Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

“Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một con người” dựa vào “Độc Tiểu Thanh kí” và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du làm sáng tỏ nhận định trên

Những bài văn mẫu hay lớp 10

Văn mẫu lớp 10: “Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một con người” dựa vào “Độc Tiểu Thanh kí” và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du làm sáng tỏ nhận định trên vừa được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

“Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một con người” dựa vào “Độc Tiểu Thanh kí” và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du làm sáng tỏ nhận định trên

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại nhưng người nghệ sĩ không sao chép y nguyên hiện thực ấy. Tác phẩm nghệ thuật nói chung hay thơ ca nói riêng là kết quả của quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén để tạo ra một thế giới sinh động, hấp dẫn. Thơ mang đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo, chứa đựng tình cảm, cảm xúc riêng nhất. Bởi thế Atona Phrăng xơ đã nhận xét "Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một con người"

“Tác phẩm văn học như con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc. Tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục” (J Paul. Sartre). Sự đọc đơn giản là quá trình tiếp nhận, tìm hiểu, suy ngẫm thi phẩm nhưng chính là máu để biến một thể xác vật chất thành một sinh thể có cảm xúc, có vui buồn, có trăn trở. “Câu thơ hay” là câu thơ có giá trị về cả nội dung và hình thức, có thể tạo nên những rung động trong trái tim người đọc. Khi “đọc một câu thơ hay”, chúng ta sẽ “bắt gặp”, tức là phát hiện, gặp gỡ, đồng cảm với những suy nghĩ và cảm xúc của người nghệ sĩ.

Nhận định của Atona Phrăng xơ đã bàn đến đặc trưng của thơ ca vốn là tiếng nói trữ tình, tiếng nói của trái tim mang tính cá thể sáng tạo của chủ thể trữ tình. Nhà thơ những con ong hút nhụy từ bông hoa đời sống. Không có sự tái tạo tài tình của những con ong thì phấn hoa cũng không trở thành mật ngọt. Nhưng không có những chuyến bay xa để đem về hương phấn cho đời thì ong cũng không tự mình làm nên mật ngọt…Nhà thơ đã lao động nghệ thuật hăng say, đã thực sự nhập tâm vào cuộc sống để bật ra từ trong tim những vần thơ hay nhất.

Thơ là cuộc đời cũng là trái tim. Tình cảm trong thơ là một trong những yếu tố quan trọng đem đến sức rung động của thi ca. "Thơ muốn làm cho người ta khóc trước hết mình phải khóc. Thơ muốn làm cho người ta cười trước hết mình phải cười." Bởi vậy để có được một câu thơ hay, để truyền tải được sợi dây tình cảm người nghệ sĩ mang trong lòng, câu thơ phải xuất phát từ cái tâm và cái tài của người cầm bút. Và cái tâm, cái tài ấy đã có trong "Độc Tiểu Thanh kí" và "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.

Sống trong thời đại nhiều biến cố với những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và cuộc sống phong trần đã đem đến cho Nguyễn Du vốn sống thực tế phong phú, thôi thúc ông suy ngẫm về xã hội, về thân phận con người. Các tác phẩm của ông xuất hiện khá đậm nét hình tượng những người ca nhi, kĩ nữ với tiếng đàn, giọng hát và thân phận đau khổ, bất hạnh. Tất cả được Nguyễn Du yêu thương, trân trọng, đồng cảm…

Tâm hồn của Nguyễn Du trong tác phẩm "Độc Tiểu Thanh kí" và "Truyện Kiều được thể hiện đầu tiên là ở sự ngợi ca, trân trọng, tin vào khả năng, phẩm chất của con người. Trong "Độc Tiểu Thanh kí", nhà thơ xây dựng hình ảnh một nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn:

"Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương vô mệnh lụy phần dư"

"Son phấn" và " văn chương" là hai hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho vẻ đẹp và tài năng của nàng Tiểu Thanh. Tiểu Thanh, một người con gái trẻ xinh đẹp lại có tài thơ ca, đàn hát là những giá trị tinh thần cao đẹp.

Trong thi phẩm "Truyện Kiều", Nguyễn Du cũng xây dựng một nàng Kiều tài sắc nhưng thủy chung, tình nghĩa. Phần mở đầu của tác phẩm, nhà thơ đã ngợi ca:

"Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành họa hai."

Sắc đẹp của Kiều không ai có thể sánh nổi. Đó là vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, là vẻ đẹp hoàn hảo khiến "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh". Tài năng của Kiều là đủ loại "cung thương làu bậc ngũ âm" họa hay còn có người thứ hai. Đã đẹp, đã tài, Kiều còn là một người con hiếu thảo:''Làm con trước phải đền ơn sinh thành." Khi gia đình gặp tai biến, nàng đã quyết hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ với Kim Trọng để bán mình chuộc cha. Thậm chí, khi phải sống trong cảnh đầm lầy nhơ nhớp ở lầu xanh, nàng vẫn một lòng nghĩ về mẹ cha:

''Nhớ ơn chín chữ cao sâu

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà"

Không chỉ hiếu thảo mà Thúy Kiều còn là một người hết mực chung tình:

''Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

Mặc dù đã tìm người trả nghĩa, trả tình cho chàng Kim nhưng Kiều vẫn đau xót, dằng xé tâm can cho rằng mình đã phụ bạc người yêu. Nàng đã cất lên tiếng khóc, tiếng nấc cho mối tình dang dở nhưng cũng là cất lên khát khao tự do, hạnh phúc:

"Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa"

Là một người con gái sống trong thời đại "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nhưng Kiều rất chủ động đi tìm tình yêu của mình "xăm xăm lăng lối vườn khuya một mình" đến thề nguyền với Kim Trọng. Kiều mang dáng dấp của người phụ nữ hiện đại, chủ động, kiên quyết và hơn cả luôn ý thức về giá trị của bản thân, luôn đau đớn về nhân phẩm bị chà đạp:

"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?"

Thúy Kiều xinh đẹp là thế, tài năng là thế, hiếu nghĩa đủ đường là thế; Tiểu Thanh tài sắc, trẻ trung là thế nhưng cả hai cũng chỉ là người phụ nữ sống trong chế độ xã hội "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen." Nguyễn Du ca ngợi, trân trọng cũng đồng thời là đồng cảm, xót thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh:

"Đau đớn thay phận đàn đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Viết "Độc Tiểu Thanh kí", Nguyễn Du cất tiếng khóc cho cuộc đời, số phận nàng Tiều Thanh. Tiểu Thanh, một người con gái tài sắc nhưng mới mười sáu tuổi đã phải làm vợ lẽ, mười tám tuổi đã chết trong cô độc ở vườn hoa Tây Hồ. Sau khi chết, những bài thơ, những nỗi lòng chất chứa trong thơ của nàng cũng bị người vợ cả đốt thành tro. Cái chết ấy, nỗi đau ấy của Tiểu Thanh không nhận được sự đồng cảm, xót thương của người đời mà phải đến ba trăm năm sau ngày nàng mất, Nguyễn Du mới ngậm ngùi:

"Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Chi vấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư"

Còn Thúy Kiều, Nguyễn Du đã hóa thân vào nàng để cảm nhận tận cùng nỗi đau, nỗi xót của một tiểu thư khuê các "êm đềm trướng rủ màn che" nhưng phải gặp bất hạnh mười lăm năm đoạn trường lưu lạc, nhân phẩm bị chà đạp. Kiều, một người con gái xinh đẹp, đủ tài cầm kì thi họa tấm lòng lại hiếu nghĩa, son sắt thoắt cái đã bị đẩy xuống lớp bùn nhơ nhớp "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần". Kiều cất tiếng khóc, tiếng than cho phận mình hay cũng chính cõi lòng Nguyễn Du đang tan nát:

"Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạng sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân"

Những câu hỏi"sao…", "sao…" cứ xoáy vào cõi lòng đến đau buốt, nhức nhối ngàn năm không có lời đáp. Là Nguyễn Du đang tự hỏi mình, hỏi người, hỏi cả lịch sử những câu đau xé đó ư? Những lần Kiều bị đánh, bị hành hạ về thể xác, phải chăng mỗi ngọn roi đánh lên người nàng cũng là ngọn roi vô hình giáng lên trái tim Nguyễn Du?

"Thịt da ai cũng là người

Lòng nào hồng rụng thắm nào chẳng đau"

Cuộc đời Kiều, nỗi đau của Kiều không còn là một bi kịch mà một chuỗi những bi kịch cứ nối tiếp nhau. Mỗi lần nàng cố ngoi lên, muốn vươn lên để gọi là được sống thì là một lần bị dìm xuống sâu hơn nữa. Thúc Sinh rồi Từ Hải đến và cho cuộc đời Kiều ánh sáng nhưng rồi sớm đi, để lại bóng đêm ngày càng đen tối cho đời nàng. Cuối cùng, nàng đã tự tử nhưng không thành, đã đoàn tụ cùng gia đình nhưng tất cả đã lỡ làng, hạnh phúc không còn được trọn vẹn…

"Độc Tiểu Thanh kí" hay "Truyện Kiều", cả hai đều là máu của Nguyễn Du chảy trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên từng trang giấy. Nhà thơ rung cảm trước những con người tài sắc vẹn toàn nhưng cũng xót thương trước số phận, kiếp người tài hoa bạc mệnh. Có một thế lực đằng sau đang cố tình bẻ ngang cuộc đời của những người con gái ấy:

"Đã cho lấy chữ hồng nhan

Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân"

Các thế lực tàn ác trong xã hội phong kiến là tư tưởng trọng nam khinh nữ, là quy luật vạn sự bất biến "có tài mà cậy chi tài- chữ tài liền với chữ tai một vần" đã vùi dập lên quyền sống của người phụ nữ nói chung và Tiểu Thanh, Thúy Kiều nói riêng. Càng thương cảm cho nàng Tiểu Thanh, nàng Kiều, cho những vẻ đẹp nhân sinh bị vùi đập, Nguyễn Du càng căm ghét những thế lực ấy. Là một con người đã trải qua trường đời, đã thấm hết vị mặn chát đắng cay, nhà thơ thấu hiểu nỗi hận vì cái đẹp, cái tài bị vùi dập, bị đối xử bất công, phũ phàng. Ông thấu hiểu nỗi đau của nàng Tiểu Thanh, của một kiếp làm lẽ, cô độc bị đày đọa " chém cha cái kiếp lấy chồng chung" nhưng chỉ có thể đóng kín trong tim, cho dù có cất lên thành lời, suốt đời chỉ là câu hỏi không lời đáp:

"Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư"

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang)

Số phận của Tiểu Thanh cũng là số phận của Kiều. Những thế lực gây ra bi kịch của cuộc đời Tiều Thanh cũng chính là thế lực gây ra bi kịch của cuộc đời Thúy Kiều. Tuy nhiên với cuộc đời Kiều, những thế lực ấy đều chịu ảnh hưởng, chịu điều khiển của thế lực tàn bạo nhất: thế lực của đồng tiền:

"Trong tay có sẵn đồng tiền

Dẫu làm đổi trắng thay đen khó gì?"

Đồng tiền đen tối trong tay kẻ tham lam đã gián tiếp gây nên tấn bi kịch cho không chỉ cuộc đời Kiều mà còn của những người không quyền lực, không tiền tài trong xã hội đầy bất công. Chỉ vì một lời tố cáo vu vơ của tên bán tơ mà bọn quan lại, sai nha bắt bớ Vương Ông và Vương Quan hành hạ đòi đút lót:

"Tính bài lót đó luồn dây

Có ba trăm lạng việc này mới xong"

Cũng chỉ vì tiền để chuộc cha và em, Kiều cũng bán rẻ đi sắc đẹp, tài năng, nhân phẩm của mình:

"Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm"

Vì chạy theo đồng tiền, cuộc đời Kiều chìm xuống đáy vực sâu của xã hội. Cả một xã hội chạy theo đồng tiền, chịu sự điều khiển của đồng tiền mà ngang nhiên chà đạp lên cuộc đời của người khác. Con người, đặc biệt là người phụ nữ sống trong xã hội trị vị bởi đồng tiền mà ngay cả quyền tự do, được sống, được yêu thương cũng bị tước đoạt.

Từ cảm thương sâu sắc cho bi kịch nàng Tiểu Thanh, nàng Kiều, từ thái độ lên án, vạch trần xã hội bất công, Nguyễn Du bắc nhịp cầu giao cảm để thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với các nàng, cũng là những phận tài hoa bất hạnh:

"Phong vận kì oan nhã tự cư"

(Ta tự cho mình là người cùng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã)

Nỗi oan tài hoa bạc mệnh không chỉ riêng Tiểu Thanh hay Kiều mà còn kết cục chung của những kẻ có tài từ cổ chí kim, trong đó có Nguyễn Du. Nhà thơ như "mượn chén rượu người để xót rượu mình", tự nhận mình giống Tiểu Thanh, giống Kiều, giống bao con người tài hoa khác "mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã." Có tài, có sắc là lẽ thường tình, nhưng thói đời là thế thường ghen ghét với kẻ tài và không chấp nhận sự hoàn hảo nên hễ cho ai đủ cái này lại lấy bớt đi cái kia. Bởi vậy, cả Nguyễn Du, cả người tài hoa đều mắc án "kì oan", đều mang trong lòng mối hận cổ kim khó lòng mà hỏi trời được. Bế tắc, tuyệt vọng không lời giả đáp, cô đơn hiu quạnh không ai sẻ chia. Chỉ đành đợi đến " ba trăm năm lẽ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?"

"Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"

Chủ nghĩa nhân đạo đã thấm nhuần và đạt đến đỉnh cao trong trang thơ của đại thi hào: thương người gắn liền với thương thân. Từ nỗi thương người, từ tiếng khóc thương đời, Nguyễn Du cất lên tiếng khóc thương mình. Cô độc trước thực tại, nhà thơ khao khát tìm được sự đồng cảm, tri ân từ hậu thế. Khóc nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du mong muốn tìm được dù chỉ là một tiếng khóc cất lên thương cảm cho số phận mình…

Nhưng, không cần đợi đến ba trăm năm nữa, hậu thế đã có rất nhiều tiếng nói đồng cảm dành cho đại thi hào dân tộc. Khát vọng của Nguyễn Du là khát vọng chung cho cả nhân loại đi tìm sự tự do, hạnh phúc. Bởi thế, tiếng nói tri âm gắn kết thành mạch nguồn đồng điệu muôn đời của văn học vượt cả không gian và thời gian.

Nguyễn Du đã sống trong thời đại chao đảo, nhiều biến động, đã đứng trước cái vô hạn của cuộc đời tuần hoàn biến chuyển, trước cái lạnh lẽ của lòng người vô thủy vô chung. Chính thời đại ấy đã hình thành nên ở Người một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cùng một trái tim nhân đạo lớn dành cho con người, cho những kiếp má đào, cũng là cho chính mình. Từ một người con gái tài hoa bị cuộc đời vùi dập trong cơn thương hải tang điền trong "Đoạn trường tân thanh" đến một kiếp làm lẽ trong "Độc Tiểu Thanh kí" đều được Nguyễn Du yêu thương, xót xa. Đó vừa là lời tố cáo xã hội, vừa chứa đựng tư tưởng xã hội nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

Đọc một bài thơ nghĩa là ta nhận thức được tâm hồn của nhà thơ, của chính mình để hồn được phong phú. Chúng ta đồng cảm, chúng ta tri âm, chúng ta rung động trước ngòi bút, trước tài năng, trước tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du. Tình cảm ấy, tấm lòng ấy xuất phát từ trái tim nhà thơ chính là yếu tố cốt lõi tạo nên mối quan hệ vô hình, sự đồng điệu giữa nhà thơ và độc giả. Chẳng vậy mà nhà văn Bùi Hiển cho rằng: "Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông, sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết". Trái tim trong nhà thơ và tình cảm nhân đạo cao cả cũng chính là yếu tố làm nên sức sống lâu bền cho thơ ca, nghệ thuật.

Tiếng khóc thương người, thương thân của Nguyễn Du cất lên từ ba thế kỉ trước đã lặng lẽ chảy theo thời gian, theo những phận người đau khổ ấy đến tận ngàu nay để làm nhức nhối vạn triệu người về một vết thương đã lành nhưng chưa hết đau. Ánh sáng của thời đại mới đã chiếu rọi và trả lại giá trị cho tên tuổi Nguyễn Du trong lòng dân tộc. Trái tim luôn âm ỉ, trăn trở với nỗi đau thờ thế đã chạm đến và lay động trái tim của chúng ta ngày hôm nay tựa như một chân lí bền vững theo thời gian.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: “Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một con người” dựa vào “Độc Tiểu Thanh kí” và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du làm sáng tỏ nhận định trên. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được bài văn mẫu phân tích nhận định Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một côn người. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Ngoài ra để giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.

Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời giải đáp thắc mắc của các bạn trong thời gian sớm nhất có thể nhé.

Bài tiếp theo: Nghị luận về áp lực học tập đối với học sinh ngày nay

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm