Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng là tài liệu văn mẫu lớp 6 hay được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, giúp các em hoàn thành tốt bài tập làm văn, từ đó học tốt môn Ngữ văn lớp 6. Mời các em cùng tham khảo!

Bài văn mẫu 1: Cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Trong xã hội có rất nhiều nghề và làm nghề nào cũng phải có đạo đức. Đặc biệt có hai nghề bắt buộc phải đặt đạo đức lên hàng đầu là dạy học và làm thuốc. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của Hồ Nguyên Trừng (con trai trưởng của vua Hồ Quý Ly), viết vào khoảng nửa đầu thế kỉ XV trên đất Trung Quốc kể về một bậc lương y tinh thông nghề nghiệp và giàu lòng nhân đạo.

Truyện ca ngợi phẩm chất, cao quý của Thái y lệnh Phạm Bân: hết lòng vì dân nghèo, quên mình để cứu người, bất chấp quyền uy vua chúa cũng như sự nguy hiểm đến tính mạng bản thân.

Truyện gồm ba đoạn có liên quan chặt chẽ với nhau trong việc bộc lộ chủ đề của truyện. Đoạn đầu giới thiệu tên tuổi, chức vị, công đức của Phạm Bân. Đoạn giữa kể về một tình huống gay cấn có tính chất thử thách, qua đó y đức của ông được bộc lộ rõ nhất. Đoạn cuối nhấn mạnh y đức sáng ngời của bậc lương y đã truyền cho con cháu, giúp con cháu giữ vững nghiệp nhà, tiếp tục cứu đời.

Công đức của lương y Phạm Bân rất lớn, không phải thầy thuốc nào cũng làm được như ông. Ông đã dốc toàn tâm, toàn ý, toàn lực để cứu người mà không nề hà, không tính toán thiệt hơn.

Phạm Bân đã đem hết tiền của trong nhà ra mua thuốc tốt, tích trữ thóc gạo để vừa nuôi ăn vừa chữa bệnh cho người nghèo khổ. Dẫu bệnh nặng đến đâu chăng nữa ông cũng không né tránh. Lương y làm nhà cho họ ở, chu cấp cơm cháo đầy đủ và chữa bệnh không lấy tiền, ông đã cứu sống hơn ngàn người trong những năm đói kém, dịch bệnh.

Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòngNhưng điều làm ta cảm phục nhất là việc ông đã quyết tâm cứu sống người đàn bà nghèo trước rồi sau đó mới chữa bệnh cho quý nhân trong cung vua, dù đã có lệnh của vua.

Thái độ tức giận cùng với lời nói có ý đe dọa của quan Trung sứ: “Phận làm tôi, sao được như vậy? Ông định cứu tính mạng người ta mà không cứu tính mạng mình chăng?” Đã đẩy lương y Phạm Bân vào một tình huống éo le khó xử.

Đây là một thử thách gay go buộc ông phải có sự lựa chọn đúng đắn giữa việc cứu người dân thường sắp chết với việc thực hiện phận sự của một kẻ bề tôi.

Thái độ dứt khoát và cương quyết của ông chứng tỏ uy quyền vua chúa không thắng nổi y đức của một bậc lương y chân chính, ông không sợ mắc tội “phạm thượng", không sợ nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ nghĩ đến trách nhiệm của người thầy thuốc, ông đã vượt qua thử thách một cách nhẹ nhàng.

Phạm Bân không chỉ có trái tim nhân hậu và bản lĩnh cứng cỏi mà còn tỏ ra rất thông minh trong ứng xử. Câu nói : Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trồng vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát đã nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của người thầy thuốc, khơi dậy tình thương và lòng bao dung của nhà vua và tỏ rõ lòng thành của một bề tôi. Nếu như nhà vua là người có lương tâm, chắc chắn sẽ cảm động và không trị tội ông.

Quả thật, lúc đầu nhà vua tức giận, nhưng sau khi nghe Thái y lệnh trình bày thì không những hết giận mà còn ban khen. Điều đó chứng tỏ Trần Anh Vương cũng là một ông vua sáng suốt và nhân đức.

Phạm Bân lấy tấm lòng chân thành của mình để tấu trình điều hơn lẽ thiệt, từ đó thuyết phục được nhà vua. Đây là thắng lợi vẻ vang của y đức, của bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhân ái.

Kết thúc truyện, tác giả kể về con cháu của Thái y lệnh và sự ngợi khen của người đời đối với gia đình ông. Sự nghiệp của lương y Phạm Bân và con cháu ông đã chứng minh cho quan niệm Ở hiền gặp lành?. Tên tuổi của ông còn lưu truyền mãi trong dân gian.

Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng mang tính chất giáo huấn khá rõ. Cách viết gần với cách viết kí, viết sử, nghĩa là thiên về ghi chép chuyện người thật việc thật mà không cần thêm thắt. Truyện có bố cục chặt chẽ, hợp lí và cách dẫn dắt gây hứng thú cho người đọc. Tác giả đi chọn lọc và nhấn mạnh vào một tình huống gay cấn (đó là chỉ tiết có thật) để qua đó tính cách nhân vật chính được bộc lộ rõ ràng, gây ấn tượng khó quên. Trong khi thể hiện tính cách nhân vật, tác giả còn tạo ra những lời đối thoại sắc sảo, chứa đựng ý tứ sâu xa. Do đó, truyện vừa có giá trị nội dung lớn, vừa có giá trị nghệ thuật cao.

Bài văn mẫu 2: Cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Tác giả của Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng là một tác phẩm nói về việc cũ của quê hương đất nước, ký thác nỗi sầu xa xứ qua những hồi ức của người đang sống nơi đất khách quê người. Tác phẩm hiện còn 28 thiên, có một số thiên mang yếu tố ly kì như những truyền kỳ, giai thoại, một số thiên gần như những "thi thoại" khá lý thú. Tất cả sự việc, cảnh vật và con người được tác giả nhớ đến thấp thoáng một số nét về xã hội, lịch sử, văn hoá thời Lý - Trần.

Thiên thứ 8, nhan đề chữ Hán là Y thiện dụng tâm (Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng) kể chuyện Phạm Bân, một thầy thuốc giỏi, qua đó ca ngợi y đức, kín đáo biểu lộ niềm tự hào về ông cha, tổ tiên mình.

Phạm Bân là cụ tổ bên ngoại của Hồ Nguyên Trừng, một thầy thuốc giỏi "có nghề y gia truyền" giữ chức Thái y lệnh dưới thời Trần Anh Tông (1293 - 1314). Ông là một thầy thuốc có địa vị cao sang, lại còn giàu lòng nhân ái. Ông không tích của mà tích đức, đã đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo để chữa bệnh giúp người, ông không "né tránh" máu mủ dầm dề của bệnh nhân. Bệnh nhân chữa trị "tới khi khoẻ mạnh rồi đi”, ông không lấy tiền. Trong Ngư tiều y thuật vấn đáp, ta cũng bắt gặp một cụ lương y cao đẹp như thế:

Đứa ăn mày cũng trời sinh,

Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không.

(Nguyễn Đình Chiểu)

Những năm đói kém dịch bệnh nổi lên, Phạm Bân còn dựng thêm nhà đón những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở. Ông đã cứu chữa được hơn ngàn người. Nhà ông đã trở thành một bệnh viện làm phúc. Quan Thái y lệnh không làm giàu mà chỉ làm phúc. Y đức của ông toỏa sáng, cho nên được người đương thời trọng vọng. Tác giả nêu lên một số sự việc rất điển hình để làm nổi bật y thiện dụng tâm của Phạm Bân với bao tự hào ngợi ca của mọi người.Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có một tình huống gây cấn, đầy xung đột giữa tâm đức và danh lợi, giữa cái sống và cái chết, giữa an và nguy. Qua đó, tính cách, nhân cách, bản lĩnh xử thế của người thầy thuốc được tỏ rõ. Cùng một lúc có hai bệnh nhân, người đàn bà thì nguy kịch máu chảy như xối, mặt mày xanh lét bậc quý nhân trong cung đang bị sốt. Một bên là người đến gõ cửa mời gấp, một bên là vương triệu đến khám. Đã mấy ai dám trái lệnh vua? Phạm Bân đã có một cách ứng xử rất đẹp.

Ông đã đi ngay đến cứu bệnh nhân khi mệnh sống... chỉ ở trong khoảnh khắc, còn bệnh của quý nhân thì không gấp, sẽ đến vương phủ sau: Tôi cứu họ trước, lát nữa sẽ đến vương phủ. Cứu mệnh sống cho con bệnh nguy kịch là trên hết, trước hết. Phạm Bân đã ứng xử theo lương tâm người thầy thuốc, cho dù phận làm tôi không trọn vẹn, có thể nguy hiểm đến tính mệnh mình. Câu đối đáp của quan Thái y lệnh với quan Trung sứ đã thể hiện tầm vóc cao đẹp của một vị danh y. Trái mệnh vua là tội lớn: Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Ông thật là người dũng cảm, giàu đức hy sinh, có tâm đức, giàu y đức mới có sự lựa chọn vô cùng dũng cảm và đầy tình người như thế, như ông nói: Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu.

Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng

- Ông nói lên niềm tin và sự anh minh của đức vua: Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng may ra thoát. Vì trái lệnh vua triệu, ông dũng cảm nhận: Tội tôi xin chịu. Qua đó, ta thấy Phạm Bân đã có "một tấm lòng" cao cả khi đứng trước sự lựa chọn giữa y đức và danh lợi, giữa mệnh sống bệnh nhân và sự nguy hiểm của bản thân mình. Câu nói của Phạm Bân vừa có lý vừa có tình, rất nhân bản, tỏa sáng một nhân cách cao quý. Có phần thưởng nào to lớn hơn khi Phạm Bân được Trần Anh Tông ngợi khen: Ngươi thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức....

Phạm Bân là hình ảnh tuyệt đẹp về người thầy thuốc giàu tình thương người, tỏa sáng tâm đức, y đức, để lại bao lánh yêu và ngưỡng mộ trong lòng ta. Lương y như từ mẫu. Cùng với các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác... nhân vật Phạm Bân sống mãi trong thời gian và lòng người. Đây là một truyện giản dị mà hấp dẫn, chứa chan tình người, nêu cao đạo đức của người thầy thuốc chân chính.

Bài văn mẫu 3: Cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Từ xưa đến nay ông bà ta luôn truyền tụng với nhau câu nói: “lương y như từ mẫu”. Trong xã hội mỗi ngành nghề đều có những phẩm chất riêng, đối với nghề y đó là phẩm chất quý trọng mạng sống của những tấm lòng thương người của những vị lương y đó là cơ sở cũng như lòng thương yêu của những bác sĩ chữa bệnh cứu người.

Truyện “Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng” được viết vào khoảng thế kỉ XV do Hồ Nguyên Trừng của Hồ Quý Ly viết để ca ngợi một vị lương y tinh thông và giàu lòng nhân đạo. Truyện ca ngợi phẩm chất của thái y lệnh Phạm Bân một vị lương y hết lòng vì dân chúng, quên mình để cứu người bất chấp quyền uy của vua chúa cũng như sự nguy hiểm của tính mạng bản thân.

Truyện có kết cấu vô cùng phong phú và có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Lương y Phạm Bân là một vị thầy thuốc giỏi ông đã dốc toàn tâm, toàn sức để cứu chữa cho những người dân nghèo, ông đã dồn hết những tài sản mà ông có để mua thuốc chữa trị cho người dân. Ngoài việc mua thuốc ông còn tích trữ lương thực cứu nạn cứu đói cho người dân, ông vừa giúp họ có chỗ cư trú nhà ở, gạo, và chữa bệnh cho những người nghèo mà không hề tính toán tới việc sẽ được đền đáp trả lại. Ông đã giúp hàng nghìn người dân thoát khỏi bệnh tật và nghèo đói.

Khi được lệnh vua về chữa bệnh nhưng ông quyết tâm chữa trị cho người đàn bà nghèo trước rồi sau đó mới chữa trị cho quý nhân trong cung vua, lúc đó với thái độ tức giận cùng với những ý đe dọa của Quang Trung Sứ: “Phận làm tôi sao được như vậy, ông định cứu tính mạng người ta mà không cứu tính mạng mình chăng”. Tình huống này đã đẩy ông vào tình huống hết sức éo le. Đây là việc để ông lựa chọn giữa việc cứu những người dân sắp chết với bổn phận của mình với bề tôi điều này rất khó khăn với ông. Ông đã lựa chọn cứu chữa cho những người dân nghèo mà không chú ý đến tính mạng hay sự đe dọa của quan đối với mình. Ông là một vị lương y có tấm lòng nhân hậu giàu đức hy sinh. Ông sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu chữa cho những người dân nghèo. Chúng ta thật khâm phục và yếu quý ông vì ông thật sự là một vị lương y tốt và là người đã cứu sống hàng nghìn người dân nghèo đang trong tình trạng đói khổ.

Ông không chỉ là người có trái tim nhân hậu mà ông còn là người có bản lĩnh cứng cỏi, ông rất thông minh trong những khuôn phép ứng xử, ông đã làm cho vua, khơi gợi trong vua lòng yêu thương và đức bao dung của vị vua này đối với những người dân nghèo khổ. Nếu là một vị vua có lương tâm thì chắc chắn sẽ cảm động trước những lời nói của ông. Lúc đầu nhà vua có tức giận nhưng sau khi nghe xong vị vua không những tức giận mà còn ban khen cho vị lương y này. Ông là người có công rất lớn trong việc thức tỉnh trong con người nhà vua những phẩm chất thương dân cứu nước, vị vua Trần Anh Quang là vị vua sáng suốt và có tấm lòng yêu nước thương dân. Phạm Bân là một lương y có tài đức vẹn toàn, ông có công rất lớn đối với nhân dân cũng như có công lớn trong việc thức tỉnh cái tâm trong lòng vua Trần Anh Quang. Sự khen ngợi của nhân dân đối với gia đình ông, sự nghiệp của ông đó là những lời khen ngợi được đúc kết qua câu nói ở hiền gặp lành.

Qua truyện “Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng” đã thức tỉnh những ai làm nghề y trong xã hội ngày nay cần có đức và có tài để cứu chữa bệnh tình cho dân chúng, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình. Phải thực hiện đúng “lương y như từ mẫu”. Đó mới là vị thầy thuốc giỏi nhất.

Bài văn mẫu 4: Cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” kể về một bậc lương y tinh thông nghề nghiệp và giàu lòng nhân đạo. Truyện đã ca ngợi phẩm chất cao quý của Thái y lệnh Phạm Bân – một người hết lòng vì dân nghèo, luôn đặt tính mạng con người lên hàng đầu. Ông đã được người đời vô cùng khen ngợi vì vừa có đức vừa có tài, nhưng quan trọng hơn cả chính là tấm lòng của người thầy thuốc.

Người Việt xưa nay vẫn có câu: “Lương y như từ mẫu” dùng để nói về đạo đức của người làm thầy thuốc. Một người thầy thuốc không chỉ giỏi về tay nghề chữa bệnh mà còn phải có lương tâm, yêu thương người bệnh như chính con cái của mình vậy. Trong lịch sử nước ta cũng đã có những danh y nổi tiếng, nêu cao y đức như Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh…

Đọc truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của tác giả Hồ Nguyên Trừng đã cho em thấy một người thầy thuốc y đức vẹn toàn, không chỉ tinh thông y thuật mà còn hết lòng vì người bệnh. Phạm Bân – người thầy thuốc y đức vẹn toàn ấy đã dốc toàn tâm toàn ý toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân mà không tính toán thiệt hơn. Mặc dù người bệnh máu mủ bẩn thỉu hay mắc dịch bệnh truyền nhiễm, ông đều không chối từ. Những năm đói kém, dịch bệnh triền miên, ông đã bỏ tiền ra để dựng thêm nhà cho những người nghèo khổ và bệnh tật ở. Kết quả là ông đã cứu sống hơn ngàn người. Hành động ấy thật khiến người ta cảm động, liệu rằng trong thời buổi khó khăn ấy mấy ai đã sẵn sàng đưa tay ra để cứu vớt những người lầm than, cực khổ.

Điều làm em cảm động và khâm phục nhất về người thầy thuốc này chính là lòng dũng cảm không màng đến tính mạng của mình để có thể kịp thời cứu chữa cho người đàn bà nghèo trước khi chữa bệnh cho quý nhân trong cung vua. Người xưa vẫn có câu: “Nhà nghèo sổ ruột không bằng công chúa đứt tay” ý muốn nói tính mạng của con nhà quan là cao quý, luôn được đặt lên hàng đầu còn con nhà nghèo thì luôn bị coi thường.

Khi đứng trước tình huống éo le, khó xử giữa việc phải lựa chọn cứu dân nghèo hay khám bệnh cho quý nhân thì ông Phạm Bân đã dũng cảm chọn cứu người đàn bà nghèo trước. Mặc dù quan Trung sứ rất tức giận và có những lời nói đe dọa đến tính mạng của thầy Phạm Bân nhưng ông vẫn quyết định đi cứu người nguy kịch trước, sau đó đến thỉnh tội với vua. Ông nhận thức được mức độ nghiêm trọng của từng người bệnh và biết nên cứu ai trước, vì vậy mặc dù bị đe dọa nhưng ông không hề sợ hãi mà vẫn quyết định đi cứu người nguy kịch trước. Ông không sợ mắc tội phạm thượng mà chỉ sợ không làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc, có lỗi với lương tâm của mình.

Lúc đầu, nhà vua tỏ ý không hài lòng và muốn trách phạt ngài, nhưng sau khi nghe ngài dãi bày sự việc thì nhà vua không những không trách phạt mà còn hết mực khen ngợi. Điều này chứng tỏ rằng: Đây cũng là 1 vị vua thanh liêm, biết phân biệt phải trái đúng sai, yêu dân như con.

Kết thúc câu chuyện, tác giả nói về chức danh và bổng lộc mà con cháu của Phạm Bân đã thừa kế và phát huy y đức của ngài. Kết thúc có hậu ấy đã nói lên 1 chân lí rằng: Cha mẹ gieo nhân nào thì con cháu sẽ gặt được quả nấy. Ngài Phạm Bân cả đời làm việc tốt, tích đức cho con cháu, vì vậy con cháu ngài cũng thừa hưởng và phát huy đức tính ấy và được người đời vô cùng khen ngợi.

Thầy thuốc Phạm Bân là một tấm gương sáng cho người hành y noi theo. Câu chuyện mang ý nghĩa giáo huấn rất cao, đề cao trách nhiệm của người thầy thuốc. Cho dù ở hoàn cảnh nào cũng phải đặt trách nhiệm và tính mạng của người bệnh lên hàng đầu, gác lại lợi ích của bản thân. Truyện có bố cục chặt chẽ, phản ánh hiện thực sinh động của đời sống gây hứng thú cho người đọc. Tác giả đã chú trọng vào một số tình huống gay cấn để từ đó khắc họa rõ nét tính cách của nhân vật, gây ấn tượng cho người đọc.

Sau này em cũng sẽ cố gắng để trở thành một người thầy thuốc giỏi, có tấm lòng nhân ái và bao dung để có thể chữa bệnh cho nhiều người.

Bài văn mẫu 5: Cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

Người ta thường nhắc tới câu "Lương y như từ mẫu" khi nhắc tới thầy thuốc. Và cũng từ lâu, điều đó đã được xem là điều cốt lõi trong đạo đức nghề y, bởi nghề y đặc biệt hơn rất nhiều so với những nghề khác. Một thầy thuốc giỏi không chỉ đòi hỏi ở trình độ mà phải còn có tâm đức mới là một thầy thuốc đáng được nhân dân trọng vọng. Qua "Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng" ta càng thấy tấm lòng đối với nghề thầy thuốc là vô cùng quan trọng.

Chúng ta có thể thấy người thầy thuốc Cụ họ Phạm trong câu chuyện hành y chữa bệnh không phải quan trọng tiền bạc bởi "ngài đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo. Gặp người bệnh tật cơ khổ, ngài cho ở nhờ nhà, cho cơm cháo, chữa trị cho. Dẫu bệnh có dầm dề máu mủ nhưng ngài không hề né tránh. Bệnh nhân tới chữa khỏe mạnh rồi mới đi. Cứ như vậy, trên giường không lúc nào vắng bệnh nhân". Ông không tích của mà tích đức. Có thể nói mục đích hành y của thầy là cứu người, giúp dân, muốn góp phần mình vào lo cho cuộc sống của mọi người thêm ấm no, hạnh phúc. Những năm đói kém dịch bệnh nổi lên, Phạm Bân còn dựng thêm nhà đón những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở. Ông đã cứu chữa được hơn ngàn người. Nhà ông đã trở thành một bệnh viện làm phúc. Có thể thấy rất rõ ràng ông là một người quý mạng chúng sinh, có lòng thương người, không so đo, tính toán khi làm việc tốt, đó là việc không phải một vị thầy thuốc nào cũng có thể làm được.

Đó mới chỉ là việc lấy của cải của bản thân ra cứu tế giúp người nhưng ông còn không tiếc mạo hiểm cả tính mạng của mình để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Khi người trong cung bị sốt, người đến tìm ông trị bệnh thì có thể thấy ông rất được trọng dụng, là một người bề tôi, đó không chỉ là một vinh hạnh mà còn là cơ hội để tiến thân. Hơn nữa, làm thần thì không thể kháng lệnh vua, nếu không sẽ mất mạng bất cứ lúc nào. Nhưng ông lại kiên quyết đi khám chữa cho người đàn bà đang nguy kịch trước với lí do người ấy cần được chữa gấp hơn là người bị sốt trong cung. Ông không lo nhiều đến tính mạng của mình mà chỉ lo lắng cho bệnh nhân đang đối mặt với tử thần trong gang tấc. Cũng không vì quyền quý mà ngó lơ những người dân thường. Ở vào trường hợp ấy, cho dù ông chọn theo người vào cung thì cũng là lẽ thường, nhưng ông không phải là một thầy thuốc bình thường mà là một thầy thuốc có tấm lòng bao la. Ông hiểu chữa bệnh không phân cấp bậc, tính mạng của ai cũng đáng quý. Vì vậy sau đó, chính nhà vua cũng phải xá tội và ban thưởng cho ông bởi ông thực sự là một lương y hiếm có.

Câu chuyện đã mang lại nhiều ý nghĩa về nghề y, đồng thời khuyên răn những người thầy thuốc không chỉ trau dồi về tài năng mà còn phải trau dồi nhiều về đạo đức nghề nghiệp, biết đặt mạng sống của bệnh nhân lên hàng đầu, chữa trị không phân sang hèn, biết yêu thương con người,... Người thầy thuốc như vậy mới xứng đáng được công nhân và tôn vinh. Đây là một truyện giản dị mà hấp dẫn, chứa chan tình người, nêu cao đạo đức của người thầy thuốc chân chính. Hình ảnh tuyệt đẹp về người thầy thuốc giàu tình thương người, tỏa sáng tâm đức, y đức, sẽ luôn để lại lánh yêu và ngưỡng mộ trong lòng mỗi chúng ta.

------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp dàn ý và các bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 ngắn gọn, soạn bài lớp 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 6

    Xem thêm