TOP 6 bài Cảm nghĩ về anh bộ đội cụ Hồ
Cảm nghĩ về anh bộ đội cụ Hồ được VnDoc tổng hợp và đăng tải. “Anh bộ đội Cụ Hồ” là tên gọi do nhân dân trìu mến đặt cho những chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ luôn là hình ảnh gần gũi thân thương với người dân Việt Nam. Mời các bạn tham khảo các bài văn mẫu Cảm nghĩ về anh bộ đội cụ Hồ do VnDoc đăng tải dưới đây nhé.
Cảm nhận của em về hình tượng người lính lớp 8
Cảm nhận của em về hình tượng người lính mẫu 1
Mặc dù chiến tranh đã qua lâu nhưng hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ luôn là một biểu tượng về lòng dũng cảm, sự hy sinh không ngại gian khó, ý chí cách mạng kiên cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Sự rèn luyện trong gian khổ và trưởng thành trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết lên những huyền thoại về người lính như Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Ðàn, Phan Ðình Giót...
Từ trong chiến tranh cho đến thời bình hôm nay, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn sáng mãi. Đó là chất thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng và Bác Hồ, của Quân đội và nhân dân. “Trung với Đảng, hiếu với dân” vẫn mãi là lời thề muôn đời của người lính. Những hình ảnh mang giá trị cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ không kể hết: biên giới phía Bắc, phía Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cả trong thiên tai, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất vì nhân dân quên mình đã ăn sâu vào máu thịt đối với các anh. Hai tiếng nhân dân đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim của bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, đâu phải chỉ trong thời chiến, mà cả thời bình, nhiệm vụ cứu dân trong thiên tai, nhiệm vụ bảo vệ mỗi tấc đất biên cương đều có sự hy sinh quả cảm của người lính.
Và, rất tự nhiên, Bộ đội Cụ Hồ trở thành tên gọi thiêng liêng, vừa hết sức giản dị, vừa gần gũi thân thương, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu hình con người mới xã hội chủ nghĩa, một nhân cách văn hóa Việt Nam.
Hôm nay, trang sử mới của dân tộc đã được mở ra- trang của sự đổi mới, phát triển và hội nhập với thế giới. Trong quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa cao độ, hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ” vẫn vẹn nguyên với vai trò tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới cùng toàn Đảng, toàn dân.
Cảm nhận của em về hình tượng người lính mẫu 2
“Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh.”
Biên cương, hải đảo – vùng đất địa đầu tổ quốc, vùng đất thiêng liêng của dân tộc Việt nam. Biết bao mồ hôi, bao sương máu của những người chiến sĩ đã đổ xuống nơi đây để gìn giữ vẹn tròn bờ cõi non sông. Để rồi chính sự hi sinh cao cả ấy đã trở thành niềm cảm hứng bất tận trong những sáng tác đi cùng năm tháng. Hình ảnh những người chiến sĩ biên phòng trong tâm tưởng mỗi người dân Việt Nam hiện lên thật đẹp, thật lung linh, thật tráng lệ.
Trải qua bao gian nan, vất vả, lực lượng biên phòng ngày càng được xây dựng và củng cố thêm về nhiều mặt nhưng dù ở đâu, ở bất cứ khi nào hình ảnh những người lính biên phòng quân hàm xanh vẫn luôn là hình ảnh gần gũi đẹp đẽ đối với nhân dân miền biên giới hải đảo. Dấu chân người lính biên phòng in sâu từng tấc đất, từng con sông, từng con rừng heo hút; gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân.
Ta bắt gặp hình ảnh người lính ấy chèo đèo vượt thác, mưa gió quản chi, tảo tần đến lớp, mang ánh sáng con chữ đến đàn em thơ. Những người lính quân hàm xanh ấy cõng trên vai những balo đầy ắp tập vở, những cuốn sách, nhiệt tình, hăm hở lên non để tri thức để văn hóa được đến với các con, đến với bản làng thân yêu. Học trò nơi đây có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh người chiến sĩ với màu áo xanh đầy tự hào đứng trên bục giảng say sưa giảng bài: “ Học cái chữ Bác Hồ, để ngày mai sẽ tươi sáng ấm no, cuộc sống vui trên bản làng ta đến rồi”. Các anh- những người lính biên phòng chân chất đã mang cái chữ, mang văn hóa tiên bộ rọi soi hủ tục lạc hậu nơi núi rừng sâu thẳm. Các anh đã trở thành những người thầy kính mến của lớp lớp người dân buôn làng.
Đâu chỉ có thế, những người lính biên phòng ấy còn là những người thầy thuốc, người bác sĩ ngày đêm tận tụy chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Giữa dòng đời vội vã, bao vất vả bao lo toan, thiếu thốn bộn bề vẫn có những người lặng lẽ chữa bệnh cứu người. Họ mong sao có thể đem y thuật của mình giúp ích chữa bệnh giúp ích cho bà con. Hình ảnh người chiến sĩ Đặng Cát với 20 năm bán bản cùng bà con chiến đấu với dịch bệnh, trèo đèo khám bệnh, lên rừng sâu tìm thuốc, nghiên cứu ngày đêm thật không khỏi khiến lòng ta xao xuyến.
Câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt” không chỉ còn là câu nói cửa miêng mà đã trở thành lời hẹn thề sắt son, thành tư tưởng chỉ đạo trong lực lượng bộ đội biên phòng. Biết bao cuộc vận động, bao chương trình hướng về bà con vùng biên giới, hải đảo đã được các chiến sĩ biên phòng triển khai sâu rộng như: “Chương trình bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; “Mái ấm biên cương”; “Nâng bước em tới trường”. Những người lính hăm hở lên đường, cùng nhân dân lao động, miệt mài hướng dẫn bà con áp dụng những phương pháp kĩ thuật hiện đại vào sản xuất, chăn nuôi, ăn cùng dân, ở cùng dân, coi nhân dân như anh chị em ruột thịt. Thậm chí có những chiến sĩ còn dành dụm phần lương ít ỏi của mình đóng góp xây dựng, phát triển buôn làng. Hành động của các chiến sĩ đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện tích cực đời sống nhân dân và củng cố lòng tin của người dân vào ánh sáng của Đảng của Nhà nước.
Những đêm liên hoan bên bếp lửa trại bập bùng, những bữa cơm thân mật đơn sơ, những cái tết tình thân ấm cúng và những cái ôm thật chặt đã nói lên tình cảm trân quý, mến thương mà người dân dành cho những anh bộ đội biên phòng. Với người dân, lúc nào các anh ấy cũng hòa đồng, thân thiện, chất phác nhưng trở về với nhiệm vụ chính họ lại là những người lính hiên ngang. Những người lính ấy đứng giữa bão giông, đứng trên đầu ngọn sóng để canh giấc ngủ bình yên cho mọi nhà. Những người lính chiến đấu oai hùng, dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất của non sông đất nước. Họ- những con người rất đỗi bình dị, họ bỏ lại cả quê hương gia đình để đến nơi đây, đến hải đảo và biên giới xa xôi bảo vệ, gắn bó máu thịt với dân tộc, hoàn thành mọi nhiệm vụ cao cả được Đảng và Nhà nước giao phó, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hơn 60 năm hình thành và phát triển, bộ đội biên phòng đã và đang phấn đấu, nỗ lực đóng góp và cống hiến, bảo vệ và xây dựng vùng biên cương, hải đảo. Họ đã và đang viết tiếp nên những trang sử hào hùng tôn vinh bức tượng đài “anh bộ đội cụ Hồ”. Từng bước chân anh qua từng niềm vui nhân lên. Những hình ảnh đẹp đẽ sẽ mãi lung linh, bất diệt trong tiềm thức và trái tim dân tộc Việt Nam. Xin mượn vài dòng thơ đơn sơ để bày tỏ nỗi niềm kính yêu vô ngàn ấy:
“Biển và biên cương – vòng tay dang rộng
Như quê hương luôn khát vọng yên bình
Người lính Biên phòng thức dậy mỗi bình minh
Giữ trọn niềm vui nghĩa tình non nước”
Bài văn cảm nghĩ về anh bộ đội cụ Hồ mẫu 3
Chúng ta thường gọi các anh bằng cái tên chung biết bao tin cậy, tự hào: Anh bộ đội! Nếu cần tìm những mẫu mực, những ước mơ, bản lĩnh hành động, tình yêu cao đẹp… hãy đến với các anh!
Những người chiến sỹ mang theo nghĩa khí của người chiến sỹ Cần Giuộc, hào khí của dân tộc chiến đấu vì độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân. Những người chiến sỹ theo tổng khởi nghĩa giành chính quyền cùng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
Thủa ban đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầy rẫy những khó khăn: thù trong, giặc ngoài, gia tài cạn kiệt, nhân dân đói kém,… Với thiên tài Hồ Chí Minh sức mạnh đội quân ấy và ý chí toàn dân tộc đã giữ vững đất nước!
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực dân pháp xâm lược nước ta, đội quân ấy cảm tử: “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” bảo vệ thủ đô Hà Nội thân yêu. Đáp lời kêu gọi toàn quốc khánh chiến, họ tạm xa Hà nội lên chiến khu Việt Bắc. Các anh là “Anh vệ quốc quân”! Tất cả theo tiếng gọi của tổ quốc với một ý chí:
“Người ra đi đầu không nghoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Các anh, những con người từ vùng quê “nước mặn đồng chua”, vùng “đất cày lên sỏi đá” từ “giếng nước gốc đa”… từ mọi miền tổ quốc cùng “súng bên súng, đầu sát bên đầu” cùng chung gian khổ, hi sinh… trở thành đồng chí! Các anh cùng một hoàn cảnh khó khăn, cùng một nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, một niềm lạc quan trong gian khổ “Miệng cười buốt giá” … Tất cả thành đồng chí, đồng đội đề làm nên chiến thắng. Một chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947 một chiến dịch biên giới 1951…
“Anh bộ đội Cụ Hồ” là tên gọi do nhân dân trìu mến đặt cho những chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếng “anh” trong ngôn ngữ Việt Nam là tiếng cha mẹ gọi cho con trai đã lớn; tiếng em gọi anh trai,… Tên gọi ấy vừa gần gũi, thân thương, vừa mang ý nghĩa sâu sắc. “Anh bộ đội Cụ Hồ” mang trong mình phẩm chất của người chiến sỹ trong thời đại mới, anh hùng thật giản dị, chân thật mà đáng yêu! Chúng ta đặt niềm tin vào các anh bởi bản lĩnh, là cốt cách, là niềm tin, là kết tinh của sức mạnh.
Cảm nhận của em về hình tượng người lính mẫu 4
Qua suốt chặng đường 70 năm chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, từ trong chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự hy sinh là biết bao câu chuyện huyền thoại về người lính đã trở thành bất tử; Chúng ta cùng nhớ lại, 2 cuộc kháng chiến, hơn 30 năm đất nước hằn sâu trong ký ức của mỗi nười con đất Việt đó là: những hố bom của quân thù, hàng ngàn vạn thanh niên lên đường ra trận dâng hiến tuổi xuân và nhiệt huyết cho nền hòa bình. Người trở về - nhưng một phần xương thịt còn để lại chiến trường, người nằm lại rừng xanh! Cùng nhớ lại, trên mỗi nẻo đường hành quân ra trận, tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, ở nơi đâu cũng thành chiến lũy; Cùng nhớ lại, từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, đất Mẹ Tổ quốc không chỉ ghi dấu những chiến công lừng lẫy, mà cả những tượng đài tưởng niệm Liệt sĩ đến mai sau. Anh bộ đội Cụ Hồ trở về từ trong chiến tranh, anh Bộ Cụ Hồ đã yên nghỉ giữa lòng đất Mẹ và anh Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình, từng thế hệ, từng khoảng cách thời gian là dấu nối của lịch sử làm đậm chất anh hùng ca về người lính. Và thật sự, mỗi chúng ta, khi nghĩ về người lính đều dạt dào cảm xúc của lòng tự hào và biết ơn về các anh, những người chịu nhiều gian khổ nhất, hy sinh nhiều nhất. Một sự hy sinh cao thượng, dũng cảm, thầm lặng không chỉ riêng mình, mà còn là nỗi đau oằn trên vai những người mẹ, người vợ, người thân của gia đình các anh.
Từ trong chiến tranh cho đến thời bình hôm nay, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn sáng mãi. Đó là chất thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng và Bác Hồ, của Quân đội và nhân dân. “Trung với Đảng, hiếu với dân” vẫn mãi là lời thề muôn đời của người lính. Những hình ảnh mang giá trị cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ không kể hết: biên giới phía Bắc, phía Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cả trong thiên tai, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất vì nhân dân quên mình đã ăn sâu vào máu thịt đối với các anh. Hai tiếng nhân dân đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim của bộ đội Cụ Hồ. Bởi vậy, đâu phải chỉ trong thời chiến, mà cả thời bình, nhiệm vụ cứu dân trong thiên tai, nhiệm vụ bảo vệ mỗi tấc đất biên cương đều có sự hy sinh quả cảm của người lính.
Và, rất tự nhiên, Bộ đội Cụ Hồ trở thành tên gọi thiêng liêng, vừa hết sức giản dị, vừa gần gũi thân thương, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu hình con người mới xã hội chủ nghĩa, một nhân cách văn hóa Việt Nam.
Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ Lady Borton khi sang Việt Nam đã nói: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình là Bác, không có quân đội nào yêu mến gọi Tổng Tư lệnh bằng Anh (Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cũng không nơi nào nhân dân yêu mến quân đội gọi là Bộ đội Cụ Hồ”. Có thể nói “Bộ đội Cụ Hồ” là một giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, có sức lôi cuốn và lan tỏa đặc biệt. Mỗi khi mang lên mình bộ quân phục, dù ở trong đơn vị hay ở nơi công cộng, họ đều thể hiện phẩm chất của người quân nhân cách mạng.
Cũng như bao người thuộc thế hệ trẻ, tôi may mắn được sinh ra, trưởng thành và học tập khi đất nước đã bình yên, được tự do hít bầu không khí hòa bình, tự do ngước nhìn mây trắng trời xanh mà nghe những bao la của quá khứ, mà thấm thía giá trị vĩnh hằng của những dâng hiến cao cả. Tôi tự hào vì tôi là người dân Việt Nam, tôi tự hào vì tôi được sinh ra trên mảnh đất làng Đỏ - Yên Phúc anh hùng. Và may mắn hơn, tôi được lớn lên, học tập, rèn luyện và trưởng thành trong hòa bình thống nhất đất nước, nay trở thành người thầy giáo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đang ngày đêm thay Đảng luyện chữ - rèn người.
Đã qua rồi thời khói bom đạn lửa, gạt núi băng đèo nên tôi chỉ hình dung hai chữ “chiến tranh” qua lời kể của bà nội tôi về ông nội và các anh các bác, qua sách báo, qua phim ảnh, qua những chuyến tham quan đến những miền đất lịch sử theo dọc chiều dài đất nước. Trong đó những dấu ấn để lại sâu đậm nhất trong lòng tôi là các chuyến tham quan đến các nghĩa tranng liệt sĩ như nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thành cổ Quảng trị, Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn hay nghĩa Trang Việt Lào huyện Anh Sơn... Có một kỉ niệm tôi nhớ mãi đó là vào một ngày trời nắng vàng hanh hao của tiết trời mùa thu tháng 7-1995, những người dân xã Phúc Sơn quê tôi không ai cầm được nước mắt trong ngày khánh thành nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ của hai cuộc kháng chiến của xã nhà. Tôi cũng như tất cả mọi người đều có đủ lý trí để hiểu rằng, đó chỉ là những hàng bia gắn tưởng niệm chứ không hề có được hài cốt của người thân, nhưng tất cả mọi người đã khóc, những giọt nước mắt hoà trong cơn mưa bất chợt của trời, tan trong từng nắm đất đưa tiễn các anh linh. Quá khứ giao hòa với hiện tại, âm dương hòa trộn vào nhau, có trong nhau như sự bất tử của các liệt sĩ và lòng thương nhớ khôn nguôi của người đang sống. Hình như ai cũng run lên vì một danh sách dài tên các liệt sỹ của xã, run lên vì những năm tháng ấy cái xã bé nhỏ, nghèo này đã lần lượt nhận bao nhiêu giấy báo tử của người thân nối tiếp nhau. Có nhiều mẹ đã dâng hiến cho đất nước hai người con thậm chí là ba bốn người con ra đi và không một lần trở lại thăm mái tranh nghèo – nơi các mẹ đang ngày đêm trông ngóng. Tôi đếm cả trong kháng chiến chống pháp, chống Mĩ và chiến tranh biên giới xã tôi đã có 189 liệt sĩ khắc ghi vào bảng vàng đài tưởng niệm. Các anh đã đi vào hồn thiêng sông núi để Tổ quốc Việt Nam được bay lên bát ngát những mùa xuân.
Hôm nay, trang sử mới của dân tộc đã được mở ra- trang của sự đổi mới, phát triển và hội nhập với thế giới. Trong quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa cao độ, hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ” vẫn vẹn nguyên với vai trò tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới cùng toàn Đảng, toàn dân. Các chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ hôm nay khoác trên mình màu xanh áo lính cũng đang hứng khởi bước vào các mặt trận với lòng nhiệt huyết và sức bật mới cùng thời đại. Người lính Cụ Hồ hôm nay vẫn tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đất nước hòa bình, song những người lính Cụ Hồ vẫn “ra trận” vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ “cõng chữ" lên vùng cao; “ba cùng” với đồng bào các dân tộc, giúp dân trồng lúa nước, đưa đồng bào vào làm việc ở các nông trường quân đội… là những hình ảnh bình dị, thân thương, nhưng vô cùng cao đẹp về tình quân dân cá nước.
Trong bối cảnh và xu thế phát triển của thế giới hiện nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp và khó lường. Tiêu biểu đó là tình hình biển Đông đang căng thẳng, cả thế giới đang lên án trước những hành động leo thang của Trung Quốc tại biển Đông. Ngày 01 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc bất ngờ di chuyển giàn khoan HD-981 từ đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982; trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực. Trước sự xâm phạm trắng trợn, hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần sử dụng các kênh ngoại giao giao thiệp với Trung Quốc yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan và lực lượng ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam; gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc, liên tục tổ chức họp báo quốc tế để thông tin và đưa ra các bằng chứng về hành động của Trung Quốc cũng như bằng chứng lịch sử chứng minh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, đặc biệt Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng công khai thể hiện quan điểm nhất quán: kiên quyết phản đối Trung Quốc; tìm mọi biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng; tôn trọng quan hệ Việt- Trung cũng như lợi ích lâu dài của 2 dân tộc.
Trong những ngày đó, qua việc theo dõi những thông tin trên báo đài đã khiến triệu triệu trái tim Việt nhói đau, cùng hướng về nơi biển Đông dậy sóng. Lòng yêu nước trong mỗi người lại sục sôi. Thầy trò trường tôi – trường Tiểu học Thành Sơn cũng vậy. Chúng tôi đã cùng nhau nói về chủ quyền biển đảo, sự vẹn tròn thống nhất của Tổ quốc, chúng tôi đọc lại những lời Tuyên ngôn “Nam Quốc sơn hà” thời Lý, “Đại cáo bình Ngô” thời Lê, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, hát những bài ca về biển đảo, phê phán những hành động hò hét, đập phá gây mất an ninh của một số thành phần dân chúng bị kích động lợi dụng. Để rồi từ đó các em và cả giáo viên chúng tôi thấy được yêu nước như thế nào cho đúng, cho đẹp, phải yêu bằng “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”, yêu bằng ý chí sục sôi nhiệt huyết nhưng bằng cả lí trí tỉnh táo, sáng suốt, tránh bị kích động bởi các phần tử xấu. Thầy và trò trường tôi đã có nhiều hoạt động hướng về Biển đảo như tham gia tích cực cuộc thi tìm hiểu chủ quyền Biển đảo trên mạng Intemet, góp quỹ ủng hộ Trường Sa – Hoàng Sa…
Là một người giáo viên, là một cán bộ quản lí tôi thấy mình cần thường xuyên nâng cao trình độ tự ý thức về việc tự tu dưỡng, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực và hiệu quả các mặt công tác là một yêu cầu cơ bản; Phải rèn luyện ý chí phấn đấu bền bỉ, cầu tiến bộ, trọng danh dự cá nhân; Không bị “nhiễm” với những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, văn hóa phẩm trong đời sống xã hội hiện nay. Đấu tranh kiên quyết với biểu hiện coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân; tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển nó phù hợp, phù hợp với đặc điểm hoạt động quân sự và bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, “hòa nhập nhưng không hoà tan”. Và tôi hiểu trọng trách của mình lớn thế nào trong việc rèn luyện cho các em “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nhất là hiện nay toàn ngành giáo dục chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về đổi mới căn bản nền giáo dục Nam thì lại đặt lên vai những người lính mang quân hàm xanh chúng tôi với một tinh thần và trách nhiệm lớn lao hơn đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và của sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Để làm được điều đó, để phát huy giá trị Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ và vun đắp giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, những nhà giáo chúng ta hôm nay cần cần nâng cao năng lực giảng dạy, thổi hồn vào những bài giảng một cách sinh động nhất để truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các em, để cho thế hệ hôm nay thấy rõ mình hơn và tự ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao của tuổi trẻ là dấn thân, là cống hiến cho sự trường tồn và phát triển bền vững của dân tộc hôm nay và mai sau, cho đất nước Việt Nam hùng cường, lớn mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước./.
Cảm nhận của em về hình tượng người lính mẫu 5
Tôi nhớ mãi những ngày mình còn nhỏ, lon ton theo mẹ đến trường mẫu giáo, hát không rõ lời, tôi đã rất thích nghe những câu: “Em thích làm chú bộ đội, bước một hai, chân bước một hai, một hai…” hay “Vai chú mang súng mũ cài ngôi sao đẹp xinh, đi trong hàng ngũ chú hành quân trông thật nhanh, chú bộ đội, chúng cháu yêu chú lắm…”. Trong đầu óc non nớt của tôi hiện lên hình ảnh chú bộ đội thật oai phong, lẫm liệt và cũng thật đáng yêu. Theo năm tháng tôi lớn lên nhưng hình ảnh chú bộ đội tôi được biết qua những vần thơ, những câu hát mà cô giáo dạy vẫn mãi mãi khắc ghi trong tâm trí tôi.
Thế rồi lên cấp 2, cấp 3, được học lịch sử, tìm hiểu, phân tích tác phẩm văn học, tôi mới hiểu sâu hơn về “anh bộ đội Cụ Hồ”. Tôi hiểu rằng trải qua hơn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi đường phố, xóm làng đều ngời sáng chiến công, mỗi làng quê thôn xóm trên khắp đất nước Việt Nam đều có những người con trở thành "Bộ đội Cụ Hồ", đều có những anh hùng, liệt sĩ hi sinh cho quê hương. . . Cả một chặng đường dài hi sinh, chiến đấu quên mình và chiến thắng vẻ vang, lớp lớp các thế hệ chiến sĩ quân đội nhân dân đã lập biết bao chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến cứu nước giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cảm phục những tấm gương chiến sĩ anh dũng hi sinh. Nào Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo… Một tiểu đội trưởng bị thương nặng không nói được, chỉ viết ra giấy bằng máu của mình: còn một người cũng phải đánh. Một người lính bị thương cụt cả hai chân vẫn lết lên chiến hào đòi đánh giặc. . .
Đặc biệt, tôi thích những hình ảnh đẹp đẽ của anh bộ đội cụ Hồ qua những câu thơ:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều,
bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo,
núi không đè nổi vai vươn tới,
lá ngụy trang reo với gió đèo”
“Những chiến sĩ biên phòng/ Đứng chon von dưới trời cao biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”…
Và cứ thế, theo thời gian, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ càng hiện lên lung linh, đẹp đẽ trong trái tim tôi. Tôi càng ý thức sâu sắc hơn và đầy đủ hơn vai trò của người lính Cách mạng cũng như những phẩm chất tốt đẹp của các anh. Khi tôi trưởng thành, được làm dâu trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng, tôi lại có dịp hiểu hơn về những người lính Cụ Hồ. Bố chồng tôi là người đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Ông đã từng là chiến sĩ Cách mạng gan dạ, dũng cảm, là chỉ huy giỏi. Ông đã được tặng thưởng huân chương kháng chiên chống Pháp và chống Mĩ hạng Nhất. Mẹ chồng tôi tuy sức khỏe yếu nhưng cũng tích cực tham gia kháng chiến, và đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước hạng nhất. Hòa bình trở lại bố, mẹ tôi phục viên tiếp tục tham gia công việc Nhà nước cho đến ngày nghỉ hưu. Mặc dù trên lĩnh vực công tác nào bố. mẹ tội luôn luôn giũ vững bản chất người lính Cụ Hồ, vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bố mẹ tôi đã truyền cho các anh chị tôi tinh thần cách mạng, giáo dục cho họ những phẩm chất tốt đẹp của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Noi gương bố mẹ, ba anh trong gia đình chồng tôi đều đã lần lượt đứng hàng ngũ của người lính Cụ Hồ, cầm chắc cây súng làm tròn trách nhiệm của mình để góp phần bảo vệ quê hương, đất nước. Trong đó người mà tôi kính phục nhất là anh Hoàng Ngọc Chí, anh là con trai thứ ba trong gia đình, tuy chưa đến tuổi nhưng vẫn cố gắng tìm mọi cách được nhập ngũ. Theo lời kể của mẹ tôi, vào năm 1979, khi tiếng súng bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, anh Chí mới 16 tuổi, đang học cấp 3(hệ 10 năm). Thế nhưng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh bỏ học, viết đơn bằng máu và khai man tuổi để được lên đường đánh giặc. Ngày cầm tờ giấy gọi nhập ngũ, anh sung sướng vô cùng. Gác lại chuyện học hành, anh khoác ba lô lên đường. Nhìn chiếc ba lô to bè trên đôi vai gầy guộc của anh mà mẹ tôi rơm rớm nước mắt. Thương con lắm nhưng bố mẹ tôi tôn trọng quyết định của anh bởi họ hiểu rằng: Đất nước đang cần những người con như thế: Yêu nước, dũng cảm, can trường.
Những ngày trên thao trường tuy sức vóc bé nhỏ hơn mọi người nhưng anh của tôi tập luyện chẳng thua kém ai. Những ngày trên chiến trường, anh đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, được cấp trên nhiều lần biểu dương, khen ngợi. Chiến tranh biên giới kết thúc, anh được đơn vị giữ lại. Làm người lính chuyên nghiệp, anh tiếp tục sự nghiệp học hành. Vừa làm, vừa học, nhưng anh vẫn học giỏi và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao, và đã từng giữ các chức vụ chỉ huy trong quân đội. Hiện nay anh đang đảm trách chỉ huy một Trung đoàn đóng quân ở Thái Nguyên và lập gia đình ở đó. Vợ anh cũng cùng chung “chiến hào” với anh. Xa nhà, công việc bận rộn nên vài ba năm anh mới nghỉ phép về quê. Bố mẹ tôi không bao giờ buồn phiền vì điều đó. Mỗi lần anh về, tôi lại thấy anh là một “bộ đội- nông dân” chính hiệu. Anh dành hết tất cả mọi việc trong gia đình, mà việc nào anh làm cũng khéo léo nên ai cũng thích. Riêng tôi thích nhất là được nghe anh kể những câu chuyện trên chiến trường anh đã tham gia, những câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh anh dũng, về cuộc sống vô cùng cam go, thiếu thốn của người lính nơi biên cương, hải đảo của đồng đội anh…Những câu chuyện ấy đã góp phần giúp tôi thổi hồn vào những bài giảng cho học sinh, nhắc nhở tôi phải sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước, phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ dạy học, giáo dục học sinh biết trân trọng cuộc sống hôm nay, trân trọng những gì mà mình đang có, biết ơn cha ông mình đã đổ biết bao máu, xương để mang lại cuộc sống no ấm như ngày hôm nay. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm với tương lai của đất nước, xứng đáng với truyền thống của quân, dân Khu 4 anh hùng.
Cảm nhận của em về hình tượng người lính mẫu 6
Dân tộc Việt Nam có truyền thống đạo đức tốt đẹp được xây dưng trên nền tảng của tư tưởng nhân nghĩa. Suốt mấy ngàn năm, nhân dân ta nhắc nhở nhau sống theo đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, vì thế nên sáng chủ nhật tuần trước, phường em tổ chức đi thăm một số gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương. Tổ em được phân công thăm nhà bà Phan, mẹ liệt sĩ và gia đình chú Hiển, thương binh nặng, mất cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn 1975. Nhà bà Phan nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở đường Phan Châu Trinh. Bà là mẹ của liệt sĩ Trương Tấn Quang, hi sinh anh dũng trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Bản thân bà trước đây cũng là một cơ sở hoạt động cách mạng nội thành và đã từng bị địch bắt giam, tra tấn dã man. Tuổi già sức yếu, bà Phan sống dựa vào tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ và sự đùm bọc của nhân dân trong phường. Cách đây hơn hai năm, phòng GD đã tặng bà ngôi nhà tình nghĩa, thay thế cho ngôi nhà rột nát năm xưa. Thấy mọi người tới, bà mừng lắm: “Các cháu đến thăm bà đấy ư?”. Khuôn mặt bà nhăn nheo vụt tươi lên bởi nụ cười dôn hậu. Bác Thành thay mặt cho tổ hỏi thăm sức khoẻ của bà. Chú Hoàng cắm một bó hoa tươi vào bình rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ. Mùi nhang trầm toả ấm cả gian nhà. Từ trong ảnh, đôi mắt trong sáng của chú Quan nhìn tất cả mội người chìu mến. Chúng em biếu bà mấy món quà nhỏ nhưng cần thiết cho đời sống neo đơn của bà như: Đường, sữa, chục trứng gà, chục cam và ít thuốc bổ…Bà xúc động cảm ơn mọi người. Em thầm nghĩ: “Không gì có thể đền đáp xứng đáng công lao của nhưng người mẹ đã cống hiến, hi sinh đứa con ruột thịt của mình cho Tổ Quốc. Rồi tất cả mọi người quây quần bên bà, nghe kể chuyện về chú Quang,…
Từ giã bà Phan, mọi người sang thăm chú Hiển. chú ngồi trên xe lăn, tươi cười chào đón mọi người. Tuy là một thương binh nặng nhưng chú vẫn rất lạc quan. Chú là một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí khắc phục khó khăn. Theo lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế!”,chú Hiển vẫn cần cù làm việc bằng đôi tay tài hoa của mình. Bàn tay cầm súng năm xưa giờ đây đang thoăn thoắt luồn những sợi mây óng chuốt, tạo nên những chiếc khay, những chiếc giỏ xinh xắn, làm đẹp cho đời.
Khi chia tay với chú Hiển, em cảm thấy mọi người cần phải biết ơn tới người đã tạo ra thành quả đó. Thế hệ sau phải ghi nhớ công ơn của thế hệ trước. Khắp đất nước, nơi nào cũng có Đền, Miếu, chùa chiền thờ phụng các bậc tiền bối, các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách mạng, phòng truyền thống,… nhắc nhở mọi người về lịch sử oai hùng của dân tộc,… Các nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng tô đẹp, đàng hoàng thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau dối với những người đi trước đã hi sinh cho Tổ Quốc. Phong trào “ Phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đền ơn đáp nghĩ các gia đình, cá nhân có công với nước, đang phát triển rộng rãi trong toàn xã hội.
Các thế hệ sau không chỉ hưởng thụ mà còn phải biết giữ gìn, vun đắp, phát triển những thành quả mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên. Buổi đi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ đã kết thúc tốt đẹp. Đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta nhắc nhở tất cả mọi người sống sao cho có nghĩa, có tình đối với những người đã đem lại cuộc sống bình yên cho chúng ta. Em càng hiểu sau sắc hơn về lòng biết ơn-nền tảng đoạ đức, đạo lý, truyền thống của dân tộc ta.
Nguyễn Thị Lan Hương. Lớp 8C. Trường THCS Yên Biên
.....................................
Ngoài Cảm nghĩ về anh bộ đội cụ Hồ, các bạn có thể tham khảo Soạn văn 8 để học tốt Văn 8 hơn.