Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Văn diễn dịch là gì?

VnDoc xin giới thiệu bài Văn diễn dịch là gì? được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Văn diễn dịch là gì?

Trả lời:

Đoạn văn diễn dịch (Có câu chủ đề): Đoạn diễn dịch là đoạn văn trong đó câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề. Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, có thể kèm theo nhận xét, đánh giá và bộc lộ cảm nhận của người viết.

1. Thế nào là đoạn văn?

Khái niệm đoạn văn ở trường phổ thông hiện nay được hiểu theo nhiều cách khác nhau:

- Cách hiểu thứ nhất (đoạn ý): Đoạn văn được dùng với ý nghĩa để chỉ sự phân đoạn nội dung, phân đoạn ý của văn bản. Một văn bản bao gồm nhiều đoạn văn: Đoạn mở đầu văn bản, những đoạn khai triển văn bản, đoạn kết thúc văn bản. Mỗi đoạn phải có sự hoàn chỉnh nhất định nào đó về mặt ý, về mặt nội dung. Nhưng thế nào là một nội dung, một ý hoàn chỉnh thì không có tiêu chí để xác định rõ ràng. Một văn bản, tùy theo người đọc cảm nhận mà phân chia ra thành các đoạn, sự phân chia có thể không thống nhất giữa những người đọc: có người chia theo ý lớn, có người chia theo ý nhỏ. Ý lớn là đoạn bài có hai hoặc ba ý nhỏ được khai triển từ ý lớn, bao gồm hai hoặc ba đoạn văn ngắn, mỗi đoạn ngắn đó là một ý nhỏ, các đoạn này hợp ý với nhau thành một ý lớn; ý nhỏ là ý được khai triển từ ý lớn, về mặt nội dung chỉ triển khai theo một phương diện, một hướng cụ thể, mỗi ý nhỏ là một đoạn.

Cách hiểu này khiến cho cách phân đoạn thiếu tính khách quan. Với cách hiểu này, diện mạo đoạn văn không được xác định (đoạn văn bắt đầu từ đâu, như thế nào, các câu văn trong đoạn có mối liên kết với nhau như thế nào,…) cho nên việc xây dựng đoạn văn trở nên khó khăn, phức tạp, khó rèn luyện các thao tác để trở thành kĩ năng kĩ xảo.

- Cách hiểu thứ hai (đoạn lời): Đoạn văn được hiểu là sự phân chia văn bản thành những phần nhỏ, hoàn toàn dựa vào dấu hiệu hình thức: một đoạn văn bao gồm những câu văn nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng.

Cách hiểu này không tính tới tiêu chí nội dung, cơ sở ngữ nghĩa của đoạn văn. Với cách hiểu này, việc rèn luyện xây dựng đoạn văn càng trở nên mơ hồ, khó xác định vì đoạn văn không được xây dựng trên một cơ sở chung nào vì hình thức bao giờ cũng phải đi đôi với nội dung, bao chứa một nội dung nhất định và phù hợp với nội dung mà nó bao chứa.

- Cách hiểu thứ ba (đoạn văn xét thao cả hai tiêu chí về ý và về lời): Đoạn văn vừa là kết quả của sự phân đoạn văn bản về nội dung (dựa trên cơ sở logic ngữ nghĩa) vừa là kết quả của sự phân đoạn về hình thức (dựa trên dấu hiệu hình thức thể hiện văn bản).

Về mặt nội dung: đoạn văn là một ý hoàn chỉnh ở một mức độ nhất định nào đó về logic ngữ nghĩa, có thể nắm bắt được một cách tương đối dễ dàng. Mỗi đoạn văn trong văn bản diễn đạt một ý, các ý có mối liên quan chặt chẽ với nhau trên cơ sở chung là chủ đề của văn bản. Mỗi đoạn trong văn bản có một vai trò chức năng riêng và được sắp xếp theo một trật tự nhất định: đoạn mở đầu văn bản, các đoạn thân bài của văn bản (các đoạn này triển khai chủ đề của văn bản thành các khía cạnh khác nhau), đoạn kết thúc văn bản. Mỗi đoạn văn bản khi tách ra vẫn có tính độc lập tương đối của nó: nội dung của đoạn tương đối hoàn chỉnh, hình thức của đoạn có một kết cấu nhất định.

Về mặt hình thức: đoạn văn luôn luôn hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó thể hiện ở những điểm sau: mỗi đoạn văn bao gồm một số câu văn nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng, có liên kết với nhau về mặt hình thức, thể hiện bằng các phép liên kết; mỗi đoạn văn khi mở đầu, chữ cái đầu đoạn bao giờ cũng được viết hoa và viết lùi vào so với các dòng chữ khác trong đoạn.

Đây là cách hiểu hợp lí, thỏa đáng hơn cả giúp người đọc nhận diện đoạn văn trong văn bản một cách nhanh chóng, thuận lợi đồng thời giúp người viết tạo lập văn bản bằng cách xây dựng từng đoạn văn được rõ ràng, rành mạch.

2. Ví dụ về đoạn văn diễn dịch

Người hút thuốc không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Khói và hơi thuốc lá là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe của người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Người không hút thuốc bị cao huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao thậm chí có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi hít khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động góp phần gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim ở những người hít khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc cao hơn khoảng 25-30%. Hút thuốc thụ động còn thúc đẩy bệnh tật. Trẻ em sinh ra từ người hút thuốc có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ em sinh ra từ người không hút thuốc.

3. Đoạn văn quy nạp (có câu chủ đề)

Đoạn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát, từ ý luận cứ cụ thể đến ý kết luận bao trùm. Theo cách trình bày này, câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn. Ở vị trí này, câu chủ đề không làm nhiệm vụ định hướng nội dung triển khai cho toàn đoạn mà lại làm nhiệm vụ khép lại nội dung cho đoạn ấy. Các câu trên được trình bày bằng các thao tác lập luận, minh họa, cảm nhận và rút ra nhận xét đánh giá chung.

Ví dụ 1:

Những đứa con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau…Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hàng ngày và ảnh hưởng đặc biệt các đức của người mẹ, đã hình thành dần dần bản tính của đứa con theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”. Ngoài ra, những đứa trẻ thường là thích bắt chước người khác thông qua những hành động của người gần gũi nhất chủ yếu là người mẹ. Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình.

(Trần Thanh Thảo)

Ví dụ 2:

Đêm nay là đêm 30, gia đình tôi đang tất bật chuẩn bị mâm cỗ để đón giao thừa. Anh trai và bố đang làm thịt gà, mẹ thì nhào bột làm bánh rán. Năm nào cũng vậy, món bánh rán của mẹ tôi luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ đặc biệt đó. Còn tôi, vì là con gái cưng trong gia đình và là trưởng nữ của dòng họ, nên tôi được ưu ái giao cho nhiệm vụ cùng ông bà trang trí bàn thờ tổ tiên. Mọi người ai trong gia đình, ai cũng cố gắng làm thật nhanh để kịp giờ. Đúng 12 giờ, gia đình chúng tôi, 3 thế hệ đã quây quần đông đủ bên mâm cỗ cùng nâng ly chúc mừng năm mới. Tiếng chúc mừng, tiếng cười, tiếng ly va vào nhau… Tất cả làm cho tôi có một cảm nhận: Gia đình mình thật hạnh phúc.

Ví dụ 3:

Những chiếc điện thoại thông minh giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Chúng không chỉ giúp chúng ta có thể liên lạc với nhau ở khoảng cách xa xôi, kết nối thông tin trên toàn thế giới mà còn giúp chúng ta tiếp cận với những kiến thức của toàn nhân loại. Thế nhưng, nó cũng đem lại cho chúng ta rất nhiều phiền toái như sự trói buộc, lệ thuộc vào điện thoại, những hệ lụy cho con trẻ như nghiện game hay internet, các thông tin đồi trụy, chưa được kiểm duyệt. Có thể nói, điện thoại thông minh vừa mang tới lợi ích nhưng cũng mang tới nhiều tác hại cho con người.

Ví dụ 4:

Việt Nam đã xóa bỏ vụ lúa chiêm giá rét, cho năng suất thấp, tạo ra vụ lúa xuân cho năng xuất cao. Nhiều giống lúa và cây ăn quả được lai tạo có năng suất cao. Từ một nước phải nhập khẩu gạo, đến nay nước ta đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

4. Đoạn tổng – phân – hợp (có câu chủ đề ở đầu và cuối đoạn văn)

Đoạn tổng – phân – hợp là đoạn văn phối hợp diễn dịch với qui nạp. Câu mở đầu đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo triển khai cụ thể ý khái quát. Câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Những câu triển khai ý được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, nhận xét, đánh giá hoặc nêu suy nghĩ…để từ đó đề xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp, khẳng định, năng cao vấn đề.

-----------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Văn diễn dịch là gì? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 1.020
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 8

    Xem thêm