Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

VnDoc.com xin gửi tới các bạn bài viết Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện (Chủ đề và nhân vật trong tác phẩm truyện), bao gồm dàn ý chung hướng dẫn cách làm, bài văn mẫu tham khảo. Mời các bạn cùng tham khảo để có thêm tài liệu làm bài văn mẫu lớp 10 nhé.

I. Dàn ý chung viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện

A. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.

B. Thân bài

- Khái quát chủ đề của truyện

- Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật.

- Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống.

(Lưu ý: Việc khái quát chủ đề và phân tích nhân vật có thể thay đổi trật tự, tuy nhiên cần đảm bảo tính chặt chẽ, hợp lí trong lập luận và bố cục bài viết).

C. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận.

II. Bài văn mẫu nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm truyện

1. Phân tích đánh giá tác phẩm truyện Vang bóng một thời

Đề bài: Phân tích, đánh giá tác phẩm truyện trong tập “Vang bóng một thời” - Nguyễn Tuân. (Báo oán - Khoa thi cuối cùng)

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc, có phong cách độc đáo đã tự vươn lên để khẳng định vị trí của mình trên văn đàn. Sau hơn 60 năm cống hiến cho hoạt động nghệ thuật Nguyễn Tuân đã say sưa đi và viết không hề biết mệt mỏi, ông để lại một gia tài đồ sộ với nhiều tác phẩm và nhiều thể loại phong phú, trong đó phải kể đến các tác phẩm truyện ngắn mà nổi bật là tập truyện sáng tác trước Cách mạng tháng Tám “Vang bóng một thời”. Một “ngọn gió lạ” xuất hiện trong tập truyện ngợi ca cái đẹp cổ truyền của người Việt đó là “Báo oán” - câu chuyện mang tính chất kì ảo, gợi nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc.

Truyện Báo oán” (Khoa thi cuối cùng) kể về cuộc báo thù của một oan hồn, khiến ông Đầu Xứ Anh bị hỏng thi ở khóa trước. Nguyên do là lúc trước, ông cụ thân sinh đã để một nàng hầu tự ải khi cô có thai sáu, bẩy tháng. Oan hồn báo cho ông biết rằng cái ân oán sẽ còn theo mãi nếu Đầu Xứ Anh còn dự thi.

Trong truyện Báo oán, nhà văn đã xây dựng một không gian hiện vừa thực vừa kỳ ảo, ma quái xen lẫn. Đó là một không gian hiện thực trong khoa cử, không gian của trường thi với khung cảnh trời mưa, sân trường lầy lội. Xen lẫn vào đó là không gian kỳ ảo, ma quái của oan hồn hiện về báo oán làm hai anh em Đầu Xứ hỏng thi: “Một thứ gió u hiển thổi thốc mãi vào bãi trường, nghe lào xào như có tiếng người chen chúc và chạy vào choán chỗ. Những cây nến cháy vạt ngọn bỗng tắt phụt hết. Không gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu của muôn loài… Tiếng loa đồng xoáy sâu vào màn mưa lạnh...”. Ở đây, những từ ngữ như: u hiển, thốc, tắt phụt hết, đìu hiu cho người đọc cảm giác ghê rợn. Khung cảnh trường thi được Nguyễn Tuân đã miêu tả thật kỳ dị, linh thiêng.

Trong truyện Báo oán nhà văn còn đề cập đến tệ nạn nơi trường thi, phòng thi, sự đồi bại của xã hội cũ. Nguyễn Tuân lấy câu chuyện từ quá khứ để minh chứng cho điều đó: “Ở cuốn lịch niên hiệu Duy Tân thập niên, bìa vàng nhòe nét son dấu kim ấn tòa Khâm Thiên Giám, thấy tiết thu phân và ngày lập thu đã qua lâu rồi”. Vẫn là trở về với quá khứ nhưng ở đây nhà văn sử dụng những yếu tố thời gian tâm tưởng, sử dụng những yếu tố huyền ảo để nói về hiện tại, lên án xã hội đương thời: “Lúc sinh thời, cụ Huấn đẻ ra ông đã phạm vào một việc thất đức [...] cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một nàng hầu tài hoa nổi tiếng một thời”. Vì thế mà ân oán ấy vẫn theo đuổi hai anh em ông Đầu Xứ nếu họ tiếp tục đi thi. Nhà văn đã kể lại một câu chuyện từ mấy chục năm trước và mượn chuyện oan hồn để nói về xã hội phong kiến mục ruỗng, một chốn quan trường lũng đoạn, tệ nạn mua quan bán tước, không biết trọng dụng nhân tài.

Bằng sức tưởng tượng phong phú và ngòi bút tài hoa, Nguyễn Tuân đã khiến người đọc như nhìn thấy linh hồn của người phụ nữ trở về đòi món nợ tiền kiếp: “Một người đàn bà trẻ, xõa tóc, ẵm con, hiện ngay dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu gào giữ dịt lấy tay không cho viết. Gào khóc chán người đàn bà ấy lấy mớ tóc xoã quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên và cười sằng sặc, lấy nghiên mực đổ vào quyển ông”. Khóa thi cuối cùng, người anh động viên Đầu Xứ Em đi thi với mộng ước công danh bảng vàng. Cũng như anh, người em đi thi lại gặp phải sự việc tương tự: Đầu Xứ Em tự nhiên nghe tiếng cười lanh lảnh, rồi lại mớ tóc xoã, người đàn bà cất tiếng the thé, ông đau bụng dữ dội rồi gục xuống, phải bỏ dở bài thi. Hai anh em ông Đầu Xứ nổi tiếng hay chữ nhất vùng Sơn Nam hạ, đành ngậm ngùi ca thán “thi không ăn ớt thế mà cay” khi nàng hầu của cha họ thề báo oán.

Qua nhân vật ma nữ kỳ ảo trong truyện, nhà văn muốn phản ánh đầy đủ về hiện thực khoa thi Mậu Ngọ, từ cảnh sĩ tử mang lều chõng ra đi, đến cảnh sĩ tử bì bõm tại trường thi, lễ cúng tam sinh... Nguyễn Tuân đã đưa ra thực trạng không thể hiểu nổi của xã hội không tạo điều kiện cho những con người thông minh, tài hoa được phát triển khả năng cá nhân. Đó là chốn quan trường đầy tệ nạn, một xã hội không trọng dụng nhân tài. Con người chỉ biết cam chịu chấp nhận định mệnh đó như một tất yếu, không thể vùng vẫy hay làm khác được. Đó là sự bế tắc trong tư tưởng – “một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát”. Có thể nói, đây là một áng văn chương hay, một tài liệu giá trị về trường thi Nho học lúc suy tàn.

2. Phân tích đánh giá truyện Nữ thần lúa

Thần thoại Việt Nam là một thể loại cũng mang phong cách huyền huyễn tương tự truyền thuyết, tuy nhiên nó lý giải những điều bình thường và thực tế hơn. Cũng chính vì vậy, những truyện này gần gũi đối với người dân lao động. Hình ảnh cây lúa nước trong những truyện thần thoại Việt Nam rất đa dạng, được sáng tạo nên từ nhiều bàn tay nghệ nhân xây dựng. Đặc biệt, truyện nữ thần Lúa là một truyện thần thoại vô gần gũi với những dân tộc ít người tại Việt Nam.

Trong truyện, nữ thần Lúa được xây dựng là con gái của Ngọc Hoàng, người đứng đầu tam giới. Sau khi con người sinh sôi nảy nở dưới mặt đất, nữ thần Lúa là người ban phép cho nhân gian, tạo ra hạt nảy mầm, kết bông mẩy hạt nuôi sống loài người. Tuy nhiên, do con người thiếu hiểu biết và không tôn trọng thần, người bắt con người phải lao động để kiếm được hạt cơm.

Trong đoạn đầu, nữ thần Lúa được thần tượng hóa, trở thành một vị thần có đầy sức mạnh. Người cũng vô cùng yêu thương con người, tạo ra miếng cơm và còn để cho “lúa chín tự về nhà mà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả”. Cuộc sống ấy chính là cuộc sống mà con người hiện nay mơ ước, không cần đối phó thiên tai mà vẫn có được những hạt lúa mẩy. Và “Cần ăn, cứ ngắt bông vào nồi là lúa sẽ thành cơm.”

Tuy nhiên, cuộc sống như vậy không kéo dài được lâu. Và thứ hủy hoại đi sự tốt đẹp này lại là do con người. Người phụ nữ trong truyện làm trái với tục lệ, không dọn dẹp và còn tỏ ra cáu giận với những bông lúa đang về nhà. Điều đó làm vị thần tức giận, “nhất định không cho lúa bò về nữa.” Từ đây, con người phải đi cắt lúa, phơi phóng rồi xay giã mới có thể tạo ra được hạt gạo để thổi cơm.

Hình ảnh người phụ nữ ẩn dụ ở đây ám chỉ phái nữ mà người thời đó quan niệm, những người dễ cáu giận và hay tính toán chi li, dễ làm hỏng việc. Tuy rằng nghĩa này khiến rất nhiều người tỏ ra bất bình, nhưng đây cũng là một trí tưởng tượng của người xưa trong việc bông lúa không tự về nữa.

Sau câu chuyện, ta còn thấy chi tiết “Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật.” Đó chính là cỏ. Tuy nó cũng có một phần giúp ích cho cuộc sống của người và vật, nhưng cũng giải thích được việc khi có cỏ thì lúa chậm phát triển. “Do đó mà ở trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khoẻ còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón, làm cỏ thì bị cỏ át mất.”

Cũng như hiện thực, trong quá trình vun vén, con người hiện nay phải chăm bón và bỏ ra rất nhiều công sức. Sau đó, quá trình để “đưa” hạt lúa về cũng không hề dễ dàng nữa. Quá trình cắt lúa, phơi lúa, xay xát đều mất nhiều thời gian và sức người. Cũng do lỗi lầm trong quá khứ đó, cuộc sống cần nhiều sức lao động hơn.

Tuy nhiên, nếu để ý bạn sẽ thấy ngữ điệu kể chuyện không có sự khó chịu hay tức giận. Họ chấp nhận việc này và cũng chấp nhận phải lao động. Thần thoại Nữ thần Lúa sử dụng nhiều hình ảnh gợi hình, những chi tiết huyền ảo vô cùng hấp dẫn. Nhân vật trong truyện khi xây dựng đều có sự thần thánh hóa, trở thành những vị thần có sức mạnh đúng theo mô típ trong truyện thần thoại.

Nữ thần Lúa là một câu chuyện thần thoại vô cùng đặc sắc với nhiều giá trị nghệ thuật. Câu chuyện giải thích về quá trình thu về hạt lúa - hạt ngọc của trời. Qua đây, ta cũng có thể thấy được những người nông dân ngày xưa, tuy quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng trí tưởng tượng của họ lại vô cùng phong phú.

3. Phân tích đánh giá truyện Thần Sét

Thần thoại Việt Nam là một thể loại cũng mang phong cách huyền huyễn tương tự truyền thuyết, tuy nhiên nó lý giải những điều bình thường và thực tế hơn. Cũng chính vì vậy, những truyện này gần gũi đối với người dân lao động. Hình ảnh bầu trời với những tia sét trong những truyện thần thoại Việt Nam rất đa dạng, được sáng tạo nên từ nhiều bàn tay nghệ nhân xây dựng. Đặc biệt, truyện thần Sét là một truyện thần thoại vô gần gũi với dân tộc tại Việt Nam.

Thần sét là một trong những tướng lĩnh tài giỏi của Ngọc Hoàng. Thần có bộ mặt mũi nanh ác và luôn quát tháo dữ dội. Ngoài ra tính nết của Thần Sét cũng vô cùng nóng đẩy. Chính vì vậy đôi khi Thần đã làm cho cả người và vật phải chết oan. Có một điểm yếu của thần là thần rất sợ tiếng gà và trong một lần giao tranh, thần Sét đã bị Cường Bạo Đại Vương đánh bại.

Mỗi câu chuyện thần thoại lại mang đến cho chúng ta những kiến thức về các hiện tượng tự nhiên. Khi chúng ta đã đọc truyện Thần trụ trời, thần gió, thần mưa thì chắc chắn không thể nào quên thân Sét.

Với cốt truyện đơn giản và quen thuộc. Kể về cuộc sống, công việc của thần Sét. Sét là một tướng lĩnh của Ngọc Hoàng. Ngoại hình của thần Sét chắc chắn sẽ để lại cho chúng ta rất nhiều ấn tượng mặt mũi rất nanh ác, tiếng quát tháo thì rất dữ dội.

Công việc của thần Sét đó chính là chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian, hành động của thần phản ánh sự thịnh nộ của Ngọc Hoàng. Thần Sét sẽ dùng lưỡi búa của mình khi xử án.

Câu chuyện còn giúp chúng ta giải thích hiện tượng tự nhiên về việc mùa đông chúng ta sẽ ít khi gặp được hiện tượng Sét vì thần Sét lúc đó sẽ ngủ đông khoảng hai đến ba tháng. Và sét đánh xuống sẽ khiến cho cây cối, vật nuôi và cả con người đều sẽ chết oan. Vì tính tình của thần rất nóng nảy.

Truyện Thần Sét có đầy đủ đặc điểm của một câu chuyện thần thoại. Và thực hiện đúng những chức năng của mình.

4. Phân tích đánh giá truyện Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập “Vang bóng một thời” chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống.

“Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên “Dòng chữ cuối cùng”, sau in thành sách đổi thành “Chữ người tử tù”. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.

Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.

Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.

Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.

Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.

Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sắc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

5. Phân tích đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người

Trong thế giới huyền bí của thần thoại Hy Lạp, truyện "Prô-mê-tê và loài người" không chỉ là một câu chuyện đơn thuần, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa và triết lý. Qua cách viết tinh tế và sự sáng tạo độc đáo, câu chuyện không chỉ là một lời giải đáp cho sự hình thành của con người và muôn vật, mà còn là một bức tranh về lòng dũng cảm và lòng trung hiếu, về sự đổi mới và hy vọng.

Truyện kể về việc Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê, hai vị thần với sức mạnh vô song, đã nặn ra con người và muôn loài vật trên Trái Đất. Trong quá trình tạo dựng, thần Prô-mê-tê đã truyền cho con người ngọn lửa, biểu tượng của tri thức và sự sống, làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ấm áp và sáng sủa. Đồng thời, truyện còn nói về sự thiếu sót và những sai lầm của thần Ê-pi-mê-tê, điều này nhấn mạnh sự không hoàn hảo của con người và sự cần thiết của việc sửa sai để tiến xa hơn.

Ngoài ra, "Prô-mê-tê và loài người" còn chứa đựng thông điệp sâu sắc về sự đổi mới và sức mạnh của kiến thức. Bằng việc trao cho con người ngọn lửa, Prô-mê-tê không chỉ làm cho cuộc sống trở nên thuận lợi hơn mà còn mở ra cánh cửa cho sự phát triển văn minh, khoa học và nghệ thuật. Ngọn lửa ấy không chỉ là nguồn sáng, mà còn là nguồn năng lượng để con người khám phá thế giới, tìm hiểu về mình và xây dựng nên những nền văn minh phong phú.

Truyện "Prô-mê-tê và loài người" không chỉ là một phần của di sản văn hóa của Hy Lạp, mà còn là một câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc cho thế giới hiện đại. Nó nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của tri thức, lòng dũng cảm và lòng trung hiếu, làm cho chúng ta nhận ra giá trị của việc học hỏi và đổi mới, và khuyến khích chúng ta không ngừng tìm kiếm sự sáng tạo và khám phá trong cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện về Prô-mê-tê và ngọn lửa không chỉ là một phần của quá khứ, mà còn là nguồn động viên cho tương lai, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình và về thế giới xung quanh.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 1

    Xem thêm