Phân tích nhân vật Mã Lương trong truyện cây bút thần

Văn mẫu lớp 6: Phân tích nhân vật Mã Lương trong truyện Cây bút thần dưới đây gồm các bài văn mẫu lớp 6 hay được VnDoc sưu tầm và chọn lọc giới thiệu tới các em học sinh và thầy cô tham khảo. Mời các em học sinh tham khảo.

Dàn ý chi tiết Phân tích nhân vật Mã Lương

1/ Mở bài

Giới thiệu về nhân vật Mã Lương: Cậu bé Mã Lương trong truyện cổ tích “Cây bút thần” cũng là nhân vật có tài năng kì lạ và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Xuyên suốt câu chuyện, Mã Lương hiện lên với tài năng về hội họa, thông minh cùng những phẩm chất vô cùng đáng quý như chăm chỉ, cần cù, luôn giúp đỡ những người nông dân nghèo khó và dám chống lại cường quyền.

2/ Thân bài

– Trước hết, Mã Lương hiện lên trong câu chuyện với niềm đam mê và sự chăm chỉ, cần cù rèn luyện khả năng hội họa.

+ Em luôn tìm mọi cách để học vẽ kể cả lúc làm việc, sử dụng que củi, nước sông để vẽ vì không có bút.

+ Khả năng hội họa của Mã Lương tiến bộ rất nhanh, khiến cho những sự vật em vẽ ra đều trông giống như thật.

+ Tinh thần ham học vẽ của Mã Lương gợi nhắc đến cậu bé Mạc Đĩnh Chi bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng để học.

– Mã Lương còn nổi bật với những phẩm chất như tốt bụng, luôn giúp đỡ những người dân nghèo khó.

+ Em không vẽ ra những của cải vật chất sẵn có để ban phát như thóc, gạo, vàng bạc châu báu,…

+ Em sử dụng ngòi bút để tạo nên những công cụ lao động như cuốc, đèn, thùng múc nước,…

→ để người dân tiếp tục lao động bằng chính sức lực của mình và hưởng thụ những thành quả do mình tạo ra.

– Mã Lương luôn giữ thái độ khảng khái và kiên cường những kẻ tham lam.

+ Đối với tên cường hào: vẽ mũi tên bắn trúng họng.

+ Đối với ông vua bạo ngược: vẽ gió bão nhấn chìm giữa biển khơi.

– Mã Lương luôn thể hiện sự thông minh xuất chúng của mình.

+ Khi bị tên cường hào bắt giam, em nhanh trí vẽ chiếc thang để bỏ trốn, sau đó vẽ mũi tên để cắt đuôi sự truy đuổi của tên địa chủ.

+ Khi chạy thoát và sinh sống tại thị trấn khác, sợ lộ, em vẽ cách các bức tranh đều dang dở để những sự vật được vẽ không hóa thành thật.

+ Khi bị nhà vua bắt giam, em đã giả vờ nhận lời đồng ý yêu cầu của nhà vua. Vì thế, khi vẽ biển cho nhà vua, em đã cố tình vẽ nên trên bức tranh biển cả đầy giông bão để trừng phạt vị vua tham lam và luôn ức hiếp dân lành.

3/ Kết bài: Khái quát vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Mã Lương: xuyên suốt câu chuyện, cậu bé Mã Lương luôn nổi bật những phẩm chất đáng quý như thông minh, có năng khiếu hội họa, vẽ giỏi và biết sử dụng cây bút thần vào những việc có ý nghĩa, biết giúp đỡ người nghèo và chống lại cái xấu, cái ác một cách khẳng khái.

Phân tích nhân vật Mã Lương mẫu 1

Trong thế giới cổ tích chứa đựng vô vàn những điều lý thú, thần kì luôn nổi bật những nhân vật cổ tích với những phẩm chất như tài trí, thông minh, sức khỏe. Cậu bé Mã Lương trong truyện cổ tích “Cây bút thần” cũng là nhân vật có tài năng kì lạ và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Xuyên suốt câu chuyện, Mã Lương hiện lên với tài năng về hội họa, thông minh cùng những phẩm chất vô cùng đáng quý như chăm chỉ, cần cù, luôn giúp đỡ những người nông dân nghèo khó và dám chống lại cường quyền.

Cây bút thần

Trước hết, Mã Lương hiện lên trong câu chuyện với niềm đam mê và sự chăm chỉ, cần cù rèn luyện khả năng hội họa. Cậu bé vốn có số phận đáng thương, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhưng với niềm đam mê hội họa, em luôn tìm mọi cách để học vẽ kể cả lúc làm việc. Vì quá nghèo không có tiền mua bút, nên công cụ tập vẽ của em có lúc chỉ là que củi trong khi đang kiếm củi trên núi, có khi là nước sông khi em đang cắt cỏ ven sông. Niềm đam mê đó lớn đến nỗi trên bốn bức tường nhà em đều dày đặc những hình vẽ.

Tinh thần ham học hỏi gắn với nghị lực của Mã Lương trong hoàn cảnh nghèo khó đã gợi nhắc đến cậu bé Mạc Đĩnh Chi, vì nhà quá nghèo nên không có đèn dầu để học và bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài, nhưng cuối cùng, chỉ với ánh sáng lập lòe đó cùng sự cần cù, Mạc Đĩnh Chi đã đỗ trạng nguyên, làm nên một câu chuyện cổ tích ngay chính giữa đời thường về một “Bông sen trong giếng ngọc”. Cũng giống như Mạc Đĩnh Chi, Mã Lương đã không ngừng học vẽ để thực hiện đam mê của mình, dù cho hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Chính vì thế khả năng hội họa của Mã Lương tiến bộ rất nhanh, khiến cho những sự vật em vẽ ra đều trông giống như thật “Em vẽ chim, cá giống như hệt, người ta tưởng như sắp được nghe chim hót, được trông thấy cá bơi lội”.

Mã Lương còn nổi bật với những phẩm chất như tốt bụng, luôn giúp đỡ những người dân nghèo khó. Mã Lương sử dụng cây bút để vẽ cho tất cả những người nghèo trong làng. Tuy nhiên, em không vẽ ra những của cải vật chất sẵn có để ban phát như thóc, gạo, vàng bạc châu báu mà sử dụng ngòi bút một cách chính đáng để tạo nên những công cụ lao động như cuốc, đèn, thùng múc nước,… để người dân tiếp tục lao động bằng chính sức lực của mình và hưởng thụ những thành quả do mình tạo ra.

Đối xử tốt đối với người nghèo nhưng Mã Lương luôn giữ thái độ khảng khái và kiên cường những kẻ tham lam như tên cường hào và nhà vua. Em hiểu rõ bụng dạ tham lam của những kẻ giàu có nên nhất quyết không vẽ bất cứ thứ gì đúng yêu cầu của chúng. Em đã trốn thoát khỏi nhà tên địa chủ và trừng phạt hắn bằng một mũi tên lao đúng cổ họng. Thậm chí, khi bị nhà vua sai người đón về hoàng cung, em cũng không hề sợ hãi bởi em đã được nghe “rất nhiều điều tàn ác về nhà vua đối với dân nghèo, nên em rất căm ghét vua”. Mã Lương không vẽ theo yêu cầu của nhà vua mà nghĩ cách để trừng trị vị hôn quân tham lam, độc ác.

Trong hành trình giúp đỡ những người dân nghèo và chống lại những kẻ tham tàn bạo ngược, Mã Lương đã thể hiện sự thông minh xuất chúng của mình. Khi bị tên cường hào bắt giam, em nhanh trí vẽ chiếc thang để bỏ trốn, sau đó vẽ mũi tên để cắt đuôi sự truy đuổi của tên địa chủ. Khi chạy thoát và sinh sống tại thị trấn khác, để giấu đi khả năng thần kì của cây bút thần, em đã nghĩ đến cách vẽ tranh nhưng cố tình vẽ các bức tranh đều dang dở để những sự vật được vẽ không hóa thành thật. Khi bị nhà vua bắt giam, em đã giả vờ nhận lời đồng ý yêu cầu của nhà vua. Vì thế, khi vẽ biển cho nhà vua, em đã cố tình vẽ nên trên bức tranh biển cả đầy giông bão để trừng phạt vị vua tham lam và luôn ức hiếp dân lành.

Phân tích nhân vật Mã Lương mẫu 2

Chúng ta đã được học rất nhiều những câu chuyện cổ tích hay và hấp dẫn. Mỗi câu chuyện lại mang một nội dung riêng từ đó gửi gắm cho chúng ta một ý nghĩa sâu sắc khác nhau. Trong những chuyện cổ tích đó thì truyện cây bút thần đã để lại trong tôi rất nhiều những ấn tượng đặc biệt. Trong câu chuyện hình ảnh nhân vật Mã Lương hiện lên nhà một nhân vật có tài luôn dùng tài năng của mình để giúp đỡ mọi người chống lại những kẻ độc ác tham lam. Đây cũng là một tuýp nhân vật khá phổ biến trong chuyện cổ tích.

Câu chuyện kể về một em bé có tên là Mã Lương. Em là cậu bé mồ côi thông minh và say mê học vẽ từ nhỏ. Một hôm nằm mơ em được cụ già râu tóc bạc phơ cho chiếc bút thần bằng vàng. Mã Lương vẽ chim, chim bay lên trời, vẽ cá, cá trườn xuống sông. Em vẽ cuốc, vẽ cày, vẽ đèn, vẽ thùng múc nước cho người nghèo.

Tên địa chủ biết chuyện bèn sai đầy tớ bắt Mã Lương về vẽ cho hắn. Bị từ chối, hắn tức giận, đem giam Mã Lương vào chuồng ngựa và bỏ đói. Mã Lương vẽ bánh để ăn, vẽ lò để sưởi. Địa chủ tức giận sai đầy tớ giết Mã Lương để cướp bút thần. Mã Lương vẽ thang để trèo ra ngoài, vẽ ngựa để chạy trốn, vẽ cung tên bắn chết tên địa chủ cầm dao đuổi theo. Dừng chân ở một thị trấn, Mã Lương vẽ tranh bán để kiếm sống. Vì sơ ý em để lộ cây bút thần. Tên vua tham lam, tàn ác bắt Mã Lương vẽ theo ý hắn. Mã Lương cũng không chịu, em thậm chí còn chơi khăm nhà vua luôn vẽ những gì trái ngược với những điều mà tên vua nói. Cuối cùng em vẽ cuồng phong bão táp nhấn chìm tất cả bọn gian thần độc ác.

Đầu tiên chúng ta đặt ra một câu hỏi là tại sau ông bụt lại trao cây bút thần cho Mã Lương chứ không phải là một ai khác. Có người noi đó là vì Mã Lương rất thích vẽ nhưng đó chỉ là một nguyên nhân phụ mà nguyên nhân chính đó là bởi vì ông bụt biết trao cây bút thần cho em thì em sẽ biết sử dụng nó để làm việc có ích cho mọi người và em cũng rất thông minh em sẽ không để cho bọn cường hào áp bức. Điều đó đã được chứng minh trong từng chi tiết của câu chuyện. Với cây bút thần trong tay Mã Lương đã làm được rất nhiều những việc rất tốt cho những người dân nghèo khổ. Em vẽ cho những người nông dân nghèo khổ những cái cuốc cái cày những dụng cụ lao động cần thiết cho những người nông dân. Điều này cũng thể hiện được sự thông minh của em. Em không vẽ cho họ những thứ vật chất cao sa như tiền bạc hay nhà cửa mà chỉ vẽ cho họ những thứ mà thiết yếu để cho họ sản xuất để cho họ tự kiếm cho mình những đồng tiền bằng chính sức lao động của họ. Nếu như em vẽ cho họ những của cải vật chất thì chắc chắn họ sẽ tiếp tục đến để xin vẽ tiếp. Từ câu chuyện của Mã Lương tác giả dân gian muốn truyền cho chúng ta một bài học rằng của cải phải do chính mình tạo ra thì nó mới có giá tri mới quý giá còn những thứ không phải do mình làm ra thì chẳng mấy chốc sẽ tan biến mà thôi.

Em muốn sống một cuộc sống bình yên với những người hàng xóm của mình thế nhưng những tên tham lam không chịu bỏ qua cho em là năm lần bảy lượt muốn cướp cây bút thần và muốn em vẽ những của cải có giá trị cho chúng. Đại diện cho bọn chúng là tên địa chủ độc ác đã nhốt vào ngục hòng làm cho em sợ hãi. Thế nhưng bằng trí thông minh tài ba cộng với lòng dũng cảm em đã có những cách xử lí vô cùng thông minh khiến cho bọn địa chủ tham lam khiếp sợ. Tác giả dân gian trong cuộc đấu tranh với bọn tham lam đã chuyển từ thấp đến cao ngày càng thêm tính phức tạp hơn. Thế nhưng càng trong những tình cảnh cam go thì phẩm chất của Mã Lương càng được khẳng định là một em bé vô cùng thông minh dũng cảm không sợ những tên có thế lực, em từ chỗ không vẽ gì cho tên địa chủ đến chỗ em vẽ thành những thứ trái ngược với những gì tên vua sai khiến làm cho hắn khiếp sợ rồi có một kết quả rất thảm khốc đó là chìm trong sóng biển. Ta cũng cần khẳng định lại rằng cuộc chiến giữa Mã Lương và những tên tham làm là một cuộc chiến không cân sức.

Điều đó càng khẳng định hình tượng em hiện lên rất sinh động rất dũng cảm nhưng cũng rất mưu trí thông minh càng khiến cho người đọc yêu quý và cảm phục trước hình tượng nhân vật em. Phẩm chất này được thể hiện rất rõ khi em đối diện với tên vua độc ác. Vua hứa sẽ cho em tất cả mọi thứ mà em muốn vàng bạc châu báu chỉ cần em vẽ theo ý muốn của hắn Tác giả dân gian đã dùng những lời văn khá chi tiết về đoạn Mã Lương trừng trị lũ gian thần nhằm thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội. Mặt khác, cũng qua hành động này, tác giả dân gian muốn khẳng định tài năng chỉ thực sự có giá trị khi nó được đem ra để phục vụ nhân dân, phục vụ chính nghĩa, chống lại cái ác; đồng thời cũng khẳng định nghệ thuật chân chính phải thuộc về nhân dân, về những người tốt bụng, có tài và khổ công luyện tập.

Cầy bút thần không chỉ có giá trị lớn về nội dung tư tưởng, mà còn là một truyện cổ tích rất đặc sắc về mặt nghệ thuật. Truyện được xây dựng theo trí tưởng tượng độc đáo và phong phú của nhân dân. Với một loạt các tình tiết lý thú, gợi cảm đặc biệt là việc xây dựng hình ảnh cây bút thần và khả năng kì diệu của nó, truyện đã thể hiện ước mơ của con người và giúp họ thực hiện ước mơ đó.

Truyện Cây bút thần thể hiện ước mơ của nhân dân có được sức mạnh và khả năng kì diệu để giúp đỡ những người dân nghèo lao động hiệu quả hơn, đồng thời trừng phạt những kẻ tham lam, độc ác. Truyện nhằm khẳng định nghệ thuật chân chính luôn gắn liền với tài năng, đức độ, tinh thần say mê sáng tạo và chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ cho những mục đích chính đáng của con người. Truyện còn thể hiện mơ ước và niềm tin vào những khả năng kì diệu của con người.

Như vậy, xuyên suốt câu chuyện, cậu bé Mã Lương luôn nổi bật những phẩm chất đáng quý như thông minh, có năng khiếu hội họa, vẽ giỏi và biết sử dụng cây bút thần vào những việc có ý nghĩa, biết giúp đỡ người nghèo và chống lại cái xấu, cái ác một cách khẳng khái.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích nhân vật Mã Lương trong truyện cây bút thần cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6 và biết cách soạn bài lớp 6 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
16 4.013
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

    Xem thêm