08 bài văn Kể về thầy cô giáo của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập)
Bài viết số 3 lớp 6 đề 6: Kể về thầy (cô giáo) của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập) tài liệu văn mẫu lớp 6 hay dành cho quý thầy cô và các em học sinh tham khảo.
Kể về thầy cô giáo của em lớp 6
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 6 để chuẩn bị cho năm học mới, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 6.
- Văn mẫu lớp 6: Đóng vai Thủy Tinh kể lại truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh
- Văn mẫu lớp 6: Đóng vai Mị Nương kể lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh
- Sơn Tinh, Thủy Tinh - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm
- Ý nghĩa tượng trưng của Sơn Tinh, Thủy Tinh lớp 6
A. Cách viết bài văn Kể về thầy cô giáo của em
1. Bước 1: Tìm hiểu đề
- HS xác định được yêu cầu của đề là “kể”: HS viết bài văn theo phương thức biểu đạt chính là tự sự, trần thuật về một đối tượng nhất định, có kết hợp miêu tả và biểu cảm - không sa vào miêu tả quá nhiều.
- HS xác định được đối tượng của đề bài là “thầy, cô giáo”: HS lựa chọn người thầy, người cô mà mình đã từng học, từng biết, từng tiếp xúc để kể lại.
→ Lưu ý: HS nên lựa chọn một thầy, cô giáo mà mình có nhiều tình cảm, nhiều kỉ niệm nhất để quá trình kể sẽ dễ dàng hơn, và có nhiều chi tiết để kể lại hơn.
2. Bước 2: Quan sát và tìm ý
- Sau khi xác định được nhiệm vụ và đối tượng, học sinh cần tìm kiếm các thông tin, sự kiện, chi tiết… có liên quan đến đối tượng mà mình cần sử dụng.
- Việc tìm các thông tin, sự kiện, chi tiết, hình ảnh… về thầy cô mà em muốn kể có thể thông qua nhiều hình thức:
- Qua thực tế mà em đã từng nhìn và tiếp xúc
- Qua lời nói, lời kể lại của người khác
- Những dữ liệu xoay quanh thầy cô mà HS muốn kể cần đủ theo các tiêu chí sau:
- Đặc điểm về ngoại hình, trang phục, giọng nói, cử chỉ…
- Đặc điểm về thái độ, tính cách… thể hiện qua cách đối xử với mọi người hằng ngày
- Đặc điểm về thói quen, sở thích…
- Những kỉ niệm đáng nhớ, ý nghĩa giữa người thầy, cô đó đối với HS
- Những tác động, ảnh hưởng từ người thầy, cô đó đến HS, khiến HS thay đổi theo chiều hướng tích cực như thế nào…
→ Lưu ý: cần quan sát chi tiết, cẩn thận để những hình ảnh, sự kiện được viết thực sự mang tính riêng, mới mẻ… tránh đi vào lối mòn quen thuộc khi kể về giáo viên.
3. Bước 3: Sắp xếp và lập dàn ý
- Sau khi sàng lọc được hệ thống các chi tiết, hình ảnh, sự kiện… ở bước 2, HS sẽ xếp nó vào một dàn ý chính thức.
- Việc tạo dựng dàn ý tùy theo cách kể của mỗi HS để sắp xếp sao cho hợp lý nhất. Có thể đi theo các trình tự như sau:
- Cách 1: Kể về ngoại hình, tính cách, rồi đến những kỉ niệm, tình cảm của HS dành cho người thầy, cô mình kể.
- Cách 2: Vừa kể về những kỉ niệm, tình cảm của HS dành cho người thầy, cô, vừa đan xen các chi tiết kể về ngoại hình, tính cách…
→ HS nên xây dựng một dàn ý chi tiết và logic theo mạch cảm xúc, tư duy của bản thân để có một bài viết tốt và riêng biệt.
4. Bước 4: Viết bài
- Dựa trên dàn ý đã lập ở bước 3, HS viết thành một bài văn hoàn chỉnh.
- Chú ý:
- Mỗi luận điểm viết thành một đoạn văn riêng để bài văn trở nên rõ ràng và mạch lạc hơn.
- Kết hợp khéo léo các chi tiết miêu tả và biểu cảm, bộc lộ cảm xúc trong quá trình kể.
- Sử dụng đan cài các biện pháp tu từ để tăng tính nghệ thuật cho bài văn như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ…
- Sử dụng linh hoạt các từ đồng nghĩa để thay thế nhau trong bài văn, để tránh hiện tượng một từ có tần suất xuất hiện quá nhiều lần trong bài văn.
- Kiểm soát chặt chẽ mạch viết, tránh luận điểm này viết quá chi tiết, trong khi luận điểm khác triển khai sơ sài. Vì tất cả các yếu tố (ngoại hình, tình cảm, kỉ niệm, những ảnh hưởng của người thầy, cô…) đều có giá trị như nhau.
- Khuyến khích kết hợp thêm những câu hát, câu thơ, câu ca dao tục ngữ… về người giáo viên vào bài văn.
5. Bước 5: Kiểm tra lại bài văn
- Đây là bước cuối cùng để đảm bảo rằng bài viết sẽ hạn chế được tối đa những lỗi có thể phạm phải. Cụ thể:
- Kiểm tra lại các lỗi chính tả, tẩy xóa, gạch bỏ trong bài viết - để đảm bảo không bị thiếu, sai hay thừa một chữ nào.
- Dò lại bài viết song hành với dàn ý, để chắc chắn không bỏ sót một nội dung nào đã được vạch ra từ trước.
→ Bước này sẽ giúp bài viết được chỉn chu và hoàn thiện tối đa trước khi nộp bài.
B. Dàn bài Kể về thầy cô giáo của em
1. Mở bài
- Vai trò của người thầy (cô) đối với học trò: Mang đến tri thức, động viên, nhắc nhở, lo lắng việc học tập, dạy dỗ em nên người...
- Giới thiệu khái quát về người thầy (hay cô giáo) mà em sắp kể: Đó là thầy cô nào, dạy em lớp mấy?
- Khái quát về tình cảm quan tâm, yêu thương của thầy, cô đối với em: Luôn hết lòng giúp đỡ em học tập, giúp em tiếp cận phương pháp học mới có hiệu quả hơn,...
2. Thân bài
- Miêu tả một vài nét nổi bật về ngoại hình của người thầy (hoặc cô) mà em sẽ kể (có thể viết riêng hoặc đan xen vào những phần dưới đây): Vóc dáng, phong thái, giọng nói, cử chỉ,...
- Khái quát về lối sống, tác phong sư phạm của người thầy (cô) đó: Mẫu mực, hết lòng thương yêu học sinh...
- Đối với riêng em, thầy (cô) đã hết lòng với việc học tập của em ra sao?
- Nhắc nhở, động viên em học tập: Gặp riêng để trò chuyện, đến nhà để thăm hỏi, động viên.
- Giúp đỡ về tinh thần, vật chất (nếu có): Hướng dẫn cách học, tặng sách vở, đồ dùng học tập,...
- Tình cảm của em đối với thầy (cô) giáo đó ra sao: Yêu mến, cảm phục (có thể ban đầu thấy khó chịu nhưng sau này có sự biến đổi rõ rệt).
- Bài học về cách sống mà thầy (cô) đã mang lại cho em.
3. Kết bài
- Khẳng định tình cảm yêu quý, trân trọng của bản thân đối với thầy (cô).
- Những suy nghĩ khái quát, sâu sắc về tình cảm thầy trò.
→ Tham khảo thêm các dàn ý Kể về thầy (cô giáo) khác tại đây.
C. Bài văn kể về cô giáo của em lớp 6
1. Kể về cô giáo của em - Mẫu 1
Ông cha ta có câu: “Không thầy đó mày làm nên”. Thật vậy, nếu thiếu đi những người giáo viên tận tụy, khó mà những đứa trẻ tự mình học thành tài. Vậy nên, em luôn kính trọng, yêu quý những người thầy, người cô của mình. Trong đó em đặc biệt yêu mến cô Hà - cô giáo dạy môn Ngữ văn của em.
Cô Hà là một giáo viên dày dặn kinh nghiệm khi đã đi dạy được hơn mười năm rồi. Vậy nên những phương pháp giảng dạy của cô vô cùng đa dạng, hấp dẫn lại dễ hiểu. Khiến em khó mà rời mắt ra khỏi cô mỗi giờ học. Cô có dáng người hơi thấp, nhưng cân đối. Hằng ngày, theo quy định của trường, cô luôn mặc áo dài đến lớp. Những chiếc áo dài của cô luôn có màu sáng trang nhã, có họa tiết đơn giản như hoa sen, cây trúc, hoặc chẳng có hình vẽ nào cả. Dù vậy, cũng đủ để tôn lên vẻ đẹp dịu dàng của cô. Tóc cô dài đến giữa lưng, đen và mượt mà. Trông cô chẳng khác gì những người mẫu ảnh cả. Giọng nói cô thì vô cùng dịu dàng, trầm lắng, khiến người nghe mê say không dứt ra được.
Điều em thích nhất ở cô Hà chính là tính cách của cô. Cô là một người rất tốt bụng và nhiệt tình, thích giúp đỡ người khác. Nhớ có lần, khi sắp đến kì thi thì em bị ốm phải nghỉ ở nhà. Lo em không ôn kịp các bạn, cô đã mang theo các tài liệu ôn thi được biên soạn chi tiết sang tận nhà để đưa cho em. Lúc đó, em cảm động lắm. Quyết tâm học thật kĩ, thi được điểm cao để không phụ sự quan tâm của cô.
Em mong sao, sang năm, mình vẫn sẽ tiếp tục được học với cô Hà. Để em lại tiếp tục được làm cô học trò bé bỏng của cô giáo tuyệt vời ấy.
2. Kể về cô giáo của em - Mẫu 2
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, nhưng người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh - cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.
Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để truyền tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.
Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.
Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.
Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: “Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm!”
3. Kể về cô giáo của em - Mẫu 3
Trường Trung học cơ sở Nam Trung Yên là mái nhà của tình thương, của kỷ luật. Trong trường, học sinh luôn luôn quý mến các thầy, các cô và đáp lại đó các thầy, cô luôn luôn chăm sóc, quan tâm đến các học sinh của mình. Tôi, riêng tôi đây, tôi luôn luôn kính trọng giáo viên toán của mình: Cô Trang, người giáo viên đã giúp tôi như một sự thần kỳ.
Cô Trang có vóc dáng dong dỏng cao, mái tóc cô màu đen cắt đầu vuông trông thật đẹp, vào tầm khoảng này, cô đang mang một bé trai trong bụng, giờ đã được khoảng năm, sáu tháng (cũng không rõ lắm). Cô rất hiền lành, nhân hậu, trên đôi môi cô vẫn luôn nở một nụ cười tươi, giúp cô vốn đã xinh nay còn xinh hơn! Theo các giờ toán trên lớp của chúng tôi cho biết: Hẳn cô vẫn luôn muốn trên bảng của lớp có tám từ: “Tổ một: Đủ; tổ hai: Đủ; tổ ba: Đủ; tổ bốn: Đủ”.
Hẳn sẽ có rất nhiều người đang tự hỏi: “Tại sao cô giáo chủ nhiệm là cô văn: Vừa hiền, vừa xinh”. Thật ra cũng chỉ vì lí do sau: Hồi tôi còn học cấp I, cái từ “toán” với tôi chỉ là một môn vô dụng: “Một phụ nữ ra chợ mua sáu mươi quả dưa hấu, mỗi quả ...vân và vân…”; vậy, tôi thường phân tích nó: “Bà ấy mua để làm gì và mang chúng về như thế nào?”, “Cấp I ta được học một cộng một bằng hai; cấp II ta được biết âm một cộng ba bằng hai; cấp III rồi Đại học…” Chung quy, lớn lên, trên máy tính của ta có mấy chữ “Một cộng một bằng hai???“… Nói chung, trong mắt tôi, “Toán” chỉ là một khối gạch vô tri, vô giác, không có ích cho đời.
Cho đến khi tôi học cấp II, những ngày học hè đầu tiên đã đến. Sau khi nghe thời khóa biểu, tôi phàn nàn: “Mình sẽ ngủ vào hai tiết cuối (Toán)”. Thời gian dần trôi, hai tiết toán đã đến, tôi chui tọt xuống bàn cuối cùng để ngồi, thở dài: “Chín mươi phút à? Buồn thật…”. Cô Trang bước vào lớp, cô đi chầm chậm, cái dáng đi khoan thai ấy giờ tôi vẫn nhớ. Tôi khá ấn tượng với nó, mèo hoàn mèo tôi gục đầu xuống bàn. Lớp trưởng hô cho các bạn chào: “Học sinh Nam Trung Yên kính thầy, yêu bạn, chăm ngoan, học giỏi”. Giọng cô vang lên nhẹ nhàng: “Cô chào các con, mời các con ngồi xuống”. Giờ câu nói ấy cứ luôn vang mãi trong mỗi giờ toán của chúng tôi, nhớ mãi nó. Quay lại tiết toán, tôi ngồi xuống, mặt bàn như có lực hút, “hút” mặt tôi xuống bàn. Cô Trang quan sát lớp, cô thấy tôi, những bước chân của cô khẽ vang lên, cô lại gần tôi hỏi: “Con có mệt không? Cần xuống y tế không con?” Tôi đáp lại bằng cái giọng chán nản, thường nghe muốn “đập”: “Con không sao ạ”. Cô mỉm cười, xoa đầu tôi: “Mệt thì nói với cô nhé!” Tôi chỉ coi đó là xã giao, không quan tâm. Thật tình lúc đó cũng thấy áy náy, mất mười phút của lớp rồi! Xong, tôi nghĩ: “Ai cũng như ai thôi, giáo viên toán thường rất cứng và rắn, nghe giảng hẳn ngang phè phè ý mà…” Cô cất lên tiếng giảng bài. Ôi! Sao nó trong và mềm, hay đến như thế! Hẳn đó là lúc tôi thay đổi mọi khái niệm về môn toán, cắt đứt sợi dây có ghi hình “Toán bằng vô dụng” và nối tiếp sợi dây “toán”. Tôi liền nhận ra: “Thù không phải không là bạn”. Tôi quyết tâm học toán. Ngày tháng trôi qua, những con số “sáu, bảy” và thay vào đó là những điểm “chín, mười”. Và đây: Một con tám rưỡi xuất hiện trong bài kiểm tra giữa học kỳ I của tôi, tất cả đều nhờ công lao cô Trang dạy dỗ, rèn luyện cho tôi từng ngày, từng tháng một. Tôi vẫn chưa thể tự mình nói lời “cảm ơn” với cô, cho đến khi vào ngày hai mươi tháng mười một, trên tay tôi, tôi cầm chiếc thiếp tặng cô Trang. Theo tôi, đó là lời cảm ơn gián tiếp, tôi không đủ dũng cảm để bật ra hai chữ “cảm ơn”.
Tôi rất biết ơn cô Trang! Cô là người dẫn lối cho tôi trước khi quá muộn, trước khi nó (khái niệm về “toán”) bị đóng khuôn, không thể thay đổi được nữa… “Con cảm ơn cô!” – Đây là lần thứ hai con phải gián tiếp nói hai chữ “cảm ơn”. “Con sẽ cố gắng cô ạ, vào ngày nào đó, chính con sẽ tự nói chúng trước cô, cô ạ!”.
4. Kể về cô giáo của em - Mẫu 4
Nhà sách! Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu em. Em đang muốn tìm một nơi thoải mái để giết thời gian, tìm một không gian vui thú để tận hưởng những giây phút được nghỉ những tiết cuối. Đang mải xem sách thì một bóng người va vào em làm rơi một vài quyển sách xuống đất. Em và người ấy vội vã nhặt lên... và khi ngẩng lên thì em chợt nhận ra cô, người thầy đã dạy em từ nhiều năm trước.
Cô bây giờ sao khác xưa nhiều quá! Cô gầy hơn, xanh xao hơn nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp thanh khiết và giản dị. Đó là một điều cô luôn có và không bao giờ mất. Em rối rít như chú chim nhỏ đón mẹ về. Chào cô, hồi thăm sức khoẻ cô, ôm cô... Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa đã theo thời gian trôi đi những tưởng không bao giờ trở lại. Thế nhưng giờ đây khi gặp lại cô, lòng em lại bồn chồn, xao xuyến... Bao nhiêu kỷ niệm lại quay về. Em hỏi cô biết bao nhiêu câu hỏi. Cô vui lắm, cô gặp lại đứa học trò quậy phá cô cả một năm học. Ánh mắt cô trìu mến và dịu dàng hơn bao giờ hết:
- Dạo này em học ra sao rồi?
Giọng cô vẫn ấm áp như xưa. Giọng nói ấy gợi trong em biết bao nhiêu kỷ niệm... Nhớ năm xưa, cô luôn nhẹ nhàng khuyên bảo khi em sai sót, nghịch phá.
Em cười có vẻ mắc cỡ rồi trả lời cô:
- Em học cũng thế thôi cô ạ! Nhưng mà cũng có thể gọi là giỏi, thưa cô. Có bao giờ em phụ lòng cô về học tập đâu, phải không cô. Cô ơi, sao dạo này cô có vẻ yếu vậy cô. Cô cười nhẹ nhàng bảo:
- Sao em không hề thay đổi vậy. Em luôn hỏi cô những câu hỏi mà không học sinh nào hỏi...
- Cô ơi, sao cô cười mà không thật sự vui vậy cô? Cô đang giận em chuyện gì phải không cô?
Cô bảo:
- Em lại thế nữa rồi! Cô không sao cả, cô không bị gì hết, em đừng lo.
Em vừa nghe vừa chăm chú nhìn cô và khi em thấy một vết sẹo nhỏ nằm chếch ở mắt trái của cô thì dường như có một dòng kỷ niệm hiện lên trong lòng em. Em vén tóc cô và nhìn lại vết sẹo do chính em gây ra. Em hỏi cô:
- Cô ơi, cô có nhớ vết sẹo này không?
- Làm sao cô quên được, hở em?
Ngày ấy, cô có nhớ không? Đó là một buổi tối cô dạy cho những học sinh yếu ở lớp, một buổi tối đầy trăng sao. Cô có việc phải đi ra ngoài. Bọn em giả ma để hù nhau và còn dùng đá chọi nhau. Không ngờ vô tình em đã ném đá trúng vào đầu cô. Cô ôm đầu và ngã khụy xuống. Máu, máu tuôn ra thấm đầy tay cô và cô được đưa vào bệnh viện. Nhìn mọi người đưa cô đi mà lòng em như nặng ngàn cân. Nước mắt tuôn trào ra như suối. Em hối hận vô cùng. Cả một khoảng trời như sụp đổ trước mặt em. Em bỗng cảm thấy sợ sợ mất cô, sợ cô không dạy cho chúng em nữa. Cái sợ như ăn mòn cả tim gan em...
- Cô ơi... ngày đó cô... giận em lắm phải không cô?
Em hỏi cô một cách rụt rè vào đầy lo lắng nhưng cô lại trả lời nhẹ nhàng và hiền từ:
Không, cô không hề giận em! Cố chỉ không hiểu tại sao ngày xưa em lại nghịch phá đến thế. Những trò đùa của em lúc đó cũng hơi quá nhưng cô nghĩ em không hề có ác ý, phải không? Em luôn chọc cười lớp để giảm bớt cái không khí căng thẳng trong những giờ học mà. Có khi cô thầm nghĩ em nên là nam hơn là nữ...
Em cười bẽn lẽn và nghĩ sao cô lại luôn dịu dàng với em đến thế. Cô luôn như một người mẹ thứ hai của em luôn dạy dỗ và an ủi em khi khó khăn, thiếu thốn...
Trời đã về chiều. Em cùng cô ra khỏi nhà sách và chuẩn bị ra về. Phía chân trời xa, hoàng hôn đang ánh lên một màu vàng cam tuyệt đẹp. Ánh hoàng hôn như vui mừng hòa quyện với cô và em. Giã biệt cô và trên đường về nhà, lòng em cảm thấy lâng lâng khi hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ hôm nay.
D. Bài văn Kể về thầy giáo của em lớp 6
1. Kể về thầy giáo của em - Mẫu 1
Ngày bé, em thường được nghe rằng cô giáo như mẹ hiền. Ai ai cũng xuýt xoa về những cô giáo hiền lành, kiên nhẫn. Đến khi được đến lớp, lần đầu tiên trong đời, em được biết đến một người thầy tận tụy, yêu thương học sinh, chẳng thua gì những người cô cả. Đó chính là thầy Tần - người thầy đầu tiên của em.
Lúc đó, thầy Tần còn trẻ lắm, chỉ độ hai lăm, hai sáu mà thôi, lại còn là con trai nữa. Nên các mẹ, các bà có phần không quá yên tâm. Thế nhưng thời gian đã chứng minh tất cả. Thầy Tần chăm sóc, dìu dắt chúng em một cách kiên nhẫn, tỉ mỉ chắc thua gì các cô cả. Mỗi sáng, thầy đến lớp từ sớm, đón từng bạn nhỏ vào lớp. Buổi chiều, thầy sẽ ở cửa chờ các phụ huynh đến đón hết các học sinh thì mới về nhà. Ở lớp, bạn nào tay chưa sạch, thầy dẫn đi rửa tay, bạn nào mệt thầy đưa lên phòng y tế nghỉ. Những hôm đầu tập viết, chúng em được thầy cầm tay, hướng dẫn viết từng nét một. Có những chữ khó, chúng em tập mãi vẫn không viết được, suốt mấy hôm liền thầy vẫn kiên nhẫn hướng dẫn, không hề cáu gắt. Chính điều đó, khiến không chỉ học sinh như em mà các phụ huynh đều vô cùng yêu quý, trân trọng thầy.
Nhớ có một lần, lúc đi học em quên đem theo bút chì, nên không viết bài được. Sợ bị thầy mắng, em khóc tu tu. Thấy thế, thầy phì cười rồi đem cho em một chiếc bút chì rất xinh đẹp để viết. Chiếc bút đó đẹp lắm, lại còn khắc tên của thầy ở trên “Bùi Minh Tần” khiến em say mê. Cuối giờ học, em mang bút lên trả thầy mà còn quyến luyến lắm. Nhìn em như vậy, thầy Tần đã tặng luôn cây bút đó cho em, và dặn dò em phải cố gắng học tập. Thế là em đã có một món quà vô giá đến từ người thầy mình hằng kính yêu. Về nhà, em trân quý đặt chiếc bút đó vào hộp, để trên bàn học chứ không dùng. Đến nay thời gian đã trôi qua hơn năm năm rồi, nhưng chiếc bút đó vẫn được em cất giữ cẩn thận.
Thầy Tần không phải là người thầy duy nhất em từng được học, nhưng chắc chắn thầy là người mà em yêu quý và trân trọng nhất. Bởi thầy là người đầu tiên đưa em sang sông trên chiếc đò tri thức.
2. Kể về thầy giáo của em - Mẫu 2
Năm lớp 5 tôi được may mắn hoc thầy Phong. Cho đến giờ chúng tôi vẫn còn nhớ mãi những kỉ niệm về thầy.
Dáng người thầy cao to, phải đến hơn mét bảy, gần mét tám. Tầm tuổi thầy mà cao như vậy thật hiếm có. Tóc thầy đã điểm hoa râm, xoăn tít rất lạ. Mắt thầy to, sáng. Ánh nhìn sắc lạnh và rất nghiêm. Nhưng khi cười trông thầy thật hiền từ.
Thầy Phong dạy hay nhất là môn Toán. Bình thường lúc giảng bài thầy rất say sưa. Giọng nói chậm rãi nhưng nhịp tay cứ thoăn thoắt ghi những công thức lên bảng. Thầy không thích ngồi trên bàn giáo viên lâu. Thầy thường hay đi lại quanh lớp nhìn chúng tôi loay hoay tính toán. Và đặc biệt, thầy rất vui khi chúng tôi tìm ra những cách giải mới, hay và khác cách giải của thầy.
Đầu năm học, khi mới học thầy, trong lớp đứa nào cũng sợ thầy một phép. Thầy cứ vào là lớp im phăng phắc, không dám ho he một tiếng. Gọi dạ bảo vâng. Bởi trông thầy nghiêm nghị quá. Mái tóc xoăn chải gọn ra sau, chiếc áo sơ mi trắng cộc tay và chiếc quần âu luôn được là phẳng nếp. Thầy ít khi nói đùa. Đang giảng bài mà phát hiện anh chàng nào hí hoáy làm việc riêng hay cười đùa là thầy dừng lại ngay. Bằng ánh mắt nghiêm nghị, thầy nhìn thẳng vào người đó. Lúc ấy, chàng ta chỉ có nước xấu hổ mà tự động đứng lên xin lỗi thầy. Xong, thầy không nói gì, lại tiếp tục giảng bài say sưa như chưa có chuyện gì xảy ra. Chính vì thầy nghiêm nghị thế nên chúng tôi ít khi dám trò chuyện với thầy bên ngoài giờ học.
Mãi đến 20/11, kỉ niệm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, bọn chúng tôi mới khám phá hết con người của thầy. Thầy là một con người rất tình cảm. Thầy rớt nước mắt khi nhận từ chúng tôi những bài hát và lời chúc chân thành. Đáp lại chúng tôi được thưởng thức giọng ca trầm ấm hay hơn cả Trọng Tấn của thầy. Chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy cười tươi và nói nhiều đến vậy. Thầy kể cho chúng tôi nghe hồi còn trẻ, thầy và các bạn học trong lớp tre nứa, vừa học vừa nghe tiếng báo động. Những lúc trời mưa, lớp dột, cả thầy và trò ngồi dúm lại một góc mà vẫn ướt. Hồi ấy khổ nhưng mà vui lắm. Ai cũng chăm học và ngoan ngoãn.
Khi đã gần gũi với thầy hơn, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều mới từ thầy. Thầy là một nhà giáo rất tâm huyết với nghề. Thầy thường bỏ hàng giờ đồng hồ, thậm chí cả buổi chiều thứ bảy chủ nhật để kèm thêm cho những bạn kém mà không lấy tiền. Thầy rất kiên nhẫn. Thầy giảng thật chậm, thật kĩ. Khi chúng tôi đã hiểu thầy mới chuyển sang bài khác.
Năm học cuối cấp của tôi trôi qua rất nhanh. Ngày chúng tôi ra trường cũng là ngày thầy về hưu. Thầy buồn lắm khi phải xa chúng tôi, xa lớp học trò cuối cùng của thầy, xa nghề dạy học. Cho đến giờ tôi còn nhớ mãi bài thơ thầy đọc trong buổi lễ chia tay:
Hãy nhìn đi em - con đường phía trước
Còn rất dài, cũng thật nhiều chông gai.
Thầy cô sẽ không dắt em đi suốt con đường dài
Chỉ mong sao
Mỗi bước em đi trên chặng đường mới.
Em vững vàng, vấp ngã - biết đứng dậy,
Chẳng bao giờ đánh mất niềm tin.
3. Kể về thầy giáo của em - Mẫu 3
Hôm nay, như thường lệ, thầy mở cặp lấy xấp bài ra là cả lớp nhấp nhổm. Với đề ra là “Hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc của em”, thầy đã nói rằng có bốn mươi học sinh thì chắc chắn sẽ có bốn mươi kỷ niệm khác nhau, không như khi chứng minh trích đoạn nào đó bị thầy chê là đơn điệu...
Khác thường, là thầy đưa xấp bài cho lớp trưởng, chỉ giữ lại một bài. Chỉ một! Đứa nào cũng nhón người nghểnh cổ cho cao lên một chút để có nhìn cho ra tên của ai và được mấy điểm nhưng không được. Bài hay nhất? Dở nhất?
Giỏi văn nhất là Kim Chi. Nhưng rồi dự đoán của chúng tôi tiêu tan khi Kim Chi với tay nhận bài của mình từ tay lớp trưởng. Vậy là thầy giữ lại bài dở nhất rồi! Cả lớp chuyển ánh nhìn về phía Cường với tiếng cười khúc khích. Cường thường có những câu văn kiểu như: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn nên chúng ta phải đi nhiều ngày hơn nữa...”. Nhưng rồi Cường cũng nhận được bài của mình. Vậy thì của ai? Hay? Dở? Làm sao biết trước được bài sẽ đọc lên hôm hay là của ai? Trời, môn Văn...
Chúng tôi nhìn theo tay của lớp trưởng cho đến khi bài cuối cùng được phát ra. Chỉ mình Dũng là chưa có. Không hẹn mà cả lớp đều ngạc nhiên nhìn về phía Dũng, tác giả bài văn trên tay thầy …
Dũng là học sinh trường huyện mới chuyển về lớp tôi được hai tháng nay. Không có gì nổi trội, nơi Dũng cái gì cùng bình thường và chưa có gì tỏ vẻ ra là đặc biệt về môn Văn cả. Vậy mà điểm tám. Phải, điểm tám! Chúng tôi nhìn rõ số tám đỏ chói trong ô điểm khi thầy đưa tay sửa lại cặp kính trên sống mũi, cử chỉ quen thuộc mỗi khi thầy xúc động. Giọng thầy trầm trầm:
“Kỷ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má cho em ra phố học để sau này em có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố", ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà em có thể đỡ đần được cho gia đình. Chưa bao giờ ba má em viết cái gì cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê hay viết đơn từ là em viết...”
Thầy ngừng đọc, nhìn cả lớp:
- Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Dũng lên bảng cho chúng ta cùng đọc.
Một chuyện lạ! Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:
“Con iu thươn của ba. Chiều hôm qua ba kêu người bán heo đễ có tiền gửi cho con nhớ nhà khôn? Cã nhà nhớ con nhíu lấm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.
Lá thư vỏn vẻn 45 chữ.
Khi thầy quay lại thì Dũng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng hoe đỏ.
Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gởi gắm của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu cầm bút viết cho con.
4. Kể về thầy giáo của em - Mẫu 4
Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nhiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cửa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.
Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.
Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm "lận đận" với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói: "Chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học". Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.
Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mĩ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một vài bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn xao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.
Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những trò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ông và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi: "Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẻ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.
Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điểm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói: "Thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẫu cho các bạn noi theo....". Thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. Tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.
Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:
"Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."
Bài viết số 3 lớp 6 - Văn kể chuyện các đề khác
- Đề 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm,…).
- Đề 2: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,…)
- Đề 3: Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt động văn nghệ, thể thao mà quen, hoặc do tính tình của bạn,…).
- Đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,…).
- Đề 5: Kể về những đổi mới ở quê em (có điện, có đường, có trường mới, cây trồng,…).
- Đề 7: Kể về một người thân của em
---------------------------------------------------------------
Ngoài bài Bài viết số 3 lớp 6 đề 6: Kể về thầy (cô giáo) của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập) trên đây, mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 6 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 6 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các em đạt kết quả học tập tốt.
Tài liệu tham khảo: