Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết lớp 6 Hay nhất (13 mẫu)
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết lớp 6
A. Dàn ý Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết
a. Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu ngày Tết, không khí gia đình em vào dịp Tết.
Mẫu:
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người.
Vậy là một năm mới nữa lại đến. Xuân về vén bức màn âm u của mùa đông để đất trời trở nên ấm áp và lòng người không khỏi háo hức, hân hoan. Bởi vì ai cũng mong muốn một năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhưng hơn hết là được cùng gia đình chuẩn bị đón một mùa xuân sang.
b. Thân bài
- Miêu tả khái quát.
- Bố mẹ thu xếp công việc từ sớm để cùng gia đình về quê ăn Tết.
- Tết đến, xuân về, căn nhà như khoác trên mình chiếc áo mới. Dường như nó cũng vui lây theo niềm vui của con người.
- Không khí ngày Tết ở quê thật thanh bình, khác hẳn với cái ồn ào, náo nhiệt, sầm uất của thành phố.
- Chợ huyện đã mở từ sớm để mọi người có thể chuẩn bị đồ đạc, đón năm mới đang đến thật gần.
- Cây cối đâm chồi nảy lộc, xanh mơn mởn.
- Trong vườn, những bông hoa đang đua nhau khoe sắc tỏa hương, làm đẹp cho cuộc đời.
- Những nụ hoa đào e ấp, chúm chím chỉ đợi giờ khắc giao thừa là bung nở rực rỡ.
- Ngoài đồng, những bông lúa xanh đang rì rào trong gió xuân như tấu lên khúc hát bất tận, ca ngợi vẻ đẹp thanh bình của quê hương yêu dấu.
- Sắc xuân không chỉ tràn ngập trong thiên nhiên mà còn ngời lên trong nét mặt rạng rỡ của bác bà, bác mẹ, những bác nông dân chân lấm tay bùn nhưng hiền lành, phúc hậu. Sắc xuân còn tràn vào gia đình tự lúc nào…
- Miêu tả cụ thể
- Bà, mẹ và cô dậy sớm đi chợ để mua đồ: những hộp bánh, kẹo thơm lừng, những trái chín căng mọng quả.
- Các bác, các chú và bố xuống vườn cây cảnh để chọn cho gia đình một cành đào và quất ưng ý nhất.
- Những cánh đào mịn màng, hồng phớt cùng với những trái quất vàng óng, lúc lỉu, tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu.
- Các em trang trí nhà cửa và cây cảnh bằng những câu đối đỏ, những dây đèn nhấp nháy đủ màu.
- Buổi chiều, cả nhà quây quần gói bánh chưng. Công đoạn chuẩn bị và làm bánh khá vất vả nhưng ai cũng vui vẻ vì được tự tay làm ra món ăn truyền thống của dân tộc.
- Tối đến, mọi người lại thức để canh nồi bánh chưng. Tiếng nước sôi kêu lục bục trong nồi nghe thật vui tai.
- 8 giờ tối, gia đình vừa ăn cơm vừa xem Táo Quân. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng chương trình gặp nhau cuối năm luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người Việt Nam.
- Ăn xong, bà, mẹ và các bạn chuẩn bị mâm cơm để dâng lên bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị cúng ngoài trời.
- Xong xuôi, mọi người cùng đứng ra sân để chuẩn bị xem pháo hoa, đón năm mới.
- Một lúc sau tiếng pháo đùng đoàng vang lên từ xa, rồi lần lượt những chùm pháo rực rỡ bay lên bầu trời với đủ màu sắc khác nhau. Khung cảnh thật là tuyệt diệu như trong câu chuyện cổ tích vậy.
c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân về ngày Tết và niềm vui khi được cùng mọi người chuẩn bị đón Tết.
Mẫu: Mấy ngày Tết đã trôi qua nhanh chóng, nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc, đặc biệt là những người con xa xứ. Sau này, dù có đi đâu xa, em vẫn luôn nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
>> Tham khảo các dàn ý chi tiết tại đây: Dàn ý Tả cảnh sinh hoạt lớp 6
B. Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết của gia đình em Ngắn gọn (4 mẫu)
Mỗi năm Tết chỉ đến một lần và khoảnh khắc mà em thích nhất vào mùa Tết, chính là đêm giao thừa.
Từ chiều 30, sau khi mâm cơm Tất niên sum vầy đã diễn ra thành công mĩ mãn, là em đã nhớ mong về khoảnh khắc giao thừa. Khi bố mẹ đã dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa sau bữa cơm thân mật, trời cũng đã đến gần 22h. Không khí xung quanh thật chộn rộn và náo nức. Bố mẹ ngồi xuống sửa soạn các phông bao lì xì, em thì cùng bà nội soạn mâm bánh mứt. Nào kẹo, nào bánh, rồi thạch, mứt, hạt dưa… Món nào cũng ngon và hấp dẫn. Khi đem đặt lên bàn, cạnh ấm nước chè, bình đào dăm đã nở rộ có quấn sợi dây đèn nhấp nháy, thì trông đẹp vô cùng. Ngẫm cũng lạ, năm nào cái bàn trà này cũng bày biện y như nhau, vậy mà em vẫn hào hứng, mong chờ nó đến lạ. Và rồi khi đồng hồ dần nhích qua 23h, mọi người ngồi lại bên nhau, xem chương trình âm nhạc chào Tết. Những ca khúc quen thuộc nghe từ năm này sang năm khác, ai cũng thuộc lời. Thế nhưng nếu thiếu nó thì chẳng còn gì là Tết nữa cả. Em buồn ngủ díp cả mắt nhưng vẫn cố thức để chờ đợi một điều gì đó. Bố mẹ, ông bà cũng vậy. Tivi đang mở, nhưng không ai quan tâm đến nó, lòng cứ thổn thức ngó lên cái đồng hồ. Rồi trong sự ngóng đợi của tất cả mọi người, giờ phút chuyển giao thiêng liêng cũng đến. Trên tivi lẫn ngoài trời, pháo hoa nở rực rỡ. Từng đợt pháo nổ ầm trời, tỏa ra ánh sáng rực rỡ khiến ai ai cũng say mê ngắm nhìn. Em đứng giữa bố và mẹ, háo hức ngắm pháo hoa. Lúc nhìn bên phải, lúc nhìn bên trái, mãi chẳng hề thấy chán. Khi pháo hoa dần tan, mọi người sẽ lùi lại trong nhà. Em chúc Tết ông bà, bố mẹ bằng những bài thơ đã học thuộc từ trước, sau đó được nhận những bao lì xì đỏ thắm. Cứ thế, mọi người lần lượt chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất. Mãi đến gần 3h sáng, cả nhà em mới tắt đèn đi ngủ.
Đêm giao thừa chẳng có hoạt động nào bùng nổ hay thật đặc biệt, nhưng vẫn khiến em và rất nhiều người say mê. Đơn giản, bởi đó là khoảnh khắc cả nhà sum vầy, đoàn tụ bên nhau.
>> Xem thêm các mẫu còn lại tại đây: Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết của gia đình em Ngắn gọn
C. Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết của gia đình em lớp 6
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 1
Ngày Tết là những ngày mà em thích nhất trong một năm. Không chỉ vì đó là những ngày được nghỉ học, vui chơi thoải mái, mà còn vì được cùng bố mẹ sum vầy bên cạnh nhau nữa.
Tết đúng nghĩa là ba mùng đầu năm. Bao việc dọn dẹp, sắm sửa tất bật đều đã được hoàn thành vào trước lúc làm mâm cơm tất niên chiều 30 rồi. Giờ đây, nhà cửa đã sạch sẽ, bánh kẹo đầy khay, thịt cá đầy tủ, chỉ việc chơi Tết thôi. Ngoài trời lạnh lẽo, gió thổi vù vù từng đợt. Còn trong nhà thì ấm áp lắm. Phòng khách rực rỡ với sắc vàng của mai tứ quý, sắc đỏ của những đồ vật trang trí quanh thân cây. Bình thanh liễu của mẹ cũng đỏ rực ấm áp. Mùi nhanh trầm phảng phất, hòa vào hương gió lạnh, thấm đẫm cả căn phòng. Trên tivi rộn ràng những tiết mục xuân, bài nào cũng vui tươi, đầy những lời ca ý nghĩa. Bố mẹ cùng em ngồi ở phòng khác, ăn mứt kẹo, hạt dưa, rồi cùng nhau trò chuyện về những dự định sắp tới. Bình thường công việc của bố mẹ rất bận rộn, nên cũng lâu rồi cả nhà mới có thể thành thơi ngồi bên cạnh nhau nhứ thế.
Đến chiều mùng 1, cả nhà em sẽ cùng nhau sang chúc Tết ông bà nội ngoại. Em mặc áo quần mới, cầm tay bố mẹ đi thăm từng nhà. Đến nơi, em được ông bà thương yêu ôm vào lòng, lì xì những phong bao đỏ thắm. Em được ngồi giữa ông và bà, được mọi người quan tâm hỏi thăm chuyện học tập, vui chơi năm vừa qua. Ai ai cũng thật vui vẻ và phấn khởi. Đến dì Hoa ngày thường khó tính, nay cũng cười thật là tươi. Tiếng cười tiếng nói rộn ràng khắp mọi nhà. Mọi chuyện muộn phiền, không vui đều gửi lại cho năm cũ. Còn đầu xuân năm mới, mọi người sẽ chỉ nói chuyện vui, chuyện may mắn mà thôi. Đây cũng là thời gian hiếm hoi mà mọi người dành thời gian để hỏi thăm, đi chúc Tết người thân, bạn bè. Ngày Tết thực sự gắn kết mọi người lại với nhau hơn, khiến mọi gia đình đầm ấm, sum vầy.
Em yêu những ngày Tết, chính là bởi cảnh sinh hoạt bình dị mà hạnh phúc như thế đó. Bởi không gì hơn được sự đoàn tụ của gia đình, hơn được không khí đoàn viên bên mâm cơm ngày Tết.
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 2
Trong một năm, em thích nhất là những ngày Tết. Vì lúc đó quê em trở nên thật xinh đẹp và rộn ràng.
Những ngôi nhà trở nên đông vui khác lạ bởi sự trở về của những người con, người cháu đi học đi làm ở xa. Trên gương mặt ai cũng là nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc vì được đoàn tụ gia đình. Mọi người tíu tít, phấn khởi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa từ trong ra ngoài. Cả những con đường cũng không bị bỏ sót. Sau đó, đương nhiên là tiết mục trang trí. Những gam màu tươi sáng, may mắn, những hình ảnh hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét xuất hiện ở khắp mọi nơi, khiến người ta càng thêm nao nức.
Vào ngày Tết, ai ai cũng xúng xính trong các bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất của mình để đi thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè, ngày thân. Họ chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, may mắn nhất. Người lớn, người già ngồi thủ thỉ, tâm tình với nhau về những kì vọng trong năm mới. Con nít thì thích thú với những túi lì xì, những khay bánh kẹo, mứt Tết. Đâu đâu cũng là tiếng cười vui, tiếng chúc tụng hoan hỉ. Những buồn bã, tính toan của năm cũ được gác đi nhường chỗ cho sự hân hoan của năm mới.
Tuy ngày Tết không dài, nhưng niềm vui mà nó mang đến thì vô cùng to lớn. Chính vì thế, em vẫn luôn mong ngóng mỗi ngày để chờ Tết về trên quê hương mình.
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 3
Quê em là một ngôi làng nhỏ và bình yên. Bình thường, người trẻ trong làng chủ yếu đi làm trong nhà máy trên thành phố. Các chàng trai, cô gái thì tất bật học hành. Nên trông cả ngôi làng có vẻ yên lặng và vắng vẻ. Cả một năm, chỉ vào dịp Tết, mọi người mới trở về đoàn tụ cùng nhau. Thế nên, ngày Tết là ngày mà nhà nhà mong đợi.
Ở quê em, ngày Tết như một câu thần chú, đánh thức cả một vùng quê dậy. Độ từ hai ba tháng chạp - ngày đưa ông Táo về trời, là mọi thứ dần dần thay đổi. Ngoài những công việc hằng ngày, mọi người tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Từ cắt tỉa bụi cỏ, hàng cây trước nhà, sau vườn, đến quét vôi lại hàng rào đã cũ. Rồi lại lau chùi nhà cửa, giặt giũ rèm, chăn, đệm… Và còn cả việc lau chùi lại bộ lư đồng, bộ bàn ghế… Tiếng cười nói lúc dọn dẹp của các ngôi nhà ồn ã khắp cả khu xóm. Nhìn từ xa, những sào phơi đồ nhà nào cũng giăng kín, như muôn vàn cánh chim đang vỗ cánh trong gió mới.
Và rồi, những hàng quán, khu chợ cũng đông vui và tấp nập hơn. Những mặt hàng Tết được trưng bày rất nhiều. Tuy không phong phú và hoành tráng như trên thành phố, nhưng lại có một vẻ đẹp mộc mạc rất riêng. Trên những bãi đất trống, các thương lái dừng lại, bày nào mai, nào quất, nào dưa, nào chuối để bán… Người mua kẻ bán xôn xao từng góc đường. Những đoạn đường như thế, thường sẽ bị ùn tắc, nhưng chẳng ai khó chịu cả, vì Tết mà. Rồi những hàng tạp hóa bắt đầu bày ra đủ thứ bánh mứt, kẹo hạt với các món đồ trang trí năm mới xinh xắn, đủ làm mê mệt bất kì đứa trẻ nào. Ở chợ, các hàng áo quần, lá, nếp, thịt… cũng nô nức và đông vui hơn hẳn thường lệ. Đi ngoài đường, thật dễ dàng để bắt gặp ai đó chở những cành mai, chậu quất, hay vài túi đồ lớn sắm Tết.
Độ dặm hôm sau, người đi làm đi học xa nô nức trở về nhà. Cả ngôi làng vốn rộng lớn bỗng trở nên chật hẹp. Đâu đâu cũng là người, là hoa, là quà, là tiếng cười nói, tiếng hỏi thăm nhau. Những quán ăn, nhà hàng cũng được dịp đông đúc bởi mọi người kéo nhau đi liên hoan sau một năm làm ăn xa nhà.
Và rồi, sau bao mong chờ, thì Tết chính thức đến. Đêm giao thừa, cả nhà cùng nhau ngồi xem Táo quân, ăn mứt, uống trà. Bầy trẻ nhỏ thì đi ngủ trong sự háo hức chờ ngày mai. Suốt ba ngày Tết, dù là những cô những bác nông dân cũng khoác lên bộ áo đẹp nhất để đi chúc Tết nhau. Những câu chúc, những bao lì xì đỏ thắm cứ thế mà trao đi trong sự vui tươi của mọi người.
Mẹ thường bảo, Tết là tốn kém, thế nhưng lại luôn mong Tết về. Vì nhờ Tết, cả nhà được quây quần bên nhau. Nhờ Tết, mọi người mới gần nhau hơn, mới có thời gian lau dọn, thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên. Niềm vui của Tết là niềm vui của sự sum họp và đoàn viên. Chính vì thế, em vẫn luôn yêu Tết vô cùng!
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 4
Xóm làng hàng ngày yên lặng là thế. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lại náo nhiệt đến lạ thường. Thanh niên trong làng ở đâu mà nhiều thế. Cứ đến 28 Tết là gọi nhau í ới đi chợ Tết.
Chợ- hàng ngày đã náo nhiệt rồi, Tết về có lẽ nó lại càng náo nhiệt hơn…
Hầu như năm nào tôi cũng đi chợ Tết. Hồi bé, mẹ cho năm đến mười nghìn, rồi mượn anh trai - đi học xa về, cái xe mini để đi chợ. Hồi đó, tiền chưa mất giá nên đi chợ mua được bao nhiêu thứ: Mua bánh kẹo ăn, rồi mua nhiều bóng bay nữa chứ. Háo hức lắm vì được đi chợ với mấy đứa bạn, đi cả ngày mới về mà mẹ không mắng vì Tết mà.
Giữa chiều về nhà thì đã thấy bố gói bánh chưng sắp xong, đang chuẩn bị cho bánh vào nồi. “Bố ơi! Làm cho con cái bánh cóc, nhiều thịt, nhiều đỗ nha bố?”. Rồi quay sang dặn anh trai: “Lúc bánh chín anh không được ăn mất phần em đâu đấy???”. Tôi có 2 chị gái, 2 anh trai. 2 chị thì lấy chồng. Tôi là út trong nhà nên được cả nhà cưng chiều.
Tết năm nào cũng thế. Giữa hiên nhà tôi là cây đào hoặc cây quất. Trong nhà thì tôi và mẹ hay trang trí thêm 1 chậu hoa cúc, thêm 1 lọ hoa lay ơn nữa.
Tôi không chỉ rất thích Tết – vì tôi sinh ra vào mùa xuân, mà tôi còn rất thích không khí những ngày gần Tết. Nó thật khó tả. Trong lòng tôi luôn lâng lâng, vui vui, hồi hộp. Tôi rất thích được ngồi canh nồi bánh chưng với anh trai tôi (anh giáp tôi). Ngửi mùi thơm của bánh phả ra. Chao ôi! Thơm ơi là thơm… Ngồi ăn hạt dưa, nghe anh kể chuyện. Rồi cứ như thế cho đến lúc ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chỉ biết khi tỉnh dậy thì bánh đã chín và đang được ép cho cứng bánh.
Rối tôi cũng rất thích không khí đêm 30 Tết… Cả nhà chuẩn bị đồ ăn. Bữa cơm ngày Tết thịnh soạn. Chắc chắn không thể thiếu món dưa hành- mấy hôm trước tôi đã phải chảy bao nhiêu là nước mắt khi bóc hành. Mọi người ngồi quây quần bên nhau. Bữa cơm Tất niên. Tôi thấy vui lắm vì có đầy đủ thành viên trong nhà.
Gia đình tôi theo Đạo nên hầu như năm nào cũng vậy. Khi gần đến thời khắc Giao thừa thì cả nhà tôi đến nhà thờ đọc kinh. Lúc này mọi người trong xóm đã tụ họp đông đủ, nhất là thanh niên xóm. Xem bắn pháo hoa. Rồi chuông nhà thờ được kéo trong hồi dài. Tôi rất thích ngắm pháo hoa, đủ sắc màu. Chúng tôi reo hò mỗi khi thấy pháo hoa đẹp rồi cùng hô to: “Happy New Year!!” Hay “Chúc mừng năm mới”. Nói chung những câu đại loại như thế. Sau đó, chúng tôi vào nhà thờ cầu nguyện - cầu mong năm mới nhà nhà mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc. Còn tôi? Tôi cầu mong cho gia đình tôi luôn yêu thương, đoàn kết, mong bố mẹ luôn mạnh khỏe, anh em tôi học hành giỏi giang…
Sau khi cầu nguyện xong thì thanh niên xóm chúng tôi tổ chức liên hoan, hát hò… Cú như thế đến 2 hoặc 3 giờ sáng mới xong. Ngày Tết của quê tôi thật vui. Sáng ngày mùng 1, cả nhà tôi chuẩn bị quần áo thật đẹp đi chúc Tết ông bà. Tôi được mọi người mừng tuổi. Vui lắm. Đơn giản vì tôi thêm 1 tuổi.
Bây giờ, tôi đang là sinh viên. Mỗi năm về nhà 2 hoặc 3 lần. Có lẽ xã hội phát triển nên bây giờ muốn ăn bánh chưng lúc nào là có lúc đấy. Và có lẽ đi chợ Tết với 5 đến 10 nghìn như tôi ngày xưa thật hiếm. Thế nhưng, với gia đình thì tôi vẫn là cô út ngày nào, còn trẻ con, vẫn hay nũng nịu đòi bố gói cho cái bánh cóc, vẫn đòi anh cho được canh nồi bánh chưng cùng, vẫn cùng mẹ đi chợ mua hoa cúc. Và gia đình tôi vẫn cùng nhau chuẩn bị bữa cơm Tất niên ấm cúng như ngày xưa…
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 5
Tết đến xuân về, mọi vật như được đánh thức sau một giấc ngủ dài mỉm cười chào đón nàng tiên mùa xuân ấm áp. Ngoài vườn, trăm hoa đua nở, chuẩn bị phô sắc, toả hương mừng xuân mới. Hoà trong khí thế vui tươi ấy, cây mai cũng bừng tỉnh đón chào một năm mới với mọi sự tốt lành.
Sáng sớm, tôi tỉnh dậy bước ra vườn. Bên cạnh những cây hoa hồng kiêu sa, hoa cúc e lệ trong sương sớm thì cây hoa mai cũng thay áo mới để đón mừng xuân. Tôi còn nhớ, khi tôi học lớp bốn, cậu tôi đã tặng cho gia đình tôi một chậu mai. Từ khi nhận được cây mai, gia đình tôi yêu quý, chăm sóc nó cẩn thận lắm. Mỗi lần nhớ tới cậu, tôi lại ra vườn tưới cây tỉa cành. Từng ngày, từng ngày, dưới bàn tay chăm sóc của gia đình tôi, cây lớn hẳn, bây giờ nó đã cao đến hai thước gốc to bằng bắp chân tôi, những cái rễ đâm xuống như muốn tìm nguồn sống trong lòng đất mẹ. Không xanh tươi mảnh dẻ như hoa hồng, thân mai xù xì màu nâu sậm. Mỗi lần chăm sóc mai, sờ vào lớp vỏ xù xì của nó, tôi thấy thương mai biết bao nhiêu. Phải chăng nàng tiên Xuân không ưu ái cho mai nên mới khoác cho nó tấm áo buồn tẻ đến thế! Thế nhưng thân mai uốn lượn thật đẹp, lên cao chia thành nhiều cành nhỏ, những cành nhỏ đó lại chia thành nhiều nhánh mảnh dẻ nhưng những cánh tay giơ lên nhẹ nhàng xoè bàn tay đón lộc xuân. Còn nhớ, mới đây thôi, vào những ngày mùa đông giá lạnh, cây mai kiên cường chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Lúc này, mai phủ lên mình những chiếc lá màu xanh đạm, thon dài, mép có răng cưa khi mà tết sắp đến, tôi thường giúp gia đình ngắt lá giúp mai để cởi bỏ những chiếc lá cũ. Và lúc này trông mai thật khẳng khiu, tội nghiệp. Toàn thân nó trơ ra những xương, co ro trong giá lạnh. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày, mai đã bắt đầu nhú lên những chiếc nụ xinh xắn, no tròn xanh biếc, đầu nụ cuộn chặt vào nhau. Nhìn những nụ bé xinh, tôi có cảm tưởng như nàng tiên xuân đã nhẹ nhàng êm ái những đặt những hạt ngọc bích lên tô điểm cho mai, chuẩn bị cho một mùa xuân ấm áp, vui tươi.
Thế rồi, ngày tết cũng cận kề. Lúc này những nụ hoa nở xoè những bông hoa năm cánh vàng tươi. Cánh hoa mỏng, mềm mịn như cánh bướm. Những bông hoa kết thành chùm cùng đua nhau khoe sắc trông thật rực rỡ. Lột bỏ tấm áo cũ, mai khoác lên mình tấm áo vàng lộng lẫy. Vào phút giao thừa, mọi người càng yêu mai hơn. Lúc này các loài hoa khác đã nhẹ nhàng lui gót để hoa mai lên ngự trị ở vị trí nữ hoàng của các loài hoa xuân. Cứ thế, mai trở thành người bạn tri âm của loài người vào những dịp tết đến, xuân về.
Những ngày tết ấm áp dần trôi qua. Mai bắt đầu rụng. Những cánh hoa mai giả từ cành rơi vàng cả gốc. Mỗi lần chị gió mỉm cười đi ngang qua, mai lại tươi vui bay lên xoay múa, rồi nhẹ nhàng đáp xuống đất, kết thúc một vòng đời.
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 6
Cái rét se lạnh của mùa đông đã qua đi, những tia nắng ấm áp bắt đầu ló dạng trên bầu trời vốn chỉ có một màu xám xịt. Và đây cũng là thời điểm người dân ở xóm em náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Tuy mùa đông đã qua đi nhưng ngày tết năm nào cũng vẫn hơi lành lạnh. Không khí buổi sáng đầu năm gợi cho tất cả mọi người một cảm giác quen quen. Dù trời lạnh nhưng hình như bầu trời lúc nào cũng quang và sáng.
Trên khuôn mặt của từng người sáng bừng một niềm vui, háo hức đón xuân. Ai ai cũng tất bật, khẩn trương chuẩn bị cho cái tết riêng của mình. Con đường làng cũng nhộn nhịp hẳn lên bởi mọi người nghỉ hết việc đồng áng đổ ra đường đi sắm Tết. Ngoài chợ, những dãy hàng hoa tươi, cây đào, cây quất hứa hẹn một cái Tết tưng bừng. Những tiếng chào mời mua hàng, tiếng rao hàng, tiếng xe cộ làm cho âm thanh của buổi chợ Tết thêm nổi bật. Tâm điểm của chợ tết là những hàng đào đang ra hoa hồng thắm. Bố em cũng chọn một cành đào. Bọn trẻ vui sướng hơn ai hết bởi chúng được nghỉ học trước Tết mấy ngày rủ nhau đi chơi khắp làng ngắm nghía những chiếc đèn lồng đỏ treo suốt từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Mắt đúa nào cũng xuýt xoa, lấp lánh niềm vui.
Những cành cây bên đường bắt đầu đâm những chồi non đang hãnh diện khoe cùng gió xuân. Thỉnh thoảng lại có một vài con chim ém lứt qua giữa khoảng trời. Con sông chảy quanh làng vẫn thầm lặng hy sinh như người mẹ nuôi nấng những đứa con của mình, cần mẫn chở nước về dự trữ cho cánh đồng để bà con nông dân yên tâm ăn Tết.
Em cũng được cùng mẹ cho đi sắm Tết. Thật là vui biết bao, em tay xách nách mang mà chẳng thấy nặng chút nào. Mẹ mua cho hai anh em nhiều quần áo mới để đi chơi tết. Thích thú nhất là tự tay trang trí nhà cửa để đón xuân. Em giúp bố trang trí cho cành đào nhà mình. Sau khi xong Em say sưa ngắm không biết chán cây đào có dàn đèn nhấp nháy lộng lẫy sắc xuân. Bàn thờ nhà ai cũng được bày biện đẹp mắt và mang ý nghĩa hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Vậy là đã đến ngày cuối cùng trong năm, đã chuẩn bị xong hết mọi thứ. Mọi gia đình lại cùng nhau ăn bữa cơm thịnh soạn ấm cúng cuối năm. Cuối năm có người được bố mẹ cho đi chơi, nhiều người lại cùng bố mẹ mình xem kịch tại nhà. Mọi người cùng chờ đợi thời khắc giao thừa… Thời khắc giao thừa lại tới, vậy là một năm mới sẽ đến sau 5 giây nữa, mọi người cùng nhau đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1, CHÚC MỪNG NĂM MỚI. Pháo hoa nổ liên tục như súng tỏa ra nhiều màu sắc rực rỡ.
Một năm mới đã đến, vậy là em đã có thêm một tuổi mới. Em tung tăng vừa chạy vừa hát: “Tết đến rồi”.
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 7
Tết là lúc các gia đình sum họp đầm ấm bên mâm cơm, cùng nhau ôn lại những chuyện đã qua trong một năm, cùng nhau gói bánh và đón giao thừa trong tiếng nói cười rộn rã. Và gia đình em cũng không ngoại lệ. Đặc biệt năm nay cả nhà em còn được về quê để đón Tết cùng ông bà và các bác, các cô chú. Điều đó làm em cảm thấy vô cùng háo hức và vui sướng.
Vì quê của em ở khá xa so với thành phố nơi em đang ở nên gia đình cũng ít có cơ hội để về quê ăn Tết. Năm nay, do ba mẹ thu xếp được công việc từ sớm nên cả nhà em đã bắt xe về quê từ 26 tháng Chạp. Không khí ngày Tết ở quê thật thanh bình, khác hẳn với cái ồn ào, náo nhiệt, sầm uất của thành phố. Chợ huyện đã mở từ sớm để mọi người có thể chuẩn bị đồ đạc, đón năm mới đang đến thật gần. Sắc xuân tràn ngập khắp muôn nơi. Từ những nụ hoa đào còn đang e ấp đến những câu đối đỏ, những gian hàng bày đồ trang trí, đến cánh đồng lúa thì con gái đang đung đưa trước gió để làm duyên. Sắc xuân còn ngời lên trong nét mặt rạng rỡ của bác bà, bác mẹ, những bác nông dân chân lấm tay bùn nhưng hiền lành, phúc hậu. Sắc xuân còn tràn vào gia đình em tự lúc nào…
Sáng 27 Tết, bà, mẹ và cô em đã dậy từ sớm để ra chợ. Mọi người mang về bao nhiêu là đồ, nào là bánh, mứt, kẹo, hoa quả và đồ để gói bánh chưng. Em và ba thì đi vào vườn hoa để mua cành đào về cắm. Ba bảo rằng Tết mà không có đào, có bánh chưng thì không còn là Tết. Em thích nhất là được cùng các bác gói bánh chưng, món ăn truyền thống, giản dị mà đậm đà hương vị dân tộc. Công đoạn gói bánh chưng quả là không đơn giản như em nghĩ. Phải ngâm đỗ và gạo từ hôm trước để hôm sau kịp có nguyên liệu gói bánh. Ba để em gói thử mấy cái. Dù còn hơn méo mó và buộc lạt chưa chặt nhưng em vẫn thấy rất vui. Nhìn mọi người tay nhanh thoăn thoắt, hết đặt xuống rồi đưa lên, em cảm thấy rất ngưỡng mộ và chợt thấy lòng mình dâng lên niềm tự hào, tha thiết với quê hương xứ sở. Tối hôm đó, em còn thức để canh nồi bánh chưng. Tiếng nước sôi kêu lục bục trong nồi nghe thật vui tai. Dù buồn ngủ díu cả mắt nhưng em vẫn cố nán lại chờ thành quả ra lò. Ba kêu em đi ngủ trước, khi nào bánh chín sẽ gọi em dậy và kết quả là em đã ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy thì bánh đã được đặt ngay ngắn trên bàn thờ cùng với mâm cơm gồm rất nhiều món ăn truyền thống.
Tối hôm Giao thừa, gia đình em quây quần bên mâm cơm, trò chuyện, cười nói vui vẻ. Có lẽ đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất mà em từng trải qua. Ông bà kể lại những cái Tết ngày xưa khi mà cuộc sống vật chất còn thiếu thốn đủ bề. Các bác, các cô chú thì lại kể ngày xưa hào hứng như thế nào mỗi khi Tết đến. Bởi Tết là được ăn ngon, được sắm quần áo mới, được nhận lì xì rồi bỏ vào ống tiết kiệm được làm từ chai nước bỏ đi. Bây giờ, đủ đầy, con người lại có xu hướng phớt lờ những điều bình dị mà rất đỗi thân thương ấy. 8 giờ tối, mọi người cùng bật tivi để xem Táo Quân. Tiếng cười vang lên không ngớt trước những tình huống hài hước và lối diễn tài ba của các chú Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quốc Khánh, Quang Thắng và của cô Vân Dung. Gần 11 giờ đêm, ông bà sắp mâm cơm đặt ra trước sân. Em thì chạy lăng xăng trong nhà, ai nhờ việc gì thì làm việc ấy. Lúc thì cắm hoa phụ mẹ, lúc bày bánh kẹo với cô. Tuy mệt nhưng rất vui. Xong xuôi, mọi người cùng đứng ra sân để chuẩn bị xem pháo hoa, đón năm mới. 11 giờ 45 phút. Vậy là chỉ còn 15 phút nữa thôi là thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới bắt đầu. Một lúc sau tiếng pháo đùng đoàng vang lên từ xa, rồi lần lượt những chùm pháo rực rỡ bay lên bầu trời với đủ màu sắc khác nhau. Khung cảnh thật là tuyệt diệu như trong câu chuyện cổ tích vậy. Sau khi xem hết pháo hoa, gia đình em vào nhà ăn bữa cơm đầu năm. Các món ăn mặn, ngọt được bày ra kích thích vị giác của bất cứ ai. Cả nhà ăn xong rồi dọn dẹp đi ngủ. Tâm trạng náo nức khiến ai cũng khó ngủ mà trò chuyện rôm rả suốt đêm.
Sáng mùng 5 Tết, gia đình em phải trở về thành phố để bắt đầu nhịp quay hằng ngày. Vậy là Tết cũng sắp qua, nhưng không khí ngày Tết ở quê hương luôn in đậm trong tâm trí em. Em hi vọng sang năm mới, mọi người sẽ thật khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc.
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 8
Có lẽ những ngày giáp Tết đối với rất nhiều đứa trẻ xóm chợ là những ngày mà chúng tìm thấy niềm vui và sự thích thú. Nhưng những ngày Tết lại là điều mà chúng mong đợi hơn bao giờ hết. Ngày Tết quê em thực sự ý nghĩa và là điều đáng nhớ để bắt đầu một năm mới.
Mùa xuân đến, Tết đã gõ của mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần. Trẻ con chờ mong ngày Tết còn nhiều hơn là người lớn. Người lớn bảo Tết vui vẻ nhưng có nhiều điều phải lo toan hơn, sắm sửa nhiều thứ hơn và tốn nhiều tiền hơn. Nhưng trẻ con không quan tâm điều đó, vì Tết là dịp để chúng em có thêm nhiều quần áo mới, được nhận lì xì, quà bánh ăn không hết và không phải học bài. Có lẽ đó là điều đứa trẻ nào cũng thích thú.
Em không biết ngày Tết ở những nơi khác như thế nào nhưng ngày Tết ở quê em luôn tràn đầy tiếng cười và lời chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, phát tài phát lộc. Trên những con đường nhỏ còn bốc mùi sỏi đá, đám cỏ phủ kín lối đã được người dân ở thôn xóm cắt tỉa rất sạch sẽ. Vì ở xóm em cứ chiều 30 Tết mọi nhà lại rủ nhau đi quét dọn đường làng ngõ xóm để chuẩn bị đón Tết.
Ai cũng háo hức và chăm chỉ, không ai tị nạnh ai, mọi người làm việc hăng say, nhiệt tình. Đám con nít tíu ta tíu tít không ngờ, cứ đòi giành phần ba mẹ để làm, nhưng làm được một lúc là chán, là bỏ đó đi chơi. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trên mái ngói đỏ tươi, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Có lẽ mùa xuân khiến cho không khí của mọi nhà trở nên ấm áp và an lành.
Mặc dù thời tiết vẫn còn lạnh, sương đầu ngày còn lảng bảng bám kín trên cành cây nhưng nụ cười của mọi người luôn ở trên môi. Ngày Tết, trẻ con háo hức, lựa chọn quần áo đẹp và mới nhất để mặc, để đi chơi, để chúc thọ ông bà. Đứa trẻ nào cũng kiếm cái áo có túi thật to và rộng để đựng bánh kẹo, tiền lì xì. Đó cũng là điều mà em mong đợi trong suốt
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết Mẫu 9
Khí trời khi xuân về bỗng tươi đầy sức sống với những cánh mai vàng thanh khiết khắp nơi nơi. Hoa mai mang xuân về với vạn vật. Đối với mọi nhà, không khí tràn ngập niềm vui sum họp sẽ đầy đủ ý nghĩa hơn khi trong nhà có một chậu mai vàng.
Quả thật, hoa mai tượng trưng cho rất nhiều ý nghĩa đẹp: là hoa không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về ở miền Trung quê tôi. Nhà tôi cũng vậy, trước Tết vài ngày, bố mẹ tôi đã mua một chậu mai thật đẹp để chưng tết. Từ góc phòng khách, cây mai trông thật rực rỡ.
Cây cao khoảng một mét rưỡi với thế rồng cuộn đẹp mắt được đặt trong chậu sứ trắng. Ở cây mai toát lên vẻ đẹp của thân, lá, cành, hoa. Gốc cây màu nâu sẫm to bằng bắp tay ta bằng chân. Thân cây chia làm nhiều chánh, nhiều cành mảnh, vươn dài đến bên cửa sổ đến bên đón ánh nắng xuân, lay nhẹ theo làn gió mang mùa hương phảng phất.
Thế uyển chuyển của cành mai gợi cho ta nét thanh khiết của bà chúa Xuân. Đây là loại hoàng mai nên lá non nhỏ nhắn đầy sức sống, màu nâu đậm một chút. Lá thon dài, trông chỉ ngắn hơn lá trúc Nhật một chút. Hoa mai khi nó nở gắn thành chùm thưa thớt, không đơm đặt như hoa đào Lúc ấy trông thân cây chỉ toàn bao phủ một màu vàng óng ánh.
Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng màu vàng của hoa là nét đặc trưng mà tạo hóa đã ban tặng cho nó. Từ mấy ngày trước Tết, cây mai đã gần như bỏ hết lá để dồn sức ra những nụ hoa nhỏ xinh đang chúm chím bên cạnh những bông hoa xòe ra năm cánh thành một tầng, phô sắc óng mượt,vàng mượt như tơ. Nhìn từ xa ta có thể liên tưởng đến một đàn bướm vàng rập rờn múa lượn trong gió xuân chào đón một năm mới đang về.
Nhụy hoa kết hợp hai màu vàng, xanh tạo nên cho hoa một vẻ đẹp hài hòa thuận mắt. Những chùm hoa vàng đung đưa càng thêm nổi bật với những chùm nụ ngời màu ngọc bích,màu xanh ấy tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt được nuôi từ nguyên khí đất trời.
Hương hoa mai không ngào ngạt, sực nức như hoa sữa, không dịu nhẹ như hoa hồng mà là một mùi hương nửa thực nửa hư, ai tinh ý lắm mới thưởng thức được mùi hương kì dịu ấy. Một năm mới mở ra với nhiều hứa hẹn bằng những cánh thiệp xinh xinh gắn bên những cánh hoa. Từ ngày có cây mai, không khí trong nhà thêm ấm cúng, vui vẻ.
Hằng ngày, tôi cùng bố tỉa lá,sửa cành tưới nước cho mai thêm đẹp. Tết càng đến gần, cây mai nhà tôi càng rực rỡ. Một mùa xuân mới cùng bao nhiêu niềm vui mới đang về trên những cành mai tươi thắm toát lên vẻ tinh khiết cùng sức sống mùa xuân. Năm nay, mai cùng nhà tôi đón một cái tết thật vui, thật đầm ấm.