Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Sọ Dừa

VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn 6: Sọ Dừa được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp giúp cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài giảng sắp tới và học tập tốt Ngữ văn lớp 6.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết

1. Tìm hiểu chung bài Sọ Dừa

a. Thể loại: Truyện cổ tích Việt Nam

- Loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật tiêu biểu

- Nhân vật bất hạnh.

- Người mồ côi

- Người con riêng

- Người có hình dạng xấu xí

- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ.

- Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch.

- Nhân vật là động vật.

- Con vật biết nói năng, hoạt động và tính cách như con người.

- Truyện thường có yếu tố hoang đường, thể hiện giấc mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.

Nhân vật: Hư cấu từ xấu xí đến tuấn tú

b. Bố cục: 3 phần

- Phần 1. Từ đầu..."đặt tên Sọ Dừa": Sự ra đời của Sọ Dừa.

- Phần 2. Tiếp theo..."dùng đến": Sự tài giỏi của Sọ Dừa.

- Phần 3. Còn lại: Lý do cô Út lấy Sọ Dừa.

c. Tóm tắt

Có đôi vợ chồng già hiếm muộn con cái, phải đi ở cho nhà phú ông. Một hôm bà vợ vào rừng hái củi, uống nước trong cái sọ dừa, về nhà có mang, ít lâu sau sinh ra một đứa bé kì dị, không chân không tay, tròn như một quả dừa. Thấy đứa bé biết nói, bà giữ lại nuôi và đặt luôn tên là Sọ Dừa.

Thương mẹ vất vả, Sọ Dừa nhận chăn đàn bò nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi, con nào cũng béo mượt. Ba cô con gái nhà phú ông thay nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị kênh kiệu thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô út đối đãi với cậu tử tế.

Phát hiện ra vẻ đẹp bên trong cái vẻ kì dị của Sọ Dừa, cô út đem lòng thương yêu. Sọ Dừa nhờ mẹ đến nhà phú ông hỏi vợ. Phú ông thách cưới thật lo nhưng thấy Sọ Dừa mang đủ đồ thách cưới đến, đành phải gả cô út cho chàng. Ngày cưới, Sọ Dừa hiện nguyên hình là một chàng trai trẻ đẹp khiến hai cô chị vô cùng ghen tức.

Nhờ chăm chỉ đèn sách Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và được nhà vua cử đi, sứ nước ngoài. Trước khi đi chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để đề phòng tai hoạ.

Sọ Dừa đi vắng, hai người chị tìm cách hãm hại cô út, đẩy cô xuống biển hòng cướp chồng em. Nhờ có các đồ vật chồng đưa cho, cô út thoát chết, được chồng cứu trên đường đi sứ về. Hai vợ chồng đoàn tụ. Hai cô chị xấu hổ bỏ nhà đi biệt tích.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài: Tóm tắt truyện Sọ Dừa

2. Đọc - hiểu văn bản Sọ Dừa

a. Sự ra đời của Sọ Dừa

- Người mẹ uống nước trong chiếc Sọ Dừa, rồi mang thai và sinh ra Sọ Dừa.

- Hình dạng

+ Không tay, không chân như quả dừa

+ Cứ lăn lóc trong nhà, chẳng làm được việc gì.

⇒ Hình dạng xấu xí gợi sự thương cảm đối với nhân vật.

b. Sự tài giỏi của Sọ Dừa

- Chăn bò giỏi, thổi sáo hay

- Nhanh chóng đáp ứng đủ lễ vật theo lời thách cưới của phú ông.

- Thông minh, miệt mài đèn sách thi đỗ trạng nguyên.

- Đoán trước sự cố xảy ra với vợ

⇒ Hình dáng bên ngoài và phẩm chất bên trong của Sọ Dừa trái ngược nhau để khẳng định giá trị chân chính của con người.

c. Lý do cô Út lấy Sọ Dừa

- Cô Út hiền lành, tính thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tốt.

- Sọ Dừa thì bề ngoài xấu xí nhưng tài giỏi và thông minh.

⇒ Chính hai yếu tố trên cô Út đã trở thành bà trạng hạnh phúc.

d. Tổng kết

Nghệ thuật

- Sử dụng các chi tiết nghệ thuật đối lập.

- Xây dựng hình tượng nhân vật mang ý nghĩa tượng trưng.

- Kết thúc tác phẩm có hậu thể hiện quan niệm,triết lí dân gian về quy luật của cuộc đời.

Ý nghĩa văn bản

- Lòng nhân ái với những người bất hạnh, phẩm chất bên trong tạo nên giá trị đáng quý của con người.

- Truyện thể hiện ước mơ đổi đời, hạnh phúc của người lao động xưa.

3. Bài tập minh họa truyện Sọ Dừa

Đề bài: Cảm nghĩ của em về truyện cổ tích "Sọ Dừa".

1. Mở bài

- Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, truyện cổ tích chiếm một số lượng khá lớn.

- Truyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của mỗi người qua lời bà, lời mẹ kể. Nội dung của truyện rất đời thường và các yếu tố thần kì trong truyện làm cho nội dung câu chuyện thêm lí thú và hấp dẫn.

- Sọ Dừa là một trong những truyện cổ tích hay nhất, có sức sống lâu bền trong lòng mỗi người dân đất Việt, nhất là trong lòng tuổi thơ.

2. Thân bài

a. Cảm nghĩ về nội dung của truyện Sọ Dừa

- Em yêu thích Truyện Sọ Dừa vì nội dung câu chuyện đề cao giá trị chân chính của con người.

- Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật, kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.

- Nhân vật chính có hình hài dị dạng bị mọi người xem thường nhưng lại có vẻ đẹp tuyệt vời về tài năng lẫn phẩm chất.

* Sọ Dừa có ngoại hình thật xấu xí.

- Sọ Dừa là “đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa”. “Lớn lên, Sọ Dừa vẫn cứ lăn lông lốc, chẳng làm được việc gì”.

- Rõ ràng hình hài của Sọ Dừa dị dạng, không giống với hình hài của bất cứ đứa trẻ bình thường khác.

- Phải chăng, tác giả dân gian đã cho Sọ Dừa mang một hình hài dị dạng, xấu xí để rồi làm nổi bật lên phẩm chất bên trong tốt đẹp của chàng trai này.

- Đối lập với ngoại hình xấu xí, dị dạng là một tâm hồn cao đẹp, một tài năng và sự thông minh của Sọ Dừa.

- Chính những lần thử thách là những tình huống cho Sọ Dừa bộc lộ tài năng và sự thông minh đến bất ngờ.

- Sọ Dừa đi chăn bò cho nhà phú ông.

- Chàng chăn bò rất giỏi “hàng ngày, Sọ Dừa lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng”.

- Chàng trút lốt Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú.

- Chàng đi chăn bò mà như đang đi ngoạn cảnh. Chàng ngồi trên võng thổi sáo. Tiếng sáo du dương. Còn đàn bò thì thủng thẳng gặm cỏ.

- Sọ Dừa thật có tài biến hóa. Chàng giục mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ.

- Phú ông thách cưới thật ngoài sức tưởng tượng của người mẹ nghèo: “Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chỉnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây”. Thực sự, phú ông đâu muốn gả con gái cho một người có hình hài dị dạng như Sọ Dừa nên đã thách cưới như vậy.

- Nào ngờ, đúng ngày hẹn, Sọ Dừa đã chuẩn bị đầy đủ những lễ vật mà phú ông yêu cầu cho mẹ đem sang nhà phú ông.

- Lễ cưới được tổ chức linh đình trước sự ngạc nhiên của mọi người.

- Sọ Dừa trút lốt và biến thành một chàng trai tuyệt vời sánh vai bên người vợ hiền, tốt bụng.

* Sự tài giỏi và thông minh của Sọ Dừa được thể hiện qua việc:

- Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên.

- Chuẩn bị những vật dụng cần thiết để cho vợ phòng thân khi chàng đi sứ xa nhà.

“Sọ Dừa ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi". Năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên

- Khi đi sứ, lúc chia tay “quan trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến”.

⇒ Sọ Dừa rất thông minh và tài giỏi.

* Truyện Sọ Dừa đề cao tình thương đối với người bất hạnh.

- Tình thương dành cho người bất hạnh được thể hiện rất rõ qua nhân vật cô con gái út của phú ông.

- Cô Út hiền lành, hay thương người.

- Cô đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

- Ngay cả khi chưa phát hiện Sọ Dừa là một chàng trai khôi ngô tuấn tú thì cô cũng là người thường đem cơm cho Sọ Dừa ăn.

- Cô trân trọng chàng trai có hình hài dị dạng chứ không kiêu kì, hắt hủi Sọ Dừa như hai cô chị.

- Khi đã phát hiện Sọ Dừa không phải là người phàm trần, cô đem lòng yêu, có của ngon, vật lạ đều đem giấu cho chàng → Nhờ tình yêu chân thành, cô Út đã nhìn rõ phẩm chất, đức độ của Sọ Dừa.

- Sự phát hiện của cô Út về vẻ đẹp bên ngoài lẫn tâm hồn của Sọ Dừa cũng chính là sự nhìn nhận sâu sắc của nhân dân ta về những con người bất hạnh.

- Sọ Dừa từ một con người hình hài xấu xí, dị dạng, từ thân phận thấp hèn đã trở thành một chàng trai tuấn tú, thông minh, tài giỏi.

⇒ Thể hiện niềm khát khao của nhân dân ta về sự công bằng trong xã hội: Người hiền lành, tài năng phải được hưởng hạnh phúc.

b. Cảm nghĩ về nghệ thuật của truyện Sọ Dừa

* Yếu tố thần kì là một trong những nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của truyện cổ tích Sọ Dừa.

-Người mẹ nghèo thụ thai là do uống nước mưa đựng trong một cái sọ dừa bên gốc cây to. Ngay đầu truyện, các tác giả dân gian đã đưa ra một yếu tố kì ảo. Điều đó vừa báo hiệu một sự khác thường tiếp theo vừa có sức hấp dẫn thu hút người nghe.

- Đứa bé được sinh ra không như những đứa trẻ bình thường khác. Bé không chân, không tay, tròn như một quả dừa. Hình hài của đứa bé thật là dị dạng. Phải chăng, hình hài dị dạng, xấu xí ấy đang ẩn chứa một điều kì thú, phi thường nào đó.

- Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú ngồi thổi sáo trên võng trong lúc chăn bò. Sự lột xác của Sọ Dừa càng làm cho ta say sưa theo dõi xem điều gì khác lạ có thế tiếp tục xảy ra. Thì ra, hình hài tròn như Sọ Dừa ấy chi là cái vỏ bọc xấu xí bên ngoài. Con trong cái vỏ bọc mới là điều quan trọng.

- Đến ngày hẹn mang những lễ vật mà phú ông đã yêu cầu, Sọ Dừa chuẩn bị chẳng thiếu một thứ gì. Điều đó chứng tỏ Sọ Dừa có một sức mạnh tiềm tàng mà nó chỉ thể hiện trong những tình huống cần thiết.

- Sọ Dừa trở thành chàng trai khôi ngô sánh vai bên người vợ hiền lành tốt bụng trong ngày cưới cũng là một điều thần kì thấm đẫm giá trị nhân văn. Những người có thân phận thấp kém, có ngoại hình dị dạng, xấu xí như Sọ Dừa, những người hiền lành tốt bụng như cô gái Út của phú ông là những người rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc...

- Những hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm dân gian Sọ Dừa là những hình ảnh thân quen gần gũi với cuộc sống của người lao động. Đó là hình ảnh đàn bò, hòn đá lửa, quả trứng gà, con dao, cái võng, bụi cày,...

3. Kết bài

Truyện cổ tích Sọ Dừa đã cho em những bài học đáng quý:

- Khi quan sát, nhận xét về một con người, ta không nên chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá. Từ xa xưa, cha ông ta đã nhắc nhở chúng ta bằng những câu tục ngữ chí lí: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

- Truyện đề cao lòng nhân ái đối với những con người bất hạnh. Lòng nhân ái sẽ giúp cho những người bất hạnh có được hạnh phúc và chính người giàu lòng nhân ái cũng rất hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác.

Truyện Sọ Dừa còn thể hiện được niềm tin và niềm lạc quan của người lao động. Sống là phải có niềm hi vọng, niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của sự công bằng rằng lẽ phải, cái đúng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái sai, cái độc ác…

4. Trắc nghiệm bài Sọ Dừa

Câu 1: Truyện cổ tích thiên về phản ánh nội dung nào?

A. Đấu tranh chinh phục thiên nhiên

B. Đấu tranh chống xâm lược

C. Đấu tranh giai cấp

D. Đấu tranh bảo tồn văn hóa

Câu 2: Trong truyện Sọ Dừa, con gái út của nhà phú ông là người như thế nào?

A. Xấu xí và rất độc ác.

B. Xinh đẹp nhưng rất độc ác.

C. Xấu xí, cục mịch nhưng tốt bụng.

D. Xinh đẹp, hiền lành, có tính hay thương người.

Câu 3: Trong truyện Sọ Dừa, Sọ Dừa có biệt tài gì?

A. Thổi sáo rất hay, tiếng sáo véo von khiến người nghe rất dễ chịu.

B. Vẽ tranh rất đẹp, nhất là những lúc chăn bò.

C. Có tài ăn nói và kể chuyện.

D. Biến hóa khôn lường, thường xuyên giúp dân diệt trừ yêu quái.

Câu 4: Tên gọi khái quát nhất cho cuộc đấu tranh xã hội trong truyện cổ tích là gì?

A. Đấu tranh giữa người nghèo và kẻ giàu

B. Đấu tranh giữa địa chủ và nông dân

C. Đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa

D. Đấu tranh giữa cái thiện và cái ác .

Câu 5: Nhân vật Sọ Dừa đại diện cho những người như thế nào trong xã hội?

A. Bị bóc lột

B. Bị hắt hủi, coi thường

C. Chịu nhiều oan ức

D. Gặp nhiều may mắn

Câu 6: Người mẹ mang thai Sọ Dừa trong hoàn cảnh nào?

A. Người mẹ đi làm đồng, gặp một bàn chân to và ướm thử, sau đó bà mang thai.

B. Người mẹ sau khi ăn một trái dừa kì lạ thì mang thai.

C. Người mẹ hái củi trong rừng vào một hôm nắng to, bà khát nước và uống nước trong một cái sọ dừa, từ đó bà mang thai.

D. Người mẹ nằm mộng thấy một ngôi sao bay vào người, khi tỉnh dậy thì phát hiện mình có thai.

Câu 7: Khi giới thiệu nhân vật Sọ Dừa lúc mới ra đời, tác giả dân gian sử dụng phương thức biểu đạt gì?

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Tự sự và miêu tả

D. Không dùng cả miêu tả lẫn tự sự

Câu 8: Lúc mới sinh ra, Sọ Dừa là người có đặc điểm như thế nào?

A. Khôi ngô, tuấn tú và rất thông minh.

B. Không biết nói, không biết cười, suốt ngày chỉ biết khóc.

c. Có tay nhưng không có chân, suốt ngày lăn lóc khắp nhà.

D. Không có chân và tay, thân hình tròn như một quả dừa nhưng biết nói và rất thông minh.

Câu 9: Công việc có ích đầu tiên mà Sọ Dừa làm cho mẹ khi lớn lên là gì?

A. Ra đồng gặt lúa giúp mẹ.

B. Đi ở cho nhà phú ông, làm công việc chăn bò.

C. Đàn hát cho mẹ nghe khi mẹ mệt nhọc.

D. Ở nhà chăn bò giúp mẹ.

Câu 10: Thái độ của hai cô chị như thế nào khi thấy em gái lấy được người chồng khôi ngô, tuấn tú, lại giàu có?

A. Mừng cho cô em vì lấy được người chồng xứng đáng.

B. Có chút chen tị với cô em nhưng vẫn vui lòng.

C. Vừa tiếc, vừa ghen tức và nuôi lòng thù hận cô em.

D. Xâu hổ vì mình không được như em.

Câu 11: Trước khi đi sứ, Sọ Dừa đã trao lại cho vợ những vật dụng gì?

A. Một gói bạc và một con dao.

B. Một hòn đá lửa, hai quả trứng gà và một con dao.

C. Một cái trâm cài và một con dao.

D. Một hòn đá lửa, hai quả trứng gà và một gói bạc.

Câu 12: Câu nào dưới đây không nói về thể loại truyện cổ tích?

A. Là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số nhân vật như nhân vật bất hạnh, có tài năng lạ thường...

B. Truyện thường chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, li kì.

C. Truyện do những tác giả tên tuổi sáng tác.

D. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu.

Câu 13: Ý nghĩa của truyện cổ tích Sọ Dừa?

A. Đề cao, ca ngợi vẻ đẹp bên trong của con người.

B. Truyện thể hiện ước mơ của nhân dân về công bằng xã hội, cái thiện thắng cái ác

C. Truyện đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh.

D. Tất cả đều đúng

Câu 14: Tác giả dân gian đưa yếu tố kì ảo vào trong truyện cổ tích nhằm mục đích gì?

A. Vì không giải thích được các hiện tượng xảy ra trong xã hội

B. Nhằm trừng trị những cái xấu, cái ác trong xã hội.

C. Nhằm lí giải các mối quan hệ xã hội

D. Thể hiện ước mơ về lẽ công bằng, góp phần tạo nên chất lãng mạn cho câu chuyện

Đáp án

1 - C2 - D3 - A4 - D5 - B6 - C7 - C
8 - D9 - B10 - C11 - B12 - C13 - D14 - D

-------------------------------------------

Với nội dung bài Sọ Dừa các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về nội dung của câu truyện, bài học được rút ra từ câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam là Sọ Dừa...

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 6: Sọ Dừa. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục như: Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Trắc nghiệm Ngữ văn 6, Tài liệu học tập lớp 6.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

    Xem thêm