những điều chỉnh hoặc thay đổi ngân sách cho phù hợp

Khi ngân sách được sử dụng để phòng ngừa, hiệu quả của nó tùy thuộc vào quan điểm của các nhà quản trị và nhân viên

* Phương pháp phân tích so sánh

Đây là phương pháp được áp dụng nhằm đánh giá điều kiện tài chính của tổ chức trong hai hay nhiều kỳ với những số liệu thu thập được. Thông qua phương pháp này người ta còn có thể so sánh với các tổ chức khác trong và ngoài ngành

Hình thức phổ biến nhất để phân tích so sánh là phân tích các chỉ tiêu tài chính. Đây là việc lựa chọn hai hay nhiều số liệu liên quan với nhau trong báo cáo tài chính giữa hai thời kỳ hoặc giữa hai đơn vị để so sánh với nhau

Có nhiều chỉ tiêu tài chính được phân tích so sánh, trong đó đáng chú ý là một số chỉ tiêu sau:

Loại

Tỷ số

Cách tính

Ý nghĩa

Tính sinh lời

Tỷ số lợi nhuận

Lợi nhuận sau thuế/ Tổng giá trị tài sản

Đo lường khả năng sinh lời: Cho biết 1 đồng tài sản mang lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế

Tính thanh khoản

Tỷ số thanh khoản

Tài sản lưu động/ Nợ ngắn hạn

Đo lường: khả năng trả nợ vay, cho biết 1 đồng nợ ngắn hạn thì đầu tư bao nhiêu vào tài sản lưu động.

Tỷ số hoạt động

Vòng quay tồn kho

Doanh thu thuần/ Tồn kho

Đo lường hiệu quả quản trị tồn kho, cho biết một đồng hàng tồn kho có bao nhiêu đồng doanh thu thuần.

Đòn cân nợ

Tổng nợ/ ngân quỹ đầu tư

Tổng nợ/ Tổng giá trị tài sản

Khả năng tự tài trợ của doanh nghiệp

Bảng 5.1. Các chỉ tiêu tài chính chủ yếu đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh

4. Kiểm tra thông tin

Trong quá trình điều hành tổ chức, các quản trị viên trong tổ chức phải trao đổi thông tin với cấp trên, cấp dưới và các quản trị viên khác. Họ không thể ra quyết định mà không có thông tin. Hơn nữa để hoạt động có hiệu quả các nhà quản trị còn đòi hỏi phải có thông tin đầy đủ chính xác, kịp thời nhằm thực hiện tốt các chức năng và hoạt động quản trị của mình.

Vì vậy, cần phải kiểm tra lại tính trung thực, khách quan của thông tin. Bởi trong nhiều trường hợp người cung cấp thông tin có thể cố ý điều chỉnh thông tin làm sai lệch so với thực tế. Để kiểm tra thông tin, tổ chức có thể thành lập một bộ phận chuyên trách thu thập và xử lý thông tin

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Nội dung và yêu cầu của kiểm tra về nội dung và đặc điểm của kiểm tra tài chính và thông tin, kiểm tra hành vi, nội dung kiểm tra...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Nội dung và yêu cầu của kiểm tra. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 58
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm