Tác dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh
VnDoc xin giới thiệu bài Tác dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 8.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Từ tượng hình và từ tượng thanh
Câu hỏi: Nêu tác dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh
Lời giải: từ tượng hình và từ tượng thanh có tác dụng gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động.
Định nghĩa từ tượng thanh, từ tượng hình
- Tượng trong tiếng Hán là mô phỏng, thanh là âm thanh, hình là hình ảnh. Nên từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh và từ tượng hình thì mô phỏng hình dáng, kích thước.
Từ tượng thanh: Là những từ mô phỏng âm thanh của thiên nhiên, động vật và con người.
Ví dụ từ tượng thanh:
- Âm thanh tiếng mưa sử dụng từ tượng thanh như: rào trào, ầm ầm, lộp độp, tí tách.
- Mô tả âm thanh của tiếng gió như: xào xạc, lao xao…
- Âm thanh con người: Tiếng cười: hi hi, ha ha, khanh khách, hắc hắc, khúc khích…
- Âm thanh thiên nhiên như: Tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót ríu rít, tiếng vịt kêu cạp cạp…
- Từ tượng hình: Là những từ gợi tả được hình dáng, ngoại hình hay vẻ bề ngoài của người, của vật
Ví dụ từ tượng hình
- Từ tượng hình gợi tả vóc dáng như mũm mĩm, gầy gầy, cao lênh khênh, ục ịch…
- Mô tả vẻ bề ngoài của vật: lực lưỡng, be bé, gầy gầy, cao cao…
Ví dụ minh họa
Ví dụ 1:
Những từ tượng hình chỉ hành động của con người gồm các động từ sau:
- Chạy lon ton, chạy thoăn thoắt, cười ha ha, khóc thút thít, khóc hụ hụ, nói chuyện rôm rả, ăn lia lịa, uống ực ực, nhai ngoàm ngoạp…
Những từ tượng thanh chỉ âm thanh thiên nhiên gồm:
- Tiếng gió thổi ào ào, tiếng mưa rơi tí tách, ánh mặt trời chói chang, nước thác đổ ào ào…
Ví dụ 2: Trong bài thơ Thu Điếu của Nguyễn khuyến có đoạn:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo”
- Các từ tượng hình là: tẻo teo
- Từ tượng thanh là: đưa vèo.
Công dụng từ tượng thanh, từ tượng hình
- Cả từ tượng thanh từ tượng hình đều có tác dụng mang lại sự biểu cảm, phong phú, sinh động cho sự diễn đạt. Đặc biệt trong văn miêu tả từ tượng thanh và từ tượng hình giúp mọi thứ hiện ra thật tự nhiên, sống động, nhiều sắc thái.
- Vì vậy có thể khẳng định các loại từ này tạo nên sự đặc sắc, giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm.
Ví dụ: Trong bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến, tác giả dùng các từ tượng thanh, tượng hình để bài thơ giàu giá trị biểu cảm hơn
- Các từ tượng thanh: đưa vèo (Lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo); đớp động (Cá đâu đớp động dưới chân bèo)
- Các từ tượng hình: Trong veo (Ao thu lạnh lẽo nước trong veo); sóng biếc, gợn tý (Sóng biếc theo làn hơi gợn tý); tẻo teo (Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo); vắng teo (Ngõ trúc quanh co khách vắng teo); xanh ngắt (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt)
- Làm tăng tính biểu cảm, biểu đạt của ngôn ngữ và làm miêu tả trở nên cụ thể và sinh động hơn. Vì đa số từ tượng thanh, tượng hình đều là từ láy
- Giúp khả năng miêu tả, diễn tả cảnh vật, con người, thiên nhiên chi tiết, thực tế và đa dạng.
Lưu ý: đa số từ tượng thanh, tượng hình là từ láy, nhưng tất cả từ láy đều không phải là tượng thanh hoặc tượng hình. Đôi khi 2 loại từ này có thể không là từ láy.
- Không nên quá lạm dụng từ tượng thanh, tượng hình sẽ ảnh hưởng đến nội dung, nghệ thuật tác phẩm.
Bài tập Định nghĩa từ tượng thanh, từ tượng hình
1. Tìm các từ tượng thanh mang âm thanh của con người và đặt câu
Hướng dẫn:
- Các từ tượng thanh mang âm thanh của con người: khúc khích, thủ thỉ, thút thít, ha hả, ừng ực…
– Đặt câu:
+ Em bé nghe mẹ kể chuyện cười khúc khích
+ Hai bà cháu lâu ngày mới gặp nhau, nay có dịp thì thủ thỉ hồi lâu không dứt
+ Bé Na không được mua đồ chơi mới nên trốn góc tường khóc thút thít
+ Câu chuyện của thằng Nam lớp tôi kể khiến các bạn cười ha hả suốt cả giờ ra chơi
+ Sau khi chạy đường dài về, Long khát nước nên uống ừng ực
2. Tìm các từ tượng hình chỉ dáng đi của con người và đặt câu với các từ tượng hình đó
Hướng dẫn:
– Các từ tượng hình chỉ dáng đi của con người: lon ton, lom khom, rón rén, thoăn thoắt, lừ đừ
– Đặt câu:
+ Bé Lan được mẹ mua cho đồ chơi mới nên lon ton chạy đi khắp xóm khoe với bạn bè
+ Bà tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi nên dáng đi đã có phần lom khom
+ Buổi trưa, cu tý rón rén trốn mẹ đi chơi
+ Từ xa thấy ba về, nó thoăn thoắt chạy nhanh về nhà báo tin cho má nó
+ Nam bị điểm kém trong giờ kiểm tra Toán nên dọc đường về cứ lừ đừ cả người
3. Viết đoạn văn có sử dụng các từ tượng thanh và tượng hình. Chỉ ra các từ tượng thanh và tượng hình đó
Mùa thu trên quê tôi mang lại một cảm giác thoải mái nhất. Với tiết trời miền Bắc, có lẽ mùa thu là mùa của những cơn gió và lá bay. Trên mọi nẻo phố, góc đường lá bay xào xạc, tạo nên những âm thanh nghe rất vui tai. Thêm vào đó là những làn gió thu trong veo, nhẹ nhàng khẽ lướt qua chỉ khiến làn tóc em nhẹ tung trong gió. Trên các tán lá, mấy chú chim vẫn đua nhau hót ríu rít vang lừng cả khu phố. Đám trẻ con ngày nào đi học về cũng tíu tít rủ nhau ra đầu ngõ chơi bắn bi. Những bước chân lon ton, những tiếng nói cười khanh khách vang dội cả khung trời. Đó là tất cả những gì khiến tôi yêu mùa thu quê tôi đến vậy.
– Từ tượng hình: lon ton, trong veo
– Từ tượng thanh: xào xạc, ríu rít, tíu tít, khanh khách
-----------------------------------------------
Với nội dung bài Tác dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về định nghĩa, đặc điểm và công dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh trong văn bản..
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Tác dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn.
Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 8 để có thêm tài liệu học tập nhé