Dưới bóng hoàng lan - Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật

DƯỚI BÓNG HOÀNG LAN - TÁC GIẢ, HOÀN CẢNH SÁNG TÁC, GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT

VnDoc.com gửi tới bạn đọc bài viết Dưới bóng hoàng lan - tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật. Bài viết cung cấp các thông tin về tác giả Thạch Lam bao gồm tiểu sử, hành trình sáng tác và quan niệm nghệ thuật; hoàn cảnh sáng tác và giá trị nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan". Mời bạn đọc tham khảo.

A. TÁC GIẢ

1. Cuộc đời

- Thạch Lam sinh ngày 7/7/1910 tại ấp Thái Hà - Hà Nội.

- Khi mới sinh, tên ông là Nguyễn Tường Sáu, đến khi đi học tại trường Cẩm Giàng thì khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, năm 15 tuổi vì cần thêm tuổi để thi vượt cấp ông lại khai sinh lại và lấy tên là Nguyễn Tường Lân, cái tên đó giữ nguyên cho đến khi nhà văn qua đời.

- Ngoài bút hiệu Thạch Lam ông còn một số bút danh khác như Việt Sinh, Thiện Sĩ.

- Tuổi thơ Thạch Lam sống ở quê ngoại phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Cả thời thơ ấu của ông gắn liền với phố huyện nhỏ bé này và cũng từ những kỷ niệm này mà nhà văn đã đưa vào trang văn của mình những truyện ngắn thành công.

- Một tuổi thơ nhọc nhằn cộng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm Thạch Lam sớm mắc căn bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất tại “nhà cây liễu” vào ngày 27 tháng 6 năm 1942, lúc mới 32 tuổi, khi đang còn trong độ tuổi rực rỡ trên văn đàn.

=> Thạch Lam đã sống một đời văn quá ngắn ngủi nhưng những tác phẩm văn chương của ông thì còn mãi.

2. Sự nghiệp

* Hành trình sáng tác:

- Năm 1932, Nhất Linh thành lập Tự lực văn đoàn, từ đây Thạch Lam bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình. Ông sáng tác bài cho các báo Phong Hóa, Ngày Nay,… với đủ thể loại truyện, tùy bút,… Song đương thời, sách của ông bán không chạy nhưng những truyện ngắn của ông vẫn mang phong cách riêng, một lối viết tinh tế, nhẹ nhàng, đậm chất thơ, không chạy theo thị hiếu thời thượng của người đọc.

- Chỉ trong một khoảng thời gian cầm bút ngắn ngủi ông đã để lại 35 truyện ngắn sau đó được tập hợp thành 3 tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (Xuất bản 1937); Nắng trong vườn (Xuất bản 1938); Sợi tóc (Xuất bản 1942)

Ngoài ra ông còn có một tiểu thuyết Ngày mới (1939), tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943) Theo Dòng, tiểu luận văn học (1941). Ông có bốn tập Sách Hồng viết cho thiếu nhi với bút danh Thiện Sĩ Quyển Sách (1940), Hạt Ngọc (1941), Hai chị em Lên chùa.

* Quan niệm nghệ thuật:

- Sáng tác của Thạch Lam là hành trình “tìm kiếm cái đẹp bị đánh mất”, suốt đời “chắt chiu cái đẹp”.

=> Đó là cái đẹp của cuộc sống, của tâm hồn con người (đặc biệt là những người lao động nghèo khổ).

- “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

- Thạch Lam đòi hỏi rất cao phẩm chất trung thực của người nghệ sĩ. Ông viết: “Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật. Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi”.

* Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam:

- Những sáng tác của ông viết về thế giới nội tâm của nhân vật, thường chú ý miêu tả những trạng thái tình cảm, những biến cố tâm lí của nhân vật.

=> Đi sâu vào khám phá các trạng thái tâm lí, thế giới nội tâm, tinh thần. Nhân vật của ông thiên về cảm xúc, suy nghĩ.

- Thường viết về những người nghèo khổ với nỗi lòng thương cảm, qua đó thể hiện sự đồng cảm, trân trọng với những kiếp người lam lũ, vất vả.

- Nhiều truyện ngắn của ông dường như không có cốt truyện, song vẫn có sức lôi cuốn riêng.

- Sáng tác của Thạch Lam giàu chất thơ, và đọc ông, đời sống bên trong có phong phú hơn, tế nhị hơn; chúng “đem đến cho ngƣời đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu” (Nguyễn Tuân)

- Ngôn ngữ văn chương điêu luyện, trau chuốt, không cầu kì, giản dị, trong sáng thuần Việt.

- Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình; buồn thương ngậm ngùi

3. Một số nhận định, đánh giá

- Ông “có một ngòi bút lặng lẽ và điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút đó chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những tình cảm, những cảm giác con con nảy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người mà ông tả một cách tinh vi”. (Vũ Ngọc Phan)

- “Sự thực tâm hồn mà Thạch Lam diễn trong lời của văn chương phức tạp nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương”. (Thế Lữ)

- “Chất liệu văn chương Thạch Lam chỉ gồm cuộc sống dĩ vãng và sự rung động tâm hồn tác giả” (Thế Uyên)

B. TÁC PHẨM

1. Tóm tắt tác phẩm

“Dưới bóng hoàng lan” kể về chàng trai Thanh - mồ côi cha mẹ, ở với bà từ nhỏ, chàng trở về gặp lại ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa có cây hoàng lan, gặp lại người bà hiền hậu và cô gái xinh xắn từng chơi đùa với mình thuở ấu thơ, sau hai năm xa cách. Hôm sau, Thanh ra đi mang theo những kỉ niệm đẹp đẽ và dịu êm, cùng với hương hoàng lan thoang thoảng, ngọt ngào.

2. Hoàn cảnh sáng tác - xuất xứ

- In trong tập truyện ngắn Sợi tóc - 1941, (NXB Đời nay, Hà Nội) gồm các truyện ngắn đăng trên báo Ngày nay từ năm 1939, 1940 khi Thạch Lam bắt đầu bị bạo bệnh.

3. Giá trị nội dung

- “Dưới bóng hoàng lan” là áng văn êm đềm về kỉ niệm của hai bà cháu, câu chuyện tình cảm đẹp đẽ giữa Thanh và Nga; những giây phút bình lặng bên gia đình, quê hương thân thuộc.

=> Câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng.

- Đồng thời, tác phẩm cũng đã khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hướng, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.

4. Giá trị nghệ thuật

- Cốt truyện của “Dưới bóng hoàng lan” rất đơn giản, không có những tình tiết li kì, gay cấn.

- Lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, đậm tính trữ tình, in đậm dấu ấn riêng của Thạch Lam. Lời kể đảm nhiệm nhiều chức năng: giới thiệu, miêu tả nhân vật (nhất là những biểu hiện tinh tế trong tâm trạng); tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt; thể hiện điểm nhìn từ người kể chuyện và điểm nhìn từ nhân vật; tạo giọng điệu riêng cho tác phẩm;…

- Lối ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh và cảm xúc.

-------------------------------------------------------

Trên đây là bài viết Dưới bóng hoàng lan - tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 10 KNTT tập 2. Bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu trong chuyên mục Văn mẫu lớp 10 KNTT. 

Bài viết có liên quan:

Đánh giá bài viết
15 12.360
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 2

    Xem thêm