Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Kể diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con

Mẹ hiền dạy con được trích từ cuốn "Liệt nữ truyện" của Trung Hoa thời phong kiến trung đại. Truyện kể về cách dạy con nghiêm khắc và đúng đắn của bà mẹ Mạnh Tử khi còn nhỏ. Nhờ vậy mà sau này khi Mạnh Tử đã trở thành bậc đại hiền trong thiên hạ. Văn mẫu lớp 6: Kể diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con tổng hợp những bài văn mẫu chọn lọc kể lại diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con với những cách kể khác nhau để các em tham khảo.

1. Dàn ý Kể diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con

a. Mở bài:

Giới thiệu chung:

- Thầy Mạnh Tử lúc còn nhỏ rất ham chơi và hay bắt chước.

- Bà mẹ nghĩ ra mọi cách để dạy con nên người.

b. Thân bài:

Diễn biến của truyện:

- Lần chuyển nhà thứ nhất (từ chỗ gần nghĩa địa về gần chợ).

- Lần chuyển nhà thứ hai (từ chợ về gần trường học).

- Mạnh Tử hỏi mẹ về chuyện giết lợn của hàng xóm. Vì lỡ lời nói đùa, bà mẹ đành mua thịt lợn cho con ăn.

- Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi, bà mẹ cắt đứt tấm vải đang dệt để dạy con.

c. Kết bài:

Kết thúc truyện:

- Mạnh Tử hiểu ý mẹ, chuyên cần học tập, về sau trở thành người nổi tiếng.

Kể lại truyện Mẹ hiền dạy con

2. Bài văn mẫu Kể diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con

2.1. Bài làm 1: Kể lại truyện Mẹ hiền dạy con diễn cảm

Chuyện kể rằng thầy Mạnh Tử thuở nhỏ tên là Mạnh Kha, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước làm theo. Bà mẹ thấy thế nói : "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được", rồi dọn nhà ra gần chợ.

Ít lâu sau, thầy Mạnh Tử cũng học theo thói bán buôn điên đảo, gian ngoan của người kẻ chợ. Bà mẹ lo lắng nghĩ: "Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được", bèn dọn nhà đến cạnh trường học.

Ngày ngày, thầy Mạnh Tử thấy trẻ con ngoan ngoãn, lễ phép, đua nhau chăm chỉ học hành, về nhà cũng bắt chước lễ phép, chăm chỉ học hành. Lúc ấy bà mẹ mới yên tâm. Bà tự nhủ: "Chỗ này là chỗ con ta ở được lâu dài".

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, liền về hỏi mẹ :

- Mẹ ơi ! Người ta giết lợn làm gì đấy?

Bà mẹ nói đùa:

- À, người ta giết lợn cho con ăn đấy mà!

Nói xong, biết mình lỡ lời, bà phân vân nghĩ ngợi: "Ta nói lỡ mồm rồi! Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối sao?".

Rồi bà đi chợ, mua thịt lợn về cho con ăn thật.

Thời gian sau, thầy Mạnh Tử đang giờ học lại bỏ về nhà chơi, bà mẹ bực lắm. Đang dệt vải, bà liền cầm dao cắt đứt tấm vải trên khung cửi và nói với con trai rằng:

- Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy!

Hiểu ý mẹ, từ hôm ấy thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Sau này, thầy trở thành một bậc đại hiền nổi tiếng trong thiên hạ. Được vậy là nhờ phần lớn ở công lao giáo dục của bà mẹ vừa hiền từ vừa nghiêm khắc.

2.2. Bài làm 2: Văn mẫu kể diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con

Mạnh Tử còn bé lắm, tóc để trái đào, mặt mũi khôi ngô và rất hay hỏi, hay bắt chước người lớn. Mẹ của Mạnh Tử yêu con vô cùng, bà mong con sau này học hành giỏi giang, trở thành hiền tài. Chính vì vậy, bà luôn quan tâm đến việc dạy con.

Ngày ấy, nhà Mạnh Tử ở gần một nghĩa địa lớn. Ngày nào nghĩa địa cũng có đám tang, có ngày vài ba đám chôn cất. Đám tang đông, người khóc thương thảm thiết, người chôn cất thì đào huyệt, hạ quan tài, lấp đất vất vả. Những câu chuyện của các bà trong xóm không thể thiếu các lời bình luận về đám tang và việc chôn cất. Bọn trẻ con cứ tròn xoe mắt nhìn đám tang và nghe người lớn bình luận. Thế rồi, chúng chơi trò đám ma, cũng chia ra đóng vai người chôn cất, người khóc lóc, người đưa tang, thật não nề. Mạnh Tử cũng say mê chơi với bạn bè những trò ấy, cũng đào, chôn, lăn, khóc… Hôm ấỵ, mẹ Mạnh Tử đang ngồi dệt vải, thấy lũ trẻ rủ nhau đi chơi cũng cho Mạnh Tử theo cùng. Một lát sau, nghe tiếng con trẻ gào khóc, tiếng hô dẫn đám tang lạ tai, bà rời khung cửi ra ngõ xem và giật mình thấy đấy là đám tang trò chơi của lũ trẻ. Mạnh Tử cũng cùng lũ trẻ đào, chôn, lăn, khóc như đám tang chúng vẫn xem. Bà mẹ lo lắng, nói với chồng: “Con ta thơ dại mà cứ suốt ngày đào, chôn, lăn, khóc như thế này rồi thì trò chơi ám ảnh, nó sẽ sinh buồn chán còn đâu tâm trí mà học hành nữa”. Bố Mạnh Tử cũng hiểu ý vợ nên để bà tự lo liệu. Bà mẹ đã qụyết dọn nhà đi chỗ khác, thay đổi nơi sống cho con.

Thế là, mẹ Mạnh Tử đã dọn nhà. Nhà ở gần một cái chợ to của cả vùng, việc mua bán rất thuận tiện. Mạnh Tử cũng không chơi trò đào, chôn, lăn, khóc nữa. Bà mẹ thấy thế cũng có vẻ yên lòng. Nhưng rồi, một hôm, bà thấy Mạnh Tử chơi trò bán hàng với bọn trẻ. Chúng cũng bày rau củ, những con gà, con lợn, con trâu nặn bằng đất và cả thịt bò, thịt lợn bằng đất để mua bán. Chúng cũng mặc cả, nói thách, cãi nhau vì cân gian… hệt như phiên chợ của người lớn. Bà sợ quá. Thì ra, những trò lừa lọc, mua gian bán lận ở chợ đã nhiễm vào lũ trẻ tự bao giờ mà chẳng ai hay. Phải chuyển nhà đi chỗ khác thôi, bà nghĩ.

Nhà Mạnh Tử được dọn đến nơi xa nhưng sát với trường học của thầy Đỗ. Học trò đến học,rất đông, tiếng giảng bài của thầy Đỗ ngân nga, sang sảng vọng sang nhà Mạnh Tử. Bà mẹ xin thầy giáo cho Mạnh Tử sang học. Mạnh Tử chăm chỉ đọc sách, học hành ngày một giỏi.

Sau này, khi Mạnh Tử đã trưởng thành, bà mẹ càng nghĩ càng thấy việc chuyển nhà của mình là đúng. Thật là “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp dàn ý và các bài văn mẫu lớp 6 hay cho đề bài Kể diễn cảm truyện Mẹ hiền dạy con để các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 ngắn gọn, soạn bài lớp 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 6 KNTT

    Xem thêm