Từ mượn
Lý thuyết Ngữ văn 6: Từ mượn gồm phần lý thuyết và bài tập luyện tập được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 6. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây.
A. Nội dung bài Từ mượn
- Khái niệm từ mượn: là những từ vay mượn của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,... mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.
- Bộ phận quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán (từ gốc Hán và từ Hán Việt), bên cạnh đó tiếng Việt còn mượn từ một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga.
- Mượn từ là một cách làm giàu tiếng Việt.
- Nguyên tắc mượn từ: Không nên mượn tùy tiện, muốn sử dụng được từ mượn cần nắm rõ ngữ cảnh, tránh sự lố bịch, sai nghĩa
B. Bài tập tự luyện bài Từ mượn
Bài 1: Em có nhận xét gì về cách dùng các từ in đậm dưới đây? Theo em, nên dùng thế nào?
- Hê lô (chào), đi đâu đấy?
- Đi ra chợ một chút.
- Thôi, bai (chào) nhé, si ơ gên (gặp nhau sau)
Gợi ý:
Cách dùng các từ in đậm như đã cho trong bài tập là lạm dụng từ nước ngoài một cách thái quá. Việc học ngoại ngữ là cần thiết nhưng không nên dùng kèm vào tiếng Việt. Một mặt làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Mặt khác, làm cho mọi người tưởng đang “khoe chữ”. Chỉ nên sử dụng những từ mượn đã quen dùng trong cộng đồng và khi thật cần thiết.
Bài 2: Chọn từ ngữ điền vào chỗ trống sao cho thích hợp
a. báu vật/của quý
- Tinh thần yêu nước cũng giống như các thứ khác...
- Lê Lợi cầm gươm lên xem và thấy hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi gươm. Song tất cả mọi người không biết đó là...
b. chết/từ trần
- Ông của Lan đã... đêm qua.
- Con chó nhà tớ ăn phải bả, đã... từ tuần trước.
c. phôn/gọi điện
- Sao cậu không... cho tớ để tớ đón cậu?
- Sao ông không... cho cháu để cháu đón ông?
Gợi ý:
a. - Tinh thần yêu nước cũng giống như các thứ của quý.
- Lê Lợi cầm gươm lên xem và thấy hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi gươm. Song tất cả mọi người không biết đó là báu vật.
b. - Ông của Lan đã từ trần đêm qua.
- Con chó nhà tớ ăn phải bả, đã chết từ tuần trước.
c. - Sao cậu không phôn cho tớ để tớ đón cậu?
- Sao ông không gọi điện cho cháu để cháu đón ông?
Bài 3: Tìm những từ ghép thuần Việt tương ứng với các từ Hán Việt sau:
Phụ mẫu, huynh đệ, thiên địa , giang sơn, quốc kì, tiền hậu, thi nhân, sinh tử, sinh nhật, phụ tử, mẫu tử.
Gợi ý:
Từ Hán Việt | Từ thuần Việt |
Phụ mẫu | Cha mẹ |
Huynh đệ | Anh em |
Thiên địa | Trời đất |
Giang sơn | Sông núi |
Sinh tử | Sống chết |
Tiền hậu | Trước sau |
Thi nhân | Nhà thơ |
Phụ tử | Cha con |
Nhật dạ | Ngày đêm |
Mẫu tử | Mẹ con |
C. Trắc nghiệm bài Từ mượn
Câu 1: Việc vay mượn các từ ở những ngôn ngữ khác có tác dụng
A. làm giàu có, phong phú thêm cho tiếng Việt.
B. làm mất đi tính hệ thống và tính hoàn chỉnh của tiếng Việt.
C. làm thay đổi cấu trúc ngữ pháp câu tiếng Việt.
D. làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Câu 2: Cho các từ: pa-ra-pôn, in-ter-nét, ti-vi là từ mượn tiếng nước nào?
A. Từ mượn tiếng Anh
B. Từ mượn tiếng Pháp
C. Từ mượn tiếng Bồ Đào Nha
D. Từ mượn tiếng Ấn Độ
Câu 3: Lý do của việc mượn từ trong tiếng Việt?
A. Do tiếng Việt chưa có từ để biểu thị, hoặc có từ nhưng biểu thị chưa chính xác
B. Do có thời gian dài bị nước ngoài đô hộ, áp bức
C. Tiếng Việt cần sự vay mượn để đổi mới
D. Làm tăng sự phong phú của vốn từ tiếng Việt
Câu 4: Để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, khi mượn từ tiếng nước ngoài cần phải
A. mượn toàn bộ các từ trong một lĩnh vực.
B. mượn những từ mà trong tiếng Việt chưa có từ thích hợp để biểu nghĩa.
C. mượn những từ dễ thuộc, dễ nhớ, dễ phát âm.
D. mượn những từ mà mình thấy thích.
Câu 5: Gia nhân, gia tài, địa chủ là những từ:
A. Mượn tiếng Pháp
B. Mượn tiếng Hán
C. Không đi mượn
D. Mượn tiếng Nga
Câu 6: Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là gì?
A. Tiếng Hán
B. Tiếng Pháp
C. Tiếng Anh
D. Tiếng Nga
Câu 7: Bộ phận từ mượn chiếm số lượng lớn nhất trong vốn từ vựng tiếng Việt là
A. Từ mượn tiếng Nga.
B. Từ mượn tiếng Hán.
C. Từ mượn tiếng Anh.
D. Từ mượn tiếng Pháp.
Câu 8: Cho các từ: pê- đan, ten-nít, tuốc- nơ- vít, gác- đờ- xen là từ mượn tiếng nước nào?
A. Nhật
B. Pháp
C. Trung Quốc
D. Anh
Câu 9: Từ nào dưới đây không phải từ Hán Việt?
A. Khôi ngô.
B. Chăm chỉ.
C. Tuấn tú.
D. Phúc đức.
Câu 10: “Khi cậu bé vừa khôn lớn thì mẹ chết. Cậu sống lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Người ta gọi cậu là Thạch Sanh. Năm Thạch Sanh bắt đầu biết dùng búa, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.”
(Trích Thạch Sanh, Ngữ văn 6, tập 1)
Trong đoạn trích trên, từ nào là từ Hán Việt?
A. Gia tài.
B. Lưỡi búa.
C. Khôn lớn.
D. Gốc đa
Câu 11: Từ mượn tiếng nước nào chiếm số lượng lớn nhất?
A. Nga
B. Hán
C. Nhật
D. Pháp
Câu 12: Trong các từ sau đây, từ nào là từ mượn?
A. Roi sắt.
B. Tráng sĩ.
C. Hoảng hốt.
D. Chú bé.
Câu 13: Cần chú ý điều gì khi mượn tiếng nước ngoài
A. Không lạm dụng từ mượn
B. Cần sử dụng từ ngữ phù hợp với hoàn cảnh nói (viết)
C. Hiểu rõ nghĩa của từ ngữ trước khi dùng
D. Tất cả các đáp án trên
Đáp án
1 - A | 2 - A | 3 - A | 4 - B | 5 - B | 6 - A | |
7 - B | 8 - B | 9 - B | 10 - A | 11 - B | 12 - B | 13 - D |
--------------------------------------
Với nội dung bài Từ mượn các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức khái niệm về từ mượn, nguyên tắc mượn từ, ý nghĩa việc mượn từ...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài lý thuyết Ngữ văn 6: Từ mượn cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Trắc nghiệm Ngữ văn 6, Học tốt Ngữ Văn 6. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.