Tuyển dụng và đào tạo nhân sự

Tuyển dụng và đào tạo nhân sự được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Tuyển dụng và đào tạo nhân sự

Một doanh nghiệp tuyển dụng được nhân viên đam mê công việc, có phẩm chất kỹ năng và thái độ tốt đối với công việc sẽ đem lại hiệu quả bền vững cho doanh nghiệp, từ đó con người được coi là tài sản của doanh nghiệp. Nhưng ngược lại nếu không tuyển được những nhân viên phù hợp sẽ làm lãng phí rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp như chi phí do khách hàng không hài lòng, không trung thành, chi phí thu hút khách hàng mới, chi phí tuyển dụng và đào tạo… Tuy nhiên để tuyển dụng được nhân viên phù hợp trước hết doanh nghiệp cần thiết kế công việc rõ ràng, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Tiếp đó thực hiện công tác tuyển dụng và đào tạo nhân sự.

1. Tuyển dụng

Để hoạt động tuyển dụng được hiệu quả, doanh nghiệp phải xác định được phạm vi, nội dung công việc mà ứng viên phải làm, trên cơ sở đó, doanh nghiệp thực hiện một cách hiệu quả quy trình tuyển dụng để có được nhân sự phù hợp nhất với yêu cầu công việc.

Đặc thù công việc trong các ngành khác nhau rất khác nhau, giữa công ty với mục tiêu, văn hóa và giá trị khác nhau cũng không giống. Để cung ứng dịch vụ hoàn hảo tới khách hàng, doanh nghiệp cần dựa vào quy trình cung ứng dịch vụ để hình dung ra các chức năng của từng khâu trong quy trình cung ứng dịch vụ, từ đó thiết kế công việc cho từng nhân viên tương ứng với vị trí công việc. Tùy theo yêu cầu của từng vị trí công việc trong ngành dịch vụ, thiết kế công việc dựa trên những kỹ năng cần thiết, mức độ đảm bảo an toàn cho nhân viên, bối cảnh làm việc và mức độ tiếp xúc với khách hàng. Do vậy, dựa vào thiết kế công việc có thể hình dung rõ những phẩm chất, tính cách, kỹ năng, thái độ của từng vị trí công việc đối với nhân viên phục vụ, đây là căn cứ tiêu chuẩn để tuyển dụng nhân viên. Trên thực tế, để cung ứng dịch vụ tới khách hàng nhân viên dịch vụ ở những vị trí khác nhau ngoài việc cần có các kỹ năng chuyên môn thì khả năng phối hợp giữa các bộ phận cũng là yếu tố quan trọng quyết định tới chất lượng dịch vụ tổng thể cung cấp tới khách hàng.

Để tuyển dụng nhân sự phù hợp với yêu cầu công việc, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cần xác định rõ ràng xem họ muốn gì ở nhân viên. Khi thiết kế công việc hoàn tất, bộ phận quản trị nhân sự cần xây dựng các tiêu chí tuyển dụng dựa trên yêu cầu công việc của từng bộ phận chức năng đã được làm rõ ở phần thiết kế công việc.

Những vị trí công việc khác nhau trong một doanh nghiệp yêu cầu nhân sự có phong cách và tính cách khác nhau. Một số công việc yêu cầu nhân viên phải có bằng cấp trước, không đào tạo nhân viên sau khi tuyển dụng, nhưng cũng có những phần công việc phải đào tạo nhân sự sau khi tuyển dụng. Người có tính cách cởi mở có thể làm công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, những người rụt rè khép kín có thể làm việc thoải mái ở phía sau cùng với các đồng nghiệp như họ. Để ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, rất nhiều công ty dịch vụ đã đào tạo nhân viên giao dịch của họ sao thật cuốn hút với mục đích tạo nên một đội ngũ nhân viên ấm áp, thân thiện, gần gũi với khách hàng hơn. Những nhà quản lý nhân sự cũng đã phát hiện ra rằng cách cư xử tốt, vui vẻ và một số kỹ năng khác có thể dạy được, nhưng sự ấm áp thì không. Giải pháp cho vấn đề này là thay đổi tiêu chí tuyển dụng để tuyển được nhân viên có tính cách thân thiện tự nhiên. Chỉ có những nhân sự phù hợp với công việc mới có thể cư xử như khách hàng mong muốn theo một cách tự nhiên. Thông tin tuyển dụng không chỉ nhấn mạnh vào yêu cầu kỹ thuật mà cũng cần đưa ra những thách thức nhân viên cần đối mặt trong công việc này.

2. Đào tạo nhân sự

Đầu tư đào tạo nhân sự có thể gặt hái được những thành quả nổi bật nếu công ty có được những nhân viên giỏi. Nhân viên dịch vụ cần nắm được:

Văn hóa, mục đích và chiến lược của tổ chức: đối với nhân sự mới làm việc, tổ chức cần khơi gợi tình cảm, cảm xúc của nhân viên bằng cách đào tạo họ về chiến lược cốt lõi của công ty, tạo động lực để họ làm việc một cách gắn bó, cam kết cao với công việc, từ đó cung ứng các dịch vụ xuất sắc. Đào tạo nhân viên nên hướng dẫn cho họ những kiến thức bao quát không chỉ là kiến thức tập trung vào công việc chuyên môn hóa, thông qua việc định hướng giúp nhân viên trả lời các câu hỏi “cái gì”, “tại sao” và “làm thế nào”.

* Kiến thức:

Kiến thức chung về lĩnh vực dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Nắm được kiến thức này một cách vững vàng khi tiếp xúc với khách hàng nhân viên sẽ tự tin hơn và thuyết phục khách hàng có căn cứ hơn, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng.

Kiến thức về dịch vụ: nắm vững kiến thức về dịch vụ là điều tất yếu không thể thiếu giúp nhân viên có thể thuyết phục, tạo niềm tin cho khách hàng. Khách hàng chỉ gắn bó với doanh nghiệp khi họ dự cảm nhận được tương xứng chi phí bỏ ra trong mối tương quan với đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, đối với kiến thức về dịch vụ nhân viên cần nắm được:

+ Mức độ dịch vụ cơ bản của doanh nghiệp trong mối tương quan với đối thủ cạnh tranh, kiến thức này giúp nhân viên chứng minh được mức độ phục vụ của doanh nghiệp về mặt cơ bản ngành hàng với đối thủ cạnh tranh.

+ Những điểm ưu việt của dịch vụ của doanh nghiệp: giúp nhân viên có thể giải thích về tính năng, lợi ích gia tăng khách hàng nhận được so với chi phí khách hàng chi trả và so với sự cung ứng của đối thủ cạnh tranh.

+ Những hạn chế trong dịch vụ của doanh nghiệp: có nhiều tranh cãi về vấn đề có nên trang bị kiến thức về những điểm hạn chế của dịch vụ cho nhân viên hay không? Bởi vì có quan điểm cho rằng doanh nghiệp cần làm cho nhân viên yêu dịch vụ của mình trước, chỉ khi đó nhân viên mới có thể khiến khách hàng yêu dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, chỉ nên đào tạo cho nhân viên những yêu việt của dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình tiêu dùng dịch vụ, khách hàng lại thường đề cập đến và yêu cầu giải thích những hạn chế của dịch vụ và họ thích nói về điều này để chắc chắn rằng chi phí bỏ ra là xứng đáng nhất. Trong trường hợp này, nếu nhân viên không có cách thuyết phục thỏa đáng khách hàng sẽ rời bỏ doanh nghiệp.

Kiến thức về khách hàng: nhân viên cung ứng dịch vụ tiếp xúc với khách hàng ngoài những kiến thức chung về khách hàng cần nắm được những đặc điểm riêng có ảnh hưởng tới quá trình cung ứng dịch vụ và xây dựng niềm tin của khách hàng như:

+ Thái độ của khách hàng với doanh nghiệp, dịch vụ và với nhân viên: nắm được yếu tố này sẽ giúp nhân viên dịch vụ có định hướng tốt hơn khi giao tiếp với khách hàng. Thái độ của khách hàng thể hiện qua mức độ khách hàng biết, hiểu, thích, tin, muốn mua dịch vụ, tiếp xúc với nhân viên phục vụ và doanh nghiệp.

+ Mục đích và yêu cầu cụ thể của khách hàng về dịch vụ: từ đó xác định những tiêu chí quan trọng với khách hàng khi tiêu dùng dịch vụ. Điều quan trọng là nhân viên phục vụ nắm được các tiêu chí quan trọng nhất đối với khách hàng để tư vấn cho khách hàng những mức độ chất lượng với chi phí phù hợp và chứng minh được khả năng đáp ứng những yêu cầu quan trọng với khách hàng.

+ Thói quen tiêu dùng dịch vụ của khách hàng: giúp nhân viên phục vụ khách hàng dễ dàng hơn trong việc đáp ứng yêu cầu và làm khách hàng hài lòng.

* Kỹ năng tương tác giao tiếp với khách hàng:

Kỹ năng tương tác: phục vụ cho quá trình tương tác với khách hàng hướng tới việc xây dựng thiện cảm, niềm tin và sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ tổng thể. Cụ thể gồm các kỹ năng sau:

- Kỹ năng giao tiếp: trực quan như giao tiếp bằng mắt, lắng nghe, ngôn ngữ cơ thể và nét mặt để tạo thiện cảm với khách hàng. Kỹ năng lắng nghe để thực hiện sự thấu hiểu khách hàng và kỹ năng nói rõ ràng, thuyết phục tạo niềm tin cho khách hàng.

- Kỹ năng đặt câu hỏi: giúp xác định chính xác vấn đề, nhu cầu và tiêu chí quan trọng nhất đối với khách hàng, từ đó tư vấn cho khách hàng một phương án về dịch vụ phù hợp nhất giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu với chi phí hợp lý.

- Kỹ năng xử lý phản đối: xử lý tình huống, xử lý yêu cầu và phản đối của khách hàng thường phức tạp bởi nó yêu cầu nhân viên phải linh hoạt có khả năng phối hợp với nhiều chức năng khác, nhưng trên thực tế, sự tương tác với khách hàng thường là để giải quyết các yêu cầu thắc mắc của khách hàng, đồng thời cũng là quá trình quan trọng để xây dựng niềm tin và gắn bó với khách hàng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong chương trình đào tạo nhân viên, họ chú trọng chuẩn bị sẵn các tình huống hay sự cố phát sinh có kèm theo hướng dẫn xử lý giúp nhân viên tự tin hơn khi giao tiếp với khách hàng.

Những kỹ năng mang tính kỹ thuật: Bao gồm tất cả các kiến thức cần thiết liên quan đến khả năng vận hành dịch vụ trong quá trình cung ứng dịch vụ và các quy tắc và quy định liên quan đến quy trình dịch vụ khách hàng.

Hoạt động đào tạo có thể dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong hành vi. Nếu nhân viên không áp dụng những gì đã học vào công việc thực tế thì việc đầu tư học tập là lãng phí. Để đạt được điều này, nhân viên cần thực hành rèn luyện một cách thường xuyên. Người giám sát có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi đối tượng học tập để đạt được hiệu quả. Mặt khác, hoạt động đào tạo và học tập chuyên nghiệp giúp nhân viên cảm thấy mình chuyên nghiệp hơn, tránh cảm giác không tốt về công việc.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Tuyển dụng và đào tạo nhân sự về cung ứng dịch vụ hoàn hảo tới khách hàng, doanh nghiệp cần dựa vào quy trình cung ứng dịch vụ để hình dung ra các chức năng của từng khâu trong quy trình cung ứng dịch vụ, từ đó thiết kế công việc cho từng nhân viên tương ứng với vị trí công việc...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 62
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm