Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị

Văn mẫu: Phân tích bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích tác phẩm Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị

Một đêm khuya trên bến Tầm Dương, trong hơi thu quạnh quẽ, gió thổi đìu hiu, bờ lau xào xạc đã diễn ra một cuộc tiễn đưa “người xuống ngựa, khách dừng chèo…”. Chén quỳnh đưa tiễn nhiều lưu luyến. Một khung cảnh đầy chất thơ: dòng sông, con thuyền, vầng trăng, đôi bạn thơ. Không gian, thiên nhiên, cỏ cây, gió thu, hơi thu như thấm một nỗi buồn man mác. Hồn Đường thấm vào, quyện vào những vần thơ thất ngôn và thơ song thất lục bát, réo rắt du dương trầm bổng, đọc lên một lần đâu dễ quên?

"Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,

Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu,

Người xuống ngựa, khách dừng chèo,

Chén Quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc, ti”.

Khách và chủ đang bâng khuâng "ngại khi chia rẽ” lòng khao khát được nghe một tiếng sáo, tiếng đàn “nhớ chiều trúc, ti” thì bỗng đâu, lúc đó tiếng tỳ bà vẳng lại. Dòng sông như mênh mông hơn. Vầng trăng thu như trong và sáng hơn.Một hình ảnh nên thơ: "Nước mênh mông đượm vẻ gương trong”. Trước đây, Tản Đà thích thú và khen câu thơ này là "tuyệt cú Tiếng đàn tì bà mới huyền diệu làm sao, đã làm cho “chủ khuây khỏa lại, khách dừng giằng”.Như níu giữ và mênh mang mênh mang… Cuộc tiễn đưa giữa đôi bạn tri âm lại là sự mở đầu cho cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động giữa một giai nhân và một tài tử.

Giữa đất trời sông nước trăng thu ấy, không hẹn mà nên, cuộc gặp gỡ giữa thi nhân và kĩ nữ qua khúc đàn tì bà đã diễn ra vô cùng cảm động. Thi nhân “dời thuyền ghé lại thăm tình ” cất tiếng hỏi: "sẽ ai đàn tá? ”, kĩ nữ “dừng dây tơ nấn ná làm thinh”.Câu thơ trữ tình mang tính kịch đầy xúc động! Thi nhân ân cần “mời mọc mãi”, người đẹp tần ngần, chín mười phần bỡ ngỡ. Sự xuất hiện của mĩ nhân được tả ít gợi nhiều:

"Tay ôm đàn che nửa mặt hoa,

Vặn đàn mấy tiếng dạo qua,

Dầu chưa nên khúc tình đà thoáng hay".

Nhiều bẽn lẽn. Tiếng đàn tì bà đã “thay mật thay lời” giao duyên.

Mỹ nữ xuất hiện trong phút đầu gặp gỡ chưa ai rõ thân phận nàng như thế nào, nhưng qua dáng điệu và cử chỉ bỡ ngỡ, ngượng ngùng, mày chau, tiếng tơ của khúc dạo đàn, ta có thể đoán được một tâm trạng, một cuộc đời không chút bình thường của người kĩ nữ mà nhà thơ gặp gỡ đêm nay. Tiếng dạo đàn giãi bày bao nỗi buồn u uất. Thần thái của tiếng đàn kĩ nữ được cảm nhận một cách tinh tế. Bạn tri âm không hẹn mà gặp. Nhà thơ phải là một tài tử sành điệu cầm, kì, thi, họa mới có cái tai Chung Tử Kì ấy:

“Nghe não nuột mấy dây buồn bực,

Dường than niềm tấm tức bấy lâu.

Mày chau tay gảy khúc sầu,

Giãi bày hết nỗi trước sau muôn vàn”.

Cảm xúc như nén chặt trong đáy sâu tâm hồn của một con người tài sắc bạc mệnh được “giãi bày” qua âm sắc, giai điệu tì bà với bao “buồn bực”, "tấm tức”, “nghe não nuột” như khóc như than. Câu thơ "Mày chau tay gảy khúc sầu” là một nét tâm trạng đầy bi kịch.

Thành tựu nổi bật nhất trong tỳ bà hành là nghệ thuật miêu tả tiếng đàn. Trong bữa tiệc hoa trên bến Tầm Dương, thính giả của kĩ nữ là một tài tử văn nhân rất sành nhạc, đặc biệt hơn, còn có một cuộc đời, một nỗi niềm cay đắng, trải qua nhiều thăng trầm, trôi nổi giống như kĩ nữ.

Lần thứ nhất, khúc tiền tấu được tả từ xa, mơ hồ trong sương khói Tầm Dương.

Lần thứ hai, tiếng đàn được tả trong mọi cung bậc, giai điệu và cảm xúc, nỗi niềm của hai tâm hồn đa tài, đa cảm.

Ngón tay ca nữ “buông bắt" lướt trên phím đàn, hai khúc nhạc cung đình Nghê Thường, Lục Yêu vang lên. Câu thơ gợi lên trước mắt ta người đang đàn là một nghệ sĩ tài ba hiếm thấy:

"Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt,

Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu”

Mười bốn câu tiếp theo, Bạch Cư Dị sử dụng một chuỗi 9 ẩn dụ so sánh để ca ngợi âm sắc giai điệu tiếng đàn Tì bà của kĩ nữ.

Tiếng đàn biến hóa kì ảo, lúc thì ào ào như mưa rào, lúc thì nỉ non thủ thỉ như lời tâm tình:

"Dây to nhường đổ mưa rào,

Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng”.

Tiếng đàn lúc cao thấp, lúc trầm bổng, trong vắt như hạt châu nảy trên mâm ngọc, như tiếng chim oanh ríu rít trong ngàn hoa:

“Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy

Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu,

Trong hoa oanh ríu rít nhau… ”

Tiếng Tì bà đang như “nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh” thì bỗng “ngừng đứt”. Kĩ nữ diễn tấu "dấu lặng” trong bản đàn một cách thần tình. Người dự tiệc và ngồi nghe đàn đều “ngẩn ngơ" trước sự huyền diệu của suối âm thanh qua ngón diễn tấu điêu luyện tài hoa:

"Nước suối mạnh dây mành ngừng đứt

Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ

Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ,

Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”.

Tiếng đàn như sầu thương, như giận dữ, làm mê say, đắm đuối lòng người. Bốn ẩn dụ cuối, là biến thái của giai điệu tì bà như nước tuôn trào ra khỏi bình bạc vỡ, rầm rập như đoàn quân thiết kị xung trận, như tiếng đao khua trên chiến địa, như tiếng xé lụa vang lên… Hình ảnh nào cũng thần tình, câu thơ nào cũng đẹp, cũng "thanh tao”. Ngôn ngữ thơ tràn ngập âm thanh:

“Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,

Ngựa sắt giọng xô xát tiếng đao;

Cung đàn trọn khúc thanh tao,

Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây… ”

Trong suối âm thanh tì bà, ngoại cảnh (dòng sông, con thuyền, bầu trời, vầng trăng thu) như ru hồn trong mộng tưởng, say đắm, bâng khuâng, tất cả đều “lặng ngắt” tận hưởng dư âm tỳ bà. Khung cảnh hiện lên qua một nét vẽ đầy chất thơ. Sông như thêm mênh mông hơn. Ánh trăng như trong xanh hơn. Con thuyền như đắm chìm trong giấc mộng đêm thu:

"Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt

Một vầng trăng trong vắt dòng sông”.

Lấy ngoại cảnh để biểu cảm âm thanh của tiếng tỳ bà là một thủ pháp nghệ thuật tinh tế, điêu luyện của Bạch Cư Dị. Các nhà thơ Việt Nam đã kế thừa sáng tạo. “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ…” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). “Mây hồng ngừng lại sau đèo – Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi” (Tiếng sáo Thiên thai – Thế Lữ).

Tóm lại, đọc tỳ bà hành qua bản dịch thơ của Phan Huy Vịnh (?) ta vô cùng sảng khoái trước những vần thơ réo rắt, trầm bổng, u hoài… Giữa kỹ nữ và thi nhân không chỉ có mối liên tài mà còn là đôi bạn tri âm. Bao nhiêu âm thanh là bấy nhiêu tấc lòng, bấy nhiêu tình đời cay đắng, u uất.

Qua bản đàn vừa được diễn tấu, kĩ nữ và thi nhân hầu như không còn "khoảng cách” nữa, hai người trở thành đồng điệu, tri âm. Ngôn ngữ thơ từ miêu tả chuyển thành tự sự. Hai câu tả dáng điệu khép nép, đau buồn của nàng là một nét vẽ phác qua có thần:

“Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,

Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời”.

Kĩ nữ nói về cuộc đời nàng. Đã có một thời oanh liệt, vàng son “giáo phường đệ nhất chỉ đào chép tên Tài sắc của nàng từng làm mê đắm bao công tử vương tôn một thời. Chìm đắm trong truy hoan, tuổi xuân vung phí:

“Năm… năm lần nữa vui cười,

Mải trăng hoa chẳng đoái hoài xuân thu”.

Như đóa hoa sớm nở tối tàn, cuộc đời kĩ nữ phôi pha: sắc đẹp phai tàn, người dì chết, đứa em trai ra lính, tình duyên hẩm hiu "thân già mới kết duyên cùng khách thương”. Kết cục nàng vẫn sống trong cô đơn, trong lạnh lẽo trên con thuyền giữa mênh mông sông nước:

"Thuyền không đậu bến mặc ai,

Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng”.

Hình ảnh con thuyền, vầng trăng, dòng nước trong câu thơ mang ý nghĩa tượng trưng cho thân phận một kiếp phù hoa cô đơn của các kĩ nữ trong cuộc đời. Lời thơ buồn não nuột.

Sau lời tâm sự là suối lệ tuôn trào, nuối tiếc một thời xuân sắc rực rỡ. Lần thứ hai, thi sĩ làm rõ thêm tâm cảnh kĩ nữ:

“Đêm khuya sực nhớ vòng tuổi trẻ,

Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen”…

Có thể nói lời tâm sự của kĩ nữ cùng với tiếng đàn tì bà của nàng là hai nốt trầm, bổng của hợp âm trong hãn đàn “bạc mệnh” của một giai nhân.

Bạch Cư Dị đã dùng 20 câu thơ nói lên tâm sự của mình. Nghe đàn, rồi nghe kỹ nữ giãi bày tâm sự, thi nhân lòng nặng trĩu buồn thương:

"Nghe đàn ta đã chạnh buồn,

Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời”

Nhà thơ thương người rồi xót xa thân phận mình bị trôi giạt "Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai”, cay đắng đang sống buồn tẻ nhạt thảm trong cô đơn nơi xa xôi hoang vu quạnh vắng. Những câu thơ miêu tả tâm trạng đau buồn của một ông quan bị thất thế, một thi nhân đa tài đa cảm mang nặng nỗi đau đời làm ta nhớ mãi:

"Sông Bồn gần chốn cát lầm

Lau vàng trúc võ âm thầm quanh hiên”

Sống giữa nơi “cuốc kêu sầu, vượn hót véo von" mượn chén rượu nhạt giải sầu, thi nhân vô cùng xúc động khi nghe tiếng tì bà ngỡ là đang được thưởng thức “tiên nhạc”Nỗi đau như được xoa dịu:

"Tỳ bà nghe dạo canh khuya,

Dường như tiên nhạc gần kề bên tai”.

Giọng thơ buồn thương. Thi sĩ khóc mình cũng là khóc người. Giai nhân, tài tử tương ngộ. Khóc cho số phận, khóc cho tài năng, khóc cho một đời tài hoa mà nhiều cay đắng lận đận. Nhạc điệu thơ song thất lục bát diễn tả tuyệt hay, làm đẹp thêm nhiều lần hồn thơ nguyên tác. Có thể mượn ý câu thơ Kiều nói lên điệu tâm hồn của Bạch Cư Dị trong đêm tiệc hoa ấy: "Ai tri âm đó…”

Lần thứ nhất, tiếng tì bà vang lên từ xa "nghe vẳng bên sông ” hòa với hơi thu, vớt tiếng lau lách đìu hiu.

Lần thứ hai, tiếng tì bà réo rắt với bao thanh âm huyền diệu nhặt khoan, sầu thương… giữa tiệc hoa.

Lần thứ ba, tiếng tỳ bà ai oán rung lên cuối tiệc rượu. Cảm tạ lòng tri âm mà kỹ nữ “lại lựa phím đàn kíp dây”. Tiếng đàn càng trở nên thê lương hơn, sầu não hơn với cả tấm lòng đồng điệu. Tiếng đàn hay quá nghe mãi cũng không chán, nghe đến tàn canh vẫn còn muốn nghe. Hơn thế nữa, cuộc hội ngộ đêm nay đối với thi nhân, mãi mãi là một kỷ niệm, mối duyên nợ tài tử – giai nhân: "sẽ vì nàng soạn sửa bài ca… Tiếng đàn tha thiết, não nuột làm cho “khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi”, trong đó chàng Tư mã cảm động nhất:

“Lệ ai chan chứa hơn người,

Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh”.

Tiếng đàn kĩ nữ, chén rượu tiệc hoa, giọt lệ trên màu xanh lam – chiếc áo của quan Tư mã trong đêm thu Tầm Dương mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho số phận bi kịch nhiều đắng cay và chim nổi của khách tài tử, giai nhân trong cuộc đời.

Tiếng đàn tì bà của kĩ nữ, cuộc đời trôi nổi của một giai nhân, bước thăng trầm của ông quan Tư mã, tâm hồn một tài tử văn nhân… bấy nhiêu tình ý được Bạch Cư Dị tạo nên một bài thơ tuyệt tác. Khung cảnh buồn, cảnh ngộ buồn, tâm sự buồn… đã làm cho bài thơ thấm lệ. Tình cảm nhân đạo, giá trị nhân văn của bài thơ chính là ở chỗ đó. Chủ đề số mệnh của tài tử giai nhân ta đã gặp nhiều trong thơ văn cổ, nhưng trong bài tỳ bà hành, nó được diễn tả dưới cái “tôi” trữ tình nên càng trở nên xúc động thấm thía, vì những lời tâm sự của kĩ nữ và thi nhân là chân thực, sâu sắc.

Thưởng thức tỳ bà hành qua bản dịch của một nhà thơ Việt Nam trong thế kỉ XIX, ta cảm nhận được một phần nào cái "Hồn Đường” tuyệt diệu. Tỳ bà hành là một bài thơ trữ tình mang yếu tố tự sự. Bi kịch cuộc đời của tài tử, giai nhân được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ cổ kính, trang nhã, hàm súc và chứa chan u hoài. Nghệ thuật tả tiếng đàn của Bạch Cư Dị điêu luyện, tuyệt vời, cổ kim ít ai sánh kịp. Đọc những câu thơ tả tiếng đàn, ta mới vỡ lẽ ra thế nào là cái hay của Đường thi, thế nào là cái đẹp của nhạc điệu thơ song thất lục bát của dân tộc ta.

Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu Phân tích bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 và các tác giả - tác phẩm Ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm