Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Viết bài văn Kể về một kỉ niệm của bản thân Cánh Diều

Soạn bài Viết bài văn Kể về một kỉ niệm của bản thân Cánh Diều trang 64 giúp các em học sinh củng cố cách làm bài văn Kể chuyện lớp 6. Soạn Văn 6 Cánh Diều này sẽ giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn lớp 6 và chuẩn bị cho bài học trên lớp sắp tới đây của mình.

1. Soạn Viết bài văn Kể về một kỉ niệm của bản thân phần Chuẩn bị

a) Kỉ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được trong trí nhớ của mỗi người. Viết bài văn kể về một kỉ niệm là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết người kể sử dụng ngôi thứ nhất xưng ” tôi”

Ví dụ văn bản sau kể về một kỉ niệm trong thời học sinh của tác giả

NGƯỜI THỦ THƯ THỜI THƠ ẤU

Năm ấy, khi tôi 6, 7 tuổi thì bác đã về hưu rồi. Tôi không biết tuổi tác, công việc của bác; chỉ biết tên bác là Hải. Bác có chòm râu quai nón đã bạc thật đẹp. Bác còn đẹp hơn nữa khi ngồi ở bên cửa lớp học, trong một buổi chiều rét buốt, mơ màng dạo một khúc nhạc réo rắt bằng chiếc đàn măng-đô-lin nho nhỏ của mình.

Những năm ấy, ở trường chưa có thư viện chuyên nghiệp như bây giờ. Chính bác Hải đã đứng ra thu gom sách và lập một tủ sách bé nhỏ, đặt ở một phòng học của ngôi nhà cấp bốn trong trường. Ngày mùa đông khô hanh, chúng tôi say mê đọc từ trưa cho đến xế chiều. Những ngày mùa lũ, mùa mưa thì mới chán, nước ngập đến tận khoeo chân, thư viện nhỏ đóng cửa. Khi đó, chúng tôi vẫn cứ ngong ngóng đợi bác Hải đến trường trên chiếc xe đạp lọc cọc, chòm râu bạc rung rung theo nhịp đạp xe.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu đi đăng kí thẻ đọc. Hồi ấy, thư viện chỉ nhận các “anh, chị” từ lớp ba trở lên. Tôi học lớp hai, mới 7 tuổi, chưa đủ “điều kiện” sở hữu một cái thẻ đọc bằng bìa màu xanh xám, có ghi tên học sinh, tên lớp trịnh trọng. Tôi không chịu được “bất công” ấy, vẫn đến nhưng không dám nói gì, chỉ mon men đứng nhìn. Bác Hải bảo về nhà thì tôi không chịu, vẫn cứ chăm chăm đứng nhìn đám anh chị lớn hơn tí chút ngồi đọc sách. Ý chừng sốt ruột quá, bác bèn hỏi han tôi học lớp nào, con nhà ai. Biết được mong muốn của tôi, bác đùa: “Thế thì bác phải kiểm tra xem cháu đọc có nhớ gì không!”. Sẵn trên giá có cuốn Búp sen xanh, bác đưa cho tôi bảo mang về.

Chiều hôm đó, tôi ngồi đọc Búp sen xanh. Đến hai, ba ngày sau vẫn say mê đọc. Hết tuần, tôi mang trả cuốn sách. Bác hỏi: “Trong sách có bài thơ nào không?”. Tôi đọc ngay một bài thơ nhỏ trong cuốn sách cho bác nghe.

Thế là ngay lập tức, tôi được trao một tấm bìa có tên mình, thậm chí, được mượm sách mang về nhà thường xuyên. Sau này gặp mẹ tôi, bác Hải cứ tấm tắc khen mãi trí nhớ của tôi. Bác không nghĩ rằng, với đứa trẻ, trong đầu còn chưa chật chội lắm những gì đã nhớ thì việc nhớ một bài thơ nhỏ chẳng đáng kể gì! Nhưng những lời khen của bác cũng khiến tôi thầm tự hào và bỗng trở nên tự tin lên rất nhiều – đã nhúc nhắc dám viết, dám nói, dám chia sẻ những gì mình nghĩ.

Tôi không còn nhớ thư viện nhỏ ngày ấy tồn tại đến bao giờ. Chỉ nhớ, sau này, khi tôi lên lớp ba, chúng tôi rất hay đến nhà bác Hải ở khu tập thể của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để nghe bác đàn, tập hát và... tập kể chuyện. Tôi còn nhớ được một bài hát bác từng đàn cho chúng tôi hát theo là bài Reo vang bình minh... Tiếng đàn măng-đô-lin trong trẻo, róc rách như nước chảy buổi sớm từ trên núi cao qua những con suối nhỏ, đưa trí tưởng tưởng con trẻ đi rất xa...

(Theo NGUYỄN THỤY ANH, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 12, 2016)

b) Từ văn bản Người thủ thư thời thơ ấu, có thể rút ra được cách viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân:

- Xác định kỉ niệm được kể lại và nêu tên kỉ niệm đó ở nhan đề của bài viết.

- Kể về kỉ niệm đã xảy ra như thế nào? Có gì đặc sắc và đáng nhớ?

- Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi” để dễ dàng trình bày những quan sát, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

- Suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động của kỉ niệm ấy.

- Kết thúc: Nói lên mong ước và cảm nghĩ của người viết.

2. Soạn văn Viết bài văn Kể về một kỉ niệm của bản thân phần Thực hành

Bài tập: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô bạn bè khi học ở trường tiểu học

Bài làm (Các em có thể tham khảo bài viết sau đây sau đó bằng lời kể của mình, kể lại cho các bạn nghe)

Gợi ý:

Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có những kỷ niệm khó quên trong đời. Với em cũng vậy, gần sáu năm cắp sách đến trường em cũng có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Nhưng kỉ niệm mà em sẽ chẳng bao giờ quên đó là kỉ niệm hồi lớp 1, khi em tập viết và cô giáo đã tận tình cầm tay em viết từng nét.

Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng em tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết.

Đến cuối buổi học, cô Ngọc trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: "Bạn Gia Bảo hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều." Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: "Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?" Lớp em đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: "Tuy vậy, bạn Gia Bảo vẫn quên. Cô phê bình Gia Bảo trong buổi học ngày hôm nay." Rồi cô nhìn thẳng em và nói: "Cô hi vọng Gia Bảo sẽ nhớ lời cô dặn." Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. "Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn." - Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng.

Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, em đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
41
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 6 sách Cánh Diều

    Xem thêm