Ông lão đánh cá và con cá vàng
VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn 6: Ông lão đánh cá và con cá vàng được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp giúp cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài giảng sắp tới và học tập tốt Ngữ văn lớp 6.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết
Bài: Ông lão đánh cá và con cá vàng
1. Tìm hiểu chung truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng
a. Tác giả
- Puskin (1799 – 1837)
- Nhà thơ Nga vĩ đại
- Tác giả của nhiều trường ca và truyện cổ tích tuyệt diệu.
b. Tác phẩm
- Xuất xứ
+ Sáng tác năm 1833
+ Được xây dựng từ một truyện cổ tích Nga quen thuộc kết hợp với sự sáng tạo của Puskin
- Thể loại: Truyện cổ tích
c. Tóm tắt
- Một ông lão đánh cá nghèo ra biển. Lần thứ nhất kéo lưới chỉ thấy có bùn, lần thứ hai kéo lưới được cây rong, lần thứ ba thì bắt được con cá vàng. Cá vàng kêu van, hứa trả ơn và ông đã thả. Mụ vợ biết chuyện, mắng lão một trận và bắt ông ra biển năm lần, đòi cá vàng đáp ứng những yêu cầu của mụ:
+ Lần thứ nhất mụ đòi cá giúp cho một chiếc máng lợn mới.
+ Lần thứ hai, mụ vợ lại "quát to hơn" và bắt ông lão ra biển đòi cá vàng một cái nhà rộng.
+ Lần thứ ba, mụ vợ lại "mắng như tát nước vào mặt" ông lão và đòi làm một bà nhất phẩm phu nhân.
+ Lần thứ tư, mụ vợ lại "mắng lão một thôi" và đòi cá cho làm nữ hoàng.
+ Lần thứ năm, mụ muốn làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ.
- Cá vàng tức giận, lấy lại tất cả những thứ đã cho. Ông lão trở về lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.
Các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu Tóm tắt truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng
d. Bố cục
- Mở bài: Từ đầu đến "vợ ở nhà kéo sợi"
- Thân bài: Tiếp theo đến "làm theo ý muốn của mụ"
+ Ông lão bắt được con cá vàng.
+ Cá vàng xin thả ra và hứa sẽ đền ơn.
+ Mụ vợ đòi trả ơn 5 lần.
- Kết bài: Còn lại
2. Đọc - hiểu văn bản Ông lão đánh cá và con cá vàng
a. Mụ vợ ông lão đánh cá
Lần | Đòi hỏi | Thái độ với chồng | Cảnh biển | Nhận xét |
1 | Máng lợn mới | Mắng "đồ ngốc" | Gợn sóng êm ả | Của cải, vật chất |
2 | Một cái nhà rộng | Quát to "đồ ngu" | Đã nổi sóng | |
3 | Nhất phẩm phu nhân | Mắng như tát nước "đồ ngu" | Nổi sóng dữ dội | Của cải, danh vọng |
4 | Nữ hoàng | Giận dữ tát "mày cãi à?" | Nổi sóng mù mịt | Của cải, danh vọng, quyền lực |
5 | Long Vương | Nổi cơn thịnh nộ, sai người lôi tới. | Giông tố, nổi sóng ầm ầm | Địa vị đầy quyền uy |
- Thái độ
+ Đối với cá vàng: Đòi hỏi ngày càng cao và quá đáng → Tham lam
+ Đối với chồng: Sự bội bạc của mụ vợ ngày càng tăng lên → Độc ác, bôi bạc, dữ dằn, thô lỗ.
- Nghệ thuật: Miêu tả lặp lại, tăng tiến
→ Là người có lòng tham vô độ.
⇒ Phê phán, lên án lòng tham quá mức của con người.
b Ông lão đánh cá
- Hoàn cảnh
+ Sống ở túp lều nát
+ Ngày ngày thả lưới, vợ dệt vải.
→ Nghèo, chăm chỉ.
- Phẩm chất đáng quý: Có lòng nhân hậu, cứu giúp cá vàng không đòi hỏi trả ơn.
- Điều đáng trách
+ Nhu nhược trước những đòi hỏi quá đáng của mụ vợ
+ Bị vợ hành hạ nhưng không có phản ứng gì.
→ Lương thiện, hiền lành, nhân hậu, độ lượng, nhu nhược.
⇒ Là người vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách.
c. Ý nghĩa tượng trưng của hình tượng cá vàng
- Tượng trưng cho sự biết ơn, tấm lòng vàng của nhân dân đối với những người nhân hậu. Đại diện cho lòng tốt, cái thiện.
- Tượng trưng cho chân lí của dân gian: Trừng trị đích đáng những kẻ tham lam, bội bạc.
d. Phản ứng của biển xanh
- Trong truyện ông lão ra biển 5 lần, mỗi lần như thế cảnh biển lại thay đổi.
+ Lần 1, 2: Biển gợn sóng êm ả
+ Lần 3: Biển xanh nổi sóng dữ dội
+ Lần 4: Biển nổi sóng mù mịt
+ Lần 5: Một cơn dông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm
→ Cảnh biển thay đổi tượng trưng cho thái độ rõ ràng của nhân dân trước lòng tham giàu sang phú quý.
- Nghệ thuật: Lập lại tăng tiến.
e. Kết thúc truyện
- Với ông lão: Không mất gì, chỉ như vừa qua cơn ác mộng, được trả lại cuộc sống bình yên
- Với mụ vợ: Tất cả trở lại như xưa → Bị trừng phạt đích đáng ⇒ Cá vàng trừng trị mụ vợ vì cả hai tội tham lam và bội bạc.
Tổng kết
* Nghệ thuật
- Lặp lại tăng tiến tình huống truyện.
- Đối lập tương phản, nhân hóa giữa các nhân vật.
- Yếu tố tưởng tượng, hoang đường.
- Kết cấu vòng tròn: Người vợ lại quay về với cái máng lợn sứt mẻ.
- Câu chuyện hấp dẫn và mang ý nghĩa sâu xa.
* Nội dung
- Ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu.
- Phê phán, nêu ra bài học đích đáng cho nhu nhược, tham lam, bội bạc.
3. Bài tập minh họa bài Ông lão đánh cá và con cá vàng
Đề bài 1: Phát biểu cảm nghĩ của em về hai nhân vật trong truyện cổ tích "Ông lão đánh cá và con cá vàng".
1. Mở bài
- Giới thiệu hai nhân vật ông lão đánh cá và mụ vợ của lão.
- Nêu cảm nghĩ chung về hai nhân vật này: thông cảm với ông lão đánh cá thật thà, nhu nhược đến nỗi khốn khổ trước một mụ vợ tham lam, tai ác.
2. Thân bài
Phát biểu cảm nghĩ
- Mụ vợ ông lão đánh cá: tham lam, quá quắt đến nỗi đất trời, biến cả cùng bất bình:
+ Tính tham lam của mụ phát triển từ đòi cái máng lợn ăn – cái nhà rộng – nhất phẩm phu nhân – nữ hoàng – Long vương – thì biển cả cũng: gợn sóng êm ả – nổi sóng lớn – nổi sóng dữ dội – nổi sóng mù mịt – giông tố khủng khiếp kéo đến, biển nổi sóng ầm ầm.
+ Cơn thịnh nộ của biển cả đã nhấn chìm cái cuồng vọng điên rồ của mụ khiến mụ trở lại kiếp sống khổ nghèo bên túp lều rách và cái máng lợn sứt mẻ.
- Ông lão đánh cá: thật thà, nhu nhược đến khốn khổ
+ Từ người chồng yếu đuối trở thành tên đầy tớ bị mụ khinh rẻ rồi trở thành một kẻ xa lạ bị mụ tống cổ ra ngoài.
+ Ông lão không hề cáu giận, mà chịu đựng nhịn nhục. Tính cách ông hoàn toàn trái ngược với tính cách mụ vợ.
3. Kết bài: Nếu ông lão hiền lành đức độ bao nhiêu thì mụ vợ tham lam, tai quái và thô bỉ bấy nhiêu. Nhưng cuối cùng “tham thì thâm” mụ đã được một bài học đích đáng.
Đề bài 2: Sắm vai ông lão đánh cá kể lại truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng".
Gợi ý làm bài
1. Mở bài
- Giới thiệu câu chuyện
+ Tôi làm nghề đánh cá còn vợ tôi ở nhà kéo sợi.
+ Vợ chồng tôi không có con.
+ Hai vợ chồng già sống trong một túp lều rách nát trên bờ biển.
2. Thân bài
Diễn biến sự việc
a. Bắt được cá vàng
- Ngày ngày, tôi kiếm ăn bằng nghề đánh cá.
- Một hôm, tôi ra biển đánh cá. Lần đầu kéo lưới lên tôi chỉ thấy toàn bùn. Lần thứ hai kéo lưới lên, tôi chỉ thấy toàn rong biển. Lần thứ ba kéo lưới thì tôi bắt được một con cá vàng.
- Con cá vàng cất tiếng van xin tôi: “Ông lão ơi! Ông sinh phúc thả tôi về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì củng được”.
- Tôi vô cùng ngạc nhiên nhưng rồi cũng thả con cá xuống nước.
b. Lòng tham của mụ vợ tôi
- Đòi cá vàng đền cho một cái máng lợn mới
+ Về nhà, tôi đem câu chuyện kể lại cho mụ vợ tôi nghe. Nghe xong, mụ mắng tôi: “Đồ ngốc! Sao lại không bảo con cá đền cái gì? Đền một cái máng cho lợn ăn không được à? Cái máng nhà đã gần vỡ rồi!”
+ Thế là tôi đi ra biển. Biến gợn sóng êm ả. Tôi gọi con cá vàng. Cá vàng bơi lên và hỏi tôi: “Ông lão ơi! Ông cần gì thế?”
+ Tôi nói với cá: “Cá ơi! Giúp tôi với! Mụ vợ tôi nó mắng tôi và càu nhàu mãi làm tôi không ở yên được. Mụ ấy đòi một cái máng lợn ăn mới. Máng nhà tôi đã sứt mẻ rồi”.
+Cá vàng bảo tôi cứ về đi, cá sẽ giúp.
+ Tôi về đến nhà thì đúng là mụ vợ tôi có một cái máng mới.
+ Đòi cá vàng đền một cái nhà rộng
+ Được cái máng mới, mụ vợ tôi chưa vừa lòng. Mụ quát tôi: “Đồ ngu! Đòi một cái máng thật à? Một cái máng thì thấm vào đâu! Đi tìm lại con cá vàng và đòi một cái nhà rộng.”
+ Tôi lại đi ra biển. Biển xanh đã nổi sóng. Tôi gọi cá vàng và nói với cá là mụ vợ tôi muốn có một tòa nhà đẹp.
+ Cá bảo tôi đừng băn khoăn cứ về nhà đi. Tôi ra về và chẳng thấy túp lều đâu nữa, chỉ thấy trước mặt một ngôi nhà đẹp, có cổng lớn bằng gỗ lim, trong ngoài sáng sủa, có lò sưởi, quét vôi trắng xóa. Còn mụ vợ tôi đang ngồi bên cửa sổ.
- Đòi cá vàng cho làm một bà nhất phẩm phu nhân
+ Có một cái nhà to và đẹp, lòng tham của mụ vợ tôi lại nổi lên. Mụ quát mắng tôi: “Đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế! Đòi một cái nhà thôi à? Trời! Đi tìm ngay con cá và bảo nó rằng tao không muốn làm một mụ nông dân quèn, tao muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân kia”.
+ Tôi lại lóc cóc ra biển. Biển xanh nối sóng dữ dội. Tôi nói với cá về sự điên khùng của mụ vợ tôi rằng mụ muốn làm bà nhất phẩm phu nhân.
+ Cá vàng lại bảo tôi cứ ra về rồi cá giúp tôi.
+ Về đến nhà, tôi vô cùng ngạc nhiên. Trước mặt tôi là một tòa lâu dài lớn. Mụ vợ tôi đang đứng trên thềm cao, mình khoác áo lông, đầu đội mũ nhiều hoa, có quấn ngọc trai, tay đeo nhẫn vàng, chân đi giày đỏ. Xung quanh mụ, kẻ hầu người hạ tấp nập.
+ Tôi chào mụ nhưng mụ mắng cho tôi một trận và bắt tôi xuống quét chuồng ngựa.
- Đòi cá vàng cho làm nữ hoàng
+ Làm bà nhất phẩm phu nhân rồi nhưng chi được mấy tuần, mụ vợ tôi lại bắt tôi đi tìm cá vàng và nói với cá là mụ không muốn làm nhất phẩm phu nhân mà muốn làm nữ hoàng.
+ Tôi hoảng sợ và khuyên ngăn mụ. Mụ không nghe lời tôi mà còn thẳng tay tát vào mặt tôi.
+ Tôi đành lủi thủi ra biển. Biển nổi sóng mù mịt. Tôi nói với cá về ý muốn điên khùng của mụ vợ tôi là mụ muốn làm nữ hoàng.
+ Cá nói tôi cứ về rồi cá sẽ giúp.
+ Tôi trở về và thấy trước mặt cung điện nguy nga. Mụ vợ tôi đã trở thành nữ hoàng và đang ngồi ở bàn tiệc. Bọn thị vệ đang rót mời mụ những thứ rượu quý của các nước phương xa và dâng cho mụ những thứ bánh rất ngon lành, xung quanh có cả một đội vệ binh gươm giáo chính tề...
+ Tôi cúi đầu chào mụ nhưng mụ không thèm nhìn mà sai người đuổi tôi đi.
- Đòi cá vàng cho làm Long Vương
+ Làm nữ hoàng vẫn chưa thỏa mãn, mụ vợ lại bắt tôi ra đòi cá vàng cho mụ trở thành Long Vương ngự trên mặt biển đổi cá vàng hầu hạ và làm theo mọi ý muốn của mụ.
+ Không còn cách nào, tôi lại ra biển. Một cơn giông tố kinh khủng kéo đến. Tôi nói với cá về ý muốn điên khùng của mụ vợ tôi.
3. Kết bài
- Nghe tôi nói mụ vợ tôi muốn làm Long Vương ngự trên mặt biển. Con cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển.
- Tôi đứng trên bờ đợi mãi không thấy cá lên trả lời, tôi đành trở về.
- Về đến nhà, tôi vô cùng sửng sốt, cung điện biến đâu mất. Trước mắt, tôi lại thấy túp lều nát ngày xưa và trên bậc cửa, mụ vợ tôi đang ngồi trước chiếc máng lợn sứt mẻ.
4. Trắc nghiệm bài truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng
Câu 1: Nghệ thuật nổi bật nhất của truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" là gì?
A. Nghệ thuật miêu tả.
B. Nghệ thuật kể chuyện.
C. Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
D. Nghệ thuật xây dựng kịch tính.
Câu 2: Trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, ông lão đã ra biển để gọi cá mấy lần?
A. 2 lần.
B. 4 lần.
C. 3 lần.
D. 5 lần.
Câu 3: Ý nào nói không đúng ý nghĩa của câu chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" ?
A. Thái độ phê phán sự tham lam độc ác, lối sống tệ bạc.
B. Nhắc nhở con người sống có tình có nghĩa, có trước có sau.
C. Phê phán sự gian xảo, quỷ quyệt.
D. Đề cao lối sống trọng ân nghĩa.
Câu 4: Trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, bà vợ ông lão là người như thế nào?
A. Người phụ nữ nghèo khó, rất tham lam, độc ác và bội bạc.
B. Người phụ nữ nghèo khó nhưng rất tốt bụng,
C. Là người gian xảo, chuyên lừa đảo người khác.
D. Là người giàu có nhưng rất tham lam.
Câu 5: Trong truyện, việc bà lão yêu cầu con cá vàng thực hiện nhiều yêu cầu quá đáng của mình đã chứng tỏ điều gì?
A. Bà lão là người có tính kiên trì, nhẫn nại.
B. Bà lão rất tham lam và ham muốn quyền lực.
C. Cá vàng là con vật rất tốt bụng.
D. Ông lão là người rất thương vợ.
Câu 6: Bài học rút ra từ truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng là
A. Sự tham lam, bội bạc sẽ phải trả giá
B. Trong cuộc sống cần có chính kiến, không nên quá nhu nhược, cần phân định được đúng sai.
C. Phải biết thương yêu và quý trọng người thân trong gia đình
D. Sống phải nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình.
E. Tất cả đều đúng
Câu 7: Văn bản Ông lão đánh cá và con cá vàng được kể theo ngôi thứ mấy
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
Câu 8: Câu nào dưới đây thể hiện đúng bản chất của bà lão?
A. Ếch ngồi đáy giếng.
B. Đi một ngày đàng học một sàng khôn,
C. Được voi đòi tiên.
D. Có mới nới cũ.
Câu 9: Trong truyện, bà lão không yêu cầu cá vàng thực hiện yêu cầu nào sau đây?
A. Biến chiếc máng lợn cũ thành chiếc máng lợn mới.
B. Biến bà lão thành cô gái đẹp tuyệt trần.
C. Biến căn chòi rách nát thành một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy.
D. Biến mụ ta thành một nữ hoàng.
Câu 10: Thành ngữ nào sau đây phù hợp với tính cách ông lão đánh cá?
A. Ở hiền gặp lành
B. Gieo nhân gặp thiện
C. Hiền quá hóa đần
D. Thật thà cha đứa dại
Câu 11: Thành ngữ nào phù hợp với tính cách ông lão đánh cá ?
A. ở hiền gặp lành.
B. Gieo nhân gặt thiện.
C. Hiền quá hoá đần.
D. Thật thà cha đứa dại.
Câu 12: Vì sao lần cuối khi mụ vợ đòi làm Long Vương, cá vàng không còn đền ơn nữa?
A. Vì cá vàng không có khả năng làm điều đó
B. Vì cá vàng đã quá mệt mỏi
C. Vì cá vàng thương ông lão phải đi lại nhiều lần
D. Vì cá vàng không thể thỏa mãn ý muốn của kẻ quá tham quyền lực
Đáp án
1 - D | 2 - D | 3 - C | 4 - A | 5 - B | 6 - D |
7 - C | 8 - C | 9 - B | 10 - C | 11 - C | 12 - D |
-------------------------------------------
Với nội dung bài Ông lão đánh cá và con cá vàng các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về nội dung của câu truyện, bài học được rút ra từ tác phẩm Ông lão đánh cá và con cá vàng...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 6: Ông lão đánh cá và con cá vàng. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục như: Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Trắc nghiệm Ngữ văn 6, Tài liệu học tập lớp 6.