Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em tham khảo. Bài văn thuyết minh mẫu lớp 8 dưới đây là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các học sinh, nhằm nâng cao kỹ năng thực hành viết văn thuyết minh, đồng thời học tốt môn Ngữ văn 8, mời các bạn tham khảo!

Dàn ý Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa

Dàn ý thuyết minh về thành nhà Hồ

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa: thành nhà Hồ.

2. Thân bài

a. Khái quát chung

Từ thành phố Thanh Hoá, theo quốc lộ 45 ngược lên phía bắc, ngược con đường Thiên Lý xưa kia độ 2 km là chúng ta đã đến Thành Nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Năm 1397, Hồ Quý Ly chọn đất An Tôn xây thành thủ hiểm. Thành được xây dựng ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi.

Thành Tây Đô có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam.

b. Thuyết minh chi tiết

Hiện nay, thành có độ cao trung bình 7m đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m.

Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu ít nhất có từ 4 đến 5 mặt phẳng.

Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của đất nước và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Tường thành không những được xây bằng đá tảng mà năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương hạ lệnh cho nhân dân nung gạch để xây thêm phần tường thành phía trên. Phần tường gạch ngày nay gần như không còn nữa nhưng những viên gạch vẫn thấy nằm rải rác trong các gia đình gần thành.

3. Kết bài

Khái quát lại về vẻ đẹp và ý nghĩa lịch sử của thành Nhà Hồ.

Dàn ý thuyết minh về bãi biển Sầm Sơn

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần thuyết minh: bãi biển Sầm Sơn.

Lưu ý: học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.

2. Thân bài

a. Khái quát chung

Nằm cách thành phố Thanh Hóa chừng 17km về phía Đông và cách trung tâm Hà Nội khoảng 170km về phía Nam, Sầm Sơn là một trong những khu du lịch nổi tiếng khu vực Bắc Trung bộ từ những năm đầu thế kỷ 20 với bãi biển chạy dài gần 6km từ chân núi Trường Lệ ra đến cửa Lạch Hới.

Ngay từ năm 1907, người Pháp đã bắt đầu khai thác du lịch làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm. Với bãi tắm có dãi cát trắng mịn chạy thoai thoải ra khơi, sóng vỗ vừa phải, không có đá ngầm, khu nghỉ mát này đã nhanh chóng trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút du khách thập phương.

Sầm Sơn được xem là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất nước. Sau khi thị xã Sầm Sơn được thành lập ngày 18-12-1981 đến nay.

b. Du lịch Sầm Sơn

Xuôi về phía Bắc, du khách còn có dịp tham quan khu sinh thái Vạn Chài với những ngôi nhà lá đậm đà bản sắc Việt, cùng ngư dân kéo chài, gỡ lưới hay tắm nắng mai và thưởng thức bữa tiệc nướng đầy hấp dẫn ngay trên bờ biển.

Đến với biển Sầm Sơn, du khách không thể không biết đến nguồn hải sản phong phú và chất lượng hơn nhiều địa phương khác. Du khách có thể thưởng thức từ Mực ống, Tôm he, Cua gạch… đến các loại cá ngon như Chim, Thu, Nục…

Du khách đến với biển Sầm Sơn không chỉ được hòa mình vào với thiên nhiên thơ mộng, được nghe bản hòa tấu du dương của biển cả, của núi non, của những hàng dừa hay những rặng phi lao đung đưa trong gió…, mà còn được đắm mình vào một vùng đất thấm đẫm huyền thoại, truyền thuyết, một vùng đất được biết đến với những lễ hội dân gian đặc sắc.

3. Kết bài

Khái quát lại vai trò, tầm quan trọng của bãi biển Sầm Sơn đối với du lịch nói riêng và đối với kinh tế - xã hội nước nhà nói chung.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Đền Bà Triệu

Nhắc đến lễ hội đền Sòng, dân gian từ xưa đã truyền nhau câu ca:

“Nhất vui là hội Phủ Dầy
Vui thì vui vậy chẳng tày Sòng Sơn”.

Đền Sòng, nơi bà Chúa Liễu Hạnh hiển thánh, là chốn linh thiêng của đạo Mẫu và lễ hội đền Sòng cũng là ngày hội lớn của những tín đồ đạo Mẫu, cũng như du khách thập phương khắp trong Nam, ngoài Bắc…

Khách du lịch theo đường Quốc lộ từ Hà Nội vào Thanh Hoá qua Dốc Xây hết địa phận Ninh Bình đi tiếp 3 km là đến Đền Sòng Sơn- một ngôi đền nổi tiêng” thiêng nhất Xứ Thanh” gắn liền với văn hoá tâm linh Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Sòng Sơn được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông( 1740- 1786) là nơi thờ Nữ Thần Vân Hương- Bà Chúa Liễu Hạnh hay Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền Sòng mặt hướng về phía Tây Bắc, trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong đó là Hồ cá Thần, tương truyền rằng hàng năm cứ đến cự Tháng giêng, Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, nhưng khi hết Lễ hội Đền Sòng ( từ ngày 1 đến ngày 26 tháng 2 AL) thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng nói rằng đó là các Nàng tiên trên thượng giới hoá phép về hầu Tiên chúa Thánh Mâu Liễu Hạnh…

Từ hồ cá Thần có hai con suối nhỏ chảy lượn quanh khiến cho ngôi đền như ngự trên một hòn đảo nhỏ bồng bềnh giữa mây trời non nước. Phía trước đền có chiếc cầu bằng đá do Bà Hoàng Thái hậu nhà Lê phát tâm công quả xây dựng từ năm thứ 33 triều Cảnh Hưng ( 1772 ). Cầu được bắc qua con suối trong veo chảy quanh đền làm tăng thêm vẻ ngoạn mục của ngôi đền. Hai suối nước lượn quanh co uốn khúc về phía Đông hợp lưu cùng chín dòng nước phun lên từ lòng đất tạo thành chín giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn.

Nhân dân dựng nên ngôi đền cạnh chín cái giếng tự nhiên đó và quen gọi là đền Chín Giếng để thờ Cô Chín- cũng là một tiên nữ được vua cha Ngọc Hoàng cho theo hầu Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền Chín Giếng là một công trìnhnằm trong quần thể của di tích Đền Sòng Sơn; cách đền Sòng 1Km về phía Đôngdu khách sau khivãn cảnh dâng hương Đền Sòng bao giờ cũng cũng đến dâng hương vãn cảnh Đền Chín Giếng.

Bước qua cổng Tam Quan ,sau khi thắp hương trước tượng Phật bà Quan âm Bồ tát; du khách vào dâng hương cung Đệ Tam, là cung thờ Hội đồng Thánh Quan, trong đó thờ các ông Hoàng và các Cô đệ tử , nổi bật là ông Hoàng Bơ (Ba), Ông Hoàng Bảy. Tại cung này phối thờ cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương. Qua cung đệ tam du khách vào dâng hương cung Đệ Nhị; Nơi đây thờ Ngọc Hoàng ( Vua Cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh ) và các Quan. Trên các cột và xà ngang trong Đền được trang trí 26 cuốn thư, hoành phi, câu đối suy tôn , ca ngợi công đức và sự linh thiêng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Qua cung Đệ Nhị là cung Đệ Nhất , đây là cung thâm nghiêm, ít khi được mở cửa trừ những ngày lễ rước Thánh Mẫu hàng năm vào tháng Hai âm lịch. Gian chính có tượng thờ Thánh Mẫu, trong trang phục màu đỏ lộng lẫy, dáng ngồi uy nghi mà khoan dung độ lượng. Hai bên là hai đệ tử thân tín: Quế Nương, Nhị Nương, vốn là hai tiên nữ được Ngọc Hoàng Vua cha cho theo hầu tiên chúa Liễu Hạnh giáng trần lần thứ 3; Quế Nương trong trang phục màu hồng, Nhị Nương trong trang phục màu xan; Hai gian bên có tượng thờ Mẫu Thoải( Thần nước)và Mẫu Thượng Ngàn (Thần Núi rừng ).

Từ nhiều đời nay nhân dân tìm đến với Liễu Hạnh là tìm đến với đạo Mẫu. Liễu Hạnh công chúa là biểu tượng của ước mơ giải phóng phụ nữ. Câu đối ở đền Ngọc Hồ (Hà Nội) – một trong những nơi thờ Thánh Mẫu đã phần nào đã nói lên Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức của người Việt nam nói chung và người Thanh hoá nói riêng.

“Chẳng thiêng cũng bụt chùa nhà, gái Thanh Hóa nữ thần có một
Đẹp nhất là tiên hạ giới, cõi nam thiên bất tử hòa tư”.

Chính hội đền Sòng diễn ra vào ngày 22-2 âm lịch, với các nghi thức tế lễ được cắt đặt chặt chẽ. Xưa kia, việc dâng lễ và thực hiện các nghi thức cúng bái sẽ do phụ nữ đảm nhiệm. Họ được gọi là Bà Đồng, vốn là những người sống độc thân từ hồi còn trẻ, tự nguyện coi giữ đền và tự nguyện hầu Mẫu, hầu Thánh. Ngày nay, việc cúng tế có sự tham gia của các bản hội địa phương và cả các bản hội của các tỉnh, thành phố như Nam Định, Hà Nội, Hải Dương…

Một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ hội đền Sòng là rước Thánh Mẫu. Người xưa cho rằng, để Thánh Mẫu có thể quan sát cảnh vật, đất đai, sông núi nơi Mẫu ngự nên tượng Thánh Mẫu sẽ được rước từ chính tẩm qua cung Đệ nhị, Đệ tam và rước quanh đền. Những người tham gia đoàn rước là những Bà Đồng khiêng bàn thờ đặt lễ vật và đồ tế khí; 16 cô gái đồng trinh trong trang phục sặc sỡ đi giật lùi trước kiệu Thánh Mẫu và 16 cô gái đồng trinh đi phía sau kiệu cầm tán che. Đoàn rước Thánh Mẫu kết thúc sau khi tượng Thánh Mẫu, lễ vật, đồ tế khí đã được đưa vào an vị trong chính tẩm để bắt đầu cho cuộc tế nữ quan kéo dài tới nửa ngày.

Phần hội trong lễ hội đền Sòng xưa kia hết sức phong phú, với các trò múa rồng, múa sư tử, đánh cờ, đánh vật, đánh đu, leo dây… Nhiều trò trong số đó đã không còn được duy trì trong lễ hội đền Sòng hiện nay; song phần hội cũng không vì thế mà kém phần thú vị, khi đây là nơi để thanh niên trai tráng trong vùng khoe tài đánh vật, luyện võ hay hát đối chầu văn…

Đền Sòng Sơn có lịch sử gần 300 năm, qua nắng gió, thời gian, bom đạn chiến tranh tàn phá và sự huỷ hoại vô thức của con người . Đến năm 1998 được trùng tu tôn tạ gần như nguyên vẹn dáng uy nghi và linh thiêng thủa xưa.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Đền Bà Triệu

Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa thuộc khu di tích lịch sử Bà Triệu, tọa lạc trên ngọn núi Gai, thuộc địa phận làng Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, ngôi đền được lập dưới thời vua Lý Nam Đế nhằm tưởng nhớ đến công ơn của vị nữ anh hùng bất khuất Triệu Thị Trinh. Đền Bà Triệu là một di tích lịch sử nổi tiếng, gần với nhiều địa điểm du lịch Thanh Hóa như: động Tiên Sơn, cầu Hàm Rồng, thành nhà Hồ… Ngôi đền linh thiêng trải qua thời gian đã nhuốm màu phong sương, cổ kính, tuy nhiên, đây vẫn là điểm dừng chân lý tưởng để chiêm bái, vãn cảnh và khám phá kiến trúc độc đáo.

Đền thờ Bà Triệu, hay còn có tên gọi khác là đền thờ bà Triệu Thị Trinh – một trong những vị tướng anh hùng có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi giặc Trung Quốc đến xâm chiếm bờ cõi nước ta vào thế kỷ III (TCN). Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có.

Dưới thời vua Minh Mạng (thế kỷ XVIII), công trình này được chuyển tới vị trí hiện tại và giữ nguyên cho tới bây giờ. Trải qua thời gian, công trình cũng nhuốm màu phong sương, cổ kính, tuy nhiên, địa phương cũng có những dự án tu sửa hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của khách trong và ngoài tỉnh. Di tích lịch sử đền Bà Triệu có kiến trúc độc đáo, mỗi khu vực đều có kiểu thiết kế riêng, tựu trung lại là một công trình quy mô, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Bắc Trung Bộ.

Đền Bà Triệu tọa lạc hướng Bắc, gồm các công trình là Nghi môn ngoại, hồ sen hình chữ nhật, bình phong, Nghi môn trung, sân dưới, Nghi môn nội, sân trên (hai bên có Tả/hữu mạc), Tiền đường, sân thượng, Trung đường, sân thiên tỉnh, Hậu cung.

Nghi môn ngoại được xây kiểu tứ trụ, bằng đá nguyên khối; trên đỉnh cột trụ cao là hình chim phượng lá lật, trụ thấp hình nghê chầu, lồng đèn chạm hình tứ linh, tường hai bên là hai bức chạm nổi tượng voi chầu. Hồ nước có chiều rộng 29,8m, dài 42,2m, ba mặt hồ xây lan can thấp, mặt đối diện với Nghi môn nội được tạo bậc lên xuống, bậc thềm có rồng chầu. Bình phong đặt phía trước Nghi môn trung, bằng đá nguyên khối, tạo tác theo kiểu hình cuốn thư, dài 4,075m, cao 2,37m.

Nghi môn trung có kiến trúc tứ trụ truyền thống, trên đỉnh cột lớn là hình chim phượng lá lật, hai cột trụ nhỏ chạm nổi hình khối tượng nghê chầu, các ô lồng đèn trang trí hình tứ linh. Sân dưới nằm trước nghi môn nội, dài 49,8m, rộng 12m; nền sân lát gạch bát. Ở hai bên tả, hữu của sân có miếu Sơn thần và Thổ thần. Nghi môn nội có kiểu dáng như Tam quan của chùa, gồm 2 tầng mái, 3 cửa ra vào, 4 cột cao ở cửa giữa và 4 cột thấp ở hai cửa bên; đỉnh cột trụ lớn gắn chim phượng lá lật, trụ nhỏ có nghê chầu; mái cuốn vòm, dán ngói âm dương. Hai bên cửa chính ra vào đặt 2 tượng nghê chầu cổ bằng đá.

Sân trước nhà Tiền đường dài 51,40m, rộng 11,55m, nền lát bằng đá tảng đục nhám mặt. Trên sân đặt 01 bát hương đá hình tròn, hai bên có 2 cây đèn đá hình trụ, phía ngoài đặt 2 tượng voi chầu bằng đá khối. Tả mạc và Hữu mạc nằm ở hai bên sân trước nhà Tiền đường, mỗi nhà có 5 gian, thu hồi bít đốc, tường bao 3 mặt; vì kèo làm bằng gỗ lim theo kiểu“chồng rường giá chiêng”, chạm hình hoa lá; nền nhà lát gạch bát kiểu cổ.

Tiền đường có 3 gian 2 chái, mái thu hồi bít đốc, vì kèo kiểu “quá giang, trụ đinh, kèo suốt” trên 4 hàng chân cột (12 cột) bằng đá núi Nhồi, đục vuông cạnh, trên các cột đá chạm nổi vế đối chữ Hán. Nóc nhà trang trí hổ phù đội mặt trăng, ngậm chữ Thọ; kìm nóc hình đầu rồng, đuôi rồng có dáng đuôi cá mang đậm dấu ấn của kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn.

Trung đường ngăn cách với nhà Tiền đường bới sân thượng, lát bằng đá xanh đục nhám mặt ở trục thần đạo. Trung đường là kiến trúc gỗ 5 gian 2 tầng mái cong, 4 vì kèo gỗ cấu trúc “giá chiêng chồng rường kẻ bẩy”, trang trí đề tài tứ linh, hình hoa lá, vân mây, rồng hóa… Tại gian giữa, đặt 2 tượng nghê chầu cổ. Ở phía ngoài, trang trí các bức phù điêu kìm nóc và kìm góc mái, rồng ngậm chữ Thọ đội mặt nguyệt, nghê chầu ở hai bên bờ chảy. Bậc Tam cấp có rồng chầu bằng đá xanh nguyên khối, kiểu dáng thời Lê.

Hậu cung nối với Trung đường bằng sân Thiên tỉnh, dài 2,45m, rộng 6,9m, trục thần đạo lát đá xanh đục nhám mặt. Hậu cung có kiến trúc bằng gỗ 3 gian 2 chái, hai tầng mái cong, với 4 vì kèo kiểu “giá chiêng chồng rường, kẻ bẩy”, 4 hàng chân cột. Trang trí trên hệ khung vì là các bức chạm nổi, chạm bong hình rồng, lá cúc leo, cúc to bản, hoa sen ở các đầu dư, quá giang, kẻ bẩy, hình tượng rồng ở kìm góc, kìm nóc mái…

Không chỉ là điểm du lịch tâm linh, chiêm bái, đền Bà Triệu còn là địa điểm tổ chức nhiều lễ hội Thanh Hóa nổi tiếng. Cụ thể, các lễ hội thường được tổ chức vào khoảng từ 21 – 24/2 âm lịch hằng năm, chứa đựng nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt. Trong những sự kiện lễ hội, du khách và người dân có thể tham gia nhiều hoạt động như: rước kiệu, tế lễ, tế nữ quan… hay các trò chơi dân gian như: thổi cơm, thi đấu vật, đánh cờ tướng…

Với kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Việt Nam, thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái, khám phá kiến trúc tâm linh.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Sầm Sơn mẫu 1

Thanh Hoá là một vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi đây đã sản sinh ra bao người con ưu tú của dân tộc như: Bà Triệu, Lê Lợi, Lê Thánh Tông.......Không chỉ được biết đến là vùng đất giàu văn hoá, nhân kiệt mà nơi đây còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có thể kể đến như Hàm Rồng, bãi biển Sầm Sơn,......Khu di tích lịch sử Lam Kinh cũng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nơi đây.

Từ trung tâm thành phố Thanh Hoá, mất khoảng hơn một giờ đi xe theo hướng Tây Bắc là có thể đến Lam Kinh. Khu di tích lịch sử thuộc thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân. Phía Bắc của thành điện hướng về sông Chu, phía Tây là núi Hàm Rồng, phái bên trái thành là rừng Phú Lâm và núi Hương hướng về bên phải. Nơi đây có tổng diện tích hơn 30 ha, bao gồm nhiều đền miếu, lăng tẩm,.....

Thành điện Lam Kinh được xây dựng theo quyết định của vua Lê Thái Tổ. Hơn 10 năm sau thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, nhà vua đóng đô tại kinh thành Thăng Long và đưa ra những quyết sách để phát triển, xây dựng quê hương, trong đó có quyết định xây kinh thành Lam Kinh trên đất Lam Sơn. Thành điện Lam Kinh còn có một trên gọi khác, đó là Tây Kinh. Vào năm 1962, khu di tích này được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Cách đây 7 năm, Lam Kinh được công nhận lên là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Cổng vào của hoàng thành rộng hơn 6 mét, hai phía cổng được xây dựng hai bức tường thành dài, dày và chắc chắn có hình cánh cung với ý nghĩa bảo vệ bên trong thành. Vào trong thành khoảng hơn 10 mét là gặp một con sông nhỏ có chiếc cầu Tiên Loan Kiều bắc ngang. Đi qua cầu rồi tiến vào sâu sẽ gặp một chiếc giếng xanh mát, đẹp mắt được lát các bậc đá lên xuống. Ngọ Môn của thành điện Lam Kinh có 3 cửa ra vào, cửa chính giữa rộng nhất với gần 4 mét, các cửa khác có chiều rộng nhỏ hơn, khoảng gần 2,8 mét. Các cột giữa của Ngọ môn rất lớn, được xem như những người hùng vững chãi nâng đỡ thành điện. Có hai chú nghê được làm từ đá đặt trước cổng Ngọ môn với nhiệm vụ canh gác. Sân rồng của Ngọ Môn có tổng diện tích gần 3.600 mét vuông. Có 3 toà điện lớn trong khu chính điện được bố trí theo hình chữ công. Các toà điện có tên gọi lần lượt là điện Diên Khánh, điện Sùng Hiếu và điện Quang Đức.

Trong thành điện Lam Kinh có nhiều lăng tẩm, đền miếu,...tiêu biểu nhất phải kể đến Vĩnh Lăng, đây là lăng của vua Lê Thái Tổ, được xây dựng tại vị trí có thế "hổ phục, rồng chầu" rất đẹp. Vĩnh Lăng có hình lập phương, được bài trí đơn giản nhưng không kém phần trang trọng, tôn nghiêm. Bia Vĩnh Lăng nằm ở phía Tây Nam của thành điện, được làm từ đá trầm tích biển. Nhà bia Vĩnh Lăng được trang trí rất tinh xảo, phù hợp với các nội dung về công lao, sự nghiệp của nhà vua được ghi trên văn bia. Ngoài Vĩnh Lăng, còn có thể kế đến các lăng mộ độc đáo khác như Chiêu Lăng, Kính Lăng, Hựu Lăng,......

Hàng năm, khu di tích thành điện Lam Kinh được sự quan tâm của nhiều vị khách du lịch đến tham quan và viếng điện. Nơi đây thu hút khách không chỉ từ những kiến trúc độc đáo, quy mô, đậm chất phương Đông mà còn hấp dẫn bởi những câu chuyện văn hoá truyền thuyết đầy huyền bí như câu chuyện về cây lim hiến thân hay cây ổi biết cười, chuyện tình của cây Đa Thị.... Đến đây, các vị khách cũng được thoả sức khám phá và thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích, ngắm nhìn các di vật cổ như Đế móng cầu Bạch, ấm chén thời Lê, đầu đao Kim nóc,.....

Lịch sử trải qua hàng ngàn năm với bao thăng trầm, biến đổi, nhưng những dấu tích của khu thành điện Lam Kinh vẫn còn đó, mãi là chứng nhân của một thời kì đầy hào hùng, thịnh trị của dân tộc. Tìm về với thành điện Lam Kinh Thánh Hoá em như được sống lại lịch sử dân tộc, được về với cội nguồn xa xưa của đất Việt quê hương.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Sầm Sơn mẫu 2

Nằm cách thành phố Thanh Hóa chừng 17km về phía Đông và cách trung tâm Hà Nội khoảng 170km về phía Nam, Sầm Sơn là một trong những khu du lịch nổi tiếng khu vực Bắc Trung bộ từ những năm đầu thế kỷ 20 với bãi biển chạy dài gần 6km từ chân núi Trường Lệ ra đến cửa Lạch Hới. Năm 1906, dựa trên một số tiêu chí như độ thoải dốc của bờ biển, độ mặn của nước và độ mạnh của sóng, người Pháp đã đánh giá “Sầm Sơn là địa danh nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”.

Ngay từ năm 1907, người Pháp đã bắt đầu khai thác du lịch làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm phục vụ quan chức Pháp và quan lại Nam triều. Le Breton, một học giả người Pháp đã có nhận xét khá xác đáng về bãi biển Sầm Sơn “đây là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe…”. Với bãi tắm có dãi cát trắng mịn chạy thoai thoải ra khơi, sóng vỗ vừa phải, không có đá ngầm và người tắm có thể ra xa bờ đến hàng trăm mét mà vẫn an toàn…, khu nghỉ mát này đã nhanh chóng trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút du khách thập phương. Từ đó đến nay, Sầm Sơn vẫn được xem là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất nước. Sau khi thị xã Sầm Sơn được thành lập ngày 18-12-1981 đến nay, Sầm Sơn đã thực sự trở thành thị xã du lịch và nghỉ mát nổi tiếng của tinh Thanh Hóa. Vào dịp hè năm 2007, thị xã Sầm Sơn đã long trọng kỷ niệm “100 năm du lịch Sầm Sơn”.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa

Tại phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm đẹp với cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ. Đó là bãi tắm Tiên ẩn vào chỗ lùi của chân dãy Trường Lệ như một thung lũng nhỏ, hứa hẹn trở thành khu nghỉ dưỡng đầy triển vọng trong tương lai. Xuôi về phía Bắc, du khách còn có dịp tham quan khu sinh thái Vạn Chài với những ngôi nhà lá đậm đà bản sắc Việt, cùng ngư dân kéo chài, gỡ lưới hay tắm nắng mai và thưởng thức bữa tiệc nướng đầy hấp dẫn ngay trên bờ biển. Du khách có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để cùng bạn bè, người thân hoặc tự mình khám phá cuộc sống của một thị xã sôi động lúc đêm về. Du khách cũng có thể cùng những chiếc cyclo xinh xắn đi dạo theo con đường ven biển. Chủ nhân của loại phương tiện này vừa thân thiện vừa mến khách, rất sẵn lòng giới thiệu những thắng cảnh của Sầm Sơn giúp khách có dịp hiểu hơn về con người và ngoại cảnh nơi đây.

Đến với biển Sầm Sơn, du khách không thể không biết đến nguồn hải sản phong phú và chất lượng hơn nhiều địa phương khác. Hải sản Sầm Sơn có đặc điểm là thịt chắc, vừa dai ngon lại cũng rất đậm đà. Du khách có thể thưởng thức từ Mực ống, Tôm he, Cua gạch… đến các loại cá ngon như Chim, Thu, Nục… đặc biệt món gỏi Cá và lẩu Rắn biển được nhiều du khách ưa thích. Để có món gỏi cá ngon, người ta phải chọn một số loại cá vừa đánh bắt còn tươi nguyên và chế biến cá sống từ ngoài khơi, rồi khi đưa về nhà mới ướp thêm một số gia vị. Riêng món đặc sản rắn chế biến cầu kỳ hơn, người ta bắt những con Rắn biển được nuôi sẵn trong thùng thủy tinh, treo ngược đầu để cắt tiết rồi mới lóc da và đem nấu lẩu. Theo người dân địa phương, thịt Rắn biển chữa được các chứng bệnh đau lưng

Quả là thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Xứ Thanh một vùng biển tuyệt vời. Du khách đến với biển Sầm Sơn không chỉ được hòa mình vào với thiên nhiên thơ mộng, được nghe bản hòa tấu du dương của biển cả, của núi non, của những hàng dừa hay những rặng phi lao đung đưa trong gió…, mà còn được đắm mình vào một vùng đất thấm đẫm huyền thoại, truyền thuyết, một vùng đất được biết đến với những lễ hội dân gian đặc sắc như lễ hội đền Độc Cước, lễ hội An Dương Vương, lễ hội chùa Khải Minh… Sầm Sơn luôn để lại những dấu ấn thú vị cho những ai đã một lần tìm đến…

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Lam Kinh Thanh Hóa

Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, Thanh Hoá là quê hương của nền văn hoá Ðông Sơn rực rỡ, của nhiều vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá nổi tiếng.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh (ở Thọ Xuân) cùng các lăng tẩm, bia mộ của các Vua và Hoàng hậu triều Lê, thành Nhà Hồ (ở Vĩnh Lộc) - công trình kiến trúc bằng đá kỳ vĩ, đến thờ - lăng Bà Triệu (ở Hậu Lộc) - thờ nữ tướng xứ Thanh đánh giặc Ðông Ngô từ những năm đầu Công nguyên... và nhiều di tích lịch sử văn hoá khác trên đất quê Thanh là những trang sử hào hùng ghi lại truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc. Xứ Thanh không những giàu có về các di tích lịch sử văn hoá mà còn được thiên nhiên ban tặng biết bao cảnh đẹp hiếm có. Từ Hàm Rồng kỳ thú đến Bến En hoang dã mộng mơ, suối cá "thần" hấp dẫn ở Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ, động Từ Thức nên thơ... đặc biệt bãi biển Sầm Sơn đầy nắng gió quyến rũ du khách trong những ngày hè nóng nực. Người xứ Thanh nồng hậu, mến khách vẫn gìn giữ được sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Múa đèn Ðông Sơn, trò Xuân Phả, khua luống, hội cồng chiêng cùng các điệu hò sông Mã vẫn còn xuất hiện nhiều trong các lễ hội truyền thống ở các vùng quê. Ðặc sản quê Thanh như bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng, dưa hấu Mai An Tiêm, nem chua Hạc Thành, nước mắm Du Xuyên, tôm, cua, cá, mực Sầm Sơn... ai đã một lần thưởng thức thì khó mà quên được. Có thể nói tiềm năng du lịch của Thanh Hoá thật đa dạng và phong phú. Không một vùng đất nào của quê Thanh lại không có những nét riêng mới lạ thu hút khách du lịch. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, khám phá nét đẹp xứ Thanh, Du lịch Thanh Hoá xin trân trọng giới thiệu với quý khách xa gần các chương trình du lịch nội tỉnh.

Thành phố Thanh Hoá: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, có lịch sử ra đời và phát triển trên 200 năm. Ðến với thành phố Thanh Hoá, khách du lịch có thể tới tham quan nhiều di tích văn hoá lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cách thành phố Thanh Hoá 3 km về phía Bắc, trên trục quốc lộ 1A là quần thể danh lam thắng cảnh - di tích văn hoá lịch sử Hàm Rồng mà tương lai không xa, với dự án tổng kinh phí đầu tư 296 tỷ đồng, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch văn hoá có tầm cỡ quốc gia. Những đồi thông ngút ngàn đan xen những thung lũng thơ mộng, bao quanh là dãy núi hình 9 khúc rồng nhấp nhô uốn lượn theo dòng sông Mã. Ðộng Long Quang trên núi đầu Rồng là nơi mà du khách có thể thả sức ngắm nhìn toàn cảnh sơn thuỷ hữu tình độc đáo. Ðộng Tiên Sơn nằm ở núi Rồng là nơi lưu giữ những kiệt tác của tạo hoá. Không những thế, giờ đây Hàm rồng còn là một bảo tàng lịch sử văn hoá đồ sộ. Mỗi ngọn núi, dòng sông, tấc đất, cây cầu đều trở thành một hiện vật sống ghi lại những chiến công hiển hách của quân và dân Hàm Rồng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hàm Rồng vẫn đứng vững, hiên ngang, tượng trưng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trên sườn núi Cánh Tiên, dòng chữ "Quyết thắng" đã làm nhụt chí kẻ thù, một Hàm Rồng chưa đầy 2 km vuông đã có tới 6 đơn vị và nhiều cá nhân Anh hùng... Ngoài ra, du khách có thể tới tham quan Thái Miếu nhà Lê - một hình ảnh thu nhỏ của Vương triều Lê trước sự chiêm ngưỡng, bái vọng của nhân dân. Ðền vừa được trùng tu, tôn tạo lại song cơ bản vẫn giữ nguyên nét kiến trúc mang đậm dấu ấn 2 thời kỳ hậu Lê và thời Nguyễn. Bảo tàng Thanh Hoá, công viên Thanh Quảng, khu văn hoá tưởng niệm Bác Hồ, nhà thờ Công giáo... cũng là những nơi dừng chân hấp dẫn của khách du lịch. Hàng năm có khoảng 100.000 khách tới thành phố Thanh Hoá tham quan, du lịch trong đó khoảng 2.400 khách quốc tế.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Thành Nhà Hồ

Từ thành phố Thanh Hoá, theo quốc lộ 45 ngược lên phía bắc, qua các huyện Đông Sơn, Thiệu Hoá, đến huyện lỵ Vĩnh Lộc, ngược con đường Thiên Lý xưa kia độ 2 km là chúng ta đã đến Thành Tây Đô hay còn gọi là Thành An Tôn, Thành Tây Giai, thành Nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

Năm 1397, Hồ Quý Ly chọn đất An Tôn xây thành thủ hiểm. Thành được xây dựng ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngoạ, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Sử cũ cho biết thành xây 3 tháng thì xong. Thành Tây Đô được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông. Hiện nay, thành có độ cao trung bình 7m đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m. Thành Tây Đô là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta và là công trình mang nhiều giá trị lịch sử văn hoá to lớn. Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu ít nhất có từ 4 đến 5 mặt phẳng. Nhiều phiến rất to ở cửa Tây (dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m), được xếp chồng lên nhau thành hình chữ công. Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của đất nước và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tường thành không những được xây bằng đá tảng mà năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương hạ lệnh cho nhân dân nung gạch để xây thêm phần tường thành phía trên. Phần tường gạch ngày nay gần như không còn nữa nhưng những viên gạch vẫn thấy nằm rải rác trong các gia đình gần thành.

Cho đến nay, nơi khai thác và cung cấp đá cho việc xây dựng thành Tây Đô và cả việc chuyên chở vật liệu đang là đề tài bàn bạc. Nhân dân địa phương cho biết, người xưa có thể lấy đá ở nhiều nơi quanh vùng Tây Đô, gần nhất là núi đá xanh Yên Tôn, hiện còn những tảng đá xanh mang tên “An Tôn xã”. Hang Tượng dùng để nhốt voi chuyên chở đá xây thành. Con đường phía Tây được lát đá xanh bằng phẳng từ bờ sông Mã đến cửa Tây còn có tên gọi “Bến Đá”. Gần đây, những hộ dân xung quanh đường còn giữ được những viên bi đá. Đá lấy từ nhiều nơi khác, chuyên chở bằng đường sông, đường bộ, chở bằng cộ (loại xe lớn có một bánh gỗ), chở bằng voi kéo, hoặc người ta dùng những viên bi đá cho khối đá khổng lồ trượt lên trên.

Thành Tây Đô có 4 cửa : Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Cảnh Hàm Rồng

Du khách đi bằng đường bộ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam không thể không đi qua Hàm Rồng. Hàm Rồng nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh lị Thanh Hóa, là yết hầu cua con đường huyết mạch một thời đánh Mĩ, niềm tự hào của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt.

Hàm Rồng trở thành bất tử với những chiến công oanh liệt và cảnh trí nên thơ. Nhưng hai chữ Hàm Rồng (tên chữ là Long Hàm hay Long Đại) vốn là tên riêng của một ngọn núi hình đầu rồng với cái thân uốn lượn như một con rồng từ làng Ràng (Dương Xá) theo dọc sông Mã lên phía bờ Nam. Trên núi Rồng, còn có động Long Quang, hang ăn thông sang bên kia như hai mắt rồng, được rọi là hang Mắt Rồng (cho nên còn có tên gọi là núi Mắt Rồng). Truyền thuyết kể lại, con rồng đang vờn hạt ngọc ở phía bên kia sông bỗng bị trúng mũi tên độc vào mắt phải nên gục ở bên sông. Mắt phải có lỗ ăn thông lên trên, mùa mưa nước chảy xuống màu đỏ, ấy là nước mắt rồng. Ở dưới động Long Quang, có mỏm đá nhô lên, hàm trên há rộng, hàm dưới ngập trong nước như đàng trút nước, nên có tên chữ là Long Hạm, gọi nôm na là Hàm Rồng.

Bên kia sông, có hòn núi Ngọc, tên chữ là Hỏa Châu Phong hay còn gọi là núi Nít, ngọn núi này tròn trăn, các lớp đã chen dày tua tủa như ngọn lửa từ trong lòng đất bốc lên, bởi vậy mà gọi là Hỏa Châu Phong.

“Chín mươi chín ngọn bên đông

Còn hòn núi Nít bên sông chưa về”.

Chung quanh núi Rồng có nhiều ngọn núi trông rất ngoạn mục như Ngũ Hoa Phong có hình năm đóa hoa sen chung một gốc, mọc lên từ đầm lầy, có hang Tiên với các nhũ đá mang nhiều vẻ kì thú: hình rồng hút nước, hình các vị tiên.., có ngọn Phù Thi Sơn trông xa như một người đàn bà thắt trên mình một dải lụa xanh nằm gối đầu vào thân rồng. Rồi núi mẹ, núi con như hình hai quả trứng, có núi Tả Ao, vũng Tao Ta có nước trong vắt quanh năm. Rồi núi Con Mèo, núi Cánh Tiên đều có hình thù như tên gọi.

Với cảnh trí nên thơ như vậy, Hàm Rồng là nơi dừng chân của bao tao nhân mặc khách: Lí Thường Kiệt, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thi Sĩ, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà,… Ở động Long Quang vẫn còn một số bài thơ khắc trên vách đá.

Hàm Rồng không những có cảnh đẹp thiên nhiên mà còn có bề đày lịch sử hàng trăm thế kỉ, đó là khu di tích núi Đọ (cách Hàm Rồng 4km về phía Bắc) tiêu biểu cho thời đại đá cụ Và từ núi Đọ đi xuống phía Đông Nam, cách Hàm Rồng 1 km là khu di chi Đông Sơn, tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc thời kì đồng thau.

Hàm Rồng còn là nơi ghi dấu nhiều chiến tích lịch sử. Tại đây, vào thế kỉ XIII, Chu Nguyên Lương – một nhà nho – đã hưởng ứng khí thế Diên Hồng, chiêu tập dân làng và học trò của mình thành đội quân, lập nên chiến công oanh liệt ở Vạn Kiếp.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, quân và dân Hàm Rồng đã viết nên trang sử hào hùng. Với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này của ta, Bộ Quốc phòng Mĩ đã trực tiếp chi đạo phương án đánh phá Hàm Rồng, chúng đã huy dộng 121 đợt không kích với 2.924 lượt máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom phá với 11.526 quả, 99 bom nổ chậm, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốckét, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm tấn bom bi và thủy lôi. Tính bình quân mỗi người dân ở đây phải chịu đựng 5 tấn bom đạn của địch. Chỉ riêng trong trận đánh đầu tiên ngày 3, 4 tháng 4 năm 1965 đã diễn ra vô cùng ác liệt. Địch đã Xuất kích 174 lần, 453 lượt máy bay, ném 350 quả bom từ 500-1000 kg, bắn hàng trăm quả tên lửa. Nhưng cũng trong hai ngày này, quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Và trong hai lần chống, chiến tranh phá hoại, Hàm Rồng đã hạ 116 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có 2 pháo đài bay B52, giữ vững cầu, lập nên một kỉ lục bảo vệ cầu chưa từng có trong lịch sử thế giới, đem lại niềm tự hào cho dân tộc, bạn bè khắp thế giới khâm phục, ngợi ca. Cũng trên mảnh đất rực lửa anh hùng này, đã sản sinh nhiều tập thể anh hùng và những chiến sĩ anh hùng: Đại đội 4 pháo cao xạ, Đồn công an nhân dân Hàm Rồng, Phân đội 3 công an nhân dần vũ trang, Đại đội dân quân tiểu khu Nam Ngạn, Nhà máy điện 4-4, Đội cầu phà 19-5, các anh hùng Ngô Thị Tuyển, Đỗ Chanh, Lê Kim Hồng…

Hàm Rồng, nơi tụ hội những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, mảnh đất có bề dày lịch sử, tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, và truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước ngoan cường, mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân cả nước và là điểm du lịch hấp dẫn của du khách gần xa.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa - Hàm Rồng

Khúc ruột miền Trung nối liền hai miền Nam Bắc, miền đất Xứ Thanh địa linh nhân kiệt, tình người đậm sâu, ai đi đâu về đâu có dịp ghé qua cũng bồi hồi để nhớ để thương, vương vấn mãi. Mảnh đất thanh bình, con người hiếu khách, cảnh trí lôi cuốn với những danh lam thắng cảnh nên thơ. Từ bao giờ đã trở thành điểm đến hấp dẫn với tao nhân mặc khách. Ai đã một lần tới xứ Thanh hẳn không thể nào không nhớ tới Hàm Rồng lịch sử, một Hàm Rồng anh hùng và một Hàm Rồng đã đi vào thơ văn nối bao đời thi sĩ.

Nằm cách thành phố Thanh Hoá 5 km về hướng Bắc theo đường thuỷ cũ hay là 7 km theo đường quốc lộ 1A, Hàm Rồng hiện lên với sơn thuỷ hữu tình, trời mây thật là diễm lệ. Thiên nhiên dường như có sự ưu đãi đặc biệt với nơi này. Đã qua hàng trăm năm, bàn tay con người khai phá, xây dựng nhưng Hàm Rồng - Sông Mã vẫn giữ nguyên được cái vẻ ban đầu mà tạo hoá đã ban cho. Những gì con người dựng nên và những gì vốn có của đất trời có sự hoà hợp với nhau tạo nên nét riêng. Vừa hùng lại nên thơ, mượt mà đằm thắm mà vẫn giữ được chút gì hoang sơ. Cầu Hàm Rồng bắc ngang đôi bờ sông Mã, hai bên là núi non. Truyền thuyết kể rằng, một con rồng xanh bị trúng tên độc vào mắt nằm phủ phục bên bờ sông. Từ đó tạo thành dãy núi Hàm Rồng ngày nay. Vì vậy, đây còn được xem là long mạch. Dãy núi bắt đầu từ làng Dương (đất) Xá (làng) chạy dài theo bờ sông Mã, uốn lượn quanh co đủ 99 khúc. Đối diện, bờ bên kia là núi Hoả Châu, còn có tên gọi khác là núi Ngọc - tương truyền xưa là hạt minh châu mà rồng xanh nhả ra. Vì 99 ngọn đối diện với Hoả Châu thành chẵn trăm, nên dân gian mới có câu:

“Chín mươi chín ngọn bên Đông

Còn một ngọn núi sang sông chưa về”

Trên núi Rồng có động đá Long Quang- tức ánh sáng. Nơi cặp mắt rồng, hiện vẫn còn đề tạc nhiều bài thơ chữ Hán của thi nhân trong ngàn năm phong kiến. Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Vương Duy Trinh, Nguyễn Thượng Hiền... một thời vãn cảnh làm thơ. Hàm Rồng thực có sức hút đối với thi nhân nói riêng và người ưa thưởng lãm nói chung.

Đền chùa miếu mạo cũng được xây dựng rất nhiều xung quanh non nước Hàm Rồng như một sự cầu an của nhân dân với long thần, làm tăng thêm vẻ kì thú linh thiêng. Đến đầu thế kỉ XX thêm cây cầu "cong như chiếc lược ngà" - cầu Hàm Rồng do bàn tay con người tạo nên để gắn bó không thể tách rời, nối liền khoảng cách hạt ngọc và miệng thần long ấy cũng đã kịp in dấu ấn đậm trong lòng người.

Ai xui ta nhớ Hàm Rồng

Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây...

Sơn cầu còn đỏ chưa phai?

Non xanh còn đối, sông dài còn sâu?

...

Ước sao sông cứ còn sâu

Non cao còn cứ giữ màu xanh xanh

Khung cầu còn cứ như tranh

Hoả xa cứ chạy bộ hành cứ đi

Xuân sang cỏ cứ xanh rì

Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung...

(Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)

Cầu bị đánh sập năm 1947. Đến năm 1964 được xây dựng lại. Bom đạn Mĩ đánh sập 1972. Năm 1974 xây dựng lại. Bây giờ thì trên không gian thi văn lịch sử này là một bức tranh tam cầu-nhị sơn-nhất giang vừa truyền thống vừa hiện đại.

Non nước trời mây, cũng như bao thắng địa trên đất nước ta đã từng là chiến địa, ghi dấu chiến công lẫy lừng trong công cuộc chống ngoại xâm. Với Hàm Rồng, đó là kháng chiến chống Mĩ làm nên kì tích anh hùng. Bắn rơi 90 máy bay Mĩ các loại.

Hàm Rồng không chỉ là thắng cảnh còn là danh lam, là di tích lịch sử, là niềm tự hào của người dân Xứ Thanh. Dù xa, bóng hình Hàm Rồng - Sông Mã là quê hương thu nhỏ lại.

............................................

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa được VnDoc chia sẻ trên đây là những bài văn mẫu hay, giúp các bạn có thêm nhiều ý tưởng hay cho bài thuyết minh của mình. Chúc các bạn học tốt.

Ngoài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa, các bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu văn mẫu lớp 8 khác mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc để học tốt Ngữ văn 8 hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
141
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm