Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Văn mẫu lớp 10: Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

Dàn ý Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

1/ Mở bài

-Giới thiệu tác giả Đặng Trần Côn, đoạn trích và khẳng định giá trị nhân đạo: Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” trích trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đã cho ta thấy rõ điều đó.

2/ Thân bài

- Khẳng định giá trị nhân đạo trong đoạn trích: Nhân đạo luôn là một trong những giá trị tinh thần truyền thống của văn học Việt Nam

- Giá trị nhân đạo thể hiện ở sự đồng cảm của tác giả với số phận người chinh phụ: ta đã nhận thấy được tấm lòng đồng cảm và xót thương mà nhà thơ dành cho người chinh phụ, từ sự đồng cảm ấy mà tác giả đã thấu hiểu một cách sâu sắc nỗi cô đơn

- Giá trị nhân đạo thể hiện ở cách diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình: Những nỗi niềm trăn trở của người chinh phụ được nhà thơ miêu tả bằng các hành động bồn chồn, lặp đi lặp lại

- Giá trị nhân đạo thể hiện ở thái độ đồng tình và ca ngợi khát khao hạnh phúc đôi lứa của người chinh phụ: Nỗi lòng của người chinh phụ không còn chỉ là tâm trạng của một người mà là tiếng nói thay cho bao người phụ nữ cùng chung số phận như nàng

3/ Kết bài: Ý nghĩa của đoạn trích: tác giả đã lên tiếng tố cáo chiến tranh, khẳng định chính những cuộc chiến tranh phi nghĩa là nguyên nhân dẫn đến cảnh vợ chồng chia lìa, người mẹ xa con, lỡ dở tình yêu và hạnh phúc đôi lứa.

Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mẫu 1

Thế kỉ XVII của nước ta là thế kỉ mà hình ảnh người phụ nữ được thể hiện nhiều nhất trong văn học trung đại. Khi ấy những cảm hứng về người phụ nữ luôn được các tác giả gắn với cảm hứng nhân đạo. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” trích trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đã cho ta thấy rõ điều đó.

Nhân đạo luôn là một trong những giá trị tinh thần truyền thống của văn học Việt Nam. Giá trị nhân đạo thường được biểu hiện qua việc tố cáo, vạch trần tội ác của những kẻ chà đạp lên quyền sống của con người, bên cạnh đó biểu dương những phẩm chất tốt đẹp của con người, đồng thời thông cảm và thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người. Ở trong đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” ta đã nhận thấy được tấm lòng đồng cảm và xót thương mà nhà thơ dành cho người chinh phụ, từ sự đồng cảm ấy mà tác giả đã thấu hiểu một cách sâu sắc nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ.

Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Thể hiện một cách rất tài tình từng diễn biến tinh tế trong nội tâm của người chinh phụ. Nỗi buồn khổ và cô đơn của người chinh phụ trong đoạn trích bắt nguồn từ chính bi kịch mà nàng phải chịu đựng, do những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã buộc chồng nàng phải đi chiến trận liên miên. Tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình đã không còn trong tầm tay. Phải xa chồng, càng xa nàng càng nhớ và càng thương, càng khao khát hạnh phúc. Nhưng trái ngang thay, nàng càng khao khát bao nhiêu thì lại thấy cay đắng, cô độc và đau đớn bấy nhiêu, bao đêm không ngủ vì những trăn trở không nguôi. Nhà thơ đã rất khéo léo diễn tả chân thực và xúc động các cung bậc tình cảm trong lòng nàng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước…

Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”

Những nỗi niềm trăn trở của người chinh phụ được nhà thơ miêu tả bằng các hành động bồn chồn, lặp đi lặp lại: dạo, ngồi, rủ, thác, hành động là vô nghĩa nhưng lại thể hiện chính xác tâm trạng của người chinh phụ. Nàng đang mong ngóng những tin tốt lành về chồng, nhưng càng mong ngóng lại càng thất vọng. Gửi nỗi niềm ấy vào ngọn đèn nhưng ngọn đèn giữa đêm khuya lại càng làm cho nàng thêm cô quạnh. Rồi tác giả lại điểm thêm những tiếng gà và hoa hòe vào buổi đêm càng thể hiện sự hoang vắng, tĩnh mịch của không gian, tô đậm nỗi cô đơn trong lòng người chinh phụ, trong không gian ấy người chinh phụ thấm thía nỗi sầu trong lòng mình “Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”. Nỗi buồn khổ cứ triền miên không ngơi nghỉ làm cho người chinh phụ chẳng thể tập trung làm được việc gì, mọi việc đều bị chi phối bởi sầu muộn. Tác giả thấu hiểu điều đó nên đã dùng những từ “gượng” trước hành động của nàng: gượng đốt, gượng soi, gượng gảy. Nỗi nhớ chồng của người chinh phụ được tác giả gửi đến chồng nơi trận mạc:

“Lòng này gửi gió đông có tiện…

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

Chưa bao giờ nỗi nhớ chồng lại được thể hiện hay đến thế trong văn học trung đại lúc bấy giờ. Nỗi nhớ da diết, sâu thẳm và mênh mang, vời vợi. Chính nhờ tài năng và lòng đồng cảm sâu sắc đã giúp nhà thơ sáng tạo ra một câu thơ hay như vậy. Nỗi lòng của người chinh phụ không còn chỉ là tâm trạng của một người mà là tiếng nói thay cho bao người phụ nữ cùng chung số phận như nàng. Và có thể thấy, đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” nói riêng và bài thơ “Chinh phụ ngâm” nói chung không chỉ được viết bằng sự đồng cảm, nó còn được viết bằng nỗi xót thương đến tột cùng mà nhà thơ dành cho những người chinh phụ. Khi viết về nỗi cô đơn, nhớ thương và buồn khổ trong sâu thẳm tâm hồn người chinh phụ cũng chính là cách tác giả thể hiện thái độ đồng tình, ngợi ca đối với niềm khao khát tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình của nàng. Chúng ta có thể khẳng định đó chính là một biểu hiện trong giá trị nhân đạo của đoạn trích.

Qua việc thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình, tác giả đã lên tiếng tố cáo chiến tranh, khẳng định chính những cuộc chiến tranh phi nghĩa là nguyên nhân dẫn đến cảnh vợ chồng chia lìa, người mẹ xa con, lỡ dở tình yêu và hạnh phúc đôi lứa. “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” là đoạn trích tiêu biểu nhất về tinh thần nhân đạo của tác giả Đặng Trần Côn.

Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mẫu 2

Đặng Trần Côn được biết đến như là một nhà văn với tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Điều này đã được thể hiện thông qua một cuộc tiễn biệt thấm đẫm tâm trạng, đằng sau đó là nỗi đau người phụ nữ có chồng đi chinh chiến trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Thông qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm, đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã làm nổi bật lên nỗi lẻ loi cô đơn cùng những nhớ mong, và có cả những khao khát hạnh phúc của người chinh phụ.

Giá trị nhân đạo là sự quan tâm đến con người mà biểu hiện của giá trị nhân đạo là lòng thương người, sự cảm thông, bênh vực con người. Mỗi một tác phẩm thì giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo biểu hiện ở khía cạnh khác nhau. Giá trị nhân đạo trong “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” trước hết được thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi nhớ mong của người con gái chờ chồng nơi phương xa. Mở đầu đoạn trích, tác giả đã vẽ nên tâm trạng của người chinh phụ trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi, ngày qua ngày mong ngóng tin chồng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”

Giữa không gian vắng lặng, người chinh phụ dạo bước bên hiên nhà. Nàng gieo từng bước chân khẽ khàng, dạo đi dạo lại chờ ngóng tin chồng. Nàng cứ buông rèm rồi lại kéo rèm, mong ngóng một dáng hình sẽ xuất hiện. Thậm chí, nàng còn khát khao được chim thước mách tin chồng nơi phương xa. Để rồi cuối cùng, một mình nàng đối diện với ngọn đèn khuya. Tình cảnh của người chinh phụ quá lẻ loi, đơn chiếc. Ngày thì khắc khoải chờ mong. Đêm dài câm lặng, biết riêng lòng mình:

“Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi

Buồn rầu chẳng nói nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Lúc đầu, nàng nghĩ may ra chỉ có ngọn đèn biết tâm sự của mình, sau đó, nàng nhận ra rằng nỗi sầu thương vẫn chẳng được san sẻ nên lòng nàng càng đau khổ. Hình ảnh người chinh phụ thầm gieo từng bước ngoài hiên vắng và ngồi một mình với ngọn đèn trong phòng đã cực tả nỗi cô đơn trong tình cảnh lẻ loi.

Bức chân dung người phụ nữ ấy không chỉ gợi lên qua những bước chân, động tác, cử chỉ, qua gương mặt buồn rầu, qua dáng ngồi bất động trước ngọn đèn khuya mà còn nổi bật lên trên nền của không gian và thời gian:

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

Tiếng gà gáy trong đêm gợi ra khoảng không mênh mông, hiu quạnh, khiến người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trở nên nhỏ bé, đáng thương. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đẩy tâm trạng người chinh phụ lên một nấc thang mới, khiến nó đau đớn hơn, cô độc hơn, dày vò nàng hơn. Không chỉ có tiếng gà gáy khiến nàng trằn trọc, bóng “hòe phất phơ“ cũng khiến người chinh phụ suy tư, lo nghĩ, từ tính từ “phất phơ“ đến động từ “rủ“, tất cả mang sắc thái chán chường, ủ rũ. Ngoài ra, chỉ thêm hai từ láy “dằng dặc” và “đằng đẵng” nhưng sự chán chường, mệt mỏi kéo dài vô vọng của người chinh phụ trở nên thật cụ thể, hữu hình và có cả chiều sâu trong đó. Kể từ khi chinh phu ra đi, một ngày trở nên dài lê thê như cả một năm, những mối lo toan, nỗi buồn sầu như đông đặc, tích tụ đè nặng lên tâm hồn người phụ nữ đáng thương ấy.

“Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,

Gương gượng soi, lệ lại châu chan.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.”

Người chinh phụ gắng tìm cách vượt ra khỏi vòng vây của cảm giác cô đơn, nhưng rốt cuộc vẫn không thoát nổi. Mùi hương trầm đã vô tình đưa nàng trở về những tháng ngày hạnh phúc trước kia, để tâm hồn nàng lạc đi tìm những kí ức đẹp quá xa vời. Nhưng càng tiếc nuối quá khứ tươi đẹp, nhân vật trữ tình càng thấm thía bi kịch hiện tại; lúc soi gương thì lại không cầm được nước mắt. Cảm thấy việc đốt hương, soi gương không thể giúp quên đi chuyện buồn, người chinh phụ tìm đến tiếng đàn. Tác giả sử dụng một loạt hình ảnh ước lệ như “sắt cầm”, “dây uyên”, “phím loan” tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, cho vợ chồng hòa hợp. Người chinh phụ lo sợ dây đàn đứt, báo điều chẳng lành về cuộc hôn nhân đang bị chia cắt, về người chồng ngoài chiến trường bặt vô âm tín. Điệp từ “gượng” cho thấy sự cố gắng gượng gạo, chán nản ở người chinh phụ, nàng vùng vẫy trong nỗi cô đơn nhưng lại bị chính nỗi cô đơn bóp chặt.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện ở tiếng nói cảm thương cho tâm trạng nhớ thương của người chinh phụ gửi tới chồng ở miền xa. Nỗi nhớ thương thật tha thiết:

“Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.”

Những hình ảnh có tính tượng trưng ước lệ như “gió đông”, “non Yên”, “trời thăm thẳm” vừa gợi ra không gian rộng lớn vô tận nói lên khoảng cách xa xôi giữa chinh phu và chinh phụ vừa biểu đạt được tấm lòng chân thành, nỗi nhớ nhung vô hạn của người vợ nơi quê nhà.

“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Cảnh buồn người thiết tha lòng,

Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.”

Chinh phụ nhìn cảnh vật bằng đôi mắt chất chứa buồn thương nên thấy bất cứ cái gì cũng gợi dậy bao nỗi đoạn trường. Trong bức tranh mùa đông được gợi mở, tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh bất ngờ để cực tả nỗi sầu muộn và cảm giác lạnh lẽo trong lòng người phụ nữ:

“Sương như búa bổ mòn gốc liễu

Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô”

Nỗi đau đớn sầu muộn ấy khi thì nặng nề như búa bổ, khi thì nặng nề như cưa xẻ còn “gốc liễu” “cảnh ngô” ấy phải chăng chính là hiện thân của người phụ nữ đang mòn mỏi chờ chồng.

“Giọt sương phủ bụi chim gù

Sâu tường kêu vẳng chuông chùa nện khơi”

Tiếng chim gù trong bụi cây sương phủ, tiếng sâu tường kêu vẳng trong đêm sương, tiếng chuông chùa từ xa “nện” lại như những cơn sóng dữ dội, tha thiết và nhức nhối đang cuộn lên trong lòng người phụ nữ ấy. Tất cả những âm thanh như đang xoáy sâu vào tâm hồn, ăn mòn tâm trí của chinh phụ.

Nhà thơ còn bộc lộ sự nhân văn của mình thông qua việc trân trọng, đồng tính với khát vọng được hưởng hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ.

“Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc

Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên

Lá màn lay động gió xuyên,

Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm

Hoa đãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu”

Chữ thốc rất mạnh trong câu "Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên" báo hiệu sự chuyển sang một tâm trạng mới ở người chinh phụ. Cảnh hoa - nguyệt giao hòa khiến lòng người rạo rực, khao khát hạnh phúc lứa đôi. Bức tranh hoa nguyệt lộng lẫy ấy đã được nhà thơ khắc họa bằng thủ pháp trùng điệp liên hoàn tạo ra những hình ảnh lồng xoáy vào nhau, những lớp hình ảnh giao hòa. Cùng với hình ảnh, âm điệu của lời thơ cũng trở nên tha thiết, nồng nàn như những con sóng của niềm khao khát đang dâng lên trong lòng người chinh phụ. Đến đây, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã đạt đến mức điêu luyện. Có thể nói, đoạn thơ trên đã thể hiện hết sức tế nhị những khao khát thầm kín và mãnh liệt của người chinh phụ – đó cũng là những khát vọng trần thế và nhân bản của con người.

Qua tất cả những sự đồng cảm ấy, tác giả đã lên án chiến tranh phi nghĩa, chia cắt đôi vợ chồng chinh phu - chinh phụ. Thời đại của Đặng Trần Côn là thời kì mà chiến tranh các tập đoàn phong kiến diễn ra liên miên và phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, nhà nhà sống trong cảnh loạn lạc, khói lửa, đâu đâu cũng thấy cảnh lầm than, tang tóc. Khi thời đại đưa cho ông một đề tài quen thuộc “hiện thực chiến tranh”, bằng cảm hứng nhân đạo của mình, Đặng Trần Côn đã chiếu ngòi bút của mình xuống những nỗi đau của người phụ nữ trong chiến tranh để cất lên tiếng nói của con người thời đại, tiếng nói oán ghét chiến tranh phi nghĩa, tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc qua khúc tự tình trường thiên “Chinh phụ ngâm”. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, qua nỗi niềm của người chinh phụ có chồng ra trận, tác giả đã đã để cho người đọc cảm nhận nỗi đau thương trong chiến tranh của cả hai phía người ra trân và người ở lại.

Không chỉ xuất sắc về mặt nội dung, tác phẩm còn là kết tinh của giá trị nghệ thuật đặc sắc. Cụ thể ở đây, bản dịch của Đoàn Thị Điểm đã khéo léo sử dụng hàng loạt từ láy: gà eo óc, hòe phất phơ, khắc giờ đằng đẵng, mối sầu dằng dặc, hồn mê mải, lệ châu chan, trời thăm thẳm, nhớ đau đáu,... Ngoài ra, nhà thơ đã phát huy một cách tài tình nhạc điệu trầm bổng, du dương của thể song thất lục bát giống như những đợt sóng dào dạt diễn tả tâm trạng người chinh phụ hết nhớ lại thương, hết thương lại nhớ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.

Không trực tiếp lên án tố cáo chiến tranh, nhưng tác giả đã mở rộng diện đề tài, khai thác sâu sắc hơn thế giới tâm hồn con người, xác định nguồn cảm xúc tươi mới và khẳng định những giá trị nhân văn cao cả, từ đó bộc lộ tinh thần nhân đạo chủ nghĩa thông qua tiếng nói cảm thương cho người con gái chờ chồng nơi phương xa. Đồng thời, tác phẩm đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương thế kỷ XVIII trong tiến trình phát triển chung của nền văn học dân tộc.

Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mẫu 3

Thế kỉ XVIII là thế kỉ hình ảnh người phụ nữ được thể hiện nhiều nhất trong văn học trung đại. Một điều đặc biệt là cảm hứng về người phụ nữ luôn gắn liền với cảm hứng nhân đạo. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho ta thấy rõ điều đó.

Nhân đạo là một trong những giá trị tinh thần truyền thống văn học Việt Nam. Giá trị nhân đạo thường được thể hiện qua việc tố cáo, vạch trần tội ác của những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người; biểu dương ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người; thông cảm, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm cũng như những nguyện vọng của con người, giúp họ nói lên những ước nguyện đấu tranh để giành được ước nguyện ấy. ở đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, dễ dàng nhận thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương nhà thơ dành cho nhân vật trữ tình. Chính bởi đồng cảm nên tác giả đã thấu hiểu một cách sâu sắc mọi nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ, thể hiện rõ nét từng biến thái tinh vi trong nội tâm nhân người phụ nữ ấy.

Nỗi cô đơn, buồn khổ của người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm bắt nguồn từ bi kịch mà nàng phải chịu đựng. Cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cuốn người chồng của nàng vào vòng chiến trận liên miên. Tình yêu, hạnh phúc bỗng nhiên vuột khỏi tay nàng. Càng xa ehồng, nàng càng nhớ thương, càng khao khát hạnh phúc. Nhưng càng khao khát, người chinh phụ càng cảm thây cô độc, lẻ loi, càng đau đớn, khổ sở. Bao đêm nàng không ngủ là bấy nhiêu đêm nàng trăn trở khôn nguôi... Không đồng cảm với. nỗi lòng chinh phụ, nhà thơ sẽ không thể diễn tả một cách chân thực, xúc động từng cung bậc tình cảm trong lòng nàng.

Dạo hiền vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mắch tin,

Trong rèm, dường đã có đen biết chăng?

Nỗi niềm trăn trở không yên của nhân vật trữ tình được tác giả phổ vào các hành động miêu tả trạng thái bồn chồn lặp đi lặp lại không dứt: dạo, ngồi, rủ, thác. Các hành động tưởng như vô nghĩa nhưng tất cả lại cùng thể hiện một cách chính xác tâm trạng người chinh phụ. Nàng như đang mong ngóng tin tốt lành về người chồng của mình và hình như càng mong ngóng, càng thất vọng. Gửi nỗi chờ mong vào ngọn đèn nhưng ngọn đèn giữa đêm khuya chỉ khiến lòng nàng thêm cô quạnh. Lời thơ hoà vào tiếng lòng bi ai của nhân vật, trào dâng thành nỗi buồn khôn xiết:

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

ở những dòng tiếp theo đưa tiếng gà và hình ảnh hoa hoè vào đêm, tác giả Chinh phụ ngâm muốn thể hiện sự hoang Vắng, tịch mịch của không gian, từ đó tô đậm nỗi cô đơn, quạnh vắng trong tâm trạng nhàn vật trữ tình. Giữa không gian ấy, người chinh phụ càng thấm thìa nỗi sầu trong lòng mình. Và thấu hiểu nỗi buồn thương trong lòng người phụ nữ đáng thương, tác giả đã làm một phép đo chiều dài của nỗi nhớ chồng:

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Nỗi buồn khổ không dứt trong lòng khiến người chinh phụ không thể tập trung làm được việc gì. Moi hành động của nàng dường như đều bị chi phối bởi nó. Thấu hiểu điều này, ba lần liên tiếp tác giả để chữ gượng xuất hiện trước các hành động của nàng: gượng đốt (hương), gượng soi (gương), gượng gảy (đàn). Tâm hồn nàng cứ miên man, mơ màng, nước mắt nhạt nhoà gương mặt mà nàng đâu có biết. Dự cảm về điềm gở, sự không hay trong tình cảm vợ chồng khiến nàng chỉ gượng gảy đàn sắt, đàn cầm. Và hơn hết, đọc được tâm sự trong lòng nàng nên nhà thơ đã giúp nàng gửi nỗi nhớ đến người chồng nơi trận mạc:

Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Có thể nói câu thơ Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời là một trong những câu thơ hay nhất văn học thời kì trung đại. Chưa khi nào nỗi nhớ chồng được thể hiện một cách da diết, sâu thẳm, mênh mang, cao vợi như thế. Tài năng và hơn hết là sự đồng cảm đã giúp người nghệ sĩ sáng tạo một câu thơ tuyệt hay. Nỗi lòng người chinh phụ đã vuột ra khỏi phạm vi tâm trạng của một con người mà cất lên nói thay cho bao người, phụ nữ cùng chung số phận như nàng. Những dòng thơ Chinh phụ ngâm đâu chỉ được viết bằng sự đồng cảm? Nó còn được viết bằng nỗi xót thương đến tột cùng của người nghệ sĩ.

Viết về nỗi buồn khổ, cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn người chinh phụ cũng chính là cách tác giả thể hiện thái độ đồng tình và ngợi ca của mình đối với niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của nàng. Và đó cũng chính là một biểu hiện trong giá trị nhân đạo của đoạn trích.

Không bộc lộ trực tiếp sự oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa nhưng thông qua việc thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình, tác giả Chinh phụ ngâm muốn cất tiếng tố cáo chiến tranh. Chính những cuộc chiến phi nghĩa này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng những người chồng phải xa vợ, những người mẹ phải lìa con, hạnh phúc, tình yêu lứa đôi lỡ dở. Có bao nhiêu người chinh phụ phải sống trong cảnh mỏi mòn nhớ thương, cô đơn như nàng đây?

Có thể nói đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là đoạn trích tiêu biểu nhất trong Chinh phụ ngâm về tinh thần nhân đạo của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm.

Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mẫu 4

Tương đồng với Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều trên phương diện khẳng định những giá trị nhân văn và phản ánh số phận người phụ nữ cũng như khả năng vận dụng nhuần nhuyễn thể loại ngâm khúc và thể thơ song thất lục bát, song bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm lại có phần giản lược những suy tưởng triết lý cao siêu và hướng nhiều hơn tới cuộc sống đời thường. Tâm tình người chinh phụ tiêu biểu cho nỗi nhớ mong chồng, khát khao cuộc sống gia đình bình dị và ước mong về một ngày đoàn tụ vợ chồng. Đặt trong tương quan chung, ước mơ của người chinh phụ cũng hiền hoà, dung dị, gần gũi hơn so với người cung nữ. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho thấy rõ tâm trạng cô đơn của người vợ nhớ chồng ra trận và nghệ thuật miêu tả tâm trạng bậc thầy của hai tác giả Đặng – Đoàn, trong đó phải kể đến nghệ thuật diễn Nôm đặc biệt xuất sắc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Tâm trạng nổi bật trong đoạn trích gồm 36 câu thơ trong tổng số 408 câu của toàn tác phẩm là sự thể hiện nỗi đơn côi, trống vắng của người chinh phụ. Trước hết đó là sự ý thức về con người cá nhân chiếu ứng trong các quan hệ với cảnh vật và con người, đặt trong tương quan với thời gian và không gian. Nhân vật chủ thể trữ tình – người chinh phụ xuất hiện như có như không, vừa tỉnh thức trong từng bước đi, từng động tác buông thả tấm rèm nhưng liền đó lại quên tất thảy, thờ ơ với tất thảy:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Trong khổ thơ mở đầu (từ câu 1 – 16) có hai hình ảnh quan trọng được tô đậm, nhấn mạnh trở đi trở lại là tấm rèm và bóng đèn. Người chinh phụ “ngồi rèm thưa” mà trông ra ngoài ngóng đợi tin chồng nhưng chẳng thấy đâu. Cuộc sống nơi “trong rèm” chính là sự bó buộc, trói buộc trong một không gian chật hẹp, tù đọng. Câu thơ chuyển tiếp Trong rèm dường đã có đèn biết chăng càng tôn thêm vẻ vắng lặng, đơn côi, một mình chinh phụ đối diện với bóng mình, đối diện với người bạn vô tri vô giác Đèn có biết dường bằng chẳng biết và đi đến kết cuộc Hoa đèn kia với bóng người khá thương… Rõ ràng cuộc đời người chinh phụ hầu như đã mất hết sức sống, con người đã bị “vật hoá” tựa như tàn đèn cháy đỏ kết lại đầu sợi bấc, con người bây giờ chỉ còn là “bóng người” trống trải, vừa đối xứng vừa đồng dạng và là hiện thân của chính kiếp hoa đèn tàn lụi. Ngay đến cảnh vật và sự sống bên ngoài cũng nhuốm vẻ tang thương, vô cảm, chập chờn bất định, không dễ nắm bắt với những “gà eo óc gáy sương”, “hoè phất phơ rủ bóng”… Bên cạnh đó, dòng thời gian tâm lý cũng chuyển hoá thành sự đợi chờ mòn mỏi, thời gian đầy ắp tâm trạng đơn côi nhưng không có sự sống, không sự kiện, không thấy đâu bóng dáng hoạt động của con người:

Khắc chờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Trong sự chờ đợi, người chinh phụ thấy một khoảng thời gian ngắn mà dài như cả năm trường, mối sầu trào dâng như biển lớn mênh mang. Những trạng từ “đằng đẵng”, “dằng dặc” tạo nên âm điệu buồn thương, ngân xa như tiếng thở dài của người thiếu phụ đăm đắm chờ chồng. Rút cuộc, hình bóng người chinh phụ có xuất hiện trở lại thì trước sau vẫn là nỗi chán chường, buông xuôi, vui gượng “Hương gượng đốt”, “Gương gượng soi”, “Sắt cầm gượng gảy” mà không sao che đậy nổi một hiện thực bất như ý “hồn đà mê mải”, “lệ lại châu chan” và “Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”…

đoạn thơ tiếp theo (câu 17 – 28) là sự phản ánh nỗi lòng chinh phụ khi nhớ về người chồng. Có điều, nếu hình ảnh người chồng hiện diện như một ý niệm xa mờ thì bản thân nỗi nhớ mong cũng chỉ như một ảo giác. Sự gặp gỡ là điều không thể bởi tin tức mịt mờ, bởi khoảng cách về không gian, về địa danh có tính phiếm chỉ, biểu tượng của miền “non Yên”, “đường lên bằng trời”, “xa vời khôn thấu”… Các từ “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha” gợi nhớ gợi thương, day đi dứt lại trong tâm can người chinh phụ. Sắc thái nỗi nhớ tăng tiến, rộng mở từ những suy tưởng dõi theo người chồng nơi phương xa đến sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa, đắng cay nối dài bất tận:

– Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

– Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Giống như tâm sự Thúy Kiều trong Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, người chinh phụ có lúc thấy cảnh vật vô hồn, thê lương nhưng có khi lại cảm nhận cả khoảng không gian và cảnh vật như đang hối thúc, giục giã, đổi thay, không tìm thấy đâu sự hô ứng, đồng cảm giữa tình người với thiên nhiên:

Cảnh buồn người thiết tha lòng,

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.

Sương như búa, bổ mòn gốc liễu,

Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.

Hình ảnh so sánh “sương như búa”, “tuyết dường cưa” là sự cực tả những xao động của thế giới bên ngoài thông qua cách hình dung của chinh phụ, khi nàng bất chợt không còn chịu đựng nổi ngay cả vẻ bình dị đời thường và bột phát thành những ám ảnh dị thường. Đó là những tâm trạng khác biệt nhau cùng tồn tại trong một con người, sự phân thân trong cách cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống. Trong bản chất, chính tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã tạo nên những xung đột tình cảm khác biệt nhau và phổ vào thế giới tự nhiên tất cả những trái ngang, những thất vọng và cả niềm hy vọng mong manh, những giây lát yên tĩnh nhất thời và những cơn bão lòng dường như không thể nguôi khuây.

Bước vào đoạn cuối (câu 29 – 36), người chinh phụ vươn tới không gian thoáng rộng hơn với những hàng hiên, ngọn gió, bóng hoa, ánh trăng nhưng đó cũng chỉ là thiên nhiên lạnh lùng, thiếu hẳn niềm tin và hơi thở ấm áp của sự sống. Cảnh vật như tách khỏi con người và không thấy đâu hoạt động của con người. Tất cả chỉ đơn thuần là cảnh vật và vì thế càng tôn thêm vẻ lạnh lùng, đối lập với tâm tư con người và hình ảnh nhân vật chinh phụ đang khuất lấp, ẩn chìm đâu đó:

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu!

Đến hai câu thơ cuối bắt đầu hé mở tâm trạng so sánh. Người chinh phụ nhìn cảnh hoa nguyệt mà trạnh lòng bâng khuâng xót xa cho thân phận mình, tủi phận mình lẻ loi trước cảnh nguyệt hoa. Từ đây có thể nói tới những dự cảm về ý thức cá nhân của người chinh phụ và xa gần liên hệ tới quyền sống, quyền hưởng niềm vui, hạnh phúc lứa đôi giữa chốn nhân gian.

Trên phương diện nghệ thuật, thể thơ song thất lục bát với sự kết hợp hai câu thơ bảy chữ kiểu Đường thi hàm súc, trang nhã, đăng đối và câu thơ lục bát truyền thống giàu âm điệu, gợi cảnh gợi tình đã tạo nên nhịp thơ buồn thương man mác, nối dài không dứt. Quan sát kỹ có thể thấy từng bốn câu thơ đi liền nhau tạo thành một tiết đoạn, trong đó hai câu thất ngôn đóng vai trò khơi dẫn ý tứ, hai câu lục bát tiếp theo hướng tới luận bình, khai triển, mở rộng. Cứ như thế, các ý thơ, khổ thơ tiếp tục luân chuyển, nối tiếp nhau như những ngọn sóng cảm xúc đang trào dâng. Ngay trong từng câu thơ cũng xuất hiện những tiểu đối tạo nên tính chất hô ứng, đăng đối, tạo ấn tượng và sự nhấn mạnh:

– Dây uyên kinh đứt/ phím loan ngại chùng

– Cành cây sương đượm/ tiếng trùng mưa phun

– Sâu tường kêu vắng/ chuông chùa nện khơi

Thêm nữa, tác phẩm diễn Nôm bên cạnh việc giữ lại và Việt hoá được cả hệ thống điển tích và từ Hán Việt (non Yên, sắt cầm, dây uyên, phím loan, gió đông…) thì nhiều ý tứ trong nguyên tác đã được chuyển dịch, nâng cấp thành lời thơ thật sự giàu chất thơ. Chẳng hạn, với câu Sầu tự hải – Khắc như niên (nguyên ý nghĩa chỉ là Sầu tựa biển – Khắc như năm) đã được chuyển dịch thành câu thơ mang sắc thái nội tâm hoá, giàu cảm xúc, khơi gợi âm điệu cảm thương:

Khắc chờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Đoạn trích nói về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cũng như toàn bộ tác phẩm Chinh phụ ngâm là tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương người chồng chinh chiến phương xa. Tình cảnh lẻ loi đó được chiếu ứng trong sự cảm nhận về thời gian đợi chờ đằng đẵng, không gian trống vắng vây bủa bốn bề và cuộc sống hoá thành vô vị, mất hết sinh khí. Trên tất cả là tâm trạng cô đơn và sự ý thức về thảm trạng mất đi niềm tin, đánh mất niềm vui sống và mối liên hệ gắn bó với cuộc đời rộng lớn. Trạng thái tình cảm đó một mặt có ý nghĩa tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận và hệ quả tiếp theo là bao nhiêu số phận chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng, mặt khác xác nhận nhu cầu nói lên tiếng nói tình cảm và sự ý thức về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Không có gì khác hơn, đó chính là khả năng mở rộng diện đề tài, khai thác sâu sắc hơn thế giới tâm hồn con người, xác định nguồn cảm xúc tươi mới và khẳng định những giá trị nhân văn cao cả mà khúc ngâm đã đem lại, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương thế kỷ XVIII trong tiến trình phát triển chung của nền văn học dân tộc.

Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mẫu 5

Thân phận những người phụ nữ trong xã hội xưa rất nhỏ bé. Họ bị coi thường, bị khinh rẻ và hầu như không bao giờ xuất hiện trong những áng văn thơ. Nhưng đến thế kỉ thứ XVIII, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện liên tục trong các bài thơ của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan với cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là một trong những tác phẩm hay nhất viết về người phụ nữ. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ. Đoạn trích không chỉ thành công tái hiện nỗi cô đơn, sầu muộn và khát khao hạnh phúc của người chinh phụ mà qua đó còn thể hiện được giá trị nhân đạo sâu sắc.

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm. Tác phẩm ra đời khi mà hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ xuất hiện quanh kinh thành Thăng Long và Đặng Trần Côn đã "cảm thời thế mà làm ra" tác phẩm xuất sắc này. Đoạn trích là tâm trạng của người chinh phụ khi một mình mòn mỏi đợi chờ người chồng của mình nơi chiến trận. Không chỉ vậy nó còn chứa đựng cả khao khát hạnh phúc của người phụ nữ và hơn cả là tấm lòng nhân đạo của nhà thơ.

Tinh thần nhân đạo là một giá trị truyền thống của dân tộc ta. Nó được thể hiện thông qua sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với những con người có số phận bất hạnh mà còn là sự đồng tình, ngợi ca những khát khao, mong ước của họ về tình yêu, hạnh phúc, đồng thời nó còn là tiếng nói tố cáo tội ác của chiến tranh phi nghĩa. Trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, ta có thể thấy rõ được sự đồng cảm, thương xót của nhà thơ đối với người chinh phụ. Bởi thế nên ông mới có thể thấu hiểu được từng cảm xúc, rung động nhỏ bé cũng như nỗi cô đơn vô cùng của người phụ nữ khi phải xa chồng:

"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?"

Những dòng thơ đầu tiên là nỗi trăn trở của người vợ khi có chồng chiến trận nơi xa. Nàng trằn trọc khôn cùng, không sao ngủ được. Cuộc chiến đã khiến người chồng của nàng phải đi xa, còn nàng thì phải âm thầm mòn mỏi chịu đựng trong mong nhớ. Bao nhiêu bước chân của nàng dạo quanh "hiên vắng" là bao lần nàng bồn chồn, lo lắng khi không nhận chút tin tức nào của chồng. Nàng bồn chồn tới mức lặp đi lặp lại những hành động đứng rồi ngồi, ra ngoài rồi lại bước vào trong. Những hành động ấy vô nghĩa đó thể hiện chính xác những cảm xúc trong lòng của nàng: mong ngóng, bồn chồn, lắng lo. Nàng ngóng trông tin tức của chồng nhưng đáp lại chỉ là vô vọng. Chỉ có mình cùng ngọn đèn khuya leo lắt giữa đêm khiến cho người chinh phụ ấy càng thêm cô quạnh. Lời thơ như tiếng ngậm ngùi, thở than của người phụ nữ với niềm chua xót, bi ai trào dâng trong lòng:

"Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi".

Nỗi đau xót, nhớ thương, bi ai ấy chẳng ai có thể thấu hiểu được hơn nàng. Giờ đây, ngồi trong đêm khuya thanh vắng nghe tiếng gà gáy sáng, nhìn bóng "hoè phất phơ rủ bóng" càng khiến cho tâm trạng của nàng cô đơn hơn bao giờ hết. Vẻ vắng lặng, tĩnh mịch của đêm tối như càng tô đậm hơn nỗi cô độc của nàng:

"Gà eo óc gáy sương năm trống

Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"

Trong hoàn cảnh ấy, người chinh phụ càng thấm thía hơn nỗi sầu thương trong lòng mình. Mỗi giờ, mỗi phút lại tưởng chừng như cả tháng năm "đằng đẵng" đang trôi qua. Từ láy "đằng đẵng" được đặt trong câu thơ này khiến cho ta có thể cảm nhận được sự chờ đợi mòn mỏi của người chinh phụ. Sự chờ đợi ấy đã "dằng dặc", sâu rộng như "miền biển xa" rồi. Vậy mà người chồng của nàng vẫn chưa chinh chiến trở về!

Nỗi buồn thương, lo lắng trong lòng khiến người phụ nữ không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Bởi mỗi việc nàng làm đều chứa đựng hình bóng của người chồng yêu dấu. Đốt hương, soi gương hay gảy đàn, nàng đều làm trong gắng "gượng", trong nước mắt. Nàng sợ rằng khi mình gảy đàn kia, soi gương ấy sẽ có một dự cảm không lành ập tới. Vậy nên tâm hồn nàng cứ mơ màng trong nước mắt, miên man trong nỗi nhớ thương:

"Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng".

Giờ đây, ngồi trong phòng vắng, chẳng thể trò chuyện, nhắn gửi cho người thương, nàng chỉ có thể gửi vào gió những nhớ thương của mình:

"Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời."

Nỗi nhớ chồng của nàng da diết, mênh mông, "thăm thẳm như đường lên bằng trời". Có thể nói đây là một câu thơ đặc sắc nhất trong đoạn trích này, bởi nó đã thể hiện được hết tấm lòng nhớ thương của người chinh phụ. Một câu thơ nhưng lại khiến cho người đọc có thể hiểu thấu được cả tấm lòng của một người phụ nữ đang mong chờ người chồng của mình. Thế nhưng, trời xanh có thấu được nỗi lòng của nàng chăng? Nỗi nhớ thương, mong ngóng chồng lớn lao của nàng cứ "đau đáu" mãi trong tim.

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ không chỉ được viết lên bởi tài năng của Đặng Trần Côn mà còn được viết lên bởi sự cảm thông sâu sắc cũng như sự xót thương vô cùng của ông dành cho những người chinh phụ. Nỗi lòng của người chinh phụ trong tác phẩm cũng là nỗi lòng của hàng ngàn người phụ nữ khác có chồng phải ra ngoài mặt trận. Họ phải sống trong sự cô đơn, lẻ loi, sống trong nỗi nhớ thương, lo lắng cho người chồng của mình.

Thế nhưng, tinh thần nhân đạo của đoạn trích không chỉ thể hiện ở sự đồng cảm, xót thương số phận người chinh phụ mà còn ở sự đồng tình, trân trọng và ngợi ca những khát khao về tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ nữa.

Bởi vậy nên ông mới viết về nỗi cô đơn, buồn tủi, lẻ loi đến cùng cực của người chinh phụ:

"Cảnh buồn người thiết tha lòng

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phùn."

Hay nỗi nhớ thương chồng ở nơi xa:

"Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong."

Nỗi cô đơn, sự nhớ thương khôn nguôi là biểu hiện của niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và nỗi cô đơn của người chinh phụ còn là khát khao được chở che, được yêu thương trong vòng tay của người chồng. Mưu cầu được sống, được yêu thương, được hạnh phúc là một mưu cầu tự nhiên, ai chẳng khao khát có được những điều đó. Và đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, điều đó trở nên quý giá vô cùng. Vậy nên, tác giả mới đồng tình, trân trọng niềm khát khao ấy của họ.

Cuối cùng là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa cũng là một trong những giá trị nhân đạo mà Đặng Trần Côn muốn thể hiện. Dù không thẳng thắn chỉ trích chiến tranh hay xã hội đương thời nhưng qua việc cảm thông với số phận của nhân vật trữ tình, tác giả muốn thể hiện thái độ oán ghét chiến tranh. Bởi chính những cuộc chiến này là nguyên do dẫn tới sự xa lìa của vợ chồng người chinh phụ, chia cắt tình yêu, hạnh phúc lứa đôi.

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã cho chúng ta thấy rõ tinh thần nhân đạo mà Đặng Trần Côn muốn thể hiện: cảm thông, xót thương cho số phận người phụ nữ, đồng tình với khát khao của họ cũng như tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Đây cũng đoạn trích tiêu biểu cho giá trị nhân đạo dành cho người phụ nữ trong văn học trung đại, cũng như đánh dấu bước chuyển mình trưởng thành của văn chương thế kỉ XVIII trong dòng văn học Việt Nam.

Giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mẫu 6

Thế kỉ XVII là thế kỉ hình ảnh người phụ nữ được thể hiện nhiều nhất trong văn học trung đại. Một điều đặc biệt là cảm hứng về người phụ nữ luôn gắn liền với cảm hứng nhân đạo. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho ta thấy rõ điều đó.

Nhân đạo là một trong những giá trị tinh thần truyền thống văn học Việt Nam. Gía trị nhân đạo thường được thể hiện qua việc tố cáo, vạch trần tội ác của những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người; biểu dương ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người; thông cảm; thấu hiểu những tâm tư; tình cảm cũng như những nguyện vọng của con người, giúp họ nói lên những ước nguyện đấu tranh để dành được ước nguyện ấy. Ở đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, dễ dàng nhận thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương nhà thơ dành cho nhân vật trữ tình. Chính bới đồng cảm nên tác giả đã thấu hiểu một cách sâu sắc mọi nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ, thể hiện rõ nét từng biến thái tinh vi trong nội tâm nhân người phụ nữ

Nỗi cô đơn, buồn khổ của người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm bắt nguồn từ bi kịch mà nàng phải chịu đựng. Cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cuốn người chồng của nàng vào vòng chiến trận liên miên. Tình yêu, hạnh phúc bỗng nhiên vuột khỏi tay nàng. Càng xa chồng, nàng càng nhớ thương, càng khao khát hạnh phúc. Nhưng càng khao khát, người chinh phụ càng cảm thấy cô độc, lẻ loi, càng đau đớn, khổ sở. Bao đêm nàng không ngủ là bấy nhiêu đêm nàng trăn trở khôn nguôi… Không đồng cảm với nỗi lòng người chinh phụ, nhà thơ sẽ không thể diễn tả một cách chân thực, xúc động từng cung bậc tình cảm trong lòng nàng:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước thẳng mách tin,

Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Nỗi niềm trăn trở không yên của nhân vật trữ tình được tác giả phổ vào các hành động miêu tả trạng thái bồn chồn lặp đi lặp lại không dứt: dạo, ngồi, rủ, thác. Các hành động tưởng như vô nghĩa nhưng tất cả lại cùng thể hiện một cách chính xác tâm trạng người chinh phụ. Nàng như đang mong ngóng tin tốt lành về người chồng của mình và hình như càng mong ngóng, càng thất vọng. Gửi nỗi chờ mong vào ngọn đèn nhưng ngọn đèn giữa đêm khuya chỉ khiến lòng nàng thêm cô quạnh. Lời thơ hòa vào tiếng lòng bi ai của nhân vật, trào dâng thành nỗi lòng khôn xiết:

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

Ở những dòng tiếp theo đưa tiếng gà và hình ảnh hoa hòe vào đêm, tác giả Chinh phụ ngâm muốn thể hiện sự hoang vắng, tịch mịch của không gian, từ đó tô đậm nỗi cô đơn quạnh vắng trong tâm trạng nhân vật trữ tình. Giữa không gian ấy, người chinh phụ càng thấm thía nỗi sầu trong lòng mình. Và thấu hiểu nỗi buồn thương trong lòng người phụ nữ đáng thương, tác giả đã làm một phép đo chiều dài của nỗi nhớ chồng:

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Nỗi buồn khổ không dứt trong lòng khiến người chinh phụ không thể tập trung làm được việc gì. Mọi hành động của nàng dường như đều bị chi phối bởi nó. Thấu hiểu điều này, ba lần liên tiếp tác giả để chữ gượng xuất hiện trước các hành động của nàng: gượng đốt (hương), gượng soi (gương), gượng gcảy (đàn). Tâm hồn nàng cứ miên man, mơ màng, nước mắt nhạt nhòa gương mặt mà nàng đâu có biết. Dự cảm về điềm gở, sự không hay trong tình cảm vợ chồng khiến nàng chỉ gượng gảy đàn sắt, đàn cầm. Và hơn hết, đọc được tâm sự trong lòng nàng nên nhà thơ đã giúp nàng gửi nỗi nhớ đến người chồng nơi trận mạc:

Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Có thể nói câu thơ Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời là một trong những câu thơ hay nhất văn học thời kì trung đại. Chưa khi nào nỗi nhớ chồng được thể hiện một cách da diết, sâu thẳm, mêng mang và cao vời vợi như thế. Tài năng và hơn hết là sự đồng cảm đã giúp người nghệ sĩ sáng tạo một câu thơ tuyệt hay. Nỗi lòng người chinh phụ đã vuột ra khỏi phạm vi tâm trạng của một con người mà cất lên nói thay cho bao người phụ nữ cùng chung số phận như nàng. Những dòng thơ Chinh phụ ngâm đâu chỉ được viết bằng sự đồng cảm? Nó còn được viết bằng nỗi xót thương đến tột cùng của người nghệ sĩ.

Viết về nỗi buồn khổ, cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn người chinh phụ cũng chính là cách tác giả thể hiện thái độ đồng tình và ngợi ca của mình đối với niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của nàng. Và đó cũng chính là một biểu hiện trong giá trị nhân đạo của đoạn trích.

Không bộc lộ trực tiếp sự oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa nhưng thông qua việc thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình, tác giả Chinh phụ ngâm muốn cất tiếng tố cáo chiến tranh. Chính những cuộc chiến phi nghĩa này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng những người chồng phải xa vợ, những người mẹ phải lìa con, hạnh phúc, tình yêu lứa đôi lỡ dở. Có bao nhiêu người chinh phụ phải sống trong cảnh mòn mỏi nhớ thương, cô đơn như nàng đây?

Có thể nói đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là đoạn trích tiêu biểu nhất trong Chinh phụ ngâm về tinh thần nhân đạo của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm.

Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được dàn ý và 5 bài văn mẫu phân tích về giá trị nhân đạo của đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời giải đáp thắc mắc của các bạn trong thời gian sớm nhất có thể nhé.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
6
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm