Đóng vai Mạnh Tử kể lại truyện Mẹ hiền dạy con

Đóng vai Mạnh Tử kể lại truyện Mẹ hiền dạy con là một bài văn với dạng đề khá sáng tạo để giúp các em có cơ hội phát triển tư duy cũng như sự đọc hiểu bài của các em. Cùng VnDoc.com tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây để học hỏi cách viết văn nhé.

1. Bài văn mẫu 1: Kể lại truyện Mẹ hiền dạy con bằng lời của Mạnh Tử

Chào các bạn! Tôi là Mạnh Tử, giờ đây đã trở thành một bậc hiền tài nổi tiếng khắp đó đây. Nhưng các bạn biết không, để có được thành công như vậy, tôi phải cảm ơn mẹ rất nhiều. Những bài học đầu đời mẹ dạy tôi từ lúc ấu thơ, có lẽ đi hết cuộc đời này tôi vẫn không sao quên được.

Nhớ ngày ấy, nhà tôi ở gần nghĩa địa. Dù rất sợ ma nhưng vốn tính tò mò, một hôm tôi trốn mẹ ra nghĩa địa để xem. Tôi thấy có một đám người rất đông mặc đồ xô trắng cứ đào, lăn, chôn, khóc. Về nhà, tôi bày trò bắt chước những người kia liền bị mẹ mắng cho một trận, rồi mẹ nói: Các con không thể tiếp tục ở đây được nữa!

Nhà tôi chuyển đến gần một khu chợ lớn. Tôi hàng ngày lại thấy người ta bán buôn điên đảo, liền về nhà cũng bắt chước nô nghịch làm theo. Mẹ gọi tôi vào nói:

– Con còn nhỏ, không được học đòi cách buôn bán như người ta. Vậy là nhà ta dọn đến đây cũng không hợp nữa rồi ở đây lâu e các con hỏng mất.

Rồi mẹ lại dọn nhà đến khu trường học. Thấy các bạn nô nức đến trường, học hành chăm chỉ, tôi vội về nhà đòi mẹ mua cho sách vở để đến trường học cùng các bạn. Mẹ tôi mỉm cười. Tôi thấy bà chẳng phản đối gì. Một hôm đang đọc sách trong nhà, tôi nghe bên hàng xóm có tiếng lợn kêu và tiếng người hô giết lợn. Tôi bèn hỏi mẹ:

– Mẹ ơi! Người ta giết lợn để làm gì hả mẹ?

– Để cho con ăn đấy!

Tôi thắc mắc suốt từ sáng đến trưa không hiểu tại sao người ta lại giết lợn lấy thịt cho mình ăn. Nhưng bữa trưa hôm ấy, mẹ cho tôi ăn cơm thịt thật.

Tôi học càng ngày càng tiến bộ nhưng vẫn chưa quên thói mải chơi. Một hôm tôi bỏ học đi câu cá. Nửa buổi, tôi đã mang một xâu cá lớn về nhà nhưng không ngờ mẹ biết tôi bỏ học. Bà nhìn thẳng vào tôi rồi liền tay lấy dao cắt đứt đôi miếng vải đang nằm trên khung củi. Bà nhắc nhở:

– Con đang học mà bỏ đi chơi thì cũng như miếng vải kia đang dệt mà bị cắt đôi ra vậy!

Từ đó, tôi ngoan ngoãn không còn ham chơi nữa. Đấy! Những bài học mà mẹ dạy tôi là như thế đó. Lúc đầu tôi cũng không hiểu tại sao mẹ lại dạy tôi như vậy.

Sau này tôi mới biết, môi trường giáo dục có ý nghĩa quan trọng vô cùng. Mẹ đã lấy chính bản thân mình làm tấm gương soi sáng. Nó giúp tôi tu chí để có được ngày hiển đạt hôm nay.

Kể lại truyện Mẹ hiền dạy con bằng lời của Mạnh Tử

2. Bài văn mẫu 2: Trong vai thầy Mạnh Tử kể lại truyện Mẹ hiền dạy con

Cứ mỗi lần giỗ mẹ, lòng tôi lại đau đớn, xót xa, tim tôi như thắt lại. “Hôm nay, con trai của mẹ – Mạnh Tử về cúi đầu trước vong linh mẹ và nhớ lại những lời mẹ dặn năm xưa”. Ngày ấy, tôi còn nhỏ và mẹ vẫn còn trẻ. Tôi là một cậu bé nghịch ngợm, tính hay bắt chước. Nhà tôi vốn gần nghĩa địa. Nghĩa địa là nơi âm u, lạnh lẽo, cỏ mọc rậm rạp. Thỉnh thoảng, các gia đình đưa người thân đã mất của mình đến đây chôn, nghĩa địa lại nghi ngút khói hương. Tôi thấy người ta chôn cất người mất mà nước mắt giàn giụa, họ lăn lộn, rầu rĩ. Thấy thê, tôi cũng bắt chước làm theo. Tôi lấy cuốc, xẻng, giả vờ đào đất rồi cũng đắp lại để chôn. Tôi cũng lăn lộn, cào đất, khóc than. Một lần mẹ bắt gặp được tôi, mẹ thở dài lắc đầu. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ đượm buồn. Ngày hôm sau, mẹ bảo tôi thu dọn đồ đạc, mẹ nói: “Đây không phải là chỗ hai mẹ con ta ở được, chúng ta sẽ dọn nhà đi chỗ khác”.

Thế rồi, mẹ dọn nhà ra gần chợ. Khác với nghĩa địa, chợ là nơi buôn bán sầm uất. Ngày ngày, người mua người bán qua lại tấp nập không ngớt. Họ mua bán điên đảo, nói thách giá lên cao chót vót, mua rẻ bán đắt. Tôi thấy làm lạ, nhưng lại thấy hay hay nên cũng thử xem thế nào. Họ làm được, mình cũng làm được. Tôi giấu mẹ mua chịu một số thứ như hoa quả, bánh trái,… Tôi mua rẻ nhưng bán gấp đôi, gấp ba. Đến cuối ngày, tôi đã có được một số tiền kha khá, vừa đủ trả tiền mua chịu, vừa có tiền mang về cho mẹ. Tôi nghĩ: “Số tiền này đủ cho nhà mình ăn trong ba ngày, thật là tuyệt vời”. Tôi giấu thật kĩ trong người rồi chạy như bay về nhà như sợ ai lấy mất. Tôi khoe mẹ, tưởng mẹ tôi sẽ vui mừng nhưng không, trái ngược với những gì tôi nghĩ, mẹ tôi buồn, mắt mẹ ngân ngấn nước.

Mẹ nhẹ nhàng nói:

– Con trai mẹ! Mẹ hiểu con thương mẹ nhưng đây không phải là những đồng tiền trong sạch do chính tay con làm ra. Con làm như thế khác nào ăn cướp của người nghèo.

Rồi mẹ bỏ đi, tôi chẳng hiểu vì sao mẹ lại làm như thế nữa nhưng tôi cũng lặng lẽ làm theo lời mẹ. Thế rồi, hai mẹ con tôi lại chuyển nhà ra gần trường học. Thấy bao cô cậu học sinh tung tăng cắp sách tới trường, người nào cũng mang theo sách vở đẹp đẽ, ống bút gọn gàng, tôi ao ước mình có thể được đi học. Tôi xin mẹ cho được đến trường, mẹ gật đầu đồng ý ngay. Mẹ cũng sắm sửa cho tôi nào bút, nào sách, nào vở,… Thế là tôi được cắp sách tới trường như bao bạn khác. Được đi học, tôi nghĩ thật sung sướng nhưng tôi lại cảm thấy rất chán. Ngồi trong lớp, tôi mơ màng nghĩ đến những lúc tôi được tự do, thoải mái đùa nghịch ở nghĩa đại, buôn bán điên đảo ở chợ, những lúc ấy mới thật vui làm sao! Nhưng một tuần sau, mọi ý nghĩ trong đầu tôi không còn nữa.

Tôi nhận ra rằng, nhờ có trường học mà tôi lĩnh hội được bao điều tốt lành. Thấy tôi chăm học, mẹ hài lòng nói: “Đây là chỗ mà mẹ con ta ở được”. Qua hai lần chuyển nhà, tôi hiểu rằng, “trẻ em như tờ giấy trắng” nó sẽ bị bôi đen, nếu môi trường sống thiếu lành mạnh. Vậy nên phải chọn một môi trường thật tốt cho con, để tránh “gần mực thì đen”. Tuy nhiên, chẳng những chọn cho tôi một môi trường sống tốt, mẹ còn dạy tôi biết bao điều hay. Hồi đó, thấy hàng xóm giết thịt lợn, mùi thịt thơm phức bay sang nhà tôi.

Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Người ta giết thịt làm gì đấy ạ?”. Giọng điệu vui đùa, mẹ trả lời tôi: “Để cho con ăn đấy”. Tôi tưởng thật, sung sướng lắm, nghĩ rằng mẹ luôn chiều chuộng theo ý thích của mình. Nhưng mẹ tôi lại thở dài nói: “Ta nói lỡ mồm rồi, con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối sao?”. Mặc dù hồi đó nhà tôi rất nghèo, ít khi có thịt ăn, nhưng hôm đó, mẹ tôi đã đi mua thịt về cho tôi. Mẹ đã dạy tôi đức tính trung thực, thật thà; lời nói đi đôi với việc làm. Mẹ đã làm gương tốt cho tôi.

Một hôm tôi đang đi học, nhân lúc thầy ra ngoài có việc bận, tôi lẻn về nhà đi chơi, tôi nghĩ tầm này mẹ đang đi chợ nên sẽ không biết tôi trốn về. Nghĩ thế, tôi huýt sáo chạy tung tăng trong sân nhà. Chợt tôi nhìn thấy mẹ vẫn đang ngồi dệt vải trong nhà. Mẹ nhìn tôi mà không nói gì, mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải đang thêu hình con phượng bằng chỉ xanh đỏ óng ánh trước mắt. Tôi biết mẹ đã phải thức ba đêm ròng để dệt tấm vải ấy. Người không tiếc công sức của mình sao. Quá bất ngờ, tôi định hỏi mẹ. Nhưng gương mặt mẹ nghiêm lại, người nói giọng kiên quyết:

– Đi học phải chuyên cần, đến nơi đến chốn; thế mà con lại bỏ học giữa chừng, tội này lớn lắm. Con đang đi học mà bỏ học khác nào ta đang dệt tấm vải mà cắt đứt đi vậy.

Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, chỉ biết quỳ xuống, cúi đầu nhận lỗi với mẹ. Qua những chuyện này, tôi hiểu thêm về mẹ, hiểu được tình yêu thương mà mẹ dành cho mình, tôi càng cố gắng chăm chỉ học hành. Sau này, không phụ công mẹ, tôi đã trở thành á thánh, thành một bậc đại hiền trong thiên hạ. Mẹ đã ra đi, khi tôi chưa thể đền đáp được công ơn của mẹ. Tôi có được như ngày hôm nay là ở công dưỡng dục của mẹ. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.

3. Bài văn mẫu 3: Đóng vai thầy Mạnh Tử kể lại truyện Mẹ hiền dạy con

Không sinh ra trong một gia đình giàu có, thiếu thốn đi tình thương của người cha nhưng tôi chưa bao giờ bất mãn, than phiền về cuộc sống của mình. Bởi tôi có một người mẹ hiền từ, dù khó khăn vất vả nhưng mẹ vẫn luôn dành cho tôi những tình cảm yêu thương, săn sóc quan tâm nhất. Không chỉ chú trọng vào việc nuôi dưỡng mà tôi còn đề cao việc giáo dục, dạy bảo tôi từ nhỏ, vì mẹ luôn muốn tôi lớn lên là một người có tình thương, có đạo đức, là một người có ích cho xã hội. Chính bởi những lẽ đó mà ngoài yêu thương, tôi còn dành cho người mẹ hiền từ của mình một sự kính trọng, tôn thờ sâu sắc nhất của một người con.

Tôi tên là Mạnh Tử, ngay cái tên cũng đã thể hiện được tình cảm yêu thương, trìu mến của mẹ dành cho tôi, mẹ tôi mong muốn tôi lớn lên là một con người mạnh mẽ, hiếu nghĩa, thấu hiểu đạo lí ở đời. Cuộc sống của tôi có thể thiếu thốn về vật chất, nhưng về tình thương, về những điều hay lẽ phải mẹ dạy dỗ tôi thì chưa bao giờ là thiếu. Mẹ tôi là một người phụ nữ vĩ đại, một thân một mình lao động kiếm sống để mưu sinh cho cả gia đình, ngày ngày mẹ lo việc nhà, việc cửa, ruộng vườn, dệt vải… vô cùng cơ cực, nhưng không vì vậy là mẹ lơ là trong việc dạy dỗ tôi. Mà ngược lại, cuộc sống càng xô bồ, càng vất vả thì mẹ lại càng mong tôi trưởng thành, thành một con người có ích.

Sự yêu thương sâu sắc, sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ thể hiện ngay trong cách mẹ chọn môi trường sống cho tôi. Mẹ tôi thấu hiểu được ở độ tuổi của tôi luôn diễn ra những thay đổi về tâm lí, tính cách, dễ bị chi phối, tác động bởi môi trường xung quanh nhất. Nếu sống trong môi trường tốt tôi sẽ tiến bộ theo, và ngược lại, khi sống trong môi trường xấu xa, tiêu cực, tính cách của tôi ít nhiều cũng bị thay đổi, đúng như câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì dạng”. Vì vậy, mà ngay từ rất nhỏ, mẹ tôi đã rất nhiều lần chuyển nhà, thay đổi môi trường sống với hi vọng tôi sẽ tốt hơn.

Đầu tiên, ngôi nhà nhỏ của tôi và mẹ ở gần một nghĩa địa, ngày ngày đều có những người chết được mang chôn, cùng với đó là những tiếng hò khóc đầy thảm thương của người thân. Tôi thường xuyên chơi ở khu vực gần đó, ban đầu tôi tò mò đi xem, sau đó thấy hay hay rồi dần rà bắt chước họ khóc, họ thổi kèn đưa ma, tôi coi đó là một việc làm thú vị. Tôi rủ thêm những người bạn hàng xóm cùng nhau chơi trò đưa ma, đứa khóc, đứa hò đầy hỗn loạn, mẹ tôi nhìn thấy vậy rất phiền lòng, lại thêm những lời phàn nàn của hàng xóm xung quanh về việc tôi làm hư những đứa con ngoan của họ.

Vì vậy, ngoài việc giải thích cho tôi về những hành động chưa đúng ấy thì mẹ tôi đã chuyển nhà, bởi mẹ tôi lo sợ rằng dù có được dạy bảo, dù có nhận thức đúng đắn hơn nhưng đây tuyệt không phải một môi trường tốt để cho tôi sinh sống. Tôi và mẹ cùng chuyển đến một căn nhà gần chợ, cuộc sống ở đây có phần thú vị hơn rất nhiều so với nơi ở cũ của tôi. Xung quanh nơi ở của tôi lúc nào cũng huyên náo, nhộn nhịp người mua kẻ bán, tôi là một đứa trẻ dễ thích nghi nhưng cũng rất dễ bị tác động, chỉ vài ngày tiếp xúc với nhịp sống xô bồ nơi chợ, tôi dần bắt chước cách người ta buôn bán, học những lời nói tục tằn, nô nghịch, buôn bán điên đảo.

Mẹ tôi thấy vậy lại cho rằng đây là một môi trường không tốt, sự xô bồ của cuộc sống buôn bán sẽ làm cho tâm hồn của tôi trở nên chai sạn, sống vô tình, ích kỉ, vụ lợi. Mẹ tôi tất nhiên không muốn tôi trở thành một người như vậy nên dù khó khăn về kinh tế thì mẹ tôi vẫn cố gắng gom góp để chuyển nhà, mong sao tôi có môi trường sống tốt nhất. Và lần này, nơi mà tôi chuyển đến sinh sống chính là ngôi nhà gần trường học. Ở đây hoàn toàn khác biệt với không gian ở gần bãi tha ma hay khu chợ ồn ào, huyên náo. Bởi nơi đây là không gian của trường học, ngày ngày các bạn học sinh đến đây để nghe thầy đồ dạy học đầy hào hứng.

Vì tính cách tò mò của mình tôi đã lén đứng xem trộm lớp học của thầy, những bài ca dao, những chữ viết ngay ngắn được thầy đồ hướng dẫn các bạn đã thu hút tôi. Về nhà tôi xin mẹ những mảnh giấy trắng, dùng bút và bắt chước vẽ những nét bút đầu tiên, tuy non nớt, chưa có nghĩa nhưng đã khiến mẹ tôi rất vui. Và đây là lần chuyển nhà cuối cùng của mẹ con tôi, vì đây thực sự là một môi trường tốt để tôi phát triển. Sự vĩ đại của mẹ tôi còn thể hiện ra ở cách ứng xử, giáo dục tôi qua những tình huống cụ thể của cuộc sống.

Hôm ấy, thấy người ta mổ lợn đầy náo nức, tôi đã chạy về nhà hỏi mẹ “Mẹ ơi, người ta mổ lợn làm gì?” Mẹ tôi đã đùa rằng “Người ta mổ lợn để cho con ăn đấy”, vì biết lời nói dối của mình sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và niềm tin của tôi nên mẹ đã đi mua thịt lợn về cho tôi ăn. Và một lần khác, khi tôi trốn học về nhà, thấy tôi mà thoáng bất ngờ nhưng không trách mắng gì, mà chỉ lặng lẽ cầm kéo cắt đứt tấm vải đang dệt. Tôi đã bất ngờ lắm, tôi hỏi mẹ sao lại làm vậy thì mẹ đáp việc tôi đang học mà bỏ thì cũng như việc mẹ đang dệt tấm vải mà cắt đứt vậy. Sự việc lần này khiến tôi vô cùng hối hận và nhận thức đúng đắn được tầm quan trọng của việc học, từ đó về sau tôi không bao giờ làm điều gì khiến mẹ phải phiền lòng nữa.

4. Bài văn mẫu 4: Đóng vai thầy Mạnh Tử lúc còn bé để kể lại câu chuyện Mẹ hiền dạy con

Ta là Mạnh Tử, ta được người đời tôn là một trong những ông tổ của Nho gia. Ta còn nổi tiếng bởi đạo đức trong sạch và sự chăm chỉ hiếm có. Sở dĩ ta được như vậy là vì được mẹ ta hết lòng dạy dỗ, bảo ban. Ta còn nhớ mãi những câu chuyện mẹ ta dạy ta thời thơ bé.

Ngày ta còn nhỏ, nhà ta ở gần một nghĩa địa. Hàng ngày, mẹ đi làm ruộng, ta ở nhà cùng đám trẻ đi chơi. Hàng ngày thấy cảnh người làng đi đưa ma, kẻ thì khóc lóc, người đào huyệt chôn thây kẻ chết chúng ta thấy lạ làm và thích thú vô cùng. Ta cùng đám bạn rủ nhau bắt chước. Một đứa được cử làm người chết cho những đứa khác khiêng. Bọn ta giả khóc lóc rồi đào huyệt, chôn người giống hệt một đám tang. Hôm ấy, “đám tang” đang diễn ra thì mẹ ta về. Bà thấy vậy hốt hoảng chạy lại hỏi han. Ta vô tư trả lời người: “Chúng con bắt chước những người kia” rồi chỉ tay về phía đám ma đang đào huyệt chôn thây người ở nghĩa địa. Chẳng hiểu sao mẹ ta buồn phiền lo lắng nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được". Rổi ít lâu sau mẹ bán dần đồ đạc trong nhà chuyển nhà ra gần chợ.

Ở gần chợ, ta lại thấy người người buôn bán tấp nập, mặc cả, cãi vã lẫn nhau. Ta thấy những điều đó khá lạ kì. Càng lạ kì hơn là những người cãi nhau càng lớn, mặc cả càng nhiều thì càng mua được nhiều đồ rẻ. Ta cũng bắt chước cách ấy, rủ mấy đứa trẻ con nô nghịch, buôn bán với nhau. Một ngày nọ, bọn ta đang chơi trò ấy thì mẹ ta về. Người nhìn thấy chúng ta thì làm rơi cả liềm cả cuốc, người lo lắng nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được". Ít ngày sau, mẹ ta lại chuyển nhà ra gần một trường học.

Ở gần trường, ta thấy học trò đi học rất đông. Ta lại thấy họ lễ phép nghe lời thầy giáo, chăm chỉ học hành. Ta bèn bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở đi học. Mẹ ta thấy vậy thì vui vẻ mỉm cười: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây". Và nhà ta ở hẳn đấy đến giờ.

Một ngày nọ, ta thấy người hàng thịt giết lợn. Ta hỏi mẹ: "Người ta giết lợn làm gì?". Mẹ không nhìn ta mà nói: "Để cho con ăn đấy". Ta cứ nghĩ đó là một lời nói đùa bởi nhà ta nghèo ít khi được ăn thịt lợn. vả lại, ta đã thấy nhiều nhà giết lợn nhưng đã thấy ai cho thịt bao giờ. Không ngờ, trưa hôm đó, ta thấy mẹ đi mua thịt lợn về cho ta ăn thật.

Khi ta lớn hơn một chút, ta đước mẹ cho đi học. Một hôm, ta thấy bài học khó khăn bèn bỏ học về nhà chơi, về đến nhà, ta thấy mẹ đang dệt vải. Mẹ hỏi ta: “Vì sao con về?”. Ta đáp: “Con không muốn học”. Mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải và bảo: "Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy". Ta vô cùng ân hận vì dệt vải vất vả vô cùng, mẹ đã thức bao đêm mới dệt được phán vải ấy.. Chỉ vì ta mà người đã bỏ đi bao công sức của mình. Từ đó, mỗi lần nản việc học hành, ta lại nghĩ đến mẹ để cố gắng chuyên tâm học tập.

Ta học tập chuyên cần, khi lớn lên, nhớ lại những chuyện đã qua ta càng thấy thấm thìa ý nghĩa sâu xa của những việc mẹ làm, từ những việc chuyện nhà hay cắt đứt tấm vải đang dệt dở. Sau này ta được người đời tôn vinh là bậc đại hiền, nổi tiếng về đạo đức và hiểu biết rộng chính là nhờ cách dạy con như thế của mẹ ta.

Làm con, ta thiết nghĩ trước hết phải lấy việc tôn kính cha mẹ làm đầu. Không những thế, để làm vui lòng cha mẹ, mỗi chúng ta cần phải ra sức học hành. Con cái học hành chăm chỉ, giỏi giang, đó cũng là ước nguyện, là niềm hi vọng muôn đời của cha mẹ. Học hành chăm chỉ, giỏi giang, thiết nghĩ đó cũng là cách đền đáp công ơn có ý nghĩa nhất của con cái đối với cha mẹ của mình.

Ngoài Đóng vai Mạnh Tử kể lại truyện Mẹ hiền dạy con, VnDoc.com gợi ý thêm cho các em tham khảo chuyên mục Soạn văn 6 ngắn gọn, soạn bài lớp 6, qua bài soạn này các em có thể nắm rõ được nội dung cũng như bố cục của bài thông qua phần trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
4 177
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 6 KNTT

    Xem thêm