Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự
Lý thuyết Ngữ văn 6: Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự gồm các phần lý thuyết và bài tập tự luyện được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 6. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự
A. Nội dung bài Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự
- Đề văn tự sự đầy đủ thường nêu ra yêu cầu tự sự như: kể chuyện, tường thuật,... và nội dung của câu chuyện. Cũng có đề tự sự chỉ nêu ra nội dung của câu chuyện mà không nêu yêu cầu tự sự. Có đề tự sự nghiêng về kể người, có đề nghiêng về kể việc, có đề nghiêng về tường thuật lại sự việc.
- Tìm hiểu đề là một khâu quan trọng trong quá trình làm bài. Tìm hiểu đề giúp cho người viết xác định đúng yêu cầu của đề và có định hướng đúng cho bài văn của mình. Công việc tìm hiểu đề văn tự sự thường có những bước sau:
+ Đọc kĩ đề bài.
+ Gạch chân dưới những từ quan trọng.
+ Xác định đề yêu cầu kể về ai, về việc gì.
- Cách làm bài văn tự sự:
+ Bước 1: Tìm hiểu đề.
+ Bước 2: Lập ý: là xác định nội dung sẽ viết theo yêu cầu của đề, cụ thể là xác định nhân vật, sự việc, diễn biến, kết quả và ý nghĩa câu chuyện.
+ Bước 3: Lập dàn ý: là sắp xếp việc gì kể trước, việc gì kể sau, để người đọc theo dõi được câu chuyện và hiểu được ý định của người viết.
+ Bước 4: Viết thành bài văn theo bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
B. Bài tập bài Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự
Bài 1: Đọc kĩ hai đoạn văn mở bài sau và trả lời câu hỏi
(1) “vi vu...vi vu”, những âm thanh trong trẻo của ngọn gió mùa thu đang kể cho nhau nghe về thế giới truyện cổ tích thần kì. Tôi lắng nghe và biết được một câu chuyện rất thú vị từ ngày xửa ngày xưa được các nàng gió lưu truyền và cất giữ bằng hơi thở dịu mát của mình có tên là: “Con rồng cháu Tiên”.
(2) Có một câu chuyện mà có lẽ bất kì người Việt Nam nào cũng đều biết và yêu thích, đó là truyền thuyết “Con rồng cháu Tiên” – câu chuyện kể về nguồn gốc cao quý của người Việt (kinh) ta.
Câu 1: Theo em, hai đoạn văn trên là mở bài cho đề văn nào?
Câu 2: Hai mở bài trên có gì khác nhau? Em thích cách mở bài nào hơn? Vì sao?
Gợi ý
Câu 1: Hai đoạn văn trên là mở bài cho đề văn: “Kể lại truyện “Con rồng cháu Tiên” bằng lời văn của em
Câu 2: Hai mở bài trên khác nhau ở chỗ:
- Đoạn mở bài thứ nhất: mở bài theo cách gián tiếp, từ câu chuyện của các nàng gió, người viết giới thiệu đến câu chuyện “Con rồng cháu Tiên”.
- Đoạn mở bài thứ hai: mở bài theo cách trực tiếp, người viết giới thiệu ngay câu chuyện “Con rồng cháu Tiên”.
⇒Mở bài gián tiếp hay hơn, hấp dẫn hơn.
Bài 2: Thực hiện bước tìm hiểu đề và lập dàn ý cho đề văn: Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ trong thời thơ ấu của em?
Gợi ý:
I. Tìm hiểu đề:
– Thể loại: Tự sự (kết hợp sử dụng yếu tố nghị luận + miêu tả nội tâm).
– Nội dung: Kể lại một kỉ niệm (câu chuyện) đáng nhớ nhất giữa mình và thầy (cô) giáo cũ.
– Hình thức: Bố cục rõ ràng, đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài.
– Yêu cầu:
+ Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ nên nó phải sâu sắc, có ảnh hưởng to lớn đến suy nghĩ, tình cảm hay nhận thức của người viết.
+ Người viết bài cũng chính là người kể chuyện – xưng “tôi”.
+ Cần trả lời được các câu hỏi sau:
– Đó là kỉ niệm gì?
– Xảy ra vào thời điểm nào?
– Diễn biến của câu chuyện như thế nào?
– Điều đáng nhớ nhất trong câu chuyện ấy là gì?
* Chú ý:
– Bài viết cần tự nhiên, chân thành.
– Các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận là việc tái hiện những tình cảm, cảm xúc của mình khi kể lại câu chuyện và những suy nghĩ chân thực, sâu sắc về tình cảm thầy trò.
– Khi kể, cũng cần kết hợp với các yếu tố miêu tả (hình dáng, trang phục, giọng nói…), yếu tố biểu cảm để bài văn sinh động hơn.
II. Lập dàn ý:
1. Mở bài:
– Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 – 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.
– Bản thân mình: Nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.
2. Thân bài:
– Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện): Đó là kỉ niệm gì, buồn hay vui, xảy ra trong hoàn cảnh nào, thời gian nào?…
– Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):
+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào?
+ Đó là người thầy (cô) như thế nào?
+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).
+ Tình cảm, thái độ của học sinh đối với thầy cô.
– Diễn biến của câu chuyện:
+ Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?…
+ Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
– Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện: Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn, trong suy nghĩ: Tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).
3. Kết bài:
Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.
Với nội dung bài Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức tìm hiểu về đề văn tự sự, cách làm và lập dàn ý cho đề văn tự sự...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài lý thuyết Ngữ văn 6: Tìm hiểu đề và cách làm bài văn tự sự cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Trắc nghiệm Ngữ văn 6, Học tốt Ngữ Văn 6. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.