Viết đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên hoặc Chữ người tử tù
Đoạn văn phân tích chi tiết tiêu biểu trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên hoặc Chữ người tử tù
- I. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm Chữ người tử tù
- 1. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 1
- 2. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 2
- 3. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 3
- 4. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 4
- 5. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 5
- II. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
- 1. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 1
- 2. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 2
- 3. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 3
- 4. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 4
- 5. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 5
Viết đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên hoặc Chữ người tử tù được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu làm văn mẫu 10 Kết nối tri thức. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.
I. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm Chữ người tử tù
1. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 1
Chi tiết đặc sắc và tiêu biểu nhất trong truyện ngắn Chữ người tử tù là cảnh cho chữ của Huấn Cao và viên quản ngục. Cảnh tượng này quả là lạ lùng, chưa từng có vì trò chơi chữ nghĩa thanh tao có phần đài các lại không diễn ra trong thư phòng, thư sảnh, mà lại diễn ra nơi ngục tối chật hẹp, bẩn thỉu, hôi hám. Cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy là hình ảnh tên tử tù cho chữ thì nổi bật lên uy nghi lộng lẫy, còn viên quản ngục và những kẻ đại diện cho xã hội đương thời thì lại khúm núm run rẩy. Điều đó cho thấy rằng trong nhà tù tăm tối, hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính cái đẹp, cái dũng, cái thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thơ lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách. Cũng với cảnh này, người tử tù đang đi vào cõi bất tử. Sáng mai ông sẽ bị tử hình, nhưng những nét chữ vuông vắn, tươi đẹp hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ còn đó. Và nhất là lời khuyên của ông đối với tên quản ngục có thể coi là lời di huấn của ông về đạo lí làm người trong thời đại nhiễu nhương đó. Quan niệm của Nguyễn Tuân là cái đẹp gắn liền với cái thiện. Người say mê cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương. Cái đẹp của Nguyễn Tuân còn gắn với cái dũng. Hiện thân của cái đẹp là hình tượng Huấn Cao với khí phách lừng lẫy đã sáng rực cả trong đêm cho chữ trong nhà tù.
2. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 2
Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ, có phần éo le của những con người phi thường: Huấn Cao và quản ngục. Họ gặp nhau nơi nhà tù của thực dân phong kiến đầy rẫy tội ác và tăm tối trong những ngày cuối cùng của một cuộc đời oanh liệt. Huấn Cao và quản ngục là những con người đặc biệt. Họ đều yêu nghệ thuật, trân trọng và nâng niu nghệ thuật truyền thống. Họ là những con người có thiên lương. Nhưng những bản tính lương thiện ấy lại gặp nhau nơi ngục tù tăm tối. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo đã góp phần làm nổi hình, nổi sắc nhân vật với nét tính cách, phẩm chất cao đẹp. Một Huấn Cao tài hoa, say mê nghệ thuật, bất khuất hiên ngang ngay trước thời khắc sắp rời xa cuộc đời. Một quản ngục trọng người tài, yêu thích nghệ thuật dân tộc. Qua đó, quan niệm nghệ thuật của tác giả cũng được bộc lộ rất rõ: Cái đẹp có thể sinh ra từ nơi cái xấu, cái ác nhưng không thể sống chung và khẳng định sự bất tử cũng như sức mạnh cảm hóa của cái đẹp. Nguyễn Tuân đã thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo kết hợp với bút pháp lãng mạn và cách sử dụng từ Hán Việt, lựa chọn hình ảnh, chi tiết tiêu biểu.
3. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 3
Tình huống truyện trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao – một người tài hoa, khí phách, đấu tranh để lật đổ xã hội hiện hành và viên quan ngục – một người yêu cái đẹp nhưng lại đại diện cho cái xã hội mà người kia muốn lật đổ. Nguyễn Tuân đã tạo ra nút thắt khi để Huấn Cao cho rằng viên quản ngục là một kẻ xấu, đại diện cho những kẻ cầm quyền độc ác mà không cho phép ông đặt chân đến buồm giam. Chỉ khi nghe thầy thơ lại kể rõ sự tình, nút thắt mới được mở, Huấn Cao hiểu được những sở nguyện cao đẹp của viên quản ngục. Từ đó, Nguyễn Tuân đã tạo nên một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” – đó chính là cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. Qua tình huống truyện, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ tính cách từng nhân vật, đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương trong sáng.
4. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 4
Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục, trên bình diện xã hội, hoàn toàn đối lập với nhau. Một người là tên "đại nghịch", cầm đầu cuộc nổi loạn nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp trường để chịu tội ; còn một người là quản ngục, kẻ đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời. Nhưng cả hai nhân vật này đều là những con người có tâm hồn nghệ sĩ, trên bình diện nghệ thuật, họ là tri âm, tri kỉ với nhau. Nguyễn Tuân đã đặt những nhân vật của mình vào chốn ngục tù tối tăm nhơ bẩn, tạo nên cuộc gặp gỡ kì lạ của họ. Nguyễn Tuân đã tạo ra một tình huống độc đáo : Mối quan hệ đặc biệt éo le, đầy trớ trêu giữa những tâm hồn tri âm, tri kỉ. Tác giả đã đặt những nhân vật này trong một tình thế đối địch: tử tù và quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ "tấm lòng biệt nhôm liên tài" của viên quản ngục, đồng thời cũng thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
5. Đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu truyện Chữ người tử tù mẫu 5
Trong truyện "Chữ người tử tù" của tác giả Nguyễn Tuân, cảnh cho chữ được đánh giá là chi tiết tiêu biểu, đặc sắc. Cảnh cho chữ diễn ra trước đêm Huấn Cao bị giải về kinh chịu án trong không gian buồng tối chật hẹp, ẩm ướt đầy mạng nhện, nền đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Người cho chữ "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" nhưng vẫn mải miết dậm tô nét chữ trên tấm lụa bạch toát lên vẻ ung dung, tự do tự tại. Trong khi đó, viên quản ngục là người xin chữ lại cúi đầu đón nhận như đặc ân từ người tử tù. Phong thái của người nghệ sĩ đối lập hoàn toàn với cảnh đề lao khiến cảnh cho chữ trở thành "cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Chi tiết này đã góp phần thể hiện tấm lòng thiên lương, trong sáng của viên quản ngục và tâm hồn say mê cái đẹp của cả viên quản ngục lẫn Huấn Cao. Đồng thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã khẳng định sức sống mãnh liệt của chân - thiện - mĩ: cái đẹp sẽ luôn vượt lên trên cái nhơ bẩn, xấu xa để tỏa sáng.
II. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
1. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 1
Truyện Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên được trích từ tập truyện "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ. Điểm độc đáo làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm chính là yếu tố kì ảo. Yếu tố kì ảo trong văn bản được thể hiện qua cuộc nói chuyện của Tử Văn với người đội mũ trụ và thần Thổ công. Chi tiết kì ảo này đóng vai trò bản lề để giúp Tử Văn thoát khỏi cuộc đấu tranh dưới cõi âm. Đồng thời, cho thấy được tính cách khẳng khái, thái độ ngang tàng, không chút sợ hãi trước lời thách thức, đe dọa của Tử Văn trước tên đầu đội mũ trụ. Chi tiết không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm mà còn lôi cuốn người đọc. Chi tiết kì ảo là một trong những yếu tố đặc trưng của tác phẩm nói riêng và tập truyện "Truyền kì mạn lục" nói chung.
2. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 2
Bất cứ ai đọc truyện "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên" trích trong tập truyện "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ đều không khỏi ấn tượng với chi tiết kì ảo cuối truyện: người ở thành Đông Quan thấy trong sương mù có xe ngựa của quan Phán Sự. Chi tiết này vừa tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm vừa thể hiện được tư tưởng, chủ đề của văn bản. Thông qua chi tiết này, tác giả Nguyễn Dữ muốn thể hiện thái độ ca ngợi trước những phẩm chất tốt đẹp và niềm tin tưởng của nhân dân vào những vị quan tốt như Ngô Tử Văn. Người luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Đồng thời, khẳng định những người chính trực, sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để giúp đỡ người khác sẽ để lại tiếng thơm muôn đời, là tấm gương sáng cho hậu thế học tập, noi theo.
3. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 3
Tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trích trong tập “ Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, hành động châm lửa đốt đền của nhân vật Ngô Tử Văn là chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm nhất. Hành động này xuất phát từ bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu quái trong dân gian gây nhiều tai họa. Ý nghĩa của chi tiết này đó là thể hiện tính cách, phẩm chất của Ngô Tử Văn đó là một đấng trượng phu không sợ nguy hiểm, một vị quan thanh liêm cứu người giúp đời. Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của Ngô Tử Văn, thể hiện niềm tin của nhân dân vào chính nghĩa và những con người sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích của cộng đồng. Đồng thời, phê phán tố cáo những thế lực xấu xa trong xã hội.
4. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 4
Trong truyện Chuyện chức Phán Sự đền Tản Viên trích từ tập truyện "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ, hành động châm lửa đốt đền của Ngô Tử Văn là chi tiết tiêu biểu. Nguyên nhân dẫn đến hành động chăm lửa đốt đền của Ngô Tử Văn bắt nguồn từ việc "bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu quái trong dân gian". Thông qua chi tiết này, ta có thể thấy được sự bản lĩnh, khảng khái, cương trực, sẵn sàng trừ gian diệt bạo của Ngô Tử Văn. Từ đó bày tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca của tác giả trước vẻ đẹp ngay thẳng, dũng cảm của Tử Văn. Đồng thời, tác giả đã khẳng định sức mạnh của chính nghĩa và niềm tin của nhân dân về cái thiện luôn chiến thắng cái ác.
5. Đoạn văn phân tích một chi tiết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mẫu 5
Chi tiết tiêu biểu nhất trong truyện ngắn Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là chi tiết Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự ở đền Tản Viên. Đó là chức quan chuyên trông coi việc kiện tụng, xử án ở chốn công đường, giúp cho quá trình thực thi công lí được đảm bảo. Ngô Tử Văn được nhận chức quan này bởi chàng đã không sợ cường quyền ma qúy, dũng cảm đứng lên bảo vệ công lí, chính nghĩa, chống lại cái ác, đem lại cuộc sống bình yên cho dân lành. Như vậy chức phán quan đó chính là phần thưởng xứng đáng dành cho người luôn biết đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng và sự trong sạch của xã hội. Đó cũng là mơ ước, là mong mỏi của nhân dân: người nắm giữ công lí, thực hiện công lí phải là những người có dũng khí luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho lẽ phải dù cho phải đối mặt với thế lực nào. Cũng từ đó kết quả mà Tử Văn nhận được do hành động thẳng thắn dũng cảm của chàng sẽ có tác dụng khích lệ, cổ vũ rất lớn cho sự đấu tranh của con người với cái ác cái xấu. Tử Văn trở thành một tấm gương sáng về sự cương trực đặc biệt là lòng dũng cảm vì một cuộc sống công bằng hạnh phúc cho mọi người. Hình ảnh uy phong lẫm liệt của chàng ở cuối tác phẩm chính là biểu tượng cho sức mạnh của công lí, là sự lên ngôi bất tử của chính nghĩa trong cuộc sống con người.