Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 9: Viết bản tập làm văn số 2

Ngữ văn lớp 6 bài 9: Viết bản tập làm văn số 2

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 9: Viết bản tập làm văn số 2. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Ngữ văn của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo

Viết bản tập làm văn số 2

Đề 1: Kể một việc tốt mà em đã làm.

Đề 2: Kể về một lần em mắc lỗi.

Đề 3: Kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến.

Đề 4: Kể về một kỉ niệm hồi thơ ấu làm em nhớ mãi.

Đề 5: Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết.

Đề 1: Hãy kể lại một việc làm khiến bố mẹ em vui lòng.

Bài làm

Từng ngày, từng ngày trôi qua, mỗi ngày đều đem đến những điều kì thú. Trong những ngày ấy, có biết bao điều vui buồn, hờn giận. Nhưng có lẽ nếu nói đến điều đặc biệt nhất của một ngày đối với tôi thì đó là niềm vui. Và trong cuộc sống đầy sắc màu này, niềm vui của bố mẹ tôi là tất cả, tất cả đều ý nghĩa đối với tôi. Thế nên, tôi xin kể lại một việc làm khiến bố mẹ tôi vui lòng trong tuần vừa rồi.

Ngày hôm ấy, như mọi lần, tôi lại tung tăng chân sáo tới trường. Từng cơn gió nhè nhẹ, mang không khí se lạnh của mùa đông, tạo nên những âm thanh huyền diệu; tiếng lá cây xào xạc, tiếng áo người đi xe bay phần phật. Nghe sao giống tiếng hát mượt mà của chị gió đang dẫn đường cho bác mùa đông già nua, khó tính. Trong cảnh sắc mờ hơi sương, không khí trong lành đến lạ thường, tôi đang nghĩ về những tấm gương tốt mà tôi đã được đọc trên báo thì bỗng có tiếng khóc nhỏ thút thít ở đâu đó lọt vào “giác quan thứ 6” của tôi. Nhìn quanh quẩn, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy một em bé khoảng 4 tuổi đang đứng khóc một mình. Tôi nghĩ ngay rằng: “Chắc em bé này bị lạc”. Tôi lại gần em hỏi:

- Em bị lạc mẹ à?

Em khóc nấc lên nghẹn lời:

- Chị ơi... Em muốn. Em muốn mẹ em. Hu... hu... mẹ ơi! Mẹ ơi!

Tôi nhẹ nhàng vuốt tóc em bé:

- Vậy chị đưa em về nhà nhé!

Em bé không nói chỉ gật đầu, tay gạt nước mắt. Tôi mỉm cười thân thiện rồi rút khăn tay ra, lau nước mắt cho em nhỏ.

- Nào ngoan nào. Nắm chặt tay chị nhé! Chị em mình đi thôi.

Em bé mỉm cười hồn nhiên:

- Vâng ạ!

Bổng tôi khựng lại: “Chết rồi, chỉ còn 10 phút nữa là vào lớp rồi. Làm sao đây?”. Tôi đắn đo, nếu dắt em bé đi tìm mẹ thì sẽ bị muộn học nhưng chẳng lẽ lại bỏ em ở đây. Suy nghĩ một lát tôi quyết định đưa em đến đồn công an để các chú ấy tìm mẹ cho em. Thế là, tôi dẫn em bé đến đồn công an.

Chú công an mỉm cười:

- Có chuyện gì vậy cháu bé?

- Dạ thưa chú - Tôi đáp - Cháu đi học thì gặp em bé này bị lạc mẹ ạ!

Chú công an ngạc nhiên:

- Vậy, cháu gặp em bé này ở đâu?

- Dạ, cháu gặp em ở đường cái ạ!

- Ủa, vậy chắc người phụ nữ vừa đến hỏi con mình là mẹ của đứa bé này rồi. Vì lời báo của chị ta trùng với của cháu mà. Thôi được rồi, cháu để em bé lại đây. Chú sẽ thông báo để ta đón con về.

- Dạ vâng, thôi cháu chào chú ạ! Nói rồi tôi chạy vội ra ngoài thật nhanh để còn kịp giờ học.

Trên đường về nhà, tôi luôn mừng thầm vì mình đã làm được một việc tốt. Vừa đến cổng, tôi chạy nhanh vào lòng mẹ, tôi thì thào kể lại chuyện sáng nay. Mẹ tôi mừng rỡ hôn vào trán tôi:

- Ôi, con mẹ giỏi quá!

Từ ngoài cửa, bố tôi bước vào xoa đầu tôi:

- Tốt lắm con gái. Bố tự hào về con. Con đã làm được một việc rất tốt, đáng khen ngợi. Hôm đó, nhà tôi tràn ngập tiếng cười vui. Nhìn bố mẹ cười nói vui vẻ, tôi rất vui bằng một việc làm tuy bé nhỏ nhưng đã đem lại nụ cười hạnh phúc cho bố mẹ.

Trần Phương Ly

(Theo Giang Khắc Bình, Nguyễn Thế Hà. 162 bài văn chọn lọc dành cho học sinh lớp 6)

Đề 2: Kể lại một lần em mắc lỗi.

Bài làm

Trước khi vào câu chuyện tôi xin giới thiệu: Tên tôi là Nguyệt, học sinh lớp 6C. Tôi kể câu chuyện này để cho các bạn nghe mà rút kinh nghiệm nhé và đừng học câu chuyện trên. Đó là chuyện tôi trốn học.

Hôm đó, tôi dậy sớm để đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi học. Hàng sáng, mẹ tôi thường để chảo cơm trên bếp, sao hôm nay lại chẳng thấy đâu. Tôi lên hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao mẹ vẫn chưa rang cơm cho bọn con ăn hả mẹ?". Mẹ nhẹ nhàng nói: "Hôm nay nhà mình hết tiền mua gạo, phải đợi tiền lương của bố và chị con, hay con chịu khó bỏ ăn sáng một buổi có làm sao đâu?". Tôi bực mình dậm chân dậm tay tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi thoáng nhìn thấy nét mặt mẹ rất buồn. Mẹ bảo: "Thôi đi học đi con, mẹ phải đi làm việc của mẹ". Tôi tức quá phát khóc lên, bỏ cả cặp sách lên giường ngủ tiếp. Tôi không nhớ là hôm nay có bài để chuẩn bị cho tiết kiểm tra ngày mai, thú thực lúc đấy tôi rất bực nên chỉ vì chuyện nhỏ mà quên hết mọi thứ. Tôi chỉ khóc và lẳng lặng lấy chăn ra đắp. Lúc mẹ tôi đánh răng rửa mặt xong mẹ lên nhà khoá cửa để đi làm, mẹ có biết đâu là tôi ở trong nhà. Thế là tôi nằm trong chăn ấm áp, chiếc chăn ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Đến khi thức dậy thì đã quá muộn. Tôi giật mình, bổ chổng bổ choảng vùng dậy thì chao ôi, cửa nhà đã khoá. Tôi ngồi trong nhà kêu ầm ĩ lên nhưng vô hiệu, mọi người đều đi làm hết. Nhà tôi là nhà tập thể, xung quanh lúc đó chỉ có mấy đứa trẻ con. Tôi gọi chúng và bảo: "Các em giúp chị mở cửa ra với". Một đứa nhanh nhảu nói: "Thế chìa khoá nhà chị để đâu thì chúng em mới mở được chứ!".

Tôi đứng ngẩn người ra, quay lại nhìn đồng hồ thì thấy đã mười giờ rưỡi. Bụng tôi lúc này như có móng tay sắc nào cào vào. Mắt tôi hoa lên vì đói. Tôi lục hết mọi thứ trong nhà xem có cái gì ăn không, nhưng vô hiệu, chả có gì cả. Tôi nhìn ra ô cửa sổ thì thấy bạn Lan nhà bên bảo: "Nguyệt ơi sao hôm nay bạn không đi học? Thầy giáo phê bình bạn đấy". Tôi liền nói: "Lan ơi, hôm nay có bài nào không cho tớ mượn để tớ chép?". Lan rút trong cặp ra đưa cho tôi bài chuẩn bị cho tiết kiểm tra. Tôi học vẹt được vài bài nhưng không chịu nổi cơn đói. Vừa hay lúc đó mẹ tôi về bảo: "Ôi, sao hôm nay con không đi học?". Tôi bảo: "Mẹ nhốt con trong nhà thì làm sao con đi được". Mẹ bảo: "Mẹ không biết, cho mẹ xin lỗi". Rồi mẹ rút trong túi ra gói mì. Tôi không kịp bỏ vào bát mà vơ lấy vơ để ăn sống. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi ăn, chảy cả nước mắt. Tôi nhìn mẹ tôi cũng cảm thấy mẹ không có lỗi trong chuyện này mà chính là mình đã làm cho mẹ lo. Sáng hôm sau đi học, tôi cố gắng làm bài kiểm tra một tiết, may sao được 5 điểm. Tôi ngượng quá, đấy là mình còn lớp phó học tập mà điểm kém như thế. Tôi rất ân hận vì đã làm đau lòng mẹ, và phí công thầy cô đã bỏ sức ra để dạy tôi, tôi rất ân hận và tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.

Nguyễn Thị Như Nguyệt

(Theo Nguyễn Trọng Hoàn, Hà Thanh Tuyền. 162 Bài văn chọn lọc dành cho học Sinh lớp 6)

Đề 3: Hãy kể về một thầy (cô) giáo mà em quý mến.

Bài làm

Có những lúc tôi chợt nhớ đến quá khứ. Trong đôi mắt thơ dại của tôi, cuộc đời là một khúc hát du dương trầm bổng cứ trôi đi mãi, chỉ để lại trong tôi những kỉ niệm buồn vui. Và tôi nhớ tới các thầy, các cô giáo đã từng dạy dỗ, dìu dắt tôi. Trong số đó có một cô giáo rất dịu dàng và cũng là người mẹ thứ hai của tôi, đó là cô Huế, dạy tôi hồi lớp bốn.

Cứ mỗi sớm mai tới trường, tôi đã thấy cô đứng đó với chiếc áo dài màu xanh tự lúc nào. Cô luôn đến sớm để đón chúng tôi với nụ cười trên môi. Cô hai mươi tám tuổi nhưng trông cô còn rất trẻ. Mái tóc dài óng ả được cô khéo léo cặp ra đằng sau, để lộ khuôn mặt trái xoan duyên dáng và phúc hậu. Đôi mắt to, trong sáng, luôn mở to dưới cặp lông mày lá liễu, nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến và độ lượng. Chiếc mũi tuy không cao nhưng rất phù hợp với khuôn mặt của cô. Đôi môi đỏ thắm, mỏng như cánh hoa hồng, luôn nở nụ cười duyên dáng với hàm răng trắng bóng. Cô có dáng người thanh mảnh và những bước đi nhanh nhẹn. Tính cô thẳng thắn, nghiêm nghị nhưng cũng rất vui vẻ. Cô luôn tận tâm, tận lực, luôn dìu dắt, chỉ mong sao mai sau chúng tôi sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trong giờ học, những bạn nào không chú ý lắng nghe, ưa nhìn ra ngoài hay gục mặt xuống bàn là cô nhắc nhở ngay, có khi còn bắt đứng lên nhắc lại lời cô giảng hay ý kiến phát biểu xây dựng bài của bạn. Những lúc rảnh rỗi, cô thường kể chuyện cho chúng tôi nghe. Cả lớp cười vang khi nghe cô kể những mẩu chuyện vui, lý thú. Cô không chỉ chăm sóc chúng tôi mà còn quan tâm tìm hiểu các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, luôn tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần. Cô luôn giúp đỡ các đồng nghiệp và các thầy cô khác cũng sẵn sàng giúp đỡ cô. Mỗi lần đi họp về, bố mẹ em lại hết lời khen ngợi về thái độ và năng lực giảng dạy của cô. Bố mẹ rất yên tâm khi tôi được cô dìu dắt để tìm con đường học tập tốt nhất. Nghe cô đọc thơ thật là thích: Lúc thì cao vút như tiếng chim hoạ mi buổi sớm mai, lúc thì đầm ấm, thiết tha. Nghe thơ tôi có cảm giác y như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: "Nghe thơ em thấy đất trời đẹp ra". Hàng ngày, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Nhưng một lần cô gọi tôi lên bảng kiểm tra, hôm đó tôi quá mải chơi nên chưa làm bài tập. Cô phạt tôi điểm không. Tôi xấu hổ trở về bàn và ngồi phịch xuống. Ngước lên nhìn cô, tôi thấy nét mặt cô rất buồn, nhìn tôi với vẻ trách móc. Ngay chiều hôm đó, cô đến nhà tôi nhắc nhở, hỏi han và tranh thủ giảng cho tôi những bài tôi chưa giải được. Nhờ có sự kèm cặp liên tục của cô nên tôi tiến bộ rõ rệt về môn toán. Tôi nhớ lại những ngày tập viết với cô. Chữ tôi xấu cộng thêm tính cẩu thả nên thường bị điểm kém. Trong những giờ học sau cô quan tâm tới nhiều hơn. Cô dạy tôi nắn nót từng chữ từng nét. Tuy bàn tay cô đã nhiều chỗ bị chan sạn nhưng tôi vẫn thấy ấm áp và chan chứa tình thương. Bàn tay ấy đã chịu khó kiên nhẫn trao cho chúng tôi những kiến thức để làm hành trang bước vào đời.

Vắng đâu đây lời của một nhạc phẩm: "Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương...". Vâng! Đúng vậy. Làm sao tôi quên được người mẹ đã mở cánh cửa tâm hồn mình đón ánh hào quang của cuộc đời: Cô Thanh Huế.

Đào Tú Uyên

(Theo La Kim Liên, Cái Văn Thái... 162 Bài văn chọn lọc dành cho học sinh lớp 6)

Đề 4: Kể lại một lần em mắc lỗi.

Bài làm

Ngồi trong căn nhà ấm cúng và nhìn những cơn mưa rơi ngoài cửa sổ, tôi bồi hồi xúc động nhớ lại một kỉ niệm buồn của tuổi ấu thơ mà có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ chẳng bao giờ quên.

Đó là một hôm trời oi bức, Lan đứng trước cổng chờ tôi cùng đi học. Lan gọi rối rít: "Trang ơi! Nhanh lên muộn học rồi". Tôi cuống quýt mặc quần áo và vội vàng chạy ra cửa. Nội gọi tôi lại và bảo:

- Cháu đem quần áo mưa đi, hôm nay trời oi dễ mưa lắm đấy! Tôi đang vội nên vừa nghe thấy nội nói, tôi gắt lên:

– Nội đem cất quần áo mưa đi! Trời như thế này làm sao mà mưa được? Cháu mang nhiều sách lại cầm thêm áo mưa thì nặng lắm. Nói xong, tôi nắm tay Lan cùng chạy đến trường. May sao cho chúng tôi, khi chúng tôi vừa vào lớp thì bác bảo vệ đánh trống truy bài. Bốn tiết học trôi qua nhanh chóng. Nhưng đến tiết thứ năm, tôi nhìn ra bầu trời: Mây đen ùn ùn kéo đến, mỗi lúc một nhiều, gió bắt đầu thổi, sấm chớp liên hồi, báo hiệu một cơn mưa to sắp đến. Tôi hoảng sợ vì mình không mang áo mưa nên sẽ không về được, đến bây giờ tôi mới hiểu những lời nội nói ban chiều. Tôi thật sự ăn năn khi nghĩ về những lời gắt của tôi với nội. Hết tiết năm, tất cả các bạn học sinh đã về hết, bạn thì mang áo mưa, bạn thì có người đến đón. Thế là trong trường, chỉ còn lại mình tôi đứng lủi thủi dưới mái hiên. Bỗng tôi nhìn ra cổng trường thì thấy bóng ai trông quen quá, và tôi reo lên "Nội! Nội ơi! Cháu ở đây mà!". Nội trông thấy tôi liền tất tưởi đi vào mặc quần áo mưa cho tôi. Vì nội chỉ mang một bộ áo mưa nên nội nhường cho tôi mặc còn nội thì chỉ đội mỗi chiếc nón cũ. Khi đi đường, lúc nào tôi cũng muốn xin lỗi nội nhưng không hiểu sao, môi tôi cứ mím chặt không nói lên lời. Về đến nhà quần áo nội ướt sũng, sau đó nội bị cảm rất nặng. Một tuần sau, nội mất. Bác sĩ bảo với bố mẹ tôi rằng nội đã già, sức khoẻ yếu mà lại bị cảm nặng nên khó lòng qua khỏi. Tôi khóc nhiều lắm, tôi chỉ buồn khi nội ra đi quá sớm, tôi không có đủ thời gian để xin lỗi nội về những hành động thiếu ý thức của mình. Vì không nghe lời nội nên tôi đã gây ra tai hoạ. Tôi thấy xấu hổ, vừa xót thương cho nội, vừa hối hận vô cùng.

Nếu tôi có điều ước nào thì tôi chỉ muốn ước nội sống lại để tôi nói với nội: "Con xin lỗi nội", sau đó tôi sẽ được nội âu yếm, vuốt ve và kể cho nghe những câu chuyện cổ tích như thuở nào.

Vũ Thị Thu Trang

(Theo Nguyễn Trọng Hoàn, Hà Thanh Tuyền. 162 Bài văn chọn lọc dành cho học sinh lớp 6)

Đề 5: Kể về kỉ niệm thời thơ ấu làm em nhớ mãi

Sông La quê ngoại

Kì nghỉ hè năm học vừa qua, em được mẹ đưa về thăm quê của bà ngoại em ở Hà Tĩnh đó là lần đầu tiên em được về quê ngoại. Con đường thật dài, phải gần 1000 cây số mất một ngày một đêm ở trên tàu mới tới nơi.

Đặt chân xuống quê ngoại em ngỡ ngàng, thanh bình và yên tĩnh quá, mở ra trước mắt em là cánh đồng lúa xanh mơn mởn, bao la típ tắp. Em nhắm mắt hít một hơi thật sâu hương lúa thơm dịu nhẹ, không khí trong lành mát mẻ. Từ ga tàu về nhà non một cây số, cả nhà em quyết định đi bộ để ngắm cảnh quê hương. Những ngôi nhà ở đây không cao như ở thành phố, nằm lẩn khuất dưới những bóng cây. Thỉnh thoảng một vài chú chó con thấy người lạ đi qua ngóc mõm lên: Gâu! Gâu! vài tiếng. Mấy bà cụ già thấy mẹ con em đi qua cất tiếng hỏi: “Mẹ con nhà Thu về ngoại chơi đấy à? Gớm lâu quá rồi, mới thấy mẹ con mày!”

Em thầm nghĩ mọi người ở đây thật cởi mở, nồng hậu đáng yêu đến thế.

Đi thêm một lúc trước mặt em là một dòng sông hiền hoà êm ả chưa hề thấy ở bất kì con sông nào của Sài Gòn. Thấy em đứng tần ngần, mẹ giải thích, những dòng sông ở miền Trung thường không đục, và đỏ như những con sông ở hai miền Nam và miền Bắc, vì dải đất miền Trung hẹp, sông ngắn ít phù sa, vì vậy những cánh đồng hai bên bờ sông thường ít màu mỡ. Người dân miền Trung vì thế mà cũng nghèo hơn các vùng khác. Nhưng bù lại những dòng sông ở miền Trung rất đẹp bởi màu nước trong xanh quyến rũ đến nao lòng người. Mẹ đọc cho em nghe câu thơ của một nhà thơ quê xứ Nghệ:

Dẫu bao năm tháng không về lại

Vẫn còn thăm thẳm nước sông La.

Em ngắm nhìn những con đò nhỏ xuôi trên dòng sông, từ từ chậm rãi, mặt sông gợn sóng lăn tăn, phía bãi xa có một đám trẻ đang đùa giỡn, té nước trắng xoá lên nhau, cười nói ầm ĩ. Cả nhà tiếp tục cuộc hành trình. Dòng sông đã lùi lại phía sau lưng, em bỗng nghe câu hát của người chèo đò từ mặt sông cất lên:

Ai có biết nước sông La răng là trong là đục

Thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh.

Vâng đúng thế! Em sẽ cố gắng sống thật xứng đáng, ơi dòng sông quê ngoại thân thương. Em sẽ còn trở lại nhiều lần nữa.

Đề 6: Kể một tấm gương học tốt hay giúp đỡ bạn bè mà em biết.

Bài làm

Đến bây giờ, dù hai đứa học hai trường khác nhau nhưng tôi vẫn đến nhà và chơi với Sinh. Tôi rất cảm phục Sinh vì những việc mà Sinh đã làm cho Mai – người hàng xóm và cũng là bạn học của tôi và Sinh hồi tiểu học.

Ngày ấy tôi lên lớp Năm. Lớp tôi học có nhiều bạn chuýển đến lắm, nên lớp không được đoàn kết. Giờ ra chơi, ai mới chuyển đến, không quen biết bạn thì phải chơi một mình, còn những người học lớp cũ thì có bạn cũ để chơi. Tôi chơi thân với Mai từ hồi học mẫu giáo. Hai đứa nhà đều gần nhau, bố mẹ lại là bạn thân nên tôi coi Mai như em. Gia đình hai nhà khá giả nên tôi và Mai được đi học thêm ở nhiều nơi và tham gia nhiều câu lạc bộ thể thao, văn hoá. Lúc nào hai đứa cũng liền với nhau. Trong số những bạn mới vào lớp có bạn tên là Sinh, vừa ở quê ra. Chắc vì hay đi chơi nên da bạn đen nhưng khoẻ. Sinh lầm lì, ít giao tiếp nhưng học rất giỏi và có tài. Sinh biết đánh đàn oóc-gan. Cứ đến giờ hát là Sinh lên đánh đàn, lại hát mẫu cho cả lớp. Chúng tôi phục Sinh lắm. Một lần tôi và Mai ra Hồ Tây chơi. Thấy nước mát, Mai đi xuống những bậc thang dưới hồ múc nước rửa tay. Mai cuối xuống bỗng trượt chân ngã. “Mai không biết bơi”. Tôi nhớ ra. Tôi định trèo xuống, bơi cứu Mai thì chân tôi bị chuột rút. Tôi sợ quá, kêu to: “Cứu, cứu với, có người chết đuối”. Chưa kêu hết câu, tôi thấy có bóng đen lao xuống nước. Tôi lết ra, Sinh, đúng cậu ấy. Sinh dìu Mai vào bờ. Mai ngất đi. Tôi phải hô hấp nhân tạo cho Mai và hét to: “Đi gọi bác sĩ”. Sinh vù đi. Năm phút sau, bác sĩ đến. Mai nằm khóc, bố mẹ Mai cũng thế. Tôi ngồi nắm chặt tay Mai. Mẹ Mai dựa đầu vào vai bố Mai nấc lên từng tiếng rõ rệt. Bác sĩ đã cố hết sức, nhưng cánh tay phải của Mai đã vĩnh viễn không cử động được. Từ đó Mai lầm lì, mặc cảm với chính mình. Chỉ có tôi và Sinh – ân nhân của Mai – là có thể lại gần Mai. Làm sao Mai có thể đi học? Tôi hỏi Sinh, Sinh trả lời ngay: Tập viết lại bằng tay trái. Hằng ngày, dưới sự hướng dẫn của Sinh và góp ý của tôi, Mai phải tập viết. Năm tháng trôi mau, Mai phục hồi nhanh chóng và chẳng bao lâu đã thích ứng với hoàn cảnh. Tôi luôn bên Mai an ủi và Sinh luôn có mặt kịp thời, khi có kẻ nào chế giễu Mai hay trêu chọc hai chúng tôi. Mai vui dần lên, cười nhiều hơn và học vẫn giỏi như xưa. Cho đến cuối năm học, tôi và Sinh được nêu gương tốt toàn trường. Tất nhiên cả ba đứa đều là học sinh xuất sắc. Vài hôm sau đó, Sinh hớt hải chạy đến nhà Mai, vui mừng giơ tờ giấy vẫy vẫy, hét to: “Có tin mừng, Mai, Lan ơi!”. Tôi giật giấy, đọc lướt nhanh và hét lên: “Mai ơi, Bác sĩ bảo nếu cố gắng luyện tập, tay phải của cậu sẽ cử động được đấy”. Khỏi nói bạn cũng biết sự vui mừng của tôi và Mai, cả Sinh nữa. Tôi cảm ơn Sinh, cảm ơn bác sĩ là ba Sinh. Mai cố bóp tay, động tác đơn giản nhất. Rồi dần dà, Sinh cho Mai tập gập tay, cử động ngón tay và cuối cùng là cầm bút viết. Mai đã thành công.

Qua năm lớp 6, Mai đã hoàn tất bình phục. Bây giờ, tuy không học cùng Mai, Sinh nữa, nhưng tôi sẽ nhớ mãi kỉ niệm đẹp của ba đứa chúng tôi.

Cao Bích Xuân

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu bài tập 10:

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 9: Thứ tự kể trong văn bản tự sự

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 9: Ông lão đánh cá và con cá vàng

Chia sẻ, đánh giá bài viết
42
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • hoàng trần nhâm quốc
    hoàng trần nhâm quốc hay
    Thích Phản hồi 11/11/20
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn văn 6 siêu ngắn Cánh diều

    Xem thêm