Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 5: Sọ Dừa

Ngữ văn lớp 6 bài 5: Sọ Dừa

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 5: Sọ Dừa. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Ngữ văn của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo

Sọ Dừa

I. Kiến thức cơ bản

• Truyện cổ tích: Loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc:

- Nhân vật bất hạnh (như: Người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí...).

- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ.

- Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch.

- Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người). Truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

• Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật - kiểu nhân vật khá phổ biến trong cổ tích Việt Nam và thế giới.

- Nhân vật chính của loại truyện cổ tích này có hình hài dị dạng, thường mang lốt vật, bị mọi người xem thường, coi là vô tích sự. Nhưng đây là nhân vật có phẩm chất tài năng đặc biệt.

Cuối cùng, nhân vật trút bỏ lốt vật, kết hôn cùng người đẹp, sống cuộc đời hạnh phúc. Truyện Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh.

II. Hướng dẫn đọc - hiểu văn bản

Câu 1: Sự ra đời của Sọ Dừa có gì khác thường? Qua đó nhân dân muốn thể hiện điều gì? Và chú ý đến những con người như thế nào trong xã hội xưa.

+ Sự ra đời khác thường của Sợ Dừa:

- Thụ thai khác thường: Mẹ sọ dừa đến bên gốc cây đựng đầy nước mưa, bà uống và có mang.

- Lúc sinh ra: Hình dạng kì dị khác thường, không chân, không tay, tròn như một quả dừa, nhưng lại biết nói.

+ Ý nghĩa:

- Đây là loại truyện người mang lốt vật, có bề ngoài xấu xí, dị dạng.

- Nhân vật mồ côi bất hạnh (cha mất sớm, đau khổ, số phận kém may mắn, cần đến sự cảm thông và chia sẻ của mọi người).

Câu 2: Sự tài giỏi của Sọ Dừa được thể hiện qua những chi tiết nào? Em có nhận xét gì về quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật.

+ Sự tài giỏi của Sọ Dừa:

- Là người lao động giỏi: Chàng chăn bò rất giỏi, đàn bò của chàng con nào con nấy cũng no căng.

- Là người thổi sáo rất hay: Tiếng sáo véo von khiến cho cô út phải ngạc nhiên tò mò để rình. Hình ảnh chàng ngồi thổi sáo thật đẹp giống như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Chàng trai khôi ngô, ngồi trên võng đào, thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ.

- Là người có tài biến hoá: Biến hoá về hình hài từ Sọ Dừa --> thành chàng trai, từ chàng trai --> Sợ Dừa. . Biến hoá ra nhiều phẩm vật quý giá để làm sính lễ cưới vợ: Váy gấm, lụa đào, lợn béo, rượu tăm, gia nhân...

- Là người rất thông minh: Thi đỗ Trạng nguyên, làm quan to.

+ Nhận xét về hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong:

Hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của Sọ Dừa có sự đối lập đến mức cực đoan.

- Bên ngoài hết sức dị dạng xấu xí.

- Phẩm chất bên trong thì lại hết sức tuyệt vời.

=> Ý nghĩa: Phải chăng nhân dân ta muốn nhắn nhủ mọi người đừng nên lấy hình thức bên ngoài mà đánh giá con người. Đánh giá con người phải căn cứ vào nội dung bên trong, đó là tài năng, trí tuệ, tâm hồn của họ.

Câu 3. Tại sao cô út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa? Em có nhận xét gì về nhân vật cô út?

+ Lí do cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa:

- Là người hiền lành nhân hậu: Cô vốn rất hiền lành, tính hay thương người – đối đãi tử tế với Sọ Dừa – trong khi hai cô chị thì ác nghiệt.

- Là người có đôi mắt tinh tường: Bằng tấm lòng nhân hậu cô út đã phát hiện ra vẻ đẹp và tài năng của Sọ Dừa khi đang ở trong hình hài xấu xí. Cô yêu Sọ Dừa chân thành.

- Là người giàu bản lĩnh, nghị lực, thông minh: Biết ứng xử tình huống khó khăn. Lấy dao rạch bụng cá để chui ra, lấy đá đánh lửa nướng cá sống trên đảo, trứng nở ra gà để gáy báo cho thuyền quan trạng.

+ Nhận xét:

- Dù là nhân vật phụ, nhưng cô út đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều thiện cảm tốt đẹp: Cô là người hiền lành, thông minh, đáng yêu, cô xứng đáng với hạnh phúc mà mình được hưởng.

- Qua nhân vật cô út dụng ý của tác giả dân gian nhằm tô đậm hơn ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, và triết lý ở hiền gặp lành.

Câu 4. Trong truyện, Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nhưng cuối cùng đã trút bỏ lốt, cùng cô út hưởng hạnh phúc, còn hai cô chị thì phải bỏ nhà trốn đi. Em thấy người lao động ước mơ điều gì ?

+ Ước mơ về sự đổi đời: Từ một Sọ Dừa có hình dạng xấu xí nghèo khổ, sống cảnh mẹ giá con côi phải chăn bò thuê cho phú ông cuối cùng trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, thông minh, giỏi giang, đỗ đạt, làm quan to, lấy được vợ xinh đẹp, hiền thục thuỷ chung => Những người lao động nghèo khổ, bất hạnh ước mơ có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc.

+ Ước mơ về một sự công bằng: Cô út xinh đẹp, hiền lành, thương người thì được sống hạnh phúc. Còn hai cô chị độc ác, gian xảo thì phải gánh chịu hậu quả do mình gây ra => Những người ở hiền được gặp lành, những kẻ gieo gió phải chịu gặt bão.

Câu 5. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Sọ Dừa

+ Đề cao ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người, không nên lấy hình thức bên ngoài để đánh giá giá trị con người.

+ Đề cao lòng nhân ái, đặc biệt là đối với những số phận kém may mắn.

+ Ước mơ về sự công bằng, về sự đổi đời của những con người hiền lành, nghèo khổ, bất hạnh.

IV. Tư liệu tham khảo

Kể về những nhân vật xấu xí mà tài ba này, tác giả dân gian xưa thật sự muốn đem đến cho ta thấy số phận của một loại người vốn bị xã hội xưa hắt hủi, sống cô đơn. Song, với cái nhìn nhân đạo nhân dân đã cho họ đổi đời, đã bộc lộ ở họ những đức tính quý báu cũng như tài năng vô hạn. Rồi cũng chính bằng tấm lòng nhân đạo ấy nhân dân ta đã đưa đến một kết thúc tốt đẹp cho cuộc đời nhân vật: Vĩnh viễn sung sướng, hạnh phúc vợ chồng sum họp. Chất lạc quan tràn đầy ở các hình tượng nhân vật xấu xí mà tài ba trong các cốt truyện về đề tài này.

(Nguyễn Thị Huế - Nhân vật xấu xí tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam)

Sọ Dừa sinh ra là một cục thịt tròn lông lốc, có mặt mũi, miệng, tai nhưng không có mình mấy chân tay. Bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa còn phải ẩn kín trong cái lốt “sọ” xấu xí gớm ghiếc. Đó là một thử thách cực kì to lớn, khó khăn mà nhân vật phải trải kinh qua để khẳng định và bộc lộ bản chất tốt đẹp của mình.

(Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian)

Mời các bạn tham khảo tiếp giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 5

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 5: Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 5: Lời văn, đoạn văn tự sự

Đánh giá bài viết
22 1.175
Sắp xếp theo

    Soạn văn 6 siêu ngắn Cánh diều

    Xem thêm