Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"

Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hi vọng bài nghị luận xã hội này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các bạn học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn..."

I. Dàn ý Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Câu tục ngữ là lời nhắn nhủ đến con người: dù quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình không thực sự phồn hoa, phát triển, hào nhoáng như những nơi khác nhưng nó mang lại cho ta cảm giác bình yên, thân thuộc, trìu mến, làm cho tâm hồn ta thanh thản. Chính vì thế, chúng ta cần yêu thương, biết ơn và trân trọng quê hương.

b. Phân tích

Mỗi người chỉ có một quê hương duy nhất, là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, nuôi dưỡng ta về tâm hồn, dạy ta nhiều bài học bổ ích và cũng là bến đỗ, nơi ta trở về sau bao vất vả, giông bão ngoài kia.

Không nơi đâu bằng quê hương của mình, dù cho ngoài kia có hào nhoáng thế nào, thu hút ta thế nào cũng không mang lại cho ta cảm giác bình yên, thân thuộc.

Mỗi con người khi biết trân trọng quê hương của chính mình là đang góp phần xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người biết trân quý quê hương, nguồn cội của mình để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu và xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” mẫu 2

Mở bài: Giải thích và bình luận ý nghĩa của câu tục ngữ sau: “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Trong cuộc sống của chúng ta có những thứ gần gũi ta nhưng ta lại bỏ qua và cứ muốn đạt tới những cái xa vời ta. Chúng ta không biết rằng chính những thứ gần gũi ấy lại mang đến cho ta những điều tốt đẹp nhất, giống như câu cơm người khổ lắm chứ không ngon như cơm mẹ. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có câu:

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn

Thân bài: Giải thích và bình luận ý nghĩa của câu tục ngữ sau: “Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Chúng ta nên hiểu câu tục ngữ này như thế nào? Ta ở đây là đại từ chỉ chung cho con người, “ao ta” là môi trường quen thuộc tại mảnh đất quê hương của mỗi người. Dẫu ao có trong hay có đục thì ao nhà vẫn hơn ao người. Không chỉ dừng lại ở nét nghĩa này, hiểu rộng ra trong cuộc đời của mỗi người, những sự vật gần ta thì thường bị ta quên đi.

Con người luôn chạy theo những thứ xa vời đến khi thất bại mới nhìn nhận lại, mới thấy những điều tốt đẹp gần gũi mình bấy lâu nay mà không hề hay biết. Những thứ gần gũi ấy, gần như cái ao làng trong tiềm thức tuổi thơ của mỗi người. Dù những thứ ấy có đẹp hay không đẹp, có giá trị hay không giá trị thì nó vẫn cứ hơn khối những thứ xa vời mà không nắm bắt được. Bởi một lẽ hiển nhiên những thứ của nhà thì luôn có lợi cho chúng ta, ta không phải mất tiền hay mất bạc để có nhưng nó lại có giá trị tinh thần rất lớn.

Trong thực tế có rất nhiều người như vậy, thậm chí đa số chúng ta luôn đuổi theo những thứ xa vời ngoài kia. Một chàng trai theo đuổi một cô gái xa hoa quý phái mà quên đi một người con gái đã ngày đêm trông ngóng mong chờ anh. Đến khi chàng trai không có được cô gái xa hoa xinh đẹp kia ngoảnh đầu quay về, anh được người con gái nơi thôn quê mình vẫn tha thứ và yêu mến.

Kết bài: Giải thích và bình luận ý nghĩa của câu tục ngữ sau: “Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Có thể nói câu tục ngữ vô cùng có ý nghĩa, nghĩa của nó vượt lên cả số lượng câu chữ. Phàm những cái thuộc về chữ “nhà” thì bao giờ cũng mang đến cho ta những lợi ích, những điều tốt đẹp dù cho nó có giá trị hay không, có đẹp hay không.

II. Văn mẫu Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"

Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mẫu 1

Con người Việt Nam vốn có niềm tự hào sâu sắc về làng xóm, quê hương, đất nước. Chính vì vậy, từ xa xưa, cha ông ta đã nói:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù dục, ao nhà vẫn hơn.

Nghĩa đen của câu tục ngữ cho rằng tắm ở ao nhà mình dù nước có sạch hay bẩn vẫn cảm thấy dễ chịu, tự nhiên hơn tắm ở những ao hồ lạ. Còn nghĩa bóng thể hiện lòng tự hào, yêu mến, gắn bó với những gì thân thuộc nơi “chôn rau cắt rốn".

Đặt câu tục ngữ này vào hoàn cảnh ra đời của nó thì chúng ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa.

Thật vậy, khi nền kinh tế của chúng ta còn đang trong giai đoạn tự cung tự cấp, thiếu thôn mọi mặt, nông dân khổ cực ngày đêm trên đồng ruộng, công nhân vất vả trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,... thì những gì tự tay mình làm ra vẫn đáng trân trọng, tự hào hơn cả. Thế nên câu tục ngừ đã kích thích mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta, của dân tộc ta.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày nay càng tiến bộ, khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, sự trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa trên khắp địa cầu trở thành một đặc điểm chung của thời đại thì câu tục ngữ trên có còn phù hợp nừa không? Chẳng lẽ chúng ta chĩ vì yêu quê hương một cách ích kĩ, mù quáng mà sẵn sàng đóng cửa không chịu tiếp thu những thành tựu mới của thế giới hay sao?

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nước ta còn lạc hậu về khoa học kĩ thuật, đời sống nhân dân ta còn thấp. Nước ta là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Từ ngày tổ tiên ta dựng nước đến bây giờ, Việt Nam phải trải qua biết bao nhiêu cuộc đấu tranh để đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Vết thương chiến tranh gần đây nhất - cuộc kháng chiến chông Mĩ cứu nước – vẫn chưa được hàn gắn hoàn toàn.

Do đó, chúng ta cần xem xét lại ý thứ hai của câu tục ngữ: “Dù trong dù dục, ao nhà vẫn hơn”. Đây là một quan niệm hẹp hòi, bảo thủ, khuyến khích con người hướng đến tư tưởng an phận, bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, lạc hậu. Hơn nữa, quan điểm ấy còn cản trở con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời kì đổi mới. Do đó, chúng ta cần có thái độ “gạn dục khơi trong”, nghĩa là phát huy mặt tích cực của câu tục ngữ và không ủng hộ mặt tiêu cực của nó. Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh đã điều chỉnh câu tục ngữ như sau:

Ta về ta tắm ao ta

Khơi trong gạn đục, ao nhà vẫn hơn.

Quan điểm này có sự kết hợp nhuần nhị tính dân tộc mà cha ông ta đã dày công vun đắp, dựng xây trong suốt bốn nghìn năm qua. Mặt khác chúng ta sẩn sàng mở cửa giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước trên thế giới theo chính sách: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Mục đích là nhằm đưa đất nước ta tiến đến giàu mạnh, để trong tương lai có thể sánh vai cùng các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trong thời đại mở cửa ngày nay, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân không sùng bái văn hóa ngoại quốc, sính hàng ngoại.

Trong quá khứ, câu tục ngữ trên khuyên khích, nhắc nhở chúng ta trở về cội nguồn. Còn trong hiện tại, chúng ta không nên bảo thủ mà cần phải năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời đại mới theo xu thế quốc tế hóa cũng như không quên phát huy nội lực của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mẫu 2

Nước ta có nền văn hiến rực rỡ lâu đời. Nhân dân ta có ý thức tự chủ, ý chí tự cường, gắn bó và bảo vệ quê hương đất nước, từng làm thất bại mọi âm mưu đồng hoá của ngoại bang. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân ta vẫn giữ vững nền độc lập của đất nước và bản sắc riêng của nền văn hoá Việt Nam. Gắn bó với cội nguồn, với xứ sở bằng tất cả niềm tự hào ấy, tổ tiên vẫn nhắc nhở cháu con ghi sâu vào lòng câu tục ngữ:

"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"

Đất nước đã có nhiều đổi mới. Nhân dân ta đang cùng các dân tộc trên thế giới bước vào thế kỉ XXI. Trong hoàn cảnh ấy, tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ, mỗi chúng ta sẽ được bao điều thú vị.

Bờ tre, mái rạ, cây cau, mảnh vườn, chiếc ao... là những cảnh vật thân thuộc với nhân dân, với làng xóm ta từ bao đời nay. Cái ao dù nhỏ, đều là sở hữu thân thiết của mọi gia đình nông thôn. Ao là nơi tắm, giặt giũ là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đó là ao cạn vớt bèo cấy muống trong thơ Nguyễn Trãi hay xuân tắm hồ sen, hạ tắm áo trong một ý thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cầu ao, bờ ao cũng là những hình ảnh đã trở thành mảnh của hồn người dân quê:

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ

(Ca dao)

Cái ao là một biểu tượng của gia đình, quê hương, xứ sở. Nó gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân cày quê ta. Được tắm mát ở ao nhà, nhớ cái ao nước trong veo, họ thầm nhắc:

Ta về ta tắm ao ta

Ba chữ ta nhắc đi nhắc lại, cùng với bốn tiếng ta tắm ao ta vang lên, biểu lộ niềm tự hào và tấm lòng yêu quý đối với gia đình, quê hương. Nó còn thể hiện một quan niệm, một triết lí sống đẹp: tự tôn tự cường, tin yêu mình, trân trọng những giá trị tốt đẹp do mồ hôi và xương máu mình xây dựng nên.

Vế thứ hai là một so sánh ao nhà với ao người. Ao người thì xa lạ. Còn ao nhà thì thân thiết yêu thương. Vì thế dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Niềm tự hào, ý thức tự lập tự cường được khẳng định: ao nhà vẫn hơn.

Câu tục ngữ ra đời trong xã hội phong kiến, giữa một nền sản xuất tiểu nông, khi đất nước ta phải đương đầu với âm mưu đồng hoá - nô dịch của ngoại bang, nên nó mang nội dung tư tưởng tích cực. Nó thể hiện tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương. Nó biểu thị ý thức tự chủ và niềm tự hào dân tộc chính đáng.

Điều kiện lịch sử và xã hội của nông thôn ta, đất nước ta ngày nay đã có nhiều đổi thay. Con người Việt Nam vẫn phải phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lập tự cường, đồng thời phải biết hoà hợp, vừa phát huy nội lực và tiếp thu văn minh các thành tựu khoa học kĩ thuật, văn hoá tiên tiến của các nước gần xa. Một mặt phải chống tư tưởng bảo thủ, khép kín, mặt khác biết giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc, nhất là nền văn hoá Việt Nam.

Một nước Việt Nam hiện đại, phồn vinh, có nền văn hoá giàu bản sắc và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng dân tộc. Muốn hoà nhập mà không bị hoà tan, mở cửa nhưng không bị biến thành cái bóng mờ của thiên hạ thì phải phát huy nội lực, nêu cao tinh thần tự lực tự cường để tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Thế kỉ XXI là thế kỉ của nền văn minh trí tuệ. Việt Nam mở cửa đón gió mát bốn phương với rất nhiều thời cơ và thách thức lớn. Nhân dân ta sẽ "tắm" ao hồ của người khắp bốn phương nhưng vẫn không bao giờ quên cái mát trong của ao nhà. Câu tục ngữ:

"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"

dù nội dung, ý nghĩa có ít nhiều thay đổi, nhưng cái tâm, cái tấm lòng hồn hậu, chất phác, thật thà, trong sáng của con người Việt Nam đối với gia đình, quê hương, đất nước thật là đáng quý trọng muôn ngàn lần.

Nghị luận về câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mẫu 3

Từ ngàn đời xưa, ông cha ta đã đúc kết được bao nhiêu kinh nghiệm trong thực tế cuộc sống xã hội cũng như trong lao động sản xuất. Những kinh nghiệm quý báu đố đã được đưa vào kho tàng ca dao, tục ngữ. Câu ca dao: "Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" đã cho chúng ta một lời khuyên sâu sắc về tinh thần độc lập tự chủ, tâm trạng yêu quý những cái của ta, do ta làm chủ không phụ thuộc vào người khác…

"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"

Câu ca dao đã dùng hình ảnh gần gũi, dễ hiểu như lời nói hằng ngày của người nông dân: Hãy về tắm ao nhà mình dù nước có trong hay vẫn đục hơn nơi khác. Qua hình ảnh thơ này tác giả dân gian muốn khuyên mọi người: Con người ai cũng có gia đình, xã hội, môi trường sống của mình; phải biết trân trọng môi trường sống của mình, dùng những cái vốn có của mình hơn là đi nhờ vả, sử dụng của người khác. Câu ca dao muốn dề cao ý thức độc lập, không phụ thuộc vào người khác. Những gì thuộc về quyền làm chủ của ta ta nên quý trọng và sử dụng nó.

Với nội dung trên, câu ca dao vừa có mặt đúng, vừa có mặt còn hạn chế. Trước tiên ta hãy bàn về mặt đúng của vấn đề. "Ao ta" thuộc quyền sở hữu của ta, ta có thể tắm thoải mái, tự do không e dè khi phải tắm nhờ ao của người khác.

Trong cuộc sống cũng vậy, sử dụng những gì của mình vẫn thích hơn là đi mượn của người khác. Mặt khác nhà mình có ao thì mình tắm, xã hội mình có sản phẩm thì mình dùng; đi sử dụng của người khác trong khi mình cũng có thứ đó là hành động thiếu tôn trọng xã hội mình, coi thường chính bản thâm mình. Ấy là chưa kể đến việc làm cho "ao nhà" bẩn đi vì không được sử dụng, tu sửa.

Trong hoàn cảnh mở cửa hiện nay, hàng ngoại ngập tràn, cạnh tranh với hàng nội, các cấp cũng đã nêu câu ca dao trên để động viên nhân dân dùng hàng nội. Theo em, đây là một chủ trương đúng đắn, vì ta dùng hàng của ta tức là ta trân trọng danh dự của chính ta, quý trọng sức lao động của bản thân. Nếu được tiêu thụ nhiều, hàng hóa sẽ được sản xuất nhiều và do đó ngày càng được cải tiến tốt hơn lên. Nhờ đó "ao nhà" ngày càng sạch, nền kinh tế của nước nhà ngày càng phát triển.

Đối với những người con xa quê hương, xa tổ quốc, nội dung câu ca dao trên càng có ý nghĩa sâu sắc. Sống trên đất nước người, họ có thể có cuộc sống vật chất khá hơn trên quê hương mình. Nhưng nước người vẫn là "ao" của người khác. Làm sao họ có thể thích ứng hoàn toàn với phong tục tập quán, với cách sống, cách sinh hoạt của miền đất lạ. Làm sao họ có thể tìm được hồn quê hương dù là trong khoảnh khắc ở những con người xa lạ. "Ta về ta tắm ao ta", nhiều Việt kiều xa quê hương nhưng tâm hồn luôn hướng về tổ quốc nhiều người đã trở về sống với mảnh đất thương yêu để tìm nguồn an ủi, sự cảm thông và sự gắn bó máu thịt nơi chôn nhau cát rốn. Rõ ràng câu ca dao đã là lời khuyên chân thành, lời chỉ bảo đúng đắn cho mỗi người Việt chúng ta.

Tuy nhiên nội dung của câu ca dao vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Như phần trên đã bàn, câu ca dao khuyên ta phải tắm ao ta, phải sử dụng những cái của ta và lời khuyên đó là đúng là hợp đạo lí. Nhưng câu ca dao lại nêu: "Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" thì thật là chưa thỏa đáng. Nếu "ao nhà" ta đục, xã hội ta trì trệ, lạc hậu thì làm sao có thể "vẫn hơn" được. Chẳng nhẽ ta cứ an phận tắm nước ao đục, cứ an phận sống trong xã hội nghèo nàn, lạc hậu mãi hay sao?

Ta không nên bảo thủ, không nên bằng lòng với cuộc sống nghèo nàn lạc hậu, càng không nên có tâm lí tự cao mù quáng cho rằng cái gì của mình cũng nhất, cái gì của ta thì hơn tất cả mọi người. Hiện nay trong xã hội không ít người còn quan niệm lạc hậu như vậy. Thậm chí có người còn cho rằng ta phải sống trong cái xã hội của ta với tất cả các hiện trạng "trong" "đục" vốn có của nó, vì sống như thế mới không lai căn, sống như thế mới là dân tộc.

Không phải phân tích nhiều ta cũng thấy quan niệm đó là bảo thủ, vô trách nhiệm đối với xã hội, đói với chính mình. Quan niệm đó sẽ làm xã hội trì trệ, cuộc sống nghèo nàn. Trở lại với cuộc vận động dùng hàng nội hóa hiện nay. Nếu ta lại vận động nhân dân dùng hàng nội với khẩu hiệu: "Dù tốt dù xấu cũng là hàng của ta", vẫn hơn hàng ngoại thì cuộc vận động sẽ hoàn toàn thất bại, sẽ không lôi kéo được đông đảo quần chúng. Vì trong thời buổi hàng hóa tràn ngập thị trường. Không ai dại gì đi dùng hàng xấu, hàng đắt dù những thứ ấy là của ta đi chăng nữa. Rõ ràng quan niệm "Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" Không còn phù hợp với thực tiễn với xã hội ngày nay, càng không phù hợp với đường lối mở cửa, đổi mới để phát triển không ngừng của chúng ta nữa.

Vậy chúng ta phải nhận thức vấn đề này như thế nào cho đúng, cho phù hợp? Chúng ta không chấp nhận quan niệm an phận" dù trong dù đục" vẫn cứ tắm ao nhà, không có nghĩa là tâm đồng tình với thái độ lẩn tránh, bỏ đi sống ở nơi khác khi quê nhà còn nghèo nàn lạc hậu. Nhận thức đúng đắn nhất hiện nay là phải tôn trọng, sử dụng cái của ta với thái độ "Khơi trong gạn đục" Như một đồng chí lãnh đạo Đảng ta trước đây đã nói:

"Ta về ta tắm ao ta
Khơi trong gạn đục ao nhà vẫn hơn"

...................................

Ngoài Giải thích câu tục ngữ "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn", các bạn học sinh còn có thể tham khảo Soạn bài lớp 8, Soạn Văn Lớp 8 (ngắn nhất) mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
14
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm