Cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn

Cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn dưới đây gồm các bài văn mẫu lớp 6 hay được VnDoc sưu tầm và chọn lọc giới thiệu tới các em học sinh và thầy cô tham khảo.

A. Dàn ý Cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn

a. Mở bài: Giới thiệu về nhân vật Dế Mèn trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên.

Mẫu: Trong tác phẩm Bài học đường đời đầu tiên, nhân vật Dế Mèn đã xuất hiện hết sức ấn tượng. Bởi cậu ta đã tự giới thiệu, miêu tả về bản thân mình hết sức tự tin và yêu đời. Chính nhờ bức chân dung tự họa đấy, mà người đọc hiểu thêm về ngoại hình cũng như tính cách của nhân vật này.

b. Thân bài: Những cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn:

- Cảm nhận về ngoại hình:

  • Càng: mẫm bóng
  • Vuốt: cứng, nhọn hoắt
  • Cánh: áo dài chấm đuôi
  • Đầu: to, nổi từng tảng
  • Răng: đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp
  • Râu: dài, cong vút

→ Dế Mèn có ngoại hình trẻ trung, khỏe mạnh và trưởng thành

- Cảm nhận về hoạt động:

  • Đi đứng oai vệ, làm điệu, nhún chân, rung đùi
  • Quát mấy chị cào cào, đá ghẹo anh gọng vó
  • Co cẳng, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ, dáng điệu tỏ vẻ con nhà võ.
  • Nhai ngoàm ngoạm, trịnh trọng vuốt râu

- Cảm nhận chung về nhân vật Dế Mèn qua bức chân dung tự họa: Dế Mèn có sức khỏe, hiếu động, hoạt bát, thích thể hiện bản thân với người khác và bày trò nghịch ngợm

→ Dế Mèn là một chàng thanh niên có vẻ ngoài tự tin, khỏe mạnh, cường tráng

⇒ Với ngoại hình, sức khỏe và hành động như vậy, Dế Mèn nghĩ rằng mình sắp đứng đầu thiên hạ được rồi - đây là suy nghĩ nông nổi dễ dẫn tới những hành động sai trái

⇒ Dế Mèn là một chàng dế thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, hùng dũng, oai vệ nhưng tính tình kiêu căng, hợm hĩnh, xốc nổi, chưa biết tự hiểu lấy mình.

c. Kết bài: Suy nghĩ, đánh giá của em về nhân vật Dế Mèn.

Mẫu: Qua đoạn chân dung tự họa đó, em cảm nhận được Dế Mèn còn là một chàng dế quá xốc nổi, chưa được rèn dũa. Chắc chắn rằng, với tính cách ấy, cậu sẽ sớm gặp được một bài học nhớ đời và thay đổi bản thân mình.

B. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn

Đoạn văn cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn - Mẫu 1

Bức chân dung tự họa của Dế Mèn vừa chân thực lại sống động. Mỗi hình ảnh đều giúp khắc họa một cách chi tiết về sự khỏe mạnh của nhân vật này. Đặc biệt, từng câu từng chữ của Dế Mèn đều cho thấy cậu ta rất tự hào về sự khỏe mạnh, cường tráng của bản thân. Một phần là nhờ cậu ta ăn uống điều độ, tập luyện chăm chỉ. Sự cố gắng ấy được lặp đi lặp lại, kiên trì mỗi ngày, nhờ vậy Dế Mèn mới có một vẻ ngoài bóng bẩy đến thế. Vì vậy, chẳng có gì là không nên khi cậu ta rất tự hào về vẻ ngoài của mình. Bởi rất đỗi tự hào về chính mình nên Dế Mèn mới thích thú khoe khoang với người khác, triển lãm vẻ đẹp cường tráng của chính mình. Từ đó, giúp em hiểu thêm về tính cách của nhân vật này: một chàng dế trẻ khỏe mạnh, cường tráng và rất tự tin, yêu bản thân và thích khoe khoang.

Đoạn văn cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn - Mẫu 2

Dế Mèn là một chàng dế khỏe mạnh và cường tráng. Cậu ta hết sức tự tin về bản thân mình và rất hãnh diện về nó. Điều này được thể hiện rõ nét qua bức chân dung tự họa của Dế Mèn. Cậu ta có một đôi càng mẫm bóng, với chiếc vuốt cứng, nhọn hoắt, đôi cánh dài, cái đầu to cứng nổi lên từng tảng trông rất bướng. Răng cậu ta thì sắc bén, khi nhai cỏ cứ ngoàm ngoạp như lưỡi cưa. Sự tự tin của Dế Mèn còn thể hiện rõ qua từng hành động hằng ngày. Cậu ta đi đứng oai vệ, vừa đi vừa nhún nhảy ra chiều khoáy chí lắm. Cậu ta cũng hợm hĩnh, nghịch ngợm khi thường bày trò trêu ch ọc người khác. Khi thì quát anh cào cào, lúc thì trêu chị gọng vó. Mọi người quen biết nên cả nể, cậu lại tưởng là ai cũng sợ mình. Càng ra sức huyênh hoang, kênh kiệu. Quả là một chàng dế mới lớn xốc nổi. Phải đến sau này, khi nhận được bài học đầu đời cậu mới nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.

C. Nêu cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn

Cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn - Mẫu 1

Bức chân dung tự họa của Dế Mèn trong phần đầu của đoạn trích, được mở đầu bằng “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi lớn chóng lắm” cho đến “tôi càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Bức chân dung tự họa này mang đậm tính chất phô trương, tự mãn.

Điều này được thể hiện qua việc Dế Mèn tự miêu tả về mình với các bộ phận nổi bật nhất cơ thể. Trước hết là càng (“Đôi càng mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắc”), tiếp đó là đôi cánh (“trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi”) rồi cái đầu (“Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng”), thêm vào đó là vẻ dữ tợn của “hai cái răng đen nhánh”, là sợi râu “dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. Sự kiêu căng tự mãn đó còn thể hiện qua các động tác phô trương sức mạnh: “Thỉnh thoảng, muốn thử lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ” hay “Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã” và răng thì “lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc”.

Dế Mèn ý thức được vẻ đẹp và sức mạnh của mình nên càng làm dáng tợn: “Chốc chốc tôi trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu” và khoái chí khi “đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được”. “Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung riêng xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ”.

Bức chân dung này nhấn mạnh vào hình thể và động tác, được khắc họa bởi các tính từ chỉ phẩm chất, giàu khả năng gợi hình (mẫu bóng, nhọn hoắt, hủn hoẳn, nâu bóng, đen nhánh,...) và những cụm từ bổ ngữ gợi các âm thanh (phanh phách, phành phạch, giòn giã, ngoàm ngoạp,...).

Bức chân dung tự họa này cho thấy tính tình của Dế Mèn, bên cạnh một sức sống mạnh mẽ của tuổi đang trưởng thành là sự hiểu biết hời hợt, nông nổi, đậm chất tự phụ, kiêu ngạo, dẫn đến sự ngộ nhận: “Tôi càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Đồng thời, bức chân dung tự họa này cũng cho thấy Dế Mèn không chỉ biết khoe mình mà đã bước đầu có ý thức về mình, về trách nhiệm đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Đây chính là vẻ đẹp của nhân vật thể hiện qua sự dằn vặt của lương tâm: “Chao ôi, có biết đâu rằng: hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân ra mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình thôi”. Các từ “láo”, “ngu dại” mà nhân vật thốt ra từ đáy lòng khi nhìn nhận lại hành động của mình chính là sự thức tỉnh của lương tâm, là sự giác ngộ đích thực về ý nghĩa của cuộc đời, về những sai trái cần phải tránh xa đề thực sự trưởng thành

Cảm nhận về bức chân dung tự họa của Dế Mèn - Mẫu 2

Mỗi người ai cũng có trong mình những kí ức về tuổi thơ tươi đẹp. Với tôi, tuổi thơ là những khi được cùng bạn chạy trên những triền đê, cười thỏa thích mà không vướng bận điều gì, là những quả vải, chùm nhãn cùng bạn bè đi vặt trong vườn nhà. Cũng có những khi, kí ức của tuổi thơ chính là việc mình đã từng vấp ngã nhưng lại có thể tự đứng dậy t rên chính đôi chân của mình. Và có lẽ thật thiếu sót khi không nhắc tới những tác phẩm truyện đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Cuốn truyện đầu tiên mà tôi đọc để rồi cũng là tác phẩm ghi nhớ mãi cho tới tận hôm nay chính là Dế Mèn phiêu lưu kí với nhân vật chính là chú Dế Mèn. Có lẽ, chú cũng chính là hình ảnh của chúng ta khi còn nhỏ. Và khắc sâu trong lòng của tôi nhất chính là đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên.

Nội dung chính của đoạn văn chính là việc khuyên nhủ chúng ta không nên kiêu căng, tự phụ. Điều đó sẽ khiến cho chúng ta phải hối hận khi đã như vậy. Mở đầu đoạn trích chính là việc miêu tả hình ảnh của chú Dế Mèn- nhân vật chính trong câu chuyện. Đó là một chú Dế thanh niên cường tráng và to đẹp. Chính vì điều đó mà chú đã tự mãn với chính bản thân mình và rốt cục đã gây ra cái chết đáng thương của Dế Choắt do trêu chọc chị Cốc để rồi cuối cùng chú đã phải ôm nỗi ân hận mãi về hành động của mình. Dế Mèn sau khi được ra đời vài ngày, chú đã được mẹ cho ở riêng cùng các anh em. Tổ của chú được mẹ chuẩn bị một cách cẩn thận và chu đáo. Rời xa mẹ nhưng chú không hề cảm thấy lo lắng hay sợ hãi mà lại thấy vui thích và khoan khoái. Do chú rất thích cuộc sống độc lập và tự do. Chú cũng biết sửa sang cho hang của mình thêm rộng và đẹp, trở thành cái hang không những đẹp nhất mà còn an toàn nhất trong số những cái hang của anh em nhà Dế. Cứ vậy, cuộc sống an nhàn và thoải mái của chú diễn ra theo từng ngày. Mỗi chiều, Dế Mèn cùng các anh chị cùng cùng nhau say mê ca hát, nhảy múa trong ánh mặt trời còn le lói, sau đó lại uống sương đêm, tắm trong ánh trăng và chờ bình minh tới. Ngày nào cũng vậy, công việc của Mèn chỉ có ăn và chơi. Có lẽ cũng chính bởi lý do như vậy mà chú Dế Mèn càng trở nên nhàm chán và không biết trân trọng những gì mình đang có. Chú muốn làm việc gì đó để thay đổi những tháng ngày nhàm chán này. Với lợi thế to đẹp, chú lại càng ra sức trêu chọc mọi người, khiến cho mọi người ai cũng phải kiêng dè, để ý tới chú. Tất cả những điểm yếu của chúng đều có của tuổi mới lớn: hung hăng, kiêu ngạo, thích làm bộ với người khác. Dế Choắt xuất hiện trong tác phẩm lại ngược lại với Dế mèn. Choắt luôn yếu ớt, xấu xí lại khiêm nhường. Biết những khó khăn của mình, Choắt sang nhờ Dế Mèn đào một cái hang thông sang nhà Mèn giúp mình phòng khi bất trắc. Thế nhưng Mèn không hề chấp nhận mà chỉ quát mắng Dế Choắt mà thôi. Đỉnh điểm của sự việc là khi Dế Mèn đi trêu chọc chị Cốc. Đó cũng là tính xấu của Mèn khi không có ai răn đe lúc chú làm sai. Chú đọc những câu thơ trêu chọc chị Cốc rồi nhanh chân chạy vào hang, thế nhưng điều đó đã làm cho chị Cốc tưởng Choắt trêu mình nên đã mổ chú Dế Choắt tội nghiệp. Tới khi ra bên ngoài nhìn, chú mới cảm nhận được thế nào là sợ hãi, lo lắng. Lúc này, Dế Mèn cảm thấy vô cùng hối hận. Hình ảnh Dế Choắt nằm thoi thóp ở trên mặt đất mà mọi tội lỗi đều do chính bản thân chú gây ra. Lúc này, tuy Dế Choắt đã tha thứ cho Dế Mèn nhưng không thể nào mà chuộc lại được khi Dế choắt không thể qua khỏi.

Bài học đường đời đầu tiên là một trong những đoạn trích hay nhất trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký bởi đây là bài học cho tất cả chúng ta với rất nhiều ý nghĩa. Đó chính là việc hãy biết sống một cách khiêm nhường, biết quan tâm tới mọi người xung quanh và không được tự mãn bởi bất cứ điều gì.

---------------------------------------------------------------------------

Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn viết các Bài văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức khác, cùng các bài Soạn văn 6 Kết nối tri thức Soạn văn Ngắn gọn lớp 6 Kết nối . Mời các bạn tham khảo.

Đánh giá bài viết
60 15.378
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 6 KNTT

    Xem thêm