Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Thông qua tác phẩm Chiếu dời đô ta thấy được tư tưởng yêu nước cũng như ý của Lý Công Uẩn. Dưới đây là tài liệu mời các bạn tải về tham khảo.

Dàn ý Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nội dung cần phân tích.

2. Thân bài:

a. Tư tưởng yêu nước thể hiện trong mục đích của việc dời đô:

- "chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi".

→ Đặt nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước trong tương lai, hướng tới việc quy tụ tinh hoa của đất nước về chốn thích hợp, xây dựng một đất nước ngày càng phát triển, để cho con cháu mai sau được hưởng thái bình, thịnh trị.
- Việc dời đô không phải là ý muốn của riêng cá nhân Lý Thái Tổ, mà đó là một quyết định tuân theo tư tưởng "mệnh trời", dưới lại thuận theo ý kiến của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.
- Để củng cố và bổ sung cho mục đích và ý nghĩa chính đáng của việc dời đô về Đại La:
+ Tác giả đã chỉ ra trong quá khứ, nhà Thương đã có đến 5 lần dời đô, nhà Chu cũng có đến 3 lần => Vận nước đều đi lên, phong tục được phồn thịnh.
+ Chê trách hai nhà Đinh, Lê khi "theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời", không chịu thay đổi, khiến cho "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn".
=> Chứng minh được rằng việc dời đô là hoàn toàn hợp lý, cần thiết nhất trong giai đoạn này.

b. Tư tưởng yêu nước thể hiện ở việc Lý Công Uẩn đưa ra những lợi thế của thành Đại La so với kinh đô Hoa Lư cũ:

- Bộc lộ tâm huyết, tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một lòng muốn cải thiện vận mệnh đất nước và dân tộc.

- Vị trí địa lý "thuộc vào nơi trung tâm trời đất", "địa thế rộng mà bằng, đất đai cao lại thoáng" có thể giúp nhân dân an cư lạc nghiệp tránh khỏi những nạn thiên tai lũ lụt.

- Lịch sử "vốn là kinh đô cũ của Cao Vương".
- Phong thủy: thế đất tuyệt đẹp "rồng cuộn hổ ngồi", "đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi", mà với quan niệm của người xưa thì với thế đất ấy Đại La thật xứng đáng là nơi ở của bậc vương giả, là "kinh đô của đế vương muôn đời".
- Lý Thái Tổ cũng bộc lộ sự anh minh, sáng suốt và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc khi đặt ra một câu hỏi mang tính chất tham khảo, hỏi ý thần dân rằng "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?".
=> Sự kết hợp chặt chẽ giữa lí và tình làm cho bản chiếu dễ đi vào lòng người, đem đến hiệu quả thuyết phục mạnh mẽ và sự đồng thuận của dân chúng.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn mẫu 1

Lý Công Uẩn (974-1028), là một vị vua anh minh, lỗi lạc có nhiều công lao trong việc xây dựng một Đại Việt hùng mạnh, độc lập tự cường, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, đặc biệt là tầm nhìn xa trông rộng của một đấng minh quân trong việc ra các quyết định quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc, đất nước. Một trong số những dấu ấn lớn nhất trong suốt những năm tháng trị vì của Lý Thái Tổ ấy là sự kiện dời đô từ Hoa Lư về Đại La năm 1010, khẳng định ý chí và sức mạnh tự cường của dân tộc sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Sự kiện này được ghi lại trong một tác phẩm rất nổi tiếng ấy là Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô), không chỉ đơn thuần là sự ban hành mệnh lệnh từ một vị vua mà còn đan xen những yếu tố tâm tình , vừa là đơn thoại cũng lại là đối thoại, trao đổi. Bên cạnh nội dung ban bố một mệnh lệnh quan trọng thì những lập luận, dẫn chứng thuyết phục và sắc bén trong bản chiếu này cũng thể hiện một tư tưởng rất rõ ràng ấy chính là tinh thần yêu nước sâu sắc.

Trước hết tư tưởng yêu nước được thể hiện trong cách mà tác giả đưa ra lý do phải dời đô từ Hoa Lư về Đại La ấy là "chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi". Như vậy mục đích chính của việc dời đô chính là để đặt nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước trong tương lai, hướng tới việc quy tụ tinh hoa của đất nước về chốn thích hợp, xây dựng một đất nước ngày càng phát triển, để cho con cháu mai sau được hưởng thái bình, thịnh trị. Thêm vào đó việc dời đô không phải là ý muốn của riêng cá nhân Lý Thái Tổ, mà đó là một quyết định tuân theo tư tưởng "mệnh trời", dưới lại thuận theo ý kiến của dân, dân chúng có đồng lòng thì mới thực hiện, tức là vẫn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Có thể nói rằng tư tưởng yêu nước, thương dân đã thể hiện một cách rõ ràng trong phần mục đích của việc dời đô. Bên cạnh đó, để củng cố và bổ sung cho mục đích và ý nghĩa chính đáng của việc dời đô về Đại La, Lý Thái Tổ đã tinh tế dẫn ra những bằng chứng xác thực từ trong lịch sự của Trung Hoa - quốc gia có ảnh hưởng nhiều đến Đại Việt và cả những dẫn chứng từ trên chính lịch sử nước nhà. Tác giả đã chỉ ra trong quá khứ, nhà Thương đã có đến 5 lần dời đô, nhà Chu cũng có đến 3 lần, mà sau những lần dời dời đô ấy vận nước đều đi lên, phong tục được phồn thịnh. Trái lại Lý Thái Tổ cũng có ý chê trách hai nhà Đinh, Lê khi "theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời", không chịu thay đổi, khiến cho "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn". Có bài học trước mắt từ các triều đại cũ, khiến Lý Công Uẩn nhanh chóng nhận thức được cần thiết của việc dời đô, để tránh xảy ra những cớ sự đau xót, khi triều đại kém phát triển, liên tục gặp phải tai ương, nhân dân khốn đốn. Nhìn nhận từ việc Lý Công Uẩn dẫn chứng từ những triều đại của Trung Hoa, cùng với lịch sử hai triều đại Đinh, Lê kết hợp với tư tưởng mệnh trời, đã chứng minh được rằng việc dời đô là hoàn toàn hợp lý, cần thiết nhất trong giai đoạn này, khi đất nước đã ổn định, không còn thù trong giặc ngoài, thì việc kiến thiết xây dựng đất nước cần có một kinh đô trung tâm, hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Tư tưởng yêu nước không chỉ được thể hiện ở mục đích chính đáng của việc dời đô về Đại La, mà còn thể hiện ở việc Lý Công Uẩn đưa ra những lợi thế của thành Đại La so với kinh đô Hoa Lư cũ. Điều đó bộc lộ tâm huyết, tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một lòng muốn cải thiện vận mệnh đất nước và dân tộc, mong cho nhân dân có được cuộc sống sung túc, phồn thịnh. Ông đã nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ về kinh đô mới, khi lần lượt đưa ra các lợi thế nổi bật của thành Đại La về nhiều phương diện. Về vị trí địa lý "thuộc vào nơi trung tâm trời đất" chỗ tập trung nhân mạch giao thương buôn bán, thuận lợi cho việc di chuyển, thêm vào đó "địa thế rộng mà bằng, đất đai cao lại thoáng" có thể giúp nhân dân an cư lạc nghiệp tránh khỏi những nạn thiên tai lũ lụt. Về mặt lịch sử "vốn là kinh đô cũ của Cao Vương", Cao Vương xưa vốn là một viên quan của Trung Quốc nhận mệnh sang nước ta cai trị vùng đất Giao Chỉ đã chọn Đại La làm chỗ đặt cơ sở cai trị, chứng tỏ một điều rằng Đại La là một vùng đất có nhiều thuận lợi. Xét về phương diện phong thủy thì nơi đây lại có được cái thế đất tuyệt đẹp "rồng cuộn hổ ngồi", "đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi", mà với quan niệm của người xưa thì với thế đất ấy Đại La thật xứng đáng là nơi ở của bậc vương giả, là "kinh đô của đế vương muôn đời". Đặc biệt sau khi đưa ra những lý lẽ khẳng định sự phù hợp của Đại La với vai trò là một kinh đô mới, Lý Thái Tổ cũng bộc lộ sự anh minh, sáng suốt và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc khi đặt ra một câu hỏi mang tính chất tham khảo, hỏi ý thần dân rằng "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?". Có thể thấy rằng, dù bản chiếu là để ban hành một mệnh lệnh có tính chất bắt buộc, quyết định là lời nói của đế vương, thế nhưng trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, tác giả còn đan xen thêm cả những câu văn bộc lộ cảm xúc, lời tâm tình rất đỗi chân thành, dễ đi vào lòng người, đem đến hiệu quả thuyết phục mạnh mẽ và sự đồng thuận của dân chúng.

Tổng kết lại, tưởng yêu nước trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn bao gồm mấy phương diện chính sau đây: Thứ nhất là ý chí khát vọng mạnh mẽ của dân tộc Đại Việt trong việc xây dựng một đất nước hùng cường, độc lập tự do, thể hiện rất rõ trong quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Thứ hai là tư tưởng vì nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở chính để thay đổi và ra những quyết định trọng yếu. Và cuối cùng là tấm lòng tâm huyết, chân thành, tầm nhìn xa trông rộng, luôn cố gắng thay đổi vận mệnh dân tộc của Lý Thái Tổ cũng là một biểu hiện rất rõ nét của tư tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc.

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn mẫu 2

Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã bày tỏ ý nguyện muốn dời đô từ Hoa Lư về Đại La để đóng đô ở nơi “trung tâm trời đất, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, để “trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân”. Như vậy, tư tưởng yêu nước đã được thể hiện ở việc gắn liền sự bền vững của một triều đại với ý nguyện của muôn dân. Khi nhìn lại các triều đại trước, ông đã rất đau xót cho số vận quá ngắn ngủi, để cho “trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”. Từ đó ta thấy rằng, xây dựng đất nước là đem lại hạnh phúc, thái bình cho dân. Xưa nay, thủ đô là trung tâm về văn hoá, chính trị của một đất nước. Nhìn vào thủ đô là nhìn vào sự thịnh suy của một dân tộc. Thủ đô có ý nghĩa rất lớn. Dường như lịch sử của các nước có nền văn minh lâu đời đều có các cuộc dời đô như thế. Mỗi lần dời là một thử thách của cả dân tộc. Đó phải là quyết định của người có đầu óc ưu tú nhất thời đại. Có thể nói, với trí tuệ anh minh, với lòng nhân hậu tuyệt vời, Lý Công Uẩn đã chỉ ra lợi thế về lịch sử, địa lý, hình thế núi sông, về sự thuận tiện trong giao lưu văn hóa và phát triển mọi mặt của thành Đại La, nhưng ông cũng không quên chỉ ra những thuận tiện cho nhân dân. Đặc biệt, ông khẳng định “đây quả thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Những lời lẽ ấy tuy giản dị nhưng lại thấm đẫm niềm tự hào khi nói về đất nước, thể hiện một khao khát mãnh liệt đó là thống nhất giang sơn về một mối. Trong lời khẳng định ấy, ta còn đọc được khí phách của một dân tộc: Đại La sẽ là “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Giá trị chủ yếu của bài là tư tưởng yêu nước. Tiếng nói của tác giả là tiếng nói của nhân dân, của thời đại và khát vọng về một đất nước độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.

Tiếp theo triều đại nhà Lý rất vẻ vang với sự khởi thuỷ là vị vua anh minh Lý Thái Tổ, nước Đại Việt viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của mình ở thời đại nhà Trần với đầy những chiến công oanh liệt. Những người lãnh đạo thời kì này đều ghi tên mình vào sử sách. Trần Quốc Tuấn, tác giả “Hịch tướng sĩ” là một ví dụ. Đọc “Hịch Tướng Sĩ” - một áng thiên cổ hùng văn, ta cứ ngỡ như được nghe tiếng nói của cha ông, của non nước. Nó nồng nàn một tinh thần yêu nước, nó biểu hiện một lòng căm thù giặc sâu sắc, một ý chí quyết chiến quyết thắng quân thù không chỉ là của riêng Trần Quốc Tuấn mà là kết tụ trong đó những ý nguyện tình cảm của dân tộc. Trước tai hoạ đang đến gần: quân Mông - Nguyên đang lăm le xâm lược lần thứ hai với quy mô chưa từng thấy hòng không cho một ngọn cỏ của nước Đại Việt được mọc dưới vó ngựa của 50 vạn quân, Trần Quốc Tuấn đã viết “Hịch” để kêu gọi Tướng sĩ một lòng, chuẩn bị đương đầu với cuộc chiến sống còn. Những lời lẽ đanh thép mà chan chứa tình cảm, những lí lẽ sắc bén mà đi vào lòng người đã làm thức tỉnh tinh thần trách nhiệm và ý thức dân tộc ở các tướng sĩ, chỉ ra tình hình nguy ngập của đất nước, chỉ ra cho tướng sĩ thấy tội ác của bọn sứ giặc, và những việc cần làm để chống giặc. Ông đã tự bày tỏ lòng mình, lòng căm giận như trào ra đầu ngọn bút, thống thiết và sâu lắng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Nỗi đau của Trần Quốc Tuấn chính là nỗi đau của dân tộc khi độc lập tự do của đất nước bị xâm phạm, là tinh thần của một thời đại “sát thát”, lòng yêu nước của tác giả cũng là của cả dân tộc Đại Việt anh hùng. Cùng với sự phê phán nghiêm khắc thái độ và hành động sai trái của tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn còn chỉ bảo ân cần những việc cần làm, đó là đề cao cảnh giác, “huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên”. Đó là xác định duy nhất một con đường là tiêu diệt kẻ thù, giải phóng đất nước, mang lại tự do cho nhân dân.

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn mâu 3

"Vì mưu tính việc lớn, chọn đóng ở chỗ trung tâm, lo cho con cháu hàng muôn đời. Trên kinh vâng mệnh trời, dưới làm theo ý dân, thấy tiện lợi mới dời đô"...

Sau khi Ngọa Triều chết (tháng ll-909) Lý Công Uẩn được dân chọn lên làm vua, qua những tiếng sấm truyền. Và ông vua tài đức này đã không phụ lòng dân. Ông đã làm một cuộc dời đô vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, sáng tạo văn hoá Thăng Long, nay thành thủ đô Hà Nội gần một nghìn năm văn hiến. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn công bố năm 1010 là một áng văn tuyệt tác mở ra nền văn hoá Thăng Long.

Chiếu dời đô, đến nay đã được chứng minh là một tầm nhìn thiên niên kỷ. Phân tích Chiếu dời đô, chúng ta sẽ thấy tầm vóc của một ông vua Việt Nam, đi suốt thời gian, đi suốt không gian, nhìn trước nghìn năm, bồi đắp nên văn hoá và sự sống.

1 - "Chiếu dời đô”, thể hiện một học vấn uyên bác, một tinh thần học tập nhân loại:

Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã học tập Bàn Canh, vua thứ mười bảy của nhà Thương (Trung Quốc) năm lần dời đô. Lịch sử Trung Quốc kể cuộc dời đô của Bàn Canh vô cùng vất vả. Đại đa số quý tộc luyến tiếc cuộc sống an nhàn, không muốn dời đô. Một số kẻ có thế lực còn xúi giục nhân dân nổi dậy. Bàn Canh không lay chuyển, đã quyết vượt sông Hoàng Hà đến đất Ân làm phục hưng triều Thương. Mới đầu đô ở đất Bạc, sau lần lượt dời đô đến các đất Hiệu: Tương, Cảnh, Hình, Ân (khoảng mười bốn thế kỷ trước Công nguyên). Lý Công Uẩn còn học vua Thành Vương đời thứ ba nhà Chu (Trung Quốc), khoảng một mười thế kỷ trước Công nguyên, cũng ba lần dời đô vì muốn tìm nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu.

2. "Chiếu dời đô" chứa đựng một tinh thần phê phán

Tìm ra chỗ yếu kém của các vua Đinh, Lê khinh thường quy luật, không noi theo gương sáng của Thương, Chu, cứ chịu đóng đô ở Hoa Lư rừng núi, lụt lội, ẩm, thấp, không tiện đi lại khiến cho "trăm họ hao tổn, muôn vật không được thích nghi". Lý Công Uẩn có một cái nhìn vượt xa các thế hệ trước ông. Và ông đã dám "dời non, lấp bể" để xây nghiệp lớn, không phụ thuộc vào cái có sẵn, không chịu đi trên những con đường mòn cũ, lạc hậu.

3. "Chiếu dời đô, có một tầm nhìn xuyên suốt thời gian, không gian, một cảm quan vũ trụ, một triết lý nhân sinh phương Đông (Thiên - Địa - Nhân) hợp nhất. Lý Công Uẩn đã phân tích thành Đại La “ở vào nơi trung tâm trời đất được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi". Ông còn thấy được hướng núi, hướng sông, địa thế bằng phẳng, đất cao mà thoáng, là nơi tụ hội của bốn phương". Lý Công Uẩn là một nhà địa lý, nhà khoa học, nhà triết học phương Đông luôn hành động vì cuộc sống của dân.

4. "Chiếu dời đô" là lòng yêu nước thương dân toả sáng muôn đời.

Ngôn ngữ của Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô sắc gọn, giàu ý chí, nhưng tất cả đều hướng về mục đích vì dân “tính kế muôn đời cho con cháu, "dân khỏi chịu cảnh khốn khổ, "phong tục phồn thực”; "chốn tụ hội bốn phương"... Rõ ràng Lý Công Uẩn là một ông vua yêu hoà bình, lo xây dựng cơ ngơi cho dân chúng làm ăn, no đủ, xây dựng văn hoá, phong tục đẹp đẽ. Tinh thần yêu nước, thương dân của Lý Công Uẩn khó có ông vua nào sánh kịp. Từ tư tưởng văn hoá trong Chiếu dời đô, sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã thực sự xây nền văn hoá Thăng Long qua việc đặt tên cho quốc đô là Thăng Long. Nhanh chóng xây dựng, sửa chữa nhiều chùa chiền ở nội ngoại thành Thăng Long, xoá bỏ thuế cho dân và mời các thiền sư (lúc đó là các bậc trí thức của dân tộc) vào cố vấn cho nhà vua. . . Đặc biệt Lý Công Uẩn coi trọng truyền bá Phật giáo, tạo nên nét văn hoá dân tộc độc đáo truyền đến ngày nay.

Mười chín năm làm vua (l009 - l028), Lý Công Uẩn đã mưu tính việc lớn, lo cho con cháu hàng muôn đời". Đó là bài học lớn mãi mãi sáng soi qua Chiếu dời đô.

Kính trọng một ông vua đầy tài năng và sáng tạo, chúng tôi tìm về chùa Thiên Tâm (Bắc Ninh), nơi thiền sư Vạn Hạnh trụ trì và nuôi dạy Lý Công Uẩn. Từ trong ngôi chùa cổ nghìn năm, như vẳng lên tiếng ngâm thơ của cậu bé Lý Công Uẩn nghịch ngợm:

Trời làm chăn gối, đất làm đệm

Nhật nguyệt cùng ta ngủ trước song

Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi

Chỉ sợ lăn kềnh cả núi sông

Đó phải chăng là tiếng nói của những tài năng? Họ ý thức được việc làm của họ trước vận mệnh dân tộc. Xin hãy cùng chúng tôi lắng nghe và suy ngẫm những thông tin của một nghìn năm văn hoá Thăng Long, bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn mẫu 4

Lý Công Uẩn sinh năm 974, quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Là người có chí lớn lại khoan từ nhân thứ(lời sư Vạn Hạnh), nên sau khi Lê Long Đĩnh mất, vua kế vị còn nhỏ không thể đảm đương trọng trách gánh vác giang sơn xã tắc, ông đã được các vị đại thần trong triều tôn lên ngôi hoàng đế.

Vốn thông minh bẩm sinh lại nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh, văn hiến, là con nuôi của các vị cao tăng xuất chúng, Lý Công Uẩn thực sự là người con ưu tú của dân tộc. Ông đã cùng triều Lý làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt dựng nước và giữ nước.

Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) khởi đầu sự nghiệp trị vì đất nước của mình bằng việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Việc dời đô vốn là một sự kiện quan trọng và việc dời đô của Lý Thái Tổ càng in đậm dấu ấn trong lịch sử vì nó mở ra một giai đoạn phát triển phồn vinh của đất nước, hơn nữa nó lại gắn với một áng văn chương bất hủ: Chiếu dời đô.

Tiếp xúc với áng văn chương kiệt tác này, không những ta được sống trong hào khí của một khát vọng cao cả và một khí phách anh hùng, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh sáng nhân văn.

Để hiểu rõ giá trị nhân văn cao đẹp của bài Chiếu, ta cần suy ngẫm kĩ xem vì sao Lý Thái Tổ quyết định rời đô? Việc dời đô của ông xuất phát từ những ý nguyện và quyền lợi của ai và nhằm mục đích gì?

Vậy mà vì sao mà Lý Thái Tổ quyết định dời đô?

Khi Lý Công Uẩn được suy tôn lên ngôi hoàng đế, triều đình vẫn còn đang đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư nằm ở một vùng đất hẹp (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Địa thế hiểm trở chỉ tiện cho việc chống giữ mà không dễ bề phát triển. Với trí tuệ nhạy cảm, Lý Thái Tổ cảm nhận một cách sâu sắc và thấm thía những cái bất lợi của việc đóng đô ở đây.

Nhìn lại hai triều trước, nhà Đinh chỉ tồn tại có 12 năm (968 - 980), nhà Lê chỉ tồn tại có 29 năm (980 - 1009). Số vận của họ mới ngắn ngủi làm sao! Số vận của một vương triều, đâu chỉ là vấn đề riêng của một dòng họ, nó có quan hệ mật thiết tới sự suy thịnh, tồn vong của một quốc gia, dân tộc. Hơn nữa, nó còn quan hệ mật thiết với phận của trăm dân, muôn họ. Triều đình suy thì trăm họ cũng phải hao tổn. Điều đó khiến Lý Thái Tổ vô cùng đau xót: Trẫm rất đau xót về việc đó.

Nỗi lòng và tình cảm của hoàng đế Thái Tổ chính là tình cảm yêu nước thương dân tha thiết, sau nặng của ông. Tấm lòng ấy khiến ông đi đến một quyết định đúng đắn và dứt khoát: dời đô!
Như vậy, lí do dời đô của Lý Thái Tổ xuất phát từ sự lo lắng cho sự an nguy, tồn vong, suy thịnh của giang sơn xã tắc, lo lắng cho số phận và hạnh phúc của nhân dân. Tấm lòng lo nghĩ cho nước, cho dân, há chẳng phải là biểu hiện của tư tưởng nhân văn đó sao?

Với một trí tuệ hiếm có và tầm nhìn khác thường, hoàng đế Thái Tổ thấy rõ lợ thế to lớn của thành Đại La. Đó là một vùng đất vừa thuận lợi về mặt địa lí để có thể phát triển kinh tế giàu mạnh khiến cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc: huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi phải chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Đồng thời cũng là nơi thuận tiện cho việc xây dựng và phát triển chính trị, văn hóa: Thật là chốn hội tụ của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Mục đích dời đô của Lý Thái Tổ không chỉ vì quyền lợi của dòng họ mình, cao hơn nữa là quyền lợi của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Mục đích đó thật cao đẹp và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc!

Có thể nói, Chiếu dời đô đã phản ánh được khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường. chính khát vọng ấy làm cho bài Chiếu thấm đẫm tinh thần tinh thần nhân văn cao cả. Để tận hôm nay, ánh sáng nhân văn trong bài Chiếu vẫn tỏa sáng.

--------------------------------

Ngoài Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 8, soạn bài 8 hoặc đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán 8, Văn 8, Anh 8, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm