Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về câu nói Thế giới cần có sự tri ân

Nghị luận về câu nói Thế giới cần có sự tri ân vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và thêm ý tưởng xây dựng bài viết của mình nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

1. Gợi ý nghị luận về sự tri ân

1. Giải thích:

- Sự tri ân là sự ghi nhớ công ơn, tình cảm mà người khác mang lại cho mình.

2. Bàn luận

a. Biểu hiện

- "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy"

+ Giúp đỡ cha mẹ những phạm vi công việc bạn có thể làm được

+ Bày tỏ lòng thành kính đến thầy cô

- Ngoài ra, thể hiện lòng biết ơn với những người giúp đỡ mình trong lúc khó khăn.

b. Vai trò, ý nghĩa:

- Gắn kết con người chúng ta lại với nhau

- Giúp cho chúng ta có một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc hơn, không có sự ganh đua, tị nạn trong cuộc sống

3. Phản đề:

- Phê phán những thành phần quên đi cội nguồn của mình, bất hiếu với cha mẹ, ăn cháo đá bát

4. Bài học nhận thức và hành động

- Cần có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể.

- Sống biết tri ân thể hiện lối sống tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó của con người Việt Nam.

- Tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong xã hội.

2. Nghị luận Thế giới cần có sự tri ân mẫu 1

Lòng biết ơn, tri ân được xem là một trong những truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người Việt Nam chúng ta. Nó được coi như thước đo phản giá trị, nhân cách đạo đức của một người. Lòng tri ân có ý nghĩa vô cùng quan trọng như trong cuộc sống của chúng ta.

Từ xưa đến nay, ông cha ta vẫn luôn căn dặn thế hệ mai sau cần phải “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn ghi nhớ công lao của những người đã cho ta cuộc sống của ngày hôm nay. Bởi vậy, lòng biết ơn luôn là thái độ sống cần phải nâng niu và trân trọng. Nó mang nghĩa biểu lộ sự ghi nhớ và biết ơn sâu sắc những người đã hi sinh vì ta, đã giúp đỡ ta trong khó khăn, sẽ chia niềm vui và nỗi buồn cùng ta.

Trong xã hội ngày nay, lòng biết ơn là truyền thống tốt đẹp từ đời xưa để lại. Mỗi người, mỗi cá nhân cần phải nhận thức được điều này để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Mỗi người chúng ta sinh ra đều có nguồn gốc, không ai tự nhiên mà sinh ra. Mỗi ngày chúng ta trưởng thành và khôn lớn, công lao dưỡng dục, sinh thành ấy rất vĩ đại. Cần phải nghĩ về họ, nghĩ về quá khứ và những gì đã qua để thấy được những nhọc nhằn vất cả mà họ đã trải qua để đổi lấy sự yên bình cho chúng ta hôm nay.

Lòng tri ân mang giá trị nhân văn sâu sắc, là tấm lòng giữa người với người. Lòng biết ơn không chỉ là nói suông, cần thể hiện bằng hành động thì nó mới thực sự ý nghĩa.

Vậy lòng tri ân có nghĩa là gì? Lòng tri ân đó là tình cảm biết trân trọng, ghi nhớ công ơn của người khác dành cho mình, đã giúp đỡ mình vượt qua cơn hoạn nạn khó khăn. Tại sao chúng ta phải có lòng tri ân? Bởi vì nó thể hiện đạo đức cần có ở mỗi chúng ta.

Hằng ngày chúng ta bưng bát cơm trắng, dẻo thơm để ăn. Chúng ta có biết rằng để làm ra hạt cơm thơm lừng, trắng tinh ấy người nông dân đã đổ ra biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt. Nhọc nhằn một nắng hai sương, lo lắng vụ mùa thất bát là những điều mà không phải ai cũng thấy và cảm nhận được.Bởi vậy, cần có lòng tri ân, biết ơn với những người nông dân.

Để có một xã hội thái bình thịnh vượng như ngày hôm nay, ông cha ta đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu và nước mặt. Bao nhiêu người đã ngã xuống, bao nhiêu người còn ở lại nhưng thân thể không được lành lặn nữa. Những con người đánh đổi cả tuổi trẻ, đánh đổi cả một người vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Hằng năm vẫn có ngày lễ kỉ niệm các anh hùng thương binh liệt lỹ 27-7 với mục đích nhớ lại, tri ân những gì mà họ đã mang lại cho chúng ta hôm nay.

Khi biết ơn, tri ân một ai đó đã giúp đỡ, cưu mang mình vượt qua số phận ngặt nghèo, vất vả, nó khiến cho con người trở nên tốt đẹp hơn trong nhân cách, trong suy nghĩ của mình, giúp cho ta tin tưởng, tin yêu thêm trong cuộc sống. Bên cạnh đó, lòng biết ơn còn là cơ sở xây dựng nên những thứ tình cảm tốt đẹp khác nữa như tình cảm bạn bè, tình yêu thương, lòng kính trọng…Và trong một khía cạnh khác của cuộc sống. Khi chúng ta thừa hưởng những thành quả tốt đẹp mà người khác mang lại cho ta, ta cần phải nhớ ơn đến người đó. Ví như, bổn phận là con cái chúng ta phải luôn luôn nhớ ơn ba mẹ đã khổ nhọc sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ ta nên người. Không chỉ nhớ ơn ba mẹ, mà còn phải biết ơn thầy cô, những người lái đò thầm lặng, luôn mang đến cho chúng ta những điều kỳ diệu, tuyệt vời của kiến thức nhân loại, những tình cảm thiêng liêng từ trường lớp. Đồng thời để ta được hưởng những thành quả của ngày hôm nay với một đất nước hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Cha anh ta đã phải đổi biết bao xương máu, nước mắt để đánh đổi. Họ đã phải hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Vì vậy, bổn phận của chúng ta là phải luôn khắc cốt ghi tâm sự hi sinh cao cả đó.

Mặt khác, bên cạnh những con người luôn biết ơn là những kẻ vong ơn bội nghĩa. Những con người này cuộc sống có tốt đẹp hơn một chút thì lại vội vàng quên đi cuội nguồn, gốc gác của mình. Quên đi những người đã mang đến cho họ cuộc sống ấm êm, hạnh phúc và sự trưởng thành. Họ đã quên đi người cha người mẹ, người thầy người cô của mình. Những kẻ không bao giờ biết ơn đã đề cập ở trên chắc chắn chính là những kẻ cần phải bị xã hội lên án, phê phán. Ngày nay, lòng biết ơn được biểu hiện trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Đâu đâu chúng ta cũng thấy được lòng biết ơn luôn hiển hiện khắp nơi. Là điều mà mỗi người đều có thể nhận thức được là cần làm, cần ghi nhớ.

Nhưng lòng tri ân không phải ai cũng có thể làm được. Có rất nhiều người đã chà đạp lên thành quả của xã hội, không coi trọng những gì mình đang có, điều đó đồng nghĩa với việc không coi trọng thế hệ đi trước đã dựng xây và vun đắp.

Tóm lại, lòng tri ân là phẩm chất đạo đức cao quý của con người. Biết ơn, tri ân, đền đáp công ơn mà người khác dành cho mình là điều nên làm bởi đó chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Riêng bản thân mỗi người, cần phải luôn nhớ ơn ba mẹ mình, thầy cô của mình và luôn ý thức có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể.

3. Nghị luận Thế giới cần có sự tri ân mẫu 2

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Câu ca dao trên nhắc nhở chúng ta về một nét đẹp trong đạo lý truyền thống đầy tính nhân văn, tình nghĩa mà mỗi người đều phải có để hoàn thiện nhân cách và phẩm chất bản thân: đạo lý uống nước nhớ nguồn. Chính vì thế, có câu khẳng định “Thế giới cần có sự tri ân”.

“Tri ân” là một từ Hán Việt, nghĩa gốc Thuần Việt là sự biết ơn. Tri ân là thái độ hàm ơn, thấu hiểu và ghi nhớ công ơn, công lao của người khác dành cho mình. Là hành động thể hiện tấm lòng thành kính, tôn thờ, trân trọng. Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về đạo lý truyền thống tốt đẹp này: uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tôn sư trọng đạo,… “Tri ân” là một hành động đẹp, một lối sống nghĩa tình, có trước có sau, rất đáng trân trọng, biết đến, giữ gìn và phát huy. “Thế giới cần có sự tri âm” nghĩa là mỗi người, mỗi cá nhân, cá thể đều phải có tấm lòng biết ơn, trân trọng trước công sức, thành quả mà người đi trước, người khác đã gây dựng nên, để lại cho mình. Mỗi người một hành động đẹp, từ đó, từng tập thể, từng bộ phận sẽ tạo nên thế giới sống đẹp, có nghĩa, sống tri ân.

Trong cuộc sống, tất cả những việc làm tưởng chừng đơn giản, những giá trị quá đỗi đời thường, sự cho đi không toan tính, hi sinh một cách thầm lặng, mà ta đôi khi phớt lờ, lảng tránh hay vô tình không để ý tới, đều do bàn tay, công sức người khác bỏ ra, vun vén cho chúng ta chứ không phải tự nhiên có sự xuất hiện đó. Mọi sự trên đời đều có nguyên do, cội nguồn, căn cơ của nó, sống trong xã hội hôm nay, ta không thể chỉ yên vị để thưởng thức, hưởng thụ hay tận hưởng mọi thứ mà không suy nghĩ, đắn đo, ghi nhớ. Khi xưa, ông cha ta đã hi sinh bản thân và xương máu, bao lớp người đi không tiếc đời mình để đổi lại, để gây dựng nên dải đất Việt Nam xinh đẹp, thanh bình như ngày hôm nay, để hậu thế hưởng thụ, vun đắp cho bản thân những thành quả đó, thì mỗi chúng ta cần hi sinh, đánh đổi, phải hiểu được cội nguồn dân tộc, phải có sự khắc ghi, tưởng nhớ không quên. Ở một khía cạnh khác, biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp, như tục thờ cúng ông bà tổ tiên, hiếu thảo, phụng dưỡng đối với Mẹ Cha, tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cái với người đã dày công sinh thành và dưỡng dục họ. Là sự tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng ngày giỗ Tổ. Hay đó là sự tri ân công lao dạy dỗ của các thầy cô trong buổi về nguồn, trở lại trường ngày nhà giáo Việt nam 20/11.

Nếu mỗi chúng ta thay đổi điểm nhìn rộng hơn, bao quát hơn sẽ thấy, giữa các mối quan hệ đều thể hiện trọn vẹn sự tri ân rất rõ, từ những điều nhỏ nhặt đến những gì lớn lao nhất. Các công ty tổ chức buổi gặp mặt thường niên, gửi những phần quà trong các dịp Lễ, Tết, như một sự tri ân đến quý khách khàng đã tin tưởng và dõi theo họ trong suốt quá trình vừa qua. Đơn giản hơn là việc ta trân trọng những món quà nhận được từ người khác, là lời cảm ơn mỗi khi ai đó giúp đỡ ta điều gì, là sống tử tế, có nghĩa, không phụ lòng người thân ta mong đợi… Không phải vật chất cao sang cầu kì, chỉ đơn giản là những hành động đẹp, những giá trị tinh thần đầy nhân ái, thủy chung, đó mới là sự tri ân trọn vẹn nhất.

Tri ân là một hành động đẹp, một giá trị đạo lý truyền thống cao cả, thiêng liêng; đem đến thái độ sống tích cực, thay đổi chính mình, giúp con người hoàn thiện nhân cách. Mỗi người từ đó sẽ trân trọng hơn những giá trị đích thực, bé nhỏ, đời thường trong cuộc sống. Nhờ biết ơn, thế hệ sau sẽ ghi nhớ công ơn của những người đi trước, đồng thời biết yêu thương, quý trọng, nâng niu những gì đang có trong hiện tại. Bởi những thành quả, cuộc sống mà chúng ta đang hưởng thụ đều không phải tự nhiên mà có, tất cả chúng đều trải qua quá trình lao động dưới bàn người khác. Lòng biết ơn nói cách khác chính là thước đo chuẩn mực để nhắc nhở mỗi người về giá trị của sự ghi nhớ và cội nguồn, gốc rễ.

Tuy nhiên, nhiều người trong xã hội hiện nay lại có những hành động đi ngược lại đạo lý truyền thống của dân tộc, sống vô ơn bội nghĩa, ăn cháo đá bát, thờ ơ, dửng dưng trước những thành quả mà ông cha ta để lại ngàn đời. Họ dễ dàng quên đi quá khứ, sống vong ơn, phụ tình, chỉ biết hưởng thụ mà không hề hi sinh, đánh đổi; cho rằng mọi thứ đều tự nhiên mà có, nên không cần ghi nhớ, trả ơn. Vì thế, đâu đó trong xã hội hiện nay rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh con cái mắng nhiếc, ngược đãi, chửi rủa cha mẹ; cháu không tôn trọng, thờ phụng, chăm sóc ông bà, thờ cúng gia tiên những người đã khuất,.. Hay hình ảnh con người ta sẵn sàng đạp đổ miếng ăn của người khác chỉ vì lòng đố kị, ghen tuông, mà vong ơn bội bạc với ân nhân lúc trước của mình.

Do đó, mỗi người cần nhận thức đúng đắn và phát huy lòng biết ơn như một lẽ sống mà ai cũng phải có. Chúng ta phải hết sức lên án và phê phán thái độ sống tiêu cực, thực dụng, vị kỉ, chỉ biết lo nghĩ cho bản thân mà quên đi quá khứ, cội nguồn. Bằng những việc làm thiết thực, mỗi cá nhân có thể thể hiện sự tri ân, lòng thành kính của mình đối với những người đi trước, người có công, người ta mang ơn sinh thành, dưỡng dục ta nên người qua bao năm tháng… như hành động hiếu thảo, phụng dưỡng, chăm sóc mẹ cha, phong trào đền ơn đáp nghĩa, thắp hương các anh hùng thương binh liệt sĩ, người có công với đất nước nhân ngày truyền thống tri ân 27/7; hay tỏ lòng biết ơn, gửi thư chúc mừng, thăm hỏi các cán bộ y tế- người đã chăm sóc cho sức khỏe toàn dân trong ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, đơn giản và ý nghĩa hơn nữa là hành động về nguồn, tri ân ngày nhà giáo 20/11, những người thầy người cô đáng được trân trọng, tôn vinh vì sự hi sinh, lái đò thầm lặng ngày đêm chèo chống con thuyền tri thức,.. Có nhiều hành động thể hiện sự tri ân, dù đơn giản hay lớn lao, mỗi người đều có những cách riêng tỏ lòng thành kính, biết ơn của mình đối với những người mà họ trân quý, mang ơn.

Tóm lại, tri ân là một lẽ sống đẹp, một phẩm chất đáng quý ở mỗi người cần phải có, để cuộc sống này ý nghĩa hơn và mỗi người từ đó hoàn thiện nhân cách của chính mình. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, lòng biết ơn phải xuất phát từ tấm lòng chân thành thật tâm, trao đi bằng tất cả những gì ta có và không tính toán thiệt hơn những gì ta đã nhận được. Thật đúng khi nói “Thế giới cần có sự tri ân”!

4. Nghị luận Thế giới cần có sự tri ân mẫu 3

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” … là những câu tục ngữ quen thuộc thể hiện một truyền thống đạo lý được truyền từ đời này qua đời khác của con người Việt nam. Đó chính là nét đẹp của lòng biết ơn, một trong những phẩm chất vô cùng cao quý và ngời sáng những giá trị của lối sống thủy chung, của ân nghĩa.

Người có lòng biết ơn là người luôn biết ghi nhớ và trân trọng những gì người khác trao tặng hay để lại cho mình. Họ luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống. Mỗi một sự giúp đỡ ý nghĩa đều khiến họ cảm động và hàm ơn.

Trong xã hội, lòng biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp, phù hợp với các chuẩn mực đạo lí làm người. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với các bậc sinh thành đã có công dưỡng dục chúng ta nên người. Đó là một nét đẹp văn hóa mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.

Biết ơn người khác làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hiền hòa, ngày càng khăng khít, tốt đẹp hơn. Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người. Sống có lòng biết ơn là lối sống lành mạnh, tích cực, mẫu mực trong đời sống của chúng ta. Người sống có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến, trân trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.

Như chúng ta đã biết, lòng biết ơn là sự ghi nhớ, tri ân là nét đẹp của lối sống coi trọng ân nghĩa đối với những người đã từng giúp đỡ mình. Lòng biết ơn được thể hiện qua rất nhiều hành động, việc làm cao đẹp vô cùng phong phú và đa dạng. Đó có thể là sự hiếu thảo đối với Mẹ Cha, là lòng thành kính đối với những người đã khuất qua những phong tục thờ cúng tổ tiên. Là sự tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng qua ngày giỗ tổ, hay sự biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước ở bao đời, từ thời hai bà Trưng cho đến các triều đại Lê, Lý, Trần. Hay đó có thể là sự tri ân công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo thông qua ngày nhà giáo Việt nam 20 tháng 11.

Lòng biết ơn là một trong những truyền thống đạo lí của dân tộc ta, thể hiện rõ giá trị tinh thần hết sức tốt đẹp và sâu sắc. Nhờ sự khắc ghi và tưởng nhớ công ơn, những con người thế hệ sau sẽ luôn khắc ghi, tưởng nhớ đến công ơn của thế hệ cha anh đi trước, đồng thời biết trân trọng, nâng niu những gì đang có trong hiện tại. Bởi tất cả những thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ đều không phải tự nhiên xuất hiện, mà đều trải qua quá trình lao động, sản xuất của người khác. Quá trình đó có thể thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí chứa đựng những hi sinh, mất mát vô cùng to lớn và vĩ đại. Những hạt cơm, hạt gạo hết sức bé nhỏ mà hằng ngày chúng ta thưởng thức đã trải qua một quá trình chăm sóc, vun trồng tỉ mỉ "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", là sự "dãi nắng dầm mưa", "hai sương một nắng" tần tảo, vất vả của người nông dân. Lòng biết ơn còn là chuẩn mực để nhắc nhở con người về giá trị của gia đình, quê hương và cội nguồn.

Tuy nhiên, bên cạnh những người luôn cố gắng gìn giữ, phát huy lòng biết ơn, vẫn còn tồn tại những con người có lối sống đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của dân tộc, thể hiện qua việc lãng quên quá khứ, sống bội bạc, vong ơn phụ nghĩa. Đâu đó trong xã hội này, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những người con bất hiếu buông lời xúc phạm và ngược đãi bố mẹ. Thậm chí có những người sẵn sàng phản bội những người từng giúp đỡ mình để thỏa mãn lòng ích kỉ hay sự đố kị, ghen ghét…Đó là những hành động, thái độ sống đáng bị lên án, phê phán bởi họ đã lãng quên đi cội nguồn sinh thành, nuôi dưỡng. Có một câu tục ngữ như thế này: “Đáy biển tuy sâu nhưng người đời đo được. Lòng người tuy ngắn nhưng chẳng ai đo được bao giờ”.

Để gìn giữ và phát huy lòng biết ơn, chúng ta cần ghi nhớ, tôn vinh, trân trọng những điều được tạo nên từ cội nguồn, quá khứ như những giá trị tinh thần, văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, tích cực tham gia vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng những hành động cụ thể và thiết thực; có thái độ lên án, phê phán mạnh mẽ đối với lối sống vô ơn, bội bạc.

Như vậy, lòng biết ơn là một trong những biểu hiện tốt đẹp của lối sống thủy chung và là lẽ sống cao đẹp cần được phát huy, vun đắp hơn nữa trong cuộc sống hiện nay. Lòng biết ơn là lời cảm ơn phát xuất từ lòng chân thành, trân trọng những gì ta có, ngay cả những niềm vui nhỏ bé; và là lòng cảm tạ với tất cả những gì ta được nhận.

Dù hoàn cảnh đôi khi khó khăn, song vẫn luôn có điều gì đó trong cuộc sống đáng cho ta cảm ơn. Điều đó có nghĩa rằng ta sống cuộc sống của mình nhờ mọi thứ thật kì diệu hỗ trợ ta, và luôn tự nhắc nhở mình là đã nhận bao nhiêu điều từ cuộc sống này. Mỗi một ngày được sống đều là phúc lành và từng khoảnh khắc đều mang lại nhiều điều ta cần tạ ơn. Cuộc sống sẽ mở cho ta nhiều cánh cửa khi ta có lòng biết ơn cuộc sống. Lòng biết ơn chuyển sự tập trung của ta từ những gì cuộc sống của ta đang thiếu sang cái ta dư thừa, là những thứ vẫn đang hiện hữu. Nói lời cảm ơn có thể khiến mọi người quanh ta hạnh phúc hơn và vui vẻ hơn, nó củng cố các mối quan hệ, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu stress.

Về bản chất, lòng biết ơn cũng như quả bóng tuyết, càng lăn xa càng lớn thêm. Khi ta trân trọng và thể hiện lòng biết ơn cuộc sống, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn và mang cho ta thêm nhiều phúc lành. Một trong những thái độ sống bị phê phán nhiều hiện nay đó là tính cách: “Ăn cháo đá bát - Qua cầu rút ván - Được cá quên nơm …” mà kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam đã nêu ra để minh họa cho một tính cách khá phổ biến trong xã hội hiện nay, đó là sự vô ơn! Tại sao? Do tính tự cao trong mỗi con người, nhất là khi mình có một năng lực hay quyền lực nào đó thì sẽ cho là mình có thể làm mọi thứ, không cần sự giúp đỡ của ai hay thậm chí còn cho rằng đó là sự khôn ngoan biết lợi dụng kẻ khác của mình.

Đôi khi, sự vô ơn bắt nguồn từ bé khi còn ở trong gia đình. Trong nhà thì con cái có thể suy nghĩ là việc mua sắm trang bị các tiện nghi vật chất của bố mẹ dành cho mình là một điều dĩ nhiên phải có, đâu cần có lời cám ơn! Thậm chí khi đạt được một kết quả nào đó như thi đậu, được bằng khen.. thì phải được bố mẹ tưởng thưởng bằng một hiện vật có giá trị cao và đó là trách nhiệm của bố mẹ! Không việc gì phải cảm ơn! Để rồi khi bước ra ngoài xã hội, thì trẻ lại nhìn mọi thuận lợi đến với mình như một sự tình cờ hay may mắn! Tình cờ gặp được một người chỉ giúp mình đường đi, tình cờ ngồi cạnh một người bạn giỏi toán và được hướng dẫn giải bài tập ngon lành, như thế đâu cần phải cám ơn ai! Cuối cùng, đỉnh cao của sự vô ơn chính là những Đòi Hỏi Bất Tận của những đứa “con cưng”. Có cái áo đẹp thì phải có đôi giày hợp mốt, có cái máy tính thì lại đòi cái điện thoại iphone …

Một hình thức khác của sự vô ơn đó là khi đã được giúp đỡ, đa phần người ta thường tìm cách biện minh, nhằm tránh phải mang ơn, chẳng hạng như: “ôi cô ta tiền thiếu gì, giúp mình có bao nhiêu đây chẳng bỏ vào đâu”, hay “ anh ta giúp tôi bởi vì đó là tiền chùa”, hay tệ hơn nữa là phủi ơn, không bao giờ chấp nhận rằng người ta đã giúp đỡ mình, và tự tạo cho mình một vỏ bọc cần cù giỏi giắn và tự mình làm nên, phủi sạch những ân tình mà người đã ở cạnh mình những lúc gian khó.

Con người dù ở thời đại nào, nền văn hóa nào thì cũng coi trọng ân nghĩa, bất luận Đông, Tây, hay Âu Á. Kể cả một số loài vật có trí khôn cũng biết ơn khi ta làm điều tốt cho nó. Mang ơn thì phải trả ơn, đó là điều quá đỗi hiển nhiên. Nhưng gần đây, Jenny khi tìm tư liệu để cho bài viết này, thì Jenny có đọc được một câu đó là: “Thi ân mạc niệm, thọ ân mạc vong”, và Jenny rất lấy làm ngạc nhiên. Bỏi đây là câu nói mà cổ nhân đã dạy, và người xưa thì chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng Nho giáo, lấy Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín làm chí lập thân. Vậy thì cớ sao ông bà ta lại để lại cho con cháu một lời dạy thật là chua chát đến như vậy?

Thưa quí vị, “Thi ân mạc niệm”, tức là mình làm ơn cho ai thì mình nhớ rất rõ. Quả đúng vậy! Có đôi khi mình làm ơn một cách hết sức tự nhiên mà không cần ai đền đáp, nhưng mình vẫn nhớ rất rõ mình đã giúp ai điều gì. Và mặc dù mình không cần đền đáp, nhưng một tiếng cảm ơn cũng không nhận được sẽ làm mình khó chịu và hụt hẫng ghê lắm. Còn giả như người ta hoàn toàn trở mặt không nhận đã mang ơn mình thì điều đó lại càng thực sự làm mình nổi giận hơn! Vì sao? Thưa quí vị đó là: “Thi ân mạc niệm.”

Nói đến đây Jenny chợt nhớ đến một lời nói của Jésus: “Khi làm điều gì cho ai bằng tay phải thì đừng để tay trái biết”. Có lẽ đó là cách để ta đừng quá kiêu ngạo chăng? Phật cũng có đề cập đến chuyện này khi nói: vì thương người mà bố thí nhưng còn thấy có người bố thí và người được bố thí, đó là cái hạnh của La Hán. Bố thí mà không thấy có người bố thí và kẻ nhận của bố thí, đó là cái hạnh của Bồ Tát. Nhưng bố thí không vì thương cũng không vì lợi, tự nhiên như hơi thở, vào ra không vướng bận, đó là cái hạnh của Phật vậy. Thế mới biết dù là ai, ở đâu, khi đã bắt đầu đạt đến trạng thái “ngộ” rồi thì có lẽ cũng đều trở về cùng một tư tưởng Nhất Thể, Đông cũng như Tây. Câu “Thi ân mạc niệm” xin dừng ở đây, nói nhiều đâm ra sa đà tiểu tiết, mất hay đi.

Còn câu nói: “Thọ ân mạc vong”, tức là mang ân người thì hay sinh lòng bội phản ! chà…, câu này sao nghe chói tai quá sức. Có ai trên đời này lại muốn làm kẻ vong ân bội nghĩa, vắt chanh bỏ vỏ, ăn cháo đá bát không nhỉ? Chắc chắn không rồi. Nhưng cũng xin thú thực với mọi người, Jenny đây đôi khi nghĩ, vắt chanh không bỏ vỏ thì để lại sẽ đắng lắm. Ngẫm cho kỹ thấy cũng có điều đúng. Khi mình nhờ ai đó làm gì giúp mình, hay mượn tiền, mượn đồ thì khi trả mình sẽ kèm theo tiếng cảm ơn, đó là điều tự nhiên của một người có văn hóa, sống có tình có nghĩa. Nhưng đó là những việc nhỏ có thể trả lại, hãy nói đến những cái ơn lớn hơn khó mà trả. Bởi chẳng thể trả dứt được, ta luôn mang cái ơn đó trong lòng, và lắm khi chính cái ơn đó làm tâm hồn ta bị đè nặng. Đến khi không chịu được nữa ta sẽ tìm mọi cách để quên nó đi. Jenny không nói là ai cũng vậy, nhưng trên đời này không thiếu kẻ như vậy. Và đó là một điều sai, một suy nghĩ sai vô cùng, cho dù biện minh như thế nào đi chăng nữa.

Câu nói “Đừng đòi hỏi đất nước đã làm gì cho mình, mà hãy tự hỏi mình đã đóng góp gì cho đất nước”, đó là câu nói nổi tiếng của tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy cho thấy con người phải sống với sự biết ơn mới có thể giúp cho xã hội phát triển. Những người vô ơn giống như kẻ sống trên hoang đảo. Đó là một người cô đơn, một người tự xây bức tường thành cao và kiên cố vây quanh mình, vô cảm trước bất cứ mối tương quan nào. Ngoài ra, họ cũng lạ lẫm với chính mình nữa, vì họ đã từ chối sự biết đến người khác. Còn người biết ơn là người mở rộng vòng tay. Một người luôn tôn trọng người khác và quý trọng những gì người khác đã trao ra cho mình, đã giúp đỡ cho mình những lúc mình khó khăn nhất. Thực sự lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu không khí yêu thương, một tinh thần chung sức với nhiều cảm thông và sẵn sàng chia sẻ

trong gia đình. Có thể nói một gia đình có văn hóa là nơi mà mọi người biết nói lời cám ơn và xin lỗi.

Một xã hội văn minh là nơi mà mọi người biết xin lỗi từ những chuyện nhỏ nhặt mà mình đã gây ra cho người khác và biết cám ơn nhau từ những điều hết sức bình thường trong các mối quan hệ ứng xử. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta hãy dạy trẻ nói tiếng cám ơn và xin lỗi. Cách dạy hiệu quả nhất, đó là chính chúng ta hãy biết nói lời cám ơn và xin lỗi đối với trẻ về những gì mà trẻ đã làm cho mình và những sai lầm hay thiếu sót mà ta đã gây ra cho trẻ. Thể hiện lòng biết ơn là tạo cho ta cơ hội thiết lập được mối quan hệ lâu bền với những người xung quanh. Chính những mối quan hệ đó sẽ giúp cho cuộc đời của chúng ta tốt đẹp hơn.

Người ta thường nói: “Phía sau sự thành công của một người đàn ông có bóng dáng của phụ nữ”. Điều đó nhắc chúng ta nhớ, chớ nên phụ bạc người vợ, người yêu, người đã từng vì mình đồng cam cộng khổ, họ sẵn sàn một lòng một dạ chịu thiệt về bản thân, để luôn ở bên khích lệ, gian khổ có nhau, hy sinh tất cả chỉ để ủng hộ chồng được thành công trong sự nghiệp… và phía sau sự trưởng thành của mỗi người chính là công lao trời bể và những hi sinh thầm lặng của đấng sinh thành. Tôi tin chắc rằng bố mẹ chính là những hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng nhất trong trái tim của mỗi người con.Thế nhưng trong cuộc sống vì ngại ngùng chúng ta lại không hay biểu lộ tình cảm, sự trân trọng ấy với bố mẹ. Cho nên, ngay từ bây giờ, hãy làm tất cả những gì mà mình có thể để bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, đối với người bạn đời của mình, hay với những người đã hết lòng giúp đỡ ta mới có được ngày hôm nay.

Ông bà ta thường có câu: “có đức mặc sức mà hưởng”. Vì thế, xin đừng quá buồn lòng khi mình giúp đỡ người ta mà người ta không một lời cảm ơn, bởi cái phúc của mình sẽ được ghi nhận và được đáp đền xứng đáng, có thể là mình chưa được hưởng, nhưng phúc đức ấy sẽ linh ứng lên đời con cháu của mình, chẳng đi đâu xa, người ta thường nói câu: “Thi ân bất cầu báo” là vậy.

5. Nghị luận Thế giới cần có sự tri ân mẫu 4

Thế giới chuyển động và phát triển trải qua nhiều thời kỳ sự vận động tiến hóa của loài người. Sự phát triển của xã hội văn minh hiện đại như nay được xây dựng dựa trên nước mắt, mồ hôi và máu của những thế hệ đi trước. Và chúng ta những người trẻ những thế hệ 9x và cả thế giới sống ở xã hội văn minh hiện đại này luôn phải có trong mình lời tri ân sâu sắc tới những thế hệ cha ông của chúng ta.

Tri ân ở đây thể hiện sự ghi nhớ, lời cảm ơn lòng biết ơn tới những người ban cho ta cuộc sống này là cha mẹ đã sinh ra nuôi nấng ta để ta có thế tồn tại và nhìn thấy thế giới rộng lớn này. Tri ấn tới những người đã xây dựng phát triển nền hòa bình giúp chúng ta sống trong cuộc sống an bình, tri ân tới những người đã xây dựng và phát triển xã hội giúp con người chúng ta được tiếp nhận tri thức khoa học.Tri ân không phải là của một cá nhân của một tập thể mà là cách ứng xử của cả thế giới cần hướng tới.

Con người không thể tồn tại riêng lẻ trong cộng đồng mà cần có mối quan hệ, có xã hội có tập thể hình thành sức mạnh chung cho toàn xã hội, mỗi cá nhân đều được được nhận được từ cuộc sống tươi đẹp. Trân trọng và biết ơn những điều đpẹ được nhận là thái độ sống của con người chân chính nhờ có lòng tri ân giúp con người xích lại gần nhau hơn và những điều tốt đẹp được chúng ta nối dài theo thời gian.

Sự tri ân không chỉ đem lại cho người khác niềm vui, sự xúc động mà còn góp phần định hướng điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm hoạt động của con người. Tri ân là điều kiện cần có để con người hoàn thiện nhân cách suy nghĩ hành động đúng với chuẩn mực của xã hội tránh gây ra những hiện tượng tiêu cực, đi ngược với sự phát triển hài hòa của cuộc sống hiện nay.

Trong thời đại ngày nay trước những vấn đề bức thiết nhân loại , khi mà mỗi dân tộc đều được đặt trong mối quan hệ tương quan với các dân tộc khác được nhận sự giúp đỡ, chia sẻ của cả thế giới thì lòng tri ân lại càng trở thành nét đẹp trong cách ứng xử giữa các quốc gia để xây dựng thế giới tươi đẹp, hòa mình văn minh.

Như vậy thế giới luôn cần và tôn tại sự tri ân là một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bới nếu bản thân mỗi người không biết trân trọng biết ơn, dửng rưng trước ân nghĩa thế hệ trước, người khác mang lại trở thành sự ích kỷ đối với cuộc sống.

Biết và hiểu được ý nghĩa sâu sắc của sự tri ân, Mỗi người cần biết trân trọng những điều tốt đẹp dù là nhỏ nhất để tri ân đối với những người thân, những người xung quanh và cả cuộc sống này. Sự tri ân được con người chúng ta thể hiện qua những hành động tốt đẹp cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, Thể hiện tình cảm biết, lòng cảm ơn sâu sắc tới thế hệ trước. Thể hiện bằng hành động và tình cảm với cuộc sống này.

Trong cuộc sống bản thân tôi luôn biết ơn tới bố mẹ đã sinh ra tôi, giúp tôi có thể cảm nhận được cuộc sống, được đi học , được chơi, và được yêu thương với cuộc sống. Lòng biết ơn sự tri ân tới bố mẹ là cả đời là lòng biết ơn vô hạn với gia đình. Bản thân tôi luôn biết ơn tri ân tới những anh hùng đã gìn giữ và bảo vệ đất nước giúp tôi sống trong một xã hội hòa bình, giúp bản thân được phát triển và mọi người quan tôi được sống trong hòa bình tránh chiến tranh. Tôi luôn cảm ơn tới những người hùng, những nhà khoa học dù ở lĩnh vực nào họ cũng đã giúp cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Lòng tri ân giúp cho chúng ta sống tốt hơn, giúp bản thân ta luôn hoàn thiện bản thân, có thể chưa phải là tất cả nhưng mỗi chúng ta với lòng tri ân đều hướng tới cái tốt hướng tới sự biết ơn để giúp chúng ta cùng nhau xây dựng và gìn giữ sự hòa bình và bảo vệ gia đình và cuộc sống của mình.

------------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Nghị luận về câu nói Thế giới cần có sự tri ân. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán lớp 10, Tiếng Anh lớp 10, đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10...

Đánh giá bài viết
1 5.172
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm