Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố

Phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố?

Lời giải:

Phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố:

- Là nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về đề tài nông dân và nông thôn trước Cách mạng. Ông được mệnh danh là nhà văn của nông thôn, của người nông dân lao động Việt Nam.

- Ngòi bút hướng tới khám phá và phát hiện ở nhân dân lao động những đức tính tốt đẹp.

1. Vài suy ngẫm về phong cách nghệ thuật Ngô Tất Tố

- Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới làm nên phong cách riêng của mỗi nhà văn. Tìm hiểu phong cách là điều cần phải làm nếu muốn xác định vai trò vị trí của một tác giả trong lịch sử văn học dân tộc, bởi một nhà văn lớn không thể là nhà văn không có phong cách. Nhìn lại văn học Việt nam hiện đại giai đoạn 1930-1945, Ngô Tất Tố có một tầm ảnh hưởng không nhỏ trên văn đàn, ông để lại một sự nghiệp thơ văn khá đồ sộ với nhiều thể loại từ tiểu thuyết, phóng sự (Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng, Tập án cái đình, Trong rừng Nho) truyện kí lịch sử (Gia định Tống trấn tả quân Lê Văn Duyệt, Vua Hàm nghi với việc kinh thành thất thủ..), tiểu phẩm báo chí, truyện ngắn, truyện vừa, dịch thuật…. Là một cây bút xuất sắc, tiêu biểu và trung thành với phương pháp sáng tác hiện thực phê phán; từ sự nghiêm túc, tự trọng của một nhà Nho đầy lương tâm, Ngô Tất Tố đã phát hiện, bóc trần và phơi bày những mâu thuẫn cơ bản của chế độ thực dân phong kiến đương thời. Trong tác phẩm của mình, từ văn học đến báo chí, ông đều chĩa mũi nhọn trực tiếp vào bọn thực dân cướp nước và lũ bậu xậu theo đuôi thực dân nhộn nhạo sách nhiễu, bòn rút lương dân.

- Việc nghiên cứu phong cách tác giả là điều quan trọng song không dễ chút nào. Phong cách là cái riêng, là cái nhìn là cách cảm nhận cuộc sống mang tính phát hiện. Vậy cái nhìn của Ngô Tất Tố là như thế nào, thủ pháp và giọng điệu thể hiện cái nhìn ấy trong văn phong ông ra sao, ngôn ngữ biểu hiện …

- Từ việc tìm hiểu sự nghiệp văn chương Ngô Tất Tố để lại mức độ độc đáo đặc sắc đến độ nào thì cần phải được xem xét kỉ lưỡng.

- Có thể khẳng định phong cách Ngô Tất Tố ở những điểm sau.

+ Thứ nhất: Tố chất của một nhà Nho uyên thâm được tiếp cận môi trường Tây học đã tạo cho Ngô Tất Tố phong cách tiếp cận hiện thực ở những góc nhìn khác nhau, từ đó có cách lý giải, đánh giá vấn đề theo quan điểm riêng của mình. Ở ông có sự kết hợp Đông Tây, kim cổ, một phong cách hòa quyện nhuần nhuyễn cái hiện đại phương Tây với cái “duy tình” truyền thống phương Đông. Ngô Tất Tố lột tả hiện thực hiển hiện trước người đọc với tất cả diện mạo, hình hài của nó, nhưng không lạnh lùng phán xét, phê phán nó mà truy xét đến tận ngọn nguồn, căn nguyên hiện thực, để rồi bất ngờ, kín đáo bày tỏ thái độ của mình. Điều này tạo nên một Ngô Tất Tố nhà văn – nhà nho – nhà báo không thể trộn lẫn với các nhà văn viết báo, các nhà Tây học viết báo.

+ Thứ hai: Ở Ngô Tất Tố có cái nhìn tập trung nhất quán đầy trân trọng yêu thương và tin tưởng vào phẩm chất người nông dân. Nhìn người nông dân là thấy cảnh sống cơ cực bần hàn đến thảm hại, nhưng bất luận hoàn cảnh nào cũng giữ mình trong sạch.

+ Thứ ba: Cái nhìn mang tính phủ định đầy căm phẫn bức xúc đối với cả bộ máy giai cấp thống trị, từ bọn quan lại triều đình đến chức sắc địa phương, từ Tây đến ta. Bởi vậy những trang viết về bọn chúng bao giờ tác giả cũng miêu tả trực diện, cụ thể tỉ mỉ đến chân tơ kẽ tóc từ đặc điểm kì quái về ngoại hình đến thói tham ăn, ăn bẩn, hách dịch, cửa quyền, tàn nhẫn, độc ác..

+ Thứ tư: Giọng điệu chủ đạo là cảm thông chia sẻ và mỉa mai châm biếm, nhẹ nhàng thâm thúy mang chút hài hước nhưng đả kích rất sâu cay

+ Thứ năm: Thủ pháp chính thường dùng là dồn nén về không thời gian và nói mỉa rất nhẹ nhàng

- Phong cách thường được tạo nên từ cá tính sáng tạo mà cá tính sáng tạo lại liên quan đến bao nhiêu yếu tố khác trong đó có môi trường xã hội và hoàn cảnh cá nhân

- Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo quanh năm phải lỉnh thêm ruộng làng để cày cấy và thường xuyên phải oằn lưng vì những gánh nợ lãi , hơn ai hết Ngô Tất Tố hiểu được cơ sự của cái nghèo, nó đã ăn sâu vào tiềm thức vào máu thịt của nhà văn. Lại cũng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, giữa những cuộc đời khốn khổ luôn bị vây chặt trong vòng cương tỏa của đói khát tù túng bị chà đạp bị vùi dập, bóc lột đến tận xương tủy, của những hủ tục trói buộc nghiệt ngã nặng nề. Hàng ngày chứng kiến cái ô hợp nhố nhăng nhiểu nhương đồi bại của lối sống thị thành trong những chuyển động giao thoa cũ mới, cái thời kì mà Nho học đã tàn, trường thi chỉ là trò múa rối, các giá trị đạo đức, cửa Khổng sân Trình bị tung hê…Tất cả những điều đó đã tạo nên ở Ngô Tất Tố một cách nhìn một cách phản ánh thể hiện riêng về xã hội về con người về cuộc đời.

- Tắt đèn và Việc làng là hai tác phẩm tiêu biểu thể hiện những phương diện trong phong cách nhà văn. Nhưng ở đây trong thời lượng cho phép của đề bài người viết chỉ đi sâu vào một yếu tố, đó là cái nhìn đầy trân trọng và yêu thương đối với người nông dân, luôn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của họ.

- Một điều đặc biệt trong tác phẩm của Ngô Tất Tố khi viết về người nông dân mà ta có thể dễ dàng nhận ra là tác giả nhìn người nông dân là nhìn thấy ở họ cảnh sống cơ hàn đến cùng cực không lối thoát. Tắt đèn là tác phẩm thể hiện sâu sắc nổi thống khổ đến thê thảm của người nông dân trước cách mạng. Nỗi thống khổ vì một thứ thuế hết sức vô lí là thuế thân, thứ thuế có thể coi là vô nhân đạo nhất trong chính sách thuế khóa dã man của chế độ thuộc địa. Thuế đánh vào người sống thuế đánh vào cả xác chết. Vì cái thứ thuế tai ác đó (suất thuế của chồng và cái thẻ sưu của người em chồng “chết dở năm Tây”) mà chị Dậu bị dồn đẩy đến bước đường cùng: phải bòn bán hai gánh khoai (chút lương ăn cuối cùng của đàn con nhỏ và gia đình), bán chó bán con rồi bán xứ đi ở vú cho người nhà quan. Cả tác phẩm là những chuỗi sự kiện thắt buộc thử thách người đàn bà đến bước cùng quẫn không lối thoát, người phụ nữ ấy đã can trường bản lĩnh, tháo vát đảm đang đầy nghị lực nhưng rồi cũng bất lực. Tác phẩm là một bản cáo trạng tố cáo đanh thép tội ác của bè lũ thống trị đồng thời là tiếng kêu bênh vực quyền sống cho con người.

- Chương 1 và 2 hình ảnh người nông dân xuất hiện trong sự hách dịch dọa nạt đầy cửa quyền của người nhà ông lý xung quanh việc thiếu thuế. Cái không khí ngột ngạt của mùa sưu thuế đập ngay vào mắt người đọc ngay những trang đầu tiên. Những anh tá điền xin xỏ nài nỉ để được đi cày, người nhà lí trưởng giằng co để chờ thu thuế. Thân phận người nông dân, thân phận con ong cái kiến đã bắt đầu lộ diện trong cái nhìn đầy thương cảm của nhà văn.

- Tập trung nhất về cái nhìn của Ngô Tất Tố đối với người nông dân vẫn là ở hình ảnh chị Dậu. Người đàn bà tần tảo chịu thương chịu khó nhưng không kiếm nổi suất sưu cho chồng đành phải cắn răng đứt ruột bán đi đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của mình. Còn nỗi đau nào hơn thế, ta đọc được đằng sau nhưng dòng miêu tả là cái nhìn đầy xót thương quặn lòng của nhà văn. “về thì đâm đầu vào đâu, để chồng bị trói đến bao giờ nữa?..Thôi trời đã bắt tội cũng đành nhắm mắt liều. Bên tai chị Dậu có tiếng văng vẳng như vậy. Nước mắt ứa ra. Chị lại đứng dậy với bộ mặt não nùng…”; “…Hai hàng nước mắt hòa với những giọt mồ hôi thánh thót rơi xuống má. Chị Dậu cắm mặt đứng im…”. Thế nhưng khốn nạn thay cho chị dẫu đã bầm tím ruột gan bán con bán chó ấy thế mà chồng chị vẫn hoàn bị đánh bị trói, chị không thể cứu được bởi còn một suất sưu của người chết, suất sưu chú Hợi. Viết đến đây sự uất nghẹn của tác giả có lẽ lên đến tột đỉnh, sự phi lí vô đạo đến thế là cùng. Chị Dậu biết đâm đầu vào đâu được nữa. Trong tột cùng đau đớn phẫn uất (anh Dậu bị ốm nặng nhưng bọn người nhà lí trưởng vẫn hành hạ đánh đập tàn nhẫn) Ngô Tất Tố đã để người phụ nữ nông dân thân phận con ong cái kiến đó có hành động dũng cảm bột phát kiểu tức nước vỡ bờ, đánh lại người nhà lí trưởng để bảo vệ chồng và dường như tác giả phản ánh đoạn này với tâm trạng hả hê như chính mình được trút cơn căm phẫn. Ngòi bút tác giả phẫn nộ bao nhiêu khi miêu tả hành động vũ phu của người nhà lí trưởng thì lại cảm thông bấy nhiêu trước sự trả thù của nhân vật, nhà văn đã nhìn thấu bản lĩnh mạnh mẽ trong tâm hồn người phụ nữ tưởng như yếu đuối này. Có lẽ sau mỗi bước đường của nhân vật chị Dậu đều có ánh nhìn đầy thương cảm lo lắng của nhà văn. Người nông dân trong tác phẩm của Ngô Tất Tố bị đẩy đến cùng đường vẫn giữ mình trong sạch. Tác giả đã có cái nhìn đầy trân trọng trước hành động chị Dậu vứt nắm tiền trước mặt tên quan phủ dâm ô như một sự phỉ nhổ của nhà văn vào bộ mặt bẩn thỉu gớm ghiếc của giai cấp quan lại và tấm lòng nâng niu chở che đầy tin tưởng của tác giả vào phẩm chất của người nông dân. Phẩm chất ấy lại một lần nữa được khẳng định khi chị đi ở vú cho người nhà quan huyện, sự đời thật trớ trêu, không còn răng để nhai cơm thế mà bản chất dâm ô thì vẫn thường trực trong huyết quản. Chị Dậu lại một lần nữa chống trả sự dâm đảng của giai cấp thống trị để đối mặt với hiện thực nghiệt ngã đang hiện ra trước mắt: trời tối đen như mực như cái tiền đồ của chị.

- Bởi yêu thương người nông dân nên khi điểm nhìn chuyển sang bọn thống trị nhà văn miêu tả với tất cả sự căm phẫn với giọng điệu đầy mỉa mai khinh bỉ. Từ bản chất trọc phú vô văn hóa, đay đả cay độc của vợ chồng Nghị Quế đến ngón nghề dâm ô bẩn thỉu của quan phủ. Tất cả hiện lên thật sinh động, trực diện. Đây là cảnh nội thất, sinh hoạt nhà Nghị Quế: “Trong mắt chị nhà ấy lịch sự vô cùng. Nào ở cạnh bức hoành phi khảm trai, mấy cô con gái tồng ngồng đùi, vú vừa nằm, vừa tủm tỉm cười tình. Nào ở giữa đôi câu sơn then thiếp vàng hai thằng bé con béo tròn và xoay trần lề mề khiêng hộp sữa bò cao lớn gần bằng chúng nó… Ông Nghị đâm chéo đôi đũa qua mặt mâm, bưng bát nước canh, trợn mắt húp một cái đánh soạt. Rồi ông vừa nhai vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy tăm…”

- Để bật lên thân phận thảm hại của người nông dân và bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị tác giả hay dùng thủ pháp dồn nén không thời gian, đi sâu mô tả cận cảnh trực diện cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết. Tắt đèn không miêu tả toàn cảnh mà chỉ tập trung cảnh sưu thuế, không miêu tả từ đầu đến cuối mà chỉ tập trung những ngày căng thẳng. Trừ chị Dậu lên tỉnh ở vú còn lại toàn bộ thời gian 4 ngày 4 đêm. Ngột ngạt những nạt nô, đánh đập, hách dịch, chửi rủa, hạnh họe, phỉnh lừa của bọn chức dịch…và tiếng van lơn xin xỏ của dân đen. Tất cả phơi bày bộ mặt bẩn thỉu của giai cấp thống trị và nổi thống khổ của nông dân: chạy trời không khỏi nắng. Quả Ngô Tất Tố là bậc thầy chọn thời điểm không gian, không có không gian nào không diễn ra sự kiện đắt giá.

- Một thủ pháp khác tác giả cũng hay dùng là thủ pháp nói mỉa, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu cay. Hãy xem ngoại hình hay cụ thể là bộ râu của quan phụ mẫu: “Cái râu mới lạ làm sao. Nó đen như vệt hắc ín và cong như cái lưỡi liềm. Nó nhọn như mũi dùi nung và bầu như đầu dao trổ. Nó khum khum quắp lấy hai mép, giống như hai cái cánh dơi. Nó vểu vểnh ra hai mang tai, gần như hai cái sừng củ ấu. Nó chầu đầu ở dưới sống mũi, như sắp chui vào trong cái mũi dọc dừa. Nó lại giúp cho cái mồm lèn bèn thêm sự dữ dội…Nếu không rõ là ông quan, người ta lại có thể lầm ngài với ông cai xe hay ông cai thầu khoán.”

- Phong cách nghệ thuật là nét riêng, là dấu ấn độc đáo của cá nhân nhà văn trong sáng tác văn học. Thông qua tác phẩm nhà văn thể hiện cái nhìn mang tính phát hiện. Với Ngô Tất Tố, từ cái nhìn cảm thông chia sẻ, yêu thương trân trọng rất mực người nông dân đã chi phối cách chọn đề tài, chi tiết, sự kiện, nhân vật, đặc biệt là thủ pháp nghệ thuật, điều đó tạo nên một giọng điệu riêng không thể trộn lẫn. Tiếp cận tác phẩm Ngô Tất Tố là tiếp cận một cách nhìn, một cách khám phá hiện thực mang đậm dấu ấn hiện thực phê phán nhưng vẫn thể hiện rõ nét phong cách riêng, phong cách của một nhà văn nhà Nho uyên thâm có cái nhìn Tây học về hiện thực.

- Việc tìm hiểu phong cách nghệ thuật của một nhà văn mà chỉ dừng lại một tác phẩm thiết nghĩ cũng chưa đủ để khái quát, thâu tóm giá trị của cả sự nghiệp. Nhưng dẫu sao Tắt đền cũng là một tác phẩm tiêu biểu, một dấu ấn riêng, một đóng góp của Ngô Tất Tố cho làng văn Việt Nam.

2. Nét đặc sắc về nghệ thuật viết truyện của Ngô Tất Tố qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn)

- Được coi là một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, Tắt đèn cũng được đánh giá là một tác phẩm xuất sắc của Ngô Tất Tố. Qua tác phẩm Tắt đèn, người đọc không chỉ cảm nhận được tấm lòng nhân đạo tha thiết, niềm yêu thương và sự cảm thông của ông dành cho người nông dân mà còn thấy rõ tài năng và phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố.

- Ngô Tất Tố là một cây bút hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trong cuộc đời sáng tác văn chương của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm được coi là những kiệt tác nghệ thuật. Trong số ấy, tiểu thuyết Tắt đèn xứng đáng là một áng văn tiêu biểu cho tài năng và phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố.

- Tắt đèn là một cuốn tiểu thuyết chỉ có vài trăm trang. Một dung lượng không nhiều nhưng vừa đủ để Ngô Tất Tố khái quát được xã hội nông thôn Việt Nam đương thời một cách tập trung điển hình nhất.

- Giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Tắt đèn, khó mà bàn luận được trong vài trang viết, ở đây chúng ta chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu những nét đặc sắc của ngòi bút Ngô Tất Tố trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

- Đây là đoạn văn hay, rất tiêu biểu cho bút pháp tiểu thuyết - của tác giả Tắt đèn.

+ Nét nổi bật nhất và cũng là thành công nhất của Ngô Tất Tố chính là nghệ thuật khắc hoạ nhân vật. Chỉ với chưa đầy ba trang văn, Ngô Tất Tố đã xây dựng được hai nhân vật đạt đến mức điển hình bất hủ. Đó là cai lệ và chị Dậu.

+ Cai lệ chỉ là một tên tay sai mạt hạng, không có tên riêng, nhưng lại được tác giả tập trung miêu tả nổi bật, trở thành một tính cách điển hình với đầy đủ những nét chung và riêng. Cai lệ là hình ảnh đại diện cho bọn tay sai nói riêng và đại diện cho cái chính quyền thực dân tàn bạo, bất nhân nói chung. Hắn phảng phất cái bóng dáng của tất cả những tên tay sai hung hãn ngoài đời cũng như trong các sáng tác hiện thực lúc bấy giờ. Nhưng cai lệ là một tên tay sai không giống với bất cứ tên nào mà ta đã gặp. Hắn có những đặc điểm riêng không thể trộn lẫn, và được tô đậm. Đây là giọng quát thét hống hách (Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?); những lời nói xỏ xiên đểu cáng (ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à?); và những hành động hung hãn (Bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, Tát vào mặt chị một cái đánh bốp, sấn đến để trói anh Dậu, Nhảy vào cạnh anh Dậu). Và đây, cái giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cũ, cái thân hình lẻo khẻo vì nghiện thuốc phiện, cái tư thế ngã chỏng quèo mà miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu Tất cả những chi tiết đó đã tạo nên một tên tay sai vừa trắng trợn, tàn ác, vừa đểu giả, đê tiện. Hình ảnh ấy đã để lại một ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả: vừa khinh bỉ ghê tởm, vừa căm ghét.

+ Đối lập với hình ảnh tên cai lệ là hình ảnh chị Dậu. Chị Dậu cũng là một thành công của Ngô Tất Tố trong việc xây dựng nhân vật đạt đến mức điển hình hóa cao độ. Nhân vật chị Dậu có tính cách khá đa dạng: vừa hiền lành, lễ phép, vừa ngỗ nghịch, đanh đá, vừa nhẫn nhục vừa phản kháng quyết liệt, vừa chan chứa yêu thương vừa ngùn ngụt căm thù. Ngô Tất Tố không chỉ thành công trong việc xây dựng một hình tượng người phụ nữ nông thôn với tính cách điển hình, ông còn rất thành công trong việc khắc hoạ tâm lí nhân vật chị Dậu.

+ Trong đoạn trích, chị Dậu là người có đời sống nội tâm khá phong phú. Ngô Tất Tố đã thể hiện điều đó một cách chân thực. Từ chỗ nhẫn nhục chịu đựng, tha thiết van xin, đến chỗ tức quá không thể chịu được, mà liều mạng cự lại] từ thái độ lễ phép, tôn trọng tên cai lệ đến sự ngỗ nghịch, đanh đá nghiến răng: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem, rồi bất chấp thà ngồi tù xông vào đấu sức với hai tên tay sai Tất cả vừa phù hợp với lôgic khách quan của cuộc sống: Tức nước vỡ bờ, vừa phù hợp với tính cách chị Dậu.

- Cùng với thành công về phương diện xây dựng nhân vật, Ngô Tất Tố còn sử dụng ngòi bút miêu tả rất linh hoạt, sinh động. Chỉ một vài nét phác họa, nhà văn đã vẽ ra trước mắt người đọc những cảnh tượng sống động khiến họ có cảm giác như đang tận mắt chứng kiến nó.

+ Tiếng trống và tiếng tù và đã thủng thẳng đua nhau từ phía đầu làng đến đình.

+ Tiếng chó sủa vang các xóm.

- Chỉ hai câu văn mà tác giả đã gợi tả được cả cái không khí ngột ngạt của làng quê Việt Nam trong mùa sưu thuế.

- Đặc biệt trong đoạn văn miêu tả cảnh chị Dậu liều mạng cự lại hai tên tay sai. Dưới ngòi bút thần tình của Ngô Tất Tố, các hoạt động diễn ra dồn dập mà vẫn rất rõ nét: từ hành động của tên cai lệ (tát chị Dậu và nhảy vào anh Dậu), đến việc chị Dậu nghiến hai hàm răng rồi túm tóc tên cai lệ, ấn dúi ra cửa khiến hắn ngã chỏng quèo; từ việc tên người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh đến việc hai bên giằng co, vật nhau, rồi chị Dậu túm lấy tóc hẳn lẳng cho một cái, khiến tên này ngã nhào ra thềm tất cả diễn ra mau lẹ như trong một pha gay cấn của một cuốn phim; vừa diễn tả được diễn biến truyện vừa thể hiện được tính cách, tâm lí nhân vật, và sức sống mạnh mẽ, tinh thần phản kháng tiềm tàng của chị Dậu. Có thể nói, Ngô Tất Tố có óc quan sát rất tinh tường (Vũ Trọng Phụng) và miêu tả tuyệt khéo (Phan Ngọc).

- Một đặc sắc nghệ thuật nữa của đoạn trích là ngôn ngữ kể chuyện, miêu tả của tác giả và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Trong ngôn ngữ kể chuyện và miêu tả, tác giả sử dụng rất nhiều từ ngữ vừa giàu sắc thái biểu cảm, vừa phù hợp với nhân vật và các hoạt động. Điệu bộ của bà lão láng giềng thì lật đật; thằng Dần thì Vục đầu vừa thổi và húp soàn soạt, anh Dậu thì uốn vai ngáp.., uể oải chống tay, ngẩng đầu lên, run rẩy, lăn đùng, bọn tay sai ban đầu thì nhảy vào sấn sổ, sau đó, đứa thì ngã chỏng quèo, đứa thì ngã nhào Tất cả những ngôn từ ấy đều rất sống, rất có hồn.

- Ngôn ngữ nhân vật vừa đa dạng, vừa độc đáo. Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của tên cai lệ thì thô tục, đểu cáng, của tên người nhà lí trưởng thì mỉa mai, bóng gió, lời anh Dậu thì run rẩy, sợ sệt; lời bà lão láng giềng thì thật thà, hiền hậu. Đặc biệt là ngôn ngữ của chị Dậu, khi thì thiết tha, mềm mỏng, lúc đanh thép, quyết liệt. Qua ngôn ngữ, tính cách nhân vật bộc lộ khá rõ nét.

- Bên cạnh đó, những khẩu ngữ của quần chúng nông dân như thầy em, nhà cháu được Ngô Tất Tố sử dụng rất hồn nhiên, nhuần nhuyễn, khiến cho câu văn giản dị mà đậm đà, mang hơi thở của đời sống.

- Những thành công và đặc sắc của Ngô Tất Tố trong đoạn trích cũng là những thành công nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật ấy kết hợp với giá trị nội dung tư tưởng, đã đem lại sự hấp dẫn và sức sống lâu bền cho cuốn tiểu thuyết này.

-----------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Phong cách nghệ thuật của Ngô Tất Tố. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 8

    Xem thêm