Phân tích "Dưới bóng hoàng lan" (Thạch Lam)

VnDoc.com xin gửi tới các bạn bài văn mẫu Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" (Thạch Lam). Mời các bạn cùng tham khảo.

I. Dàn ý phân tích Dưới bóng hoàng lan

A. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam

- Giới thiệu tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan”

- Khái quát chung về chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn.

B. Thân bài

1. Tri thức thể loại

- Khái niệm và đặc trưng thể loại truyện ngắn

- Sự khác biệt trong truyện ngắn Thạch Lam (truyện không có cốt truyện)

2. Phân tích, đánh giá nội dung truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”

- Tóm tắt truyện

- Nội dung truyện ngắn:

+ Tình cảm bà cháu

+ Tình cảm giữa Thanh - Nga

3. Phân tích, đánh giá nghệ thuật truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan

+ Cốt truyện

+ Ngôi kể

+ Lời văn, giọng điệu,...

C. Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật, sức sống của tác phẩm

- Thông điệp bản thân rút ra sau khi đọc tác phẩm.

II. Phân tích tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

1. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 1

Thạch Lam là nhà văn hiện diện trong thời gian không dài trên văn đàn Việt Nam - chỉ khoảng 10 năm nhưng ông vẫn được xem là nhà văn có tầm vóc. Những tác phẩm của ông để lại cho người đọc những cảm xúc, dư vị nhẹ nhàng, thấm đẫm chất thơ, chất trữ tình. Trong số đó, phải kể đến “Dưới bóng hoàng lan”, truyện ngắn kể về lần trở về của nhân vật Thanh sau hai năm xa quê, qua đó thể hiện những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc giữa bà - cháu, giữa Thanh - Nga, cô bạn hàng xóm cùng anh đi nhặt hoàng lan. Không chỉ thành công về mặt nội dung, tác phẩm cũng mang những nét đặc sắc về nghệ thuật, tiêu biểu cho phong cách văn xuôi Thạch Lam.

Nhắc đến truyện ngắn là nhắc đến một hình thức tự sự cỡ nhỏ, tập trung mô tả một mảnh cuộc sống, một vài biến cố trong đời sống nhân vật, thông qua đó bộc lộ rõ nét tính cách, tâm lí của nhân vật. Đặc trưng của truyện ngắn tập trung ở cốt truyện, tình huống truyện , nghệ thuật xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật hay những đặc điểm về không gian, thời gian, chi tiết,... Song, đến với trang văn Thạch Lam, cốt truyện trở thành yếu tố có phần mờ nhạt, tác phẩm của ông là những “truyện không có cốt truyện”“Dưới bóng hoàng lan” là một tác phẩm như thế. “Dưới bóng hoàng lan” không phải là một câu chuyện, cũng không tập trung ở một ý tưởng nào rõ rệt. Câu chuyện không có mở đầu và kết thúc, không có cốt truyện nhưng “có cái gì dịu ngọt chăng tơ đâu đây”, vương vấn trong lòng người đọc.

“Dưới bóng hoàng lan” kể về chàng trai Thanh - mồ côi cha mẹ, ở với bà từ nhỏ, chàng trở về gặp lại ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa có cây hoàng lan, gặp lại người bà hiền hậu và cô gái xinh xắn từng chơi đùa với mình thuở ấu thơ, sau hai năm xa cách. Hôm sau, Thanh ra đi mang theo những kỉ niệm đẹp đẽ và dịu êm, cùng với hương hoàng lan thoang thoảng, ngọt ngào. Câu chuyện Thạch Lam mang đến cho độc giả là một mảnh chuyện đời nhỏ nhoi, bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là những tình cảm đơn sơ, bình dị mà đẹp đẽ, cao cả.

Sau những năm đi tỉnh xa nhà, Thanh được trở về thăm bà và đắm mình trong không gian yên ả, thanh bình dưới bóng hoàng lan, được sống trong cảm giác yêu thương, gần gũi bên bà và những rung cảm trước tâm hồn, vẻ đẹp người thiếu nữ, để rồi hôm sau ra đi trong sự bịn rịn, lưu luyến. Đối với Thanh, quê hương là cả một không gian thơ mộng, cổ tích: một con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, bức tường xanh rêu, bể nước trong giữa mảnh trời tan tác, và hoàng lan. Tất cả đã dẫn dắt tâm hồn người con xa quê trở về với những điều bình dị, mộc mạc, thơm lành. Đó là tình cảm của người bà tần tảo sớm hôm, dịu dàng trìu mến: “... rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào ... Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu, âu yếm và mến thương.” Đó là tình cảm thơ ngây, thuần khiết với cô hàng xóm mà có đôi lúc chàng tưởng như em ruột của mình: Nga. Thanh gặp lại Nga giữa khu vườn có những “búp hoa lý non và thơm rủ trong giàn,... cây hoàng lan cao vút cành lá rủ xuống như chào đón hai người”. Hương hoàng lan dịu nhẹ mà vươn vấn lòng người. Dưới bóng hoàng lan, một tình yêu đã chớm nở: “Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy bàn tay Nga, để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng.”

“Dưới bóng hoàng lan” là một truyện ngắn không có cốt truyện, chỉ như một tình huống tâm trạng, song giàu chất thơ, chất trữ tình bởi tình huống đó đã khơi gợi tâm trạng, cảm xúc nồng nàn, sâu sắc. Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ ba, người kể toàn tri giúp cho việc diễn tả nhân vật, những diễn biến tình cảm trở nên khách quan, cụ thể hơn. Đồng thời, bằng lối ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh và cảm xúc, nhà văn đã đưa người đọc trở về với những miền quê êm đềm, yên ả của nông thôn Việt Nam: “những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió”, “mùi lá tươi non phảng phất trong không khí”, “trời xanh ngắt ánh sáng”, “lá cây rung động dưới làn gió nhẹ”,... Lời văn diễn tả chân thực thiên nhiên, đồng thời thể hiện những rung động, cảm nhận tinh tế của tâm hồn con người.

Dưới ngòi bút đậm chất thơ của Thạch Lam, hòa cũng hương thơm của dàn thiên lý, cây hoàng lan, nổi bật lên hình ảnh những người phụ nữ: một già, một trẻ với tình thương, nỗi nhớ tha thiết dành cho người đi xa. Cảnh vật và tình cảm nơi đây bình dị, đơn sơ nhưng cũng thật đậm đà, trìu mến. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm đã được đánh giá là “đoản thiên thanh tao và trang nhã nhất của Tự lực văn đoàn, của nền văn chương Việt Nam”.

2. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 2

Trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, Thạch Lam chỉ hiện diện chừng non mười năm nhưng vẫn được xem là tác giả văn xuôi có tầm vóc. Sự nghiệp cầm bút tuy ngắn ngủi song cũng đã để lại cho nền văn học nước nhà những dấu ấn riêng. Thạch Lam không theo đuổi những mục đích lớn lao, ông lẳng lặng góp cho đời những câu chuyện bình dị, xinh xắn khiến cho bao thế hệ bạn đọc phải nhớ mãi. Và có lẽ ai đã từng đọc “Dưới bóng hoàng lan” đều khó có thể quên được những xúc cảm rung động nhẹ nhàng, xao xuyến của Thanh và Nga trong cái khung cảnh tĩnh lặng và đầy hương thơm hoa hoàng lan.

Văn bản xoay quanh một lần trở về quê thăm bà của nhân vật Thanh - mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, những hình ảnh quen thuộc hiện lên, và bên cạnh mái tóc của bà, mùi hương hoàng lan nơi vườn và bên tóc mai của Nga khiến chàng trai trẻ xốn xang. Nhưng câu chuyện vẫn khép lại trong cảnh Thanh trở về tỉnh. “Dưới bóng hoàng lan” là áng văn êm đềm về kỉ niệm của hai bà cháu, câu chuyện tình cảm đẹp đẽ giữa Thanh và Nga; những giây phút bình lặng bên gia đình, quê hương thân thuộc. Những kỉ niệm dưới bóng hoàng lan mang đầy hoài niệm, là một hành trang quý giá với Thanh. Câu chuyện không có mở đầu và kết thúc, không có cốt truyện, nhưng “có cái gì dịu ngọt chăng tơ đâu đây” cứ vương vấn trong lòng người đọc.

Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất là bà. Tuổi thơ là một cuộc sống vất vả nhưng luôn tàn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che, nuôi dưỡng của bà. Bà vừa là người cha, người mẹ, cũng là người thân duy nhất của Thanh. Cũng như bao lần, nay Thanh lại trở về ngôi nhà cũ với mảnh vườn xưa mà sao chàng thấy hồi hộp quá, mến thương và cảm động quá. Đối với Thanh, chốn quê là cả một không gian cổ tích: một con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, bức tường xanh rêu, bể nước trong giữa mảnh trời xanh tan tác.. và hoàng lan. Hình ảnh của thiên nhiên trong tác phẩm tập trung trong hình ảnh cây hoàng lan với mùi lá tuơi non, lá cây rung động dưói làn gió nhẹ, thân cây vút cao, hoa hoàng lan còn xanh mà hương hoàng lan thơm ngát... Thiên nhiên, quê hương, chốn yên bình trong trẻo - dẫn hồn người trở về với cái ban sơ, thơm lành và mát dịu. Tâm trạng Thanh khi trở về sau tháng ngày xa cách: vui sướng, hạnh phúc, có cảm giác quen thuộc như chưa bao giờ xa nhà. Tâm trạng ấy cũng là tâm trạng của bao người con xa quê mỗi khi về thăm nhà, tâm trạng khó nói thành lời “Sự yên lặng trầm tịch đến nỗi Thanh trở nên nghẹn họng”. Hình ảnh người bà xuất hiện với “mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào”. Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu”, âu yếm và mến thương, lời nói giản dị, gần gũi,trò chuyện thông thường nhưng đầy trìu mến, yêu thương, quan tâm và lo lắng; hành động đầy chăm sóc: sửa chiếu, xếp lại gối, săn sóc, buông màn, nhìn cháu, xua đuổi muỗi. Thanh thấy mình bé bỏng trở lại, được chăm sóc, được yêu thương, anh càng xúc động trước tình cảm, tấm lòng bao la của người bà, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất.

Khi nhận ra cây hoàng lan, lá cây rung động trong gió, thân cây cao vút lên trời; mùi hương thơm của hoa thoang thoảng bay vào - đó là hình ảnh rất đỗi thân thuộc với thế giới tuổi thơ Thanh. Anh nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với cây hoàng lan hồi ba mẹ anh còn sống, xúc động khi nhận ra cây đã lớn. Thanh cũng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm khi quay về với khu vườn thân quen: thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối bình yên, thân thuộc của gia đình, chốn quê thanh tịnh

Để lại nhiều cảm xúc, dư vị và những suy ngẫm trong lòng người đọc hơn cả là mối tình trong trẻo chớm nở dưới bóng hoàng lan của Thanh và Nga. Thanh gặp lại Nga giữa một khu vườn có “những búp hoa lý non và thơm rủ trong giàn, lẫn vào đám lá …, cây hoàng lan cao vút cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Nga là hàng xóm, quen thân từ nhỏ với Thanh, như một người trong nhà, Thanh có lúc lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình. Cô gái đã lớn, mang hương thơm hoa hoàng lan. Cuộc nói chuyện giữa Nga và Thanh giản dị, đều là những chuyện vụn vặt (“anh chóng lớn quá”, “tôi vẫn thế chứ chứ”). Nga bộc lộ tình cảm của mình qua lời nói: “những ngày em …hái hoa, em nhớ anh” – thật tâm tình, nhẹ nhàng. Sự biến đổi trong tình cảm của hai nhân vật: từ thân mật đến mức Thanh lầm tưởng Nga là em gái ruột, đến việc Thanh đã bắt đầu nhìn đôi môi thắm của Nga, đã nhớ đến hai bàn chân xinh xắn của Nga. Còn Nga đã biểu thị trực tiếp tình cảm của mình thông qua xưng hô “anh - em” và câu “em nhớ anh quá”.

Những biểu hiện tình cảm giữa hai nhân vật gắn liền với hình ảnh hoa hoàng lan. Khi trông thấy bóng cây hoàng lan, Thanh đã nghĩ đến Nga và gọi vui vẻ: “Cô Nga”. Người thiếu nữ cùng vội ngửng đầu và nở nụ cười: “Anh Thanh! Anh đã về đấy à?” Kỷ niệm đáng nhớ là ngày cả hai cùng nhặt hoàng lan rơi: Thanh hỏi cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không, Nga đáp rằng: “Vẫn nhặt đấy. Nhưng không còn ai tranh nữa.” Hai người dẫn nhau xem cây hoàng lan, Thanh như thoảng ngửi thấy hương hoàng lan trên tóc Nga. Trong mùi hoàng lan thoảng thoảng bay, “không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình.” Trong niềm hạnh phúc nhen nhóm ấy, tâm trạng Thanh vẫn chứa sự buồn thương khi vừa gặp nhau, vừa thể hiện tình cảm thì lại sắp phải xa nhau. Tình yêu đầu đời nhẹ nhàng tinh tế, lãng mạn, trong sáng, đáng yêu. Lời chưa ngỏ nhưng ý tình thì nồng nàn. Giữa Thanh và Nga tuy chưa hề có lời tỏ tình, hẹn ước, nhưng trong lòng hai người đã dậy lên những tình cảm khác lạ. Đó là những rung động đầu đời, tươi mới, lạ lùng, bỡ ngỡ. Mọi lời nói, cử chỉ, cảm xúc của họ đều thể hiện sự quan tâm về nhau một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, ngọt ngào và trong sáng. Cây hoàng lan đẹp và thơ mộng, như một chứng nhân chứng kiến sự trưởng thành, lớn lên trong cả hình hài, cảm xúc, tình cảm của Thanh và Nga - dịu dàng, thầm lặng, ngọt ngào, da diết như hương hoa hoàng lan.

Kết truyện, Thanh đứng lại nhìn cây hoàng lan và nhờ gửi lời chào đến Nga. Tâm trạng của Thanh: nửa buồn, nửa vui, cứ nghĩ mãi về Nga cũng như tình cảm của Nga với Thanh. Kết truyện mở, dự đoán tình cảm của Nga và Thanh sẽ còn đẹp mãi, nở rộ và tràn đầy hương thơm như cây hoàng lan.

Về nghệ thuật, cốt truyện của Dưới bóng hoàng lan rất đơn giản, có thể tóm lược trong vài ba dòng, không có những tình tiết li kì, gay cấn. Truyện không lôi cuốn người đọc bằng cốt truyện hấp dẫn. Truyện ngắn này chỉ có một vài nhân vật. Các yếu tố như: lai lịch, ngoại hình, hành động của nhân vật hầu như không có nét gì đặc biệt. Lời nói của nhân vật không nhằm thể hiện cá tính, mà chủ yếu bộc lộ đời sống tình cảm trong các mối quan hệ. Xuyên suốt từ đầu đến cuối là lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, đậm tính trữ tình, in đậm dấu ấn riêng của Thạch Lam. Lời kể đảm nhiệm nhiều chức năng: giới thiệu, miêu tả nhân vật (nhất là những biểu hiện tinh tế trong tâm trạng); tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt; thể hiện điểm nhìn từ người kể chuyện và điểm nhìn từ nhân vật; tạo giọng điệu riêng cho tác phẩm;… Như vậy, lời kể là yếu tố thể hiện rõ nhất nghệ thuật truyện ngắn của Thạch Lam.

Tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” là những cảm xúc chân thành, những giây phút bình lặng bên gia đình quê hương của nhân vật Thanh. Đồng thời ca ngợi câu chuyện tình cảm đẹp đẽ của hai nhân vật Thanh và Nga. Câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Đồng thời, tác phẩm cũng đã khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hướng, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.

3. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 3

Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, cũng là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm 1930- 1945. Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm văn chương của Thạch Lam lại thấm đượm những giá trị nhân văn sâu sắc, những câu chuyện của đời sống vô cùng bình dị được nhà văn đưa vào tác phẩm với những điểm nhấn tạo thành những tác phẩm có giá trị, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bao thế hệ độc giả xưa- nay. Để tìm hiểu về phong cách, tư tưởng của nhà văn Thạch Lam, ta có thể phân tích thông qua truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.

“Dưới bóng hoàng lan” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lan, cốt truyện nhẹ nhàng, khung cảnh làng quê gần gũi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những cái độc đáo, mới lạ mà nhà văn Thạch Lam mang đến, đó chính là hương vị của con người, của tình người. Những tình cảm ngỡ như đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng thầm kín, có sức lay động mạnh mẽ đến tâm thức, trái tim của người đọc, người nghe.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Truyện ngắn còn là một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng đầy chất thơ, thấm đượm hương vị của tình người. Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất của Thanh đó là bà, tuổi thơ của Thanh là một cuộc sống vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà. Do đó, với chàng thanh niên ấy mà nói, người bà vừa là người cha, người mẹ, cũng là người thân duy nhất của anh.

Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”, dù xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê thì ngôi nhà ấy vẫn chẳng có sự đổi thay nào, tựa như tình yêu thương nơi người bà vậy “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Sự tĩnh lặng của căn nhà bỗng gợi lên trong Thanh biết bao tư vị, khiến anh “…trở nên nghẹn họng”.

Chỉ qua những dòng đầu tiên của tác phẩm thôi nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Thanh một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà trên tất cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Vì vậy mà mỗi lần về thăm quê, Thanh không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên “…Khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xã, bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách. Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt phảng phất đâu đây đem đến chàng sự nhẹ nhõm….” Đó là sự nhẹ nhõm của tâm hồn con người luôn yêu quê, hướng về quê hương.

Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị. Theo bước chân Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, cùng trải qua bao trạng thái, cảm xúc, từ bồi hồi, mừng rỡ đến hạnh phúc ngập tràn khi gặp lại người bà. Chỉ một câu nói của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” khiến cho người đọc xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất.

Vì vậy mà dù đã khôn lớn, trưởng thành nhưng khi ở bên bà Thanh luôn cảm thấy mình như một đứa nhỏ, được yêu thương, chăm sóc bởi bà: “Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy, chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng, cũng như những ngày chàng còn nhỏ”. Thế mới nói tình cảm gia đình, mà ở đây là tình bà cháu thật vĩ đại, thiêng liêng, nó làm cho con người ta cảm thấy nhỏ bé, tâm hồn như được trở về tuổi thơ để đón nhận từng cử chỉ, từng quan tâm của những người mà ta yêu quý nhất.

Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”. Sự xa cách của thời gian cũng không thể làm đổi thay những cảnh vật ngôi nhà, càng không tác động được đến thứ tình cảm thiêng liêng, bền vững của tình bà cháu “…Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”.

Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, theo tôi đó chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa. Dù sau đó Thanh vẫn tiếp tục phải lên đường, Nga ở lại, mỗi năm lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Chất thơ của truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” còn được thể hiện rõ nét qua nhân vật người bà. Người bà tuy xuất hiện không hẳn nhiều nhưng qua vài chi tiết, những hành động, những lời nói quan tâm ta có thể cảm nhận trọn vẹn được tình cảm bao la của người ba dành cho người cháu yêu thương của mình. Từ lời quan tâm “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đến lời thúc giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi “ Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?….”. Sợ cháu mệt, bà sửa gối chiếu, dùng phất trần để phủi bụi trên giường, bà giục cháu nghỉ ngơi còn mình thì xuống bếp nấu ăn vì sợ cháu đói.

Người bà quan tâm từng việc nhỏ nhặt nhất của người cháu. Đối với Thanh khi ở bên bà lúc nào cũng có cảm giác được che chở, được quan tâm thì đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “ …Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Tình yêu thương của bà giản dị nhưng thật thiêng liêng, cao quý biết bao!

Từng cử chỉ, hành động của bà đều khiến ta cảm động, bà luôn ân cần chăm sóc cho Thanh “Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi, gió quạt nhẹ trên mái tóc chàng”. Tuy chỉ được miêu tả qua một câu ngăn ngủi nhưng ta dường như còn cảm nhận được ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp, hiền từ của người bà. Ánh mắt ấy là cả trời yêu thương, quan tâm đến đứa cháu làm cho Thanh “..cảm động ứa nước mắt”, còn đối với người đọc như được trở về với những kí ức bên người bà, mỉm cười hạnh phúc với những kỉ niệm thân yêu của chính mình.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.

4. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 4

Nhà văn Nguyễn Tuân đã có những bình phẩm tôn tửu về tác phẩm của Thạch Lam, nói rằng: “Lời văn Thạch Lam tươi đẹp, tràn đầy hình ảnh và tinh tế. Nó tỏa sáng qua từng tiết tấu nhẹ nhàng, bình dị và sâu sắc. Văn của Thạch Lam đọng với những suy tư sâu xa, nó chính là kết quả của một tâm hồn nhạy cảm và những trải nghiệm về cuộc sống.”

Cuốn truyện “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam không phải là một câu chuyện có cốt truyện phức tạp. Thay vào đó, nó là một bức tranh tĩnh lặng về những giá trị gia đình và quê hương, đậm chất thiêng liêng và ấm áp. Trong cuốn truyện này, không có một sự kiện lớn xảy ra, không có một cốt truyện phức tạp. Thay vào đó, chúng ta được dẫn vào cuộc sống bình dị của nhân vật chính, Thanh, và những mảng ký ức đẹp đẽ của anh về tuổi thơ và gia đình.

Khi Thanh trở về quê hương, tâm trạng của anh được miêu tả bằng những hình ảnh tinh tế và cảm xúc sâu sắc. Anh cảm nhận được sự bình yên và xúc động khi bước vào khu vườn quê nhà. Cảm giác của anh khi thấy ánh sáng chiếu qua lá cây, mùi hoa lan, và không gian yên tĩnh là một phần của ký ức và tình yêu đối với gia đình và quê hương. Anh biết ơn những khoảnh khắc bình dị này và tình yêu của gia đình.

Trong tác phẩm, cũng có sự xuất hiện của Nga, một người bạn từ thời thơ ấu, và mối tình nảy nở giữa họ. Mặc dù không có cốt truyện phức tạp, nhưng cảm xúc của Thanh đối với Nga được miêu tả một cách tự nhiên và ngọt ngào. Sự ngại ngùng và tình cảm thương yêu của Thanh đối với Nga được thể hiện qua những chi tiết tinh tế như việc dắt Nga đi thăm vườn hoa và cách anh cầm lấy tay của Nga.

Khi Thanh bước vào nhà và gặp lại bà, anh như bùng cháy trong cảm xúc. Mặc dù đã lớn lên và đi xa, nhưng trước tình yêu thương và sự chăm sóc của bà, Thanh lại trở thành một đứa trẻ bé nhỏ. Điều này thể hiện qua sự đối lập giữa dáng vẻ thẳng thắn của Thanh và cái lưng còng của bà. Tuy nhiên, sự khác biệt này không làm cho Thanh cảm thấy xa cách; thay vào đó, nó mang lại cho anh cảm giác an toàn và che chở. Mỗi lần trở về nhà, Thanh cảm thấy yên bình và thư thái, vì anh biết rằng ở đây, bà luôn đợi anh và yêu thương anh không kiềm nén. Ngôi nhà và khu vườn đó trở thành một nơi mát mẻ và an lành, nơi bà chờ đợi để yêu thương Thanh. Dù đã trưởng thành, trong mắt bà, Thanh vẫn là đứa bé ngày nào. Bà vẫn quan tâm từng chi tiết nhỏ, như phải “phải chiếc phất trần lên đầu giường,” “sửa chiếu và xếp lại gối.” Những hành động này tạo ra một môi trường ấm áp và quen thuộc cho Thanh. Khi Thanh nhớ lại ký ức thời thơ ấu dưới bóng cây hoàng lan, anh cảm thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng như sau một buổi tắm suối.

Cảm xúc của Thanh còn được khuấy động hơn khi anh nhận được tình yêu thương từ bà. Khi bà đi vào phòng, anh giả vờ ngủ để bà không biết anh đã thức. Bà đến gần và bắt đầu “săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi.” Tình thương và quan tâm của bà là điều không thể nào đo bằng từ. Thanh nằm yên, không dám di chuyển, chờ đợi cho đến khi bà rời đi. Tình yêu thương này khiến Thanh cảm thấy xúc động gần như đến mức khóc. Tình cảm này không chỉ phản ánh tình cảm gia đình mà còn thể hiện sự nhạy cảm và tinh tế của Thanh.

Ngoài tình cảm gia đình, tác phẩm cũng thể hiện tình cảm thuần khiết và ngọt ngào của Thanh và Nga. Mặc dù không có cốt truyện phức tạp, nhưng cảm xúc của Thanh đối với Nga được miêu tả tự nhiên và ngọt ngào. Thanh cảm thấy mình trở về với ký ức thơ ấu khi nhìn thấy Nga dưới bóng hoàng lan. Anh không ngần ngại và vui vẻ khi Nga xuất hiện, thậm chí có lúc anh nhầm tưởng Nga là em ruột của mình. Cảm xúc này càng trở nên rõ ràng khi họ đi dưới bóng hoàng lan, và Thanh cảm nhận mùi hương của cây hoàng lan, gợi lên những ký ức đáng nhớ về quá khứ. Trong những khoảnh khắc ấy, Thanh cảm thấy có điều gì đó dịu dàng và ngọt ngào trong tâm hồn, giống như sau khi tắm suối.

Có lẽ, cảm xúc bâng khuâng và lưu luyến của nhân vật Thanh được thể hiện rõ nhất khi anh chuẩn bị rời tỉnh quê. Thay vì ra khỏi ngôi nhà ngay lập tức, Thanh quay lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Trong khoảnh khắc đó, anh cảm thấy một tình cảm kỳ lạ, nửa vui nửa buồn. Anh biết rằng căn nhà vẫn đứng đó, vẫn giữ hình dáng thân quen của bà, luôn mong đợi sự trở về của mình. Thanh cũng không quên Nga, và anh biết rằng cô ấy vẫn sẽ đợi chờ anh, nhưng tình cảm đã từng tồn tại giữa họ sẽ luôn còn mãi trong ký ức.

Hình ảnh cây hoàng lan là một yếu tố quan trọng trong văn bản, và nó mang nhiều ý nghĩa. Cây hoàng lan có thể được hiểu là biểu tượng của vườn nhà, nhưng cũng có thể đại diện cho bà – người có tình yêu thương và che chở như cây hoàng lan tỏa hương thơm và ánh sáng. Cả bà và cây hoàng lan đều gắn liền với những ký ức và trải nghiệm của Thanh. Hoàng lan đã chứng kiến sự trưởng thành của anh và Nga, giống như bà đã chứng kiến sự trưởng thành và thay đổi trong cuộc sống của Thanh. Vì vậy, hình ảnh cây hoàng lan không chỉ là một chi tiết mô tả mà còn chứa đựng sâu sắc những cảm xúc và ý nghĩa của nhân vật.

Bằng ngôn từ tinh tế, lối kể chuyện nhẹ nhàng, giọng văn tha thiết và dịu dàng, tác giả Thạch Lam đã tạo nên một bức tranh sâu lắng về tình cảm gia đình, quê hương và kỷ niệm tuổi thơ. Tác phẩm này đưa người đọc trở lại thời thơ ấu tươi đẹp với hình ảnh một người bà ấm áp và ngôi nhà quê thân thuộc. Nó cũng là một lời nhắc nhở ôn lại những giá trị đơn giản và thiêng liêng của cuộc sống, cũng như tình cảm đáng quý giữa con và cha mẹ, và những người thân yêu chờ đón sự trở về của mình.

5. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 5

Thạch Lam là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ với những tác phẩm nổi tiếng của ông như Hai đứa trẻ, Gió đầu mùa,...Tác phẩm của ông thường có cốt truyện đơn giản hoặc thậm chí không có cốt truyện nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Cũng như vậy, tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam có nội dung xoay quanh chuyến đi về quê thăm bà của nhân vật Thanh, mồ côi cha mẹ và sống với bà từ nhỏ, với cây hoàng lan được trồng ở mái nhà thân thương. Cốt truyện Dưới bóng hoàng lan đúng như phong cách sáng tác của tác giả Thạch Lam, vô cùng đơn giản, nhưng nó đã để lại dấu ấn với người đọc với nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Khi trở về thăm bà, Thanh vô cùng sung sướng và hạnh phúc, cũng như không kém phần xúc động. Thanh cảm nhận khung cảnh yên bình bao lấy mình khi về đến nhà, nào là “con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ”, gió thổi mùi lá tươi non bay, tường hoa thẳng đến cửa nhà, quang cảnh đó tồn tại trong không gian vô cùng yên tĩnh của làng quê. Tất cả những điều dung dị bình yên như vậy đã khiến cho Thanh cảm thấy “bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại bên trên bậc cửa”. Vào đến bên trong nhà, đặt chiếc vali xuống, Thanh nhìn ngắm lại tổ ấm thân thương đã lâu ngày mới được nhìn lại của mình và rồi chàng nghẹn ngào xúc động, mọi thứ vẫn giống y như khi xưa mình đi. Căn nhà được bà chăm nom, giữ gìn cẩn thận để cho Thanh cảm thấy dễ chịu nhất mỗi khi trở về. Thanh bắt đầu gọi bà, bà đang ở trong vườn, nghe được tiếng gọi bà chống gậy trúc đi lên, Thanh mừng rỡ khôn xiết chạy lại gần người bà thân yêu của mình, bà đã già, mái tóc bạc phơ. Với đôi mắt hiền từ và miệng đang nhai trầu, bà nhìn ngắm đứa cháu một cách “âu yếm và mến thương”, rồi bà nói “Đi vào trong nhà không nắng cháu”. Tuy Thanh đã lớn, nhưng vẫn mãi chỉ là một cậu bé trong mắt của bà mình, vẫn được bà yêu thương, lo lắng cho những điều nhỏ bé nhất. Tác giả Thạch Lam đã mang đến cho chúng ta một hình ảnh đối lập thật ý nghĩa, đó là Thanh khi đi bên bà người “thẳng, mạnh”, còn bà thì “gầy còng”, ấy vậy mà Thanh vẫn cảm nhận được bà đang che chở cho mình. Sự vui mừng, hạnh phúc khi được gặp lại nhau của bà cháu Thanh thật đáng quý. Những kỉ niệm từ khi bé đã dần theo dòng kí ức hiện về trong tâm trí Thanh, với bóng cây hoàng lan thơm thoang thoảng trong khu vườn xanh mát. Chàng cảm thấy thân thuộc như chưa hề rời xa ngôi nhà của mình và bà bao giờ, mặc dù thời gian Thanh xa nhà là hai năm. Những vật dụng trong nhà và con mèo già vẫn vậy, tình yêu của bà luôn ở đó, khiến cuộc sống của Thanh như chậm lại và cảm thấy bình yên, thong thả. Bà không nói yêu Thanh, nhưng từng hạnh động, lời nói của bà lại thể hiện điều đó, bà dọn dẹp lại giường, rồi bảo Thanh nghỉ ngơi để bà đi hái rau chuẩn bị cơm cho chàng, bà buông màn, đuổi muỗi cho cháu. Thanh gần rơi nước mắt vì cảm động trước tình cảm bà dành cho mình. Tình bà cháu sâu đậm của Thanh và bà tuy không được miêu tả trực tiếp quá nhiều bằng lời thể hiện tình cảm, nhưng vẫn khiến cho người đọc thấy được tình thân sâu sắc đó, qua những câu văn đầy ý nghĩa của nhà văn Thạch Lam.

Sau khi nghe thấy tiếng người cùng bà nấu cơm dưới bếp nhưng không nhớ ra đó là giọng ai, Thanh ngồi dậy, qua khung cửa sổ nhìn ra cây hoàng lan trong vườn, rồi giật mình nhận ra đó là Nga, người hàng xóm cùng mình lớn lên từ bé, có thể xem như là thanh mai trúc mã. Trong tâm trạng vui sướng, Thanh chạy xuống bếp để gặp Nga, đối với chàng, cô là một người thân mật mà lần nào về mình cũng gặp. Nga được miêu tả là một cô gái xinh xắn, đang đi học vì mặc áo dài trắng, có mái tóc đen nhánh. Những câu trò chuyện khi lâu ngày gặp lại của Nga và Thanh vẫn mộc mạc, giản dị như trước. Đã có lúc, Thanh còn xem Nga như là em gái ruột của mình. Nhưng rồi, lần về này tình cảm của hai người có sự biến đổi, có lẽ, một tình yêu đẹp đang nhen nhóm giữa hai người. Bắt đầu từ việc hai người ra vườn ngắm cây hoàng lan, ôn lại chuyện hồi bé, ngắm nhìn những tia nắng vương trên tóc Nga, tim của Thanh đập nhẹ nhàng. Cho đến tối, sau khi ăn cơm xong, Thanh lại dắt nàng đi thăm vườn, dưới bóng hoàng lan, chàng cảm nhận được mùi hương thơm vấn vương trên mái tóc Nga. Cô đã mạnh dạn bày tỏ trực tiếp tình cảm với Thanh: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Đáp lại câu nói đó, Thanh cũng đã có một lời hứa hẹn khi Nga hỏi bao giờ anh lên tỉnh rằng mai kia anh sẽ về ở đây lâu hơn, đây như một lời hứa hẹn và mong muốn Nga chờ mình của Thanh. Khi tiễn Thanh về đến cổng, không chần chừ gì nữa, Thanh đã dùng hành động thay cho lời tỏ tình, chàng đã nắm lấy tay Nga thật lâu, cho đến khi Nga bảo đi về. Từ lúc đó, tâm hồn Thanh bỗng thấy ngọt ngào, một cảm giác hạnh phúc mới đã xuất hiện ở trong Thanh.

Đến sáng hôm sau Thanh phải lên tỉnh, vali lại nặng những thức quà là tình thương của bà sắp cho. Thanh đi trong cảm xúc vừa vui, vừa buồn. Buồn vì lại phải xa nhà, xa bà, xa người thương để đi xa học hành, lập nghiệp. Nhưng Thanh cũng vui vì Thanh biết mình còn có ngôi nhà thân thương cùng bà kính yêu để trở về khi mệt nhọc và lần này, anh còn có thêm một người đợi mình, với mái tóc vương mùi hoa hoàng lan, chính là cô Nga.

Tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của nhà văn Thạch Lam có cốt chuyện thật giản dị và sâu lắng nhưng lại thành công ghi dấu ấn trong lòng người đọc vì sự tinh tế, dịu dàng trong từng câu chữ đầy tài năng của tác giả. Qua đó, tình thân và tình yêu chân thật được khắc họa thành công qua nhân vật Thanh, bà của Thanh và cô Nga.

6. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 6

Thạch Lam, một nhà văn nổi bật của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là biểu tượng của văn học Việt Nam trong giai đoạn từ 1930 đến 1945. Dù sản xuất văn chương không nhiều, những tác phẩm của ông vẫn nổi bật với giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện cuộc sống đơn giản mà có những điểm nhấn tạo nên những tác phẩm độc đáo và thu hút độc giả qua thời kỳ.

"Được bôi sáng bởi tác phẩm ngắn "Dưới bóng hoàng lan", chúng ta có thể nhìn thấy đặc điểm văn phong và tư tưởng của Thạch Lam. Truyện tập trung vào nhân vật Thanh, quay trở về quê hương để thăm bà và gặp lại những người thân thương. Khung cảnh làng quê gần gũi, nhưng nhà văn Thạch Lam đã mang đến sự mới mẻ và độc đáo, tạo nên một không gian văn hóa và con người đặc trưng. Tình cảm, mặc dù có vẻ đơn giản, lại rất thầm kín, có sức mạnh tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và trái tim của độc giả.

"Dưới bóng hoàng lan" kể về Thanh, một người mồ côi cha mẹ, chủ yếu sống với bà từ nhỏ. Tình thân thương giữa Thanh và bà là trái tim của câu chuyện, mô tả cuộc sống khó khăn nhưng tràn ngập ấm áp và tình yêu thương của bà. Khi Thanh trở về sau thời gian dài ở thành phố, ngôi nhà yêu quý của bà trở nên hoang vắng, nhưng vẫn giữ nguyên bản dạng và sự tĩnh lặng, như một bức tranh của tình yêu không đổi thay.

Tình yêu quê hương của Thanh là một chủ đề rõ ràng, và mỗi lần trở về, anh ta cảm nhận được sự ấm áp của ngôi nhà, nơi mà tình thương và chăm sóc của bà vẫn tràn ngập. Bà là người cha, người mẹ, và đặc biệt là người thân duy nhất của Thanh. Mỗi khoảnh khắc ở bên bà khiến Thanh cảm thấy như mình trở về tuổi thơ, tìm lại được những ký ức thân thương.

Tình yêu giữa Thanh và Nga trong câu chuyện cũng được mô tả một cách nhẹ nhàng, trong sáng và đáng yêu. Mặc dù chưa bao giờ diễn ra bất kỳ lời thổ lộ hay nụ hôn nào, nhưng qua đối thoại của họ, người đọc có thể cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm. Hình ảnh Thanh cài bông hoa hoàng lan lên tóc Nga là một khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế và đầy ý nghĩa. Mỗi khi trở về quê hương, Nga tự cài hoa hoàng lan trên tóc như một cách để giữ lại mùi hương của Thanh, điều này thêm vào sự nhẹ nhàng và sâu sắc của tình yêu trong truyện.

Người bà trong truyện cũng đóng vai trò quan trọng, thể hiện chất thơ của câu chuyện. Bà không xuất hiện nhiều, nhưng qua một số chi tiết và hành động, bà truyền đạt được tình cảm rộng lớn của mình đối với Thanh. Sự quan tâm của bà đến từng chi tiết nhỏ nhất, từ việc dùng phất trần để lau bụi trên giường cho đến việc chuẩn bị ăn cho Thanh, tất cả đều thể hiện tình yêu của bà là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý.

Tóm lại, "Dưới bóng hoàng lan" không chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị mà còn là một tác phẩm tinh tế và sâu sắc của Thạch Lam. Chúng ta được trải nghiệm không gian thư thái, nhẹ nhàng thông qua những kí ức và cảm xúc của nhân vật Thanh, đồng thời cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa của tình yêu quê hương và tình cảm gia đình.

7. Phân tích Dưới bóng hoàng lan mẫu 7

Thạch Lam, một nhà văn danh tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám, là thành viên nổi bật của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ông nổi tiếng với nhiều thể loại văn học, nhưng đặc biệt thành công ở lĩnh vực truyện ngắn. Trong số các tác phẩm của ông, "Dưới bóng hoàng lan" là một tác phẩm mà tôi đặc biệt ưa thích. Bởi vì, trong đó, Thạch Lam đã khéo léo tạo nên những cảm xúc ấm áp và êm dịu cho tác phẩm.

Nhân vật chính là Thanh, một chàng trai mồ côi cha mẹ, lớn lên trong sự quấn quýt với người bà từ nhỏ. Sau khi ra tỉnh làm việc, Thanh thường xuyên về thăm bà trong những dịp nghỉ. Lần trở lại nhà này, cách đây hai năm, mang đến cho Thanh những trải nghiệm đặc biệt. Truyện thường xuất hiện hình ảnh quê hương bình dị, nhưng Thạch Lam đã biến điều này thành những cảm xúc sâu sắc và thư thái.

Khi bước vào không gian quen thuộc của ngôi nhà, Thanh cảm nhận một không khí trấn an và tươi mới. Hành trình từ cổng vào sân được mô tả tinh tế, với con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, ánh sáng chiếu qua vòm cây tạo nên không gian mơ mộng. Mùi của lá non tươi mới lan tỏa trong không khí. Những chi tiết nhỏ như vậy tạo nên một bức tranh hòa mình trong sự yên bình, tạo cho Thanh một cảm giác như đang trở về nguồn.

Khi bước vào nhà, Thanh gặp lại những hình ảnh quen thuộc, và sự yên bình của không gian bên trong so với sự xô bồ bên ngoài khiến anh cảm thấy nhẹ nhàng và an tâm. Mọi thứ vẫn giữ nguyên như ngày anh rời đi. Cảnh tượng này tạo nên sự khác biệt giữa hai không gian, tăng thêm giá trị của tình cảm gia đình trong tâm hồn Thanh.

Cảm xúc của Thanh khi trở về nhà là sự hân hoan và yêu thương, như tìm thấy sự bình an giữa những xô bồ của đời sống phố thị. Mô tả về cảm giác "mát hẳn người" khi bước vào khu vườn, hương thơm của hoa lan và không khí trong lành khiến độc giả cảm nhận được sự ấm áp và thư thái.

Tình cảm gia đình được thể hiện rõ qua việc Thanh nhớ về những kí ức ấu thơ khi ở bên bà. Mối quan hệ giữa Thanh và người bà được miêu tả qua những hành động chân thật, như việc bà "phẩy chiếc phất trần lên đầu giường" hay "sửa chiếu và xếp lại gối". Điều này làm nổi bật giá trị của tình cảm gia đình trong tác phẩm.

Tình yêu giữa Thanh và Nga, bạn thuở thơ ấu, được mô tả qua những cảm xúc và hành động tinh tế. Sự hiện hữu của cây hoàng lan làm nổi bật những kí ức đẹp và tình cảm của hai người. Mô tả về bữa cơm với Nga làm tăng thêm sự ngọt ngào và êm đềm cho tình yêu của họ.

Cảm xúc bâng khuâng và lưu luyến khi Thanh rời đi là điểm nhấn của câu chuyện. Mùi hương của hoàng lan và sự nhớ mong của Nga làm nổi bật sự chờ đợi và tình cảm sâu sắc trong lòng nhân vật.

Nhìn chung, Thạch Lam đã tạo ra một tác phẩm không chỉ kể về những hình ảnh quê hương bình dị mà còn chạm đến những cảm xúc tinh tế, sâu sắc và tình cảm gia đình. Bằng ngôn từ lụa và lối kể chuyện tinh tế, ông đã làm cho độc giả trải qua một hành trình đặc biệt về tuổi thơ và tình yêu.

-------------------------------------------------------

Trên đây là bài văn mẫu Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" (Thạch Lam). Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 CTST tập 2 , Ngữ văn lớp 10 KNTT tập 2.

Đánh giá bài viết
3 15.558
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10 CTST

    Xem thêm