Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương

Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 6. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Trước khi nói

Chuẩn bị nội dung nói

- Khái quát suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương, đó là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người.

- Chỉ ra một số biểu hiện cụ thể tình cảm gắn bó của con người với quê hương:

+ với những người thân thiết,

+ với phong cảnh thiên nhiên,

+ với những phong tục tập quán,

+ với những món ăn gần gũi, đậm đà hương vị quê hương, …

- Ý nghĩa của tình yêu quê hương đối với mỗi con người:

+ giúp con người sống tốt hơn

+ là động lực giúp chúng ta luôn có ý thức phấn đấu hoàn thiện bản thân và không quên nguồn cội,…

Tập luyện

- Có thể tập luyện một mình hoặc trước bạn bè, người thân và tiếp tục những nhận xét, góp ý để phần trình bày của mình hay hơn, ấn tượng hơn.

- Tập nói rõ ràng, điều chỉnh ngữ điệu phù hợp và kiểm soát thời gian trình bày.

2. Trình bày bài nói

- Khi trình bày bài nói, cần bám sát vào mục đích nói lên suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương nói chung, có thể liên hệ với tình cảm của em với quê hương mình.

- Để nội dung trình bày được tập trung, không bỏ sót những ý quan trọng, thỉnh thoảng em có thể nhìn lướt các ý đã được ghi ra giấy.

- Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát,... để tăng sức hấp dẫn cho bài nói. Có thể thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách đặt câu hỏi gợi mở về tình cảm của mỗi người đối với quê hương. Trong khi nói có thể kết hợp ngâm thơ hoặc hát một hai đoạn về quê hương để bài nói thêm sinh động và ấn tượng. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng các phương tiện hỗ trợ để không làm loãng nội dung bài nói.

Bài mẫu số 1

Quê hương có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Đối với những con người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp…

Bài mẫu số 2

"Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay."

Ai sinh ra trên đời chẳng có một nơi gọi bằng hai tiếng thân thương: quê hương. Quê hương là nơi thân thuộc nhất với mỗi con người. Nơi ấy có ông bà, mẹ cha, có bạn bè, cô thầy trường lớp... Đó là những người đã sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người bằng tình yêu vô bờ bến. Nơi ấy còn có biết bao cảnh vật thân thương gắn bó: có con đường mỗi ngày ta đến lớp, có dòng sông tắm mát tuổi thơ ta, có lũy tre trưa hè kẽo kẹt, có cánh đồng xanh lúa thuở xuân thì... Nơi ấy còn gắn với biết bao kỉ niệm theo ta suốt hành trình khôn lớn. Ta sao quên những ngày đi học, lớp học vui tiếng nói tiếng cười. Ta sao quên những trò chơi thơ dại, lũ trẻ rủ nhau đuổi bắt trốn tìm. Ta cũng chẳng thể quên đôi lần trốn học, mắt mẹ buồn lòng ta cũng rưng rưng... Nên dù có đi đâu trên đường đời trăm ngả, chẳng bao giờ ta thôi nhớ quê hương.

Bài mẫu số 3

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…

Những lời trong bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân đã gợi ra những suy từ về tình yêu quê hương đất nước. Đầu tiên, tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Con người Việt Nam vốn giàu tình yêu quê hương, đất nước. Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn phát huy điều đó trong mọi hoàn cảnh. Từ quá khứ hào hùng của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì tinh thần đó lại càng sáng ngời. Tinh thần yêu nước không phân biệt tuổi tác, giới tính hay giai cấp. Bất kì ai, nếu đã là người Việt Nam thì đều mang trong mình lòng yêu quê hương, đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng. Nhưng có những người lại quên đi nguồn cội của mình. Điều đó thật đáng lên án và phê phán. Mỗi người dân Việt Nam cần ý thức nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
26 4.815
Sắp xếp theo

    Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

    Xem thêm