Soạn bài Chuyện cổ tích về loài người lớp 6 trang 43 Chi tiết
Soạn bài Chuyện cổ tích về loài người lớp 6 Kết nối tri thức
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.
1. Trước khi đọc bài Chuyện cổ tích về loài người
Câu 1 trang 39 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức:Nêu tên một truyện kể về nguồn gốc loài người trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam hoặc văn học nước ngoài mà em biết. Trong truyện kể đó, sự ra đời của loài người có gì kì lạ.
Hướng dẫn trả lời:
- Truyện kể về nguồn gốc loài người: Con Rồng cháu Tiên, Câu chuyện quả bầu mẹ của người Khơ mú, Câu chuyện về trăm trứng của người Mường, Thần thoại Nữ Oa của Trung Quốc…
- Trong các truyện kể đó, sự ra đời của con người có nét kì lạ là:
- Con Rồng cháu Tiên: người Việt Nam được sinh ra từ học trăm trứng, có cha mẹ là hai vị thần.
- Câu chuyện quả bầu mẹ: con người được sinh ra từ một quả bầu lớn, tất cả đều là anh em của nhau.
- Câu chuyện về trăm trứng: con người được ấp ra từ trăm quả trứng do hai chú chim sống trong hang Hào sinh ra.
- Thần thoại Nữ Oa: con người do thần Nữ Oa nặn ra từ đất bùn, rồi thổi hơi vào tạo nên sự sống.
Câu 2 trang 39 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Đọc một đoạn thơ hoặc bài thơ về tình cảm gia đình mà em biết.
Hướng dẫn trả lời:
Mẹ mang tất cả hương đồng
Đựng trong nón lá bão giông đã cời
Thương con nhớ cháu bời bời
Gánh cong nỗi nhớ về phơi phố phường
Phố cao đứng bóng nắng trườn
Cổng im im khoá, ngoài đường bụi bay
Thăm con mắt mẹ cay cay
Giọt thương ướt áo, giọt say ngóng chờ
Giọt gầy không gió bơ vơ
Giọt hao mòn đợi thẫn thờ hàng cây
Giọt quệt tay áo trắng mây
Giọt rơi hụt hẫng rớt đầy hoàng hôn…
(trích Thăm con - Nguyễn Tấn On)
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
(trích Bầm ơi - Tố Hữu)
Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mua quà về cho
Hôm qua có chiếc bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà
Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Hễ mẹ cháu đánh thì bà lại can
Cháu không nói bậy, nói càn
Bà xoa đầu cháu, khen: ngoan nhất đời…
(trích Làm nũng bà - Trần Trung Phương)
Xa nhà đã mấy năm
Thèm bát xôi mùa gặt
Khói bay ngang tầm mắt
Mùi xôi sao lạ lùng.
Mẹ ở đâu chiều nay
Nhặt lá về đun bếp
Phải mẹ thổi cơm nếp
Mà thơm suốt đường con.
(trích Gặp lá cơm nếp - Thanh Thảo)
2. Trả lời câu hỏi bài Chuyện cổ tích về loài người lớp 6 trang 43
Câu 1 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Em hãy nêu những căn cứ để xác định Chuyện cổ tích về loài người là một bài thơ.
Hướng dẫn trả lời:
Những căn cứ để xác định Chuyện cổ tích về loài người là một bài thơ:
- Viết theo thể thơ 5 chữ: mỗi dòng thơ (câu thơ) gồm 5 tiếng, vài dòng thơ sẽ tạo thành một khổ thơ
- Ngôn ngữ cô đọng, giàu nhạc điệu, hình ảnh
- Dùng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, điệp từ...
- Nội dung: kể lại, miêu tả, tái hiện lại về sự xuất hiện của loài người trên thế giới này, từ đó giúp bộc lộ cảm xúc của nhà thơ: sự yêu thương, quan tâm dành cho những đứa trẻ, con người
Câu 2 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Trong tưởng tượng của nhà thơ, thế giới đã biến đổi ra sao sau khi trẻ con ra đời?
Hướng dẫn trả lời:
Trong tưởng tượng của nhà thơ thế giới đã biến đổi như sau:
- Mặt trời nhô cao cho trẻ con nhìn rõ
- Xuất hiện nhiều màu sắc: màu xanh của cỏ cây, màu đỏ của hoa
- Vang lên tiếng hót của chim cho trẻ con nghe
- Sông bắt đầu làm sông để cho trẻ em tắm
- Biển sinh cá tôm cho trẻ con ăn, sinh cánh buồm cho trẻ con đi khắp
- Đám mây che bóng nắng cho trẻ con đi lại
- Con đường hình thành cho trẻ con tập đi
- Có mẹ để yêu thương, bồng bế, chăm sóc trẻ em
- Có bà để kể chuyện cho trẻ em nghe
- Có bố để dạy những điều tuyệt vời cho trẻ con
- Có trường học, bàn ghế, thầy cô, phấn bảng... để dạy cho trẻ em
Câu 3 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Món quà tình cảm nào mà theo nhà thơ, chỉ có người mẹ mới đem đến được cho trẻ?
Hướng dẫn trả lời:
Những món quà tình cảm mà chỉ người mẹ mới có thể đem đến cho trẻ thơ là tình yêu của người mẹ. Tình cảm đó được thể hiện một cách giản dị, bình yên qua hành động chăm sóc ân cần, chu đáo và lời hát ru của mẹ. Trong lời hát ru đó, các hình ảnh đều chứa dựng những ý nghĩa sâu sắc và các ước mong của mẹ dành cho con:
- Cụm từ "cái bống cái bang" được dùng để chỉ những em bé ngoan ngoãn trong bài ca dao "Cái bống là cái bống bang..." → Từ đó, nhà thơ ngầm muốn nhắn nhủ các em bé hãy là người con hiếu thảo, biết yêu thương, giúp đỡ cha mẹ của mình
- Cụm từ "cánh cò" gợi nhớ đến bài ca dao "Con cò mà đi ăn đêm..." → Từ đó gợi nhắc đến hình ảnh những người nông dân quanh năm năm vất vả, một nắng hai sương mà cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn. Nhưng dù hoàn cảnh như vậy, họ vẫn giữ tấm lòng trong sạch, lương thiện. Từ đó hướng các em bé tới bài học luôn giữ sự lương thiện, trong sạch dù sống trong hoàn cảnh nào, không được buông xuôi trước sóng gió cuộc đời
- Cụm từ "vị gừng cay" liên tưởng tới câu ca dao "Tay nâng chén muối đĩa gừng..." → Hình ảnh gừng gay muối mặn tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt của con người, đồng thời nhấn mạnh tình cảm yêu thương giữa con người với nhau sẽ ngày càng mặn mà theo thời gian. Đây cũng là một bài học ý nghĩa dành cho con trẻ
Câu 4 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Bà đã kể cho trẻ nghe những câu chuyện gì? Hãy nêu những điều bà muốn gửi gắm trong những câu chuyện đó.
Hướng dẫn trả lời:
- Bà đã kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ: chuyện con cóc, nàng tiên, chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác
- Điều bà muốn gửi gắm trong những câu chuyện đó là:
- Chuyện con cóc: dạy về sự đoàn kết
- Chuyện nàng tiên (nàng tiên ốc): biết chia sẻ, quan tâm, báo đáp người khác
- Chuyện cô Tấm (Tấm Cám), chuyện thằng Lý Thông (Thạch Sanh): dạy trẻ con phải sống tốt, không làm điều gian ác, phải biết đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống
Câu 5 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Theo cách nhìn của nhà thơ, điều bố dành cho trẻ có gì khác so với điều bà và mẹ dành cho trẻ.
Hướng dẫn trả lời:
Theo các nhìn của nhà thơ, điều bố dành cho trẻ khác mẹ như sau:
- Mẹ: dành cho trẻ tình yêu thương, bao dung, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp về thế giới tâm hồn
- Bố: dành sự yêu thương cho trẻ, nuôi dạy trẻ những kiến thức bổ ích, cần thiết cho cuộc sống, bồi dưỡng thế giới tri thức cho trẻ
Câu 6 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Trong khổ thơ cuối, em thấy hình ảnh trường lớp và thầy giáo hiện lên như thế nào.
Hướng dẫn trả lời:
Em thấy hình ảnh lớp và thầy giáo hiện lên vô cùng mộc mạc và giản dị. Bởi đó là nơi bắt đầu, khởi nguồn của tri thức. Ở đó, trẻ sẽ được học tập, rèn luyện những điều tuyệt vời, bổ ích để trưởng thành hơn.
Câu 7 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Nhan đề Chuyện cổ tích về loài người gợi lên cho em những suy nghĩ gì?
Hướng dẫn trả lời:
Nhan đề gợi cho em một cách hiểu mới, suy nghĩ mới về nguồn gốc loài người. Yếu tố "cổ tích" sẽ đem đến những chi tiết, cách lý giải thú vị và hấp dẫn, khác lạ so với cách lý giải của khoa học.
Câu 8 trang 43 Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức: Câu chuyện về nguồn gốc của loài người qua lời thơ của tác giả Xuân Quỳnh có gì khác so với những câu chuyện về nguồn gốc loài người mà em đã biết? Sự khác biệt ấy có ý nghĩa như thế nào.
Hướng dẫn trả lời:
- Điểm khác về nguồn gốc của loài người qua lời thơ của Xuân Quỳnh so với điều em đã biết:
- Theo lời thơ Xuân Quỳnh: trẻ em có trước, rồi mới có bố, mẹ, bà, cây cối, chim muông, mây trời, sông biển, trường học...
- Theo điều em biết: thiên nhiên như cây cối, biển, sông, mây trời, chim muông có trước, rồi có những con người đầu tiên là cha, mẹ và sinh ra trẻ con sau.
- Sự khác biệt ấy, giúp:
- Có thêm cách lý giải thú vị về nguồn gốc loài người
- Đề cao, khẳng định sự quan trọng, ý nghĩa, vai trò của trẻ con đối với cuộc sống này
- Thôi thúc mọi người dành nhiều sự quan tâm hơn đối với trẻ con, bởi trẻ con có rất nhiều nhu cầu về học tập, vui chơi, yêu thương... cần chú ý đến
4. Viết kết nối với đọc bài Chuyện cổ tích về loài người
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người.
Hướng dẫn trả lời:
Học sinh tham khảo các đoạn văn sau:
Trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh, em thích nhất là khổ thơ cuối. Ở đó, em thấy hình ảnh ngôi trường được hiện lên thật mộc mạc và giản dị. Trật tự thông thường đã được xáo trộn lên, tạo cảm giác thú vị khi đọc. Đầu tiên là những con chữ xuất hiện, rồi đến ghế, đến bàn, rồi mới có lớp có trường. Sau cùng, là thầy cô giáo tiến đến, giảng dạy cho em bao điều hay. Em rất ấn tượng với các kể này của tác giả, bởi ở đây, tất cả đều xuất hiện vì trẻ con, vì muốn được dạy cho trẻ con những điều hay lẽ phải, những điều thú vị bổ ích. Từ đó, vai trò và khát vọng học tập của thiếu nhi chúng em được quan tâm và đề cao hơn cả. Đặc biệt, là câu thơ cuối cùng "Chuyện loài người trước nhất". Nó vừa là lời kết cho cả một câu chuyện kể về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhưng cũng là câu thơ mở ra về những câu chuyện khác về loài người do chính trẻ con chúng em kể. Mỗi người sẽ có những câu chuyện của riêng mình. Điều đó đã khiến cho bài thơ thêm ý nghĩa và truyền cảm hứng cho người đọc.
>> Xem thêm các đoạn văn mẫu hay khác tại: Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người
5. Soạn bài Chuyện cổ tích về loài người Ngắn nhất
>> HS tham khảo bài soạn ngắn gọn nhất tại đây: Soạn Văn 6 bài Chuyện cổ tích về loài người Ngắn gọn