Cách thức trình bày đoạn văn: Diễn dịch - quy nạp - song hành - móc xích - tổng phân hợp

Cách thức trình bày đoạn văn: Diễn dịch - quy nạp - song hành - móc xích - tổng phân hợp…được VnDoc tổng hợp và chia sẻ xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

1. Đoạn văn diễn dịch (Có câu chủ đề)

Đoạn diễn dịch là đoạn văn trong đó câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề. Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, có thể kèm theo nhận xét, đánh giá và bộc lộ cảm nhận của người viết.

VD1:

Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa như mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho tận tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, hay múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng vẻ đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại.

(Khái Hưng)

VD2:

Hiện nay tình hình giao thông tại thành phố có rất nhiều vấn đề phải nói trong đó có vấn đề ùn tắc giao thông. Các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc là do những lí do sau: gần trường học, có đường ray xe lửa đi qua, thường xuyên gặp nước khi trời mưa, hệ thống tín hiệu đèn giao thông bị hỏng mà không có sự can thiệp kịp thời của cảnh sát giao thông, và ý thức của người dân… chống ùn tắc giao thông là vấn đề của toàn xã hội, chứ không phải của riêng ngành giao thông, công an. Về lâu dài nên mở rộng diện tích đất khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh ra ngoại ô, tức là giãn dân ra xa khu trung hành chính hiện ra để thực hiện vấn đề trên không còn cách nào là phải quy hoạch lại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện ra xa trung tâm hiện nay.

VD3:

Vẻ đẹp của con người không chỉ thể hiện qua nhan sắc mà còn được khẳng định bởi tài năng và tâm hồn. Nhan sắc là sắc đẹp trời phú, là hình hài mẹ cha ban tặng cho mỗi con người nhưng tài năng, tính cách là sự tu dưỡng, rèn luyện ở mỗi cá nhân.. Một bông hoa dù sắc màu rực rỡ nhưng không tỏa ngát hương thơm, liệu có thu hút được ánh nhìn của mọi người được lâu ? Con người cũng vậy, vẻ đẹp ngoại hình sẽ tạo ấn tượng với người khác nhưng sự tài năng và sâu sắc trong tâm hồn sẽ khiến người khác nhớ mãi về bạn. Do đó mỗi người cần có sự chăm chút chính bản thân mình, để "dù bạn không cao nhưng vẫn khiến người khác phải ngước nhìn". Tài năng hay vẻ đẹp tâm hồn ấy dù có sẵn trong mỗi chúng ta nhưng nếu không chịu học hỏi, bồi đắp kiến thức thì chúng cũng sẽ ngủ quên và dần dần biến mất. Mỗi ngày trôi qua, bạn cần học hỏi nhiều hơn, lắng nghe cuộc sống nhiều hơn để nuôi dưỡng tâm hồn. Đó cũng chính là cách bạn yêu thương và trân trọng chính bản thân mình.

VD4:

“Sáng tác thơ là một công việc rất đặc biệt, rất khó khăn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hình thành một cá tính sáng tạo.Tuy vậy, theo Xuân Diệu - tuyệt nhiên không nên thổi phồng cái cá biệt, cái độc đáo ấy lên một cách quá đáng. Điều ấy không hợp với thơ và không phải phẩm chất của người làm thơ chân chính. Hãy sáng tác thơ một cách tự nhiên, bình dị, phải đấu tranh để cải thiện cái việc tự sáng tạo ấy không trở thành anh hùng chủ nghĩa.Trong khi sáng tác nhà thơ không thể cứ chăm chăm: mình phải ghi dấu ấn của mình vào trong bài thơ này, tập thơ nọ. Chính trong quá trình lao động dồn toàn tâm toàn ý bằng sự xúc cảm tràn đầy, có thể nhà thơ sẽ tạo ra được bản sắc riêng biệt một cách tự nhiên, nhà thơ sẽ biểu hiện được cái cá biệt của mình trong những giây phút cầm bút”..

VD5: 

Lão Hạc là một nhân vật được Nam Cao xây dựng thành công và để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên trong lòng người đọc. Ông có vợ và một người con trai duy nhất. Vợ mất sớm, vì không đủ tiền cưới vợ, con trai ông đã uất ức vô cùng mà bỏ đi đồn điền cao su. Trước khi đi, lão được người con trai tặng con chó vàng làm kỷ niệm nên ông rất yêu quý nó và đặt cho nó một cái tên rất hay. Năm ấy, vì mất mùa đói kém, bão lũ đã cướp đi hết mùa màng của lão, lão cũng lâm bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống khốn khó đã ép lão đến bờ vực thẳm của cuộc đời, không còn cách nào khác, lão đành phải cắt ruột bán đi con chó vàng yêu quý của mình; bán xong, lão khóc như một đứa trẻ. Sợ sống sẽ ảnh hưởng đến đứa con trai duy nhất của ông, vì lỡ tâm lừa dối một con chó, ông quyết định chết theo chó trong đau đớn, tủi nhục. Cái chết của lão cũng chính là để giữ gìn lòng tự trọng của lão đối với con. Lão Hạc có một tấm lòng thật cao cả, đáng trân trọng.

VD6:

Lời chào đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa người với người. Đặc biệt là đối với người Việt Nam vốn coi trọng phép tắc và phép xã giao. Lời chào thường được dùng cho cả người quen lẫn người không quen. Hầu hết đa số người trẻ tuổi chào hỏi những người lớn tuổi trước. Vai trò của lời chào trong cuộc sống không mang tính xã giao như nhiều người vẫn nghĩ. Một lời chào trước hết thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận. Đồng thời cũng thể hiện tình cảm, sự quan tâm của người nói đối với người nhận. Một lời chào, như một lời cảm ơn hay xin lỗi, không làm cho một người nghèo đi hay giàu thêm. Nhưng nó có thể góp phần làm nên nhân cách tốt đẹp, trình độ văn minh của con người. Chính vì vậy mà ông cha ta có một câu nói rất ý nghĩa "Lời chào cao hơn mâm cỗ" hay "lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" để khuyên mọi người phải luôn có ý thức giữ gìn lễ nghi, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


2. Đoạn văn quy nạp (Có câu chủ đề)

Đoạn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát, từ ý luận cứ cụ thể đến ý kết luận bao trùm. Theo cách trình bày này, câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn. Ở vị trí này, câu chủ đề không làm nhiệm vụ định hướng nội dung triển khai cho toàn đoạn mà lại làm nhiệm vụ khép lại nội dung cho đoạn ấy. Các câu trên được trình bày bằng các thao tác lập luận, minh họa, cảm nhận và rút ra nhận xét đánh giá chung.

VD1:

Những đứa con từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau…Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hàng ngày và ảnh hưởng đặc biệt các đức của người mẹ, đã hình thành dần dần bản tính của đứa con theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”. Ngoài ra, những đứa trẻ thường là thích bắt chước người khác thông qua những hành động của người gần gũi nhất chủ yếu là người mẹ. Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình.

(Trần Thanh Thảo)

VD2:

Đêm nay là đêm 30, gia đình tôi đang tất bật chuẩn bị mâm cỗ để đón giao thừa. Anh trai và bố đang làm thịt gà, mẹ thì nhào bột làm bánh rán. Năm nào cũng vậy, món bánh rán của mẹ tôi luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ đặc biệt đó. Còn tôi, vì là con gái cưng trong gia đình và là trưởng nữ của dòng họ, nên tôi được ưu ái giao cho nhiệm vụ cùng ông bà trang trí bàn thờ tổ tiên. Mọi người ai trong gia đình, ai cũng cố gắng làm thật nhanh để kịp giờ. Đúng 12 giờ, gia đình chúng tôi, 3 thế hệ đã quây quần đông đủ bên mâm cỗ cùng nâng ly chúc mừng năm mới. Tiếng chúc mừng, tiếng cười, tiếng ly va vào nhau… Tất cả làm cho tôi có một cảm nhận: Gia đình mình thật hạnh phúc.

VD3:

Những chiếc điện thoại thông minh giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Chúng không chỉ giúp chúng ta có thể liên lạc với nhau ở khoảng cách xa xôi, kết nối thông tin trên toàn thế giới mà còn giúp chúng ta tiếp cận với những kiến thức của toàn nhân loại. Thế nhưng, nó cũng đem lại cho chúng ta rất nhiều phiền toái như sự trói buộc, lệ thuộc vào điện thoại, những hệ lụy cho con trẻ như nghiện game hay internet, các thông tin đồi trụy, chưa được kiểm duyệt. Có thể nói, điện thoại thông minh vừa mang tới lợi ích nhưng cũng mang tới nhiều tác hại cho con người.

3. Đoạn tổng – phân – hợp (Có câu chủ đề ở đầu và cuối đoạn văn)

Đoạn tổng – phân – hợp là đoạn văn phối hợp diễn dịch với qui nạp. Câu mở đầu đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo triển khai cụ thể ý khái quát. Câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Những câu triển khai ý được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, nhận xét, đánh giá hoặc nêu suy nghĩ…để từ đó đề xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp, khẳng định, năng cao vấn đề.

VD:

Thế đấy, biển luôn luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu giận dữ…Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lung, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

(Vũ Tú Nam)

VD2:

Sách mang tới cho chúng ta nguồn kiến thức vô hạn. Bởi sách không chỉ cung cấp cho chúng ta thông tin, kiến thức về văn hóa, chính trị, về tôn giáo, ... mà còn giúp chúng ta chiêm nghiệm về xã hội xa xưa thông qua các tác phẩm văn học, lịch sử. Nó giúp chúng ta được sống nhiều cuộc đời khác nhau, giúp chúng ta mở mang chân trời mới. Đọc sách, người ta thấu hiểu nhiều điều, nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, có thể nói, sách chính là kho tàng kiến thức của cả nhân loại.

VD3:

“Lòng biết ơn là cơ sở của đạo làm người(1). Hiện nay trên khắp đất nước ta đang dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ anh hùng, những gia đình có công với cách mạng(2). Đảng và Nhà nước cùng toàn dân thực sự quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách(3). Thương binh được học nghề, được trợ vốn làm ăn; các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng nhà tình nghĩa, được các cơ quan đoàn thể phụng dưỡng, săn sóc tận tình(4). Rồi những cuộc hành quân về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, những nghĩa trang liệt sĩ đẹp đẽ với đài Tổ quốc ghi công sừng sững, uy nghiêm, luôn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ hãy nhớ ơn các liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì độc lập, tự do…(5)Không thể nào kể hết những biểu hiện sinh động, phong phú của đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta(6). Đạo lí này là nền tảng vững vàng để xây dựng một xã hội thực sự tốt đẹp(7).

4. Đoạn văn song hành (Không có câu chủ đề)

Đây là đoạn văn có các câu triển khai nội dung song song nhau, không nội dung nào bao trùm lên nội dung nào. Mỗi câu trong đoạn văn nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, làm rõ cho nội dung đoạn văn.

VD:

Trong tập “Nhật kí trong tù” (Hồ Chí Minh), có những bài phác họa sơ sài mà chân thực đậm đà, càng tìm hiểu càng thú vị như đang chiêm ngưỡng một bức tranh cổ điển. Có những bài cảnh lồng lộng sinh động như những tấm thảm thuê nền gấm chỉ vàng. Cũng có những bài làm cho người đọc nghĩ tới những bức tranh sơn mài thâm trầm, sâu sắc.

(Lê Thị Tú An)

VD:

Nón lá thường có hình chóp nhọn, được làm bằng lá cọ phơi khô, có phết sơn bóng phía ngoài. Đây là chiếc nón thông dụng, được người dân ta sử dụng thường xuyên để che nắng, che mưa, cũng như trở thành một thứ biểu tượng cho con người Việt Nam. Cũng có loại nón lá hình tròn, gọi là nón quai thao, đây là nón đặc trưng mà các liền anh liền chị dùng trong các lễ hội giao duyên truyền thống. Ngoài ra còn có nón ngựa, đây là loại nón riêng của tỉnh Bình Định, được làm bằng lá dứa, người ta thường đội khi cưỡi ngựa.

VD:

Giống như trong mọi tác phẩm kinh điển trên thế giới này, Success (thành công) luôn đến sau Failure (thất bại). Nếu bạn muốn tận hưởng ánh nắng của thành công. Bạn phải chịu đựng những cơn mưa thất bại.

Không có con đường thành công nào là khang trang cả. Nếu bạn sợ thất bại, bạn sẽ không bao giờ đến được bờ bên kia của thành công.

Kiếm muốn sắc phải mài. Hoa muốn thơm phải qua đông lạnh. Edison chính là một trong những người không sợ thất bại. 1000 lần thí nghiệm, 1000 lần thất bại.

Hết ngày này sang tháng khác, trăng sao đã chìm trong giấc ngủ mà ông vẫn say sưa miệt mài. Cũng chính vì những lần thất bại đó, mà cái tên Edison được ghi vào sử sách. Máy hát, đèn điện … Những phát minh vĩ đại này chính là minh chứng cho vinh quang của ông.

Nếu không phải một phen sương lạnh buốt, thì hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương. Nhiều người nói Hải Thụy là một tên ngốc. Nhưng nhờ tên ngốc ốc dùng cả một đời gột rửa vương triều mục nát. Để tạo ra một vịnh nước trong xanh.

Trong triều không ai ủng hộ ông. Hoàng đế hồ đồ vô dụng. Nhưng đứng trước những khó khăn thất bại đó. Ông lại lôi ngược dòng tiền lên. Không sợ bãi quan, không sợ lời ra tiếng vào. Bằng sự cố gắng của mình để lại tên tuổi vẻ vang trong lịch sử.

VD:

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Đi bất cứ nơi đâu trên đất nước này, bạn cũng gặp hình ảnh của Người trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn của mỗi người dân. Bác đã hiến trọn cuộc đời cho dân tộc. Mấy chục năm gian nan thử thách ở nước ngoài, Bác đã tìm cho dân tộc con đường đi cách mạng đế rồi từ đó, nhân dân ta đòi lại được tự do. Hình ảnh Bác đẹp trong lòng của mỗi người dân Việt không phải chỉ vì Bác đã đem đến cho chúng ta cơm áo tự do mà ngay từ trong cách sống, Bác đã là tấm gương cho tất cả mọi người. Bác sống giản dị và giàu tình cảm. Tôi chưa thấy ở nơi đâu, một vị Chủ tịch nước lại giản dị như thế. Người ăn mặc bình dân, Người sống hòa mình. Người bận trăm công ngàn việc mà vẫn dành thì giờ chăm lo từ những cụ già đến các bé nhi đồng nhỏ tuổi. Người sống trọn mình cho dân tộc chẳng vướng bận chút riêng tư. Tôi xem nhiều và đọc nhiều nhưng tôi chưa thấy ở đâu người ta yêu vị lãnh tụ của mình như thế! Thế mới biết ở giữa cái cuộc sống xô bồ và hỗn độn này muôn đế lại một cái gì, con người ta ngoài tài năng còn cần có thêm một nhân cách. Bác của chúng ta đẹp và trường tồn bởi Người có nhân cách đẹp và tài năng sáng chói, vĩnh cửu.

VD:

Trong lớp em có rất nhiều bạn thân, nhưng người thân nhất chính là bạn A. Bạn năm nay 12 tuổi bằng tuổi em. Dáng người bạn dong dỏng caom khuôn mặt bầu bình, đầy đặn hễ ai nhìn cũng thấy đáng yêu. Nước da ngăm ngăm đen, mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Cặp mắt đen láy lúc nào cũng mở to, tròn xoe như hai hòn bi ve. Sống mũi cao và cái miệng luôn nở nụ cười. Ở A lúc nào cũng toát lên vẻ năng động, tự tin, hóm hỉnh và hài hước nên rất dễ mến. Trong lớp ai cũng thích chơi với bạn. Bạn học rất giỏi, luôn hăng hái phát biểu xây dựng bài, thường giúp đỡ các bạn học sinh yếu. Đặc biệt, A có một giọng hát rất hay, bạn là cây văn nghệ của trường, mỗi khi trường tổ chức văn nghệ bạn thường tham gia. Ở nhà bạn cũng biết giúp đỡ cha mẹ, bạn là một người con ngoan trò giỏi.

5. Đoạn văn móc xích

Đoạn văn có kết cấu móc xích là đoạn văn mà các ý gối đầu, đan xen nhau và thể hiện cụ thể bằng việc lặp lại một vài từ ngữ đã có ở câu trước vào câu sau. Đoạn móc xích có thể có hoặc không có câu chủ đề.

VD1:

Đọc thơ Nguyễn Trãi, nhiều người đọc khó mà biết có đúng là thơ Nguyễn Trãi không. Đúng là thơ Nguyễn Trãi rồi thì cũng không phải là dễ hiểu đúng. Lại có khi chữ hiểu đúng, câu hiểu đúng mà toàn bài không hiểu. Không hiểu vì không biết chắc bài thơ bài thơ được viết ra lúc nào trong cuộc đời nhiều nổi chìm của Nguyễn Trãi. Cũng một bài thơ nếu viết năm 1420 thì có một ý nghĩa, nếu viết năm 1430 thì nghĩa khác hẳn.

(Hoài Thanh)

VD2:

Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nhức nhối nhất của toàn cầu hiện nay. Ô nhiễm môi trường gây ra nhiều thiệt hại cho con người cũng như thiên nhiên. Thiên nhiên bị phá hủy, những rừng cây bị thiêu cháy trong lửa đỏ, hàng ngàn các loài động vật bị thiêu cháy. Động vật, thực vật vốn là những giống loài giúp cân bằng hệ sinh thái, tạo nên môi trường thiên nhiên trong sạch nay lại đang dần tuyệt chủng bởi bàn tay con người. Con người có thể tạo nên nhiều thứ tươi đẹp nhưng cũng phá hủy đi nhiều thứ khác tươi đẹp hơn.

VD3:

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất thì phải có kĩ thuật tiên tiến. Muốn sử dụng kĩ thuật thì phải có văn hóa. Vậy việc bổ túc văn hóa là cực kì cần thiết. (Hồ Chí Minh)

6. Đoạn văn so sánh

Đoạn văn so sánh có sự đối chiếu để thấy cái giống nhau hoặc khác nhau giữa các đối tượng, các vấn đề,…để từ đó thấy được chân lí của luận điểm hoặc làm nổi bật luận điểm trong đoạn văn. Có hai kiểu so sánh khi viết đoạn văn là: so sánh tương đồng và so sánh tương phản.

So sánh tương đồng: Đoạn văn có sự so sánh tương tự nhau dựa trên một ý tưởng.

VD:

Ngày trước ông cha ta có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Cụ Nguyễn Bá Học, một nho sĩ đầu thế kỉ XX cũng viết: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Sau này vào những năm bốn mươi giữa bóng tối ngục tù của Tưởng Giới Thạch, nhà thơ Hồ Chí Minh cũng đề cập tới tính kiên nhẫn, chấp nhận gian lao qua bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”, trong đó có câu: “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Câu thơ thể hiện phẩm chất tốt đẹp, ý chí của Hồ Chí Minh đồng thời còn là châm ngôn rèn luyện cho mỗi chúng ta.

(Lê Bá Hân)

So sánh tương phản: Đoạn văn có sự so sánh trái ngược nhau về nội dung, ý tưởng.

VD1:

Trong cuộc sống không thiếu những người cho rằng cần học tập để thành tài, có tri thức hơn người khác mà không hề nghĩ tới việc rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa, vốn là giá trị cao qúy nhất trong các giá trị của loài người. Những người luôn hợm mình, tự cao tự đại, nhiều khi trở thành những kẻ có hại cho xã hội. Đối với những người ấy, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của người xưa: “Tiên học lễ, hậu học văn”

(Nguyễn Quang Ninh)

VD2:

Trong cuộc sống, không thiếu những người cho rằng cần học tập để trở thành kẻ có tài, có tri thức giỏi hơn người trước mà không hề nghĩ tới việc rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa vốn là giá trị cao quý nhất trong các giá trị của con người( 1). Những người ý luôn hợm mình, không chút khiêm tốn, đôi khi trở thành người vô lễ, có hại cho xã hội(2). Đối với những người ấy, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân: “ Tiên học lễ, hậu học văn”( 3).

VD3:

Đoạn văn so sánh tương đồng, nội dung nói về hình ảnh “vầng trăng” trong bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy:

“ Tuổi thơ Nguyễn Duy gắn bó với trăng và cả khi trở thành người lính thì trăng vẫn là người bạn tri kỉ:

“hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thảnh tri kỉ”.(1)

Bằng nghệ thuật nhân hoá, Nguyễn Duy đã khắc hoạ vẻ đẹp tình nghĩa, thuỷ chung của hai người bạn: trăng và người lính, người lính và trăng(2). Cuộc sống trong rừng thời chiến tranh biết bao gian khổ, khó khăn nhưng trăng vẫn đến với người lính bằng một tình cảm chân thành, nồng hậu, không chút ngần ngại(3). Trăng đến toả ánh sáng dịu mát cho giấc ngủ người chiến sĩ “ Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm” (Hồ Chí Minh) (4). Trăng đến bên người chiến sĩ cùng chờ giặc tới trong những đên khuya sương muối: “Đầu súng trăng treo” ( Chính Hữu)(5). Ánh trăng cùng với người lính qua biết bao năm tháng gian khổ của đất nước để vượt lên mọi sự tàn phá của quân thù:

“Và vầng trăng, vầng trăng đất nước

Vượt qua quầng lửa, mọc lên cao”.

( Phạm Tiến Duật) (6).

Trăng với người lính trong thơ thật gần gũi và gắn bó (7). Đặc biệt, trong thơ Nguyễn Duy ánh trăng đã trở thành một biểu tượng cao đẹp: “ vầng trăng tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa” (9).

7. Đoạn văn có kết cấu đòn bẩy, bắc cầu

Đoạn văn kết cấu đòn bẩy, bắc cầu là đoạn văn mở đầu nêu một nhận định, dẫn một câu chuyện hoặc một đoạn thơ văn, những dẫn chứng gần giống hoặc trái với ý tưởng (Chủ đề của đoạn) tạo thành điểm tựa, làm cơ sở để phân tích sâu sắc ý tưởng đề ra.

VD1:

“Quen biết khắp thiên hạ, hiểu được mình có mấy người”. Bình thường chúng ta hay than vãn không tìm được người bạn hiểu được mình. Quả đúng như vậy, tri âm khó tìm, cuộc đời có thể có được người hiểu mình, thì không còn gì đáng tiếc! Nhưng, kết bạn không chỉ là việc của riêng đơn phương một người, mà tâm ý của cả hai phải hiểu rõ nhau, nếu chỉ một phía có tâm, một bên vô tâm thì sẽ khó thành bạn bè được. Một bên nghèo hèn, một bên giàu có, tình bạn cũng có cơ hội trải nghiệm đói no. Kết giao bạn bè, có thể cùng chung hoạn nạn, sinh tử không sợ mới có thể thấy rõ chân tình, mới đáng để ca tụng.

(Đại sư Tinh Vân)

VD2:

Hình ảnh con người mới Việt Nam đã đi vào văn học với muôn hình nhiểu vẻ, lung linh màu săc. Đó là nhwuxng con người bình dị và vĩ đại, giản dị mà cao thượng. Đó có thể là những người hăng say lao động, làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời trong "Đoàn thuyền đánh cá" hay những con người "lặng lẽ dâng cho đời" một phần sức lực nhỏ bé cho đất nước trong "Mùa xuân nho nhỏ". Và ta hãy dừng lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con người vô danh, âm thầm lặng lẽ, cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long.

Kết cấu đoạn văn: Câu 1,2 giới thiệu chung về hình ảnh con người mới VIệt Nam trong văn học. Câu tiếp theo làm điểm tựa, làm cầu nối để giới thiệu về vẻ đẹp của những nhân vật trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ở câu cuối đoạn văn.

Đánh giá bài viết
313 852.054
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm