Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào của dân tộc qua Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta

Văn mẫu lớp 8: Sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào của dân tộc qua Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình.

Khái quát chung về tác phẩm Hịch tướng sĩ và Chiếu dời đô

1. Hịch tướng sĩ

a. Hoàn cảnh sáng tác

Được viết vào khoảng thời gian trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai (1285): Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, lúc này quân giặc rất mạnh muốn đánh bại chúng phải có sự đồng tình, ủng hộ của toàn quân, toàn dân, vì vậy Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này để kêu gọi tướng sĩ hết lòng đánh giặc

b. Bố cục

Chia làm 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “lưu tiếng tốt”: Nêu tên những trung thần nghĩa sĩ được sử sách lưu danh

- Phần 1: Từ tiếp đến “ta cũng vui lòng”: Tình hình đất nước hiện tại và nỗi lòng của người chủ tướng

- Phần 3: Còn lại: Phê phán những biểu hiện sai trái tong hàng ngũ quân sĩ

c. Giá trị nội dung

Bài Hịch phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thể hiện lòng căm thù giặc và ý chí quyết thắng.

d. Giá trị nghệ thuật

Hịch tướng sĩ là một áng văn chính luận xuất sắc với lập luận chặt chẽ, lĩ lẽ rõ ràng, giàu hình ảnh, có sức thuyết phục cao.

Kết hợp hài hoà giữa lí trí và tình cảm.

Lời văn giàu hình ảnh nhạc điệu.

2. Chiếu dời đô

a. Hoàn cảnh sáng tác

Năm 1010, Lí Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên Đại Việt thành Đại Cồ Việt. Nhân dịp này ông đã viết bài chiếu để thông báo rộng rãi quyết định cho nhân dân được biết

b. Bố cục

Phần 1: Từ “Xưa nhà Thương” đến “không thể không dời đổi”: Đưa ra những lí do, cơ sở của việc dời đô.

Phần 2: “Huống gì” đến “muôn đời”: Những lí do chọn Đại La làm kinh đô

Phần 3: Còn lại: Thông báo quyết định dời đô

c. Giá trị nội dung

Bài Chiếu phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh

d. Giá trị nghệ thuật

Chiếu dời đô là áng văn chính luận đặc sắc viết theo lối biền ngẫu, các vế đối nhau cân xứng nhịp nhàng.

Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo rõ ràng.

Dẫn chứng tiêu biểu giàu sức thuyết phục.

Có sự kết hợp hài hòa giữa tình và lí.

Ý thức độc lập và tinh thần tự hào của dân tộc qua Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta mẫu 1

Lịch sử Việt Nam từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV là lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc. Đó là lịch sử của 2 lần chiến thắng quân Tống, 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông hùng mạnh và 10 năm gian khổ chống quân Minh ... mà những chiến công hiển hách Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng ... vẫn còn vang dội đến tận ngày nay. Chính vì vậy, văn học thời kỳ đó đã phản ánh khá rõ nét tư tưởng yêu nước cùng lòng tự hào sâu sắc của dân tộc ta, nhất là qua ba văn bản Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta.

Trước hết, trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã bày tỏ ý nguyện muốn dời đô từ Hoa Lư về Đại La để đóng đô ở nơi “trung tâm trời đất,mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, để “trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân”. Như vậy, tư tưởng yêu nước đã được thể hiện ở việc gắn liền sự bền vững của một triều đại với ý nguyện của muôn dân. Khi nhìn lại các triều đại trước, ông đã rất đau xót cho số vận quá ngắn ngủi, để cho “trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”. Từ đó ta thấy rằng, xây dựng đất nước là đem lại hạnh phúc, thái bình cho dân. Xưa nay, thủ đô là trung tâm về văn hoá , chính trị của một đất nước. Nhìn vào thủ đô là nhìn vào sự thịnh suy của một dân tộc. Thủ đô có ý nghĩa rất lớn. Dường như lịch sử của các nước có nền văn minh lâu đời đều có các cuộc dời đô như thế. Mỗi lần dời là một thử thách của cả dân tộc.

Đó phải là quyết định của người có đầu óc ưu tú nhất thời đại. Có thể nói, với trí tuệ anh minh, với lòng nhân hậu tuyệt vời, Lý Công Uẩn đã chỉ ra lợi thế về lịch sử, địa lý, hình thế núi sông, về sự thuận tiện trong giao lưu văn hóa và phát triển mọi mặt của thành Đại La, nhưng ông cũng không quên chỉ ra những thuận tiện cho nhân dân. Đặc biệt, ông khẳng định “đây quả thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước,cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Những lời lẽ ấy tuy giản dị nhưng lại thấm đẫm niềm tự hào khi nói về đất nước, thể hiện một khao khát mãnh liệt đó là thống nhất giang sơn về một mối. Trong lời khẳng định ấy, ta còn đọc được khí phách của một dân tộc: Đại La sẽ là “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Giá trị chủ yếu của bài là tư tưởng yêu nước. Tiếng nói của tác giả là tiếng nói của nhân dân, của thời đại và khát vọng về một đất nước độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.

Tiếp theo triều đại nhà Lý rất vẻ vang với sự khởi thuỷ là vị vua anh minh Lý Thái Tổ, nước Đại Việt viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của mình ở thời đại nhà Trần với đầy những chiến công oanh liệt. Những người lãnh đạo thời kì này đều ghi tên mình vào sử sách. Trần Quốc Tuấn , tác giả “Hịch tướng sĩ” là một ví dụ. Đọc “Hịch Tướng Sĩ” -một áng thiên cổ hùng văn, ta cứ ngỡ như được nghe tiếng nói của cha ông, của non nước. Nó nồng nàn một tinh thần yêu nước, nó biểu hiện một lòng căm thù giặc sâu sắc, một ý chí quyết chiến quyết thắng quân thù không chỉ là của riêng Trần Quốc Tuấn mà là kết tụ trong đó những ý nguyện tình cảm của dân tộc. Trước tai họa đang đến gần: quân Mông - Nguyên đang lăm le xâm lược lần thứ hai với quy mô chưa từng thấy hòng không cho một ngọn cỏ của nước Đại Việt được mọc dưới vó ngựa của 50 vạn quân, Trần Quốc Tuấn đã viết “Hịch” để kêu gọi tướng sĩ một lòng, chuẩn bị đương đầu với cuộc chiến sống còn.

Những lời lẽ đanh thép mà chan chứa tình cảm, những lí lẽ sắc bén mà đi vào lòng người đã làm thức tỉnh tinh thần trách nhiệm và ý thức dân tộc ở các tướng sĩ, chỉ ra tình hình nguy ngập của đất nước, chỉ ra cho tướng sĩ thấy tội ác của bọn sứ giặc, và những việc cần làm để chống giặc. Ông đã tự bày tỏ lòng mình, lòng căm giận như trào ra đầu ngọn bút, thống thiết và sâu lắng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Nỗi đau của Trần Quốc Tuấn chính là nỗi đau của dân tộc khi độc lập tự do của đất nước bị xâm phạm, là tinh thần của một thời đại “sát thát”, lòng yêu nước của tác giả cũng là của cả dân tộc Đại Việt anh hùng. Cùng với sự phê phán nghiêm khắc thái độ và hành động sai trái của tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn còn chỉ bảo ân cần những việc cần làm, đó là đề cao cảnh giác, “huấn luyện quân sĩ,tập dượt cung tên”. Đó là xác định duy nhất một con đường là tiêu diệt kẻ thù, giải phóng đất nước, mang lại tự do cho nhân dân.

hịch tướng sĩKế thừa và phát triển tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong “Hịch tướng sĩ”, vào năm 1428 sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, Nước Đại Việt ta (trích Bình Ngô đại cáo) của Nguyễn Trãi được công bố-một bản hùng ca đồng thời qua thi pháp, ngôn từ không chỉ là một áng văn nghị luận mẫu mực mà đã thể hiện hệ tư tưởng yêu nước hoàn thiện ở một tầm cao mới. Với giọng văn đầy hào khí, Nguyễn Trãi đã nêu cao sức mạnh quật cường của dân tộc "Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô - Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã", qua dẫn liệu này chúng ta thấy nước Đại Việt đã hội đủ các điều kiện để trở thành một dân tộc quốc gia văn hiến:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục bắc nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có

Những điều trên cho ta thấy rõ niềm tin của dân tộc vào cuộc kháng chiến chính nghĩa, niềm tự hào trước truyền thống oanh liệt của dân tộc. Theo quan điểm của tác giả thì chống xâm lược là chính nghĩa, cứu dân cứu nước là đại nghĩa. Đây có thể xem là một nguyên lý đạo đức, đã góp phần hình thành nên hệ tư tưởng yêu nước truyền thống của nhân dân ta. Trong Nước Đại Việt ta, nổi bật là việc nhấn mạnh đến tư tưởng vì dân, quan tâm trước hết đến đời sống nhân dân, đến hạnh phúc của mọi người. Đây chính là một tư tưởng lớn nhất đã được thiên cổ hùng văn này thể hiện:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Ý tưởng đó là sự nối tiếp lời tâm huyết trong di chúc của Trần Hưng Đạo cho Vua Trần: "Khoan thư sức dân. Lấy kế bền gốc sâu rễ là thượng sách giữ nước". Đây chính là tư tưởng chính trị quan trọng trong chính sách quản lý đất nước. Qua ngôn ngữ thể hiện trong ba văn bản trên, tư tưởng yêu nước đã được phản ánh rất rõ nét:

Yêu nước, trước hết cần khẳng định nước ta là một dân tộc, quốc gia văn hiến, có đầy đủ các quyền, ngang hàng với quốc gia dân tộc khác, đặc biệt là "Bắc quốc".

Cơ sở tư tưởng yêu nước thể hiện qua việc tố cáo tội ác dã man của quân xâm lược để nung nấu ý chí căm thù giặc, đồng thời tô đậm những chiến công mà tổ tiên đã giành được trong lịch sử để không ngừng nâng cao ý thức tự hào dân tộc.

Yêu nước đi đôi với xả thân cứu nước kiên quyết giành và giữ vững chủ quyền dân tộc. Đây là nguyên tắc đạo đức trong lối sống của người Đại Việt.

Yêu nước là tôn trọng sự sống (hiếu sinh) của mình cũng như của người khác, luôn thể hiện tính bao dung của người Việt. Từ đó mục tiêu của cuộc chiến đấu là giành được độc lập cho dân tộc, đem lại hòa bình, hạnh phúc cho muôn dân. Yêu nước còn là yêu dân (thân dân), tức là quan tâm đến đời sống nhân dân, tạo điều kiện giúp họ sống khá hơn. Đây cũng là kế sách trong trị vì, quản lý đất nước.

Nhờ hình thành nền văn học phong phú, mang đậm tính chất dân gian và đặc biệt là nhờ sự hình thành nền văn học yêu nước, mà nổi lên là những áng thiên cổ hùng văn (như đã nêu ở trên) nên những giá trị văn hóa nói chung và giá trị tinh thần thời kỳ Đại Việt nói riêng đã được thể hiện và lưu truyền. Đây chính là sức mạnh của lịch sử dân tộc Việt Nam, là sự tự hào, là sự tiếp ứng sức mạnh cho các thế hệ. Ngày nay, chính các giá trị tinh thần ấy phải được biến thành xung lực mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước.

Ý thức độc lập và tinh thần tự hào của dân tộc qua Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta mẫu 2

Khi nhắc đến cảm hứng chủ đạo trong những áng thiên cổ hùng văn của mọi thời đại từ thế kỉ XV thì ta không thể không nhắc đến cảm hứng yêu nước. Trải qua những trang sử dài lâu, vẻ vang, “tuy từng lúc mạnh yếu khác nhau”, nhưng vẫn luôn hiện hữu niềm tin tự hào trong mỗi người dân Việt Nam về những con người mang đậm “tình yêu nước, nghĩa thương dân”. Trong số đó, ta không thể không nhắc đến những vị anh hùng như Lý Công Uẩn trong “Chiếu dời đô”, Trần Quốc Tuấn trong “Hịch tướng sĩ” và Nguyễn Trãi trong “Nước Đại Việt ta”.

Đọc ba áng văn chương kiệt tác này, ta mới cảm nhận được tấm lòng sâu sắc của những con người luôn luôn suy nghĩ, e sợ cho nước, cho dân. Đối với họ, nỗi niềm đất nước là nỗi niềm trăn trở, canh cánh không nguôi. Chính khát vọng độc lập và khí phách Đại Việt đã làm nên vẻ đẹp “thần hiếm” trong các vị vua, chủ tướng này.

Buổi đầu, mới giành được độc lập, đất nước ta còn chưa cường thịnh. Trong mấy chục năm mà đã thay đổi trị vì đến ba vương triều. Các triều đại Đinh, Tiền Lê số phận ngắn ngủi thực là đau xót! Có lẽ, sự suy vong của các triều đại như “tiếng chuông cảnh báo” cho giang sơn, bờ cõi Đại Việt. Làm thế nào để Đại Việt phát triển thành một quốc gia phồn thịnh? Đó là nguồn vọng của một vị hoàng đế và cũng là ý muốn của muôn dân trăm họ. Ý nguyện của dân chúng là đã thôi thúc hoàng đế Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư về Đại La.

Kinh đô là trung tâm chính trị, hành chính, là điểm tụ của quốc gia. Khi dời kinh đô đi nơi khác, người đứng đầu cuộc “hành trình” phải có những hiểu biết sâu rộng về địa hình, có cả sự nhạy bén và can đảm để đi đến quyết định cuối cùng. Qua đó, ta thấy rõ được tài năng “xuất chúng” của Lý Công Uẩn - vị vua anh minh và tài giỏi. Ông nắm giữ được tình hình, thời vận của đất nước, ông muốn mọi thứ dưới quyền hành của mình phải thực sự tốt đẹp - dân ấm no, nước hưng thịnh.

Chính vì vậy, Người quyết định dời đô - một quyết định không có gì trái với luân lý, trái với quy luật tự nhiên cả. Muốn vậy, việc dời đô là phải tìm một nơi “trung tâm của đất trời”, địa thế “rồng cuộn hổ ngồi” - và ông đã chọn Đại La. “Đại La là nơi trung tâm của đất trời, mở ra bốn hướng Nam - Bắc, Đông - Tây; có núi lại có sông, đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng, tránh được nạn lụt lội, còn là kinh đô cũ của Cao Vương, muôn vật tốt tươi, xem khắt Đại Việt chỉ có nơi đây là thắng địa”.

Nhìn sâu vào khát vọng của vị vua anh minh này, chúng ta mới thực sự cảm nhận được tình yêu mãnh liệt hằn ẩn trong con người ông. Lý Công Uẩn chính là một trong những con người bước lên và đã có công khiến cho “con thuyền “Đại Việt băng băng lướt sóng trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

Nếu lòng yêu nước, thương dân của Lý Công Uẩn đã được bộc lộ trong “Chiếu dời đô” với nguyện vọng đất nước phồn thịnh muôn đời thì với Trần Quốc Tuấn - một vị chủ tướng tài ba đã chứng minh lòng yêu nước của mình qua lòng căm thù giặc sâu sắc và ý niệm sẵn sàng hi sinh vì đất nước qua tác phẩm “Hịch tướng sĩ”.

Là một chủ tướng có lòng yêu nước hào hùng, ông không thể “mặt lấp tai ngơ” trước những hành động bạo tàn của kẻ thù, ông căm thù chúng làm ông không tiếc những lời cay xé để lên án hành động như “nghênh ngang đi lại ngoài đường” như một đất nước không vua, “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình” hay “vơ vét vàng bạc, ngọc lụa để vung đầy túi tham của chúng”. Từ lòng căm thì giặc, ta lại càng cảm thương cho vị chủ tướng khi quên ăn, mất ngủ, đau đớn đến “tim gan thắt ruột”, “nước mắt đầm đìa” vì uất ức chưa trả được mối thù nợ nước.

Từ đó, tấm lòng xả thân vì nước, nguyện hi sinh “trăm thân” cho quê hương làm nổi bật hẳn một vị anh hùng đáng cảm phục. Có lẽ vì thế, ông đã nghiêm khắc thức tỉnh các tướng sĩ đang sống trong cảnh “xa hoa”, sung sướng. Ông muốn họ thực sự kiên quyết chống giặc đồng thời cũng muốn đất nước, hưng thịnh đến muôn đời. Qua đó, ta mới hiểu rõ tấm lòng cao cả, anh minh, yêu nước, thương dân của vị tướng Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn.

Đối với “Chiếu dời đô” đã toát lên niềm tự hào cao độ về bản lĩnh, khí phách của Đại Việt, còn “Hịch tướng sĩ” lại khẳng định một nền độc lập - tự do bền vững. Còn đối với Nguyễn Trãi trong “Nước Đại Việt ta” lại khác, lòng yêu nước, thương dân, khát vọng tự do đã được đúc kết thành chân lí ôm ấp trong trái tim người dân đất Việt.

Bài cáo của Nguyễn Trãi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai mang ý nghĩa lịch sử của cả một đất nước, thể hiện ý thức tự chủ, quyền dân tộc. Tư tưởng nhân - nghĩa vốn là khái niệm đạo đức của Nho Giáo, được hiểu là “lòng thương người chính là việc cần làm”. “Yên dân” là làm cho dân được hưởng thái bình những muốn “yên dân” thì phải đi đôi với việc “trừ bạo”.

Có bảo vệ được dân thì mới thực hiện được mục đích “yên dân”. Nguyễn Trãi đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của một đất nước, đồng thời khơi gợi cho chúng ta một niềm tự hào dân tộc cao cả. Chân lý của Nguyễn Trãi như sức mạnh trong tâm hồn yêu nước, thương dân có trong trái tim mãnh liệt của ông. Điều đó như tiềm thức khắc sâu trong tim mỗi độc giả chúng ta:

“... Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông, bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc - Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập

....

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch đằng giết tươi Ô Mã ...”

Ra đời trong hào khí chiến thắng, cả dân tộc đang ca khúc khải hoàn, cả ba áng văn thiên cổ hùng văn đã khẳng định quyền và tính độc lập dân tộc. Đồng thời, thấy rõ những phẩm chất ẩn chứa trong các vị vua, vị chủ tướng nghiêm khắc mà có trái tim nồng ấm.

Kết quả của sự lãnh đạo anh minh của các vị “tướng tài, vua giỏi” Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi là niềm tin vững chắc về một tương lai tốt đẹp của nhân dân ta từ xưa đến nay. Một lần nữa, khúc khải hoàn kia lại khẳng định cao hơn, chi tiết hơn tầm quan trọng cả họ vô cùng to lớn đến giang sơn đất nước. Những vị ấy đã cố gắng giữ gìn và gây dựng đất nước thì con cháu chúng ta lại càng phải cùng nhau gây dựng và bảo vệ đất nước vững mạnh hơn.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào của dân tộc qua Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ và Nước Đại Việt ta cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Hy vọng thông qua tài liệu này, các em học sinh sẽ nắm được những ý chính cần triển khai trong bài, từ đó học tốt Văn 8 hơn.

Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8.

Đánh giá bài viết
11 26.347
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm