Bài văn mẫu lớp 8 số 5 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
Bài văn mẫu lớp 8 số 5 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt được VnDoc tổng hợp và đăng tải. Mỗi đồ vật đều có đặc điểm và công dụng nhất định. Nhưng để hoàn thiện bài văn mẫu không phải em nào cũng nắm được nguồn gốc cũng như công dụng của nó, bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em tìm hiểu thêm những hiểu biết thú vị về những vật dụng trong học và tập và sinh hoạt nhé
Bài văn mẫu lớp 8 số 5 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
- Dàn ý Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
- Thuyết minh về cái bàn của em
- Thuyết minh về nồi cơm điện
- Thuyết minh về cái phích nước
- Giới thiệu về chiếc cặp sách
- Giới thiệu về chiếc máy tính
- Giới thiệu về chiếc bàn học
- Giới thiệu về chiếc bút bi
- Dàn ý Giới thiệu về chiếc nón bảo hiểm
- Dàn ý Thuyết minh về cây thước kẻ
Dàn ý Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
a) Mở bài. Giới thiệu khái quát về đồ dùng hay vật dụng đó.
b) Thân bài.
- Miêu tả hình dáng, màu sắc
- Giới thiệu các bộ phận của đồ dùng hay vật dụng đó
- Công dụng của đồ vật
- Cách sử dụng đồ dùng hay vật dụng đó
c) Kết bài. Mối quan hệ của đồ dùng hay vật dụng đó với người học sinh hay với con người nói chung.
Thuyết minh về cái bàn của em
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần thuyết minh: Thuyết minh về cái bàn của em.
Lưu ý: học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào năng lực của mình.
2. Thân bài
a. Cấu tạo của chiếc bàn học
Mặt bàn phẳng, hình chữ nhật, có chiều dài độ 110-120 cm, chiều rộng khoảng 50-60 cm.
Bốn chân bàn được đóng bằng gỗ chắc chắn, vững chãi.
Bàn có ngăn bàn thụt lại, được đóng cố định để đựng sách vở.
Ghế cách bàn khoảng 15 cm giúp học sinh giữ đúng tư thế khi ngồi, không bị vẹo cột sống. Một số ghế có lưng tựa giúp học sinh không bị mỏi lưng, giúp cho việc học trở nên thoải mái.
b. Công dụng của chiếc bàn
Mỗi tối, mặt bàn được ánh đèn chiếu sáng, trở thành nơi học bài, làm bài của người học trò như em.
Trên lớp bàn học là nơi em để các vận dụng và ngồi học, tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, chiếc bàn gắn bó với em và trở thành một người bạn thân thiết.
Bàn không chỉ để ngồi học mà còn là nơi em lưu trữ sách vở, đồ dùng học tập. Chiếc bàn gắn bó với em mỗi ngày.
c. Bảo quản
Bàn học chủ yếu làm bằng gỗ nên cần tránh va đập mạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột quá nhiều lần.
Bên cạnh đó, các bạn học sinh cần giữ cho mặt bàn sạch đẹp bằng cách không viết bậy lên mặt bàn để bảo đảm tính thẩm mĩ.
Khi bàn học bẩn cần lau chùi sạch sẽ.
3. Kết bài
Khái quát lại vai trò, chức năng và công dụng của cái bàn học.
Thuyết minh về nồi cơm điện
Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, cuộc sống của con người cũng ngày càng hiện đại hơn. Với sự bao phủ của các thiết bị điện tử thông minh, đời sống được cải thiện bởi những phát minh mới. Một trong những phát minh hữu ích cho đời sống sinh hoạt là chiếc nồi cơm điện.
Nồi cơm điện đến với loài người từ đất nước công nghệ phát triển vượt bậc - Nhật Bản. Ý tưởng về việc dùng điện để nấu cơm xuất hiện lần đầu tiên vào những năm giữa thập niên 1920. Khoảng 20 năm sau, một công ty điện tử cho ra đời thành công loại nồi cơm điện làm chín cơm nhờ chuyển năng lượng điện thành năng lượng hơi. Tuy nhiên, chiếc nồi này yêu cầu người dùng phải chú ý theo dõi từ khi bật công tắc nấu cho đến lúc cơm được nấu xong, khá bất tiện. Năm 1956, công ty Toshiba (Nhật Bản) cải tiến và khắc phục nhược điểm đó, cho ra đời một chiếc nồi thuận tiện sử dụng hơn. Theo đó, hơn 700 chiếc nồi cơm điện được đưa ra thị trường và có mặt trong nhà bếp của các bà nội trợ trên toàn thế giới.
Nồi cơm điện bao gồm dây dẫn nguồn nhiệt, vỏ chứa, ruột nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt. Dây dẫn dùng để dẫn điện từ nguồn vào nồi. Vỏ nồi cơm điện thường làm bằng nhựa chịu sức nóng tốt, thường có nắp để đậy lại. Trên nắp nồi có một lỗ nhỏ để thoát hơi ra ngoài. Ruột nồi nằm bên trong, thường làm từ kim loại bền, chống dính cao. Trên ruột có các mức nước được kẻ thành vạch, dựa vào đó mà chọn lượng nước phù hợp với gạo để cơm ngon hơn. Thiết bị cảm ứng là thiết bị điện tử, đo nhiệt độ của nồi và kiểm soát nhiệt lượng, báo hiệu tình trạng nồi cơm. Một chiếc nồi hoàn chỉnh sẽ có thêm nhiều phụ kiện khác.
Theo sự phát triển và nhu cầu của từng thời đại mà nồi cơm điện lại được thiết kế theo kiểu mã, chức năng khác nhau. Hiện nay, nhiều loại nồi cơm điện phức tạp được phát minh có nhiều cảm biến hơn và đa chức năng hơn. Những chiếc nồi đơn giản thì có nút bật, chỉ để nấu cơm. Hiện đại hơn, sẽ có cả bảng chức năng cảm ứng, muốn dùng chức năng nào thì chọn nút đó.
Nguyên lí hoạt động của nồi cơm điện khá đơn giản. Để nấu cơm, cho gạo và nước sạch vào ruột nồi trước, chọn nấc cảm ứng nhiệt về vị trí nấu. Trong thời gian nấu, nước và gạo được làm nóng với toàn bộ công suất nhờ một dây dẫn điện tạo ra. Khi đạt đến nhiệt độ 100°C, nước sẽ chuyển từ lỏng sang dạng hơi, thoát ra theo lỗ thông của vỏ nồi. Nhiệt độ cao tạo ra sẽ nấu chín gạo, đèn báo chuyển chế độ thì kết thúc nấu. Thông thường, sau đó nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ "hâm nóng" để tiết kiệm năng lượng, giữ cơm đã chín ở nhiệt độ an toàn, tự động ngắt nguồn điện.
Nồi cơm điện đã trở thành vật dụng quen thuộc không thế thiếu trong mỗi gia đình. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian đun nấu mà lại có những bát cơm dẻo ngon. Không những thế, nồi cơm điện còn có nhiều chức năng như hấp, nấu cháo, làm bánh, hầm... Chỉ với một chiếc nồi, chúng ta có thể làm bất cứ món gì mình muốn. Nó giống như cầu nối gắn kết cả gia đình với những bữa cơm đàm ấm sum họp.
Trong quá trình sử dụng, cần biết cách để giữ cho nồi bền. Ngay khi đi chọn mua, bạn nên cắm điện thử ngay tại nơi bán, kiểm tra các nút nấu có hoạt động chính xác hay không. Kiểm tra cả trong lẫn ngoài đảm báo nồi không bị trầy xước bên ngoài và ruột men bên trong tráng chống dính không bị bong tróc. Trước khi cho ruột vào nấu, nên lau khô mặt ngoài của ruột nồi. Thường xuyên lau chùi, giữ cho lỗ thông hơi trên vỏ sạch sẽ, thoáng. Không mở nắp quá nhiều khi nồi đang nấu để tiết kiệm điện. Ngoài ra, không nên để cơm chín quá 12 giờ mà không dùng, không rút điện gây hại cho nguồn điện. Thường xuyên lau chùi vỏ nồi và vệ sinh ruột nồi đúng cách để bảo vệ lớp men chống dính. Sử dụng đúng chức năng có ở nồi. Nếu nồi chỉ dùng để nấu cơm, không xào nấu để giữ tuổi thọ của nồi. Chiếc nồi cơm điện có sử dụng tốt được lâu hay không là nhờ vào cách bảo quản của người dùng.
Với sự phát triển tốc độ của kỹ thuật số, giống như nhiều thiết bị, vật dụng khác, nồi cơm điện cũng được cải tiến từng ngày. Nồi cơm điện đi vào đời sống sinh hoạt, có mặt ở khắp thế giới và trở thành một phần trong cuộc sống của con người.
Thuyết minh về cái phích nước
1. Mở bài
Giới thiệu cái phích nước: một trong những đồ dùng quen thuộc với nhiều thế hệ con người chính là cái phích nước.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
Lịch sử Phích nước được phát minh bởi nhà vật lí học kiêm hóa học người Scotland quý ngài James Dewar (1842-1923) vào năm 1892 tức thế kỉ 19 nhờ cải tiến từ thùng nhiệt lượng kế của Newton.
Hiện nay, ở Việt Nam, phích nước được sử dụng rộng rãi và phổ biến với con người.
b. Thuyết minh chi tiết
Cấu tạo: gồm vỏ phích và ruột phích.
- Vỏ phích: hình trụ, thon dài, được làm bằng nhựa, bên ngoài in hình họa tiết bắt mắt để tăng tính thẩm mĩ. Vỏ phích còn bao gồm quai cầm hoặc nắp phích được làm bằng nhựa.
- Ruột phích: gồm hai lớp thủy tinh rất mỏng, ở giữa là lớp chân không, trong lòng phích được tráng một lớp bạc rất mỏng có tác dụng ngăn sự tỏa nhiệt ra bên ngoài. Dưới đáy phích còn có một cái núm cũng có tác dụng giữ nhiệt. Nếu để vỡ cái núm ấy thì chiếc phích cũng sẽ không còn tác dụng giữ nhiệt.
c. Công dụng của phích nước
Được dùng phổ biến nhất để đựng nước nóng vì phích có khả năng giữ nhiệt cao.
Dùng để ủ ấm và giữ cho trà được ấm lâu hơn.
d. Bảo quản
Đậy kín nắp phích khi có nước nóng ở trong đó để giữ nhiệt được lâu.
Thường xuyên vệ sinh trong và ngoài phích để phích luôn sạch sẽ.
Tránh để phích nước va đập mạnh vì lớp thủy tinh bên trong rất dễ vỡ.
3. Kết bài
Khái quát lại vai trò của phích nước trong đời sống.
Giới thiệu về chiếc cặp sách
Suốt quãng đời cắp sách tới trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước,… và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì vật dụng để đựng các thứ kể trên chính là chiếc cặp - một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!
Cặp sách được sử dụng nhiều trong quá trình học tập cũng như trong đời sống. Chắc chắn một điều rằng, cặp sách có thể được đưa vào danh sách hàng loạt những phát minh quan trọng của loài người. Việc phát minh ra cặp sách là do người Mỹ nghĩ ra vào năm 1988.
Về cấu tạo, bên ngoài, ta dễ thấy nhất: Nắp cặp, quai xách, kẹp nắp cặp, một số cặp có quai đeo, một số khác có bánh xe nhỏ được dùng để kéo trên đường,… Cấu tạo bên trong, có thể có một hoặc nhiều ngăn dùng để đựng tập sách, đồ dùng học tập, áo mưa, có thể có ngăn đựng ví tiền hay cả đồ ăn, nước uống nữa,...
Về quy trình, cho dù quy trình làm ra chiếc cặp như thế nào đi nữa thì nó cũng chỉ có những công đoạn chính gồm: Lựa chọn chất liệu, xử lí, khâu may, ghép nối. Chất liệu thì có rất nhiều loại cho phù hợp với yêu cầu của người dùng: Vải nỉ, vải bố, da cá sấu, gải da,... Dù làm bằng chất liệu gì thì cặp cũng phải chắc, vì nó phải khiêng vác rất nặng các tập sách. Kèm theo đó, kiểu dáng cặp cũng phải phù hợp, ví dụ như con trai thì thường đeo cặp có quai sang một bên cho có khí phách, năng động. Con gái mặc áo dài thì ôm cặp trước ngực để có vẻ dịu dàng, thùy mị. Con nít thì đeo cặp ra sau lưng để dễ dàng chạy nhảy, vui đùa. Cùng với màu sắc, hiện đang thịnh hành rất nhiều loại cặp với nhiều màu sắc, hình ảnh đa dạng, phong phú, bắt mắt phù hợp cho từng lứa tuổi.
Một số lời khuyên về việc sử dụng cặp cho đúng cách: Chiếc cặp khi đeo không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể của mình. Nên xếp những đồ vật nặng nhất vào phần trong của cặp (phần tiếp giáp với lưng). Xếp sách vở và đồ dùng học tập sao cho chúng không bị xô lệch. Chắc chắn rằng những vật dụng để trong cặp đều cần thiết cho các hoạt động trong ngày. Đối với cặp hai quai, chúng ta không nên đeo lủng lẳng một quai, dễ cong vẹo người. Đối với cặp chỉ có một quai, nên thay đổi vai đeo để tránh cong vẹo người. Khi mua cặp, nên chọn loại quai đeo có độn bông, mút hoặc vải,…
Ngày nay, có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Miti, Samsonite, Tian Ling, Ling Hao,… phổ biến ở khắp mọi nơi như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Nhưng cho dù chúng đẹp đến đâu, bền cỡ nào đi chăng nữa, cũng từ từ theo thời gian mà hỏng dần đi nếu như chúng ta không biết cách bảo quản nó, chẳng hạn như quăng chúng ình ình mỗi khi gặp chuyện bực mình hoặc ham vui mà quăng nó đi. Thế nên, chúng ta không nên quăng cặp bừa bãi, mạnh tay, thường xuyên lau chùi cặp cho sạch sẽ.
Nói tóm lại, cặp sách là một vật dụng rất cần thiết trong việc học tập và cả trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích và có thể được coi là người bạn luôn luôn đồng hành với mỗi chúng ta. Đặc biệt là đối với học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước
Giới thiệu về chiếc máy tính
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay, đối với người học sinh, ngoài những người bạn thân quen như sách vờ, bút thước... chúng em còn có thêm một người bạn đặc biệt khác: Máy vi tính.
Chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời năm 1956. Ban đầu, chiếc máy vi tính có kích thước rất lớn, nó to bằng cả một căn phòng và chỉ thực hiện được một số phép tính đơn giản.
Theo thời gian, bằng sự nỗ lực của các nhà khoa học, kích thước chiếc máy tính đã được thu gọn lại như ngày nay.
Máy vi tính để bàn gồm hai bộ phận lớn tách rời nhau là CPU và màn hình. CPU là bộ phận quan trọng nhất của máy vi tính, đó là nơi xử lí các thông tin dữ liệu rất tinh vi. CPU có hình hộp chữ nhật, kích thước thường là 50cm*10cm*40cm. Vỏ ngoài được làm bằng kim loại có phủ sơn cách điện. Bên trong là ổ cứng, bộ vi xử lí, các mạch điện, dây dẫn... Mặt trước của máy vi tính là hình chữ nhật kích thước 10cm*40cm. Tại đây có các bộ phận nhỏ để nhận đĩa mềm, kết nối USB và máy, hệ thống nút điều khiển máy... Mặt sau của CPU là ổ cắm dây nối CPU với nguồn điện, màn hình, bàn phím và con trỏ chuột.
Màn hình máy vi tính thường có kích thước và hình dáng tương đương một chiếc ti vi 21 inch. Nhưng ngày nay do sự phát triển của công nghệ, màn hình máy vi tính chỉ mỏng chừng 2 cm đến 3 cm và được làm bằng tinh thể lỏng.
Ngoài hai bộ phận trên còn cần có bàn phím và con trỏ chuột mới có thể hoàn chỉnh một chiếc máy vi tính. Bàn phím có hình chữ nhật, kích thước vào khoảng 16cm*25cm, có các phím chữ nổi lên giúp nhập thông tin vào máy. Con trỏ chuột thon nhỏ, vừa tay nắm, có ba nút để điều khiển các lệnh trên màn hình.
Việc sử dụng máy tính khá đơn giản. Với người học sinh, công dụng chủ yếu là tạo lập văn bản, sử dụng các phần mềm ứng dụng, khai thác Internet và ... chơi game!
Để sử dụng máy, trước tiên, ta phải cắm phích vào ổ điện, bật máy CPU và bật máy màn hình. Tiếp đó, nếu tạo lập văn bản, ta nhấn hai lần chuột trái vào biểu tượng “W” (microsolf word) trên màn hình rồi sử dụng các phím chữ, đấu... nhập thông tin vào trang trắng trên màn hình. Để sử dụng các chương trình khác, ta cũng mở máy rồi sử dụng bàn phím và con chuột để nhập thông tin và tạo các lệnh.
Nhờ chiếc máy vi tính, người học sinh có thể trao đổi thông tin học tập, tâm tư tình cảm nhanh chóng, tiện dụng, có thể xem và thực hiện các thí nghiệm vật lí, hóa học, có thể tìm kiếm các thông tin cần thiết cho việc học tập... Ngoài ra, ta có thể giải trí bằng cách chơi trò chơi trên máy tính...
Chiếc máy vi tính là người bạn vô cùng hữu ích đối với người học sinh. Để bảo vệ người bạn đặc biệt này, chúng ta cần thường xuyên vệ sinh bàn phím, phủi bụi cho các bộ phận của máy. Ngoài ra, ta cần để máy nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Đặc biệt, nên cài một chương trình diệt “virus” - tác nhân có thể phá hoại dữ liệu trong máy.
Giới thiệu về chiếc bàn học
Trong góc học tập của mỗi người học trò đều có một cái bàn. Cái bàn là một đồ dùng học tập và sinh hoạt rất thân thiết với mỗi chúng ta thời cắp sách.
Vật liệu để làm bàn học thường bằng gỗ. Phần lớn bằng gỗ thường. Mặt bàn là một hình chữ nhật, dài độ 120cm, rộng 60cm, bằng gỗ tấm hoặc gỗ dáng. Cái bàn theo kiểu cổ có bốn chân và chiếc ngăn kéo. Cái bàn theo kiểu mới có ngăn phụ chạy song song với mặt bàn, phía bên phải là một cái buồng có chiều cao độ 60- 70cm, rộng độ 50cm, chiều dài 60cm bằng chiều rộng mặt bàn, chứa được bao nhiêu thứ. Người thợ mộc đã dùng hai tấm ván gỗ, vừa tạo thành chân bàn, vừa để làm ngăn bàn đựng đồ dùng, sách vở; cái bàn trở nên vuông vắn, vững chắc.
Mặt bàn có thể bằng gỗ tấm bào nhẵn hoặc bằng gỗ dán phẳng lì được sơn hoặc đánh véc-ni màu, bóng lộn, đẹp mắt. Bàn được kê vào một nơi hợp lí trong gian nhà, thường gần cửa sổ, hướng ra sân ra vườn, nơi có ánh sáng chiếu rọi vào làm cho góc học tập được thoáng đãng.
Trên mặt bàn của người học sinh nào cũng có ít sách vở, cái đèn bàn, cái đồng hồ và một vài thứ đồ dùng học tập khác. Có thể đặt một lọ hoa nhỏ, trang trí một vài tranh ảnh đẹp cắt từ họa báo. Chỉ nhìn qua những thứ xếp đặt, bày biện... trên mặt bàn, là có thể hiểu được phần nào đạo đức, nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần học tập của cô, cậu học trò - chủ nhân của cái bàn ấy.
Ngoài học ở trường ban ngày, học trò còn phải từ học ở nhà. Mỗi tối, mặt bàn được ánh đèn chiếu sáng, trở thành nơi học bài, làm bài của người học trò. Thời gian tự học gắn liền với cái bàn có thể dài, ngắn khác nhau, càng học lên cao, nhiều học sinh có thể ngồi học bài, làm bài đến 10-11 giờ khuya mới đi ngủ.
Ngày xưa, cái bàn học của các nho sinh gọi là cái án thư. Nguyễn Trãi có câu thơ Quốc âm: "Án sách, cây đèn hai bạn cũ". Trong những năm dài "nấu sử sôi kinh", cái đèn, cái bàn (án thư) trở thành người bạn vô cùng thân thiết với cậu tú, ông cống, ông nghè tương lai.
Cái bàn phải đi liền với cái ghế; cái ghế để ngồi học, ngồi đọc sách, làm bài.
Cạnh cái bàn học thường có tủ sách hoặc giá sách.
Cái bàn là một vật dụng bình dị, thân thiết, nó phản ánh đầy đủ nhất nền nếp, truyền thống hiếu học của bất cứ gia đình nào, người học sinh nào. Gia đình văn hoá phải có góc học tập, cái bàn học đàng hoàng cho tuổi trẻ, cho con cái thời cắp sách.
Giới thiệu về chiếc bút bi
Giới thiệu về chiếc bút bi mẫu 1
Trong một buổi tối của năm học mới, tất cả đồ dùng học tập tập hợp lại ở trên bàn và tổ chức cuộc thi "khoe tài" giới thiệu về mình cho tất cả mọi đồ vật khác biết để giúp cậu chủ học thật tốt mỗi khi đến trường. Cuộc thi thu hút được rất nhiều thí sinh, từ cậu Kéo, anh Keo, chị Tẩy đến các em Bút Máy, Bút Chì, Bút Bi,... ai ai cũng xinh đẹp, giỏi giang lại có rất nhiều công dụng hữu hiệu. Bút Bi là em út, nhanh nhẹn xin trình bày phần thi của mình trước, tự tin "khoe mình" với các anh chị.
Bút Bi bước lên trước sân khấu. Đầu tiên, cậu kể về tổ tiên của mình. Tổ tiên của cậu là một người thợ phương Tây nhưng khi đó cậu không được bày bán trên thị trường như bây giờ nên mọi người không biết tới. Cho đến tận những năm cuối thế kì XIX, nhà báo Lazso Biro người Hung-ga-ry đã nhận thấy việc viết bằng đầu bút chấm mực gây cho ông nhiều bất tiện nên ông để ý cậu Bút Bi nhưng ông lại thấy loại mực của cậu rất lâu khô nên đã dùng mực để in báo thay thế. Từ khi khắc phục được khuyết điểm của mình, cậu bút bi đã được mọi người biết đến nhiều hơn và được sử dụng vô cùng rộng rãi.
Cậu Bút Bi sải bước trên sàn. Vốn được sinh ra ở công ty Thiên Long nên dáng của cậu nhỏ gọn, cao 16 xăng - ti - mét, đường kính chỉ 1 xăng - ti - mét. Cậu có một chiếc áo khoác bên ngoài người ta vẫn thường gọi là vỏ bút. Nó có chất liệu bằng nhựa trong suốt, được thiết kế ở phía bên trên là nút bấm điều khiển mở ruột bút ở bên trong để viết khi cần. Phía dưới của vỏ bút được thiết kế với những đường vân để giúp tạo ma sát tránh bị trơn trượt khi cầm bút. Đầu vỏ của cậu Bút Bi thon dần ôm sát lấy đầu bút. Bên trong cậu có một chiếc lò xo nhỏ để giúp ngòi bút có thể bật lên, xuống một cách dễ dàng. Một phần quan trọng không thể thiếu được của cậu chính là ruột bút. Ruột bút rất nhỏ chỉ chừng có đường kính từ 2 đến 3 mi - li - mét, bên trong là mực khô rất nhanh còn bên ngoài được trang trí hình xoắn ốc theo màu của mực để phân biệt các màu mực khác nhau. Gắn trên đầu ruột bút là một viên bi nhỏ để điều tiết độ ra mực được đều và trơn.
Tuy cậu Bút Bi có cấu tạo thật đơn giản, nhỏ bé nhưng lại có võ. Mực của cậu rất nhanh khô nên có thể ghi chép bài rất nhanh và thoải mái không lo bị nhòe mực làm bẩn giấy. Cậu chủ có thể sử dụng Bút Bi để ghi chép các bài học ở trên lớp,sổ tay, nhật kí,... Không những thế giá của cậu Bút Bi này còn rất rẻ chỉ khoảng 5000 đồng, thậm chí còn có thể thay ruột khi bút hết mực là có thể tiết kiệm được một chiếc vỏ xinh xắn. Vậy mà Bút vẫn có biết bao nhiêu công dụng, tiện ích. Cậu Bút Bi còn có thể đi theo cậu chủ hay mọi người tới bất cứ nơi đâu vì dáng vóc bé bé xinh xinh có thể đi tới bất cứ đâu. Nhưng dù có võ thì cậu Bút Bi vẫn rất dễ bị thương nếu như cậu chủ làm rơi bút xuống đất, viên bi có thể bị thụt vào trong làm mực ra không đều hay vỏ bút sẽ bị vỡ. Chính vì vậy, khi sử dụng thì cậu chủ cũng cần lưu ý dùng xong nhớ bấm tắt ngòi bút tránh làm khô mực và giữ bút cần thận không làm rơi bút, như vậy bút sẽ phục vụ được cậu chủ lâu và tốt.
Cậu Bút Bi còn giới thiệu thêm cho mọi người về những người anh em của cậu. Đó là những người anh em Bút Bi khác có những màu mực khác như đỏ, tím, xanh, đen,.. hay những anh có nắp, những anh béo ú, những em gầy nhỏ xíu, những em điệu đà trang trí thêm hoa lá đủ màu trên vỏ áo của mình,... tất cả đều là họ hàng của Bút Bi cả.
Nghe xong phần giới thiệu của cậu Bút Bi, tất cả mọi người đều đồng loạt vỗ tay ào ào tán thưởng cho cậu bé đầy tài năng này. Chắc chắc cậu Bút Bi sẽ là người bạn không thể thiếu trong bộ đồ dùng học tập của cậu chủ, luôn làm cậu chủ hài lòng.
Giới thiệu về chiếc bút bi mẫu 2
Suốt quãng đời cắp sách đến trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước... và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì tôi yêu quý nhất là cây bút bi, một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!
Hồi còn ở cấp một, tôi dùng bút máy viết mực và chữ tôi khá đẹp, nhưng khi vào cấp hai thì nó lại gây cho tôi khá nhiều phiền toái. Tôi phải vừa viết vừa nghe Thầy, cô giảng bài với tốc độ khá nhanh nên bút máy không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chữ viết lộn xộn và lem luốc rất khó coi! Lúc ấy thì Ba mua tặng tôi một chiếc bút bi với lời khuyên: "con hãy thử xài loại bút này xem sao, hy vọng nó có ích với con". Kể từ đó tôi luôn sử dụng loại bút này để rồi hôm nay có dịp nhìn lại, tìm hiểu đôi điều về nó.
Chiếc bút bi đầu tiên, được một nhà báo Hungary làm việc tại Anh tên Laszlo Biro giới thiệu vào năm 1938. điều khiến Ông nghĩ ra việc sáng chế ra loại bút này là vì những cây bút máy luôn gây cho Ông thất vọng, chúng thường xuyên làm rách, bẩn giấy tờ, phải bơm mực và hay hư hỏng... Vào ngày 15 tháng 6 năm 1938 ông Biro được nhận bằng sáng chế Anh quốc. Từ khi bút bi được ra đời nó đã được cải tiến nhiều để phù hợp với người dùng và đã trở nên thông dụng khắp thế giới. Tuy có khác nhau về kiểu dáng như chúng đều có cấu tạo chung giống nhau. Bút bi có ruột là một ống mực đặc, đầu ống được gắn với một viên bi nhỏ có đường kính khoảng từ 0,7 đến 1 milimet, được coi như là ngòi bút. Khi ta viết mực được in lên giấy là nhờ chuyển động lăn của viên bi này và loại mực dùng cho bút khô rất nhanh.
Con người thường ít nghĩ đến những gì quen thuộc, thân hữu bên mình. Họ cố công tính toán xem trung bình một đời người đi được bao nhiêu km hay một người có thể nhịn thở tối đa bao nhiêu phút nhưng chắc chưa có thống kê nào về số lượng bút họ dùng trong đời! Một cây bút cũng giống như cơ thể con người vậy, ruột bút là phần bên trong cơ thể, đầu bi chính là trái tim và mực chứa trong bút được ví như máu, giúp nuôi sống cơ thể. Còn vỏ bút giống như đầu, mình, tứ chi vậy... chúng phải cứng cáp thì bút mới bền, hoạt động tốt cũng như tạo cho người sử dụng cảm giác thoải mái. Màu sắc và hình dáng bên ngoài giống như quần áo, làm tăng thêm vẽ đẹp cho bút. Các chi tiết của bút dù quan trọng hay thứ yếu đều góp phần tạo nên một cây bút. Như một kiếp tằm rút ruột nhả tơ, âm thầm giúp ích cho đời để rồi khi cạn mực, chúng bị vứt bỏ một cách lạnh lùng. Mấy ai nhớ đến công lao của chúng!
Bước vào năm học mới, các nhà sản xuất bút bi như Bến Nghé, Đông Á, Thiên Long, Hán Sơn... đã lần lượt cho ra đời hàng loạt mẫu mã từ đơn giản cho đến cầu kỳ như bút bấm, bút xoay, bút hai màu, ba màu... đủ chủng loại khác nhau nhằm đáp ứng như cầu người sử dụng. Các cậu nam sinh thì chỉ cần giắt bút lên túi áo đến trường nhưng nhiều bạn gái lại thích "trang điểm" cho bút các hình vẽ, hình dáng xinh xắn lên thân hay đầu bút còn được đính thêm con thú nhỏ ngộ nghĩnh... Thế là những chiếc bút bi lại theo chân trò nhỏ đến trường, giúp các cô, cậu lưu giữ những thông tin, kiến thức vô giá được thầy cô truyền đạt lại với cả tấm lòng!
Có cây bút vẻ ngoài mộc mạc, đơn giản song cũng có cây được mạ vàng sáng loáng. Nhìn bút, người ta biết được "đẳng cấp" của nhau, nhưng nhìn vào nét chữ người ta mới đoán được tính cách hay đánh giá được trình độ của nhau. "Một chiếc áo cà sa không làm nên ông thầy tu", một cây bút tuy tốt, đắt tiền đến cỡ nào cũng chỉ là vật để trang trí nếu vào tay kẻ đầu rỗng mà thôi! Bút là vật vô tri, nên nó không tự làm nên những câu chữ có ý nghĩa nhưng nếu trong tay người chủ chuyên cần, hiếu học nó sẽ cho ra đời những bài văn hay, những trang viết đẹp. Để trở thành người chủ "tài hoa" của những cây bút, người học sinh cần rèn luyện cho mình thói quen vở sạch, chữ đẹp và luôn trau dồi kiến thức học tập... hãy biến chúng thành một người bạn thân thiết, một cánh tay đắc lực trong việc học tập bạn nhé!
Cùng với sách, vở... bút bi là dụng cụ học tập quan trọng của người học sinh, vì vậy chúng ta cần phải bảo quản bút cho tốt. dùng xong phải đậy nắp ngay để tránh bút rơi làm hư đầu bi, bộ phận quan trọng nhất của bút. Đặc biệt là luôn để bút ở tư thế nằm ngang giúp mực luôn lưu thông đều, không bị tắc. Một số loại bút bi có thể thay ruột khi hết mực và mình xin mách các bạn một mẹo nhỏ là nếu để bút bi lâu ngày không xài bị khô mực thì đừng vội vứt bỏ mà chỉ cần lấy ruột bút ngâm trong nước nóng độ 15 phút... cây bút của bạn có thể được phục hồi đấy!
Có thể nói rằng bút bi là một trong những phát minh quan trọng của con người. Ngày nay cứ 1 giây lại có 57 cây bút bi được bán ra trên thế giới, chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng của nó. Khoa học tiến bộ, nhiều công cụ ghi chép tinh vi hơn, chính xác hơn lần lượt xuất hiện nhưng bút bi vẫn được nhiều người sử dụng bởi nó rẽ và tiện lợi. Cầm cây bút bi trên tay, nắn nót từng chữ viết cho người thân yêu, chúng ta mới gửi gắm được trong đó bao nhỉ.
Dàn ý Giới thiệu về chiếc nón bảo hiểm
1. Mở bài
Giới thiệu chiếc nón bảo hiểm: một trong những vật dụng không thể thiếu mỗi khi chúng ta ra đường tham gia giao thông chính là chiếc nón bảo hiểm.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
Lịch sử hình thành: Lịch sử ghi nhận mũ bảo hiểm xuất hiện cùng thời với chiến tranh. Ban đầu, mũ được làm bằng da rồi dần dần được rèn sắt. Vào thế kỉ XVI-XVII, chiếc mũ được làm bằng thép nhẹ như thời trung cổ nhưng vành rộng hơn. Năm 1914, người Pháp chính thức coi mũ bảo hiểm là trang bị tiêu chuẩn của người lính. Lần lượt, Anh, Đức và các nước Châu Âu còn lại cũng theo gương. Ngày nay, mũ bảo hiểm dần dần thâm nhập vào đời sống.
b. Ý nghĩa, vai trò
Mũ bảo hiểm được sử dụng rộng rãi với những kết cấu và chức năng khác nhau: hàng không vũ trụ, quân đội, thể thao, công nhân và kĩ sư, các vận động viên nhiều môn thể thao như đấu kiếm, võ thuật, bóng bầu dục… và gần gũi nhất là người tham gia giao thông trên xe máy, xe đạp.
c. Thuyết minh cấu tạo chi tiết
Phần vỏ ngoài: được làm bằng lớp nhựa cứng, có khả năng chịu lực tốt. Sở dĩ mũ bảo hiểm làm bằng nhựa phổ biến hơn sắt vì nó nhẹ hơn, đỡ gây cảm giác nặng đầu hơn mũ bảo hiểm làm bằng sắt. Trên lớp vỏ đó có in những họa tiết khác nhau để tăng tính thẩm mĩ.
Phần bên trong: được làm bằng một lớp lót mềm mại khiến cho da đầu cảm thấy dễ chịu (thường bằng vải hoặc bông).
Phần quai: được gắn vào gần hai bên tai của mũ, có khóa chốt cài lại để cố định mũ vững chắc trên đầu tránh xê dịch hoặc rơi rớt.
Phân loại: có nhiều loại mũ khác nhau, người ta phân loại dựa vào công năng: mũ bảo hộ kĩ sư, mũ bảo hộ công an, mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông,…
d. Sử dụng và bảo quản
Mũ bảo hiểm dễ dàng sử dụng, chỉ cần đội lên đầu và cài quai là nó dã có thể bảo vệ đầu của bạn tối đa.
Bảo quản: bảo quản mũ bảo hiểm ở nơi râm mát, tránh nắng mưa tác động vào làm giảm chất lượng của mũ. Vệ sinh mũ thường xuyên.
3. Kết bài
Khái quát lại những công năng của chiếc mũ bảo hiểm.
Dàn ý Thuyết minh về cây thước kẻ
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần thuyết minh: cây thước kẻ.
2. Thân bài
a. Khái quát chung về cây thước kẻ
Cây thước có nhiều loại khác nhau như thước thẳng, êke, thước đo độ,… mỗi loại thước có một công dụng, chức năng khác nhau nhưng vô cùng thiết thực và quan trọng đối với học sinh cũng như đời sống con người.
Giá của một cây thước nhựa chỉ từ 2000đ – 5000đ.
b. Cấu tạo của cây thước kẻ
Thước thẳng có dạng hình chữ nhật và độ dài, rộng rất đa dạng.
Thước êke có dạng hình tam giác vuông hay tam giác vuông cân.
Thước đo độ thường được học sinh cấp 2, cấp 3 dùng nhiều có dạng nửa hình tròn.
Màu sắc của thước thì rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là thước nhựa.
Hầu hết tất cả cây thước đều có vạch chia cm. Một số khác vừa có vạch chia cm vừa có vạch chia inch
c. Phân loại thước kẻ
Thước được làm từ nhựa, gỗ, hay kim loại nhưng phổ biến nhất là thước nhựa.
Thước bằng kim nặng hơn, có giá mắc hơn chút ít nhưng bền hơn, cũng dễ sử dụng, khó gãy.
Thước gỗ thể hiện được sự tinh tế và sang trọng.
d. Công dụng của thước kẻ
Thước thẳng giúp ta đo lường, kẻ những đường thẳng và vẽ được những đoạn thẳng với độ dài cho trước và gạch chân những điều quan trọng.
Thước ê-ke giúp ta kiểm tra góc vuông, dễ dàng vẽ được các hình trong môn hình học. Ngoài ra, nó cũng có thể dùng để đo hay kẻ thẳng.
Thước đo độ thì dùng để đo số đo của các góc, vẽ được góc, hình với số đo cho sẵn.
3. Kết bài
Khái quát chung về ý nghĩa, vai trò của cây thước kẻ trong đời sống hiện nay.
Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 8. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.
Bài văn mẫu lớp 8 số 5 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt được VnDoc chia sẻ trên đây. Gồm dàn ý và 7 bài văn mẫu, hy vọng sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm nhiều vốn từ, từ đó hoàn thiện bài văn của mình hay hơn, sinh động hơn. Chúc các em học tốt, nếu các em có thắc mắc hay muốn trao đổi kiến thức lớp 8, hãy nhấn vào link hỏi - đáp học tập phía dưới này nhé
-------------------------------
VnDoc trên đây đã chia sẻ tới các bạn bài văn mẫu Bài văn mẫu lớp 8 số 5 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt. Hy vọng với tài liệu này các bạn học sinh sẽ có thêm nhiều ý tưởng hay cho bài văn của mình. Chúc các bạn học tốt
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan:
Bài tiếp theo Bài văn mẫu lớp 8 số 5 đề 2: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em
- Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về cây hoa mai ngày tết
- Thuyết minh về một loài hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam
Ngoài ra các bạn tham khảo thêm tài liệu lớp 8 đầy đủ các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh... mà chúng tôi sưu tầm, chọn lọc bám sát với chương trình học lớp 8 hơn. Hy vọng rằng tài liệu lớp 8 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới
Đặt câu hỏi về học tập, giáo dục, giải bài tập của bạn tại chuyên mục Hỏi đáp của VnDoc | |
Hỏi - Đáp | Truy cập ngay: Hỏi - Đáp học tập |