Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Văn mẫu lớp 6: Phát biểu cảm nghĩ về bài Động Phong Nha của Trần Hoàng

Văn mẫu lớp 6: Phát biểu cảm nghĩ về bài Động Phong Nha của Trần Hoàng dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 6 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Bài tham khảo 1: Cảm nghĩ về bài Động Phong Nha

Để được công nhận là di sản thế giới, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hai tiêu chí: Thứ nhất là điển hình về lịch sử hình thành vỏ trái đất và những đặc điểm địa chất, thứ hai là đặc trưng cho tính đa dạng sinh học và các loài bị đe dọa. Thuyết minh về điểm tham quan du lịch này, tác giả đã chọn một kiểu bài giống như một bài bút kí du lịch, một thứ ghi chép có tên Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung Bộ. Đối tượng phục vụ của nó không dành riêng cho các nhà khoa học mà là rộng rãi cho mọi khách tham quan. Bài viết gồm hai phần lớn: Giới thiệu động Phong Nha và sự đánh giá về nó như một "kì quan đệ nhất động" của đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh, và sức hút của nó với nhiều người.

Bài viết bắt đầu giới thiệu vị trí của thắng cảnh (nằm trong một quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng ở miền tây Quảng Bình), và con đường đi đến rất dễ dàng bằng hai cách: Đường thuỷ và đường bộ. Nơi gặp nhau của hai con đường thủy và bộ ấy là cái bến sông Son với một lưu ý nhỏ mà thú vị: Tên sông là sông Son - tên của màu môi con gái, nhưng nước sông lại là màu mắt: Xanh thẳm và rất trong. Cảnh hai bên bờ thơ mộng, sơn thuỷ hữu tình với những khối núi đá vôi trùng điệp, xen lẫn với những xóm làng, bãi mía, nương ngô,...

Phần chủ yếu tiếp theo, tác giả giới thiệu một cấu trúc hang động hài hòa: Động khô và Động nước, vẻ kì thú của Động khô là ở chỗ: Tuy ở vào độ cao 200m nhưng đó lại là dấu vết của một con sông ngầm, một con sông như bến bờ tiền sử xa xôi mà sự "hoá thạch" của nó là một cung điện nguy nga với "những vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh" vẫn còn. Có lẽ sự sống bền bỉ hơn lại chính là Động nước. Cầm đuốc, cầm đèn mà đi vào Động nước, cảm quan của khách du lịch có khác gì đang bước vào một chốn Bồng Lai. Sự nguy nga tới mức tráng lệ, vàng son cùng với những mê lộ, mê cung càng hấp dẫn trí tò mò của những kẻ phàm trần. Động chính của Phong Nha không chỉ có mười bốn buồng, mà sức hấp dẫn là càng đi sâu vào, kiến trúc hang động mở ra với độ rộng, độ cao như sự sắp xếp tự nhiên của lòng mến khách. Và điểm dừng của động chính sau khi lướt qua mười bốn hang động bên ngoài là một vùng bí mật chỉ dành cho những nhà thám hiểm với đầy đủ lòng can đảm và các thiết bị cần thiết mà thôi. Đó là cái khoảng trống vẫy gọi con người, cả hai loại: Tỉnh táo và mơ mộng. Phong Nha phía sâu bên trong của nó còn trùng điệp lớp tầng, một kho tàng chưa mở hết. Nào là các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi, nào là khu rừng nguyên sinh 40000 héc ta cất giữ bao nhiêu huyền bí! Dẫu sao bút pháp trên đây vẫn chủ yếu là cách ghi chép của nhà khoa học. Cách diễn tả một tâm hồn thơ thực sự chỉ bắt đầu khi tác giả viết bài xem mình như một lãng tử ngồi trên thuyền đi xem động Phong Nha. Vẻ đẹp "lộng lẫy", "kì ảo" của thắng cảnh như bừng thức dậy, hòa trộn mọi thứ màu sắc, ánh sáng, đường nét, âm thanh, hình ảnh như thực như mơ. Gần gũi nhạt là hình khối con gà, con cóc, mâm xôi, cái khánh. Còn huyền bí xa xôi là hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ có lẽ từ hàng ngàn năm về trước. Đột ngột, man mác một tứ thơ lại là đây đó từ trên vách động rủ xuống xanh biếc những nhánh phong lan. Đi suốt chiều dài hơn một nghìn mét ở phần ngoài của động Phong Nha, người hướng dẫn viên du lịch phải chăng đã đồng cảm giác với khách tham quan hay những rung động tâm hồn tự nó tìm ra một cách diễn tả tươi tắn, nguyên sơ. Đó là cảm giác "như lạc vào một thế giới khác lạ - thế giới của tiên cảnh". Ở đó mọi giác quan không còn như thực nữa: "Một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt".

Động Phong NhaNhường sự đánh giá khách quan cho người ngoài cuộc, một với tư cách cá nhân (nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be), và một với tư cách báo cáo khoa học (của Hội địa lí Hoàng gia Anh), nhận định rằng động Phong Nha là một thứ kì quan không còn gì để bàn cãi. Bởi nói về bề dày kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động của một nhà khoa học uy tín (người phát ngôn) là một thứ bảo đảm bằng vàng. Hơn thế nữa, báo cáo còn chỉ ra đến "bảy cái nhất", nghĩa là đã đặt Phong Nha Việt Nam bên cạnh những hang động cùng loại của thế giới loài người để phân định và lựa chọn, đã so sánh và cân nhắc trước khi có được kết luận cuối cùng.

Phong Nha của hiện tại đã được khẳng định. Nó sẽ còn được tôn vinh hơn nữa với tương lai. Bởi lẽ, với ý thức tự hào về thắng cảnh, Đảng và Nhà nước ta đang có sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác, biến Phong Nha trở thành một điểm hẹn, một quan tâm lớn của loài người.

Bài tham khảo 2: Cảm nghĩ về bài Động Phong Nha

Phong Nha nằm trong quần thể hang động thuộc dãy núi đá vôi Kẻ Bàng, nên có chỗ gọi là Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được đánh giá là "đệ nhất kì quan", có nghĩa là cảnh đẹp nhất. Động Phong Nha lại ở gần con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, đã từng được sử dụng làm kho lương thực và vũ khí khổng lồ của bộ đội ta thời đánh Mĩ. Điều đó càng làm cho kì quan Phong Nha mang thêm nhiều giá trị và ý nghĩa. Động Phong Nha đã và đang thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Chúng ta tự hào vì đất nước có động Phong Nha cùng với bao danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác.

Bài viết của tác giả Trần Hoàng đề cập đến một vấn đề đang được quan tâm hàng đầu trong cuộc sống hiện nay là bảo vệ môi trường thiên nhiên và phát triển kinh tế du lịch; đồng thời giúp người đọc hình dung ra vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của động Phong Nha và hiểu được vị trí quan trọng của nó trong đời sống của dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau. Từ đó khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia giữ gìn những danh lam thắng cảnh của đất nước.

Phần mở đầu, tác giả giới thiệu vị trí của quần thể động Phong Nha: "Đệ nhất kì quan Phong Nha" nằm trong một quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng ở miền tây Quảng Bình... Tiếp đến là miêu tả hai đường vào động, (một đường thủy, một đường bộ) cùng gặp nhau ỏ bến sông Son, rồi theo sông Son mà đi tiếp vào hang. Đu khách có thể tới Phong Nha rất dễ dàng bằng hai con đường:

Đường thủy ngược dòng sông Gianh đến đoạn sông Gianh gặp sông Son rồi cứ theo sông Son mà vào. Đường bộ theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông Son (đường dài chừng 20 cây số). Từ bến sông này đi thuyền máy độ ba mươi phút là tới cửa hang Phong Nha. Nếu đi bằng đường thủy thì du khách có thể thoải mái chiêm ngưỡng cảnh sắc tươi đẹp hai bên bờ sông Son: Sông mang tiếng là "Son" nhưng nước lại một màu xanh thẳm và rất trong. Ngồi trên thuyền chạy ngược sông, nhìn ra hai bên bờ, ta thấy những khối núi đá vôi trùng điệp, những xóm làng, nương ngô, bãi mía nằm rải rác.

Hai bộ phận chính của Phong Nha là Động khô và Động nước: Động khô ở độ cao 200m, theo các nhà địa lí học, thuở xưa vốn là một dòng sông ngầm, nay đã kiệt nước, chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh. Trái với Động khô, Động nước hiện thời vẫn đang có một con sông dài chảy suốt ngày đêm... Sông khá sâu và nước rất trong. Hấp dẫn và được khách du lịch lui tới nhiều nhất chính là Động nước.

Tác giả giới thiệu thật tỉ mỉ, chi tiết để gợi sự hiếu kì của du khách: Vào Động nước phải đi bằng thuyền và mang theo đèn đuốc, bởi càng đi sâu vào trong thì hang càng tối. Hiện nay, ở một số nơi trong hang đã mắc điện nhưng muốn đi suốt 1500m hang vẫn phải cần tới đuốc, đèn. Động chính Phong Nha gồm mười bốn buồng, nối với nhau bởi một hành lang dài hơn ngàn rưởi mét cùng nhiều hành lang phụ dài vài trăm mét. Ở các buồng ngoài, trần hơi thấp, chỉ cách mặt nước độ 10m. Từ buồng thứ tư trở đi vòm hang đã cao tới 25 - 40m. Đến hang thứ mười bổn, có thể theo các hành lang hẹp để đến các hang to ở phía sâu,nơi mới chỉ có một vài đoàn thám hiểm với đầy đủ các trang thiết bị (máy móc, đèn, quần áo, thuốc men... ) cần thiết đặt chân tới. Tuy nhiên, hang động Phong Nha phía sâu bên trong, cùng các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nguyên sinh 40000ha vẫn còn cất giữ bao điều huyền bí thú vị, hấp dẫn mà con người vẫn chưa biết hết.

Người viết đã miêu tả từ khái quát đến chi tiết, khiến cho vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của động Phong Nha như hiện ra rõ ràng trước mắt du khách: Đi thuyền thăm động Phong Nha, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc và thích thú trước vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của nó. Dưới ánh sáng lung linh của đèn đuốc, các khối thạch nhũ hiện lên đủ hình khối, màu sắc. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành đốt trúc dựng đứng trên mặt nước... Lại có khối mang hình mâm xôi, cái khánh, hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ... Bàn tay tài hoa của Tạo hoá khéo tạo cho các khối thạch nhũ không những chỉ đẹp về đường nét mà còn rất huyền ảo về sắc màu, một sắc màu lóng lánh như kim cương không bút nào lột tả hết. Đây đó, trên vách động còn rủ xuống những nhánh phong lan xanh biếc. Trong hang cũng có một số bãi cát, bãi đá. Để thuyền ghé lại cho khách đi thuyền dừng chân mặc sức leo trèo, luồn lách qua các bậc đá, các ngõ ngách để thăm thú đây đó, chụp ảnh, ghi hình hoặc thắp hương lên các bàn thờ do người Chăm, người Việt dựng nên tự thuở nào.

Đây thực sự là một bức tranh hang động tuyệt đẹp với những đường nét, hình khối đa dạng, phong phú, màu sắc rực rỡ, lung linh. Người đọc đã cảm nhận được nét kì vĩ có một không hai của quần thể hang động Phong Nha. Cảnh vật muôn hình, muôn vẻ khiến cho du khách say mê. Động là nơi nghỉ ngơi, thư giãn vui chơi của mọi người sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Du khách có thể ngoạn cảnh bằng thuyền hoặc đi bộ, chụp ảnh kỉ niệm, thắp hương cúng Phật cầu may... Cảnh đẹp của động Phong Nha thật chẳng khác gì chốn thần tiên.

Đi suốt chiều dài hơn ngàn mét ở phần ngoài động Phong Nha, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một thế giới khác lạ - thế giới của tiên cảnh. Nơi đây vừa có nét hoang sơ, bí hiểm; lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Một tiếng nước rơi, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt. Tác giả bài viết này đã lặp lại lời nói của ông trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh để khẳng định vẻ đẹp của động Phong Nha và gợi cho người đọc thấy rõ tương lai của động trong thời gian tới.

Với một vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo riêng, động Phong Nha được xem là "Kì quan đệ nhất động" của Việt Nam. Nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh sau khi thăm động Phong Nha về đã phát biểu: "Với kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới". Theo báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh gần đây, động Phong Nha có bảy cái nhất: hang động dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất.

Kết luận bài viết, tác giả xác định giá trị của động Phong Nha về cảnh quan và sức thu hút to lớn của nó đối với khách du lịch bốn phương: Động Phong Nha đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm và khách du lịch trong và ngoài nước. Phong Nha cũng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác để sớm trở thành một địa điểm du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh của đất nước.

Bài văn Động Phong Nha đã cho ta thấy vẻ đẹp kì thú của động. Từ đó, tác giả đề cập tới những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra một cách bức thiết: bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ danh lam thắng cảnh, đầu tư khai thác nguồn lợi của thiên nhiên nhằm phát triển kinh tế du lịch - một trong những mũi nhọn kinh tế làm giàu cho đất nước.

Bài tham khảo 3: Cảm nghĩ về bài Động Phong Nha

Đi từ Bắc vào Nam, ta qua bao miền đất nước. Mỗi miền là một bức tranh thiên nhiên. Lạng Sơn với động Tam Thanh, gợi những huyền thoại, sông Kì Cùng hiền hoñ; Bắc Kạn với hồ Ba Bể nên thơ, huyền ảo; Nghệ An với dòng sông Lam uốn khúc quanh co trắng xóa, với non xanh nước biếc như tranh họa đồ, Huế với dòng sông Hương mơ màng, núi Ngự Bình trầm tư soi bóng trên dòng sông, Đồng Nai với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, rập rờn sóng lúa, với những con kênh xanh xanh rợp bóng dừa, bóng xoài, bóng nhãn...

Bao nhiêu mảnh đất khác nhau là bấy nhiêu bức tranh thiên nhiên diễm lệ. Nhưng có lẽ đẹp hơn cả vẫn là "Đệ nhất kì quan Phong Nha". Dù chưa một lần đến Phong Nha, ta vẫn phần nào cảm nhận được chắc hẳn đây phải là nơi có một cảnh quan kì lạ và hấp dẫn vào bậc nhất của Việt Nam, nếu không làm sao có thể được phong là "đệ nhất kì quan", làm sao có thể được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới?

Nhưng đó là sự cảm nhận bằng lí trí, bằng khả năng tư duy vốn có của con người. Sự cảm nhận ấy dù sao cũng là những hình ảnh mờ mờ, không rõ nét. Sự cảm nhận về vẻ đẹp của động Phong Nha thực sự trở nên rõ ràng và cụ thể khi ta tiếp xúc với bài văn Động Phong Nha của Trần Hoàng.

Ngòi bút thuyết minh, miêu tả chân thực, giản dị, nhưng cũng đầy chất tạo hình, chất thơ của Trần Hoàng đã dẫn dắt người đọc vào thế giới tiên cảnh đầy kì ảo, bí ẩn và lung linh sắc màu của cảnh quan Phong Nha. Theo dòng cảm xúc của Trần Hoàng, ta đến với một miền rừng núi phía tây tỉnh Quảng Bình với những cánh rừng nguyên sinh rộng bạt ngàn, với dòng sông Son nước xanh thẳm, trong vắt, với những xóm làng, nương ngô, bãi mía trù phú. Nằm giữa miền thiên nhiên thơ mộng ấy là động Phong Nha.

Đầu tiên ta bước vào Động Khô. Chao ôi, một kiệt tác của thiên nhiên khiến ta sững sờ: những vòm đá vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh. Trần Hoàng chỉ đưa một nét vẽ vào bức tranh đã làm hiện ra một cảnh Phong Nha lóng lánh sắc màu và gợi nhiều cảm xúc. Động Khô thật đẹp và hấp dẫn nhưng không đủ sức níu kéo bước chân du khách dừng lại lâu. Âm thanh rì rầm của dòng sông chảy suốt ngày đêm ở phía dưới 200 mét như một lời mời mọc êm ái đầy quyến rũ, kéo bước chân du khách bước vào Động Nước. Chỉ việc đi vào Động Nước bằng thuyền và mang theo đèn đuốc cũng đã gợi bao tò mò nơi du khách Việt Nam. Phải chăng trong cái hang động sâu thẳm dài hơn 1500m kia có bao điều kì lạ và bí ẩn?

Quả thực, người đọc thật sự kinh ngạc và thích thú cùng với sự kinh ngạc và thích thú của Trần Hoàng. Dưới ngòi bút của Trần Hoàng, động Phong Nha hiện ra với một vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo; Dưới ánh sáng lung linh của đèn đuốc, các khối thạch nhũ hiện lên đủ hình khối, màu sắc. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành đốt trúc dựng đứng trên mặt nước... Lại có khối mang hình mâm xôi, cái khánh, hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ... Bàn tay tài hoa của tạo hóa khéo tạo cho các khối thạch nhũ không chỉ đẹp về đường nét mà còn rất huyền ảo về sắc màu, một sắc màu lóng lánh như kim cương không bút nào lột tả hết. Dây đó, trên vách động còn rủ xuống những nhành phong lan xanh biếc...

Có lẽ chưa có một hang động nào đẹp lộng lẫy đến thế, vẻ đẹp vừa có nét hoang sơ bí hiểm, lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Đúng là một thế giới tiên cảnh như nhà văn đã nhận xét. Cùng với hình khối và sắc màu, vẻ đẹp của động Phong Nha còn được tạo nên bởi những âm thanh rất đặc biệt. Một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt. Thật là kì thú!

Vẻ đẹp của động Phong Nha có nét đặc sắc, độc đáo riêng không trộn lẫn với vẻ đẹp của bất cứ hang động, cảnh quan nào. Hơn nữa, "Thế giới tiên cảnh" của Phong Nha lại trải dài tới hơn 1500m. Hơn 1500m với 14 buồng nối nhau bởi một hành lang chính và nhiều hành lang phụ. Ta có cảm giác như lạc vào một cung điện nguy nga lộng lẫy trong các câu chuyện cổ tích. Và thú vị hơn là cung điện ấy lại nằm trên một dòng sông ngầm chảy suốt đêm ngày, bên trên nó là những khối đá vôi với những cánh rừng nguyên sinh. Thế mà theo tác giả hang động phía sâu bên trong (nơi mới chỉ có vài đoàn thám hiểm với các phương tiện cần thiết đặt chân tới), cùng các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nguyên sinh 40000 ha vẫn còn là nơi cất giấu bao điều huyền bí thú vị, hấp dẫn mà con người chưa biết hết. Và nếu những bí mật ấy được khám phá thì Phong Nha còn kì ảo và hấp dẫn đến mức nào?

Đế khẳng định vẻ đẹp của Phong Nha, tác giả đã dẫn ra nhận xét của nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-Be, trưởng đoàn thám hiểm hội địa lí Hoàng gia Anh: Với kinh nghiệm của hơn 60 năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới. Cảm ơn nhà văn Trần Hoàng đã cho người đọc được chiêm ngưỡng một kiệt tác có một không hai của tạo hóa trên mảnh đất thân yêu của chúng ta.

Bài tham khảo 4: Cảm nghĩ về bài Động Phong Nha

Đi dọc suốt dải đất hình chữ S thân yêu, chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu là cảnh đẹp, kỳ quan nổi tiếng được khách du lịch ca ngợi và là niềm tự hào sâu sắc của dân tộc. Nếu để kể tên có lẽ bạn viết tới mấy trang giấy cũng chưa hết, tuy nhiên, đối với cá nhân em, một lần được đặt chân tới dải đất Quảng Bình đầy nắng gió, được tận mắt ngắm nhìn kỳ quan thiên nhiên thế giới nổi tiếng là điều bản thân em không bao giờ quên được. Vẻ đẹp kỳ thú của bức tranh thiên nhiên trong Động Phong Nha đã mang lại cho em và những du khách bên cạnh sự kinh ngạc, thích thú đầy cảm xúc.

Động Phong Nha

Chuyến du lịch khám phá động Phong Nha - Kẻ Bàng là phần quà to lớn nhằm cổ vũ tinh thần những học sinh đạt giải cao trong kỳ thi cấp tỉnh của trường em, thật may mắn khi em có cơ hội trải nghiệm chuyến đi này. Động Phong Nha thuộc quần thể danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng rất đồ sộ và vinh dự lọt top những hang động đẹp nhất thế giới nhờ sở hữu: dòng sông ngầm dài nhất, hồ nước ngầm tuyệt đẹp, cửa hang rộng và to nhất thuận lợi cho quá trình di chuyển, các bãi cát bãi đá ngầm vô cùng lung linh, hàng khô rộng và đẹp bậc nhất, hệ thống thạch nhũ lấp lánh và lạ mắt nhất, hang động nước dài nhất,...

Để khám phá động Phong Nha, du khách sẽ được xuôi mái chèo trên dòng sông Son êm ả. Điểm đặc biệt là nước sông có màu đồng xanh biếc và trong, thậm chí du khách có thể nhìn thấy những đám rêu hoặc đàn cá tung tăng bơi lội bên dưới. Nhiều người thắc mắc, nước sông xanh ngắt tại sao đặt tên là sông Son thì được người dân bản địa giải thích, mùa mưa, một lượng phù sa lớn đổ về các sông làm nước sông có màu đỏ gạch nên được gọi là sông Son. Trước khi đến tham quan nơi này, em đã kịp tìm hiểu một vài thông tin như động Phong Nha dài khoảng 7729m, cửa động hình thang rất rộng lên tới 20 - 25m và chiều cao tạn 10 mét, du khách có thể dễ dàng đi di chuyển. Khi tiến vào cửa động, tất cả các thuyền đều tắt động cơ và bắt đầu khua những mái chèo êm ả, lững lờ tiến vào trong động. Miền Trung vốn được mệnh danh là vùng đất đầy nắng và gió nhưng khi tiến vào trong động, cảm giác mát lạnh như xoa dịu đi tất thảy những khó chịu, oi nóng mà du khách đã trải qua, ngay cả máy lạnh cũng không thể so sánh được.

Tiến sâu vào động, một bức thiên nhiên mà tạo hóa chạm khắc vô cùng tinh tế, kỳ công để ưu ái dành cho đất nước Việt Nam nói chung và mảnh đất Quảng Bình nói riêng. Một vẻ đẹp huyền bí, u linh khiến bất kỳ ai cũng phải lay động mà thốt lên đầy kinh ngạc. "Nước chảy đá mòn" một câu nói rất đơn giản nhưng nó hoàn toàn ứng với cảnh quan nơi đây. Sự xâm thực mạnh mẽ của nước mưa đối với đá vôi đã cắt xẻ những khối núi, khối đá thành vô số những hình dạng phong phú hang động có, sông ngầm có, giếng sâu có, đường hầm có,...điểm nhấn ở đây là các khối núi bị bào mòn, tách thành nhiều hình thù lạ mắt và ấn tượng.

Càng vào sâu trong hang, bóng tối càng bao phủ rõ rệt nhưng đó cũng chính là điều kiện tốt để ánh nhũ lấp lánh từ các khối đá phát ra thu hút ánh nhìn của các du khách. Xuôi theo dòng nước vào sâu trong hang 600m nữa, du khách sẽ không khỏi kinh ngạc bởi những hình dáng vô cùng độc đáo của các khối thạch đá vẫn nguyên nét hoang sơ, kỳ dị mà con người có thể thỏa sức liên tưởng tới bất kỳ hình ảnh nào trong cuộc sống.Lướt qua từng hành lang đá vôi bao bọc bởi lớp thạch nhũ bên ngoài, dưới ánh đuốc hiện lên như được giăng mắc bởi những dàn đèn nhấp nháp, đầy sống động.

Nếu du khách ghé chân lại Hang Tiên, Hang Cung Đình sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự đồ sộ đến choáng ngợp của những trụ nhũ đá cao tới 20m được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Ngoài ra, tại hai hang này, du khách sẽ không thể rời mắt khỏi những khối nhũ đá hình dáng kỳ lạ, độc đáo và đầy hấp dẫn. Tiêu biểu nhất ở Hang Tiên, nhiều khối nhũ đá làm người ta liên tưởng tới hình hài những nàng tiên cá trong truyện cổ tích đang phô diễn mái tóc vàng óng, lấp lánh như ánh mặt trời ban mai. Còn lại,đúng như tên gọi của nó, Hang Cung Đình lại có những khối nhũ đá hình ngai vàng, và chuỗi ngọc thạch hình phím đàn mà ta cảm giác như chỉ cần chạm nhẹ mọi giai điệu âm vang sẽ lập tức cất lên du dương, trầm bổng.

Trong hang động còn có quần thể rừng nguyên sinh mọc bên sông ngầm, mang tới cho du khách cảm giác được gần gũi với thiên nhiên xanh mướt. Chúng ta không chỉ thấy sự hoành tráng, kiêu sa của nhũ đá lấp lánh mà ta còn thấy nét mộc mạc giản dị của sông nước, rừng cây hữu tình.

Chuyến đi đầy ý nghĩa giúp em khám phá ra vẻ đẹp của đất nước, con người trân chất, tuyệt vời, em tự hào với di sản văn hóa thiên nhiên Phong Nha của Việt Nam. Những hình ảnh đẹp đẽ, tráng lệ ấy sẽ mãi in sâu trong tâm thức của em cho tới sau này. Nếu có cơ hội, em vẫn sẽ ghé lại nơi đây một lần nữa.

Bài tham khảo 5: Cảm nghĩ về bài Động Phong Nha

“Đệ nhất kì quan Phong Nha” nằm trong một quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng ở miền tây Quảng Bình.

Có thể tới phong nha rất dễ dàng bằng hai con đường: đường thủy ngược dòng sông gianh đến đoạn sông gianh gặp sông son rồi cứ theo sông son mà vào. Đường bộ theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông son (đường dài chừng 20 cây số).

Từ bến sông này đi thuyền máy độ ba mươi phút là tới cửa hang phong nha. Sông mang tiếng là “son” nhưng nước lại một màu xanh thẳm và rất trong. Ngồi trên thuyền chạy ngược sông, nhìn ra hai bên bờ, ta thấy những khối núi đá vôi trùng điệp, những xóm làng, nương ngô, bãi mía nằm rải rác. Phong nha gồm hai bộ phận: động khô và động nước. Động khô ở độ cao 200m, theo các nhà địa lý học, thuở xưa vốn là một dòng sông ngầm, nay đã kiệt sức, chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh.

Trái với động khô, động nước hiện thời vẫn đang có một con sông dài chảy suốt ngày đêm… Sông khá sâu và nước rất trong. Hấp dẫn và được khách du lịch lui tới nhiều nhất chính là động nước. Vào động nước phải đi bằng thuyền và mang theo đèn đuốc, bởi càng đi sâu vào trong thì hang càng tối. Hiện nay, ở một số nơi trong hang đã mắc điện nhưng muốn đi suốt 1.500m hang vẫn phải cần tới đuốc, đèn.

Động chính phong nha gồm mười bốn buồng, nối với nhau bởi một hành lang phụ dài vài trăm mét. Ơ các buồng ngoài, trần hơi thấp, chỉ cách mặt nước độ lom. Từ buồng thứ tư trở đi vòm hang đá cao tới 25 – 40m. Đến hang thứ mười bốn, có thể theo các hành lang hẹp để đến các hang to ở phía sâu bên trong, cùng các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi kẻ bàng và khu rừng nguyên sinh 40000 ha vẫn còn cất giữ bao điều huyền bí thú vị, hấp dẫn mà con người vẫn chưa biết hết.

Đi thuyền thăm động phong nha, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc và thích thú trước vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của nó. Dưới ánh sáng lung linh của đèn đuốc, các khối thạch nhũ hiện lên đủ hình khối, màu sắc. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành đốt trúc dựng đứng trên mặt nước… Lại có khối mang hình mâm xôi, cái khánh, hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ… Bàn tay tài hoa của tạo hóa khéo tạo cho các khối thạch nhũ không những chỉ đẹp về đường nét mà còn rất huyền ảo về sắc màu, một sắc màu óng lánh như kim cương không bút nào lột tả hết.

Đây đó, trên vách động còn rủ xuống những nhánh phong lan xanh biếc. Trong hang cũng có một số bãi cát, bãi đá để thuyền ghé lại cho khách đi thuyền dừng chân mặc sức leo trèo, luồn lách qua các bậc đá, các ngõ ngách để thăm thú đây đó, chụp ảnh, ghi hình hoặc thắp hương lên các bàn thờ do người Chăm, người Việt dựng nên tự thuở nào.

Đi suốt chiều dài hơn ngàn mét ở phần ngoài của động phong nha, du khách đã có cảm giác như lạc vào một thế giới khác lạ – thế giới của tiên cảnh. Nơi đây vừa có nét hoang sơ, bí hiểm; lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất bụt. Với một vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo riêng, động phong nha được xem là “kỳ quan đệ nhất động” của Việt Nam.

------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp dàn ý và các bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về bài Động Phong Nha của Trần Hoàng cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 ngắn gọn, soạn bài lớp 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
30
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 6

    Xem thêm