Soạn bài lớp 6: Mưa
Soạn bài lớp 6: Mưa
Soạn bài: Mưa do Trần Đăng Khoa sáng tác thuộc môn Ngữ văn lớp 6 học kỳ 2. Bài soạn dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 6 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa
MƯA
Trần Đăng Khoa
I. VỀ TÁC GIẢ
Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, nguyên quán: xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Tác phẩm đã xuất bản: Từ góc sân nhà em (thơ, 1968); Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968); Thơ Trần Đăng Khoa (tập I, 1970); Em kể chuyện này (thơ, 1971); Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974); Trường ca trừng phạt (thơ, 1973); Trường ca dông bão (thơ, 1983); Thơ Trần Đăng Khoa (tập II, 1983); Bên cửa sổ máy bay (thơ, 1986); Chân dung và đối thoại (tiểu luận, 1999); Đảo chìm (truyện và kí, 1999),...
Nhà thơ đã được nhận: Giải thưởng thơ báo Thiếu niên Tiền phong (1968-1969-1971); Giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ (1981-1982); Giải thưởng Nhà nước năm 2001 với các tác phẩm: Thơ Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Bên cửa sổ máy bay.
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Bài thơ tả cơn mưa rào mùa hạ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ kèm với mưa thường có giông, sấm chớp, gió mạnh.
Bài thơ tả cơn mưa qua hai giai đoạn: Lúc sắp mưa và khi trời mưa. Bốn câu cuối cùng khi trời mưa có thể tách thành một phần riêng. Từ đó, có thể chia bài thơ thành ba phần.
- Phần 1: Từ đầu đến "ngọn muông tơi nhảy múa": Khung cảnh sắp mưa.
- Phần 2: Tiếp đến "cây lá hả hê": Trong khi mưa.
- Phần 3: Còn lại: Hình ảnh người nông dân trong mưa thật to lớn, đẹp đẽ.
2. Bài thơ làm theo thể tự do ngắt nhịp linh hoạt gồm các nhịp 1, 2, 3, 4 mà chủ yếu là nhịp 2. Điều đó tạo thuận lợi cho việc diễn tả một cách phóng túng những quan sát về sự vật của người viết.
3. Tác giả đã quan sát và miêu tả sinh động trạng thái, hoạt động của cây cối, loài vật trước và trong cơn mưa.
Các con vật khi sắp mưa có phản ứng khác nhau
- Mối trẻ bay cao, mỗi già bay thấp.
- Gà con rối rít tìm nơi ẩn nấp.
- Kiến hành quân đầy đường
Các cây cỏ cũng mỗi loại mỗi vẻ:
- Muôn nghìn cây mía múa gươm
- Cỏ gà rung tai nghe
- Bụi tre tần ngần gỡ tóc
- Hàng bưởi đu đưa bế lũ con đầu tròn trọc lóc
- Cây dừa sải tay bơi.
- Ngọn mùng tơi nhảy múa.
Trong cơn mưa:
- Cóc nhảy chồm chồm
- Chó sủa
- Cây lá hả hê
Những động từ như rối rít, hành quân, múa, rung tai nghe, đu đưa... những tính từ như tròn trọc lóc, mù trắng, chéo, chồm chồm, hả hê... được sử dụng rất đúng chỗ, góp phần diễn tả sinh động cảnh vật.
Phép nhân hóa được sử dụng hết sức rộng rãi
Ông trời mặc áo, mía múa gươm, kiến hành quân, cỏ gà rung tai nghe, bụi tre tần ngần gỡ tóc, hàng bưởi bế lũ con đầu tròn trọc lóc, sấm ghé xuống sân khanh khách cười, cây dừa sử dụng tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa...
Phép nhân hóa này làm cho cả thế giới cây cỏ, thiên nhiên hoạt động sinh động, đa dạng như thế giới con người. Thiên nhiên như đang vào trận chiến: ông trời mặc áo gióng đen, mía múa gươm, kiến hành quân nhưng lại vẫn có những hoạt động bình dị khác như gỡ tóc, bơi, nhảy múa, bế con...
Phép nhân hóa được sử dụng thành công là nhờ sự quan sát tinh tế của tác giả, kết hợp với sự liên tưởng dồi dào. Nhân hóa nhiều, nhưng không có sự lập lại, mà có những nét độc đáo.
4. Bài thơ chỉ tả cảnh thiên nhiên, đến cuối bài mới hiện ra hình ảnh con người:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa
Ông bố chỉ là một người nông dân bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường, ông đội cả sấm, cả chớp, cả một trời mưa. Hình ảnh người nông dấn có tầm vóc lớn lao tư thế vững vàng, hiên ngang, như là một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của một em bé chín tuổi, người cha đi cày quả là một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kỳ vĩ.
III. RÈN KĨ LUYỆN NĂNG
1. Cách đọc
Mưa là bài thơ được sáng tác theo thể tự do. Khi đọc, chú ý mạch thơ để các định tiết tấu thể hiện sự quan sát và miêu tả hiện tượng thiên nhiên của một cậu bé chín tuổi. Ví dụ:
- Sắp mưa/
- Sắp mưa//
- Những con mối/
- Bay ra//
- Mối trẻ/
- Bay cao//
- Mối già/
- Bay thấp//
- Gà con/
- Rối rít tìm nơi
- ẩn nấp//
2. Quan sát và miêu tả cảnh mưa rào ở thành phố hay vùng núi, vùng biển hoặc mưa xuân ở làng quê.
Tham khảo đoạn văn sau:
Tôi chưa thấy nơi nào mưa nhiều như ở Huế. Mưa rả rích bắt đầu từ cuối đông cho đến lúc sang thu khi đã loáng thoáng có những cơn gió heo may từ miền Bắc thổi vào. Mưa gần như quanh năm làm cho Huế lúc nào cũng mát mẻ. Cây cối ở Huế xanh um và bốn mùa hoa trái xum xuê, đặc biệt là ở vùng thôn Vĩ Dạ. Cỏ ở Huế, nhất là cỏ ở ven bờ sông Hương non tơ đến mỡ màng. Có lúc, chúng mềm oặt đi vì mưa nhiều và vì phải ngâm mình nhiều trong mưa.
Song điều đáng nói nhất về mưa Huế chính là những cơn mưa cuối xuân đầu hạ. Có lẽ không ở đâu mưa lại dài và dai như thế. Nó là thứ mưa khác hẳn mưa ngâu, mưa phùn, hai thứ mưa cũng dai dẳng hay diễn ra ở miền Bắc Bộ. Mưa Huế ào ào, xối xả khiến người ta có cảm giác như ông trời đang trút tất cả nước xuống Thừa Thiên. Chả thế mà, lúc còn sống, nhà thơ Tố Hữu đã đề những câu thơ bất tử về mưa Huế:
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi!
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Dưới đây là bài soạn Mưa (Trần Đăng Khoa) bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 6: Mưa (Trần Đăng Khoa)
Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 2 lớp 6 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 6 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới