Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích Tấm Cám

Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích Tấm Cám lớp 6 với các đoạn văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 6.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Hướng dẫn Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

- Nhân vật: Học sinh lựa chọn đa dạng các nhân vật để kể chuyện như Tấm, Cám, mụ dì ghẻ, nhà vua, ông Bụt...

- Các sự kiện cần có khi kể lại câu chuyện:

  • Cô Tấm xinh đẹp, ngoan hiền, sống cùng dì ghẻ và con của dì ta là Cám, luôn phải làm việc vất vả
  • Lần nọ, dì ghẻ treo thường 1 chiếc yếm đỏ cho người mò được nhiều tôm tép hơn. Tuy chăm chỉ cả buổi nhưng Tấm lại bị Cám lừa cướp công, chỉ để lại 1 con cá bống
  • Tấm xem cá bống như bạn, nuôi dưới giếng nhưng bị mẹ con Cám lén ăn thịt, chôn xương dưới góc bếp
  • Nhờ ông Bụt, Tấm tìm được xương bống, đem cho vào hũ chôn ở góc giường
  • Khi vua mở hội, Tấm đã theo lời Bụt, tìm được váy áo đẹp trong những chiếc hũ ở góc giường, đi hội và trở thành vợ vua
  • Vào giỗ cha, Tấm về nhà tự mình trèo lên cây cau để hái quả, nhưng bị dì ghẻ chặt gốc cây hại chết
  • Sau đó, Tấm 3 lần hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi nhưng đều bị Cám khoác áo chị vào cung hại chết
  • Lần thứ 4, Tấm trở thành hình hài con người trong quả thị, được bà cụ bán nước nhận làm con gái
  • Cô têm trầu cánh phượng giúp bà cụ bán nước và nhờ miếng trầu ấy mà nhà vua nhận ra cô
  • Tấm theo vua về kinh đoàn tụ hạnh phúc, còn mẹ con Cám thì bị trừng phạt thích đáng

Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích Tấm Cám ngắn gọn

Ta là cô Tấm thảo hiền mà mọi người vẫn luôn yêu quý và ngưỡng mộ. Dù cuộc đời trải qua nhiều biến cố, nhưng lúc nào ta cũng giữ nguyên tấm lòng sắt son ấy của mình.

Từ nhỏ ta đã phải làm lụng vất vả suốt ngày. Bởi ta sống cùng mẹ con mụ dì ghẻ độc ác. Hai mẹ con bà ta đã hãm hại ta hết lần này đến lần khác. Họ lừa gạt di giỏ tôm tép của ta để dành lấy chiếc yếm đào. Họ ăn thịt người bạn cá bống đáng yêu. Họ bắt ta nhặt từng hạt đậu bị trộn lẫn để không được đi chơi hội. Tuy nhiên, ta vẫn vượt qua tất cả và đến được vũ hội, may mắn trở thành vợ của vua, nhờ có ông Bụt tốt bụng giúp đỡ.

Nhưng đâu chỉ có thế. Khi ta đã là vợ của vua, họ lại càng thâm độc hơn. Họ chặt cây cau hại ta ngã xuống ao chết, rồi lấy áo của ta vào cung vua hòng thay thế vị trí của ta. Khi ta hóa thành chim vàng anh trở về, họ ăn thịt ta, vứt lông ra vườn. Ta hóa thân thành cây xoan, thì họ chặt thân đem làm khung cửi. Rồi khung cửi cũng bị họ đốt cháy, đem tro đổ đi xa. Lần này, từ đống tro tàn, ta trở về trong hình dáng con người nương nhờ quả thị thơm. Bà lão bán nước đã đem ta về nhà, nhận ta làm con nuôi. Ngày ngày, ta têm trầu giúp bà bày bán và dọn dẹp nhà cửa. Cũng nhờ miếng trầu ấy mà nhà vua nhận ra ta và đón ta về cung.

Cuối cùng, sau bao gian truân, vất vả, ta cũng được trở về nhà và chung sống hạnh phúc cùng chồng mình. Còn hai mẹ con xấu xa kia thì bị trừng phạt thích đáng.

Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

Tôi là cô Tấm - vợ của vua. Hiện nay, tôi đang sống một cuộc sống hạnh phúc trong cung cấm. Tuy nhiên, để có được hạnh phúc như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua rất nhiều vất vả.

Tôi mất mẹ từ khi còn rất nhỏ. Cha cũng bất hạnh qua đời sớm, nên tôi sống cùng với dì ghẻ và con gái bà ta là Cám. Lúc nào tôi cũng phải làm việc quần quật từ sớm đến tối để phục vụ hai mẹ con bà ấy. Một hôm, dì ghẻ treo thưởng là chiếc yếm đào xinh xắn cho người bắt được giỏ tôm tép nhiều hơn. Vì đã lâu không có quần áo mới, nên tôi thích lắm. Cả chiều, tôi cặm cụi mò cua bắt ốc nên thu được cả rổ đầy, còn Cám thì mải chơi nên chẳng có gì. Nào ngờ, Cám gian xảo lừa tôi đi gội đầu rồi cướp công. Lúc phát hiện ra thì tôi chẳng thể làm gì được nữa, đành bất lực ngồi khóc. Nghe tiếng khóc, ông Bụt hiện lên và chỉ cho tôi về chú cá bống nhỏ vẫn còn sót lại trong rổ. Thế là, tôi đem cá về nuôi trong giếng. Ngày nào, tôi cũng đem cơm ra cho cá ăn. Dù phải bớt phần cơm của mình, tôi cũng không để cá phải đói ngày nào. Bởi tôi xem cá bống như người bạn của mình. Để đảm bảo cá bống không bị ai bắt mất, tôi đã dùng một câu hát riêng để làm tín hiệu gọi cá lên. Thế mà, mẹ con dì ghẻ đã rình và học lén câu hát ấy. Rồi lừa tôi đi chăn trâu ở đồng xa để ăn thịt cá bống. Lúc tôi trở về nhà, mang cơm ra giếng thì chỉ còn một cục máu đỏ mà thôi. Đau đớn vô cùng, tôi òa khóc nức nở. Đúng lúc ấy, ông Bụt lại hiện lên, chỉ cho tôi cách để nhờ chú gà tìm xương cá bống. Sau đó, theo lời ông dặn, tôi chia xương cá vào ba cái hũ rồi cất dưới chân giường.

Ít lâu sau, nhà vua tổ chức hội lớn để tìm vợ. Ai cũng náo nức đi xem hội, riêng tôi thì bị dì ghẻ bắt ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo thì mới được đi. Mà nhặt xong thì hội cũng tàn mất. May sao, ông Bụt đã gọi một đàn chim sẻ tới giúp tôi nhặt nên loáng cái đã xong xuôi. Nhưng đến lúc này, tôi lại phát hiện mình chẳng có bộ trang phục nào để đi hội cả. Bộ nào cũng cũ, cũng vá chằng vá chịt. Tuy nhiên, mọi chuyện đã nhanh chóng được giải quyết, khi ông Bụt chỉ cho tôi lấy ra bộ váy xinh và đôi giày tuyệt đẹp từ các chiếc hũ dưới chân giường.

Có váy đẹp, tôi háo hức đi xem hội. Lúc chen lấn xô đẩy, tôi lỡ làm rơi đôi hài xuống nước. Vì quá đông nên tôi chẳng thể xuống mò được. Ngờ đâu, chiếc hài đã khiến cho voi của nhà vua đứng yên một chỗ, chẳng chịu đi tiếp. Thế là ngài đã cho lính xuống tìm và nhặt được chiếc hài lên. Ngắm chiếc hài, ngài quyết định ra lệnh, ai đi vừa thì sẽ là vợ của vua. Tôi đã trở thành vợ của vua như thế đó.

Tưởng hạnh phúc đã về, nhưng sóng gió cuộc đời tôi vẫn chưa dừng lại. Sau khi vào cung làm vợ vua, tôi vẫn đau đáu nhớ về quê nhà. Năm ấy, tôi xin vua về nhà để giỗ cha. Đến nơi, tôi đã tự mình trèo lên cây cau để hái quả thờ cha. Mà ngờ đâu bị dì ghẻ chặt cây hại chết. Bà ta lấy đồ của tôi cho Cám mặc rồi đưa cô ta vào cung thay chị hầu vua. Dù vậy, vua cũng chẳng đoái hoài gì đến cô ta cả. Còn tôi, sau khi chết, đã hóa thành chim vàng anh bay vào cung bầu bạn nhà vua. Vua thích tôi lắm, đi đâu cũng mang theo. Cám ghen tức lắm, nên đã lén lút bắt tôi giết thịt, rồi đổ lông ngoài vườn. Từ đám lông ấy, tôi lại hóa thân thành cây xoan cao lớn. Trưa nào vua cũng ra mắc võng trên thân cây để nghỉ ngơi. Ả Cám xấu xa lại lần nữa sinh lòng ghen ghét. Nhân lúc vua đi vắng, ả ta chặt cây, làm thành khung cửi. Mỗi lúc ả dệt, tôi lại tạo nên tiếng cót két chửi mắng kẻ có lòng dạ xấu xa này. Sợ quá, Cám đốt cháy khung cửi, đem tro đổ đi thật xa. Nhưng từ đám tro tàn, tôi lại hồi sinh lần nữa, và lần này, tô lại trở về trong hình hài con người trong quả thị. Được bà hàng nước yêu thương, tôi ở lại làm con gái nuôi của bà, phụ bà têm trầu nấu trà mời khách. Nhờ miếng trầu têm cánh phượng ấy, mà nhà vua đã phát hiện ra tôi. Thế là vợ chồng tôi được đoàn tụ hạnh phúc. Còn Cám và dì ghẻ thì bị đuổi đi biệt xứ, không bao giờ có thể làm chuyện ác được nữa.

Sau bao khổ cực, cuối cùng tôi cũng được hưởng cuộc sống bình yên hạnh phúc. Được như vậy, là nhờ tôi vẫn luôn chăm chỉ, hiền lành không sống gian đối, độc ác như mẹ con Cám đấy.

Đóng vai nhân vật kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

Xin chào mọi người, ta là ông Bụt - một vị thần mang nhiều phép lạ. Ngày hôm nay, ta sẽ kể cho mọi người nghe về cô Tấm - một cô gái hiền lành, dịu dàng và kiên cường.

Sớm mồ côi cha mẹ, Tấm phải sống cùng dì ghẻ và con gái của bà ta là Cám. Vậy nên, bao nhiêu việc nhà cửa, đồng áng Tấm phải làm cả. Vất vả, lam lũ quanh năm, mà cô chẳng bao giờ có tấm áo mới. Tội nghiệp vô cùng. Một hôm, mụ dì ghẻ đã sai Tấm và Cám ra ruộng mò cua bắt ốc, và treo thưởng cho người bắt được nhiều hơn là một chiếc yếm đào. Có giải thưởng, cả hai chị em kéo nhau ra ruộng ngay. Tấm cần mẫn cả chiều bắt được một giỏ đầy, còn Cám thì lười biếng nên đến gần tối giỏ vẫn còn không. Nhưng nhờ sự gian xảo, Cám đã lừa Tấm đi gội đầu kẻo bị mẹ mắng, rồi trộm hết thành quả của Tấm mang về nhận thưởng. Lúc nhìn thấy chiếc giỏ trống không, Tấm buồn bã òa khóc nức nở. Thế là ta liền hiện lên, chỉ cho cô ấy chú cá bống nhỏ còn lại trong giỏ, để mang về nhà nuôi.

Từ khi nuôi cá bống trong giếng, Tấm có thêm người bầu bạn. Ngày ngày cô mang cơm ra cho cá ăn và hát gọi cá lên. Ngờ đâu, ngay cả một con cá bà dì ghẻ cũng không tha. Bà ta lừa cô Tấm đi chăn trâu ở đồng xa rồi ở nhà bắt cá ăn thịt. Chờ Tấm trở về thì còn lại một cục máu loãng mà thôi. Mất bạn, Tấm òa khóc nức nở. Thấy thương cô quá, ta liền hiện lên, chỉ cho cô ấy cách nhờ gà đi tìm xương cá. Rồi lại dạy cho cô chia xương cá thành ba phần, cho vào ba cái hũ rồi cất dưới chân giường. Xong xuôi ta trở về nhà.

Mấy hôm sau, lần nữa ta lại nghe được tiếng khóc của Tấm. Vừa hiện lên, ta đã thấy cô ấy vừa khóc vừa cố nhặt những hạt thóc và hạt gạo đã bị trộn lẫn. Nhìn qua là ta biết ngay lại là mụ dì ghẻ bày trò. Thế là ta liền gọi chim sẻ đến giúp cô nhặt nhạnh. Xong xuôi, cô Tấm liền sửa soạn đi hội. Nhưng lúc này cô ấy mới biết mình chẳng có bộ váy áo nào cả. Ngay lập tức, ta hóa phép cho những mẩu xương trong ba cái hũ dưới chân giường thành váy áo và giày đẹp rồi bảo cô Tấm lấy ra dùng. Sửa soạn xong xuôi, cô Tấm trở nên vô cùng xinh đẹp. Sung sướng chào ta, cô liền đi hội. Chưa yên tâm, ta bí mật đi theo phía sau cô. Ngờ đâu, dọc đường cô làm rơi hài xuống nước. Thế là ta liền làm cho voi của nhà vua đứng yên ở chỗ đôi hài bị rớt. Nhà vua thấy lạ, liền cho lính đi kiểm tra và tìm được chiếc hài kia. Thấy chiếc hài, nhà vua liền ra lệnh ai đi vừa chân sẽ trở thành vợ vua. Thật không ngờ rằng, nhờ vậy mà cô Tấm trở thành hoàng hậu.

Cứ tưởng từ nay, cô ấy sẽ được hưởng hạnh phúc. Nhưng chỉ ít lâu sau cô ấy đã qua đời. Bởi khi cô đang cố trèo lên cây cau để hái quả xuống giỗ cha thì bị mụ dì ghẻ chặt cây cho ngã xuống. Mụ ta còn lấy áo quần của Tấm để cho Cám mặc rồi vào cung thay chị hầu vua. Ta tức giận vô cùng trước sự độc ác của mẹ con họ. Vì thế, ta đã quyết định sẽ giúp cô Tấm tái sinh để giành lại hạnh phúc của mình. Lần đầu tiên, cô Tấm hóa thành chim vàng anh bay vào cung vua. Được vua yêu chiều, đi đâu cũng dẫn theo nên chim bị Cám ghét lắm. Ả ta lén lút giết chim ăn thịt rồi vất lông ở ngoài vườn. Thế là Tấm tái sinh lần thứ hai thành cây xoan lớn. Nhà vua thấy cây, liền yêu thích không thôi, trưa nào cũng mắc võng nằm ngủ trên cây. Cám thấy thế, lại sinh lòng căm ghét, nhân lúc vua đi vắng liền chặt cây làm khung cửi. Chiếc khung cửi ấy là lần tái sinh thứ ba của cô Tấm. Mỗi khi Cám dệt vải, cô liền chửi mắng ả ta không ngừng khiến ả sợ lắm. Liền đốt khung cửi thành tro rồi đem đi đổ thật xa. Từ đám tro tàn, cô Tấm tái sinh lần cuối cùng. Lần này cô chính thức trở về với hình dáng của con người trong quả thị thơm. Được bà quán nước thương yêu và mong mỏi, lại thiếu tình mẹ từ nhỏ, Tấm đã đồng ý làm con gái bà. Hằng ngày, cô giúp bà têm trầu, nấu nước chè để buôn bán. Chính nhờ miếng trầu ấy, nên khi nhà vua đi ngang qua đã phát hiện ra nàng. Nhờ vậy, hai vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc.

Nhiều người vẫn hỏi ta, tại sao không để cô Tấm tái sinh thành người ngay từ lần đầu, mà để cô trải qua nhiều khó khăn như vậy. Thì chính bởi vì việc tái sinh trở lại không phải là việc đơn giản. Ta cần phải để cô trải qua nhiều khó khăn thử thách, để kiểm tra ý chí, lòng quyết tâm của cô Tấm xem cô có xứng đáng với món quà đó không. Và cuối cùng, cô Tấm đã không làm ta thất vọng. Với tính hiền lành, chăm chỉ, thảo hiền, cô xứng đáng được sống hạnh phúc mãi mãi bên nhà vua.

Đóng vai nhân vật Tấm kể lại truyện Tấm Cám ngắn gọn

>> Xem các bài văn ngắn gọn tại Kể lại truyện Tấm Cám theo lời nhân vật Tấm ngắn gọn

Kể lại câu chuyện Tấm Cám bằng lời của Tấm

>> Xem đầy đ ủ các bài văn chi tiết tại Viết bài văn đóng vai nhân vật Tấm kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích ngắn gọn

>> Xem các bài văn ngắn gọn tại Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích ngắn gọn

Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích dài nhất

>> Xem đầy đủ các bài văn chi tiết tại Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích trang 41

-------------------------------------------------

Ngoài bài Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích Tấm Cám trên đây, chúng tôi còn biên soạn và sưu tầm chọn lọc nhiều đề thi KSCL đầu năm lớp 6, đề thi giữa kì 1 lớp 6, đề thi học kì 1 lớp 6, đề thi giữa kì 2 lớp 6đề thi học kì 2 lớp 6 tất cả các môn. Mời quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
281
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 6 KNTT

    Xem thêm