Chuyên đề: Đọc hiểu truyện kí Việt Nam hiện đại Ngữ văn 8
Đọc hiểu truyện kí Việt Nam hiện đại Ngữ văn 8
Chuyên đề: Đọc hiểu truyện kí Việt Nam hiện đại Ngữ văn 8 sẽ giúp các em nhớ cốt truyện, nhân vật, sự kiện trong đoạn trích, trong truyện kí Việt Nam hiện đại giảng dạy ở lớp 8. Từ đó hiểu, cảm nhận được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một số tác phẩm (đoạn trích) truyện kí Việt Nam 1930 – 1945. Chúc các em học tốt môn Ngữ văn lớp 8.
A. CƠ SỞ XÂY DỰNG CHUYÊN ĐỀ.
Ngày nay khi chúng ta đang sống ở một thế kỉ văn minh hiện đại..... nhưng có lẽ chúng ta không bao giờ quên câu nói của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây vì lợi ích trăm năm trồng người”. Lời dạy của Bác thể hiện rõ mối quan tâm của Người đến sự nghiệp giáo dục cho thế hệ tương lai ở mọi thời đại. Chính vì lẽ đó mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Điều đó được thể hiện rõ trong các nghị quyết của Đảng đã khẳng định rằng: “Giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và giáo dục là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục”.
Chính vì lẽ đó, phương pháp giáo dục phổ thông ngày này đòi hỏi và phải đáp ứng đúng, đủ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn là: “Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui hứng thú học tập cho học sinh”
Như chúng ta đã biết trong các môn học ở nhà trường THCS thì môn Ngữ văn là môn mang tính chất khoa học, tính nhân văn và tính nghệ thuật cao. Việc dạy Văn học đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giờ lên lớp.
Song trên thực tế còn một số những câu hỏi đặt ra: làm thế nào phát huy trí, lực của học sinh trong giờ Văn học? Làm thế nào để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức và lĩnh hội chủ động, làm thế nào để đạt kết quả thực chất, làm thế nào để học sinh nắm chắc từng mảng kiến thức, mảng chuyên đề, tiến trình lịch sử Văn học? Đây là những câu hỏi tôi còn băn khoăn và cần giải quyết trong thực tế giảng dạy.
Trước những trăn trở đó tôi đã tìm ra một số giải pháp: “Đọc- hiểu truyện kí Việt Nam hiện đại ngữ văn lớp 8” để giải quyết từng bước những trăn trở đó.
B. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ.
I. Kiến thức.
- Nhớ cốt truyện, nhân vật, sự kiện trong đoạn trích, trong truyện kí Việt Nam hiện đại giảng dạy ở lớp 8.
- Hiểu, cảm nhận được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một số tác phẩm (đoạn trích) truyện kí Việt Nam 1930 – 1945 (Lão Hạc – Nam Cao; Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố; Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng; Tôi đi học – Thanh Tịnh); hiện thực đời sống con người và xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
- Nghệ thuật miêu tả, kể chuyện, xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống chuyện, sắp xếp tình tiết trong các tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả tâm lý trẻ nhỏ ở tuổi đến trường trong một văn bản tự sự qua ngòi bút Thanh Tịnh; ngôn ngữ truyện thể hiện niềm khát khao tình cảm ruột thịt cháy bỏng của nhân vật (Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng); giá trị hiện thực và nhân đạo qua một đoạn trích trong tác phẩm “Tắt đèn”; nghệ thuật viết truyện bậc thầy của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn “Lão Hạc”.
- Hiểu, cảm nhận được những rung cảm của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên; những thành kiến cổ hủ, nhỏ nhen, độc ác không thể làm khô héo tình cảm ruột thịt sâu nặng, thiêng liêng (Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng); Vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng cực khổ, khiến họ phải liều mạng chống lại, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ (Tức nước vỡ bờ - Ngô Tất Tố); hiểu được tình cảnh khốn cùng, nhân cách cao quý, tâm hồn đáng trân trọng của người nông dân qua hình tượng nhân vật lão Hạc, tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao trước số phận đáng thương của người nông dân cùng khổ.
II. Kĩ năng.
- Đọc hiểu truyện, đoạn trích trong tác phẩm truyện hiện đại có yếu tố miêu tả và biểu cảm.
- Đọc diễn cảm, hiểu, tóm tắt được tác phầm truyện viết theo khuynh hướng hiện thực.
- Trình bày những suy nghĩ, tình cảm về một sự việc trong cuộc sống của bản thân.
- Vận dụng kiến thức về sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản tự sự để phân tích tác phẩm truyện.
III. Thái độ.
- Giáo dục cho HS ý thức yêu thầy cô, bạn bè và mái trường thân yêu.
- Giáo dục HS đồng cảm với nỗi đau tinh thần, tình yêu thương mẹ mãnh liệt trong mỗi con người.
- Giáo dục HS biết yêu thương, cảm thông quý trọng người nông dân lương thiện. Trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Có thái độ yêu ghét rạch ròi: Yêu lẽ phải, căm ghét cái ác, cái tàn nhẫn.
- Giáo dục HS biết yêu thương, cảm thông quý trọng con người nghèo khổ bất hạnh có tâm hồn cao cả.
Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.