Ngữ văn lớp 6: Phân tích truyền thuyết Thánh Gióng

Phân tích truyền thuyết Thánh Gióng

Ngữ văn lớp 6: Phân tích truyền thuyết Thánh Gióng được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các em học sinh tham khảo hiểu rõ về nguồn gốc và sự tích Thánh Gióng bảo vệ lãnh thổ quốc gia giúp học tốt môn Ngữ văn lớp 6 và chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Soạn bài lớp 6: Thánh Gióng

Văn mẫu lớp 6: Cảm nghĩ của em về nhân vật Thánh gióng

Ngữ văn lớp 6: Phân tích truyện Sọ Dừa

Bài tha khảo 1

PHẦN MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc nhưng chưa có chính sử ghi chép lại một cách đầy đủ. Thời đại Hùng Vương tồn tại, đồng hành gắn liền với sự phát triển văn hóa Việt Nam bởi hiện đang tồn tại và lưu giữ một kho tàng văn hóa Hùng Vương mà trong đó mảng truyền thuyết dân gian chiếm vị trí quan trọng. Truyền thuyết dân gian Hùng Vương là linh hồn sống động góp phần to lớn tạo ra diện mạo Văn hóa Hùng Vương. Truyền thuyết dân gian là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, là nhịp cầu nối quan trọng kết nối giữa các thế hệ hôm nay với quá khứ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Mặc dù còn những nét mộc mạc, dung dị không cầu kỳ nhưng truyền thuyết dân gian đã phản ánh đa dạng cuộc sống sinh hoạt và truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông từ ngàn đời xưa. Các truyền thuyết dân gian thời Hùng Vương đã ăn sâu, bắt rễ trong đời sống tinh thần của nhân dân, mỗi làng, xã. Truyền thuyết dân gian Hùng Vương đã tồn tại đồng hành cùng những bước thăng trầm với lịch sử dân tộc Việt Nam, đã xây dựng truyền thống yêu nước, thương dân, hình thành nên cốt cách tâm hồn con người Việt, hàm chứa những khát vọng về cuộc sống của cư dân Văn Lang với nền văn minh sông Hồng – văn minh trồng lúa nước.

Mặc khác dựng nước và giữ nước là nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Kể từ khi hình thành quốc gia, dân tộc đến nay, trải qua hàng ngàn năm, nhân dân ta đã kiên cường, bền bỉ chống lại các thế lực xâm lược, đô hộ để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sản sinh ra một văn hóa giữ nước Việt Nam. Rồi đến lượt chính văn hóa giữ nước ấy, góp phần quyết định cho lịch sử dựng nước và giữ nước vẫn là dòng chảy liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, giữ cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.

Chúng ta biết rằng, thời đại Hùng Vương có nhiều truyền thuyết được loan truyền mãi trong dân gian thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt: Lạc Long Quân- Âu cơ, Trầu Cau, Sơn tinh- Thủy Tinh...Truyền thuyết Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương, khoảng thời kỳ Vua Hùng Vương thứ sáu là một trong những truyền thuyết dân gian được lưu truyền rộng rãi, nói về lòng khao khát độc lập, tự do của người Việt Nam ta.

Vì những lý do trên, người nghiên cứu quyết định chọn đề tài: "Phân tích truyện Thánh Gióng theo loại hình học" với mong muốn góp phần bảo tồn truyền thống dựng nước, giữ nước, đó là những giá trị truyền thống cần được gìn giữ và phát huy

2. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

2.1. Mục đích

Mục đích nghiên cứu của đề tài là phân tích, tìm ra ý nghĩa, giá trị của truyện và tinh thần dân tộc Việt nam thể hiện qua truyền thuyết dân gian Thánh Gióng

2.2 Nhiệm vụ

Phân tích nội dung truyền thuyết dân gian Thánh Gióng, từ đó cho thấy tinh thần dân tộc Việt nam thể hiện qua truyền thuyết dân gian Thánh Gióng

3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Truyền thuyết dân gian Thánh Gióng, môtíp và ý nghĩa của truyền thuyết này

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp quy nạp – diễn dịch, phương pháp phân tích tổng hợp

PHẦN NỘI DUNG

1. TÓM TẮT TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN THÁNH GIÓNG

Thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có cặp vợ chồng ông lão tuy chăm chỉ làm ăn và nổi tiếng là phúc đức nhưng không có con. Một hôm, bà vợ đang làm đồng thấy một vết chân to liền ướm chân vào. về nhà bà mang thai và sau mười hai tháng thì sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú. Điều kì lạ là mãi lên ba tuổi, cậu bé vẫn chưa biết đi, chẳng biết nói, biết cười.

Khi giặc Ân xâm phạm bờ cõi, vua Hùng cho người đi tìm nhân tài cứu nước. Cậu bé cất tiếng đầu tiên và cũng là lời xin được đi đánh giặc. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu vua sắm cho cậu ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt. Từ đó cậu lớn nhanh như thổi. Sau khi ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà do bà con hàng xóm gom góp, cậu bé vươn vai thành một tráng sĩ, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra trận diệt giặc. Trong lúc đánh giặc, roi sắt bị gãy, tráng sĩ nhổ những bụi tre ven đường làm vũ khí đánh giặc.

Dẹp xong giặc Ân, tráng sĩ một mình một ngựa lên đỉnh núi rồi bay lên trời. Để tưởng nhớ công ơn tráng sĩ, nhân dân lập đền thờ, hàng năm tổ chức hội làng để tưởng nhớ. Những dấu tích của trận đánh năm xưa vẫn còn lưu lại trên mặt đất, trên những bụi tre nơi cậu bé diệt giặc.

2. PHÂN TÍCH TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN THÁNH GIÓNG

2.1. Chủ đề và kết cấu của truyền thuyết

Với chủ đề đánh giặc cứu nước, truyện Thánh Gióng nằm trong hệ thống truyện dân gian thời Hùng Vương dựng nước. Chủ đề chống ngoại xâm là một chủ đề quan trọng bên cạnh chủ đề chống thiên nhiên.

Từ truyện Thánh Gióng mở đầu cho truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, toát lên tinh thần chủ đạo của dân tộc ta, toát lên bản lĩnh của dân tộc ta ngay từ buổi đầu dựng nước, đó là ý thức mãnh liệt về độc lập, tự do và truyền thống đấu tranh bất khuất.

Kết cấu của câu chuyện cũng thể hiện ý thức mãnh liệt và truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc. Bố cục của truyện có thể chia thành 3 phần:

(1) Với ý thức cảnh giác cao, Hùng Vương chuẩn bị chu đáo để đối phó với giặc

(2) Với chủ trương cầu hiền và đoàn kết dân tộc, Hùng Vương được Thánh Gióng giúp sức đã đánh giặc thắng lợi

(3) Hùng Vương và toàn dân ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng

2.2. Mô típ truyền thuyết

Gióng là nhân vật trung tâm của truyện, mang tính cách anh hùng từ lúc sinh đến lúc hoá thân.

Mô típ ra đời của Gióng là sự ra đời kì lạ. Bà mẹ Gióng ướm chân vào vết chân khổng lồ, về nhà mang thai sinh ra Gióng. Đó là hình thức giao tiếp kì lạ giữa thần linh và con người, phản ánh nguồn gốc kì ảo của nhân vật. Chi tiết đó mang tính dự báo về cuộc đời và chiến công kì lạ của nhân vật ở chặng sau. Nguồn gốc kì ảo là tiền đề cho việc nhân vật có chiến công và kì tích phi thường.

Mô típ sự hoá thân của Gióng: Cuối truyện Gióng cưới ngựa lên đỉnh núi Sóc, cởi áo giáp sắt vắt lên cây, rồi cả người và ngựa bay về trời. Trong ngôn ngữ dân gian "về trời" và chết nhưng nhân dân không để cho Gióng chết mà biến nhân vật thành bất tử. Gióng bay về trời, trở thành một trong những vị thánh bất tử (Một trong Tứ bất tử), được muôn đời thờ phụng. Như vậy, Gióng không chết mà sống mãi trong tâm thức dân gian. Hình tượng đẹp đẽ, lí tưởng và cao cả đó có sức giáo dục lan toả to lớn, giáo dục ý thức về lịch sử, ca ngợi một biểu tượng đẹp đẽ, động viên tinh thần đấu tranh của muôn thế hệ sau.

3. Ý NGHĨA, GIÁ TRỊ CỦA TRUYỀN THUYẾT

3.1. Truyện Thánh Gióng đánh dấu một mốc trưởng thành của dân tộc ta thời Hùng Vương dựng nước

Trong trận tuyết giao tranh, truyện chia ra hai phe: Quân giặc và quân ta. Quân ta không chỉ đơn thuần có Gióng ra trận và có cả một tổ chức có tính hệ thống. Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, rồi các quan, sứ giả làm nhiệm vụ thông tin... Thánh Gióng được cử làm tướng, đi theo ông có hàng trăm người khác (Vùng Bắc Ninh có hệ thống nhân vật anh hùng đi theo Gióng)

Truyện đã thể hiện ý thức bảo vệ độc lập, tự do và bài học cảnh giác về đánh giặc giữ nước. Ngay phần mở đầu tác phẩm đã thể hiện điều đó. Câu mở đầu: Hùng Vương cậy nước mình giầu mạnh mà chểnh mảng việc chầu phương Bắc. Vua nhà Ân mượn cớ tuần thú, sang xâm lược nước ta..."

Điều đó chứng tỏ thời đại Hùng Vương, nước ta có một nền văn minh phát triển, giàu mạnh, có ý thức về độc lập dân tộc, muốn thoát khỏi sự lệ thuộc, thần phục vào phong kiến phương Bắc. Đó là sự khởi đầu cho truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc trong các thời đại sau.

Đến khi có sự xâm lược của quân giặc, Hùng Vương hỏi ý kiến quần thần, có người phương sĩ bảo: Nên lập đền thờ cầu Long quân giúp. Hiện thân của Long quân là cụ già xuất hiện bảo vua hãy chuẩn bị binh sĩ khí giới và tìm người tài giúp đỡ.

Truyện đã thể hiện sức mạnh phi thường và tinh thần quật khởi vô song của dân tộc

Ba năm chuẩn bị sức người, sức của nói trên là ba năm hun đúc cho sự hùng mạnh và tinh thần quật khởi dân tộc ta tạo thành một lực lượng vô địch, có thể đập tan quân giặc trong một thời gian ngắn. Sức mạnh phi thường và khí thế tiến công thần tốc của dân tộc ta thể hiện qua nhân vật Gióng.

Từ Gióng có nhiều cách hiểu và cách viết. Thông thường viết gì, trong truyện có liên quan đến việc Gióng nằm trên gióng sắt, cho nên dịch tên ông là Thiết đổng, Thiết xung thần tướng. Tên của Gióng có liên quan đến việc sử dụng vũ khí của ông: Ngựa, roi, mũ, áo sắt... Cho nên Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: "Thánh Gióng tiêu biểu cho sức mạnh đang lên của người dân lao động Việt Nam vào thời mới có sắt. Sức mạng ấy đã diễn ra một cách hùng vĩ nhất trong lịch sử nước ta, ở việc dùng vũ khí bằng sắt chống xâm lăng"

Sự lớn mạnh phi thường của dân tộc ta biểu hiện qua hình tượng Gióng là tinh thần quật khởi của tổ tiên ta được hun đúc, tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử. Nháy mắt, Gióng đã tới trước quân vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân theo sau, tiết sát đồn giặc". Đó là cuộc tiến công thần tốc, tấn công áp đảo quân thù. "Gióng vươn vai đứng dậy cao hơn mười thước, hắt hơi liền mấy tiếng, rút gươm thét lớn: Ta là Thiên tướng đây! Rồi đội nón, cưỡi ngựa. Ngựa hí vang chồm lên phi như bay... Quân giặc bỏ chạy, còn lại tên nào thì đều la hét, kêu lậy Thiên tướng, đến hàng phục...

3.2. Gióng là một dạng anh hùng ca của Việt Nam

Gióng là nhân vật trung tâm của truyện, mang tính cách anh hùng từ lúc sinh đến lúc hoá thân. Gióng được sinh ra từ nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng. Gióng đã chiến đấu bằng tất cả tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân. Sức mạnh của Gióng không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên, bằng cả vũ khí thô sơ và hiện đại. Đi khắp cùng trung châu đều có dấu vết của bước chân, vó ngựa Thánh Gióng:

  • Làng Mát: Kể chuyện Gióng dừng chân uống nước rồi đổi tên làng từ Kẻ Khó, sang Kẻ Mát
  • Làng Mã; Kể chuyện Gióng dừng ngựa nên làng có tên làng Mã
  • Làng Bàng, xã Ngọc Xá, Quế Võ: Có bãi cát trắng tương truyền là bọt mép ngựa Thánh Gióng để lại
  • Làng Cháy: Kể chuyện ngựa Gióng phun lửa làm cháy cây cối xung quanh...

Như vậy, quan hệ giữa Gióng và nhân dân là quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Gióng là nhân vật anh hùng nhưng đại diện cho cả cộng đồng, mang sức mạnh của cộng đồng. Hình tượng đó có nét đẹp của cá nhân (3 tuổi chưa biết nói cười, ăn một bữa 7 nong cơm, 3 nong cà; mặc quần ào liền chật, vươn vai thành khổng lồ...) nhưng lại mang nét đẹp đẽ, tinh hoa của tập thể. Cho nên, hình tượng Gióng mang tính biểu trưng cao. Đó là biểu tượng đẹp đẽ cho truyền thống đấu tranh của dân tộc trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

4. TINH THẦN DÂN TỘC VIỆT NAM THỂ HIỆN QUA TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN THÁNH GIÓNG

Thứ nhất, tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc. Chi tiết này chứng tỏ nhân dân ta luôn có ý thức chống giặc ngoại xâm. Khi có giặc, từ người già đến trẻ con đều sẵn sàng đánh giặc cứu nước. Đây là một chi tiết thần kì: chưa hề biết nói, biết cười, ngay lần nói đầu tiên, chú bé đã nói rất rõ ràng về một việc hệ trọng của đất nước.

Thứ hai, Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc. Gióng không đòi đồ chơi như những đứa trẻ khác mà đòi vũ khí, những vật dụng để đánh giặc. Đây cũng là một chi tiết thần kì. Gióng sinh ra đã là một anh hùng và điều quan tâm duy nhất của vị anh hùng đó là đánh giặc.

Thứ ba, bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé. Gióng là đứa con của nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, dạy dỗ. Sức mạnh của Gióng là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của tinh thần đồng sức, đồng lòng.

Thứ tư, Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ. Đây cũng là chi tiết thể hiện sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của dân tộc. Khi hoà bình là những người lao động rất bình thường, nhưng khi chiến tranh xảy ra, sự đoàn kết đã hoá thành sức mạnh bão tố, phi thường, vùi chôn quân giặc.

Thứ năm, roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc. Gậy sắt là vũ khí của người anh hùng. Nhưng khi cần thì cả cỏ cây cũng biến thành vũ khí..

Thứ sáu, Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng lên trời. Gióng cũng như nhân dân hay chính là nhân dân, đánh giặc vì lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng hi sinh thân mình mà không đòi hỏi được khen thưởng hay ban cho danh lợi. Sự thật lịch sử được phản ánh trong truyện Thánh Gióng là thời đại Hùng Vương. Trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã khá phát triển, người dân Văn Lang đã tạo nên cả một nền văn minh rực rỡ, đồng thời cũng luôn luôn phải chống giặc ngoại xâm phương Bắc để bảo vệ đất nước. Bên cạnh việc cấy trồng lúa nước, nhân dân thời bấy giờ đã có ý thức chế tạo vũ khí chống giặc từ chất liệu kim loại (bằng sắt). Truyền thuyết cũng phản ánh: trong công cuộc chống ngoại xâm, từ xa xưa, chúng ta đã có truyền thống huy động sức mạnh của cả cộng đồng, dùng tất cả các phương tiện để đánh giặc.

5. Ý NGHĨA XÃ HỘI QUA TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN THÁNH GIÓNG

Truyện Thánh Gióng có thể được xem như một cách mà ông cha ta tổng kết lịch sử các cuộc chiến thắng chống ngoại xâm thời cổ đại. Nét đẹp của truyện ngày một được tô đậm qua từng lời truyền miệng của nhân dân để rồi qua thời gian, truyện trở nên đẹp trong từng chi tiết và ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng: Ông Thánh là hình ảnh tượng trưng cho những người dân thuở ấy với những nét đẹp nhất, tiêu biểu nhất, cao quý nhất của những người con yêu nước

Tư tưởng "toàn dân chung sức, đồng lòng đánh giặc" và cũng là một lối đánh truyền thống nhưng không bao giờ lỗi thời qua thời gian, năm tháng đã được thể hiện rất rõ tại đây. Mỗi con người đất Việt tuy bình thường trông có vẻ nhỏ bé nhưng đến khi đất nước lâm nguy thì đều trở nên vĩ đại, phi thường, đều đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước. Chắc hẳn nhân dân sáng tác và trau dồi truyện thánh Gióng muốn nói rằng dân tộc ta một khi đứng trước một nhiệm vụ lịch sử nặng nề, tưởng chừng như quá sức gánh vác của mình, thì, bởi sẵn lòng yêu nước nồng nàn, bởi biết chung sức với nhau, bởi nhiều mưu trí và sáng tạo mà vươn lên mau chóng cho kịp nhiệm vụ được giao. Thật vậy, suốt mấy ngàn năm sau, Văn Lang, Âu Lạc đã dám đánh thắng và thắng những kẻ xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp mấy chục lần.

PHẦN KẾT LUẬN

Có thể nói, chàng trai làng Gióng là một anh hùng thần thoại, cuộc đời lấp lánh chiến công. Truyện Thánh Gióng mãi mãi là bài ca yêu nước, thể hiện sức mạnh quật khởi của dân tộc ta.

Thánh Gióng còn là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp. Từ dấu chân người khổng lồ trên ruộng cà, đến cái vươn vai của chú bé làng Gióng thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt đã thể hiện một cách hào hùng bước đi lên của lịch sử dân tộc và sức mạnh vươn mình của đất nước ta trước họa xâm lăng. Ngựa sắt phun lửa, hí vang trời. Gióng vung roi sắt đánh giặc, nhổ tre quật vào đầu giặc tơi bời, truy kích đến chân núi Sóc Sơn thì giặc tan. Gióng cởi áo giáp sắt mắc lên cành cây, Gióng cùng ngựa sắt bay lên trời. Những hình tượng tuyệt đẹp ấy nói lên trí tưởng tượng kì diệu, ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta.

Truyện Thánh Gióng vừa có hình tượng tuyệt đẹp, vừa tràn đầy tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Hình tượng Thánh Gióng đánh giặc và thắng giặc tượng trưng cho lòng yêu nước mãnh liệt và sức mạnh anh hùng quật khởi của đất nước và con người Việt Nam.

Bài tham khảo 2

Về mặt thể loại, truyện Thánh Gióng cũng có thể xếp vào thần thoại bởi vì trong truyện có những yếu tố kì ảo như cách nhân vật này được sinh ra, sự lớn lên như thổi... Tuy nhiên, truyện liên quan đến sự thật lịch sử: truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nên chúng ta xếp vào thể loại truyền thuyết là hợp lí hơn, hay nói một cách chính xác thì đây là loại thần thoại được lịch sử hoá thành truyền thuyết. Hình tượng người anh hùng cứu nước Thánh Gióng được, xây dựng bằng hào quang của thần thoại nên đã trở nên chói loà, rực rỡ.

- Một đặc điểm của truyện đời xưa là: những người tài giỏi, đức độ thường có sự ra đời khác thường. Đó là chi tiết bà mẹ uống nước mưa trong cái sọ dừa (truyện Sọ Dừa), bà mẹ nằm mơ rồng ấp (truyện Thạch Sanh)...

Nhân vật Thánh Gióng có sự ra đời và lớn lên kì lạ, khác thường: bà mẹ mang thai do ướm chân mình vào vết chân lạ, Gióng ba tuổi mà vẫn không biết nói biết cười, tiếng nói đầu tiên là tiếng nói đòi được đánh giặc cứu nước, lớn lên như thổi... Trụyện Thánh Gióng đã thần thánh hoá nhân vật người con trai làng Gióng để đề cao người anh hùng cứu nước Thánh Gióng.

Chi tiết ba năm không biết nói biết cười, tiếng nói đầu tiên là tiếng nói đòi được đánh giặc cứu nước còn một ý nghĩa khác nữa: Lúc bình thường, lực lượng và tinh thần chống ngoại xâm còn tiềm ẩn trong dân chúng, nhưng khi có giặc thì lực lượng và tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc được thức tỉnh tức thì.

- Truyện Thánh Gióng có sự kết hợp tự nhiên, hài hoà giữa yếu tố kì ảo và chi tiết đời thường. Thánh Gióng là nhân vật kì lạ nhưng lại không xa lạ với nhân dân ta. Mặc dù có những điều kì lạ, khác thường nhưng nhân vật này trước khi được sinh ra vẫn phải nằm trong bụng mẹ, vẫn phải uống nước, ăn cơm với cà, vẫn phải mặc quần áo bằng vải... Như vậy, Thánh Gióng trước hết là một con người; người anh hùng Thánh Gióng được nhân dân sinh ra và nuôi dưỡng, chiến đấu vì nhân dân và cuối cùng về sống mãi trong lòng nhân dân.

Thánh Gióng là người anh hùng tiêu biểu cho lòng yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Sức mạnh của Thánh Gióng có từ nhân dân, nhân dân đã truyền sức mạnh cho Thánh Gióng: Góp gạo, góp cà nuôi Gióng lớn lên, góp sắt để đúc ngựa, đúc áo, đúc roi đánh giặc...

Đánh giá bài viết
42 6.081
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

    Xem thêm