Biện pháp tu từ Gươm mài đá đá núi cũng mòn
Biện pháp tu từ Gươm mài đá đá núi cũng mòn được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Câu hỏi: Phân tích biện pháp tu từ trong câu:
“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn”
Trả lời:
Biện pháp tu từ: nói quá được sử dụng ở khổ thơ
- Nhấn mạnh sức mạnh nghĩa quân Lam Sơn khiến quân giặc Ngô khiếp sợ có thể làm nên chiến thắng oai hùng cho dân tộc. Sức mạnh ấy khiến đá cũng phải mòn, nước sông phải cạn. Điều đó, gieo vào lòng người đọc niềm tự hào khôn nguôi chiến thắng niền hách được tạo bởi sức mạnh phi thường của quân ta.
1. Định nghĩa nói quá là gì?
Nói quá ở đây được hiểu cơ bản là một biện pháp tu từ. Chúng được sử dụng nhằm phóng đại quy mô, mức độ hay tính chất của sự việc. Mục đích chính của chúng là tạo được điểm nhấn cho câu văn và làm tăng sức biểu cảm.
VD:
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
Câu ca dao nói về thời tiết 2 mùa hè và mùa đông ở Việt Nam. Đây là cách nói quá nhằm tăng sức biểu cảm cho người đọc. Nếu hiểu theo nghĩa thực thì câu ca dao này được hiểu là đêm tháng năm trời nhanh sáng hơn so với các tháng khác và tháng mười thì trời nhanh tối hơn các tháng mùa hè.
Nói quá còn có các tên gọi khác như cách nói khoa trương, thậm xuân, phóng đại, cường điệu.
2. Biện pháp nói quá có tác dụng gì?
Sử dụng biện pháp nói quá trong câu văn nhằm nhấn mạnh và tạo được ấn tượng. Không những vậy còn tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt. Chúng sử dụng những khẩu ngữ hay nói hàng ngày như: tức sôi máu, mệt đứt hơi, lo sốt vó,…
Trong các bài ca dao, anh hùng ca thường sử dụng khá nhiều biện pháp nói quá.
Một vài ví dụ về nói quá
- Bài lý khó quá nghĩ nát óc mà không ra đáp án
- Gần đến kì thi cuối kì, Minh lo sốt vó
- Bị thất tình, Linh khóc như mưa
3. Nói quá và nói khoác có sự khác nhau như thế nào?
Điểm giống nhau: Đều phóng đại quy mô, tính chất, mức độ của sự vật, hiện tượng.
Điểm khác nhau: Khác nhau ở mục đích
– Nói quá: có tác dụng nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm và sự việc được nói là có thật
– Nói khoác: Nhằm làm cho người nghe tin vào những điều không có thật, đây là những hành động có tác động tiêu cực.
4. Các dạng bài tập thường gặp
Dạng 1: Xác định biện pháp tu từ nói quá, nói giảm – nói tránh trong một ngữ liệu và phân tích tác dụng
Ngữ liệu ấy có thể là một câu thơ, một đoạn văn. Theo cô Trang, với dạng bài tập này, học sinh cần nắm vững tác dụng của hai biện pháp tu từ đã nêu. Ngoài ra, học sinh lưu ý khi nói về tác dụng của biện pháp tu từ, cần chỉ rõ, không nói với tính chất chung chung.
Ví dụ: Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng (Huy Cận)
Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nói quá để miêu tả vẻ đẹp tráng lệ, khỏe khoắn của đoàn thuyền khi lướt trên biển khơi với khí thế và khát vọng chinh phục biển cả.
Ví dụ: Bác đã lên đường theo tổ tiên/ Mác, Lênin – thế giới người hiền (Tố Hữu)
Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh để giảm đi sự đau thương của việc Bác đã ra đi. Đồng thời, nhà thơ cũng nhấn mạnh tuy Bác không còn nhưng Người vẫn đi theo con đường cách mạng của những người đi trước như Mác, Lênin.
Dạng 2: Đưa ra một tình huống, đặt hai câu có sử dụng biện pháp tu từ nói quá, nói giảm – nói tránh.
Ví dụ: Để nói về sự sợ hãi, đặt hai câu, trong đó có sử dụng biện pháp tu từ kể trên.
Tôi cảm thấy sợ hãi/ Tôi sợ đến nỗi hồn xiêu phách lạc (nói quá).
Ví dụ: Để chê người khác hà tiện, học sinh có thể dùng hai câu:
Anh rất ki bo/ Anh hơi tiết kiệm rồi đấy (nói giảm nói tránh)/ Anh là người “vắt cổ chày ra nước” (nói quá).
Dạng 3: Tìm câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao có sử dụng biện pháp tu từ nói quá, nói giảm – nói tránh
Ví dụ: để nói về thời tiết tháng 5, học sinh có thể dùng câu: Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối. Câu thơ sử dụng biện pháp tu từ nói quá, đề cập đến hiện tượng “ngày dài, đêm ngắn” (tháng 5) và “ngày ngắn, đêm dài” (tháng 10) do ảnh hưởng của sự tự quay quanh trục của Trái Đất và chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời.
Dạng 4: Đặt câu, viết văn bản có sử dụng biện pháp tu từ nói quá, nói giảm – nói tránh
Ví dụ: Viết một đoạn văn, hoặc làm một bài thơ có dùng biện pháp nói quá.
Lan và tôi rất thân nhau, tôi vẫn hay đùa rằng bạn ấy cao như cây chuối hột. Ngày bạn lên đường theo gia đình đi xa tôi chỉ biết chúc bạn bình yên mà nước mắt rơi như mưa. Sau này, dù có phải đi lên đến tận trời, tôi cũng sẽ nhất định tìm gặp lại bạn.
-----------------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Biện pháp tu từ Gươm mài đá đá núi cũng mòn. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé