Bài tập làm văn số 6 lớp 6: Văn tả người

Bài tập làm văn số 6 lớp 6: Văn tả người được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 6 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình, củng cố kỹ năng cách làm bài văn miêu tả lớp 6, chuẩn bị cho các bài viết trên lớp. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Nghe đọc bài Tập làm văn số 6 lớp 6 - Văn tả người

BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 6 LỚP 6 - VĂN TẢ NGƯỜI

(làm tại lớp)

I. Nội dung bài viết này là tả người, có thể tham khảo các đề bài sau đây:

Đề 1: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,...).

Đề 2: Hãy miêu tả hình ảnh mẹ hoặc cha trong những trường hợp sau:

- Lúc em ốm.

- Khi em mắc lỗi.

- Khi em làm được một việc tốt.

Đề 3: Hãy tả lại hình ảnh một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ.

Đề 4: Em đã có dịp xem vô tuyến, phim ảnh, báo chí, sách vở về hình ảnh một người lực sĩ đang cử tạ. Hãy miêu tả lại hình ảnh ấy.

Đề 5: Em hãy tả lại một người nào đó tuỳ theo ý thích của bản thân mình.

>> Tham khảo: Dàn ý Bài viết số 6 lớp 6: Văn tả người

II. MỘT SỐ BÀI LÀM THAM KHẢO

Bài viết tả về người thân yêu, các chi tiết miêu tả có thể lựa chọn và sắp xếp như sau:

̶ Giới thiệu đối tượng cần miêu tả với ấn tượng chung nhất.

̶ Tả chân dung: Tuổi tác, khuôn mặt, dáng người, mái tóc, ánh mắt, nụ cười, làn da.

̶ Tả hoạt động: Các sinh hoạt thường ngày, sở thích: Đọc sách, chơi cờ, đá banh, chăm sóc cây cảnh, đi dạo.

̶ Ý nghĩa tình cảm của em đối với ông bà.

Đề 1: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình

Bài 1: Tả bà:

Em được sống trong một gia đình đầy ắp tình thương và sự hoà thuận. Cả nhà, người được yêu kính nhất là bà. Với em bà là cơn mưa mùa hạ tưới mát cho tuổi thơ của em.

Bà đã ngoài bảy mươi tuổi, như cổ nhân thường nói đấy là tuổi “xưa nay hiếm”. Bà đã già nhưng vẫn nhanh nhẹn và dẻo dai lắm. Khuôn mặt thanh tú của bà in đầy các vết nhăn của thời gian và sự lo âu, vất vả. Bà trông như cây mai gầy guộc, mảnh mai nhưng rắn rỏi, vững vàng. Mái tóc bà đã sớm bạc trắng, đôi mắt thì nheo nheo nhưng ánh mắt vẫn sáng và nhân từ. Đôi tay của bà gầy guộc, các đường gân và mạch máu nổi rõ lên, nhưng vẫn nhanh nhẹn lo toan được đủ việc trong gia đình. Mẹ vẫn thường nói với em, cả đời bà vất vả quá, khi trẻ lo toan việc nhà để chồng yên tâm đi chiến đấu nay lại chăm sóc gia đình để các con phấn đấu vươn lên, rồi bà lại chăm chút các cháu để chúng trưởng thành. Vậy là bao nhiêu gánh nặng gia đình một mình bà gánh vác hết. Ở trong nhà, bà luôn là trung tâm hoà giải mọi chuyện, bà thường nói: “Chuyện trong nhà, cứ lớn thì coi là nhỏ, mà nhỏ thì coi như là không có thì mọi chuyện sẽ êm đẹp cả thôi!”. Tôi vừa yêu quý bà lại vừa thương bà. Nhiều lúc tôi chỉ muốn ngã vào lòng bà và nói: “Bà ơi, cháu yêu bà lắm!”.

Bà tôi nhiều tuổi nhưng rất chăm tập thể dục buổi sáng. Bà cứ chê lũ trẻ chúng tôi học nhiều mà lại ham ngủ, ít tập tành. Việc nhà nhiều vậy mà bà tôi vẫn tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Bà tham gia Hội phụ nữ phường, Hội hoà giải, Hội từ thiện,... Ai ai cũng quý mến bà, có việc gì mọi người thường tới hỏi và nghe bà phân tích. Bà tôi không khéo nói, nhưng bà nói lại hợp tình hợp lí nên dễ thuyết phục mọi người. Vừa rồi, nhà bác hàng xóm sơ ý bị cháy, bà kêu gọi mọi người giúp đỡ để vượt qua khó khăn buổi đầu. Tôi thật sự tự hào về bà mình.

Bà sống giản dị và khiêm nhường. Những bữa cơm của gia đình em dưới tay bà thật ấm cúng. Bà khéo chiều lòng được cả nhà với những món ăn bình dân nhưng ngon lành, sạch sẽ. Nhà có máy giặt nhưng bà vẫn động viên mọi người vò tay rồi hãy cho vào máy. Bà bảo như thế sạch hơn.

Kỉ niệm sâu sắc nhất là lần em bị sốt dịch. Trong trạng thái nóng sốt li bì, em phải đi viện một tuần. Bà luôn ở bên em, mỗi lần bừng tỉnh em thấy đôi mắt lo âu của bà, những cử chỉ âu yếm, nhẹ nhàng, những lời động viên, an ủi của bà hình như có sức mạnh hơn thuốc. Em bình phục dần, và lúc đó mới thấy có vài ngày mà đôi má bà hõm sâu, mái tóc bà bạc thêm nhiều. Lòng xúc động sâu sắc, em nắm chặt tay bà nghẹn ngào không nói nên lời. Em có nhiều “mẹ” quá, mẹ ở nhà này, ở trường này và bà luôn bên cạnh em. Em tự nhủ lòng mình phải cố gắng sao cho khỏi phụ lòng những “Người mẹ” của mình, phải học giỏi và ngoan để vui lòng họ.

Em vô cùng yêu quý và biết ơn bà. Bà sẽ mãi mãi là người em kính yêu nhất. Em mong bà mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu. Bà ơi, bà bình thường thôi mà sao thật là vĩ đại!

(Trần Thái Hà, Trường THCS Quảng Yên, Quảng Ninh)

Bài 2: Tả mẹ

Tả mẹ của em

Và mẹ em chỉ có một trên đời...

Tiếng hát trong trẻo, ngân nga khiến tôi như thấm thía nỗi đau khổ thiệt thòi của các bạn nhỏ bị mồ côi mẹ. Thật bất hạnh cho những ai trên thế gian này không có mẹ. Vì mẹ là người sẽ dâng trọn sự yêu thương và hi sinh cho chúng ta. Mẹ của tôi cũng là người như vậy đấy.

Nhìn dáng vẻ bên ngoài khó ai đoán được nghề nghiệp của mẹ. Dáng người cân đối, thon thả của mẹ được coi là lí tưởng đối với tuổi bốn mươi. Nước da trắng trẻo đến lạ kì, hình như trời cho mẹ vậy. Mẹ đi biển hàng tuần, da chỉ ửng hồng lên chút ít còn tôi khi tôi chưa ra nắng đã đen nhẻm rồi. Các đường nét trên khuôn mặt trẻ trung của mẹ không có gì đặc biệt, nhưng lạ là khi nó chuyển động bởi nụ cười, bởi ánh mắt... thì đột nhiên khác hẳn. Nó trở nên xinh xắn, thân thiết và đáng yêu lắm. Nhất là đôi mắt to và sáng của mẹ, mọi người cho là thông minh, còn tôi thì thấy ấm áp và tự tin. Mẹ tôi cởi mở, tươi vui và chân thành khác hẳn với những con số khô khan, rắc rối luôn đeo bám theo cái nghề kế toán tài vụ của mẹ.

Với nghề nghiệp của mình, mẹ tôi tỏ ra say mê và có bản lĩnh lắm. Không phải ai có thâm niên cao cũng được tặng danh hiệu “kế toán giỏi” như mẹ tôi. Nhìn mẹ sử dụng máy tính cứ như bấm đàn vậy. Mẹ có sự tập trung cao vào công việc, khi đã bắt tay vào sổ sách, giấy tờ tôi thấy mẹ chẳng hề rời ra, chẳng quan tâm gì tới mọi chuyện xung quanh, kể cả có người hỏi gì đó. Khi làm việc, mẹ thường đăm chiêu, im lặng, nhất là trán cứ nhăn lại. Vậy mà ở ngoài đời, mẹ cười nói rất vui. Các cô bác ở cơ quan ai cũng quý mến và gần gũi với mẹ. Mẹ thường nhận được sự giúp đỡ tận tình của mọi người giống như mẹ không nề hà khi giúp đỡ người khác.

Mẹ là người không thể thiếu được trong gia đình tôi. Mẹ như cô Tấm với một mâm cơm ngon lành, sạch sẽ vừa ý mọi người vào những bữa ăn. Lúc vui đùa, mẹ như một diễn viên vậy, kể chuyện thì có duyên, gây cười thì rất khéo, mà xử án thì công bằng hợp lí. Dù ai có nói gì, tôi vẫn thấy mẹ đáng yêu vô cùng, nhưng tốt nhất là mọi người nên khen mẹ tôi. Chắc chắn là điều đó sẽ làm cho tôi vui sướng và tự hào bởi mẹ mình!

Mẹ tôi nhìn ai cũng thấy tốt. Tài nhất là mẹ phát hiện điều đó rất nhanh, rất bất ngờ. Mẹ thường đem lại cho tôi sự ngỡ ngàng bởi cái tính nhìn hướng thiện đó. Mẹ thường bảo: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Hãy cố tìm thấy điều đó trong mỗi người, chỉ có vậy trái tim mình mới thấy hạnh phúc và cuộc đời này mới đáng vì nó mà ta sống hết mình. Đây lại là một điểm mà tôi luôn xúc động và hãnh diện vì có mẹ ở trên đời. Trái tim mẹ tràn đầy lòng vị tha, sự nhân hậu vô bờ bến. Bố vẫn nói: “Mẹ con có tấm lòng như một bà tiên hiền hậu”.

Có phải chỉ thế đâu, những lần ốm đau mới thấy được lòng yêu thương, sự tận tình chăm sóc của mẹ. Mẹ chăm các “bệnh nhân” của mình rất giỏi, lúc thì nghiêm khắc, lạnh lùng như bác sĩ, lúc thì tỉ mỉ, kịp thời như y tá, hộ lí... Mẹ với thuốc, không biết bệnh tật tránh xa từ đâu?

Kỉ niệm sâu sắc nhất là lần tôi bị lạc năm tôi năm tuổi. Buổi sáng, thấy mẹ xách làn đi chợ, tôi một mực đòi đi theo, tuy không khóc nhưng cử chỉ của tôi rất kiên quyết. Mẹ khuyên tôi ở nhà vì chợ đông, nóng bức, không sạch sẽ lại ồn ào, vả lại mẹ chạy ù một cái là về. Đợi mẹ đi khỏi, tôi lấy cán chổi gạt chốt cửa và đi theo mẹ. Tuy chợ đông đúc, nhưng tôi rất chăm chú nhìn theo chiếc áo màu tím của mẹ. Tôi thích chí khi “lừa” được mẹ và cũng nhờ thế mới thấy được mẹ nghiêng đầu bên này, ngó bên kia nhấc lên, đặt xuống... Đến quầy hàng bán cá vàng thì trời ơi thích quá. Tôi dán mắt vào những bể kính trong suốt, long lanh và những chú cá vàng, trắng, đen, đỏ... con to, con bé, con dài, con ngắn tung tăng bơi lội. Đẹp ơi là đẹp! Khi tỉnh ra thì xung quanh tôi hoàn là người lạ, rẽ vào ngách nào cũng lạ hoắc. Thậm chí muốn quay lại đường cũ để về nhà, tôi cũng không tài nào tìm ra. Mẹ thì chẳng thấy đâu. Tôi chỉ nhớ là lúc ấy tôi thực sự hoảng hốt và tuyệt vọng. Chú công an đối với tôi lúc này hiện ra không khác gì Bụt ở trong truyện cổ tích. Đưa tôi về trụ sở, chú dùng loa phóng thanh gọi mẹ đón về. Như một cơn lốc, mẹ ào vào ôm thốc lấy tôi. Cả thân hình mẹ run rẩy, mặt úp vào vai tôi, hai tay mẹ ghì chặt lấy thân hình bé nhỏ của tôi. Lúc này tôi mới thấm thía tình yêu thương nồng nàn, cháy bỏng của mẹ. Qua giây phút bàng hoàng đó, trước khi bế tôi ra về mẹ quay lại cảm ơn các chú công an. Sau này, cả nhà vẫn nhắc tới chuyện đó như một bài học cho những đứa trẻ bướng bỉnh như tôi. Mẹ cười nói là vẫn thầm cảm ơn Trời, Phật và các chú công an nên chuyện kinh hoàng đó chỉ còn là một giấc mơ. Tôi không quên được ngày hôm đó và cũng không bao giờ quên tình yêu tình yêu thương nồng thắm của mẹ tôi. Nghĩ tới mẹ, tôi như được tận hưởng niềm hạnh phúc vô bờ. Yêu mẹ và sẽ làm vui lòng mẹ là tâm nguyện của tôi. Tôi thầm hứa:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.

(Nguyễn Thuỳ Trang Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội)

>> Tham khảo chi tiết: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình

Bài 3: Tả bố em

Tôi đang ngồi học, đêm đã buông xuống tĩnh mịch từ lâu, chợt nghe đâu đây tiếng gió thổi lao xao lùa vào gian phòng khe khẽ. Chợt, nhìn sang chiếc hộp gỗ trên bàn học, đó là hộp đựng bộ que tính bố đã tự tay làm cho tôi. Trong lòng tôi bỗng dưng dưng một niềm cảm xúc yêu thương bố lạ kỳ, mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Bố tôi năm nay đã ngoài 40 tuổi, mái tóc cũng đã điểm bạc. Nước da ngăm đen, rám nắng, và có chút chai sạn. Mỗi lần nhìn vào gương mặt ấy, khóe mắt tôi lại thấy cay cay, những tháng năm lăn lộn, không quản nắng mưa đã bôn ba trên mọi nẻo đường chở hàng nuôi tôi khôn lớn. Có những lúc, nhìn người ta đi ngoài đường, quần là áo lượt xe ô tô hạng sang tôi lại xót xa nhớ về người cha ấy của tôi. Lẽ ra giờ này bố cũng có thể như thế, nhưng vì tôi, vì đàn con thân yêu, bố đã hi sinh cả thanh xuân và sức lực của mình để gắng sức nuôi chúng tôi nên người. Tôi tự nhủ mình sẽ phải học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố. Những cánh tay to, chắc khỏe, gân guốc đã lo toan, chèo chống cho gia đình này không biết bao phen sóng gió. Tôi cũng không dám tưởng tượng nếu không có bố, cuộc đời chị em tôi sẽ đi về đâu.

Bố tôi là người rất hiền lành và tốt bụng. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bố để chị em tôi được dễ dãi, mơn trớn. Ông rất yêu các con của mình. Có gì ngon bố cũng để giành phần chúng tôi, vậy mà những đứa trẻ non nớt không hiểu chuyện như chúng tôi lại chưa làm được điều ấy. Công việc bên ngoại, bên nội, của hàng xóm láng giềng có ai nhờ đến bố đều giúp đỡ rất nhiệt tình. Có lẽ chính vì vậy mà bố được rất nhiều người quý mến, kính trọng, tin tưởng. Bố hay kể cho tôi nghe về tổ tiên tôi ngày trước, nhắc tôi phải biết uống nước nhớ nguồn. Những bài học nhân sinh, bài học về cách làm người của bố đã lớn dần lên cùng tháng năm, cho tôi những hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống, cội nguồn dân tộc.

Bố là cả một khoảng trời để chú chim non bé nhỏ là tôi được thỏa sức vẫy vùng. Thuở ấu thơ, tôi hay cùng bố ra bờ sông câu cá, bố dạy tôi tập bơi, dạy tôi cách thả diều, cách làm những chiếc đèn kéo quân vui tết trung thu. Tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng ấy của tôi đã được làm hồng lên bởi tình yêu thương, sự chỉ bảo ân cần của bố. Thỉnh thoảng, nhìn chiếc áo phai màu, sờn vai bố đang mặc tôi lại ùa về kỉ niệm những đêm đông bố đã chịu lạnh để tôi được cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp và ra ngoài làm việc. Bố đã hi sinh cho tôi nhiều lắm, tuổi thanh xuân, sức lực và cả tình yêu bao la vô bờ ấy, bố dồn cả vào trái tim non nớt của tôi, che chở, ủ ấm nó để nó không bao giờ chịu những vết trầy xước gì. Tôi cảm thấy mình thật sự là một đứa trẻ may mắn vì được lớn lên trong tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp như vậy.

Có thể thời gian trôi đi, tôi rồi cũng sẽ trưởng thành lên, và ai ai cũng vậy. Nhưng những bài học sâu sắc, những kỉ niệm, và tình cảm bao la mà bố dành cho tôi sẽ là hành trang nâng bước tôi trong suốt chặng đường dài bây giờ và mãi cả sau này nữa

4. Tả ông ngoại

Em cảm thấy mình là đứa trẻ vô cùng may mắn khi luôn có gia đình ở bên chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Khi gặp chuyện khó khăn có bạn chia sẻ mọi điều với mẹ, với bố hoặc với anh chị em thân yêu của mình. Còn riêng em, người em luôn thủ thỉ tâm sự, giãi bày mọi nỗi lòng chính là ông ngoại của em.

Ông ngoại em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng nom ông vẫn còn rất mạnh khỏe. Người ông dong dỏng cao, lưng đã hơi còng xuống vì những năm tháng lao động vất vả, cực nhọc để chèo chống gia đình. Ông có vầng trán cao, rộng cho thấy rõ là một con người thông minh, nhạy bén. Đôi mắt ông hiền từ, đã mờ dần đi vì tuổi tác, bởi vậy ông luôn có chiếc kính mắt làm người bạn thân thiết bên cạnh. Đôi mắt ấy thay đổi thật linh hoạt theo những cung bậc cảm xúc của ông. Khi vui đôi mắt ông rạng rỡ, như đang mỉm cười, khi cáu giận đôi mắt ấy lại như những tia lửa làm mọi người xung quanh cũng phải sợ hãi. Chiếc miệng của ông móm mém không còn nhìn rõ viền môi đâu nữa, mỗi khi ông cười nhìn rất hiền từ, phúc hậu. Theo thời gian, da ông đã nhăn nheo đi nhiều, những vết đồi mồi ngày một dày hơn, nhưng da ông vẫn rất hồng hào, khỏe mạnh. Giọng của ông rất trầm ấm và vang. Em thích nhất là được nghe giọng ông khi kể về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ hào hùng. Chao ôi, qua giọng kể đầy truyền cảm và nhiệt huyết của ông khiến em càng thêm hiểu những hi sinh, vất vả mà ông cha ta phải trải qua để có được nền độc lập, tự do như ngày hôm nay. Không chỉ vậy, bằng giọng điệu nhẹ nhàng, ấm áp ông còn dạy cho em những bài học bổ ích trong cuộc sống, dạy chúng em làm thế nào để trở thành người có ích cho xã hội. Mái tóc ông bạc trắng như cước, cùng với bộ râu dài cũng đã bạc, nhìn ông chẳng khác nào một ông tiên bước ra từ truyện cổ tích.

Ông em là một người hết sức giản dị, tiết kiệm và luôn lo nghĩ cho con cháu. Những bộ quần áo ông mặc rất đơn giản, không cầu kì, kiểu cách. Mùa hè chỉ là bộ quần áo bà ba nâu, đôi dép cao su. Mùa đông là chiếc áo len đã cũ sờn và chiếc áo bông ông đã mặc rất nhiều năm. Ông ăn uống đơn giản, tiết kiệm, món ăn ông yêu thích nhất chính là món cá chép om dưa.

Ông luôn được mọi người yêu quý, kính trọng. Trong gia đình, bất cứ việc gì có thể tự làm ông không bao giờ nhờ cậy đến con cháu. Không những vậy, trong lúc cả gia đình em bận đi học, đi làm ông còn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ăn đơn giản cho cả nhà, tuy đơn giản nhưng món nào cũng ngon và đầy ắp tấm lòng yêu thương của ông. Đối với hàng xóm ông hết mực quan tâm, giúp đỡ. Bởi vậy, từ những người trong gia đình, cho đến bà con hàng xóm ai ai cũng yêu mến và tôn trọng ông.

Em luôn yêu quý, kính trọng ông. Những năm tháng được ở bên cạnh ông đã giúp em khôn lớn và trưởng thành lên rất nhiều. Ông dạy em phải biết quan tâm, chia sẻ với mọi người. Phải biết giúp đỡ bố mẹ, làm những việc vừa sức với mình. Phải là người trung thực, không được gian dối,… và còn rất nhiều bài học bổ ích khác. Nếu không có ông luôn ở bên cạnh bảo ban, chỉ dạy có lẽ em sẽ không thể khôn lớn, trưởng thành như bây giờ.

Được sống bên cạnh ông là những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời em. Từng lời nói, từng lời chỉ bảo, dạy dỗ em sẽ mãi ghi nhớ để trở thành người có ích như ông hằng mong muốn. Em mong sao ông sẽ sống mãi bên em để giúp em vượt qua được tất cả những khó khăn, bão tố trong cuộc đời này.

Đề 2: Hãy miêu tả hình ảnh mẹ hoặc cha trong những trường hợp sau:

- Lúc em ốm.

- Khi em mắc lỗi.

- Khi em làm được một việc tốt.

Bài 1: Tả hình ảnh mẹ hoặc cha lúc em mắc lỗi

“Từ khi bập bẹ trong nôi

Lời đầu tiên nói trong đời: Mẹ ơi!

Mẹ như ánh sáng mặt trời

Ngời trong máu chảy nồng hơi thở này”

Mẹ! Tiếng gọi quá đỗi kính yêu và ngọt ngào. Bởi bên mẹ, con nhận được biết bao sự dạy dỗ, chăm sóc yêu thương…Và, rồi trong thâm tâm con cứ ngỡ: Con sẽ chẳng bao giờ làm cho mẹ buồn phiền vì con, sẽ chẳng bao giờ con sai phạm điều gì …Thế nhưng mẹ ạ, con cũng đã có lỗi với mẹ, làm mẹ ưu phiền và biết bao lo lắng trong một lần con mắc lỗi đã quên lời mẹ dạy.

Đó là một buổi chiều mùa đông ảm đạm, con theo mấy đứa bạn trong xóm đi chơi xa. Với bọn trẻ chúng con mà được vui chơi thì chẳng còn nhớ thời gian. Mải ham vui nên con quên bẵng lời dặn của mẹ. Lúc về, trời nhá nhem tối, không thấy mẹ ở nhà, con biết mẹ đang tất bật đi tìm con khắp xóm. Một lát sau, mẹ hớt hải chạy về, áo quần ướt sẫm, khuôn mặt xương xương của mẹ tái xanh vì lạnh, mấy cọng tóc lòa xòa bên đôi má... Trông mẹ thật lo lắng, mẹ vừa mừng vừa giận. Mừng vì con đã về nhà trước cơn mưa, giận vì đi chơi xa mà không xin phép mẹ, lại về nhà tối. Mẹ không nói gì nhưng đôi mắt sâu và thâm quầng của mẹ hiện rõ vẻ giận dỗi, bực bội. Rồi mẹ nghiêm nghị bảo:

- Con xem lại việc làm của con đấy nhé!

Giọng nói của mẹ đã khàn đi vì cơn mưa rạt rào, thấm ướt. Mẹ húng hắng ho rồi xuống bếp làm cơm tối. Con cũng xuống bếp rồi rụt rè phụ mẹ. Vừa làm vừa nghĩ đến hình ảnh mẹ trong cơn mưa lúc ban chiều, con lại nghĩ đến lời nói của mẹ vừa rồi. Tuy đơn sơ, ngắn gọn nhưng đã thấm sâu vào tâm trí của con. Lúc ấy, con như người ngủ say trong màn đêm lạnh lẽo được mẹ đánh thức dậy và đưa ra ngoài ánh sáng hửng ấm khí trời. Biết mẹ giận, em lễ phép thưa:

- Con xin lỗi mẹ ạ! Từ nay, con sẽ nhớ lời mẹ dạy. Con sẽ không làm mẹ lo lắng về con nữa đâu!

Mẹ nhìn con như đã nguôi đi cơn giận, mẹ con đi tắm.

Mẹ ơi! tấm lòng mẹ thật nhân ái, độ lượng, bao dung. Bàn tay gầy guộc của mẹ đã nuôi chúng con khôn lớn và cũng đôi bàn tay ấy mẹ đã nấu nước tắm cho con. Nước thật ấm, ấm như tấm lòng của mẹ đang ủ ấm cho con. Vừa tắm con vừa hình dung hình ảnh của mẹ liêu xiêu đang rảo bước dưới mưa. Con lại hình dung đôi mắt dịu hiền của mẹ nhìn con khi con mắc lỗi. Ôi! Lòng mẹ thật bao la! Tình cảm của mẹ dành cho con thật thiêng liêng, cao cả và không bao giờ vơi cạn. Lúc nào con cũng có mẹ ở bên chăm sóc, giúp đỡ bảo ban, chở che tiếp thêm sức mạnh để em còn vươn lên trong cuộc sống. Ấy thế mà em đã làm mẹ đau lòng!

Bây giờ con đã lớn khôn, con đã hiểu thế nào là sự nhọc nhằn của mẹ. Nhìn những cơn mưa cùng cái rét căm căm, bóng dáng của mẹ lại hiện về trong kí ức của con...với dáng mẹ gầy, với gương mặt bao lo lắng đang lầm lũi trong cơn mưa... Mẹ ơi! Con có lỗi với mẹ biết bao! Và trong con lại vang lên khúc hát mà mỗi mùa Vu Lan con hay hát:

''...Rồi một chiều nào đó con về

Nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu

Rồi nói, nói với mẹ rằng:

Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không?

Biết gì? Biết là...Biết là...Con thương mẹ không?

>> Chi tiết: Tả hình ảnh người mẹ lúc em mắc lỗi

Bài 2: Tả hình ảnh mẹ hoặc cha lúc em bị ốm

Tuổi thơ chúng ta luôn được sống trong tình yêu thương của mẹ. Với tôi mẹ là người tôi yêu quý và kính trọng nhất. Mẹ nuôi dạy chăm sóc chị em tôi vì bố tôi luôn đi làm xa.

Hôm ấy ở lớp tôi cảm thấy nhức đầu, người hơi lạnh nôn nao. Tôi cố gắng đi về đến nhà. Mọi ngày bước chân đến cửa tôi đã gọi: "Mẹ ơi" và chạy vào tìm mẹ. Hôm nay bước chân đến cửa tôi đứng không vững mặt tái đi.

Mẹ nhìn thấy tôi như vậy liền chạy vội đến bên tôi dù rất mệt nhưng tôi vẫn nhận thấy khuôn mặt mẹ nhợt nhạt môi run run: "Con ơi con làm sao thế này?" Mẹ dìu tôi vào giường.

Mẹ đắp chăn cho tôi xoa dầu cho nóng khắp người tôi. Đôi bàn tay mềm mại ấm áp như truyền hơi ấm cho tôi làm tôi bớt đi cảm giác ớn lạnh. Vừa xoa đầu mẹ vừa nói giọng xót xa: "Khổ thân con, đã ốm lại phải đi bộ về". Uống xong bát nước gừng nóng pha đường thấy người nhẹ hẳn thế rồi tôi thiếp đi. Bỗng tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi: "Con ơi dậy ăn bát cháo nóng đi". Lúc này tôi mới ngắm kĩ mẹ. Gương mặt mẹ tròn phúc hậu đã có những vết nám mờ mờ nhưng không làm mất đi vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ đã đứng tuổi. Đôi mắt mẹ mới âu yếm làm sao, trong đôi mắt ấy đầy nỗi lo âu và chan chứa tình yêu thương. Mẹ ngọt ngào dỗ dành tôi như tôi còn bé lắm. Cái miệng xinh xắn của mẹ thổi nhẹ từng thìa cháo. Tôi bỗng thấy người mẹ của tôi là người mẹ đẹp nhất trong tâm hồn tôi. Cả vết nám, cả đôi mắt thâm quầng…Tất cả đều đẹp.

Ơi! mẹ của con, người mẹ đã chịu bao vất vả nhọc nhằn lo toan chăm chút các con. Mẹ là người mẹ tuyệt vời, con rất cần có mẹ ở bên. Khi vui và cả những lúc buồn đau ốm yếu như thế này. Con yêu mẹ nhất trên đời mẹ ạ!

>> Chi tiết: Tả hình ảnh mẹ lúc em bị ốm

Bài 2: Tả hình ảnh mẹ hoặc cha khi em làm được việc tốt

Trời đã xế chiều ánh hoàng hôn dần buông xuống, Cả nhà đang quây quần bên bữa cơm chiều. Chợt ngoài cửa có tiếng cô đưa thư gọi vọng vào: Mời bác Tâm ra nhận thư bảo đảm. Mẹ tôi vội vàng ra kí nhận rồi trở vào nhà với nét mặt rạng rỡ lạ thường. Mẹ vội vàng mở phong thư rồi reo lên con gái mẹ thành công rồi! Con gái mẹ thật giỏi! Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong tuổi thơ tôi. Hình ảnh mẹ lúc ấy khiến tôi còn nhớ mãi.

Niềm vui ngập tràn trong căn nhà nhỏ bé. Niềm vui được nhân lên trong tim mỗi người. Niềm vui tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt mẹ tôi. Bởi bao năm nay mẹ đã vất vả không quản ngại nắng mưa đưa tôi đi học vẽ, không những thế mẹ còn phải tần tảo sớm hôm làm việc kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Mẹ dành dụm từng đồng tiền ít ỏi để mua bút lông, màu vẽ… Thành công của tôi hôm nay có không ít mồ hôi và công sức của mẹ.

Mẹ đọc đi đọc lại từng dòng chữ trong thư. Em: Nguyễn Thanh Thảo đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh "Mùa hè của em". Trong thư còn mời rõ 8 giờ sáng mai tại nhà văn hóa tỉnh sẽ tổ chức triển lãm tranh và phát giải thưởng. Lúc này tôi mới ngắm kĩ mẹ tôi. Làn da mẹ hình như hồng hơn, nụ cười tươi thắm hơn mà giọng nói mới ấm áp, dịu dàng làm sao. Vẫn giọng nói ấy sao hôm nay tôi thấy mến thương vô cùng. Thế rồi mẹ sửa soạn đi mời bà nội, bà ngoại sang nhà cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình. Nhìn bước đi nhanh nhẹn, dáng người nhỏ nhắn tôi thấy thương mẹ và gắng học giỏi, vẽ đẹp hơn nữa để xứng đáng với lòng mong đợi của mẹ.

Rồi tối hôm ấy mẹ ôm tôi vào lòng nước mắt tuôn rơi. Có lẽ đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tự hào của mẹ. Bởi mẹ vẫn thường dặn tôi rằng: Con cứ vẽ những gì con yêu thích nhất. Vậy các bạn có biết tôi vẽ gì không? Đó chính là bức chân dung mẹ với dòng chữ "Mẹ tôi" dưới bức tranh.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tôi đã dần khôn lớn, trưởng thành. Trên bước đường thành công của tôi vẫn có bước chân tần tảo của người mẹ hiền.

Tả hình ảnh mẹ hoặc cha khi em làm được một việc tốt

Đề 3: Hãy tả lại hình ảnh một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ

Con người chúng ta trong cuộc sống có biết bao nhiêu là dáng vẻ đẹp từ những cái cao cả cho đến những thú vui ngày thường. Có những dáng vẻ của những anh bộ đội cụ Hồ dù trúng đạn nhưng anh vẫn chết trong tư thế đứng bắn thể hiện một vẻ đẹp bất khuất kiên cường. Và cũng có những dáng vẻ của những người mẹ tần tảo nuôi con ru con không quản khó khăn mệt nhọc. Thậm chí khi một cụ già ngồi câu cá cũng để lại những vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của sự thanh nhàn, giải trí, cũng có thể là lao động của ông già ấy.

Câu cá là một thú vui tao nhã của những cụ già có thời gian. Nó đem lại niềm vui cho những người chân đã yếu, mắt đã mờ không thể lao động được nữa. Đương nhiên nói như thế không phải chỉ có những cụ già mới có thể câu cá mà tất cả những người có hứng thú với nó thì đều câu cá được.

Câu cá đòi hỏi sự kiên nhẫn cho nên những người già khi đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió của cuộc đời thì thường sẽ kiên trì hơn. Một cụ già đi câu cá dáng vẻ hiện lên thật sự rất đẹp. Trên mặt hồ với những ngọn sóng lăn tăn gợn những đám bèo xanh non to có, nhỏ cũng có trôi lững lờ tạo nên một nét đẹp quê hương vô cùng hữu tình. Và trên bờ hồ kia hay giữa dòng sông kia có hình ảnh con thuyền nhỏ có một cụ già ngồi tựa gối buông cần đợi cá cắn câu. Những chiếc radio được mở những bài nhạc quê hương cách mạng thật hay. Không khí thanh mát với những làn gió nhẹ nhàng cụ già ngồi trên thuyền nhìn chiếc cần câu để chờ cá cắn. Trong lúc chờ đợi cụ lại nhấp môi chén trà ấm nóng chẹp chẹp miệng như thưởng thức vị ngon của trà. Cũng có thể là cụ đang thưởng thức những thú vui tao nhã của bản thân mình.

Thế rồi dây câu bỗng nhiên dựt dựt ông lão vui mừng tươi cười. Nó không phải nét hớn hở mà nó là một nụ cười đủ thể hiện thấy cụ đã biết cá đã cắn câu. Cụ đã già thế nhưng nhanh như chớp cụ vội hất chiếc cần câu lên. Nhìn cụ bỗng nhiên trông cụ giống như một chiến binh chứ không đơn thuần là một cụ già nữa. Một chú cá to bằng bàn tay người lớn quẫy đuôi muốn thoát. Thế rồi cụ để nó vào một cái xô đã có nước. Cụ tiếp tục cho mồi vào lưỡi câu sắc nhọn ấy sau đó lại thả xuống mặt hồ và tiếp tục nhắm mắt tận hưởng những điệu nhạc quê hương và cụ lại tiếp tục nhấp môi chén trà ấy.

Cứ như thế cụ già cũng câu được những chú cá tiếp thế nhưng khi thôi cụ không mang chúng về mà phóng sinh cho chúng. Đối với tuổi già mà nói thì câu cá không phải để đem về ăn nữa mà chủ yếu đó chỉ là một thú vui tao nhã mà thôi. Hình ảnh cụ hiện lên thật thư thái thanh thản với cuộc sống thường ngày của bản thân mình.

>> Tham khảo: Hãy tả lại hình ảnh một cụ già đang ngồi câu cá bên hồ.

Đề 4: Em đã có dịp xem vô tuyến, phim ảnh, báo chí, sách vở về hình ảnh một người lực sĩ đang cử tạ. Hãy miêu tả lại hình ảnh ấy.

Tả một lực sĩ đang cử tạ

Sáng chủ nhật vừa rồi, trên ti vi có phát sóng một chương trình thi đấu thể dục thể thao, được tổ chức tại nhà thi đấu Văn Tiểu học - Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm đó có rất nhiều môn thi hấp dẫn như Vovinara, vật tự do, Karate, bóng bàn, bóng chuyền… nhưng em thích nhất vẫn là môn cử tạ. Nổi bật hơn cả, thi đấu hết mình hơn cả chính là vận động viên cử tạ Thạch Kim Tuấn đã xứng đáng đoạt Huy chương vàng trong cuộc thi này.

Sau lời giới thiệu của ban tổ chức, lực sĩ Kim Tuấn bước ra sàn đấu giữa tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Anh rất trẻ, chỉ độ khoảng hai lăm, hai sáu tuổi thôi. Nhưng trong anh to khỏe và nặng kí lắm. Mái tóc đen hớt cao làm tăng thêm vẻ cương nghị của gương mặt chữ điền. Đôi mắt đen sâu và sáng. Lông mày rậm. Anh đang khoác áo đội tuyển Việt Nam. An luôn nở nụ cười thân thiện rất dễ gần. Người Lực sĩ Kim Tuấn được gọi là đẹp trai, ưa nhìn, có một thân hình trong giới thể thao cử tạ gọi là cân đối. Anh cao một mét bảy mươi hai, nặng bảy mươi hai kí lô gam. Vai rộng, ngực nở vòng cung, chân tay nổi bắp thịt cuồn cuộn trông mới khỏe mạnh làm sao! Nước da nâu bóng khiến cho anh trông giống như một bức tượng đồng đen sừng sững. Nhìn toàn thân hình người lực sĩ thì chắc hẳn mọi người đều thích và ao ước có được cái thân hình ấy. Một vẻ đẹp cường tráng và như một người mẫu về tầm vóc, được đúc nặn một cách hoàn hảo. Một vẻ đẹp do chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao mà có.

Bước vào nơi thi đấu, Lúc này, lực sĩ mặc bộ quần áo lực sĩ màu xanh lam bó sát người và làm vài động tác khởi động. Bắp thịt nổi lên, chúng chạy và hiện dần quanh cơ thể. Anh Kim Tuấn như một tượng đồng rắn chắc đang hiện ra trước mắt em. Lực sĩ Kim Tuấn khẽ nghiêng mình cúi chào khán giả. Cả hai khán đài vỗ tay vang dội, cổ động cho anh. Anh nở nụ cười thật tươi, hít một hơi thật sâu, thật căng. Nụ cười tự tin vào chiến thắng. Rồi anh Kim Tuấn bắt đầu bài thi đấu của mình. Quả tạ để ngang trước mặt, đó là hai vòng tròn to luồn vào đoạn sắt tròn nhẵn bóng. Anh choãi chân, lấy thế đứng vững vàng rồi cúi xuống nâng tạ. Vài giây trôi qua, cả ngàn ánh mắt hồi hộp theo dõi từng động tác của anh. Bất ngờ, anh nâng bổng hại quả tạ sắt nặng tám mươi kí lô giơ cao quá đầu một cách nhẹ nhàng giữa tiếng reo hò khen ngợi và tiếng hoan hô như sấm động. Một số khán giả ùa lên chúc mừng và tặng anh những bó hoa tươi thắm. Gương mặt lực sĩ rạng rỡ một niềm hạnh phúc.

Có được thành công hôm nay, chắc chắn anh Kim Tuấn đã phải trải qua một quá trình khổ luyện lâu lài. Ngắm nhìn lực sĩ Kim Tuấn, em ao ước ngày mai lớn lên, em cũng sẽ có được một thân hình và một sức mạnh như thế. Điều đó chẳng dễ dàng gì nhưng ông cha ta đã dạy: "Có chí thì nên".

>> Tham khảo: Em đã có dịp xem vô tuyến, phim ảnh, báo chí, sách vở về hình ảnh một người lực sĩ đang cử tạ. Hãy miêu tả lại hình ảnh ấy.

Đề 5: Em hãy tả lại một người nào đó tuỳ theo ý thích của bản thân mình.

Anh Chương là anh họ của tôi. Anh là người tôi vô cùng quý mến và kính trọng.

Anh có dáng người tầm thước, da hơi ngăm ngăm đen, mái tóc đen, dài mượt mà trông như lãng tử. Vì thích chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá nên anh có thân hình dày dặn và rắn chắc. Các bắp tay, bắp chân cứng và khoẻ. Giọng nói của anh to và vang. Mọi người thường bảo chưa thấy người đâu mà đã nghe thấy tiếng. Tính tình anh vui vẻ và dễ hòa đồng. Vì vậy nên anh có rất nhiều bạn. Thỉnh thoảng các anh các chị vẫn thường kéo đến nhà anh chơi rất đông vui.

Anh Chương rất thích đọc truyện tranh. Hàng ngày sau mỗi giờ học, anh thường dành một hai tiếng ngồi đọc truyện. Thỉnh thoảng đến đoạn khôi hài anh thường cười rõ to và vui vẻ kể lại cho tôi nghe. Những lúc như vậy trông anh y hệt một đứa trẻ con.

Thích đọc truyện, chơi thể thao là vậy nhưng anh học rất giỏi, ở trong lớp, anh luôn là người đứng đầu, là Đoàn viên gương mẫu. Còn ở nhà anh là người con ngoan ngoãn và “đảm đang”. Mọi việc trong nhà anh đều biết làm. Từ sửa chữa bàn ghế đến nấu cơm giặt giũ anh đều làm rất chuyên nghiệp. Các món ăn anh nấu không chỉ ngon mà còn rất đẹp mắt. Nếu sau này anh theo nghề đầu bếp thì chắc chắn anh sẽ thành công.

Ai cũng vậy, “lắm tài thì nhiều tật”. Anh Chương cũng không ngoại lệ. Việc gì anh cũng biết làm và làm rất tốt nhưng chỉ riêng khả năng ca hát của anh thì dở vô cùng. Mẹ anh bảo vì anh đang vỡ giọng nên tiếng mới ồm như con vịt cồ. Thế nên chẳng bao giờ anh góp mặt trong các chương trình karaoke tại gia cả.

Tôi rất yêu quý anh Chương. Sau này lớn lên tôi nhất định sẽ ngoan và học giỏi như anh để bố mẹ vui lòng.

>> Tham khảo: Em hãy tả lại một người nào đó tuỳ theo ý thích của bản thân mình.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp Bài viết số 6 lớp 6: Văn tả người của 5 đề bài cho các em học sinh tham khảo, nắm được cách làm bài văn tả người, cách viết văn tả người trong chương trình học lớp 6, chuẩn bị cho bài làm văn trên lớp đạt kết quả cao.

Đánh giá bài viết
2.021 173.656
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Fake Pham
    Fake Pham

    OK


    Thích Phản hồi 12/05/21

    Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

    Xem thêm