Tìm hiểu chung về văn tự sự
Lý thuyết Ngữ văn 6: Tìm hiểu chung về văn tự sự được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 6. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Tìm hiểu chung về văn tự sự
A. Nội dung bài Tìm hiểu chung về văn tự sự
- Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.
- Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen, chê.
- Phân biệt khái niệm tự sự với một số khái niệm tương ứng:
Tự sự | Trần thuật | Tường thuật | Kể chuyện |
Là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa. | Thuật lại một câu chuyện, một văn bản đã học, đã đọc hoặc được nghe kể. | Thuật lại một sự kiện với những chi tiết tiêu biểu, có thật theo diễn biến của nó mà người thuật chứng kiến. | Giới thiệu, thuyết minh, miêu tả nhân vật, việc làm của nhân vật và diễn biến của chúng. |
B. Bài tập tự luyện bài Tìm hiểu chung về văn tự sự
Bài 1: Hãy chứng minh rằng truyện Con Rồng cháu Tiên có một chuỗi sự việc kế tiếp và thể hiện một ý nghĩa?
Gợi ý:
Yêu cầu của bài tập này là liệt kê một chuỗi các sự việc của truyện theo đúng thứ tự (không cần kể và tả chi tiết cụ thể), sau đó rút ra ý nghĩa của truyện.
- Chuỗi sự việc của truyện Con Rồng cháu Tiên như sau:
+ Lạc Long Quân – con trai thần Long Nữ, giúp dân diệt trừ yêu quái và dạy dân trồng trọt, chăn nuôi.
+ Âu Cơ thuộc dòng dõi Thần Nông, gặp Lạc Long Quân, thành vợ thành chồng.
+ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con.
+ Vì tập quán khác nhau nên không thể ở lâu dài bên nhau, họ chia tay. Long Quân đêm năm mươi con xuống biển, Âu Cơ đem năm mươi con lên núi.
+ Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm Hùng Vương, lập nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.
+ Do đó người Việt, khi nói đến nguồn gốc của mình, thường xưng là con Rồng cháu Tiên.
- Ý nghĩa truyện: Truyện Con Rồng cháu Tiên nhằm suy tôn nguồn gốc giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết cộng đồng của người Việt.
Bài 2: Đọc các đoạn văn dưới đây, cho biết đoạn văn nào dùng phương thức tự sự. Giải thích sự lựa chọn của mình
(1) “Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé nói: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn”.
(Trích Thánh Gióng, Sách NV6 T1)
(2)“Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi lê. Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ”
(Dế mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài)
Gợi ý:
- Đoạn văn (1) là đoạn văn dùng phương thức tự sự. Vì có các sự kiện sau:
+ Giặc Ân sang xâm lược.
+ Nhà vua tìm người tài giỏi cứu nước.
+ Đứa bé bỗng cất tiếng nói “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt ta sẽ phá tan lũ giặc này”.
+ Sứ giả ngạc nhiên về tâu với vua và làm theo lời của bé dặn.
- Đoạn văn (2) là đoạn văn dùng phương thức miêu tả. Các chi tiết, hình ảnh miêu tả Dế Choắt gồm:
+ “người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện”.
+ “cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi lê”.
+ “Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ”.
Bài 3: Em hãy kể một câu chuyện ngắn gọn nhằm giải thích phong tục cúng tổ tiên ngày Tết bằng bánh chưng, bánh giầy của người Việt?
Gợi ý:
- Yêu cầu của bài tập này là nhằm giải thích một phong tục nên chỉ cần kể tóm tắt bằng những chi tiết có chọn lọc đủ để giải thích tục cúng tổ tiên bằng bánh chưng, bánh giầy. Bởi thế, do cách sắp xếp chi tiết khác nhau ở mỗi người mà có nhiều cách kể khác nhau.
- Tham khảo đoạn văn sau:
Tục truyền rằng Lang Liêu - con trai thứ mười tám của vua Hùng đã làm hai thứ bánh, bánh hình tròn tượng Trời, bánh hình vuông tượng Đất để dâng vua cha cúng Tiên vương trong ngày Tết. Thấy Lang Liêu biết quý hạt gạo, làm ra thứ bánh có ý nghĩa, vua cha truyền dạy lấy đó làm tục lệ và cho chàng nối ngôi. Từ đó, người Việt ta có phong tục ngày Tết Nguyên đán cúng tổ tiên bằng bánh chưng, bánh giầy.
C. Trắc nghiệm bài Tìm hiểu chung về văn tự sự
Câu 1: Những yếu tố quan trọng, bắt buộc phải có trong văn tự sự là?
A. Cốt truyện, nhân vật, thời gian
B. Nhân vật, thời gian
C. Chi tiết, nhân vật
D. Nhân vật, chuỗi sự kiện (cốt truyện), thời gian, người kể.
Câu 2: Văn tự sự có thể kết hợp với các phương thức biểu đạt nào:
A. miêu tả
B. biểu cảm
C. chứng minh
D. Cả A, B đúng
Câu 3: Khái niệm đúng về tự sự là?
A. Là phương thức trình bày một chuỗi các quan hệ theo trình tự lo gic, mạch lạc nhất định
B. Mục đích giao tiếp của tự sự: nhằm giúp cho người kể giải thích, tìm hiểu, bày tỏ thái độ về sự việc
C. Trình bày các sự việc theo trình tự mạch lạc nhất định
D. Cả 3 đáp án trên đều đúng
Câu 4: Sắp xếp các chi tiết dưới đây cho phù hợp với truyền thuyết Thánh Gióng
1. Gióng biết nói và nhận lời sứ giả
2. Sóng lớn nhanh, cưỡi ngựa đi đánh giặc
3. Giặc tan, Gióng bay về trời
4. Sự ra đời thần kì của Gióng
5. Vua lập đền thờ và phong danh hiệu Phù Đổng Thiên Vương
A. thứ tự 4- 2- 1 - 3 - 5
B. thứ tự 4- 5- 2 - 3 - 1
C. thứ tự 4- 1- 2 - 3 - 5
D. thứ tự 1- 2- 3- 5- 4
Câu 5: Văn bản tự sự, nhân vật chính đóng vai trò..............trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản?
A. giới thiệu văn bản
B. không quan trọng
C. chủ yếu
D. cả 3 đáp án trên đều đúng
Câu 6: Chủ đề trong văn tự sự được toát lên qua sự việc, cốt truyện, mỗi văn bản tự sự có thể có ..................chủ đề?
A. duy nhất 1 chủ đề
B. Rất nhiều chủ đề
C. hai hoặc nhiều hơn 2 chủ đề
D. một hoặc nhiều chủ đề
Câu 7: Truyền thuyết Thánh Gióng là văn bản miêu tả, kết hợp biểu cảm và tự sự KHÔNG?
A. Có
B. Không- Đây là văn bản miêu tả
C. Không- Đây là văn bản thuyết minh
D. Không- Đây là văn bản chứng minh
Câu 8: Truyền thuyết Thánh Gióng nhằm mục đích gì?
A. Giải thích nguồn gốc sự việc
B. Tìm hiểu con người
C. Bày tỏ thái độ khen chê
D. Ca ngợi người anh hùng, có công đánh giặc, cứu nước
Câu 9: Trong văn tự sự, có thể lược bớt yếu tố nhân vật không?
A. Có vì bỏ bớt sẽ ngắn gọn hơn
B. Không vì nhân vật là một trong những yếu tố căn bản của văn tự sự
C. Tùy vào người viết có thích bỏ hay không
D. Không vì nếu bỏ văn bản sẽ ngắn quá
Câu 10: " ................. trong văn tự sự được trình bày cụ thể, ............ xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả… được sắp xếp theo ý đồ người kể. " Điền từ nào vào chỗ trống?
A. Nhân vật chính
B. Nhân vật phụ
C. Sự việc
D. Không gian
Đáp án
1 - D | 2 - D | 3 - D | 4 - C | 5 - C | 6 - D | 7 - A | 8 - D | 9 - B | 10 - B |
-----------------------------
Với nội dung bài Tìm hiểu chung về văn tự sự các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức khái niệm về tự sự, mục đích và ý nghĩa về văn tự sự...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài lý thuyết Ngữ văn 6: Tìm hiểu chung về văn tự sự cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Trắc nghiệm Ngữ văn 6, Học tốt Ngữ Văn 6. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.