Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ lớp 6 Hay Nhất
Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ
- 1. Dàn ý Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ
- 2. Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ Ngắn gọn
- 3. Những bài văn Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 1
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 2
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 3
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 4
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 5
- Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 6
1. Dàn ý Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ
Lập dàn ý Kể về 1 lần em mắc lỗi với mẹ Mẫu 1
a) Mở bài: Giới thiệu về sự việc em mắc lỗi với mẹ:
- Thời gian xảy ra: Chiều chủ nhật cuối tuần vừa rồi
- Sự việc: Em đã nói dối mẹ rằng sang nhà bạn Nga học bài, nhưng thật ra là đi chơi ở khu tô tượng ở gần trường
b) Thân bài: Kể lại diễn biến chi tiết sự việc theo trình tự thời gian:
- Trước khi sự việc diễn ra:
- Cuối tuần, mẹ nhờ em cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa để mẹ còn đi chợ nấu ăn, nhưng em không làm, mà xin mẹ sang nhà bạn Nga học bài
- Mẹ tuy rất mệt nhưng vẫn vui vẻ đồng ý vì muốn ưu tiên việc học của em
- Khi sự việc diễn ra:
- Sau khi ra khỏi nhà, em liền ra cửa hàng tô tượng cạnh trường cùng các bạn chơi tô tượng
- Khi cả nhóm vừa tô vừa cười đùa, thì mẹ em tình cờ đi ngang qua và nhìn thấy
- Mẹ chở rất nhiều đồ lỉnh kỉnh trên xe, do muốn tiết kiệm thời gian đi chợ
- Mẹ nhìn em bằng ánh mắt thất vọng, sau đó rời đi mà không nói một lời
- Em cũng chẳng còn vui vẻ chơi tô tượng nữa, nên chủ động tạm biệt các bạn để về sớm
- Sau khi sự việc diễn ra:
- Khi về nhà, mẹ đang lúi húi nấu ăn trong bếp, hai mắt hoen đỏ vì buồn và thất vọng về em
- Em chạy lại ôm chầm lấy mẹ từ sau lưng, liên tục xin lỗi mẹ và hứa không bao giờ tái phạm nữa
- Sau một lúc lâu, mẹ mời gật đầu và ôm ngược lại em
- Sau đó, hai mẹ con cùng nhau chuẩn bị bữa tối và dọn dẹp căn nhà
c) Kết bài:
- Nêu tình cảm, cảm xúc của em về sự việc mình vừa kể
- Nêu những thay đổi của bản thân em sau sự việc đó
Lập dàn ý Kể về 1 lần em mắc lỗi với mẹ Mẫu 2
a. Mở bài
- Giới thiệu hoàn cảnh khiến em nhớ lại lần mình từng mắc lỗi với mẹ ở trong quá khứ.
- Nêu lý do khiến đến tận bây giờ, sự kiện đó em vẫn còn nhớ rõ.
b. Thân bài
- Giới thiệu đôi điều về mẹ của em: công việc, độ tuổi, tính cách, tình cảm dành cho em...
- Hoàn cảnh, thời gian, địa điểm mà em phạm lỗi với mẹ của mình
- Lý do mà em phạm phải lỗi lầm ấy
- Kể lại diễn biến của lần phạm lỗi đó (kể chi tiết các hành động, lời thoại, suy nghĩ của bản thân em - kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố kể và miêu tả, biểu cảm)
- Sau khi kết thúc sự kiện đó, em cảm thấy như thế nào?
- Em rút ra được bài học gì sau lần phạm lỗi đó
- Tình cảm giữa em và mẹ có gì thay đổi sau sự kiện lần đó
c. Kết bài
- Ở hiện tại, em vẫn nhớ rõ bài học nhận được sau lỗi lầm ở quá khứ.
- Em đã, đang và sẽ thay đổi bản thân như thế nào sau khi nhận được bài học đó.
2. Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ Ngắn gọn
Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ Ngắn gọn nhất Mẫu 1
Chiều ngày hôm qua, em đã phạm phải một lỗi lầm khiến bản thân vô cùng ân hận. Đó thực sự là một trải nghiệm rất tệ, khiến em muốn xóa đi ngay lập tức.
Chuyện là hôm qua trời có mưa nên em được nghỉ hai tiết thể dục và về nhà sớm hơn mọi ngày. Thấy vậy, mẹ đã bảo em giúp mẹ để ý thời tiết, chờ trời tạnh mưa, thì đem sào áo quần ra sân hong gió cho bớt mùi ẩm mốc. Tuy nhiên, điều đó đã khiến em khó chịu. Bởi em định chờ mẹ đi làm thì sẽ sang nhà cái Loan cùng đọc truyện tranh. Bởi vậy, em đã tỏ ra vùng vằng, không trả lời câu nói của mẹ. Rồi chờ mẹ vừa ra khỏi cửa, cũng liền chạy đi chơi. Vì mải đọc truyện, trời sập tối em mới về đến nhà. Về đến cổng, em thấy mẹ đang một mình dàn những chiếc móc phơi áo quần ra sợi dây trước mái hiên để hong gió. Vẻ mặt của mẹ đầy sự mệt mỏi. Dưới ánh đèn vàng, quầng thâm mắt của mẹ hiện lên rõ rệt. Mỗi khi đưa móc áo lên cao, vai của mẹ lại hơi run lên một chút. Dáng vẻ tiều tụy ấy của mẹ khiến em vô cùng ân hận và tự trách bản thân. Em bước vào sân, lí nhí chào mẹ, rồi đứng yên ở đó như một kẻ tội đồ đang chờ đợi sự trách phạt. Nhưng mẹ lại chỉ dịu dàng bảo em vào nhà rửa tay sạch sẽ để ăn cơm. Chao ôi, chính sự vị tha của mẹ lại khiến cho sự dằn vặt trong em thêm lớn dần. Thà rằng mẹ trách mắng sự ham chơi, chểnh mảng và vô tâm của em thì em sẽ dễ chịu hơn nhiều.
Suốt tối qua, em trằn trọc không ngủ được vì hối hận. Nhớ lại dáng vẻ của mẹ, lòng em lại càng thêm thắt lại. Sự khó chịu ấy trở thành sự quyết tâm thay đổi trong em.
Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ Ngắn gọn nhất Mẫu 2
Từ nhỏ, em đã được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Ấy vậy mà, đã có những lần em vô tâm làm cho mẹ phải phải buồn lòng. Tuy đã được mẹ tha thứ, nhưng em vẫn áy náy mãi không sao quên được.
Em nhớ nhất, là chuyện xảy ra vào ngày sinh nhật năm tám tuổi của em. Hôm ấy, mẹ đã tổ chức một buổi tiệc sinh nhật nhỏ cho em mời các bạn đến nhà thăm dự. Hôm ấy, mẹ đi làm về rất mệt, nhưng vẫn cố gắng chuẩn bị bánh kẹo, hoa quả ngon lành cho em. Tuy nhiên, do mệt quá, nên mẹ đã quên mất mua món bánh su kem em yêu thích nhất như đã hứa. Vậy là, một phút xốc nổi, em đã nổi giận và không hề để ý đến mẹ. Mặc kệ mẹ mệt mỏi ngồi ăn cơm một mình trong bếp, em vẫn ngồi trong phòng và bóc các món quà các bạn tặng. Những món quà đầu tiên khiến em vô cùng thích thú và vui vẻ. Nhưng dần dần, em chẳng còn thấy vui nữa. Thay vào đó, là sự áy náy và hối hận. Em tự trách mình thật vô tâm. Chỉ vì một món bánh mà nói những lời nặng nề với mẹ, trong khi mẹ dù vất vả, mệt nhọc vẫn cố chuẩn bị cho em một bữa tiệc sinh nhật đầy đủ. Càng nghĩ, em càng ân hận, nước mắt cứ thế chảy dài trên gò má. Em vội bỏ mặc tất cả, chạy vội ra bếp tìm mẹ, ôm chầm lấy lưng mẹ và xin lỗi liên tục. Mẹ quay lại, dịu dàng ôm lấy em, xoa tóc em và trìu mến nói “Không sao con ạ, mẹ không giận con đâu”. Sự ấm áp và vị tha của mẹ càng khiến em hối hận hơn nữa, khóc òa lên nức nở.
Sau đó, hai mẹ con em cùng nhau vào phòng, bóc những món quà còn lại. Tuy vui vẻ, nhưng em vẫn tự nhắc nhở bản thân mình rằng, không bao giờ được làm mẹ buồn như thế nữa.
3. Những bài văn Kể về một lần em mắc lỗi với mẹ
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 1
Mẹ em là một người mẹ tuyệt vời, luôn quan tâm, hi sinh tất cả vì con cái. Vì thế, em rất yêu quý và kính trọng mẹ của mình. Tuy nhiên, đã có lần em phạm phải lỗi sai khiến mẹ phải buồn lòng. Dù đã được mẹ bỏ qua, nhưng đến nay em vẫn còn nhớ mãi.
Hồi đó, em đang học lớp 5, nhân dịp cuối năm học, cô giáo tổ chức một buổi đi picnic ở công viên cho cả lớp. Và yêu cầu mỗi bạn phải tự chuẩn bị phần cơm trưa của mình để mang theo. Trở về nhà với niềm vui sướng, em chia sẻ ngay với mẹ về chuyến đi này. Cả ngày hôm đó, em tíu tít bên cạnh mẹ để đòi mẹ làm một hộp cơm thật xinh xắn. Mẹ em nấu ăn rất khéo, và em thường khoe điều đấy với chúng bạn. Nghĩ về cảnh mọi người phải trầm trồ trước hộp cơm xinh xắn của mình mà em phấn khích không thôi.
Sáng ngày hôm đó, em thức dậy sớm, mang theo túi đồ đã soạn sẵn từ hôm trước, xuống nhà bếp để nhận hộp cơm từ mẹ rồi lên xe. Giây phút mở nắp hộp cơm ra, em đã vô cùng thất vọng khi nhìn thấy những món ăn bình thường như hằng ngày, được sắp xếp đơn giản trong đó. Không hề trang trí, bày biện bắt mắt như những hộp bento trước đây. Lúc đó, sự thất vọng, chán chường đã khiến em không biết phải suy nghĩ gì cả. Thốt lên những lời không phải với mẹ: “Mẹ đã hứa sẽ làm hộp cơm thật đẹp cho con mà. Sao nó chẳng đẹp gì cả vậy”. Nghe em nói như thế, mẹ sững người, đôi mắt đỏ hoe im lặng nhìn em. Nhìn mẹ như vậy, em cảm thấy khó chịu vô cùng. Thế nên, vội cầm theo hộp cơm, em lao nhanh ra khỏi cửa, đi đến nơi tập trung.
Suốt cả chuyến đi hôm đó, trong đầu em cứ xoay mãi về chuyện xảy ra sáng nay. Em hồi tưởng lại khuôn mặt mệt mỏi của mẹ. Chợt nhớ ra rằng, suốt mấy ngày nay, do lượng công việc ở xưởng tăng đột xuất, nên mẹ phải tăng ca liên tục, thời gian nghỉ ngơi rất ít. Quầng thâm dưới mí mắt mẹ ngày càng đậm hơn. Vậy mà mẹ vẫn thức dậy sớm, chuẩn bị cho em một hộp cơm thật tươm tất, tuy đơn giản nhưng đủ đầy và chan chứa tình mẹ. Thế mà em không biết trân trọng, còn nói chuyện hỗn láo với mẹ. Trời ơi, sao em có thể hành xử như vậy được chứ. Trưa hôm đó, lúc ăn cơm, em cứ cảm thấy nghẹn ứ ở cổ họng. Sự buồn bã khiến em chẳng thấy vui vẻ gì cả, dù chuyến đi rất thú vị. Em chỉ mong nhanh trở về nhà, gặp mẹ và xin lỗi mẹ ngay.
Đến chiều, chuyến đi chơi kết thúc, mọi người tạm biệt nhau để trở về nhà. Vừa xuống xe, em lao nhanh vào nhà, thấy mẹ đang ở trong bếp. Em liền chạy lại, ôm chầm lấy mẹ, và lí nhí “Con xin lỗi mẹ ạ, con biết sai rồi ạ”. Nói xong, mắt em tự nhiên đỏ hoe, nước mắt thi nhau trào ra bởi sự ân hận và hối lỗi đến tận cùng. Chợt, một đôi bàn tay dịu dàng vuốt ve nhẹ nhàng lên mái tóc em. Rồi giọng nói của mẹ vang lên “Không sao cả, chỉ cần con biết nhận lỗi sai là mẹ vui rồi”. Thế là em và mẹ cứ đứng ôm nhau như vậy một lát lâu, đến khi bố về mới dừng lại. Nhanh chóng quay lại chuẩn bị bữa tối.
Bữa cơm tối hôm đó, em ăn vô cùng ngon miệng. Không phải vì đồ ăn ngon hơn mọi hôm, mà vì hôm đó em đã nhận được một bài học vô cùng quý giá từ người mẹ yêu quý của mình.
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 2
Ngày hôm nay là chủ nhật, nên em dành thời gian dọn dẹp lại bàn học của mình. Chợt em tìm thấy trong góc phòng một chiếc hộp nhỏ, trong đó đựng một chú lật đật bị vỡ ở một bên thân. Nhìn chú, em lại nhớ về một lần nói dối khiến mẹ phải buồn xảy ra vào năm ngoái.
Lúc đó, em đang ngồi xem ti vi ở trong phòng khách, nhưng chẳng có chương trình gì thú vị cả. Vậy nên em đã chạy vào phòng bố mẹ để chơi. Trong lúc em loay hoay xem chiếc hộp nhạc, thì vô tình làm rơi chú lật đật xuống đất. Cú rơi không quá mạnh, nhưng làm một bên thân chú bị vỡ ra. Khi đó, em hoảng hốt vô cùng, bởi em biết đó là món quà của một người bạn ở xa tặng mẹ. Lâu nay vẫn được mẹ giữ gìn cẩn thận. Thế là, em đã lấy một miếng băng dính, dán lại mảnh vỡ đó, đặt chú lật đật vào vị trí cũ rồi chạy về phòng.
Tối hôm đó, em ăn cơm, học bài rồi đi ngủ trong sự thấp thỏm và lo âu, vì sợ bị phát hiện. Nhưng em cũng không đủ can đảm để nói ra sự thật. Ngày hôm sau lúc đi học về, nhìn thấy mẹ ngồi xem ti vi trong phòng khách, em có một thoáng ngập ngừng. Nhưng rồi em vẫn chào mẹ với giọng điệu như hằng ngày rồi ngay lập tức trở về phòng. Ngồi trên bàn, em liên tục tự trách bản thân mình: Sao mày lại hèn nhát vậy, mày quên hết những bài học mà cô giáo đã dạy rồi ư? Quên đi sự tin tưởng của bố mẹ dành cho mày ư? Em cứ ngồi dằn vặt bản thân như vậy mãi một lúc, rồi cuối cùng, em lấy hết can đảm để nhận lỗi với mẹ.
Khi em thú nhận sự thật với mẹ, đôi mắt cứ nhìn thẳng xuống đất, không dám nhìn mẹ. Nghe em trình bày xong, mẹ gọi em ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt mẹ, rồi nói: “Mẹ rất vui vì con đã dám nói cho mẹ sự thật. Ngay tối hôm qua, mẹ đã phát hiện ra mảnh vỡ của chú lật đật rồi. Và nhìn ánh mắt con là mẹ đã hiểu ra sự việc. Mẹ chỉ chờ con nói cho mẹ điều đã xảy ra mà thôi. Thực sự, suốt đêm qua đến nay mẹ đã rất buồn, vì nghĩ rằng con của mẹ không phải là người trung thực. Nhưng hành động này của con đã khiến mẹ vui lắm. Vì con của mẹ thật dũng cảm”. Nói rồi, mẹ cười dịu dàng vuốt lấy tóc em.
Sau sự kiện lần đó, mẹ định vất chú lật đật bị hỏng đi. Nhưng em đã xin lại, cất vào một chiếc hộp để giữ nó làm kỉ niệm. Để mãi không quên lần lỡ khiến mẹ phải buồn này. Em luôn tự nhủ, sẽ mãi luôn là một người con trung thực, ngoan ngoãn để mẹ luôn được vui vẻ.
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 3
Ngày hôm nay, như thường lệ, sau bữa cơm tối sum vầy, đầm ấm cùng gia đình, em lại giúp mẹ rửa bát, lau bàn ăn sạch sẽ rồi mới trở về phòng học bài. Thói quen này được em giữ cũng đã khá lâu rồi, từ một lần em phạm phải một sai lầm đến tận bây giờ vẫn còn nhớ rõ.
Hồi đó, em là một học sinh lớp 4, thường được thầy cô khen là chăm ngoan, học giỏi. Bố mẹ ai cũng tự hào về em. Và chính em cũng lấy làm vinh dự về những thành tích học tập mà mình đạt được. Những điều đó biến em trở thành một học sinh cho rằng chỉ cần học tập chăm chỉ, giỏi giang là tất cả. Chính vì thế, tự mãn với những gì đạt được, ngoài giờ học “vất vả” em dành những thời gian còn lại để vui chơi, giải trí. Dù đã học lớp 4 nhưng em chẳng khi nào động tay đến một công việc nhà nào giúp bố mẹ cả. Và một phần cũng vì bố mẹ rất thương em, chẳng bảo em làm việc gì hết, để em có thời gian học tập, vui chơi.
Điều đó cứ tiếp diễn cho đến một ngày chủ nhật nọ. Hôm đó, em đã ngủ đến tận 10 giờ trưa mới dậy vì cả tuần dậy sớm đi học. Xuống nhà, một mâm cơm ngon lành đã được bày sẵn, và một mẩu giấy nhỏ với lời nhắn của mẹ: “Lan ơi, hôm nay bố mẹ có việc ở cơ quan nên phải đi làm, đến chiều mẹ mới về. Con ăn cơm xong thì dọn dẹp ngăn nắp nhé”. Thế nhưng, em chỉ đọc qua loa, rồi ngồi xuống ăn cơm. Xong xuôi, em vội chạy lên nhà thay áo quần rồi sang nhà bạn chơi, để lại bàn ăn lộn xộn mà không dọn dẹp. Vì em nghĩ rằng, chờ mẹ về rồi mẹ sẽ dọn dẹp mà thôi.
Chiều hôm ấy, khi em trở về nhà thì mẹ đang lúi húi dọn dẹp ở trong bếp. Đứng từ ngoài cửa nhìn vào, em thấy rõ vẻ mệt mỏi, chán chường trên khuôn mặt mẹ. Đôi bàn tay thoăn thoắt mọi ngày hôm nay cũng chậm chạp hơn. Chợt em cảm thấy mình sao vô tâm quá. Mẹ đã phải làm việc vất vả suốt ngày ở cơ quan, về nhà lại phải làm bao công việc khác. Còn em, chỉ phải đi học ở trường, về nhà thì vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái. Nhớ lại những suy nghĩ, hành động vô tâm của mình trước đây, em thấy mình thật là một đứa con bất hiếu.
Vậy là trước ánh mắt ngạc nhiên của mẹ, em tiến vào bếp, cầm lấy chiếc khăn rồi lau bàn thật cẩn thận. Tuy chỉ là một hành động nhỏ, nhưng em thấy rõ được niềm vui trên khuôn mặt của mẹ. Nhìn nụ cười ấy, em cố nén nước mắt và chào mẹ:
- Mẹ ơi, để con phụ mẹ nhé!
- Ừ - Mẹ trả lời bằng một giọng nói vô cùng hạnh phúc.
Từ hôm đó, cứ có thời gian là em lại giúp mẹ làm các công việc nhà như quét nhà, phơi áo quần… Và đặc biệt là công việc rửa bát sau khi ăn cơm đã được em nhận là của mình, không để mẹ phải làm một lần nào. Bởi em đã nhận ra được lỗi lầm của mình, và muốn bù đắp lại cho mẹ sau những hành động vô tâm của mình.
Giờ đây, em đã là một cô bé chăm chỉ và biết quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Bây giờ, mẹ không chỉ tự hào vì em là một học sinh giỏi, mà còn tự hào vì em là đứa con ngoan, biết giúp đỡ gia đình. Điều đó, khiến em vô cùng hạnh phúc, và có thêm động lực để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 4
Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không? Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất - mẹ tôi, buồn lòng...
Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không.
Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp”... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! “Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!”.
Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá. Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng! "...
Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.
Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 5
Tôi chẳng màng trả lời, đùng đùng bỏ về phòng. Sau một hồi nằm vắt tay lên trán ngẫm nghĩ thái độ của mình khi nãy, tôi nhận ra mình đã quá vô lễ với mẹ và giờ đây tôi luôn ân hận, day dứt trong lòng mãi.
Sáng hôm ấy, lúc dọn dẹp phòng, mẹ tôi đã lỡ tay làm vỡ bể cá mà tôi rất quý. Đó là món quà sinh nhật ba tặng năm tôi lên mười. Biết chuyện, tôi ấm ức lắm! Mặc dù mẹ bao lời xin lỗi và hứa sẽ tặng bể cá mới nhưng tôi vẫn giận. Cả căn nhà im ắng hẳn đi. Tối đến, mẹ hỏi tôi:
– Con muốn cái bể cá như thế nào? Vì hờn giận tức thời, tôi chẳng màng trả lời, đùng đùng bỏ về phòng.
Sau một hồi nằm vắt tay lên trán ngẫm nghĩ thái độ của mình khi nãy, tôi nhận ra mình đã quá vô lễ với mẹ. Tại sao tôi lại hành xử như vậy chứ? Tôi là con mẹ cơ mà! Dù có thế nào tôi cũng đâu thể bất hiếu với đấng sinh thành…tôi hé nhìn ra cửa, thấy mẹ vẫn ngồi đấy. Dáng mẹ nhỏ nhắn, hao gầy với mái tóc pha sương. Đôi gò má ốp vào. Nét mặt lặng buồn và khóe mắt mẹ đỏ hoe, rưng rưng nước mắt. Mẹ khóc ư? Khóc bởi tôi chăng? Mẹ tôi chưa một lần la mắng hay đánh tôi. Không phải vì tôi là đứa con quá hoàn hảo, không phạm sai lầm gì mà là mẹ quá hiền từ, nhân hậu, không muốn tổn thương con. Thế nhưng tôi lại làm tổn thương mẹ, làm mẹ khóc.
Nước mắt của mẹ như con dao cứa sâu vào tim tôi những đường đau đớn, xót xa. Khiến tôi phải ân hận, hối lỗi. Tôi chạy đến ôm chầm lấy mẹ, bật khóc:
– Con xin lỗi, con hứa sẽ không làm mẹ buồn nữa. Mẹ đừng khóc nhé!
Mẹ tôi ôm tôi vào lòng, nghẹn ngào nói:
– Ừ! Mẹ cũng xin lỗi.
Sau đó, mẹ và tôi cùng vào bếp để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Từ trong bếp vang lên những tiếng cười nói vui vẻ, mang hơi ấm xóa tan cái không khí lạnh lẽo, đau buồn…Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình bất hiếu quá. Lỗi lầm ấy tối sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Ông bà ta ngày xưa thường dạy: Cá không ăn muối cá ươn Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Bài học của đạo làm con ấy sẽ mãi khắc ghi trong tim tôi và trong lòng mỗi con người. Bạn thấy đấy, làm con ai cũng có lần mắc lỗi với cha mẹ nhưng nếu biết hối hận, sửa sai thì những đứa con đó vẫn là con ngoan, vẫn được cha mẹ yêu thương, vẫn giữ đúng đạo làm con. Thêm nữa, chúng ta phải kính trọng cha mẹ, vâng lời cha mẹ bởi điều dễ hiểu cha mẹ là người sinh thành ra chúng ta, không có họ nhất định sẽ không có ta.
Tôi cảm thấy thật xấu hổ với lỗi lầm đã gây ra. Nhưng cũng nhờ vậy, tôi càng thêm yêu thương và kính trọng mẹ. Tôi mong mọi người hãy lấy đấy làm bài học cho mình. Bài học của đạo hiếu. Và ngay lúc này, trong tôi lại vang lên những dòng thơ tha thiết:
…Hãy quên đi những lo âu mẹ nhé
Đừng buồn phiền quá thể vì con
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em với mẹ mẫu 6
Ai cũng có lần mắc lỗi, nhưng có những lỗi lầm ta thật khó quên. Tôi đã có lần như vậy. Tôi mắc lỗi với mẹ, đã lâu lắm rồi mà tôi vẫn không quên.
Chuyện xảy ra vào một mùa hè cách đây khoảng hai năm. Khi đó mẹ tôi là bác sĩ quân y, suốt ngày bận rộn việc cơ quan và gia đình. Hôm đó, nhìn thấy mẹ đi làm về, tôi chạy ra chào mẹ rồi chạy vội vào góc học tập để đọc nốt quyên truyện tranh Conan. Một lát sau, tôi nghe tiếng mẹ gọi dưới nhà:
– Trang ơi, xuống quét nhà hộ mẹ đi con.
– Con đang bận mẹ ơi. – Tôi nói, mắt vẫn không rời quyển truyện.
Mẹ đột ngột bước vào phòng tôi, khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi:
– Sao con không quét nhà hộ mẹ mà vẫn ngồi đây đọc truyện?
Tôi phụng phịu cất quyển truyện vào ngăn bàn, lê bước xuống nhà, cầm lấy cây chổi vung tứ tung cho xong. Đồ bị rơi xuống đất tôi cũng chẳng thèm nhặt lên. Mặt tôi cau có, giận dữ. Căn phòng khách gọn ghẽ, đẹp đẽ của mẹ dưới bàn tay tôi đã bừa bộn như một bãi chiến trường. Mẹ nhẹ nhàng bảo:
– Con nhẹ tay thôi không hư hết đồ đạc bây giờ.
Sự bực bội trong tôi chợt bùng lên. Tôi ném cái chổi xuống đất, hét vào mặt mẹ:
– Thế con phải làm thế nào. Nếu mẹ không vừa ý thì mẹ tự đi mà dọn lấy.
Mẹ sững sờ nhìn tôi, vì đây là lần đầu tiên tôi cãi mẹ, sau mẹ buồn rầu nói:
– Nếu con không muốn làm thì thôi, từ giờ mẹ sẽ không nhờ con nữa.
Mặc dù biết là mình có lỗi nhưng tôi vẫn chạy lên phòng, khóa cửa lại, ngồi vào bàn. Tôi lấy sách vở ra nhưng không làm nổi một bài nào. Hình ảnh mẹ với đôi mắt ngấn nước luôn hiện ra. Tôi đã hỗn láo với mẹ.
Trong bữa cơm buổi tối, bố hỏi vì sao tôi đã hỗn láo với mẹ, tôi không trả lời được. Sự hối hận làm tôi bật khóc. Lỗi của tôi đối với mẹ là không thể chấp nhận được. Tôi muốn xin lỗi mẹ nhưng không dám.
Đêm hôm ấy, mẹ tôi phải đi cấp cứu. Bác sĩ nói mẹ bị cảm nặng và kiệt sức. Nhìn mẹ xanh xao nằm trên giường bệnh, tôi hối hận vô cùng. Phải chăng lúc đó tôi cố giúp mẹ việc nhà thì mẹ đâu đến nỗi? Tôi nắm lấy bàn tay xương xương, gầy gầy của mẹ, nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Mẹ ơi, con có lỗi với mẹ, mẹ hãy tha thứ cho con nhé!".
Đã hai năm trôi qua nhưng tôi không quên được ngày hôm ấy. Giờ tôi đã là nữ sinh lớp sáu, đã trưởng thành hơn và biết giúp mẹ nhiều việc nhà. Tôi tự nhủ với lòng mình, sẽ không bao giờ được phép lặp lại lỗi lầm như thế nữa. Bởi vì, bạn biết không, nếu như chúng ta đối xử không tốt với những người thân yêu ruột thịt của mình, chúng ta sẽ cảm thấy cắn rứt và tội lỗi.