Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích
Bài văn nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học
- I. Dàn ý nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học
- II. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học
- 1. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 1
- 2. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 2
- 3. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 3
- 4. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 4
- 5. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 5
- 6. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 6
- 7. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 7
Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu học Ngữ văn 10 nhé.
I. Dàn ý nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học
1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm. Chia sẻ với người đọc lí do bạn lựa chọn tác phẩm này để phân tích, đánh giá, điều khiến bạn yêu thích tác phẩm.
2. Thân bài:
+ Tóm tắt nội dung chính của truyện.
+ Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm.
+ Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi phân tích, đánh giá đều cần có những chi tiết tiêu biểu được dẫn ra từ tác phẩm.
3. Kết bài:
Tóm lược các nhận định trong phần thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng, ...
II. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học
1. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 1
Không biết đã từng có, sẽ còn có bao nhiêu bài viết về Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Vậy điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho bài thơ? Mỗi người sẽ có một cách lý giải không hoàn toàn giống nhau, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhau ở một điểm chung cơ bản là: chính sự chân thành, giản dị của cảm xúc đã làm nên sức sống cho tác phẩm này!
Trước hết cần phải khẳng định rằng, Thanh Hải hoàn toàn có quyền tự hào về cái “tôi” đã sống hết “công suất” từ tuổi 17 đến tuổi 50 của mình. Thông thường, khi con người biết chắc chắn rằng, mình đang sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời thì bao giờ người ta cũng tự soát xét lại nhân cách của mình một cách nghiêm khắc nhất. Vì thế, lúc nằm trên giường bệnh, Thanh Hải mới thấm thía nỗi cô đơn, bất lực của một cá nhân khi đang dần dần bị tách ra khỏi cộng đồng, một con người đang bị tước dần quyền làm việc. Chính tình cảm bị nén chặt đã bùng nổ thành khát vọng, thành bệ phóng cho sự sáng tạo. Nếu bản chất của sự sáng tạo là sự bất tử thì đây chính là khoảnh khắc thăng hoa tất cả những gì mà Thanh Hải đã chiêm nghiệm để viết thành bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Và khổ thơ đầu đã xuất hiện thật tự nhiên:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Khi Thanh Hải viết “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc” thì đây không chỉ là ngoại cảnh hay tâm cảnh, mà còn mang dáng dấp của một triết lí sống và sự bất tử. Dòng sông xanh vừa là chính nó và cũng vừa là một hình tượng về thời gian. Đó là dòng chảy vô thủy vô chung, vô tận và lạnh lùng của thời gian. Nó vừa là tác nhân tạo dựng, nâng niu “Một bông hoa tím biếc”, đồng thời cũng là một tác nhân bào mòn, hủy diệt tất cả. “Bông hoa tím biếc” đang hiện hữu kia sẽ trở thành hòai niệm để ngày mai sẽ có một bông hoa khác, cùng loài. Dòng sông thì vĩnh cửu, còn bông hoa dù có rực rỡ đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cũng trở thành dĩ vãng. Cũng như mỗi đời người, dù có chói sáng đến đâu chăng nữa, rốt cuộc vẫn phải ra đi theo quy luật sinh tử của muôn đời.
Thông qua các hình tượng nghệ thuật, chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, ngay trong mạch cảm xúc buồn nhớ mênh mông, trong tâm tưởng của ông vẫn vang lên những âm thanh reo vui của cuộc sống: “Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời”. Tiếng chim hót là âm thanh của tự nhiên nhưng nó đã cộng hưởng với tiếng reo vui trong tâm hồn của nhà thơ, đó là tiếng reo vui của niềm tự hào về cái “tôi” trọn vẹn và thanh thản. Một bông hoa có thể sẽ tàn nhưng vẻ đẹp của nó thì vẫn còn ám ảnh lâu bền trong tâm trí con người. Một con người có thể sẽ phải ra đi vĩnh viễn, nhưng những đóng góp có giá trị về tinh thần của con người ấy thì có thể sẽ còn mãi với thời gian. Với niềm tự hào chân thành ấy, nhà thơ dường như đã bứt hẳn ra khỏi tâm trạng man mác hư vô để hòa mình vào không khí rộn rã, náo nức của mùa xuân; để cảm nhận và thâu nhận được cái “hồn vía” tưởng như rất vô hình của không gian và thời gian đang thấm đẫm sắc xuân, hương xuân: “Từng giọt long lanh rơi / Tôi đưa tay tôi hứng”. Chúng ta đã từng bất lực trước một “tiếng huyền” trong Thơ duyên của Xuân Diệu, một “vị xa xăm” trong Quê hương của Tế Hanh, nay có lẽ cũng sẽ bất lực trước “Từng giọt long lanh rơi” của Thanh Hải? Bất lực vì không thể giải thích một cách tường minh xem “tiếng huyền” là tiếng gì, “vị xa xăm” là vị gì và “từng giọt” là giọt gì, nhưng vẫn có thể cảm nhận bằng linh giác, bằng trí tưởng tượng... về cái hay, về vẻ đẹp và sự độc đáo của các hình tượng đa nghĩa này. Nếu “tiếng huyền” là những âm thanh xao xuyến ngân vang trong tâm hồn để trở thành âm hưởng chủ đạo cho “một cõi yêu đương”, “vị xa xăm” là hoài niệm về một thời thăm thẳm thì “từng giọt” có thể là những niềm vui lớn có khả năng làm hồi sinh lòng ham sống của một con người đang ý thức rất sâu sắc về cái chết không sao cưỡng nổi đang đến với mình từ từ, lạnh lùng và tàn nhẫn! Hiểu như thế chúng ta mới có thể đồng cảm và xúc động trước một hành động tha thiết hướng tới sự sống của nhà thơ: “Tôi đưa tay tôi hứng”!
Từ hành động tha thiết hướng tới sự sống ấy, tác giả đã tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, háo hức mà mình từng gắn bó suốt đời:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...
Đây là niềm vui được bắt nguồn từ niềm tin sắt đá vào tương lai của đất nước:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Đất nước hình thành, tồn tại và phát triển trong chiều dài của “bốn ngàn năm” lịch sử và chiều sâu của những nghĩ suy trăn trở để tỏa sáng “như vì sao” trong kí ức của mỗi con dân đất Việt. Chính “vì sao” ấy là vầng hào quang của quá khứ và cũng là điểm tựa tinh thần cho hiện tại. Như mọi công dân chân chính khác, trong cái “Vất vả và gian lao” của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Cái “tôi” của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường đã hòa vào cái “ta” của “dòng sông xanh” trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái “ta, chúng ta”, tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.
Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỷ (1976 – 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nguyễn Duy “giật mình” trước “đột ngột vầng trăng tròn” thi Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu... Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái “tôi” với cái “ta”? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? “Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”. Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trong hơn?... Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản “hòa ca” đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một “nốt trầm”. Nhưng một “nốt trầm” ấy phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản “hòa ca” có “nhạc luật” chứ đâu phải là “hòa tan”: một cách vô vị, nhạt nhẽo?
Nếu mùa xuân của đất nước là một mùa xuân lớn thì mùa xuân lớn lại được kết dệt bởi muôn vàn những mùa xuân nhỏ khác, đó là mùa xuân của mỗi đời người:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mỗi đời người lại giống như một dòng suối nhỏ lặng lẽ góp nước cho một dòng sông lớn để dòng sông lớn ấy góp nước cho đại dương. Cái sự “góp nhặt” ấy cứ lặp đi lặp lại tới muôn đời, cho dù là có tự giác hay không tự giác thì nó vẫn cứ diễn ra như vậy, không thể nào khác! Điều quan trọng là ở chỗ sự “góp nhặt” ấy phải kiên trì, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời để cuối cùng nó vượt lên hoàn cảnh như một đức hi sinh cao cả: “Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”. Đó chính là phẩm chất cao quý của ý thức tự nguyện hi sinh cái “tôi” cho cái “ta” bao la của mùa xuân đất nước:
Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế
Mùa xuân đẹp quá khiến ta bất giác cất lên lời. Tất cả đều xao xuyến, bồi hồi trong giai điệu buồn của câu “Nam ai” và chất trữ tình của câu “Nam bình”; trong “nhịp phách tiền” rất đỗi thân quen nhưng dường như bỗng trở nên da diết như một lời chào tiễn biệt? Trong cái mênh mông của “Nước non ngàn dặm”, nơi nào mà chẳng thấm đẫm tình bạn, tình người và tình yêu? Nơi nào mà ta chăng lưu luyến, bâng khuâng? Vì thế mà nỗi nhớ nhung cũng mênh mông không bến bờ! Giờ đây, nằm trên giường bệnh, ta dường như đang trôi trong vầng hào quang của hoài niệm... Cuộc đời ồn ào náo động xa dần, mơ hồ, văng vẳng...nhưng dường như càng xa nó càng trở nên cồn cào hơn, tha thiết hơn!
2. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 2
Trong hệ thống thần thoại của dân tộc Việt Nam ta về sự sáng lập vũ trụ, Trần Trụ Trời được coi như truyện mở đầu. Truyện được các nhà khảo cứu văn hóa dân gian sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong cuốn "Hợp tuyển thơ văn Việt Nam". Truyện thể hiện giá trị đặc sắc trên nhiều phương diện như chủ đề, hình thức nghệ thuật. Qua đó thể hiện sự tôn kính thiêng liêng của co người với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và với trời đất.
Truyện kể rằng vào thời kì trời đất còn hỗn độn, tối tăm, chưa có thế gian và vạn vật, muôn loài, có một vị thần với ngoại hình và sức mạnh phi thường xuất hiện. Thần ngẩng đầu để đội trời lên rồi tự mình đào đất, đập đá tạo thành một cái cột chống trời. Khi trời đã cao và khô, thần đã phá cột đi và lấy đất đá ném tung khắp nơi tạo thành núi, đảo, đồi cao và biển rộng. Vì vậy, ngày nay, mặt đất không được bằng phẳng. Vị thần ấy được gọi là Trời hay Ngọc Hoàng. Sau đó, các vị thần khác tiếp tục xây dựng thế giới.
Qua cốt truyện Thần Trụ Trời, ta có thể dễ dàng nhận ra giá trị của truyện trước hết thể hiện qua chủ đề và bài học cuộc sống mà nó gửi gắm. Đây là một tác phẩm văn học dân gian thuộc nhóm truyện thần thoại suy nguyên (giải thích các hiện tượng tự nhiên), được nhân dân sáng tạo, lưu truyền từ xa xưa, lưu truyền từ xa xưa nhằm lý giải sự hình thành trời đất, núi sông, biển cả của những người xưa cổ bằng trực quan và tưởng tượng. Truyện thể hiện cái nhìn của con người cổ đại về hiện tượng thế giới được hình thành, được sắp đặt trật tự như bây giờ rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều giá trị, thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Qua đó thể hiện sự tôn kính và thiêng liêng của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng, trời đất.
Ngay từ thời nguyên thuỷ, cuộc sống sinh hoạt, lao động đã luôn đòi hỏi con người phải quan sát, suy ngẩm về các hiện tượng tự nhiên liên quan mật thiết tới mình. Truyện cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ thế giới tự nhiên xung quanh họ. Vì trình độ của con người bấy giờ chưa đủ để nhận thức đúng các hiện tượng ấy nên từ những điều quan sát được kết hợp với trí tưởng tượng hồn nhiên, chất phác, ngây thơ, họ đã sáng tạo ra những yếu tố siêu nhiên, những vị thần linh để giải thích sự hình thành thế giới tự nhiên. Qua đó thể hiện ước mơ chinh phục thiên nhiên của người Việt cổ từ thời xa xưa.
Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là "vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên" cũng là hành động có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. Giống hệt như hình ảnh ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn mà vũ trụ giống như quả trứng khổng lồ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất. Rồi bằng sự biến hóa lớn lên không ngừng của bản thân, ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước. Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Dù vốn hiểu biết ít ỏi, nhưng từ thuở sơkhai, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Nhờ vậy, hệ thống các truyện giải thích về vũ trụ, tự nhiên, vạn vật đã góp phần tạo nên kho tàng thần thoại phong phú, đồ sộ. Đồng thời truyện Thần trụ trời cũng giúp cho con người Việt Nam có nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Qua đó thể hiện thái độ tôn kính thiêng liêng của mỗi người với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, trời đất cũng như sự trân trọng, khâm phục ước mơ chinh phục thiên nhiên, mở rộng hiểu biết, khám phá thế giới của thế hệ con cháu chúng ta với cha ông từ thời sơ khai.
Như vậy có thể thấy Thần trụ trời là một trong những truyện thần thoại đầu tiên, tiêu biểu, đặc sắc trong kho tàng truyện thần thoại dân gian Việt Nam.
Góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện, ngoài giá trị của chủ đề thì các hình thức nghệ thuật cũng rất đặc sắc, ấn tượng, làm nên giá trị của tác phẩm. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và ý nghĩa truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn.
Nét hấp dẫn đầu tiên về đặc sắc nghệ thuật của truyện là về đặc trưng thể loại. Đây là một truyện thần thoại đặc sắc hấp dẫn với 4 đặc trưng tiêu biểu của thể loại. Đó là đặc trưng về không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật. Truyện lấy bối cảnh không gian sơ khai, rộng lớn là vũ trụ đang trong quá trình tạo lập. Thời gian của truyện được nhắc đến là "thuở ấy, từ đó". Đây cũng mang tính chất cổ sơ, không xác định cụ thể, không rõ ràng. Cốt truyện xoay quanh việc giải thích quá trình tạo lập ra vũ trụ, trời, đất, thế giới tự nhiên. Nhân vật được kể trong truyện cũng mang đặc trưng thể loại thần thoại. Tất cả các nhân vật đều là các vị thần. Từ nhân vật trung tâm là thần Trụ Trời đến các nhân vật phụ khác như thần Đếm cát, thần Tát bể (biển), thần Kể sao, thần Đào sông, thần Trồng cây, thần Xây rú (núi). Và tất cả các vị thần đều có vóc dáng khổng lồ và sức mạnh phi thường để thực hiện việc làm vĩ đại, phi thường, mang đậm giá trị nhân văn.
Thứ hai, truyện có cách xây dựng nhân vật độc đáo, mang đặc trưng của thể loại thần thoại. Nhân vật trung tâm của truyện là một vị thần. Đó là thần tối cao – thần Trụ Trời. Thần là năng lực siêu phàm, có khả năng phi thường, có ý chí, mạnh mẽ, tài năng, có công sáng tạo ra vũ trụ, thế giới tự nhiên và vạn vật. Vị thần ấy được gọi là Trời hay Ngọc Hoàng. Như vậy, hình tượng nhân vật trung tâm được kể trong truyện rất tiêu biểu, điển hình, rất sinh động, lôi cuốn.
3. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 3
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia đúng như nhận định của Nguyễn Du. Người phụ nữ dù được sinh ra trong gia đình thuộc thành phần giai cấp nào, dù tốt đẹp nết na cũng đều cùng chung số phận “bạc mệnh” như nhau. Số phận hẩm hiu đáng thương ấy đã được các nhà văn phản ánh lại trong tác phẩm của mình.
Có lẽ tiêu biểu nhất là Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, một tác phẩm nổi tiếng của thế kỉ XVI (Trong tập Truyền kì mạn lục). Đây là một tác phẩm có giá trị sâu sắc về nhiều mặt và đã gây được cảm xúc trong lòng người đọc ở mọi thế hệ.
Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc. Xã hội thời ấy là một xã hội loạn lạc, chiến tranh xảy ra liên miên đã làm cho cuộc sống của người dân thật điêu linh khốn khổ. Vì vậy mà họ rất chán ghét chiến tranh. Qua buổi tiễn đưa Trương Sinh ra trận, với những lời dặn dò của bà mẹ, lời tâm sự của Vũ Nương với chồng, ta cũng thấy được thái độ kinh sợ chiến tranh của người dân lúc bấy giờ.
Chính chiến tranh đã làm cho vợ phải xa chồng, cha phải xa con... và nó còn là nguyên nhân gây ra bao nỗi bất hạnh cho người 1 vợ nữa. Trương Sinh đi lính, Vũ Thị Thiết ở nhà một mực thủy chung với chồng, thay chồng gánh vác hết mọi công việc gia đình: sinh con, chăm sóc mẹ chồng, lo toan mọi công việc trước sau. Mẹ chồng bệnh lo thuốc thang, mẹ mất lo ma chay, cúng tế đàng hoàng.
Vậy mà khi chồng trở về, nàng chưa được vui sum họp lại gặp tai họa bất ngờ. Bởi anh chồng thất học lại có tính đa nghi, ghen tuông mù quáng chỉ nghe theo lời đứa trẻ ngây thơ không biết xét suy đã vội nghi oan cho vợ. Chỉ vì “cái bóng” vô hình mà Vũ Nương bị mắc oan. Nỗi oan động đất trời lại không thể giãi bày được cùng ai. Bởi cái lễ giáo phong kiến, cái thế lực nam quyền không cho phép người phụ nữ được lên tiếng minh oan. Họ không có một quyền hành gì cả, không được ai bênh vực hay chở che. Cuối cùng nàng phải mang mối oan tình xuống dòng nước bạc.
Số phận của người phụ nừ trong xã hội phong kiến là như thế đó! Sợi dây lễ giáo trói buộc người phụ nữ, họ phải mang số phận “bạc mệnh” đến hết cuộc đời. Thậm chí khi được giải oan, dẫu Vũ Nương rất thương nhớ chồng con nhưng cũng không thể nào trở lại cõi trần được vì nơi đó luôn gieo tai họa cho người phụ nữ. Đây là một chi tiết mang giá trị tố cáo cao.
Nó khẳng định được bản chất xấu xa của xã hội phong kiến, một nhà tù giam hãm cuộc đời của người phụ nữ suốt bao thế kỉ. Cả tác phẩm là một bức tranh hiện thực sinh động phản ánh được thân phận đáng thương của người phụ nữ trong xã hội xưa kia.
Đằng sau nỗi khổ của Vũ Nương, ta còn thấy tấm lòng nhân đạo đáng quý của nhà văn. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương trân trọng người phụ nữ, Nguyễn Dữ tập trung ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người con gái Nam Xương: đảm đang, hiếu nghĩa, thủy chung. Khi chồng đi lính, nàng một mình làm hết cả vai trò của chồng lẫn vợ không một chút than vãn: nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ già.
Nàng luôn giữ trọn đạo hiếu đối với cha mẹ, phụng dưỡng mẹ chồng như mẹ ruột. Đối với chồng, trước sau nàng vẫn giữ trọn nghĩa tình. Biết chồng vốn tính đa nghi, “nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa”. Khi bị chồng nghi oan, không thể giãi bày được, nàng đã lấy cái chết để chứng thực nghĩa tình của mình.
Lời nguyện thề của Vũ Nương trước khi chết cũng chứng tỏ được tấm lòng trong trắng, thủy chung của nàng. “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Vũ Nương tin ở tấm lòng thủy chung trong trắng của mình nên sau khi chết đã được như lời nguyền.
Tiết nghĩa của người con gái Nam Xương như thế! Câu chuyện càng thương tâm, tấm lòng nàng lại càng sáng tỏ. Vũ Thị Thiết là hiện thân của tâm hồn cao đẹp. Trong lòng nàng như không hề gợn một mảy may vẩn đục nào ngoài lòng yêu thương chồng, thương con. Tinh thần nhân đạo của tác phẩm còn bộc lộ rõ rệt trong việc phản ánh nỗi oan của Vũ Nương. Trong khi chế độ phong kiến coi thường quyền sống của người phụ nữ, không hề quan tâm đến nỗi khổ của họ, nguyện vọng của họ, thì truyện ngắn này đã đề cập tới nỗi khổ ấy, xót thương đến nỗi oan ấy.
Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ còn đề cao một khát vọng của họ: được tôn trọng. Sau khi vợ chết không chỉ chàng Trương hiểu ra nỗi oan của nàng và lập đàn giải oan, mà tấm lòng trong sáng thủy chung ấy, nỗi khổ ấy còn cảm động đến thần linh. Hình ảnh “Vũ Nương ngồi kiệu hoa, theo sau đó có hơn năm mươi chiếc xe, cờ tán võng lọng rực rỡ” thật là đẹp đẽ. Đó là phần thưởng, là niềm an ủi cho nàng. Đồng thời nó cũng thể hiện được ước mơ của tác giả, của nhân dân ta ngày xưa.
Bên cạnh đó, truyện còn có nhiều thành công về mặt nghệ thuật.
Đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện giàu kịch tính. Những chỗ thắt nút, mở nút, bất ngờ mà vẫn hợp lí. Người đọc bất ngờ vì những câu nói ngây thơ của đứa trẻ lần đầu gặp cha, sửng sốt và thương tâm trước cái chết của người vợ, càng bàng hoàng khi đọc đến chi tiết: đứa con chỉ bóng cha in trên vách mà nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!”. Thì ra nguyên nhân nỗi đau khổ, nỗi oan ức của một con người, sự tan nát của một gia đình chỉ vì một “cái bóng” qua lời nói của trẻ thơ. Chính chi tiết đó làm nỗi oan nổi rõ lên với tất cả cái bi thảm của nó.
Các nhân vật trong truyện tuy chưa thật sự có cá tính rõ rệt nhưng cũng biểu hiện được với một vài đặc điểm khá sắc sảo: đứa trẻ thì vô tư, người vợ thảo hiền thủy chung cam chịu, người chồng vừa nóng nảy hay ghen lại vừa cả tin nhẹ dạ. Truyện lại kết hợp chất hiện thực với những yếu tố hoang đường kì diệu gây hứng thú cho người đọc.
Tuy nhiên do được viết bằng chữ Hán, với những cách diễn đạt bóng bẩy và ít nhiều công thức, ngôn ngữ của truyện còn gây cho ta cảm giác thiếu tự nhiên ta chưa biết được thực sự lời nói của cha ông ta ngày ấy. Nhưng dẫu sao, đây cũng là một truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam có những thành công sắc sảo.
Tóm lại, Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện tình đầy oan khuất. Qua truyện, ta hiểu được sự bất công phi lí của xã hội phong kiến đã đem đến nỗi đau khổ cho người phụ nữ đẹp trong văn chương Việt Nam thế kỉ XVI làm sáng ngời phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Dẫu đã trải qua nhiều thế kỉ, nhưng thời gian vẫn không làm giảm đi giá trị của tác phẩm văn học đặc sắc này. Tác phẩm là một trong những viên đá đầu tiên đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà lớn văn xuôi Việt Nam.
4. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 4
Nếu “Nam quốc sơn hà” được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc thì “Bình Ngô Đại Cáo” xứng đáng được tôn xưng như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai. Bằng ngòi bút và tư tưởng vượt trước thời đại của mình, Nguyễn Trãi đã tạo nên một thiên anh hùng ca, vừa có giá trị văn học vừa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà quân sự tài ba, đóng góp quan trọng cho việc thành lập nhà Lê mà ông còn là một nhà thơ với sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Ông để lại tiếng thơm cho đời bởi những tư tưởng nhân nghĩa ông gửi gắm trong từng tác phẩm của mình. Tiêu biểu trong số ấy là “Bình Ngô Đại Cáo” ra đời vào mùa xuân năm 1482, tựa một bản tuyên ngôn hùng hồn của dân tộc. Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi thay vua Lê Lợi thảo bản cáo này để tuyên bố sự thắng lợi của quân và dân ta. Nhan đề tác phẩm có nghĩa là: bài cáo quan trọng tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô (tên gọi hàm ý khinh bỉ thay cho giặc Minh).
Trước hết, Nguyễn Trãi đặt ra tiền đề lí luận cho những lí lẽ của mình. Ông đi vào khẳng định cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc. Nếu trong Nho giáo, nhân nghĩa là mối quan hệ giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lí thì đến Nguyễn Trãi, ông đã tiếp thu và mở rộng phạm vi nhân nghĩa ra:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Nhân nghĩa không chỉ là việc làm cho dân hạnh phúc (“yên dân”) mà còn cả việc trừ bạo tàn, diệt những kẻ làm dân khốn đốn (“trừ bạo”). Đây hoàn toàn là một lời khẳng định đanh thép về bản chất của ta và địch: ta chính nghĩa, địch phi nghĩa. Qua đó còn thể hiện sự tuyên bố về quốc gia và chủ quyền. Nguyễn Trãi đã tài tình nêu ra một loạt các dẫn chứng thuyết phục cho chân lí độc lập không thể chối cãi của dân tộc: có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, có phong tục phong phú và lịch sử lâu đời,… Song hành với đó, các từ “từ trước”, “đã lâu”, “vốn xưng”, “đã chia” góp phần củng cố thêm sự tồn tại hiển nhiên của đất nước ta. Bản thân Nguyễn Trãi cũng có ý thức về chủ quyền độc lập cao độ khi dùng phép so sánh ngang bằng khi so sánh triều đại Đại Việt ta và triều đại Trung Hoa. Trong khi vua phương Bắc trước nay chỉ gọi vua ta là “Vương” (chức cai quản một vùng đất nhỏ) thì Nguyễn Trãi khẳng khái gọi “Đế” (danh gọi vua của một nước). Chỉ một chữ đó thôi nhưng cũng thể hiện lòng kiêu hãnh của một nước nhỏ về diện tích lãnh thổ nhưng không hề nhỏ về lòng tự tôn dân tộc. Các danh tướng của giặc lần lượt được liệt kê chỉ thêm tô đậm lời cảnh cáo về kết cục của kẻ chống lại chân lí: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô bị bắt sống,… Tư tưởng nhân nghĩa làm tiền đề cho lời tuyên bố về chủ quyền của một quốc gia và chắc chắn rằng dòng giống con Rồng cháu Tiên sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ vững quyền tự do độc lập đó.
Soi chiếu lí luận vào thực tiễn, hình ảnh nhân dân ta quằn quại đau đớn dưới gót giày thống trị của giặc Minh không khỏi khiến người đời xót xa:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.
Nặng thuế khoá sạch ko đầm núi
Vét sản vật, bắt dò chim sá, chốn chốn lưới chăng
Nhìu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cặm đặt
Tàn hại cả giống côn trùng, cây cỏ
Tan tác cả nghề canh cửi…
Người bị ép xuống biển, dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi, đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Nặng nề những nỗi phu phen
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng”
Nguyễn Trãi đã vạch trần sự bịp bợm, giả dối của những kẻ cướp nước với ý đồ xâm lược nước ta (“nhân”, “thừa cơ”) mà lại giao giảng những thứ đạo lí lừa đời. Chúng bóc lột nhân dân ta đến kiệt cùng: tàn sát người vô tội, vơ vét tài nguyên, phá hoại môi trường,… Một sự hủy diệt tàn bạo khiến trời đất cũng phải căm phẫn. Hình ảnh phóng đại “Trúc Nam Sơn ko ghi hết tội nước Đông Hải ko rửa hết mùi” với sự ví von tội ác của giặc trước sự vô cùng vô tận của tự nhiên thêm phần khẳng định tội ác không thể nào gột rửa của kẻ thù. Dường như trong lồng ngực chúng không còn là trái tim, là dòng máu của một con người mà là khối sắt không có cảm giác. Chúng như những con quỷ khát máu lúc nào cũng nhe nanh đi đòi mạng những người dân lành. Câu hỏi tu từ mở ra cũng là lúc thái độ nhân dân phẫn uất đến cùng cực:
“Lẽ nào trời đất dung tha
Ai bảo thần dân chịu được”
Vũ trụ ngàn năm còn chẳng xuôi lòng trước bàn tay độc ác của quân thù nữa là người dân!
Như một kết quả tất yếu khi nước tràn li, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã nổ ra, đòi lại hòa bình cho đất nước. Mở đầu là hình tượng vị anh hùng Lê Lợi “áo vải”:
“Ta đây
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình”
Xuất thân từ nông dân, mang theo lòng căm thù giặc sâu sắc, con người tài trí hết mực ấy một lòng thực hiện lí tưởng cao cả. Quên ăn, quên ngủ, cả trong mộng cũng lo việc nước nhà không thành. Những câu văn khắc sâu thêm ý chí, lòng quyết tâm vì đại nghĩa của một vị chủ tướng vừa có tâm vừa có tài, hết lòng vì đại cuộc. Giai đoạn phản công và giành thắng lợi được tác giả sử dụng phép liệt kê nhằm nhấn mạnh thêm không khí chiến đấu sôi sục và sự chiến thắng giòn giã của ta. Đối lập với chiến thắng tất yếu ấy là sự thất bại nhục nhã ê chề của giặc:
“Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lí An, Phương Chinh nín thở cầu thoát thân.”
Ở giai đoạn hai, quân ta mở chiến dịch tiến quân ra Bắc. Giặc thì huy động tổng lực cố thủ, ta thì hừng hực quyết thắng. Bằng cách nói cường điệu, Nguyễn Trãi đã khiến người đọc có ấn tượng sâu sắc về sự ác liệt của trận chiến, sự thất bại nhục nhã của giặc Minh:
“Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc âm quân giặc: Trần Hiệp đã phải bêu đầu.
Mọt gian kẻ thù: Lí Lượng cũng đành bỏ mạng.”
Nghệ thuật phóng đại (“thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”) khiến người đọc có ấn tượng sâu sắc về sự ác liệt của trận chiến cũng như sự bại vong của giặc Minh. Với tấm lòng nhân nghĩa nghìn đời, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” thì quân và dân ta chọn cách ứng xử nhân đạo với những kẻ cướp nước bại trận:
“Thần vũ chẳng giết hại thể lòng trời ta mở đường hiến sinh,
Mã Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến bể vẫn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn tim đập chân run.”
Ta không cần phải đuổi cùng giết tận, Nguyễn Trãi thực sự thanh cao khi biết việc bây giờ không phải khiến mất thêm bất kì sinh mạng nào mà cần tập trung lo cho binh sĩ, lo cho nhân dân sau những ngày binh đao dồn dập.
Niềm tin của nhân dân sau những ngày đại thắng thêm vững mạnh. Nguyễn Trãi thay mặt vua Lê, tuyên cáo với toàn thiên hạ rằng đất nước đã hoà bình, mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc – kỉ nguyên độc lập, tự do:
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới.”
Giọng điệu vô cùng hào sảng, hình ảnh về tương lai đất nước chưa bao giờ ngời sáng hơn thế. Vua dân chung một lòng lạc quan về sự nghiệp xây dựng đất nước. Vậy là trên mọi miền quê, dưới mỗi mái nhà, độc lập, tự do và sự yên bình đã thực sự trở lại. Cuối cùng, Nguyễn Trãi không quên nhắn gửi lời biết ơn chân thành tới ông cha ta:
“Âu cũng nhờ trời đất tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”
Thật vậy, ““Bình Ngô Đại Cáo” là một áng văn chương hùng tráng, với hơi văn cuồn cuộn.” Tác phẩm ngùn ngụt chí khí khẳng định chân lí độc lập của dân tộc và lời tuyên bố thành lập triều đại mới. Lòng yêu nước, chiến thuật quân sự đúng đắn đã khiến quân thù phải khiếp sợ mà lui. Nguyễn Trãi bằng ngòi bút điêu luyện của mình, đã vận dụng tài tình thể cáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất chính trị và chất văn chương. Biện pháp liệt kê, phóng đại cũng được đan xen triệt để, tạo nên những hiệu quả nghệ thuật thật tuyệt vời.
“Bình Ngô Đại Cáo” thực sự là một áng thiên cổ hùng văn. Qua đó, Nguyễn Trãi thể hiện rõ ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền độc lập dân tộc, khẳng định truyền thống yêu nước ngàn đời. Khí thế ấy còn vang vọng trong bài ngâm bên sông như Nguyệt hôm nào:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
(Nam quốc sơn hà)
5. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 5
Chiến tranh qua đi, để lại biết bao mất mát tổn thương. Đó không chỉ là những nỗi đau về vật chất mà còn là nỗi đau về tinh thần. Như vết cứa rất sâu vào trái tim của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Truyện ngắn Người ở bến sông Châu là một truyện ngắn như thế, thấm đượm giá trị nhân văn và tình yêu thương, ca ngợi con người mà đặc biệt là những người phụ nữ.
Câu truyện xoay quanh về nhân vật dì Mây. Cô gái trẻ trung xinh đẹp, tóc dì đen dài, óng mượt "Dì đẹp gái nhất làng, có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”. Trước khi đi xung phong dì có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San. Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn. Hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy chú dì vào cảnh người mỗi ngả chia li cách biệt. Có thể thấy chiến tranh, bom đạn thật tàn nhẫn khi đã đẩy họ vào hoàn cảnh tách biệt.
Khi từ chiến trường bom đạn chờ về. Dì Mây bị đạn phạt vào chân, phải đi tập tễnh, bằng chân giả. Tuy nhiên nỗi đau thể chất đó không thấm vào đâu khi ngày dì trở về cũng là ngày dì phải chứng kiến người đàn ông mình yêu thương, nghĩ tới nhiều nhất, người đàn ông mà dì viết tên hằng ngày vào cuốn nhật kí ở Trường Sơn đã đi lấy người phụ nữ khác. Thử hỏi làm sao dì có thể chịu đựng được cú sốc tinh thần dã man tới vậy, lòng người con gái giờ đây là sự hụt hẫng, bàng hoàng, trớ trêu và đầy tuyệt vọng. Nhưng trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó ta vẫn thấy được sự kiên cường, mạnh mẽ của dì Mây. Thái độ của dì rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị “Mây, chúng ta sẽ làm lại” của chú San. Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ. Có thể thấy dù đau đớn, tuyệt vọng nhưng dì vẫn nén vào trong, dì là đại diện cho phẩm chất kiên cường của những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh và bom đạn
Ở dì Mây còn nổi bật lên phẩm chất tốt bụng, vị tha và bao dung. Khi dì Mây nghe tin cô Thanh vợ chú San khó sinh cô Thanh đẻ thiếu tháng lại tràng hoa quấn cổ dì đã ngay lập tức giúp đỡ không hề suy nghĩa, đắn đo điều gì. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, để mẹ tròn con vuông.
Có thể thấy dì Mây hiện lên với rất nhiều những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, dì đại diện cho những người con gái Việt Nam sẵn sàng hi sinh thầm lặng, đánh đổi cả thanh xuân tuổi trẻ và hạnh phúc của cá nhân mình vì những điều lớn lao khác.
6. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 6
Nhà thơ lừng danh người Mỹ Ralph Emerson từng có câu nói rất hay rằng: “Yêu cái đẹp là thường thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật. Nhưng biết trân trọng cái đẹp mới là người nghệ sĩ chân chính.” Có lẽ từ lâu nhà văn Nguyễn Tuân đã sớm thấm nhuần tư tưởng trên mà cả cuộc đời ông là một chặng đường say mê đi tìm cái đẹp thanh cao, cái đẹp của chuẩn mực tạo hoá. Tác phẩm Chữ người tử tù của ông đã khắc hoạ rất thành công chân dung vẻ toàn mỹ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì nó vẫn luôn toả sáng và trường tồn với thời gian.
Nguyễn Tuân (1910 – 1987) xuất thân trong một gia đình Nho giáo, quê ông ở làng Mọc nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguyễn Tuân là nhà văn lớn có đóng góp vô cùng quan trọng cho nền văn học Việt Nam hiện đại, cả đời ông say mê đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để từ đó thổi hồn vào trong các tác phẩm của mình những làn gió mới, những vẻ đẹp nhân văn cao đẹp. Các tác phẩm chính của ông gồm có : Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Sông Đà (1960),… Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 tên tạp chí Tao Đàn, sau đó được in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tử tù. Hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, lỗi lạc với ý chí hiên ngang, bất khuất, cho dù là chí lớn không thành nhưng ông cũng không bao giờ gục ngã, vẫn giữ cho mình tâm hồn thanh cao trước cảnh ngục tù tối tăm, u uất.
Thành công của một tác phẩm truyện ngắn là đến từ tình huống truyện đặc sắc, đó chính là chiếc chìa khóa thúc đẩy cốt truyện dâng lên cao trào như cách mà Nguyễn Minh Châu từng nói đó là: “Tình thế của câu chuyện, là khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”. Chữ người tử tù cũng là một câu chuyện như thế, Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật của mình vào nghịch cảnh trớ trêu, cuộc hội ngộ giữa hai thế lực đối lập. Một bên đại diện cho con người tài hoa khí phách, một bên là quyền lực tăm tối của xã hội phong kiến. Cuộc gặp gỡ diễn ra đầy kịch tính, lôi cuốn người đọc, cuối cùng vẻ đẹp thiên lương tao nhã đã thắng thế trước sự xã hội tàn bạo, xấu xa.
Chữ người tử tù xây dựng thành công tuyến nhân vật chính diện, họ là trung tâm đại diện cho cái đẹp thanh cao trong tâm hồn, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù thực tại xã hội có dở bẩn ra sao cũng không thể nào làm vướng bẩn nhân cách thiên lương của họ. Trước tiên là hình tượng Huấn Cao – một vị anh hùng sa cơ, thất thế ông là người lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh đòi lại công bằng cho chính mình. Ấy thế mà trong con mắt của chế độ phong kiến ông lại bị gọi là kẻ “phản nghịch”, kẻ cầm đầu nguy hiểm cần phải tiêu diệt. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Tuân sáng tạo hình tượng Huấn Cao dựa trên nguyên mẫu Cao Bá Quát – một người tài hoa, nghệ sĩ, tinh thần quả cảm và đặc biệt là có tài viết chữ đạt đến độ tuyệt mỹ. Huấn Cao là cách gọi kính trọng, là một người mang họ Cao giữ chức huấn đạo – chức quan trông coi việc học ở một huyện.
Nguyễn Tuân khắc hoạ vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao qua nhiều bình diện để thấy được cái vẻ đẹp thanh cao đạt đến chân – thiện – mỹ của một người tài hoa bậc nhất. Trước tiên, nhà văn miêu tả Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa, lừng danh khắp chốn. Ông xuất hiện gián tiếp trong câu chuyện của viên quản ngục và thầy thơ lại, là người mà “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, không những thế ông còn có tài “bẻ khoá và vượt ngục”. Huấn Cao hiện lên trong tác phẩm quả là một người “văn võ song toàn”, hội tụ tất cả những khí chất của một người anh hùng tài ba. Tác giả giới thiệu Huấn Cao với lối miêu tả gián tiếp là hoàn toàn có dụng ý khéo léo, chu toàn ông muốn để cho nhân vật của mình xuất hiện một cách tự nhiên mà không đường đột, từ đó cho người đọc thấy được hình tượng nhân vật phi thường tiếng thơm đã truyền đi khắp nhân gian, khi nhắc đến tên tuổi cả viên quản ngục hay thầy thơ lại đều đã từng nghe qua. Cái tài hoa, nghệ sĩ của ông Huấn cao còn được bộc lộ rõ nét nhất khi viên quản ngục bất chấp hiểm nguy, chỉ với hy vọng có được chữ của ông, chữ ông “đẹp lắm, vuông lắm” chỉ cần có một đôi câu đối của Huấn Cao treo trong nhà coi như là “y đã mãn nguyện” bội phần, dường như trên đời sẽ chẳng có gì có thể làm cho viên quản ngục hạnh phúc hơn thế nữa.
Huấn Cao còn là vị anh hùng với khí phách hiên ngang ngút trời, dù lâm vào cảnh tù đày đối diện với án tử nhưng ông chẳng một chút sợ hãi vẫn giữ cho mình nhân cách thanh cao, không nhún nhường trước cường quyền táo bạo. Trước lời giễu cợt của bọn lính cai ngục, Huấn Cao im lặng “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng” một hành động dứt khoát như là lời cảnh báo chắc nịch của người tử tù với bọn nha sai hách dịch, cậy quyền. Trong ngục tù tăm tối ông thản nhiên, ung dung “nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình”, thật là hiếm có người tù nào sắp chết mà vẫn giữ thái độ điềm nhiên, bình thản được như Huấn Cao. Chẳng sợ cường quyền, khinh bạc chế độ xã hội tàn bạo dù biết trước sẽ phải đối đầu với một trận “lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo” thế nhưng người anh hùng cũng chẳng thể dối lòng “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là ngươi đừng đặt chân vào đây” Câu nói thẳng thừng như gáo nước lạnh tạt thẳng vào bộ mặt phong kiến.
Nguyễn Tuân còn miêu tả người anh hùng kiên cường mang tấm lòng thiên lương cao cả. Huấn Cao từ thuở sinh thời không bao giờ ham phù hoa, danh lợi mà bán chữ. Đời ông cũng chỉ viết có “hai bộ tứ bình và một bức trung đường” cho những người bạn tri kỷ. Ông quan niệm cái đẹp thanh cao phải được trao cho đúng người mới phát huy được hết giá trị của nó. Huấn Cao đã bị cảm động trước sự đối đãi chân tình “biệt nhỡn liên tài” của chủ tớ Viên quản ngục. Tấm lòng nhân hậu không muốn phụ “một tấm lòng trong thiên hạ”.
Ngoài nhân vật trung tâm Huấn Cao, Nguyễn Tuân còn xây dựng thêm một tuyến nhân vật viên quản ngục, một người yêu thích cái đẹp, tâm hồn tài hoa nghệ sĩ nhưng lại bị lạc vào chốn nhơ bẩn, dung tục. Nhà văn xây dựng đồng thời hai nhân vật chính diện song song soi chiếu cho nhau tỏa sáng với vẻ đẹp tâm hồn tao nhã. Viên quản ngục dường như chọn nhầm nghề, ông là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Như cách mà tác giả nói “Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã”. Thật đáng trân trọng sống giữa một xã hội rối ren, loạn lạc mà vẫn giữ cho tâm hồn mình không vị vùi lấp trong bùn lầy, ông còn còn biết trân trọng cái đẹp, biết nể trọng người tài, là người dũng cảm bất chấp hiểm nguy.
Vào một đêm hoang vắng, tại trại giam tỉnh Sơn đã xảy ra “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Trong buồng giam tăm tối, chật hẹp, mùi ẩm mốc bốc lên, xung quanh là đầy nhưng mạng nhện giăng, mùi hôi thối của phân chuột, phân gián. Trong không khí khói tỏa, ngọn lửa đỏ rực của ngọn đuốc đang cháy hừng hực. “Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”, viên quản ngục “khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”, vị thế nhân vật dường như đổi dời người nắm quyền thế bỗng dưng khép nép, kính cẩn trước một tử tù. Cái đẹp không lẻ loi đơn độc, nó không tồn tại cùng cái xấu xa mà chiến thắng chúng, nhân đạo hoá những tâm hồn đang vướng bụi trần giúp họ thức tỉnh, tìm lại con người nhân nghĩa vốn có của mình.
Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân là một thiên truyện đã đạt “gần tới sự toàn diện, toàn mỹ”. Tác phẩm thể hiện phong cách nghệ thuật tài tình của nhà văn, tạo dựng thành công tình huống truyện độc đáo, khắc họa tính cách nhân vật qua thủ pháp đối lập, tương phản gay gắt, ngôn ngữ trang trọng giàu hình ảnh sinh động. Qua truyện, tác giả đã khẳng định sự tồn tại vĩnh cửu của cái đẹp, thể hiện lòng yêu nước thầm kín của Nguyễn Tuân.
7. Nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm văn học - mẫu 7
Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập “Vang bóng một thời” chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống.
“Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên “Dòng chữ cuối cùng”, sau in thành sách đổi thành “Chữ người tử tù”. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.
Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.
Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.
Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.
Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.
Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.
Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.
Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.
Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sắc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.