Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Trao đổi về vấn đề “Chơi game chỉ có tác hại. Đúng hay sai?”

Trao đổi về vấn đề “Chơi game chỉ có tác hại

Trao đổi về vấn đề “Chơi game chỉ có tác hại. Đúng hay sai?” là nội dung thuộc phần Thảo luận nhóm về một vấn đề trang 82 - 83 - 84 Ngữ văn 6 Tập 2 - Cánh diều. Để giúp các em học sinh triển khai đề văn này, VnDoc gửi tới các bạn dàn ý và một số bài văn mẫu hay lớp 6 cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết các bài văn mẫu sau đây.

Dàn ý Trao đổi về vấn đề “Chơi game chỉ có tác hại. Đúng hay sai?”

1. Mở đầu:

- Lời chào và giới thiệu.
- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần thảo luận: "Chơi game chỉ có tác hại. Đúng hay sai?".

2. Nội dung chính:

*Giải thích:

- Game là phần mềm được con người lập trình, cài đặt vào các thiết bị điện tử, từ đó tạo nên một công cụ để giải trí.

* Phân tích:

- Mặt tích cực của việc chơi game:
+ Giúp con người thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng.
+ Kết nối người với người ở mọi nơi trên thế giới.
+ Được xã hội công nhận là môn thể thao điện tử, đem lại thu nhập và danh tiếng cho người chơi.
- Mặt tiêu cực của việc chơi game:
+ Gây chậm trễ trong học tập và công việc.
+ Ảnh hưởng xấu đến cả thể chất và tinh thần.
+ Gây ra các thói quen xấu, hành vi bạo lực.
+ Gây tốn kém về cả thời gian và tiền bạc.

* Nguyên nhân dẫn đến sự tiêu cực:

- Sự thiếu hiểu biết, mất kiểm soát của cá nhân.
- Việc thiếu quan tâm, thờ ơ của gia đình, nhà trường và xã hội.

*Đề xuất giải pháp khắc phục:

- Mỗi cá nhân tự rèn luyện, phát triển bản thân cả về kiến thức và đạo đức.
- Gia đình, nhà trường quan tâm, giáo dục cho học sinh về tác hại của việc nghiện game.

3. Kết luận:

- Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề đã nêu.
- Nêu bài học nhận thức rút ra được sau khi trao đổi.

Chơi game chỉ có tác hại Đúng hay sai Mẫu 1

Xin chào cô và các bạn!

Với chủ đề "Chơi game chỉ có tác hại. Đúng hay sai?" của buổi thuyết trình ngày hôm nay, nhóm chúng em xin phép được trình bày quan điểm của mình như sau.

Trước tiên, "game" là từ dùng để chỉ các phần mềm được con người sáng tạo và lập trình nên. Chúng được đưa vào các thiết bị điện tử như máy tính, TV, điện thoại,... giúp chúng ta dễ dàng sử dụng. Giờ đây, Game giống như một công cụ giải trí. Một vài trò chơi rất phổ biến có thể kể đến PUBG, liên quân, candy crush,...

Game mang đến cho con người khá nhiều mặt tích cực. Chúng giúp ta thư giãn, giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng, kết nối với bạn bè và làm quen thêm bạn mới từ trong đến ngoài nước. Nhiều người coi việc chơi game như một cách để luyện kĩ năng giao tiếp, tăng độ tự tin cho bản thân. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin như hiện nay, chơi game đã được công nhận là một loại hình thể thao điện tử, mang tên gọi E-Sports. Nó vừa mang lại danh tiếng và thu nhập cho người chơi, vừa tạo ra một sân chơi mới cho giới trẻ giao lưu, học hỏi.

Tuy vậy, thực tế cũng chỉ ra rằng tác hại của việc chơi game là không nhỏ. Nó gây ra sự trì hoãn, chậm trễ trong công việc, học tập. Khi quá đắm chìm vào thế giới ảo đầy màu sắc kia, ta rất dễ mắc phải những căn bệnh như cong vẹo cột sống, cận thị,... hay cả bệnh tâm lí nguy hiểm. Một vài tựa game hành động còn ảnh hưởng tiêu cực đến góc nhìn và nhận thức của con người. Chúng đem tới suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến bao hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Không những vậy, chơi game quá nhiều sẽ khiến quỹ thời gian của chúng ta ngắn lại, lãng phí tiền bạc vào những thứ không có thật.

Vậy tại sao lại có hiện tượng "nghiện game" đến quên ăn quên ngủ như vậy? Một phần đó là do sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường. Mặt khác, nó cũng do bản thân từng người. Họ chưa nhận thức rõ được về tác hại của việc chơi game quá nhiều. Một số cá nhân thì không đủ kiên định, bị người khác rủ rê. Tất cả đều khiến xã hội có cái nhìn tiêu cực về hoạt động giải trí này.

Để khắc phục được các mặt trái ấy, con người cần không ngừng trau dồi cả kiến thức và đạo đức. Hãy rèn luyện cho bản thân mình sự kiên định, gạt bỏ những dụ dỗ xung quanh. Đồng thời, gia đình và nhà trường cần đưa ra phương án cụ thể để giáo dục cho học sinh về tác hại của việc nghiện game.

Tóm lại, chơi game không phải là xấu. Nó sẽ phát huy được hết khả năng giải trí, hỗ trợ của mình nếu ta biết cách sử dụng phù hợp. Qua chủ đề này, ta cũng thấy được những góc nhìn mới mẻ hơn về con người và cuộc sống.

Trên đây là phần trình bày của nhóm em. Rất mong nhận được những ý kiến góp ý của cô và các bạn.

Chơi game chỉ có tác hại Đúng hay sai Mẫu 2

Trò chơi điện tử vốn là một trò chơi giải trí lành mạnh đã được du nhập từ các nước tiên tiến hay được sáng tạo bởi những lập trình viên tài giỏi, có trí óc tưởng tượng cao. Vậy theo các bạn chơi game có hại là đúng hay sai?

Game là một dạng giải trí đối với con người sau những giờ học căng thẳng, mệt mỏi. Nó được sáng tạo bởi những người tài giỏi, thông minh, có trí óc tưởng tượng phong phú.

Chơi game có lợi. Lí do bởi chơi game có thể kích thích hoạt động của não bộ, giúp chúng ta học cách phản xạ nhanh hơn, tay và mắt phối hợp tốt hơn, giảm căng thẳng và tăng khả năng sáng tạo. Chính những nhiệm vụ, hướng dẫn… trong game đã kích thích các bé phải tự tìm tòi, học hỏi nhằm tìm ra cách giải quyết. Từ đó thúc đẩy khả năng tư duy của não bộ, tăng sự quyết đoán.

Nhưng song hành, việc chơi game có hại. Thứ nhất là đối với chính bản thân người chơi. Nó sẽ làm cho họ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, sức khỏe, tình thần, công việc và vấn đề pháp luật. nhiều bạn trẻ lao vào game không ngại thức khuya dậy sớm, tinh thần lúc nào cũng nghĩ về game để đến nỗi sức khỏe suy kiệt, tinh thần hoang tưởng, trí nhớ giảm sút nghiêm trọng. Chơi quá nhiều sẽ làm đạo đức, cách hành xử của con người trở nên tệ đi. Do khi chơi quá lâu, nhân cách của người chơi sẽ bị thay đổi theo như những hành động của các nhân vật trong game.

Chính vì thế chúng ta cần cân nhắc, chơi sao cho đúng mục đích, phù hợp giải trí thay vì dành quá nhiều thời gian cho nó. Lợi hay hại của việc chơi game chính là do người chơi nó sử dụng ra sao. Đừng chôn vùi bản thân trước những màn hình to nhỏ của điện thoại, máy tính, đừng làm chết mòn tâm hồn bằng những thú vui tiêu khiển. Hãy gặp gỡ và giao lưu với nhiều người hơn, hãy tìm niềm vui ngay trong chính cuộc sống giản đơn của mình chứ đừng chạy theo thế giới ảo mộng hão huyền

Chưa bao giờ là muộn để chúng ta thay đổi và sống hết mình với niềm tin và tình yêu của mình. Game có thể là một người bạn tốt nhưng cũng có thể là kẻ thù, tùy vào ý chí của bản thân mỗi người.

Chơi game chỉ có tác hại Đúng hay sai mẫu 3

Mỗi người trong chúng ta đều phải học tập, làm việc. Mục đích cuối cùng của việc học hay làm việc chính là để sống, cống hiến, để được hạnh phúc. Tuy nhiên, có những lúc căng thẳng, chúng ta cần đến sự giải trí. Cách giải trí phổ biến nhất chính là chơi trò chơi mà theo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay vẫn thường gọi đó là "chơi game". Có ý kiến cho rằng chơi "game" chỉ có tác hại. Thế nhưng "game" vẫn tồn tại và vẫn có đông đảo người chơi. Vậy phải chăng chơi "game" chỉ có hại?

“Game” là một từ tiếng Anh có nghĩa là trò chơi. Như vậy, hiểu đơn giản nhất, “chơi game” nghĩa là chơi trò chơi. Nhưng với quán tính của người Việt, “game” thường nghiêng về những trò chơi mà người chơi cần đến việc sử dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ngày nay, khái niệm “game” đã được mở rộng. Nói đến “chơi game”, người ta hiểu ngay đó là chơi trò chơi. Ông bà ta từ xưa cũng có những trò chơi giải trí và rèn luyện tinh thần hay thể chất. Ngày nay, những trò chơi hấp dẫn mới đã ra đời mà để chơi được nó thì người chơi buộc phải có năng lực công nghệ thông tin.

Đã có những quan điểm cho rằng chơi game là xấu. Có lẽ theo quan niệm này, “game” được hiểu là những trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực, gây ảnh hưởng đến hành động của người chơi. Thế nhưng, không phải “game” nào cũng là trực tuyến và “game” nào cũng là bạo lực. Có những trò chơi đòi hỏi phải vận dụng cơ thể. Có những trò chơi lại đòi hỏi phải vận dụng trí óc. Có những trò chơi giúp người ta sảng khoái tinh thần. Những “game” bạo lực chỉ là một bộ phận nhỏ của “game”.

Chơi game có lẽ là xấu không chỉ vì nó là các game bạo lực mà còn có thể vì chơi game dễ bị lôi cuốn, dễ bị nghiện, tốn thời gian, xao nhãng chuyện học tập hay làm việc, xao nhãng mất thực tại cuộc sống, giúp đỡ những người thân trong gia đình. Đó là một sự lôi cuốn của "game". Nó vừa có yếu tố khách quan, lại vừa có yếu tố chủ quan. Đôi khi vấn đề không phải việc chúng ta sử dụng công cụ nào mà là ta dùng công cụ đó như thế nào. Nếu để game lôi cuốn, gây nghiện, nhầm lẫn với đời thực hay gây xao nhãng học tập, làm việc thì đó chính là bởi vì ta chưa làm chủ được bản thân. Ngược lại, nếu đã làm chủ được bản thân, dùng game như một công cụ để giải trí hay rèn luyện, giúp ích sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ.

Theo quan điểm cá nhân tôi, chơi game không hẳn đã là xấu, thậm chí chơi game còn rất tốt. Có những trò chơi trí tuệ như cờ tướng, cờ vua, ô ăn quan hay liên quân,… Có những trò chơi nhằm củng cố, mở rộng kiến thức như các trò chơi liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa, hay các “game show” trên sóng truyền hình mà có lẽ ai cũng biết đến chương trình Ai là triệu phú. Có những trò chơi vận dụng cả trí óc lẫn thể chất như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,… Có những trò chơi chỉ để vận động cơ thể hay thư giãn đầu óc. Tất cả đều là những trò chơi hữu ích, nếu ta biết sử dụng thời gian hợp lí và có cái nhìn tỉnh táo.

Cá nhân tôi là người rất thích chơi cờ vua và bóng rổ. Cờ vua với tôi là một môn trí tuệ, giúp rèn luyện tư duy lô-gic, giúp tôi nhìn bao quát vấn đề và giúp tôi kiên cường, biết kiểm soát cảm xúc khi chẳng may bị những nước cờ của đối phương làm khó. Bóng rổ đối với tôi lại là môn thể thao giúp thư giãn đầu óc và rèn luyện cơ thể. Nó giúp tôi có phản xạ tốt hơn, giúp tôi biết cách phối hợp tay chân, và đặc biệt là phát triển chiều cao. Những “game” này chắc chắn tất cả mọi người đều hoan nghênh. Nhưng nếu tôi dành quá nhiều thời gian cho nó mà quên đi các khía cạnh khác của cuộc sống, những “game” tưởng như tốt này cũng sẽ gây hại rất nhiều.

Như vậy, chơi "game" vừa có điểm tốt, cũng vừa có điểm xấu. Những "game" bạo lực hay chiếm quá nhiều thời gian đặt ra vấn đề cho các nhà quản lí về việc cấp phép loại game nào được hoạt động trên không gian mạng. Chúng ta cũng nên có những hình thức tuyên truyền, giáo dục để "game" trở thành một phần hữu ích của cuộc sống.

Chơi game chỉ có tác hại Đúng hay sai Mẫu 4

Xã hội càng phát triển có rất nhiều phương tiện để giải trí. Trò chơi điện tử là một trò giải trí được du nhập từ nước ngoài.

Trò chơi điện tử (Game online) là một dạng giải trí đối với con người sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Nó được sáng tạo ra bởi những người am hiểu công nghệ, có sự sáng tạo và đầu óc tưởng tượng phong phú. Một số loại game phổ biến được nhiều người yêu thích là FIFA, Candy Crush Saga, Call of Duty, Pubg…

Hiện nay, có một thực trạng đáng báo động là nhiều người rơi vào tình trạng “nghiện game online”, đặc biệt là học sinh. Họ mải chơi game đến quên ăn, mất ngủ và bỏ bê việc học hành. Điều đó đã để lại nhiều tác hại to lớn như ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như thành tích học tập. Ngoài ra, chơi game còn tiêu tốn nhiều tiền bạc, của cải. Để có tiền chơi game, nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như: nói dối, trộm cắp, lừa lọc… Nhiều trò chơi có những hình ảnh bạo lực làm ảnh hưởng đến tâm lí của người chơi.

Nhưng game không chỉ có những tác hại, mà còn đem lại nhiều lợi ích. Chơi game giúp con người có thể thư giãn sau những giờ học tập mệt mỏi, căng thẳng. Không chỉ vậy, nhiều loại game còn giúp người chơi chơi rèn luyện tư duy, cung cấp những kiến thức xã hội như: Ai là triệu phú, Trò chơi ô chữ… Hiện nay, game còn trở thành một bộ môn được đưa vào giảng dạy, học tập và đưa vào tổ chức thi đấu chuyên nghiệp - đây là một trong những lợi ích tích cực nhất của game.

Mặc dù vậy, chúng ta cần phải hiểu được rằng, chơi game vẫn có nhiều tác hại hơn lợi ích. Việc chơi game một cách khoa học, tránh để dẫn tới tình trạng “nghiện game” quả là một khó khăn. Mỗi gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm kịp thời đến con cái, học sinh của mình. Bản thân chúng ta cũng cần ý thức được tác hại và ích lợi của việc chơi game, xác định được nhiệm vụ chính là học tập nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng và đạo đức để tương lai trở thành những người có ích cho xã hội.

Như vậy, chơi game vừa có lợi ích, vừa có tác hại. Mỗi người cần hiểu được điều đó để có những hành động đúng đắn, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân.

Đánh giá bài viết
88 20.652
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 6 sách Cánh Diều

    Xem thêm